CÒN GÌ ĐỂ VIẾT ? (Cao nguyên)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of rose

Em hỏi – Bây giờ anh có còn thích viết? Như em thấy đấy, anh còn gì tha thiết?
Viết về Tình Yêu ư ? Vẫn những lời thương nhớ, những đau buồn vì xa xôi cách trở! Mà hằng ngày em đọc rất nhiều ở những trang Thơ trên online, trên báo giấy…! Thậm chí, cả trên những bức tường ở những công viên. Mọi người đã phung phí thời gian và chữ nghĩa vào đó quá nhiều. Rồi được gì hở em? Ngoài những nhớ thương mà mình đã biết. Ngoài những tin yêu mà mình sợ mất !
Sự tha thiết hôm nay, ngày mai thành hoài niệm! Những mất mát trong quá khứ cho ta hôm nay có những nỗi đau! Nhưng anh nghĩ những nỗi đau này không đủ lớn bằng nỗi đau ở chung quanh ta. Những đứa bé chưa bao giờ được đi học! Những cô gái phải sống trong các ổ mãi dâm, hay trong tay những tên cuồng tâm thô bạo! Những người già gần chết không có người chăm sóc!
Một cuộc đời là thế nào hở em? Tiếng khóc lăn từ trên nôi xuống, chảy dọc theo tháng năm của bước chân mình.
Từng vũng nước mắt và máu loang lổ quanh ta hơn nửa thế kỷ qua, là số phận nghiệt ngã mà mình phải trải! Và thế là cuộc đời?
Anh muốn viết – và anh đã viết – về những cảm nhận đó, để nói với chính mình như một nhắc nhở về ý nghĩa của một cuộc đời.
Có ai muốn chia xẻ với mình không?
Có chứ em.
Chẳng qua là người ta không muốn đèo bồng thêm những đau buồn, khi mà chính họ đã phải vất bỏ bớt trên đường đi tới.
Bởi vì nó quá nặng, chỉ sợ không mang nổi suốt đời. Chính anh và em cũng vậy.
Liệu mình còn mang được bao nhiêu nỗi đau vào người? Anh sợ mình cũng không kham nổi, nếu mãi viết về những nỗi đắng cay.
Nhưng bỏ viết hẳn ư?
Không. Chắc hẳn là không thể khi biết mình không chỉ sống vì chính mình trước những tang thương của sông núi, trước những khổ đau của dân tộc.
Giáp mặt với bối cảnh đó trong từng đoạn thời gian đi qua, có bao nhiêu những tráng khúc được viết nên bởi Văn Thơ và Ca Nhạc? Nếu có, cũng dễ dàng bị nhấn chìm trong bụi khói của ngọn lửa chiến tranh. Thậm chí những tình khúc cũng nặng lời tang chế ngậm ngùi bởi mức độ tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến bi thương!
Đỉnh cao của sự bi thương thoát lên tiếng thét gào thảm thiết từ các hố chôn người tập thể vào đầu Xuân 1968 ở Huế, và cái chết bi thảm của hằng triệu người trong các cuộc triệt thoái và di tản đã làm quặn đau mọi trái tim người.
Đến nỗi vết rạn nứt trong tim mãi còn buốt đau sau hơn 47 năm qua, và mãi mãi không thể nào lành vết và yên ả. Có ai dám tự đứng ra nhận lấy cái trách nhiệm về vết chém lịch sử này không
Chắc là Không!
Càng không chắc về một trách nhiệm với non sông, với dân tộc về một cuộc tháo chạy:
“… những cuộc đời đi quên lời tiễn biệt
nghẹn lòng đau tha thiết biết chừng nào!”
Và chính sự tha thiết đến nghẹn lời mà anh còn tiếp tục viết khi thấy còn đủ sức để viết về anh, về bạn anh, về những thân thương của anh, suốt hành trình một đời đi trong gió lốc của một vận nước không may. Dẫu gì anh cũng muốn để lại cho con cháu và những người bạn trẻ của anh một chút di ngôn:
“Hãy tiếp bước Cha Ông đi về Nguồn bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết như khi Cha Ông nhập cuộc lên đường giữ và dựng Nước, với sự thấu hiểu về nguyên ủy lưu vong của gia đình, của những thân thương. Để biết mình phải làm gì không phụ lòng những di ngôn gửi lại. Việt Nam vẫn là cái nôi hùng khí đáng tự hào”.
Viết để nối tiếp lời theo những người đã viết về thiên anh hùng sử Việt Nam. Rất thật, rất chân thành về Người và Đất quê hương trong khát vọng hồi sinh!
Cao Nguyên