CHUYẾN THĂM NUÔI ĐẦU TIÊN (Trương Đỗ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: one or more people and outdoor

No automatic alt text available.

Đã lâu tôi muốn viết lại những kỷ niệm của những chuyến đi thăm nuôi “tù cải tạo”, nhưng cuộc sống hàng ngày đã cuốn mất đi thời gian. Hôm nay đọc được bài “Đi thăm Cù Huy Hà Vũ” của Phạm Đình Trọng đăng trên web Dân Làm Báo, mô tả chuyến thăm nuôi TS Cù Huy Hà Vũ tại trại Lam Sơn, Thanh Hóa vừa rồi của chị Dương Thu Hà. Bao kỷ niệm về những cuộc thăm nuôi người thân của tôi cũng đã từng bị nhốt ở trại này quay về. Tôi viết ra như một sự chia xẻ, không phải là sự so sánh. Tôi nghĩ chị cũng cùng chung cảnh ngộ như chúng tôi ngày nào, vì ở giai đoạn nào người thân của chúng ta cũng là người yêu nước, yêu quê hương Việt Nam bị Cộng Sản Việt Nam cầm tù.

Đếm lại thời gian thì ra đã 37 năm kể từ khi niềm Nam bị mất. Đó là khúc quanh lịch sử. Ít nhiều trong mỗi người dân miền Nam đều có một sự mất mát, cái mất mát không thể chối cãi là 2 chữ TỰ DO.

Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu vì chuyện của tôi cũng là chuyện của đa số những phụ nữ miền Nam có người yêu, có chồng, có người thân bị đi “cải tạo”.

Thời gian đó chúng tôi còn rất trẻ, tôi sắp tốt nghiệp Sư Phạm, hôn phu của tôi chưa quá tuổi 30. Ước mơ của chúng tôi rất bình thường là có một mái ấm gia đình, nhưng không ngờ biến cố 75 đã đánh sập nó đi và cướp đi luôn tuổi trẻ hăng say của thế hệ chúng tôi.

Hai chúng tôi sống không cùng thành phố nên trước khi bị tập trung với danh từ hoa mỹ là “học tập”. Anh viết cho tôi lá thư với nội dung là theo lệnh của Ban Quân Quản Sài Gòn, anh làm đơn “xin đi học tập” trong vòng 30 ngày, mang theo bút giấy và thức ăn. Trên thế giới này chắc chỉ có nhà nước Cộng Sản Việt Nam là nước duy nhất, lịch sự nhất bắt người ta ở tù có đơn xin đính kèm. Ngày tập trung là thứ sáu 13 tháng 6 năm 1975. Anh bảo tôi yên tâm.

Lẽ ra đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 3 tháng 4, nhưng ngày 10 tháng 3 mất Ban Mê Thuột, tiếp đến 2 tháng 4 mất Nha Trang, nên đám cưới đã đình lại. Tưởng rằng đi 30 ngày nào ngờ biền biệt tăm hơi. Mãi 2 năm sau tôi mới nhận được thư anh không đề nơi chốn, không có dấu bưu điện nơi gởi. Qua lời thư tôi đoán biết anh đã bị đưa ra Bắc nhưng không biết nơi nào.

Rồi 2 năm sau nữa tức là năm 79 tôi nhận được thư anh gởi lén nhân dịp chị Dung thăm nuôi chồng mang về cho tôi, anh xin gia đình đi thăm-nuôi. Thì ra thời gian qua anh bị giam ở Quảng Ninh, vì Trung Quốc đánh chiếm biên giới nên họ chuyển các anh vào trại 5 còn gọi là trại Lam Sơn hay trại Lý Bá Sơ – Thanh Hóa. Sau này các anh nghe Cán Bộ nói lại lúc đó nếu Trung Quốc đánh sâu vào Việt Nam tí nữa, việc đầu tiên là bắn bỏ tù cải tạo miền Nam trước. ì họ sợ Trung Quốc cướp tù binh.

