BIÊN NIÊN SỬ 4 NĂM CỦA ÔNG TRUMP:NGƯỜI MỸ PHẢI BIẾT TRƯỚC KHI BẦU CỬ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Hương Thảo 
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump 

Bởi nước Mỹ đã dần”vĩ đại trở lại”…

Trước khi có đại dịch virus Vũ Hán (COVID-19), nền kinh tế dưới thời Tổng thống Trump đã rất sôi động, và sức phục hồi từ nền tảng sản xuất được củng cố chắc chắn sẽ là niềm tin mạnh mẽ để cử tri ủng hộ ông đi tiếp 4 năm nữa. Và biết đâu, nhờ thế, thế giới sẽ chứng kiến nhiều sự kiện kinh động hơn nữa trên chính trường kinh tế – chính trị – ngoại giao từ vị Tổng thống gây tranh cãi lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ này. Hãy nhìn lại bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump và những thành tựu kinh tế – tài chính đáng kinh ngạc để hiểu tại sao Mỹ – đất nước bị tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán – vấn có thể trở thành tiêu điểm, thành nhân tố dẫn dắt triển vọng tăng trưởng toàn cầu ngay giữa tâm dịch (theo báo cáo của IMF ngày 15/10 vừa qua).

Lấp đầy nền sản xuất và tách rời Trung Quốc

Ngay trong kỳ tranh cử cách đây 4 năm, chính sách kinh tế cắt giảm thuế, phục hồi việc làm, trừng phạt thương mại Trung Quốc của ứng viên Tổng thống Donald Trump vẫn luôn bị truyền thông miệt thị. Nhiều dự báo cho rằng nếu Tổng thống Trump đắc cử, chính sách kinh tế của ông sẽ không thể mang lại bình đẳng thu nhập, việc làm và tăng trưởng tốt cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng người Mỹ – vốn không mấy tin tưởng vào truyền thông dòng chính – đã có suy nghĩ khác. Bởi khác với suy đoán của giới truyền thông, hơn ai hết người Mỹ hiểu thấu đáo về thực trạng kinh tế của Mỹ, những gì người Mỹ thực sự cần, và những giá trị định hình nước Mỹ và sự thịnh vượng của nó.

Trước nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, nền sản xuất Mỹ ngày một bị ăn mòn bởi Trung Quốc

Trong báo cáo gửi tới các Nghị sĩ lưỡng đảng của Uỷ ban nghiên cứu quốc hội Mỹ (CRS) năm 2018, số liệu cập nhật tới 2016 đã chỉ ra các bất cân đối và rủi ro lớn nhất khu vực sản xuất Mỹ. Theo báo cáo, chỉ trong vòng 14 năm (2002-2016), thị phần sản xuất của Mỹ trên toàn cầu giảm từ 28% xuống còn 18%. Phần sụt giảm này bị chiếm bởi Trung Quốc, do sự dịch chuyển dòng đầu tư và sản xuất đáng kinh ngạc từ Mỹ vào Trung Quốc bất chấp tình trạng đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ. Đây cũng là giai đoạn Mỹ duy trì mức thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhấn rất cao (tương ứng 35% và 38,5%), khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư từ bỏ Mỹ tìm đến những nơi có chi phí dễ chịu hơn. Địa điểm lý tưởng là Trung Quốc.

Nhưng đây chính là một nguy cơ to lớn, bởi Trung Quốc là một quốc gia bất chấp đạo lý và đầy cuồng vọng. Lòng tham của Trung Quốc không chỉ là ăn cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ, soán ngôi Mỹ về công nghệ, quân sự, mà còn muốn phá bỏ hoàn toàn giá trị cốt lõi mà Mỹ, đánh từ trong lòng nước Mỹ.

