Bút Ký NGUYỄN CHÍ THIỆN,TRÁI TIM HỒNG- Tác giả TRẦN PHONG VŨ- Diễn đọc TÂM AN Phụ lục: ÂM VANG TỪ MỌI GIỚI (tt )

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 (Ph. 32/40)      TIỄN BIỆT NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN (Trần Trung Đạo)
                         ANH KHÔNG CHẾT (Đỗ Thái Nhiên)

(Ph. 33/40)       VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN (Nguyễn Quang Duy)

(Ph. 34/40) TƯỞNG TIẾC MỘT CON NGƯỜI (JB Nguyễn Hữu Vinh)

 

(Ph. 35/40) CỘNG ĐẾN, CỘNG ĐI (Hoàng Hải Thủy)

(Ph. 36/40) TIỄN ANH NGÀY MƯA ĐẦU MÙA ! (Đinh Quang Anh Thái)

(Ph. 37/40) TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ THI SĨ NGUYỄN CHÍ THIỆN (Jean Libby)

(Ph. 38/40) NGỌN LỬA TÂM CAN (Ngô Nhân Dụng)

Ngọn lửa tâm can Nguyễn Chí Thiện – (Ngô Nhân Dụng)

 Nguyễn Chí Thiện đã nhìn thấy Cái Ác. Và anh đã gọi thẳng tên nó ra. Có lẽ vì tên anh là Chí Thiện, cho nên suốt đời anh lo vạch mặt Cái Ác. Không bao giờ nghỉ. Anh là người chững chạc. Một người thành thật, hồn nhiên, có tư cách, đáng kính trọng. Anh luôn luôn khích lệ, góp ý kiến, không chờ được hỏi, không khách sáo. 
 Gặp nhau hôm hội Bắc Ninh ở đây, anh chỉ cho mấy chỗ sai chính tả trong bài tôi viết về quá trình “Hán hóa miền Nam Trung Quốc.” Tôi nói với anh đó là một bài trong cuốn sách đang viết giở về thời Bắc thuộc; với câu hỏi chính là vì sao dân Việt Nam bị đô hộ một ngàn năm vẫn không mất nước; anh đề nghị ngay: Nếu vậy thì anh phải đề cập đến những thắc mắc như thế này, thế này…
 Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là ngày giỗ Đỗ Ngọc Yến vừa qua, tôi đã nhờ anh đọc hộ hơn trăm trang bản thảo cuốn sách; như anh đã hứa. Năm 1995, Đỗ Ngọc Yến gõ cửa phòng, báo tin “Có khách;” mở cửa ra, không ngờ thấy anh Nguyễn Chí Thiện đang cười tươi, đưa tay ra bắt: “Tôi muốn gặp ông vì tuần trước mới ngồi ở Hà Nội với mấy anh ấy, nghe ông nói trên đài BBC.” Anh kể tên mấy người bạn cùng nghe đài, những người tôi đã nghe tên mà chưa bao giờ gặp. Gặp anh, giống như gặp một người từ thế giới bên kia. Từ đó, chúng tôi là bạn. Một lần Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã hỏi tôi và bạn Nguyễn Hữu Chung: “Các cậu có biết tại sao những người đồng canh, đồng tuế lại dễ thân nhau hơn không?” Và ông trả lời: “Vì họ cùng chịu những hoạn nạn giống nhau. Cùng trải qua những cuộc cách mạng, những cuộc chiến tranh, những nạn đói như nhau …” 
 Tôi cùng tuổi với anh Nguyễn Chí Thiện. Nhưng quả thật, chúng tôi trải qua những kinh nghiệm cuộc đời khác hẳn nhau. Năm 1954, mẹ tôi đã dẫn các con vào Nam. Sau cuộc di cư, cuộc đời của anh và tôi đã đi theo những con đường khác. Năm chúng tôi sống ở tuổi 20 thì nhiều thanh niên ở miền Nam và miền Bắc cũng nuôi những hy vọng giống nhau. 
 Trong bài thơ Đồng Lầy, anh viết: 

 “Ngày ấy, tuy xa mà như còn đấy 
Tuổi hai mươi, tuổi bước vào đời
 Hồn lộng cao, gió thổi chơi vơi
 Bốn phía bao la chỉ thấy 
Chân mây, rộng mới tuyệt vời! 
 Tuổi hai mươi tuổi của không ngờ.
 Không sợ! Viển vông đẹp tựa bài thơ 
Mơ ước Đợi chờ Vĩ đại.” 

 Nhưng sau đó, Nguyễn Chí Thiện đã gặp Cái Ác. Đã nhìn thấy rõ mặt Cái Ác. Anh gọi đích danh Cái Ác. Từ đó, định mệnh của anh là vạch mặt chỉ tên Cái Ác. Nguyễn Chí Thiện đã vạch tội Cái Ác trong những trò giáo giở: 

 Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại 
Ngỡ cờ sao rực rỡ.
 Tô thắm màu xứ sở yêu thương
 Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường. 

 Năm 22 tuổi tôi làm nghề dạy học, vẫn làm thơ, mơ mộng yêu đương, còn anh đã vào tù vì vạch mặt chỉ tên Cái Ác. Năm 25 tuổi ở miền Nam chúng tôi đang đi biểu tình đả đảo Hiến Chương Vũng Tàu, nuôi hy vọng xây dựng một chế độ tự do dân chủ; còn anh được tự do chưa đầy một năm thì lại bị bắt giam hơn 11 năm nữa. Năm 1965 chúng tôi đi làm trại công tác xã hội, cùng các sinh viên, học sinh đi giúp đồng bào nông thôn; còn anh đã nhìn thấy, như trong bài thơ Đất Này: 

 Đất này chẳng có niềm vui
 Ngày quệt mồ hôi, đêm chùi lệ ướt 
Trại lính, trại tù người đi không ngớt
 Người về thưa thớt dăm ba… 
Trẻ con đói xanh như tàu lá 
 Buồn tất cả Chỉ cái loa là vui!” 

