CHA TÔI, NGƯỜI LÍNH MỸ (Nguyễn Thị Thêm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hôm nay là ngày Memorial day.

Tôi ngồi nhìn lơ đãng ra sân nắng. Cali vẫn chưa thực sự mở cửa nên tôi vẫn ngồi nhà.

Chưa có lúc nào cuộc sống tôi trở nên bình an như mấy tháng nay. Tôi không còn vội vàng đưa con đến trường rồi chạy cho kịp đến nơi làm việc. Con người tôi, cái đầu tôi xoay liên tục như cái kim đồng hồ. Lúc nào tôi cũng vội. Vội ngủ để còn có sức đi làm.Vội ăn để kịp giờ làm. Vội chạy ra xe sau giờ tan sở để kịp đón con, đi chợ, về nhà lo bữa ăn tối. Đôi khi tôi có cảm giác cái đầu, cái tay và cái miệng tôi nó làm việc theo một quán tính mỗi ngày, mỗi tuần, ngày qua ngày mệt mỏi. 

Buổi sáng cơ thể muốn nằm thêm tí nữa, cái đầu bảo phải dậy lo cho mấy đứa con đi học, trễ giờ rồi. Khi toàn thân con người không được cân bằng nó sẽ khiến cái miệng nói lớn tiếng và cái tay làm liên tục. Tôi hối con đứa lớn, đứa nhỏ, tôi thấy chúng không ngoan, thiếu vâng  lời. Những lời dịu dàng biến đi đâu mất khi chúng ăn chậm chạp hay quên món này, món kia. Tôi lái xe thả con ở trường thiếu hẳn nụ cười và lời chúc ngọt ngào, bởi vì cái đầu bảo tôi phải vội, tôi không còn nhiều thời gian để đến chỗ làm cho đúng giờ. Buổi chiều về nhà với một thân thể rã rời vì một ngày mệt nhọc, tôi đã không vui khi thấy nhà cửa bộn bề, thức ăn chưa có, con cái cãi nhau vì một lý do chẳng đáng vào đâu. Tôi tất bật vào bếp, những thức ăn làm vội vã không chăm chút. Bữa cơm chiều thiếu tiếng cười khi con cái ngồi ăn, tôi còn bận việc thu vén nhà cửa. Có đôi khi tôi nghĩ tôi là một bà mẹ không tốt, nóng nảy, thiếu sự dịu dàng, không cho con một vòng tay ấm áp tin cậy. Tôi đã nhủ lòng sẽ sửa, nhưng thời gian lại cuốn tôi theo công việc tất bật hàng ngày.

Tôi đã từng ao ước, một sự mơ ước không tưởng là có một ngày tôi được ở nhà với con, con tôi không đến trường và chúng tôi có một không gian thật thoải mái sống cho nhau. Ước gì, tôi không bị cơm áo gạo tiền chen vào phá hoại, tôi sẽ quăng đi âu lo, tính toán, chạy đua với thời gian mà toàn tâm toàn ý sống trọn vẹn cho con tôi, tìm lại nụ cười thật tươi mà từ lâu tôi đã đánh mất.

Không ngờ điều mơ ước đó đã thành hiện thực ngay trong cuộc sống này. Dịch bệnh Coronavirus đã hủy hoại nhiều thứ: Tính mạng con người, sinh hoạt người dân và tự do trong cuộc sống. Nhưng song song đó cũng trả lại sự tĩnh lặng cho công viên, không khí trong lành cho thành phố và khiến mọi người nhìn qua cửa sổ để suy ngẫm về đời người sự sống và cái chết.

Dịch Coronavirus đã chấn động cả thế giới và nước Mỹ. Để bảo vệ cho sinh mạng dân chúng trong sự lây nhiễm dịch bệnh, chính quyền ra lệnh mọi người dân nếu không cần thiết ra ngoài thì hãy ở nhà. Để tạo điều kiện cho dân chúng có thể ổn định cuộc sống, tiền trợ cấp khẩn cấp và tiền thất nghiệp được chính phủ kịp thời phân phối cho mọi người dân. 