Tôi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc thăm nuôi đầu tiên:

Nghe nói trại cho mang vào 60kg hay 6 yến vì cứ 10 kg gọi là 1 yến, danh từ này lạ với tôi. Thời gian đó lương thực bán theo tem phiếu nên mọi thứ phải mua chui, nhất là thuốc men. Các thức ăn phải chế biến mới để lâu được, như mắm ruốc sả, tương sả ớt, cơm sấy, nước mắm kho quẹt… Khâu bao bì phải kỹ kẻo đổ bể dọc đường. Trước đây anh không hút thuốc lá vì tôi không thích. Nay anh xin thuốc Lào để hút chống lạnh; tôi đi tìm loại thuốc nào ngon nhất mà mua. Thật lòng mà nói thời gian này nếu không nhờ vào sự động viên của cha mẹ, các anh chị em, nhất là 3 đứa cháu Ti, Trang, BamBi sau này thay phiên đi thăm nuôi cùng tôi chắc tinh thần tôi xuống dốc trầm trọng. Tất cả đã chuẩn bị xong chỉ đợi giấy thông hành là loại giấy do Công An thành phố cấp chấp thuận cho đi khỏi thành phố.

Bắt đầu cuộc hành trình thăm nuôi:

Thú thật với các bạn thời đó tôi thuộc dạng nhỏ con, người không đủ tấc, không biết gánh gồng nên phải cậy nhờ thằng cháu 13 tuổi đi cùng, đỡ tay, đỡ buồn, đỡ cô đơn. Chị Dung mang theo 2 con nhỏ, cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi được sanh sau khi anh đi tù, nên cháu không biết mặt cha do đó khi gặp mặt nó nói “Ba gì mà không giống Ba trong hình”.

Chúng tôi xuất phát từ ga Nhatrang, ra Thanh Hóa phải mất 2 đêm 3 ngày trên tàu.

Ngày thứ 3 kể từ ngày khởi hành chúng tôi đến Thanh Hóa, phải ở lại 1, 2 đêm tùy theo giờ tàu tới, để sáng hôm sau mới có xe lên trại. Thời gian này chúng tôi đi tìm hiểu trại ở đâu, đi bằng cách nào. Sợ nhất là gặp mưa nguồn, đường lên trại thế nào cũng bị lụt, không thể đi được phải nằm lại Thanh Hóa.

Sáng sớm của ngày thứ 5, chúng tôi lên trại. Không biết bây giờ phương tiện giao thông có khá hơn chứ lúc bấy giờ rất tệ. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe lên vùng cao và một chuyến xe về miền xuôi tức về phố Thanh Hóa. Xe đò ở đây cũng khác xe đò trong Nam. Chắc dân chúng không có hành lý nên mái xe cong cong không bằng phẳng và không có khung để hành lý như xe trong Nam. Hành lý thăm nuôi tương đối cồng kềnh nên chúng tôi phải tự sắp xếp lấy. Tôi trở thành lơ xe, tự trèo lên mui xe cao và cong, thòng dây kéo hành lý lên mui với sự hỗ trợ của chị Dung và đám con nít phía dưới, trước mắt đám đàn ông thanh niên. Chắc họ sống dưới chế độ XHCN lâu rồi nên không biết giúp đỡ phái yếu. Tôi trói gà không chặt nhưng cũng phải ra sức cột chặt các bao đồ thăm nuôi, kẻo đường đi gập ghềnh không khéo đến nơi không còn gì tiếp tế. Lúc đó tôi thấy tôi giỏi thật.

Tôi không biết từ Thanh Hóa lên trại 5 Lam Sơn bao nhiêu cây số, nhưng mãi đến trưa chúng tôi mới đến được ngã 3 Cẩm Thủy đường rẽ vào trại, lúc đó đã có vài gia đình đứng đợi. Từ ngã 3 này đi bộ vào trại cũng khá xa. Chắc là đợt đầu trại cho thân nhân thăm nuôi tiếp tế nên trại có xe trâu ra chở hành lý. Các năm sau không có dịch vụ này. Lâu quá tôi không còn nhớ trại tính bao nhiêu tiền mỗi một yến (10kg). Xe trâu đó chỉ chở hành lý, không chở người. Từ đường cái vào trại, hai bên vách đá cheo leo, không một bóng cây, tôi thấy tôi nhỏ bé giữa núi rừng. Thì ra đây là địa danh Lam Sơn nơi Lê Lợi hãm quân, bên ngoài quân Tàu bao vây, nên Lê Lai đã giả dạng làm Lê Lợi, liều mình cứu chúa mà trong Nam trước 75 thời tiểu học chúng tôi đã được học.

