CỤ HOÀNG MINH CHÍNH NGƯỜI TẠO RA NHỮNG CON ĐƯỜNG (Nguyễn Vũ Bình)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài 1 – Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh cụ Hoàng Minh Chính

Cụ Hoàng Minh Chính
Đầu năm 2001, sau khi thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, tôi có dịp gặp gỡ làm quen với các nhà đấu tranh dân chủ, trong đó có Cụ Hoàng Minh Chính. Ấn tượng gặp gỡ đầu tiên là một cụ già nhỏ nhắn nhưng có giọng nói sang sảng vượt xa sức vóc của bản thân cùng một đôi mắt tinh anh. Trong suốt những năm qua, những ảnh hưởng và sự giúp đỡ, dìu dắt của Cụ đối với tôi và gia đình không thể nói hết bằng lời. Nhưng trên hết tôi nhận thức được những đóng góp vô cùng to lớn của Cụ đối với phong trào Dân chủ Việt Nam.
Người tạo ra những con đường

Trong công cuộc vận động Dân chủ, chúng ta đã biết tới những bài viết của các nhà đấu tranh Dân chủ, những người phản tỉnh, những nhà văn, những trí thức quan tâm tới vận mệnh đất nước. Chúng ta cũng biết tới những kiến nghị thư, phản kháng thư tập thể ban đầu từ ba đến năm người tham gia ký và tăng dần số người theo thời gian. Những đơn thư tố cáo, tố giác tham nhũng, lạm quyền được truyền tay nhau và hình thức ban đầu của tổ chức là Hội (cụ thể là Hội Chống tham nhũng). Vậy thì những hình thức đấu tranh đó từ đâu ra? Có phải đột nhiên chúng ta có được ngay những hình thức đấu tranh mà hiện nay đã trở nên rất bình thường hay đó là một cuộc đấu tranh vô cùng kiên nhẫn, bền bỉ, khôn ngoan và rất can trường của những người đi trước. Không cần phải suy nghĩ nhiều chúng ta cũng có thể trả lời rằng đó chính là kết quả của một quá trình đấu tranh âm thầm, gian khổ trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt của những người đi trước. Những người đã bước những bước chân đầu tiên, đã tạo ra những lối mòn, những đường mòn mà sau này trở thành những con đường để cho các thế hệ kế tiếp bước đi và phát triển nó. Trong số những người đầu tiên đó thì Cụ Hoàng Minh Chính là người có công đầu và lớn nhất. Đây chính là đóng góp quan trọng nhất, vĩ đại nhất của Cụ Hoàng Minh Chính đối với phong trào Dân chủ Việt Nam.

Ngay từ những ngày còn ở Tạp chí Cộng sản, tôi đã được đọc một số bài viết ngoài luồng và sau này tôi được biết xuất phát điểm của những bài viết đó chính là từ nhà Cụ Hoàng Minh Chính. Khi đã tới nhà Cụ, tôi được Cụ phát cho những bài viết. Tôi thấy có vài ba người khi thì đến lấy bài đi phô tô coppy, khi thì mang mấy chục bản để đi tán phát. Thời gian đầu thì số lượng không nhiều (vài ba chục bản), nhưng sau đó thì số lượng ngày càng nhiều hơn đến một, hai trăm bản. Và tôi còn được biết những bản này sau khi tới một số địa điểm còn được nhân lên rất nhiều bản nữa.

Những ngày đầu tới gặp Cụ Hoàng Minh Chính, tôi còn được thấy Cụ và một số người đấu tranh Dân chủ rất hồ hởi và vui vẻ vì các Cụ vừa ký vào một kháng nghị thư mà tôi không nhớ nội dung nhưng được các Cụ nói là “Năm cụ già trên một chiếc xe tăng”. Sau đó một thời gian thì những kháng nghị thư, kiến nghị tập thể đó số người tăng lên rất nhanh 10 người, 18 người,..

Một điều đặc biệt nữa là tôi thấy nhà Cụ rất đông khách, gần như lần nào tôi tới cũng đều gặp khách đang ở nhà Cụ. Khách của Cụ thì đầy đủ các thành phần: nông dân, công nhân, trí thức, cựu chiến binh… tất cả đều được Cụ tiếp đón với một thái độ nhiệt tình, trân trọng và cởi mở. Có một lần Cụ chỉ vào tập bài viết (khoảng vài ba gang tay) và nói: “Cháu tưởng là để có được những cái này như ngày hôm nay mà đơn giản à?” – Vâng, tôi biết là không hề đơn giản. Cụ đã mất hàng chục năm trời kiên nhẫn tìm ra và âm thầm thực hiện cách thức để thông tin tới các tầng lớp trí thức, những người quan tâm tới vận mệnh dân tộc mà sau này Nhà nước Việt Nam đã định hình thành hẳn một tội danh: “Tán phát các tài liệu chống lại chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”