Con tôi không đến trường, tôi bị mất việc ở nhà chăm sóc con và được hưởng tiền thất nghiệp. Tôi được ngủ sớm và dậy trễ một chút. Tôi không vội vàng, tất bật như xưa. Dù không nấu những món cao lương mỹ vị, tôi và các con có thể cùng vào bếp chăm chút cho một bữa ăn chiều rộn rã tiếng cười. Tôi và con sắp xếp lại nhà cửa, giặt giũ quần áo chăn màn, trang trí thêm một chút màu mè, hình ảnh từng phòng của cháu. Chúng tôi trồng thêm vài chậu hoa, hái rau trong vườn để làm một bữa cơm chiều đạm bạc. Tôi có thể ngồi hàng giờ với con, nói chuyện và đùa vui. Con tôi đã nói, đã tâm sự với tôi nhiều thứ. Tôi chợt nhận ra mình đã tham việc mà bỏ rơi những cảm nghĩ, những thay đổi theo sự phát triển của con. Tôi đã vạch lại cho mình một phương pháp mới. Mẹ con tôi sẽ sắp đặt lại thời gian và cách sống của mình sau ngày mở cửa. Tôi không muốn làm một bà mẹ vô dụng và thiếu trách nhiệm.

Tôi ôm con vào lòng, chải và hôn lên mái tóc vàng vàng của bé Moon. Cái tên mà mẹ tôi đã đặt cho cháu ngoại vì cháu sinh vào đúng ngày rằm tháng tám trung thu. Ngày sinh của bé Moon cũng trùng với ngày mất của ba tôi. Một sĩ quan quân lực VNCH.

Tôi cột tóc con cao lên cho gọn ghẻ. Bé quay lại nhìn tôi mỉm cười, cả đôi mắt xanh lơ thật đẹp cũng cười. Tôi chợt thấy mình trong đó. Con bé lai Mỹ của một thời xa lắc xa lơ.

Năm nay ngày Memorial đã đến và đã qua. Tôi nhớ bé Moon đã hỏi tôi:

–  Mẹ ơi! Ông ngoại mình có phải là tử sĩ không?  Tôi hỏi lại con:

– Tại sao con lại hỏi vậy?

– Vì ông ngoại là lính và đã chết.

Tôi trả lời con ông ngoại là lính, nhưng chết do bệnh già nên không được gọi là tử sĩ. Tử sĩ mà ngày “Memorial” mình tưởng nhớ là người lính chết ngoài mặt trận, chết khi thi hành nhiệm vụ.

Tôi bất giác nghĩ đến cha tôi. Một người Mỹ vô danh tôi chưa từng gặp mặt. Ông đã từng là lính trong quân đội Hoa Kỳ sang tham chiến tại VN và có lẽ ông cũng là tử sĩ.

Có một lần tôi đã đến bức tường đá đen tại Washington DC để thăm viếng. Trong không khí trang nghiêm trầm mặc đó, tôi đã đứng yên và rơi nước mắt. Những giọt nước mặt thầm lặng  cho tôi, cho cha tôi và cho một quá khứ tuổi thơ của một đứa con lai Mỹ sau ngày 30/4/75 đầy tủi nhục. Tôi thầm nghĩ biết đâu trên danh sách 58.000 người lính Mỹ chết trong cuộc chiến The Vietnam War Wall có tên người cha ruột thịt của mình. 