Lên tới đây, tôi thầm thán phục các bà chị đi trước, từ trong Nam mà đã tìm ra được nơi giam giữ người thân của mình như nơi đây.

Nơi đây có 3 trại nhốt Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa và một ít tội hình sự. Chúng tôi theo xe trâu đi qua trại A, trại B mới đến trại C là trại giam người nhà chúng tôi. Lúc này vào trại C chỉ có 2 gia đình chúng tôi. Vào đến Nhà Thăm Nuôi cũng đã hết giờ lao động nên nghe không gian tĩnh mịch quá, không biết rằng nơi đây đang giam giữ, tù đày mấy ngàn con người vì vận nước nên trở thành người bại trận. Lòng tôi đau thắt thương cho người thân của tôi, thương cho hàng ngàn thanh niên trong tù kia phải sống kiếp lưu đày biệt xứ. Trại C là trại mới, tù nhân bị bắt trồng tre bao quanh trại, vòng ngoài là hồ sen bao la. Thâm độc thật! vì khi tre đã lớn nó trở thành một vòng đai vững chắc, tù nhân khó vượt qua hơn cả tường thành. Đúng vậy năm sau tôi ra, chỉ một năm thôi hàng tre lên cao xanh rì. Xa xa từ Nhà Thăm Nuôi nhìn về hướng trại giam, chắc chắn các bạn không biết bên trong vòng lũy tre đó có sự sống nhưng cũng là cõi chết của hàng ngàn thanh niên miền Nam.

Chiều chúng tôi ra nhà dân mua thêm ít đồ tươi như chuối, kẹo, bánh, và vài lon gạo nếp để nấu xôi. Trong Nam mình gọi là 1 lon gạo, 2 lon gạo, dân ở đây họ gọi là 1 bò gạo, 2 bò gạo, chắc là lon sữa bò đó. Mang ra được mấy cây lạp xưởng, chúng tôi phải chiên trước và cắt nhỏ vì nghe nói vào trại có Cán Bộ kiểm tra không biết tưởng là cây đèn sáp (cây nến) thì sẽ bị tịch thu ngay. Tất cả phải được chuẩn bị sẵn để ngày mai thăm nuôi.

Đêm đó tôi không sao chợp mắt được dù rất mệt, miên man suy nghĩ về cuộc gặp mặt ngày mai, chắc anh cũng vậy. Bên ngoài đêm đen sâu thẳm, tiếng côn trùng rã – rích, thêm vào đó Nhà Thăm Nuôi mới cất nên ban đêm tre nứa giãn nở kêu răng rắc. Nước mắt tôi cứ tuôn, nếu có khiếu văn chương chắc tôi đã trở thành thi sĩ. Đám nhỏ vô tư quá, hay quá mệt nên đã ngủ say; chỉ còn lại hai chị em nói chuyện cho đỡ buồn. Đang chuyện trò thì nghe trên mái tranh tiếng chuột rượt đuổi nhau, phải nói nhiều lắm, cả bầy. Tôi lo sợ nó sẽ xuống ăn hết đồ tiếp tế của chúng tôi. Nghe nói có người đã bị bầy chuột này cắn phá hết đồ đạc. Tôi trở nên mê tín khấn vái “lạy các ông Thiên xin đừng cắn phá đồ đạc tiếp tế người thân của chúng tôi đang bị tù đày ở đây…”. Không biết bầy chuột có hiểu tiếng người hay không mà biến mất. Đến sáng đồ đạc không hề hấn gì cả.

