Cảm nghĩ về Tướng Nguyễn Khoa Nam (Cựu TT. Nguyễn Văn Thiệu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

tro_cot_tuong_nam

“…Trên cương vị Tổng Thống, tôi không có đủ thì giờ thăm viếng tất cả các sư đoàn. Rất tiếc là chuyến sau cùng tôi xuống Cần Thơ đi thăm Biệt Khu 44 cùng với Tướng Thanh vào ngày Thứ Bảy trước khi đi Côn Sơn, qua ngày Chủ Nhật hôm sau thì Tướng Thanh tử trận, trước hay sau đó tôi không nhớ rõ, tôi có ngồi nói chuyện với Tướng Nam. Sau này, Tướng Nam có lên phủ Tổng Thống họp trong những ngày cuối, lúc tình hình nguy hiểm.

Theo dõi các Tư Lệnh Sư Đoàn thì tôi thấy ông là người nghiêm chỉnh, đạo đức, về cái đạo đức của ông thì quá tốt, mình không còn gì để đặt câu hỏi. Khả năng quân sự thì chỉ có khen thôi, không có chỗ nào có thể chê được, con người can đảm, trầm tĩnh, suy nghĩ và lý luận rất là chín chắn, phân tách rất rõ ràng.

Tóm lại, khi suy nghĩ về cái chết của Tướng Nam và các tướng lãnh khác, tôi thấy đó là những cái chết anh hùng không ai có thể chối cãi được – Tướng chết anh hùng là như vậy – Nhưng có điều tôi có thể nói là tôi tiếc vì đã nghĩ lầm: “Hồi đó, tôi tin tưởng rằng, vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, các tướng lãnh sẽ có lập trường riêng của mình.” Khi tôi quyết định từ chức, tôi chỉ giao quyền cho cụ Hương, mặc dù tôi cũng có nghe nói Tướng Dương Văn Minh muốn thay thế cụ Hương. Tôi từ chức là vì những lý do riêng của tôi, và tôi nghĩ rằng đó là quyết định tốt nhất cho đất nước trong tình thế khó khăn lúc ấy. Tôi quyết định từ chức vì bổn phận bắt buộc tôi phải làm như vậy. Tôi tin rằng giao lại cho cụ Hương, chắc chắn Cụ sẽ không bao giờ chịu trao quyền lại cho Việt Cộng, họa chăng Việt Cộng vào Dinh Độc Lập, dí súng vào cổ ông, ông thà chịu để cho địch bắt đi chớ không bao giờ kêu gọi quân dân trao quyền cho chúng.

Trước khi tôi từ chức, đâu phải quân đội mình hoàn toàn tan rã đâu. Mình muốn tiếp tục đánh thì cũng đánh được, không biết tới bao lâu thôi, và chắc mình cũng không phải đầu hàng vô điều kiện. Trước đó, tôi có hỏi ý kiến một số anh em sĩ quan hay lấy ý kiến từ những người này người kia, mọi người đều đồng ý rằng nếu thương thuyết một giải pháp chính trị với Việt Cộng là việc không thể tránh thì mình phải làm, nhưng nếu giải pháp chính trị quá bất lợi cho mình thì phản ứng tự nhiên của quân đội là rút về miền Tây. Tôi nghĩ rằng nếu cụ Hương còn thì ông cũng làm như vậy. Ông sẽ giao quyền cho anh em tướng lãnh, và về phương diện quân sự, lựa chọn cuối cùng của các anh em tướng lãnh là rút về miền Tây. Có điều tôi lấy làm tiếc là khi ông Minh ra lệnh buông súng đầu hàng Cộng Sản thì các anh em tướng lãnh tại miền Tây như ông Nam, Hưng, Hai lại lựa chọn giải pháp tuẫn tiết. Lúc ấy ở miền Tây thì các ông ấy có toàn quyền quyết định. Mình có câu nói: “Tướng sa trường đâu có bắt buộc phải theo lệnh thượng cấp.”