Bởi vậy, dưới tám năm cầm quyền của chính quyền Obama-Biden, nước Mỹ không chỉ mất việc làm, những dòng tiền đầu tư, mà còn mất sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ vào tay Trung Quốc… Khi nền sản xuất thực bị ăn rỗng, khi Mỹ không thể bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trí tuệ của người Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ, nước Mỹ đã bị tổn thương hơn bao giờ hết: thâm hụt thương mại, mất năng lực mặc cả về chính trị – ngoại giao, thất nghiệp tăng, gánh nặng chi tiêu phúc lợi xã hội tăng… và nước Mỹ đã mất dần lợi thế dẫn đầu trên mọi lĩnh vực.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến người dân Mỹ nhìn rõ hơn vào mối nguy phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Cả nước Mỹ ngơ ngác trước các kệ hàng hóa trống rỗng trong siêu thị. Nhập khẩu bị đình trệ trong khi sản xuất trong nước tê liệt vì 80% đầu vào sản xuất trong nước phụ thuộc vào Trung Quốc – đối thủ chính trị của Mỹ. Ngành dược đáng tự hào của Mỹ cũng suýt nữa ‘chết lâm sàng’ trong tâm dịch vì tới 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm của Mỹ được nắm giữ bởi Trung Quốc. Mỹ yếu ớt hơn và quá dễ tổn thương trước một Trung Quốc ngày một lớn và khó lường, trước một thế giới quá nhiều rủi ro bởi toàn cầu hoá…

Chiến lược quốc gia của chính quyền Trump: Chuyển sản xuất về Mỹ

Về đối ngoại, Tổng thống Trump đã khai nổ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng vũ khí thuế quan. Trong nước, Tổng thống thực thi chương trình cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân lớn nhất trong suốt ba thập kỷ qua tại Mỹ.

Chỉ số sản xuất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump (từ 2016) tăng mạnh bất chấp đà sụt giảm năm 2014-2015 và nhanh chóng phục hồi thẳng đứng sau khi trượt dốc vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán. 

Chuyển sản xuất trở lại Hoa Kỳ vì vậy đã trở thành một mệnh lệnh chiến lược quốc gia. Sản xuất trong nước bùng nổ dưới thời Tổng thống Trump, liên tiếp đạt các kỷ lục mới và sớm vượt qua thời hoàng kim nhất về sản xuất của Obama chỉ sau một năm ông Trump tại nhiệm. Các công ty Mỹ đang bắt đầu đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ. Họ nhận ra rằng chi phí sản xuất ở Trung Quốc có thấp hơn, nhưng các rủi ro về an ninh quốc gia ngày càng gia tăng, bao gồm chuỗi cung ứng không ổn định, chất lượng sản phẩm kém, chậm trễ vận chuyển và các cuộc chiến thương mại toàn cầu tiềm ẩn trong thời gian dài. Đưa sản xuất ở Mỹ giúp loại bỏ những vấn đề này, và với chính sách giảm thuế và khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền Trump, chất lượng của lực lượng lao động trong nước và lợi thế chi phí của công nghệ cao hơn, đặc biệt là tự động hóa, ngày càng trở nên hấp dẫn các doanh nghiệp.

Khả thi nhờ tự động hóa và ‘chủ nghĩa địa phương khu vực’

Ngoài môi trường kinh doanh thân thiện hơn ở Hoa Kỳ dưới thời Chính quyền Trump, các ngành sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như giày dép và quần áo, quay trở lại Hoa Kỳ (nơi có chi phí lao động tương đối cao) có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Tuy nhiên, với sự tiến bộ ổn định của công nghệ sản xuất tự động sẽ giúp làm cho sản xuất nội địa trở nên cạnh tranh hơn.

Một số công ty có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc về Hoa Kỳ, trong khi những công ty khác đang tìm cách chuyển nhà máy sang các nước lân cận trong khu vực như Việt Nam và Malaysia. Điều này thể hiện việc theo đuổi một chiến lược được gọi là “chủ nghĩa địa phương khu vực”. Có nghĩa là, các nhà máy sẽ không nhất thiết phải hồi hương, nhưng có thể được chuyển đến hoặc gần các thị trường lớn, bất cứ khi nào có thể.

Moser cho biết: “Tỷ lệ tuyển dụng lao động cộng với các thông báo tuyển dụng FDI trong năm 2018 đã tăng 2300% so với năm 2010″ – Một chỉ số vĩ mô đáng kinh ngạc phản ánh khát vọng Mỹ và niềm tin của người Mỹ vào vị Tổng thống mà họ chọn.