Ngày hôm sau là ngày thứ 6 kể từ ngày lên tàu. Cán Bộ (Công An) dẫn 2 anh ra phòng làm việc, chúng tôi không phải đi xa vì phòng làm việc của Cán Bộ sát 2 phòng ngủ của thân nhân trại viên. Trong phòng làm việc của Cán Bộ cũng là phòng tiếp tân, ngoài cái bàn làm việc ra còn có một cái bàn to và dài, hai bên có 2 băng ghế. Chúng tôi ngồi 2 bên, Cán Bộ ngồi ở đầu bàn theo dõi, họ dặn dò không được nắm tay, không được nói nhỏ. Đã 4 năm lao động khổ nhục chắc cũng không đủ ăn nên tôi không nhìn ra anh, duy cái cười âu yếm ngày nào là không thay đổi. Hai chúng tôi không biết nói gì với nhau ngoài những câu anh hỏi thăm sức khỏe người nhà. Tôi cắn môi để cố ngăn dòng nước mắt, anh nhìn tôi người vợ sắp cưới mà lắc đầu xót xa.

45 phút thăm nuôi trôi qua nhanh, vượt bao gian khổ chỉ được gặp nhau 45 phút. Các anh nhận quà tiếp tế (vào bên trong họ mới kiểm soát). Có bịn rịn, nấn ná cũng không được vì Cán Bộ thúc hối. Họ không cho khóc vì “làm như thế các anh không yên tâm học tập tốt, lao động tốt”. Anh trở lại trại giam, tôi uất nghẹn muốn gào thét nhưng không dám chỉ biết bưng mặt khóc. Nhìn bóng lưng anh xa khuất bên kia dốc, vậy là cách biệt.

Vì trút hết lương thực cho các anh, nên đến chiều chúng tôi ra nhà dân mua khoai mì về luộc để ăn. Đêm nay tôi lại không ngủ được, buồn lắm.

Sáng sớm hôm sau là ngày thứ 7 trong cuộc hành trình, chúng tôi cuốc bộ ra khỏi trại. Xa xa có toán trại viên đang làm gạch, tôi thấy các anh ngừng tay ngẩng lên, dõi mắt theo chúng tôi như muốn gởi bao thương nhớ về Nam.

Đường ra khỏi trại sao dài quá, đôi chân tôi nặng trĩu dù không còn hành lý. Ra đến quốc lộ chúng tôi đón xe về xuôi, hên thì có xe nếu không hên thì phải quay lại trại ngủ. Núi đồi hiu quạnh quá nên tiếng vo-vo của bầy muỗi đeo theo bầy trâu mà tôi cứ lầm là tiếng xe hơi đang từ bên kia núi chạy xuống. Cuối cùng cũng quá giang được xe Bộ Đội về đến ga Thanh Hóa.

Chắc chắn là không thể mua được vé xe lửa về rồi, nên chúng tôi phải chui rào vào ga trước. Chỗ này tôi đã để ý từ hôm mới đến. Vì đến 9 giờ tối tàu Thống Nhất mới vô Nam, nên chúng tôi lên các toa trống trong ga để trốn kẻo đến giờ tàu tới không có vé là bị đuổi ra. Tôi thầm cầu được về ngay trong đêm nay là tốt nhất. Lên được trên tàu, trả tiền riêng cho Kiểm Soát Viên, dù bị ngồi ở ngoài chỗ nối 2 toa, thế nào cũng gần cầu tiêu, nhưng miễn sao được về nhà sớm là mừng rồi.

