Bài học từ người thi sĩ cô đơn Nguyễn Chí Thiện-Nguyễn Văn Sâm

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài đọc trong buổi lễ cầu siêu cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
ngày Thứ Bảy 10 tháng 11 năm 2012 tại chùa Bát Nhã, Orange County, CA, USA

 

Sau khi một người nào đó từ giả cõi trần thì thân nhân đến chùa tổ chức lễ cầu siêu cho hương linh người quá vãng được lên cõi Tịnh Độ. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ở vào trường hợp đặc biệt: Ông không có thân nhân ở cạnh và nhứt là ông là một thi sĩ có tâm hồn cương dũng, đã đóng góp tích cực cho tiếng nói chống lại bạo quyền nên chùa Bát Nhã có buổi lễ cầu siêu hôm nay.

Đây là việc làm hơi mới một chút nhưng là điều mới rất đáng quí, thể hiện lòng từ bi của người theo Phật đạo và thể hiện sự ngưỡng mộ một thi sĩ có công với thơ văn và với tư tưởng tranh đấu kiên cường chống lại cường quyền áp bức người dân trong nước.

Tôi không được hân hạnh quen thân với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và tôi vẫn lấy làm tiếc về điều đó. Chỉ là biết gặp nhau trong vài ba lần ở những buổi sinh hoạt có tính cách văn hóa mà thôi, chẳng hạn như lễ mừng sinh nhật 100 năm của Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham ở San Jose năm 2007 hay lễ Ra Mắt Sách tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm của nhà văn Thuỵ Khuê ở Quận Cam gần đây, hay qua một hai buổi mời ăn thân tình của một người bạn quen biết cả hai đàng….

 

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, thi sĩ Trần Văn Nam, nhà văn Nguyễn Văn Sâm (tháng 5-2012)

Tôi thích sự nhỏ nhẹ của thi sĩ, sự nhỏ nhẹ gần như là rụt rè. Cặp mắt và cử chỉ như muốn nói với ta điều gì đó, rồi lại thôi, như là ông cân đo sự thân tình của hai đàng đạt chưa đến mức độ có thể thố lộ điều sâu ẩn trong đáy lòng. Tuy nhiên trong những lần nói chuyện ngoài những câu trao đổi sơ giao mưa nắng trời trăng tôi được biết thêm đôi điều về ông.

Trước đây tôi chỉ biết qua tác phẩm rằng ông là một người có dũng khí, dám công khai bày tỏ lòng yêu nước bất chấp tù đày và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Tôi muốn nhắc đến nội dung tập thơ Tiếng Vọng Từ Đáy Vực nổi tiếng của ông.  Tuy rằng chuyện ông là tác giả của tập thơ nầy còn nhiều khúc mắc khi có nhiều người phủ nhận nhưng phải công tâm mà nói chưa ai đưa ra được lý chứng đủ thuyết phục. Chỉ là những giả thuyết và rất nhiều suy luận gián tiếp không dựa trên khoa học. Trong văn học Việt Nam những giả thuyết không công nhận tác giả đã có quá nhiều: Bài thơ Khóc Thị Bằng đầy nước mắt đập cỗ kính ra tìm thấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi của vua Tự Đức hay của Thượng Tân Thị? Bản dịch Chinh Phụ Ngâm thiên cổ kỳ bút Trống Trường Thành long lay ánh nguyệt, khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây  là của Đoàn Thị Điểm hay của một người nào khác như sự cho biết của Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn?  Bài Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ buổi chinh chiến hoặc là oan hay chẳng, cũng chớ nề kẻ trước người sau làm rơi lệ biết bao thế hệ con người sau cuộc chiến tương tàn Nguyễn Ánh – Tây Sơn có phải là của Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành hay của một nho sĩ dưới trướng chấp bút giùm chủ tướng như ta thấy từ kim cổ, qua Đông Tây. Gần đây hơn những bài thơ tục của Hồ Xuân Hương phải chăng chỉ có một phần nhỏ là của người con gái đầy tình cảm tác giả tập thơ ướt át tình yêu là Lưu Hương Ký?

Không thể nào tìm ra manh mối được. Thôi dành bỏ qua vấn đề nghi vấn, công nhận theo truyền thống, áp dụng nguyên lý của luật pháp: Khi còn nghi ngờ chưa có bằng cớ cụ thể thì phải coi như nghi can vô tội. Tôi chấp nhận tập thơ có nhiều giá trị tư tưởng nhưng mang chút ít nghi vấn về tác giả là của ông, của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và tôi quí cái hào hùng mà tác giả đã phả vào tập thơ đó.