Và nhờ sự chuyển dịch sản xuất về Mỹ suốt 3 năm trước đại dịch, dù chịu đòn kinh tế cực mạnh, sức phục hồi của Mỹ gây kinh ngạc toàn cầu. Đầu tiên, Mỹ có thể chủ động sản xuất thiết bị y tế trợ thở khi các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ vào cuộc. Không một người Mỹ nào thiếu máy trợ thở hoặc phải nhường nhau sự sống. Các kệ hàng hoá của Mỹ nhanh chóng được lấp đầy sau một vài tháng hoang mang vì đứt gãy chuỗi cung ứng. Chỉ 9 tháng, dù vẫn trong tâm dịch, chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ đã trở về mức tương đương với năm 2016 – thời điểm Tổng thống Trump bước vào Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Người Mỹ khao khát việc làm dài hạn và bền vững – Tổng thống Trump thấu hiểu điều đó

Thị trường lao động Hoa Kỳ là thị trường mạnh nhất trong nửa thế kỷ qua, khi các chính sách kinh tế ủng hộ tăng trưởng của Tổng thống Trump tiếp tục thúc đẩy nhu cầu lao động và hạ thấp các rào cản cơ cấu để gia nhập thị trường lao động.

Niềm kiêu hãnh Mỹ

Sáu giá trị văn hóa cơ bản của Mỹ lần đầu tiên được giới thiệu trong cuốn sách: “American Ways: An Introduction to American Culture” (Con đường nước Mỹ: Giới thiệu về Văn Hóa Mỹ) được xuất bản lần đầu tiên năm 1977. Có ba cặp giá trị bao gồm ba lý do tại sao những người nhập cư đến (và vẫn tiếp tục) đến Hoa Kỳ, và ba cái giá phải trả cho những lợi ích này.

Tự do cá nhân & Tự lực: Tự do Cá nhân, và cái giá phải trả là Tự lực. Chúng ta không thể thực sự tự do nếu chúng ta không thể tự chăm sóc bản thân, tự nỗ lực vươn lên một cách độc lập.

Bình đẳng về Cơ hội & Cạnh tranh: Bình đẳng về Cơ hội, và cái giá phải trả là Cạnh tranh. Nếu mọi người muốn có cơ hội thành công như nhau, thì chúng ta phải cạnh tranh công khai, minh bạch và lành mạnh dưới sự bảo hộ và giám sát bởi pháp luật.

Giấc mơ Mỹ & Sự chăm chỉ: Giấc mơ Mỹ, cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và mức sống cao hơn. Cái giá cho Giấc mơ Mỹ, một cách phổ quát nhất, đó là Làm Việc Chăm Chỉ.

Sáu cặp giá trị này đã tạo nên con người Mỹ, bản sắc dân tộc Mỹ và sự thịnh vượng bền vững của Mỹ; giải thích cho lý do tại sao Mỹ có thể dung hòa tất cả màu da và chủng tộc miễn là cá nhân ấy có thể hào hứng chia sẻ và thực hành cả đời mình 3 cặp giá trị cơ bản ấy.

Bởi vậy, dù là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, phúc lợi xã hội của Mỹ thấp hơn các nền kinh tế phát triển tại châu Âu. Với Mỹ, phúc lợi là để hỗ trợ người dân trong các giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của họ. Quan trọng hơn, bản thân người dân Mỹ, trải qua biết bao thế hệ sinh tồn, làm việc, sáng tạo và thăng hoa nhờ 3 cặp giá trị này, thứ họ cần hơn cả phúc lợi cao là cơ hội việc làm dài hạn, cơ hội sáng tạo, cơ hội tự lực và chăm chỉ trong sự bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, tài sản vật chất công bằng, bình đẳng và bác ái.

Theo năm tháng, các quan điểm, những tư tưởng cực tả băng hoại đã thâm nhập vào lòng nước Mỹ tạo nên các cuộc tranh đấu thái quá về chủng tộc, giới tính, nạo phá thai, tự do tình dục, phúc lợi xã hội… đã khiến nước Mỹ dần mất đi các giá trị ban đầu. Các đòi hỏi phúc lợi xã hội và xu hướng lợi dụng nó đã trở thành lá bài chính trị cho các đảng phái trong lòng nước Mỹ, phần nào bào mòn đi 3 cặp giá trị tạo nên bản sắc con người Mỹ và văn hoá Mỹ.

Dù vậy, những người Mỹ chân chính không quên rằng, niềm tin tôn giáo và các giá trị của nước Mỹ là nền tảng của hạnh phúc, thịnh vượng cho mỗi cá nhân, gia đình và gia tộc. Đó là lý do, điều mà người Mỹ chân chính cần là việc làm chứ không phải là phúc lợi cao. Nếu hai cặp phạm trù này mâu thuẫn với nhau, người Mỹ nhất định sẽ chọn lấy “việc làm”, bởi họ muốn được “cho đi” chứ không phải “nhận lấy”. Và Tổng thống Trump thấu hiểu điều đó.