Người bảo trợ về tinh thần cho các nhà đấu tranh Dân chủ, nhất là những người trẻ tuổi

Có thể nói, bất cứ người tham gia đấu tranh Dân chủ nào ngay khi bước vào cuộc đấu tranh đều tìm đến với Cụ. Có thể là đều đã được nghe danh tiếng của Cụ, có thể là biết rằng đến gặp Cụ sẽ được gặp gỡ, quen biết với những người đấu tranh Dân chủ khác. Và quả thực khi đến với Cụ tất cả đều được Cụ trân trọng, quan tâm và giúp đỡ không khía cạnh này thì khía cạnh khác. Khi đã đến được với Cụ thì mọi người đều yên tâm như đứng dưới một mái nhà chung có Cụ là trụ cột cho các hoạt động chung của phong trào Dân chủ. Tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người đấu tranh Dân chủ và những người này dù xuất thân, hoàn cảnh, tính cách rất khác nhau thậm chí có những người không hợp, không ưa nhau nhưng khi nói tới Cụ Hoàng Minh Chính thì tất cả đều phải công nhận Cụ là thủ lĩnh tinh thần của những người đấu tranh Dân chủ. Những người trẻ tuổi như tôi, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang được Cụ đặc biệt quan tâm bởi vì chúng tôi là những người trẻ tuổi đầu tiên đã tham gia vào cuộc đấu tranh dân chủ đến với Cụ. Ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, Cụ đã quan tâm hỏi han về hoàn cảnh gia đình, các con và Cụ rất hay cho quà các cháu nhỏ khi tôi tới thăm Cụ. Sau này tôi được biết, Cụ đã giúp đỡ vợ và các con tôi rất nhiều trong những ngày tôi ở tù. Cụ như một người cha đối với vợ chồng tôi và như một người ông đối với các cháu nhỏ. Tôi rất tâm đắc với Phạm Hồng Sơn khi anh nói rằng tình cảm của Cụ đối với anh em mình thì rất bao la.

Người giữ vai trò tập hợp của phong trào Dân chủ

Tôi không được tham gia và chứng kiến cuộc đấu tranh Dân chủ thời kỳ sôi động 2005 – 2006 nên không rõ những hoạt động của Cụ giai đoạn này. Nhưng thời gian gần hai năm hoạt động bên Cụ trước khi bị bắt, tôi nhận thấy rõ vai trò tập hợp của Cụ trong phong trào Dân chủ. Từ việc tổ chức phân công người trong việc phát tán tài liệu Dân chủ, việc tổ chức kháng nghị, kiến nghị tập thể đến các cuộc gặp gỡ, trao đổi chung của các nhà đấu tranh Dân chủ cho tới việc hình thành Hội chống tham nhũng Cụ đã thể hiện được vai trò thủ lĩnh, tập hợp được các nhà Dân chủ trong các hoạt động đấu tranh với mục tiêu chung. Để có được vai trò tập hợp đó, Cụ đã được mọi người thừa nhận cái tâm trong sáng, ngọn lửa đấu tranh cho Tự do Dân chủ vô cùng mạnh mẽ cũng như khả năng tổ chức và nhìn nhận, phân công từng con người vào công việc cụ thể. Đối với cá nhân tôi, Cụ là lãnh tụ của phong trào Dân chủ không cần phải bàn cãi. Vậy nên, tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe được tin nhóm này, nhóm kia đã phản đối Cụ khi Cụ có ý kiến đại diện cho phong trào Dân chủ.

Tôi vẫn thường tâm niệm với bản thân, và cũng có lúc tâm sự với người này, người kia, cụ Chính là người thầy của tôi trong hoạt động thực tiễn và người thầy về bản lĩnh. Tôi đã có những kỷ niệm, những bài học mà Cụ đã dạy cho tôi cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Khi tôi làm đơn xin thành lập đảng Tự do – Dân chủ (2/9/2000), tôi có chuyển lá đơn và bài viết ( “Việt Nam và con đường phục hưng đất nước”) tới những nhà Dân chủ với hy vọng họ sẽ chuyển tài liệu đó ra nước ngoài. Nhưng mấy tháng liền tôi không nhận được hồi âm và khi đó tâm trạng của tôi rất bức xúc. Khi đã gặp gỡ cụ Chính và những người đấu tranh Dân chủ khác, tôi được biết cụ Chính là người đã giữ tài liệu đó nhưng không chuyển ra nước ngoài. Tôi vẫn rất bức xúc. Nhưng sau đó một thời gian, tôi đã hiểu ra và thầm cảm ơn Cụ vì Cụ đã giải thích là khi đó chưa biết tôi là ai, thật giả thế nào và quan trọng hơn là Cụ lo khi chuyển những tài liệu đó ra ngoài có thể tôi sẽ bị bắt, và Cụ muốn bảo vệ tôi.