Tôi cúi đầu và khấn nho nhỏ. Cầu mong vong hồn người bình an. Một người Mỹ già đến bên cạnh tôi an ủi. Ông hỏi tên cha tôi nằm ở chỗ nào trên danh sách. Tôi chỉ biết lắc đầu và nói “Tôi không tìm ra”. Ông chia buồn và chỉ tên con trai ông trên đó. Ông lấy bàn tay xoa xoa lên tên con ông và gửi một cái hôn gió. Nước mắt ông ngân ngấn, gương mặt thật buồn. Ông bước đi chậm chạp, bóng ông ngã xuống theo nắng chiều liêu xiêu tội nghiệp. Tre già khóc măng non. Còn tôi măng non bị bứng đi không biết gốc mình ở nơi nào. Chúng tôi, vô hình chung có cùng một vết thương trong cuộc chiến.

Một số thân nhân người lính Mỹ có cái nhìn thiếu thiện cảm khi thấy một người VN đến bên bức tường kỷ niệm này. Họ nghĩ nước VN xa xôi đó đã giết chết người thân của họ, đã cướp đi tuổi trẻ và sinh mạng quý báo những đứa con yêu dấu của họ. Nhưng họ đâu biết rằng vết thương người Mỹ chịu đựng chưa thấm vào đâu với những người dân VNCH. Hậu quả của sự bỏ rơi VN là một cuộc sống thê thảm chưa từng có. làn sóng người VN tìm tự do đã chạy ra biển lớn, bất chấp sinh mạng trôi dạt đến nơi này. Bức tường này đánh dấu cột mốc lịch sử cho hoài vọng tự do lẫn ngậm ngùi cho sự hy sinh không trọn vẹn.

Những người lính Mỹ đến VN, quả thật họ đã sống những ngày khủng hoảng khi đối diện trước cái chết. Nhất là những người lính trẻ, họ mang theo mình một lý tưởng cao đẹp khi đến VN. Nhưng những cay nghiệt trên chiến trường, khí hậu nóng bức, nguy hiểm chực chờ, những con vắt, con đỉa trong rừng nhiệt đới khiến họ sợ hãi và hoang mang. Những trận bắn sẻ, đột kích bất ngờ, lấy dân chúng làm bình phong khiến người lính Mỹ  không thể khống chế. Họ thèm không khí gia đình, thèm tình yêu và cần giải quyết tình dục để giảm đi ức chế chiến tranh.

Tôi là đứa con gái được tượng hình trong hoàn cảnh như vậy. Mẹ tôi đã thả lỏng mình vì đồng đô la xanh đỏ. Mẹ cho cha tôi những khao khát ông cần và ngược lại ông đã cung cấp cho mẹ những nhu cầu tiện ích trong cuộc sống. Một cuộc trao đổi sòng phẳng đến tàn nhẫn cho những đứa bé tội nghiệp như tôi. 

Ông chia tay mẹ tôi hờ hững như xong một món hàng thuận mua vừa bán. Ông không có tình yêu trong những lần giải quyết nhu cầu thân thể nên ông không lưu luyến hay quan tâm cuộc sống mẹ tôi sẽ như thế nào. Có thể khi ông lên máy bay trở về quê hương ông cũng không biết đã để lại trên đất nước đầy bom đạn này một giọt máu dư thừa. Một nạn nhân tội nghiệp của thời hậu chiến. Mà cũng có thể, ông cũng đã ngã gục đâu đó trên mảnh đất tang thương VN. Máu ông đã loang trên mặt đất không phải chính nơi tổ quốc cội nguồn. Ông đã làm tròn nhiệm vụ người lính nhưng ông không tròn bổn phận người cha.

Thực lòng tôi không mong tìm lại cha mình, bởi tôi không có một chi tiết nào về thân thế và đơn vị của ông. Cả tên ông mẹ ruột tôi cũng không còn nhớ.Tôi chỉ mong ông còn sống mạnh khỏe. Nhưng linh tính cho tôi biết, ông đang hiện diện quanh tôi hôm đó. Ông đã chết và đã trở về quê hương nước Mỹ. Cũng như tôi đang trở về quê cha bằng mái tóc vàng vàng, làn da trắng và đôi mắt xanh của một đứa con lai.