Thật ra bây giờ, tôi chỉ tiếc cho cái chết của Tướng Nam và các tướng lãnh khác. Quốc gia, quân đội và nhân dân đã không được tận dụng tối đa các đức tính và tài năng của cấp chỉ huy quân đội còn lại như ông Nam. Lấy ví dụ như là các ông ấy quyết định tử thủ miền Tây mà thua đi vì thiếu phương tiện (dù không đầu hàng thì mình cũng phải thua, không phải vì mình thua trí, thua cái can đảm mà mình thua sức, thua phương tiện), thì lúc đó các ông ấy vẫn làm được cái gì để giữ mình và còn có cơ hội làm lại được điều gì hữu ích cho đất nước sau này.

Trong 25 năm nay, các tướng lãnh giỏi còn lại ở hải ngoại vẫn nuôi dưỡng một chí hướng muốn làm một cái gì để khôi phục lại tự do, dân-chủ-hóa đất nước. Mặc dù xứ này không phải là đất dụng võ, nhưng nếu còn những người như ông Nam hay các tướng lãnh đã tuẫn tiết khác, họ cũng góp được phần lớn trong các cuộc đấu tranh chính trị, thu phục nhân tâm, hoàn toàn không võ trang để thúc đẩy dân chúng cũng như các chiến hữu trong và ngoài nước vì giá trị của con người trong lãnh vực tinh thần, đạo đức trong cuộc tranh đấu không võ trang rất là cần thiết. Tìm được các tướng lãnh có khả năng và đạo đức như Tướng Nam, Hưng, Hai, Vỹ trong công cuộc đấu tranh chính trị không phải là dễ. Tài năng của các ông ấy có thể được sử dụng không vào lãnh vực này thì vào lãnh vực khác. Cái tài và đức có thể sử dụng không về quân sự thì về chính trị hay bất cứ địa hạt nào.

Cuộc đấu tranh của dân tộc chúng ta chưa chấm dứt. Tôi vẫn quan niệm rằng cho đến lúc dân tộc Việt Nam chưa có dân chủ, tự do, hạnh phúc thì cuộc đấu tranh vẫn còn. Khi nào chúng ta chết thì cuộc đấu tranh mới ngừng. Ngay khi mục tiêu đạt được thì mình cũng phải còn tiếp tục. Cho đến bây giờ, mình vẫn thiếu những người có tài và đức để giúp khôi phục lại tự do và dân chủ cho đất nước. Hành động của các tướng tuẫn tiết, chúng ta chỉ biết bái phục, kính trọng muôn đời. Chỉ tiếc công việc đem tự do và dân chủ cho đất nước vẫn còn dài dài mà mình không còn cơ hội để dùng cái tài, cái đức của các vị đó nhằm đạt đến mục đích cuối cùng.

Cũng như vấn đề tự do, dân chủ cho đất nước, tôi tin rằng không sớm thì muộn Cộng Sản bắt buộc phải chấp thuận bầu cử. Có thể mình sẽ không thắng các cuộc bầu cử đầu tiên nhưng mình phải tiếp tục cố gắng. Mình phải giúp củng cố tinh thần tự do dân chủ trong tất cả mọi người Việt Nam để tư tưởng, ý-thức-hệ Cộng Sản không còn chỗ nào có thể xâm nhập được, không còn một chỗ đứng trong lòng người dân. Đó là mục đích tối hậu trong cuộc đấu tranh của chúng ta. Lấy kinh nghiệm của các nước Đông Âu trong thời hậu Cộng Sản, trong một, hai nhiệm kỳ Tổng Thống đầu thì dân chúng bầu cho những người không Cộng Sản, sau đó những người Cộng Sản lù lù trở lại. Làm thế nào dù rằng vẫn có một số người Cộng Sản mà tư tưởng, ý-thức-hệ Cộng Sản không còn trong đầu của người dân Việt.

Thành thử trong vấn đề đấu tranh đa nguyên đa đảng, đôi khi tôi nghĩ rằng điều kiện tiên quyết là phải giải thể đảng Cộng Sản, nhưng suy nghĩ lại thì thấy điều đó không cần thiết. Khi tất cả mọi người không còn chấp nhận tư tưởng, ý-thức-hệ Cộng Sản, thì dù rằng nó có đổi tên hay trá hình dưới hình thức gì đi nữa, chẳng còn ai vào đảng Cộng Sản thì đó mới đích thực giải thể Cộng Sản….”

(nguồn: Phỏng Vấn Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệuhttp://www.nguyenkhoanam.com/)