Phục hồi kinh tế không thể chỉ ở một vài khu vực cục bộ nào đó, mà cần phải phục hồi ở tất cả các khu vực của nền kinh tế như thị trường tài chính, dịch vụ, du lịch và hỗ trợ giá tài sản tăng trưởng bền vững. Quan trọng hơn, chỉ có việc làm mới chân chính duy trì được động lực kinh tế, đổi mới công nghệ và sáng tạo, mới có thể bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, đảm bảo Mỹ đã đang và sẽ luôn dẫn đầu về công nghệ.

Bởi vậy, việc đầu tiên Tổng thống Trump làm khi bước vào Nhà trắng là ngăn chặn việc ăn cắp trí tuệ Mỹ và bảo vệ chặt chẽ quyền tài sản này cho người Mỹ. Đó chính là cam kết của chính quyền mang lại cho người Mỹ sự “Bình đẳng về cơ hội” để họ được “cạnh tranh” công bằng theo đúng giá trị Mỹ. Để làm được điều đó, Tổng thống Trump sử dụng công cụ đầu tiên: Trừng phạt thương mại với đối thủ chính trị – kinh tế hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chương trình cắt giảm thuế lớn nhất trong 30 năm qua của Mỹ, các nỗ lực phục hưng giá trị Mỹ, niềm kiêu hãnh Mỹ đã giúp ông Trump bước đầu hoàn thành tâm nguyện của ông và người dân Mỹ: Tạo việc làm dài hạn và bền vững.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2016, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 7 triệu việc làm, vượt xa con số 2 triệu mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán trong dự báo cuối cùng trước cuộc bầu cử năm 2016. Dưới thời Chính quyền Tổng thống Trump, lần đầu tiên được ghi nhận rằng có nhiều việc làm hơn số người thất nghiệp. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã xuống còn 3,5%, mức thấp nhất trong 5 thập kỷ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm đã làm giảm tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu được ghi vào năm 1967.

Công bằng và Bình đẳng về cơ hội việc làm

Điều quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi đã xuống mức thấp nhất kỷ lục, và tỷ lệ thất nghiệp mức thấp hơn cũng đã đạt được đối với người Mỹ gốc Á, Người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ hoặc người bản xứ Alaska, cựu chiến binh, những người không có bằng cấp ba và người khuyết tật, cùng những nhóm người khác.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục đang được thiết lập ngay cả với những người sắp rời khỏi thị trường lao động. Vào cuối năm 2019, gần 3/4 số người đi làm đến từ ngoài lực lượng lao động – tỷ lệ cao nhất được ghi nhận. Và lực lượng lao động ở độ tuổi này đang tăng lên dưới thời Tổng thống Trump (thêm 2,2 triệu việc làm), ngược với những thiệt hại trong thời kỳ mở rộng của chính quyền trước đó (mất đi 1,5 triệu việc làm).

Các chính sách của Chính quyền TT Trump không chỉ dẫn đến nhiều việc làm hơn mà còn được trả lương cao hơn. Giá trị tài sản ròng do 50% hộ gia đình có thu nhập đứng hàng dưới cùng đã tăng 47% dưới thời TT Trump – gấp hơn 3 lần tỷ lệ tăng của 1% hộ gia đình hàng đầu.

Ngoài ra, dưới thời Chính quyền TT Trump, bằng cách thúc đẩy tự do kinh tế, các hành động bãi bỏ hàng loạt quy định giúp tăng thêm thu nhập hộ gia đình và giảm bất bình đẳng. Một gia đình Mỹ trung bình sẽ tiết kiệm được 3.100 USD một năm khi những cải cách gần đây có hiệu lực hoàn toàn.

Thị trường việc làm bùng nổ và việc người Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn sẽ tiếp tục kéo mọi người thoát khỏi đói nghèo và từ bỏ các chương trình phúc lợi đã được thử nghiệm dưới thời Obama. Trong 2 năm đầu tiên của Chính quyền Trump, số người sống trong cảnh nghèo đói đã giảm khoảng 2,5 triệu – bao gồm gần 1 triệu trẻ em của các bà mẹ đơn thân – và tỷ lệ nghèo ở người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha đang ở mức thấp kỷ lục.