 Ở một nơi mà cả nước phải suy tôn “Cha Già Dân Tộc,” Nguyễn Chí Thiện vạch ra: 

 Mi ngu si, mi chăng biết gì!
 Cha mẹ mi là dân tộc Việt
 Anh chị mi là dân tộc Việt
 Mi ngủ với ai mà là cha già của họ, hỡi Hồ Ly! 

 Cái Ác không phải chỉ hiện hình trong một con người gian trá, mà trong cả một chế độ, một chủ nghĩa, một guồng máy. Cái Ác lớn đẻ ra nhiều Cái Ác nhỏ. 

 Đạo lý tối cao của xứ đồng lầy. 
Là lừa thầy phản bạn 
Và tuyệt đối trung thành vô hạn. 
Với Đảng, với Đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng.
 Hạt thóc, hạt ngô phút hóa xích xiềng.
 Họa phúc toàn quyền của đảng.
 Chúng trưởng sinh trong đêm tối nhiều năm.
 Nên chúng tưởng màu đen là ánh sáng!
 Ếch nhái vẫn đồng thanh đểu cáng
 Chửi bới mặt trời, ca ngợi đêm đen. 

 Năm 1980 Nguyễn Chí Thiện đã viết những lời phê phán mà ngày nay các nhà tranh đấu cho dân chủ ở nước ta cũng lên tiếng tố giác. Vì sau hơn 30 năm cuộc sống đất trước mặt vẫn như vậy: 

“Mấy cái đầu 
Mấycái đầu bé tẹo
 Quản lý nước, nước nghèo
 Cai trị dân, dân khổ
 Chỉ được cái lỳ ra, không xấu hổ!” 

 Nguyễn Chí Thiện đã chỉ rõ mặt Cái Ác. Anh đã dùng cả cuộc đời anh để vạch trần Cái Ác. Cái Ác của Lê Nin đã được nhập khẩu vào nước ta. Một bài thơ viết năm 1983, khi cả nước bị nạn đói, ở Thanh Hóa có người đã chết đói: 

 “Để mãi mãi được làm chúa tể
 Để đánh bật đào tung gốc rễ
 Giá trị tinh thần đạo lý bền sâu 
Để bắt dân đen quỵ gối, cúi đầu
 Ngậm đắng, nuốt sầu 
Chịu trói! Biện pháp hàng đầu: cái đói!
 Biện pháp nhiệm mầu: cái đói!
 Khi người ta đói 
Xin đừng có nói văn hoa 
Cùng đạo lý cao xa!
 Vì những lời hay ý đẹp
 Cái dạ dầy lép kẹp không nghe! 
Để bắt nó nghe
 Để bắt nó làm
 Phải có trại giam, cái cùm, khẩu súng
 Cùng muôn thủ đoạn gian hùng
 Dồn ép nó lâm vào thế kiệt cùng 
Không thể cựa! 
Bắt nó phục tùng, hóa thành trâu ngựa
 Phải tuân theo
 Mọi yêu cầu của chế độ hùm beo!
 Lúc đó, ăn uống mới ban cho một tí! 
Tem phiếu mới phân chia từng tí!
 Lê nin nói vô cùng có lý
 Khi căn dặn bọn tay chân đồng chí:
 “Không kỷ luật nào bằng kỷ luật đói, chớ nên quên” 
Còn chúng ta cũng chớ nên quên
 Phải ghi nhớ điều này: 
Khống chế dạ dầy là chiến lược dài lâu
 Chiến lược hàng đầu của đảng!” 

 Nguyễn Chí Thiện dùng thơ như một vũ khí chiến đấu với Cái Ác: 

 Thơ của tôi không phải là thơ
 Mà là tiếng cuộc đời nức nở 

 Nhưng anh cũng ca ngợi công dụng của thơ. Anh Nguyễn Thanh Hải, mới bị kết án tù 12 năm, chắc sẽ thích thú những câu thơ viết năm 1972, Nguyễn Chí Thiện đã tiên tri, nhắc đến biệt hiệu Điếu Cầy của anh: 

 Nhà thơ có khả năng biến chiếc điếu cày thành bất tử
 Biến đám cầm quyền nghiêng ngả non sông 
Thành lũ hề nhố nhế lông bông 

 Phải sống với Cái Ác một nửa cuộc đời, nhưng Nguyễn Chí Thiện vẫn nói lên những tiếng của hy vọng:
 Dù thể xác lao tù héo khô muốn đổ
 Dù đau lòng dưới năm tháng vùi chôn
 Ta đã sống và không xấu hổ 
 Vì ta cứu giữ được linh hồn 
 Nguyễn Chí Thiện đã ra đi. Một nạn nhân của Cái Ác nhưng vẫn giữ được tâm hồn Thiện. Những ai gần gũi anh chắc đều thấy anh tính tình hồn nhiên, giản dị. Tôi chưa nghe anh nói xấu về một người nào bao giờ, trừ Cái Ác. Tôi rất mừng trước khi qua đời anh đã tìm thấy một tôn giáo. Đứng trước ngưỡng cửa giữa sự sống và sự chết, một niềm tin sẽ giúp anh ra đi trong bình an. Nguyễn Chí Thiện từ nay sẽ không còn bị Cái Ác quấn lấy nữa. Nhưng Ngọn Lửa Tim Gan của anh sẽ còn cháy mãi trong lòng chúng ta: 

 Vang mãi vô hạn 
Tiếng lòng chứa chan!
 Sáng mãi vô hạn
 Ngọn lửa tâm can!