Kỷ niệm thứ hai là năm 2002, thời gian trước khi tôi bị bắt, tôi và một số người nữa đã đề nghị Cụ tái lập đảng Dân chủ. Chúng tôi đề nghị và áp lực lên Cụ rất mạnh mẽ nhưng Cụ cương quyết từ chối. Khi đó tôi chưa có kinh nghiệm nên không thừa nhận sự giải thích của Cụ là thời điểm đó chưa chín muồi và nếu thực hiện sẽ bị đàn áp nặng nề, dẫn tới tổn thất rất lớn cho phong trào Dân chủ mà bao nhiêu năm mới xây dựng được như vậy. Sau này khi ở trong tù, tôi đã công nhận là Cụ đúng và có nhắn người ra ngoài nói với Cụ là tôi hoàn toàn đồng ý với Cụ về việc đó.

Một kỷ niệm nữa cho thấy Cụ là người rất thực tế, khi thấy những ý kiến đúng là thực hiện ngay. Năm 2001, trong một lần ra thăm nhà cụ Trần Độ, gặp cả ông Phạm Quế Dương ở đó. Tôi thấy cụ Trần Độ hỏi ông Phạm Quế Dương về Hội Chống tham nhũng và ông Lê Khả Phiêu, sau đó hai người cười khà khà với nhau. Tôi có gặp và hỏi Cụ Chính về chuyện này. Cụ Chính nói rằng đây là việc đang tiến hành, cháu nghe thì biết vậy. Đang có kế hoạch lôi kéo ông Lê Khả Phiêu đứng ra lập Hội Chống tham nhũng. Ban đầu tôi cũng không chú ý lắm đến việc này, nhưng sau đó suy nghĩ kỹ tôi thấy ý tưởng đó là rất hay. Tôi có tới nhà Cụ Chính và trao đổi lại với Cụ. Tôi hỏi Cụ là nếu ông Lê Khả Phiêu không tham gia thì sao, hoặc nếu ông Lê Khả Phiêu tham gia nhưng sau đó bị áp lực mà bỏ giữa chừng thì thế nào? Chúng ta sẽ từ bỏ việc này hay sao? Vậy chỉ còn cách là Bác cháu mình tự làm thôi. Cụ Chính nói “đúng rồi”, để Bác trao đổi với ông Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê ngay. Và sau đó có việc thành lập Hội Chống tham nhũng.

Nói về bản lĩnh của Cụ Hoàng Minh Chính, tôi không đủ tư liệu để viết. Nhưng trong phạm vi mà tôi nhận thức và cảm nhận được thì đúng là tôi còn phải học tập Cụ rất nhiều. Nói về bản lĩnh thì có hai vấn đề quan trọng. Đó là bản lĩnh để đương đầu với sự đàn áp và bản lĩnh để giữ vững ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong những hoàn cảnh khó khăn, cô đơn. Với cá nhân tôi, bản lĩnh để đương đầu với sự đàn áp tôi có thể theo được Cụ nhưng còn bản lĩnh để giữ vững ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong hoàn cảnh khó khăn, cô đơn và kiên trì cách mạng thì tôi còn phải học tập ở Cụ rất nhiều. Những ngày gặp Cụ khi Cụ còn tỉnh táo, qua trao đổi tôi biết Cụ có nhiều nỗi ưu tư về phong trào Dân chủ hiện nay. Hai Bác cháu trao đổi và đều hiểu được những khó khăn và phức tạp của phong trào Dân chủ. Nhưng khi nói chuyện với những người khác, Cụ vẫn thể hiện được tinh thần lạc quan. Tôi rất mừng là những ngày tháng cuối Cụ đã rất vui khi nghe được tin về Thanh niên – Sinh viên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi luôn tin là hiện nay ở một nơi nào đó, Cụ vẫn đang dõi theo từng bước đi của phong trào Dân chủ và phù hộ cho phong trào Dân chủ sớm có được thành công, đất nước sẽ có Dân chủ, nhân dân được Tự do trong một ngày không xa nữa.

Tôi xin có câu đối nôm na để tiễn đưa Cụ về cõi vĩnh hằng:

Vì Độc lập hiến trọng tuổi thanh xuân!

Vì tự do hy sinh cả cuộc đời!

Cầu chúc linh hồn Cụ về cõi Niết Bàn!

Theo blog RFA