Theo Cục Thống kê Lao động – cơ quan tìm hiểu thực tế chính của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ về kinh tế và thống kê lao động – tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ năm 2010 đến năm 2019. Xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp sau khi ở mức cao trong năm 2010 do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 9,6% năm 2010 xuống 3,5% năm 2019.

Obama- Biden cần 26 tháng, ông Trump chỉ cần 2 tháng

Chính quyền Trump chao đảo vì dịch viêm phổi Vũ Hán nhưng phục hồi thần tốc việc làm chỉ trong 2 tháng nhờ nền sản xuất cơ bản đã được củng cố bền vững tại Mỹ 3 năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp 3,5% của tháng 2/2020 tăng vọt lên 14,7% trong tháng 4/2020 và giảm mạnh xuống chỉ còn 7,9% vào tháng 9/2020.

Obama-Biden cần 2 năm 2 tháng để cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 10% vào tháng 10/2009 xuống 8,5% vào tháng 12/2011. Chính quyền TT Trump đã vượt qua chỉ trong một tháng; từ 10,2% vào tháng Bảy xuống 8,4% vào tháng Tám.

Ngay cả khi đang gặp khó khăn bởi đại dịch, nền kinh tế của TT Trump đã tạo ra 11,4 triệu việc làm – với gần một nửa số việc làm bị mất do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, lần cuối cùng tỷ lệ thất nghiệp giảm nhiều đến mức này sau đỉnh điểm là xảy ra từ năm 1982 đến 1999, sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu, đòi hỏi gần 18 năm, 5 nhiệm kỳ tổng thống và 3 chính quyền. Sự phục hồi mà Hoa Kỳ đang chứng kiến hiện nay nhanh hơn gần 41 lần.

Nền kinh tế Hoa Kỳ và những con số biết nói

Kết quả tăng trưởng kinh tế Mỹ trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm kinh ngạc mọi dự báo, đặc biệt các dự báo tiêu cực tràn lan trên các trang The Economist, Bloomberg, CNBC, CNN… rằng Mỹ sẽ bị tổn thương trầm trọng khi khởi động thương chiến với Trung Quốc, rằng Mỹ cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Mỹ. Thêm vào đó, họ cho rằng Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu hoá, khỏi các Hiệp định tự do thương mại đa phương sẽ làm Mỹ tổn thất lớn… Nhưng số liệu tăng trưởng kinh tế và việc làm của Mỹ đã chứng minh rằng Mỹ chỉ có thể vĩ đại trở lại khi rút chân khỏi các cuộc chơi bất công bằng và bị thao túng bởi Trung Quốc hoặc các các thế lực ngầm khác trong sân chơi có tên “toàn cầu hoá”.

Trong dự báo cuối cùng trước cuộc bầu cử năm 2016, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) ước tính rằng GDP thực tế sẽ tăng trưởng với tốc độ 2% hàng năm trong 12 quý đầu tiên của Chính quyền mới. Tuy nhiên, dưới thời TT Trump, GDP thực tế đã vượt qua kỳ vọng và tăng với tốc độ 2,5% hàng năm từ cuộc bầu cử đến cuối năm 2019 — nhanh hơn tốc độ dưới thời kỳ mở rộng của Tổng thống Obama.

Năm ngoái đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng GDP thực tế vượt quá dự báo cuối cùng của CBO và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đưa ra trước cuộc bầu cử năm 2016. Nhờ tăng trưởng kinh tế vượt quá kỳ vọng, GDP thực tế vào cuối năm 2019 là 260 tỷ USD – cao hơn dự báo của CBO là 1,4%.

Bất chấp những khó khăn do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tổng cầu thế giới giảm, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh hơn nền kinh tế của các quốc gia phát triển khác. Tăng trưởng GDP hàng năm của Hoa Kỳ cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của các nước G7 khác.

Hoa Kỳ là 1 trong 2 quốc gia G7 duy nhất (quốc gia còn lại là Nhật Bản, nơi tăng trưởng dự kiến chỉ là 0,9%) đáp ứng được “dự báo tăng trưởng 1 năm tới” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho năm 2019.

Sức phục hồi ngoài tưởng tượng của kinh tế Mỹ trong tâm dịch

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng triển vọng kinh tế thế giới 2020 trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vào ngày 15/10 vừa qua. Cụ thể, IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 4,4%; nhiều hơn mức giảm 5,2% theo dự báo đưa ra hồi tháng 6/2020. Theo đó, GDP thế giới năm 2021 được tổ chức này điều chỉnh thành mức tăng 5,2%; thấp hơn một chút so với mức tăng 5,4% của dự báo trước.

