CHUYỆN VỀ THIẾU TÁ NGYỄN PHÚC SÔNG HƯƠNG (Bảo Định-Nguyễn Hữu Chế)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Phúc và tôi đều là dân của miền Sông Hương – Núi Ngự. Chúng tôi gặp nhau tại chiến trường Xuân Lộc, vùng đất đỏ của miền Đông Nam bộ. Phúc đi khóa 12 Thủ Đức, trước tôi một khóa. Cùng là dân Huế, cũng có thể cùng dân Quốc Học, lại học chung quân trường. Khi tôi vào Thủ Đức giai đoạn1, thì Phúc lên giai đoạn 2, là huynh trưởng của tôi. Chúng tôi đã cùng chung mái quân trường trong 6 tháng, nhưng chưa hề quen biết nhau.

          Tại Sư đoàn 18 Bộ Binh, Phúc phục vụ tại Trung đoàn 48, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, tôi ở Trung đoàn 43,Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn 3/48 và Tiểu đoàn 2/43 là những đơn vị hàng đầu của Sư đoàn18BB. Chúng tôi nghe danh của nhau, và quen biết nhau từ dạo ấy.

          Sau 12 ngày đêm chống trả mãnh liệt trước nhiều cuộc tấn công của Quân đoàn 4 quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt, được tăng cường Trung đoàn 95B và Sư đoàn 325,  đã gây cho chúng thiệt hại hơn 6 ngàn cán binh “Sinh Bắc Tử Nam”, 37 xe tăng T-54 và xe bọc thép PT-76 bị bắn cháy, chưa kể con số thiệt hại lối 10 ngàn tên do 2 trái bom BLU-82 gây ra trong đêm 15 rạng ngày 16 tháng 4 tại vùng đồn điền cao su Bình Lộc. Con số thiệt hại của quân CSBV do phi pháo gây ra rất lớn thì không kiểm chứng được.

          Quân ta đã đại thắng trong trận chiến Xuân Lộc, đã giữ vững phòng tuyến và không mất một tấc đất nào. Nhưng do tình hình biến chuyển mau lẹ, quân CSBV không đột phá được “Tuyến thép Xuân Lộc”, chúng đã tìm cách đi vòng để đánh Biên Hòa và tiến về Sàigòn.  Giờ đây chúng đã có thêm Quân đoàn 2 của Tướng Nguyễn Hữu An và Sư đoàn 3 của Quân khu 5, đặt dưới sự thống lĩnh của Tướng Lê Trọng Tấn. Quân đoàn 4 của Tướng Cầm bây giờ chỉ còn nhiệm vụ bao vây và cầm chân Sư đoàn 18.

          Dù đang thắng lợi, Sư đoàn 18 đã được lệnh lui binh!

          Lui binh về giữ Biên Hòa, bảo vệ Sàigòn.Trong binh pháp, hành quân lui binh là hành quân tệ hại nhất. Lui binh là đưa lưng cho địch bắn. Nhưng cuộc hành quân lui binh đêm 20 rạng ngày 21 tháng 4 năm 1975 của Sư đoàn 18BB và các đơn vị tăng phái, gồm Lữ đoàn 1 Dù, Tiểu đoàn 82/BĐQ, và lực lượng diện địa của  Tiểu khu Long Khánh đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên trong sự thành công tốt đẹp đó, đã có một thất bại nho nhỏ, đó là Tiểu đoàn 2/43 của Thiếu tá Nguyễn Hũu Chế, đơn vị có nhiệm vụ đánh nghi binh, đánh chận hậu để cho đại quân rút ra an toàn. Khi đơn vị cuối cùng của đại quân rời Long Giao vào lúc 4 giờ 30 sáng, thì Tiểu đoàn 2/43 vẫn đang trụ tại Núi Thị, căn cứ hỏa lực mà đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ trong suốt trận chiến Xuân lộc, đang xử dụng hai khẩu pháo 105 ly nã vào đầu địch trong vùng đồn diền cao su Bình Lộc, đó là nơi tập kết bộ đội của Sư đoàn 341/CSBV,và bộ đội từ Cao Nguyên xuống. Hai khẩu pháo đã bắn liên tục, bắn cho hết đạn, để rồi vào lúc 5 giờ sáng, nhận lãnh 2 trái lựu đạn phá banh nòng, trước khi Tiểu đoàn xuống núi, bắt đầu cuộc hành quân lui binh đơn độc trong biển giặc. Lúc này toán quân sau cùng của đại đơn vị đã qua khỏi Cẩm Mỹ, và tiền quân đã về đến Bình Giả.

          Sau 4 ngày 3 đêm bị Sư đoàn 341/CSBV truy đuổi trong khu rừng rậm, cuối cùng toán quân thất lạc  còn lại gồm 28 người, đã được trực thăng bốc về Long Bình. Và Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế là người sau cùng, lên chiếc trực thăng sau cùng thoát được nguy hiểm, bằng cách nhảy lên bám vào càng trực thăng, khi trực thăng đã cất cánh, vì giặc đã tràn vào bãi đáp, bắn xối xả bằng B-40 và AK-47!

          Câu chuyện vượt thoát đầy gian nguy của 28 người trong khu rừng rậm bị giặc bao vây và truy đuổi, có lúc tưởng đã bị tiêu diệt, nhưng do bản năng sinh tồn, sự khôn khéo và tính chịu đựng vốn có của người lính chiến QLVNCH, họ đã lách được ra khỏi vòng vây địch. Câu chuyện đầy tính bi hùng này đã được Nhà văn Nguyễn Phúc Sông Hương kể lại qua bài viết “Người Linh Đeo Càng Trực Thăng”.

          Trận chiến đã qua đi 48 năm tròn, nhưng tên tuổi của vị chủ tướng, Thiếu tướng Lê Minh Đảo, người đã chỉ đạo quân sĩ để tạo nên chiến thắng oai hùng lịch sử đó vẫn không bao giờ phai mờ. Mỗi lần nhắc đến chiến thắng Xuân Lộc, người ta lại nhớ đến bài thơ đầy tính bi hùng  “Nửa Hồn Xuân Lộc” của Nguyễn Phúc Sông Hương. Và cũng không thể nào quên câu chuyện “Người Lính Đeo Càng Trực Thăng” cũng mang tính bi hùng không kém./.

Michigan, ngày Quốc Hận lần thứ 48

Bảo định Nguyễn Hữu Chế