Sau ngày 30/4/75 cũng vì dòng máu lai Mỹ mà tôi đã là gánh nặng cho gia đình cha mẹ nuôi tôi. Đứa con nít ngây thơ trong tôi cứ nghĩ tại mình ăn nhiều mía, bắp và bí ngô nên tóc mình vàng. Uống sữa nên da mình trắng. 

Tôi đã có những ngày bị bạc đãi, bỏ rơi và tẻ lạnh trong gia đình bà Đ (mà sau này tôi mới biết là mẹ ruột tôi) . Chồng bà ta không ưa tôi, ông coi tôi như là một cái gai nên tôi bị phạt, bị đánh, bị bỏ đói thường xuyên mà tôi không biết tại sao. 

Một ngày ba tôi đến thăm em gái họ mà mẹ tôi đã thuê phòng, ông không nỡ thấy tôi bị hành hạ nên bênh vực tôi và can thiệp quyết liệt. Một ngày ông nói với tôi:

-Má con đi dạy học ở Sài Gòn không thể đem con theo được. Ba mẹ gửi con cho bà Đ.. nuôi dùm, nhưng ông chồng bà ấy không thương con nên ba quyết định đem con về. Con đi với ba và chờ nghỉ hè má con ra đón con về với má. Ba tôi cho tôi nhiều quà bánh, quần áo và bà Đ bảo tôi đi về ở với ba. 

Tôi đã được sống cùng ba tôi trên một ngọn đồi cao , trong những căn hầm chỉ huy đầy súng đạn. Tôi đã được bác thượng sĩ già hỏa đầu quân dẫn đi chợ với những món quà trẻ con thật ngon và dễ thương từ những bà, những cô bán hàng. Tôi đã được hầu hết đại đội cưng chiều, tôi là một công chúa dễ thương, xinh xắn trong đơn vị ba tôi chỉ huy. Chiều chiều các chú cõng tôi trên lưng đi xuống làng mua đồ ăn. Thỉnh thoảng ba tôi dẫn tôi đến những tiệm may, đặt cho tôi nhiều bộ đồ đầm thật đẹp. Mỗi khi ba tôi đi hành quân, máy bay trực thăng đến bốc ba đi, tôi ở lại với các chú lính chờ ba về. Khi máy bay đáp xuống ba tôi chạy lại bồng nhấc tôi lên trong sung sướng. Mừng ba tôi vẫn an toàn trở về sau đợt hành quân, mừng là tôi vẫn bình yên ngoan ngoãn chờ đợi mẹ tôi đến đón tôi về.

Mùa hè năm đó má tôi ra đón tôi về trong niềm vui bất tận. Má cột cho tôi  bím tóc dễ thương cài nơ thật xinh. Má mua cho tôi đôi bông tai, sợi dây chuyền vàng rất đẹp. Tôi mặc bộ đồ đầm tung tăng cùng má tới trường. Bác gát dan già chăm sóc, thương yêu  tôi như bác thượng sĩ trên đồn của ba ngày nào. Tôi có ông bà ngoại, bà nội, cô chú dì và một đại gia đình bà con đông đúc. Tôi đã có những ngày thần tiên bên má, bên ngoại và các bạn của má ở trường. Tôi lớn lên theo ngày tháng hạnh phúc tươi đẹp đó…nếu không có một ngày.