Mặc dù được dự báo tăng trưởng âm 4,3% năm 2020, Mỹ vẫn là nền kinh tế mà IMF điều chỉnh triển vọng tăng trưởng tích cực nhất trong báo cáo 15/10 vừa qua; lên tới 3,7% so với dự báo tăng trưởng âm 8% hồi tháng 6/2020 trước đó của chính tổ chức này.

Mức điều chỉnh quá lớn cho thấy ngay cả IMF cũng bất ngờ trước sự phục hồi bền vững, chắc chắn của nền kinh tế Mỹ dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Donald Trump, mặc dù đây là sự phục hồi giữa tâm dịch trong lòng nước Mỹ. Thực tế, trong nhóm các nền kinh tế phát triển, triển vọng tích cực của Mỹ đã trở thành nhân tố dẫn dắt các nền kinh tế phát triển có triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn với dự báo hồi tháng Sáu.

Niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ dưới thời Tổng thống Trump tăng mạnh và ổn định nhất trong 2 thập kỷ

Trước sự suy thoái toàn cầu này, người tiêu dùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế với mức tăng trưởng chi tiêu mạnh mẽ. Chi tiêu tiêu dùng thực tế tăng 2,6% trong 4 quý năm 2019. Chi tiêu tiêu dùng cao hơn chiếm khoảng 80% tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2019. Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn vì niềm tin của họ đang tăng lên trong bối cảnh thị trường lao động tăng trưởng lịch sử. Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Hội đồng Hội nghị đã tăng 3,4 điểm lên 131,6; tăng 31% kể từ tháng trước cuộc bầu cử của Tổng thống Trump.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy sau khi tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, công chúng Mỹ bắt đầu cảm thấy tốt hơn rất nhiều về nền kinh tế. Vào tháng 1/2020, trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán làm gián đoạn gần như mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, người Mỹ vẫn cảm thấy nền kinh tế của họ tốt hơn bất kỳ thời điểm nào trong 2 thập kỷ qua. Khoảng 44% người nói rằng các chính sách của Tổng thống Trump đã làm cho nền kinh tế tốt hơn, so với 26% nói rằng chúng không có tác dụng.

Sau khi giảm mạnh vào đầu năm nay do đại dịch bùng phát và các hạn chế cũng như việc phong tỏa kéo theo các doanh nghiệp đóng cửa trong nhiều tháng và đẩy hàng chục triệu người Mỹ vào cảnh mất việc làm, giờ đây niềm tin của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã tăng trở lại một cách mạnh mẽ vào tháng 9 khi người Mỹ lạc quan hơn về nền kinh tế và triển vọng việc làm của họ.

Bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm virus ở Mỹ và căng thẳng chính trị gia tăng vào tháng 9, tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng điều kiện kinh doanh là “tốt” đã tăng từ 16% lên 18,3% trong tháng 9. Những người cho rằng điều kiện kinh doanh là “xấu” giảm từ 43,3% xuống 37,4%.

Thị trường chứng khoán Mỹ phá vỡ mọi kỷ lục và nhanh chóng phục hồi trong tâm dịch

Thị trường chứng khoán Mỹ dưới thời Tổng thống Trump phá vỡ mọi kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ hoạt động. Các chỉ số Dow Jones, NASDAQ và S&P 500 đều đã tiếp cận hoặc vượt quá mức đỉnh trước COVID-19. S&P 500 tăng hơn 50% kể từ khi ông Trump đắc cử, cao hơn gấp đôi mức lợi nhuận thị trường trung bình 23% của các tổng thống trong 3 năm đầu trong nhiệm kỳ của họ, theo dữ liệu từ Bespoke Investment Group có từ năm 1928. Riêng năm đầu tiên của ông Trump, thị trường cao gấp ba lần mức trung bình của các tổng thống, với S&P 500 tăng 19,4% so với mức trung bình 5,7%. Thị trường đạt mức dưới mức trung bình vào năm 2018, khi trải qua tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, trong bối cảnh lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng và việc FED tăng lãi suất. S&P 500 giảm 6,2%, so với mức tăng trung bình là 4,5%.

