CHIẾC GHE VIỄN XỨ VỀ ĐẾN LITTLE SAIGON, CHỜ RA MẮT CỘNG ĐỒNG (Nguoi-Viet.Com)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

SANTA ANA, California (NV) – Ngày 31 Tháng Giêng là ngày đặc biệt đánh dấu một sự kiện quan trọng của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM). Đó là viện bảo tàng đón nhận một chiếc ghe, từng được chín bạn trẻ từ Bà Rịa sử dụng để vượt biển vào Tháng Chín, 1984. Họ đã can đảm dùng hai mái chèo vượt thoát ra khỏi Việt Nam.

“Kể từ lúc chính thức thành lập VHM vào năm 2016, chúng tôi vẫn luôn đeo đuổi ước mơ là có được một biểu tượng cho sự hy sinh của biết bao người khát khao tự do, đó là chiếc ghe của thuyền nhân, như một chứng tích cho cả thế giới nhận biết đến một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc Việt, và cũng để lên tiếng thay cho những thuyền nhân bất hạnh đã không bao giờ còn tiếng nói,” ông Châu Thụy, chủ tịch sáng lập VHM, được trích lới nói.

Chiếc Ghe Viễn Xứ đã về đến Little Saigon. (Hình: VHM)

Theo ông Châu Thụy, vào Tháng Mười Một, 2022, đại diện VHM sang Pháp để ký thỏa thuận nhận về Chiếc Ghe Viễn Xứ này. Trước khi chính thức đặt bút ký, ông Didier Raux, giám đốc Viện Bảo Tàng Hàng Hải Le Harve, một lần nữa nhấn mạnh rằng: “Đây là một phần lịch sử của người tị nạn Việt Nam, chúng tôi trao lại để các bạn gìn giữ cho lịch sử của chính các bạn.”

Sau khi hoàn tất nhiều thủ tục hành chánh và những vấn đề phức tạp về vận chuyển và bảo quản an toàn, Chiếc Ghe Viễn Xứ mới được rời bến trong sự quan tâm và đưa tiễn đặc biệt của báo chí và truyền hình địa phương tại cảng Le Harve. Sau chuyến hải hành mất 42 ngày, vượt 9,990 hải lý, Chiếc Ghe Viễn Xứ, biểu tượng của thuyền nhân Việt Nam, đã về với VHM nói riêng và cộng đồng người Việt tị nạn nói chung.

Về Chiếc Ghe Viễn Xứ, sau bảy ngày chống chọi với phong ba bão táp và đói khát, khi thấy những tàu buôn qua lại, chín người Việt Nam biết là đã đến được hải phận quốc tế. Trong đêm đen, họ dùng chiếc đèn pin cũ kỹ để gửi tín hiệu SOS đến những con tàu đó.

Cứ bao lần như thế, nhưng không mảy may thấy một tia sáng nào hồi đáp, niềm hy vọng từ từ tắt lịm. Trong khoảnh khắc đó, họ gần như tuyệt vọng… Rồi bất chợt họ thấy được một tín hiệu đáp lại: Con tàu Centra Corona mỗi lúc một lớn dần… Những cái xác không hồn của chín thuyền nhân này được cứu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. May mắn hơn nữa, thủy thủ đoàn của con tàu ấy không đánh chìm chiếc ghe nhỏ nhoi này, họ còn đồng lòng vớt nó, và bảo tồn nó thật kỹ lưỡng cho đến ngày nay.

Trong những năm tháng đó, vô số người Việt Nam tìm mọi cách trốn thoát khỏi địa ngục trần gian để đi tìm tự do. Vì sự sống còn, thoát ra khỏi Việt Nam là lựa chọn duy nhất dành cho họ. Ra đi mà không biết đi sẽ về đâu và cũng không biết ngày mai có còn thấy được ánh mặt trời nữa chăng?

“Chúng ta có thể cảm nhận được khát vọng tự do của người Việt Nam lúc bấy giờ. Giữa phong ba bão táp, đói khổ tuyệt vọng, và sự tấn công tàn bạo của hải tặc, biết bao nhiêu đồng bào của chúng ta đã vĩnh viễn không đến được nơi họ mơ ước!,” ông Châu Thụy nói thêm.

Ông cho biết thêm: “Khi hoàn tất các bước bảo quản cần thiết cho Chiếc Ghe Viễn Xứ, chúng tôi sẽ chính thức thông báo ngày giờ mở cửa chào đón quý vị đến thưởng lãm chứng tích này, một trong hàng ngàn con thuyền đã ra khơi và đã đưa vô số thuyền nhân đến bến bờ tự do. Hiện nay, trên toàn thế giới, chỉ vài chiếc thuyền còn sót lay.”

Ông Didier Raux (trái), giám đốc Viện Bảo Tàng Hàng Hải Le Harve của Pháp, và ông Châu Thụy, chủ tịch sáng lập VHM, đứng trước Chiếc Ghe Viễn Xứ. (Hình: VHM)

“Ngoài Chiếc Ghe Viễn Xứ này, VHM vẫn cần thêm sự ủng hộ và đóng góp các hiện vật, tài liệu, cùng những câu chuyện kể về hành trình đi tìm tự do của quý vị, để chúng ta cùng chung tay bảo trì những di sản quý giá này của người Việt tị nạn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chân thành cảm tạ quý vị vẫn luôn góp phần gầy dựng và phát triển VHM của chúng ta,” ông kết luận.

Mọi chi tiết liên quan đến VHM, xin vào trang web www.vietnamesemuseum.org, hoặc điện thoại 714-846-8438, hoặc email info@vietnamesemuseum.org. Đóng góp, xin vào trang web vietnamesemuseum.org/donate. (Đ.D.)