Rồi tàu cũng đến. Xa xa nghe tiếng còi tàu tụi nhỏ reo lên. Vì lần đầu tiên không có kinh nghiệm, chúng tôi đứng bên này đường tàu, mặt hướng vào nhà ga. Thì ra khi tàu đến họ đóng tất cả các cửa toa phía chúng tôi đang đứng, chỉ mở cửa phía đối mặt nhà ga. Chúng tôi kéo nhau đi vòng từ đuôi tàu để ra phía trước. Đuôi tàu là toa số 1 gường nằm, gặp cô Kiểm Soát Viên người miền Bắc nhiệt tình, hiểu được hoàn cành nên dẫn chúng tôi đến gặp Kiểm Soát Viên toa số 4 là toa dành cho khách đến và đi từ Nha Trang để xin cho chúng tôi lên tàu. Nhìn lên toa tàu thấy cũng còn chỗ trống, lại được nghe giọng nữ Kiểm Soát Viên này là người miền Nam, tôi mừng trong lòng chắc thế nào cũng được lên tàu để về. Chúng tôi đợi mãi sao không thấy cô ta nhường lối cho chúng tôi lên, mà cứ đứng áng ở bậc tam cấp. Đến khi tiếng còi tàu vang lên báo hiệu tàu rời ga, cô ta mới bước hẳn lên tàu. Tàu từ từ chuyển bánh, thấy vậy cháu tôi lật đật nhảy lên tàu trước, định đưa tay kéo chị Dung lên. Tôi và 2 đứa nhỏ chạy lúp xúp theo tàu. Tôi định khi chị lên được thì tôi sẽ đưa 2 đứa nhỏ tiếp lên. Nào ngờ đoạn tàu chạy chậm ngắn quá, tàu tăng tốc độ lại nhanh lên. Tôi thấy chị lúng túng ở tam cấp tàu, chân trên chân dưới, chị lên không kịp. Chị Dung lại có bịnh mắt quáng gà do đó trượt tay, té ngã ra sau rớt lại trên thềm ga, thấy vậy cháu tôi nhảy xuống. Với cảnh tượng này có một số em bán thuốc lá trong sân ga chạy tới ôm vai giữ chị lại. Tôi nghe tiếng mất tiếng còn các em ấy gào “cô ơi! cô ơi!”. Tôi kinh hoàng nhưng phải ôm chặt 2 đứa nhỏ sợ chúng bị cuốn vào tàu. Toa cuối cùng vụt qua, tôi nghe các em bán thuốc lá lao xao quanh chị. Vội buông 2 đứa nhỏ, tôi chạy đến. Trong lòng lo sợ nếu 2 chân của chị bị vướng vào tàu chắc không còn nữa. Nhìn chị ngồi bệt trên thềm ga không cách xa đường tàu là mấy, nghe các em bán thuốc lá reo la, chửi rủa Kiểm Soát Viên, tôi như nhẹ người đi, ôm chầm lấy chị mà khóc khi thấy chị bình yên và khóc khi thấy tình người nơi đây. Thật ra tôi mới quen chị Dung khi chị mang giùm thư anh đến nhà, cùng cảnh ngộ chúng tôi cùng đi thăm nuôi chung nên thân thiết dễ dàng. Đêm đó chúng tôi trải tấm nhựa ngủ giữa trời, đợi khuya có tàu Chợ chạy vào Vinh.

Trưa hôm sau là ngày thứ 8 chúng tôi đến ga Vinh, rồi chuyến tàu về Nha Trang. Đoạn đường này chúng tôi bị mất 2 lần tiền, vì lên ở ga Vinh chúng tôi đã nạp tiền gọi là tiền bổ sung cho Kiểm Soát Viên rồi, nhưng khi tàu đến Huế thì thay đổi hết nhân viên. Do đó Kiểm Soát Viên mới thu tiền chúng tôi một lần nữa (phần tiền này họ bỏ túi riêng) dù vẫn không có ghế ngồi phải nằm ngồi trên sàng tàu. Quá thắm mệt, chúng tôi trải tấm nhựa ra ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn nghe tiếng cửa cầu tiêu trên tàu đóng-mở, có người bước qua lại trên đầu tôi, có lúc dẫm lên cả tóc tôi. Đến tối tôi đã quen mùi xú uế trong cầu xông ra, nó không còn nặng nề như lòng tôi hiện tại.

Tàu xình xịch đi qua những cánh đồng thơm mùi rạ mới. Lòng tôi cảm thấy thân thương, yên bình khi tàu đi vào phần đất miền Trung. Tôi ngồi bất động không buồn tránh tia nắng chiều gay gắt chiếu vào người. Giờ này đã hết giờ lao động, anh có cùng tâm trạng như tôi không?

Ngày thứ 10, nhìn ra ngoài, tôi đã thấy những nơi chốn quen thuộc khi tàu đi qua, đi qua. Như vậy là sắp đến nhà, chấm dứt một cuộc hành trình gian khổ. Rồi tàu tiến vào sân ga Nha Trang, tôi buồn-vui lẫn lộn. Vui vì đã về tới nhà, buồn vì khoảng cách không gian giữa 2 đứa tôi đã thật sự quá xa.

Viết thay cho các chị cùng cảnh ngộ.

Trương Đỗ