Thị trường phục hồi vào năm thứ ba của Tổng thống Trump. Chỉ số chứng khoán đầu đàn đã tăng hơn 28% trong năm 2019, cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận trung bình 12,8% của năm thứ ba đối với các tổng thống Mỹ trước đây. “Năm thứ ba cho đến nay là năm tốt nhất của chu kỳ với mức tăng trung bình là 12,81% và kế hoạch này đã bám sát kịch bản vào năm thứ ba của chu kỳ hiện tại”, Bespoke Investment Group cho biết trong một lưu ý cho khách hàng vào tháng 11/2019.

Bất chấp sự biến động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, năm 2019 là một năm đạt mức cao nhất mọi thời đại đối với mức trung bình của các cổ phiếu chính. Chỉ số S&P 500 lần đầu tiên vượt qua 3.200 vào giữa tháng 12/2019, chạm mốc số tròn thứ bảy trong năm 2019.

Nên nhớ các con số trên có được từ khi Mỹ tách rời Trung Quốc

Dòng đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ trong nửa đầu năm nay do đại dịch và căng thẳng chính trị phủ bóng đen lên hoạt động xuyên biên giới của 2 quốc gia này. Dòng vốn giữa hai nước đã giảm 16,2% xuống còn 10,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020, thấp hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 2011, theo báo cáo từ một tổ chức phi chính phủ, tập đoàn tư vấn Rhodium và Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán, vốn làm trầm trọng thêm mâu thuẫn thương mại và làm dấy lên lo ngại về một “chiến tranh lạnh” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo, đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc trong nửa đầu năm giảm 31% xuống 4,1 tỷ USD, trong khi đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Hoa Kỳ tăng 38% lên 4,7 tỷ USD. Đó chủ yếu là nhờ một thỏa thuận mua cổ phần thiểu số trong tập đoàn Universal Music với giá 3,4 tỷ USD của tập đoàn hàng đầu Tencent Music. Chỉ số đầu tư hỗn hợp giữa hai quốc gia đạt đỉnh vào năm 2017 ở mức 37 tỷ USD và hầu như đã giảm kể từ đó.

Giảm bất bình đẳng – Tổng thống Trump thậm chí đã làm tốt hơn những gì ông hứa

Bất bình đẳng thu nhập tại Hoa Kỳ tăng mạnh sau 2009, dưới thời cựu Tổng thống Obama, và giảm đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump dù ông giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu. Chính sách kinh tế của ông Trump thực tế đã hỗ trợ người nghèo và nhóm yếu thế vì tạo ra việc làm theo đúng quy luật cung – cầu tự nhiên của nền kinh tế, tạo động lực lao động, sáng tạo và đổi mới.

Sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2009, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Hoa Kỳ ngày càng nổi bật trên nhiều khu vực đô thị. Vùng Đông Bắc được coi là một trong những vùng giàu có nhất cả nước. Maryland, New Jersey và Massachusetts là một trong những bang có thu nhập hộ gia đình trung bình cao nhất vào năm 2019. Về thu nhập theo chủng tộc và sắc tộc, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Châu Á là 98.174 USD, trong khi thu nhập trung bình của các hộ gia đình Da đen thấp hơn một nửa của con số đó.

Thu nhập của người Mỹ tăng nhanh chưa từng có

Dữ liệu của Cục điều tra dân số công bố ngày 15/9 cho thấy thu nhập hộ gia đình trung bình được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng từ 64.324 USD trong năm 2018 lên mức kỷ lục 68.703 USD vào năm 2019; tăng 6,8%. Con số 4.379 USD tăng thêm này là mức tăng lớn nhất trong một năm. Trong ba năm đầu tiên của chính quyền Trump, số liệu này đã tăng từ 59.039 USD vào năm 2016 lên 68.703 USD vào năm 2019; với 9.664 USD này thể hiện mức tăng thu nhập (trung bình 5,5%/mỗi năm) cho người Mỹ hàng ngày.

Trong suốt 8 năm của Obama, bao gồm cả sự phục hồi sau cuộc Đại suy thoái, thu nhập trung bình của các hộ gia đình chỉ tăng từ 50.303 USD năm 2008 lên 59.039 USD vào năm 2016; với 8.736 USD bổ sung này đã nâng thu nhập lên 17,4% (2,2% hàng năm) – Thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chính sách kinh tế Trumponomics đã làm giàu cho người nghèo

Sự tương phản giữa “mảnh sân đầy bụi” của Obama-Biden và “khu vườn tươi tốt” của chính quyền Trump là rõ ràng nhất đối với các đối tượng: những người trẻ tuổi, ít học và người da màu.

