BÁNH MÌ NÓNG GIÒN ĐÂY

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lò bánh mì tươi tại Sài Gòn chuyên cung cấp bánh mì nóng giòn |

Mỗi khi có ai nhắc lại tiếng rao hàng ấy, hay tình cờ nhìn thấy nó xuất hiện trên trang báo hay trên diễn đàn internet, lòng tôi lại quặn thắt, bao nhiêu nghẹn ngào trào dâng lên tâm hồn tôi, nhứt là nhân mùa “QUỐC HẬN” của toàn dân Việt Nam.
Tôi không bao giờ quên tiếng rao hàng: “BÁNH MÌ NÓNG GIÒN ĐÂY” của đôi vợ chồng Thương Binh VNCH vang lên từ lúc bình minh, vào khoảng 5 giờ sáng, tại các khu phố của Cư Xá Lữ Gia – Phú Thọ và tại chợ Nguyễn Tri Phương thuộc quận Mười Sài Gòn. Chồng đạp chiếc xe đạp tự chế lạch cạch rao hàng, vợ bóp tiếng còi “TE, TE, TE” để mời gọi người dân trong khu phố dùng những ổ bánh mì nóng hổi mà những lò “bánh mì chui” sản xuất ra từ những bao bột mì viện trợ lương thực nhân đạo của Quốc Tế, hầu cứu đói cho dân Miền Nam đang thiếu gạo trầm trọng do chính sách Quản Lý sai lầm của chế độ.
Nhìn hình ảnh người Thương Binh bị tàn tật nặng nề mất chân trái, tay trái, bàn tay còn lại chỉ còn 4 ngón khập khễnh trong ngôi chợ Nguyễn Tri Phương bán từng ổ bánh mì để mưu tìm sự sống cho một gia đình Cha mù lòa, Mẹ ốm đau bịnh hoạn cùng hai đứa em thơ dại, tôi không thể hiểu được làm sao gia đình nầy có thể tồn tại được trong xã hội nghiệt ngã nầy?
Trước tình cảnh đau thương đó, một nữ sinh viên trường Luật đã tình nguyện giúp bạn cùng lớp trong việc bán bánh mì hầu giúp người bạn Thương Binh kiếm đủ số tiền độ nhựt qua ngày.
Không mặc cảm, không e ngại mà còn can đảm sánh vai cùng một “đối tượng” không có quyền công dân, mang nợ máu đối với nhân dân, trí thức phản động, tuyên truyền chống phá Cách Mạng…, cô nữ sinh viên nầy tự nguyện bù đắp phần nào bao nỗi thua thiệt, khó khăn… của chàng Thương Binh đang phải chịu đựng. Hai người đã kết hôn vào khoảng thời gian gần cuối năm 1977.
Trong những nghịch cảnh mà người dân Miền Nam đang phải gánh chịu, lại nổi lên một điểm son trong tình Huynh Đệ Chi Binh. Một Thương Binh bị liệt hai chân trong cuộc chiến đã đi xe lắc tay tìm đến anh Thương Binh bán bánh mì để cùng giúp đỡ lẫn nhau mưu tìm sự sống. Tuy bị liệt cả hai chân nhưng anh vẫn mang Poncho dầm mưa mài những củ khoai mì để làm bột năng bán ra thị trường, phần còn lại của củ khoai mì được chế biến thành một loại bột rải dùng trong giai đoạn nướng bánh trong lò. Hai anh Thương Binh nầy gắn bó chặc chẽ với nhau, người bị liệt cùng gia đình xay bột, còn vợ chồng người Thương Binh cụt chân đạp xe đi tìm mối và giao bột cho gần 20 lò bánh mì chui trong khu vực Bà Quẹo và Ngã Tư Bảy Hiền.
Có một lò bánh mì chui nổi tiếng tại khu chợ Tân Bình, lò bánh mì Tám Cảnh, chủ lò lại là bà con với anh chị Nguyễn Phú Hữu khóa 20 TVBQGVN. Cũng nhờ vào tình đồng môn keo sơn gắn bó anh chị Hữu tận tình giới thiệu cho người Thương Binh đang giao bột được ưu tiên nhận bánh mì để bán. Nhìn bạn còng lưng một chân đạp xe, lưng ướt đẫm mồ hôi, quần áo miếng vá chồng lên miếng vá (đã được một chị quả phụ đồng khóa khéo tay thực hiện), anh chị Hữu nóng lòng thương bạn đã nhiều lần cuộn tiền nhét vào túi người bạn đáng thương nhưng anh ấy không dám nhận vì biết rằng gia đình bạn mình cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Vợ chồng người bán bánh mì mà tôi đề cập đến là anh chị Quách Vĩnh Trường, còn gia đình người xay bột là anh chị Trương Dưỡng, cả hai đều xuất thân khóa 20 Nguyễn Công Trứ.
Sau tháng Tư năm 1975 biết bao người dân yêu nước chân chính, những người thực sự có khả năng và kiến thức để xây dựng đất nước sau cuộc chiến tranh lại bị đọa đày nơi chốn rừng sâu, sơn lam chướng khí… vì lòng hận thù nhỏ nhen mà quên đi tiền đồ tổ quốc đang cần sự đóng góp của toàn dân để phát triển.
Cho tới giờ phút nầy gần 40 năm trôi qua, tiếng rao hàng BÁNH MÌ NÓNG GIÒN ĐÂY! vẫn luôn gợi dậy trong lòng tôi một niềm xót xa, nghẹn ngào… Tôi muốn nhắc lại cho con cháu chúng ta và những người đã may mắn rời khỏi nước Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hiểu rỏ và thông cảm với những nỗi lầm than, cơ cực mà người dân Miền Nam phải gánh chịu.
Cảm nghĩ của một Quả Phụ, khoá 20B.
Tháng 4-2015