Vâng cái ngày tang thương 30/4/75 đã vùi dập gia đình chúng tôi. Ba tôi đi tù không có ngày về. Má tôi bị nghỉ dạy vì bị kết án ngụy quyền, có chồng ngụy quân, có con là tàn dư Đế quốc. Má tôi phải bôn ba chạy ăn từng bữa. Tôi không còn là cô con gái cưng mà phải chăm sóc em, làm việc nhà, việc ngoài vườn phụ má. Tôi sớm trưởng thành, biết nhìn mặt người để sống và an phận.Tôi đã biết mình bị mọi người ghét bỏ, thù hằn điều mà trước đây không hề có. Tôi biết mình khác hẳn những đứa trẻ xung quanh nhưng tôi không biết tại vì tôi, ba má tôi đã bị trù dập và đày đọa. Nhìn gương mặt sạm đen của má, nhìn má vất vả sớm hôm, tôi hứa với lòng sẽ chăm sóc em tôi thật tốt, lo cho nội thay ba và giúp đỡ việc nhà cho má tôi khỏi phải bận lòng…

Tôi là một đứa con lai, màu da, màu mắt, màu tóc của tôi đã cho tôi biết. Mỗi khi làm việc ngoài nắng, da tôi đỏ lên nhưng không hề bị ảnh hưởng. Bạn bè trang lứa ao ước được như tôi. Nhưng thật lòng tôi muốn được như họ, có xấu đi một chút nhưng không bị kỳ thị hay soi mói nói xa nói gần. Tôi cám ơn ba má tôi đã cho tôi một mái ấm gia đình thật sự, để tôi hạnh phúc và làm một chị hai của 3 đứa em hết lòng tôn trọng kính yêu chị. 

Mãi tới khi gia đình tôi làm hồ sơ đi Mỹ, ba tôi mới đưa tờ giấy bán con của mẹ ruột tôi để bổ túc hồ sơ. Năm ấy tôi đã 23 tuổi, tôi ôm lấy má tôi mà khóc. Cám ơn má đã cho con tình mẹ, mái ấm và gia đình. Qua Mỹ, khi đã ổn định, mẹ ruột tôi mới gửi thư và muốn nhìn con.Tôi hỏi mẹ về cha ruột của mình, bà nói bà không còn nhớ, đó là chuyện quá khứ, coi như ông đã chết, hãy quên đi, đừng hỏi. 

“Quên đi tôi đã có một người cha”, nghe xong tôi tủi thân muốn khóc. Tôi cũng muốn quên đi mình cũng có một bà mẹ nhưng má tôi không cho. Má nói công mang nặng đẻ đau, hãy nhìn nhận mẹ ruột con và giúp đở bà ấy. Khi con sẽ làm mẹ con sẽ biết thương yêu mẹ mình nhiều hơn nữa.

….  

Bây giờ tôi đã là một người phụ nữ trung niên. Một người dân Mỹ bình thường đang sống tự do trên đất nước Hoa Kỳ. Mỗi năm, vào ngày “chiến sĩ trận vong” tôi hay nghĩ về người cha ruột của mình. Một người lính Mỹ đã hy sinh vì hai chữ tự do. Tôi rất muốn được trở lại thăm viếng Đài tưởng niệm Đá Đen tại Washington DC.  Lần này tôi sẽ dẫn các con tôi đi. Tôi sẽ cho cha tôi thấy tôi không hề ghét hay giận ông. Tôi cám ơn ông đã cho tôi được sinh ra và trở về nơi này. Tôi cám ơn ông đã dùng máu để bảo vệ hai chữ tự do cho thế giới, nhất là cho đất nước VN của tôi.

Ngày Memorial Day, tôi treo lá cờ Hoa Kỳ trước nhà để tưởng niệm và tri ân. Trong nhà, tôi mua hoa và trái cây đặt lên bàn thờ ba tôi. Tôi đốt hương khấn nguyện cho hai người cha, hai người lính. Một người cha quân đội Mỹ đã cho tôi sự sống, máu huyết và màu da. Một người cha Sĩ quan VNCH đã bảo bọc nuôi tôi bằng tình yêu thương chân thật và vị tha. 

Tôi tự nhủ với lòng, mỗi năm vào ngày này, tôi sẽ chọn là ngày giỗ cha tôi. Một người lính Mỹ tôi không hề biết tên biết họ. 

Nguyễn thị Thêm

(Viết cho con tôi)