Dưới thời Donald Trump, hệ số bất bình đẳng thu nhập Gini tăng từ 0,481 năm 2016 lên 0,489 năm 2017. Và sau đó giảm trong hai năm liên tiếp, xuống 0,486 vào năm 2018 và 0,484 vào năm 2019 – giảm 1,033% tỷ lệ bất bình đẳng.

Nhưng dưới thời Obama-Biden, hệ số Gini đã thực sự tăng từ 0,466 năm 2008 lên 0,481 năm 2016 – tăng 3,218% về “tỷ lệ bất bình đẳng”. Tại đây, một lần nữa, Obama hứa tặng cho người dân “bó hoa”, nhưng hóa ra lại là cỏ dại.

Đừng kêu gào về bất bình đẳng thu nhập với Tổng thống Trump

Những trang truyền thông thiên tả, những người phản đối Tổng thống Donald Trump khó có thể tiếp tục “chơi trò” phàn nàn về “bất bình đẳng thu nhập”, vì “đồ chơi yêu thích” của họ đã bị hỏng.

Những thành tựu này đã đẩy tỷ lệ nghèo của Mỹ giảm xuống, từ 11,8% năm 2018 xuống 10,5% năm 2019 – mức thấp nhất theo ước tính của liên bang kể từ năm 1959. Trumponomics đã phá vỡ kỷ lục 60 năm này và giải phóng 4,2 triệu người Mỹ khỏi đói nghèo, cụ thể: Giảm 1,8% đối với người gốc Tây Ban Nha; Giảm 2,8% ở những người gốc Á; Giảm 2% đối với người da đen (từ 20,8% xuống 18,8%)

Nhà Trắng đã quan sát thấy “Tỷ lệ nghèo đói của người da đen giảm xuống dưới 20% lần đầu tiên trong lịch sử”. Con số 22% tỷ lệ nghèo da đen của Obama-Biden vào năm 2016 đã làm nổi bật thành tựu của Trump-Pence, khi tỷ lệ này giảm còn 18,8% vào năm 2019.

Và tương tự đối với người thiểu số và người ít học. Từ năm 2016 đến 2019, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trong nhóm thu nhập thấp nhất đã tăng từ 11,5% lên 14,5%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu kinh doanh trong những năm đó đã tăng 63% trong số các doanh nhân gốc Tây Ban Nha, 104% ở những người không tốt nghiệp trung học và 138% ở người da đen.

Ngược lại với quan điểm về bình đẳng trong cơ hội và nỗ lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo quy luật tự nhiên của Tổng thống Trump, ứng cử viên Joe Biden với chính sách thổi phồng quyền lực của chính phủ, tăng thuế, tăng phân phối lại qua bàn tay chính phủ, tăng chi tiêu chính phủ sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng và thu nhập bình quân của người dân Mỹ trong dài hạn, nếu ông Biden thắng cử.

Nghiên cứu hơn 50 trang được công bố của Viện Hoover, được Tạp chí Phố Wall đánh giá cao, ước tính rằng chương trình nghị sự của Biden, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ giảm khoảng 3% việc làm toàn thời gian cho mỗi người, khoảng 15% vốn cổ phần mỗi người và GDP thực tế bình quân đầu người hơn 8%. So với ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho các biến số này vào năm 2030, điều này có nghĩa là sẽ có ít hơn 4,9 triệu người Mỹ đang làm việc, GDP thấp hơn 2,6 nghìn tỷ USD và thu nhập trung bình của hộ gia đình thấp hơn 6.500 USD.

Chúng ta không bao giờ được quên rằng, bình-đẳng-trong-cơ-hội mới chính là bình đẳng cao quý nhất, bền vững nhất mà con người nên theo đuổi. Những lời rao giảng “bình đẳng” khác – dù mỹ miều đến đâu – trên cơ sở cưỡng đoạt của người giàu chia cho người nghèo (dưới dạng thuế cao, cướp ép chuyển giao tài sản) – đều chỉ mang đến thảm họa bất bình đẳng cao hơn. Tổng thống Donald Trump – trong suốt 4 năm qua – bất chấp mọi chỉ trích, một lần nữa đã chứng minh chân lý này.