Tôi trọng tấm chân tình của ông dành cho quê hương, cái lập trường kiên định của ông trong cuộc chiến chống cái xấu, chống cái ác của chế độ đàn áp con người, chế độ không chấp nhận tiếng nói ôn hòa của đối lập, của phê phán, của góp ý xây dựng.

Ra đến hải ngoại, trước áp lực của cuộc sống thực tế khi tuổi đời quá cao ông không còn bương chải bán buôn làm ăn gì được, sức khỏe sút kém do hậu quả của  27 năm tù đày trong quá khứ, với những lời ra tiếng vào của những nghi kỵ, ông rút mình trong cô đơn và bóng tối. Tôi thường thấy ông thẩn thờ với những đối đáp ngắt khoảng như thả tâm trí mình chìm trong suy tư bất tận. Có lần ông than thở với tôi: “Đời sống chán quá. Chỉ muốn chết đi cho xong.”

Tôi nhìn con người trước mặt: cao lêu khêu, mặt xương xẩu, cương nghị, cái nón nỉ luôn luôn trên đầu mà nhớ đến những hào hùng xưa của ông.

Có một buổi chiều, sắp tối, gió thổi se se da, chúng tôi đứng sau lan can trên lầu Viện Việt Học, bỗng nhiên thi sĩ nói:

“Trời lành lạnh khiến nhớ không khí quê tôi quá đi mất. Nhớ không nguôi. Nhớ quay quắt. Ông biết không, ở vùng Orange nầy mà nhìn mưa lất phất, tuy không ra đường nhưng cũng cảm thấy những hạt mưa như muôn vàn ngọn roi nhỏ quất vào da thịt mình. Nhớ da diết thời trẻ ở quê nhà.”

Tôi hỏi:

“Anh có buồn vì những bất hạnh ngày xưa?”

Lâu lắm, chừng 5, 7 phút thi sĩ mới hỏi lại tôi:

“Ông Giáo Sư có đọc thơ của Tô Thùy Yên?”

Tôi bối rối. Đọc thì có đọc, nhưng biết người đối diện thích đoạn nào, câu nào trong vô số câu ý hay ho của tác giả Ta Về. Và tôi ngó ông, hỏi bằng ánh mắt.

Cũng lại lâu lắm, 5, 7 phút nữa, thi sĩ đọc nho nhỏ:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp,
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu,
Mười năm mặt sạm soi khe nước,
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
(Ta Về – Tô Thùy Yên)

Tôi hiểu ý ông. Bỏ qua. Vĩnh biệt những chuyện đã trở thành quá khứ nên quên, nên bỏ dầu thời gian đó ông bị người ta đày đọa khiến cho sống không ra con người. Quên, chưa chắc là chịu thua, cũng không có nghĩa là tha thứ cho bạo quyền, quên để nhẹ tâm một con người về già thấy mình cần trút bỏ những sân si hờn giận, những tình cảm không còn đáng cho mình phải đeo đẳng, bận bịu. Có lẽ trong tư tưởng nầy, vào những ngày cuối đời, ông đã ngỏ ý với một Hòa Thượng rằng mình muốn qui y và xin được ban pháp danh…

Người nào làm trọn vai trò đời với tổ quốc mình khi sống thì lúc qui tiên cũng là lúc đi vào một chỗ nào đó trong bản giá trị cao trọng của người đồng chủng. Nhà văn nhà thơ thiệt sự thì đi vào văn học sử. Ta chẳng có gì mà buồn cho họ, ta chỉ nên từ cuộc đời họ rút ra những bài học cho chính mình. Bài học của tôi từ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là kiên dũng với bạo quyền, coi nhẹ để tha thứ những chỉ trích tấn công của người cùng phía, chấp nhận sự thất bại của cuộc đời và quên đi những bất công mình từng gánh chịu để nhẹ tâm.

Có lẽ chính sự lựa chọn triết lý sống phức tạp nầy nên đến cuối đời, ông vẫn thấy mình vừa cô đơn vừa thanh thản. Nay, ở bên kia cõi u minh khói sương mờ mịt, tôi mong rằng ông thanh thản hơn lúc còn ở chốn ta bà dung thân tạm bợ này.

Hôm nay chúng ta làm lễ cầu siêu cho ông, để tỏ lòng thành quí mến đối với một thi sĩ đã làm trọn vai trò mình.

Trong tương lai tôi chắc rằng sẽ có nhiều cuộc cầu siêu tương tợ như thế nầy cho những nhân vật đáng kính nễ khác của Việt Nam thuộc về những phương diện khác như chánh trị, văn chương, nghệ thuật, nhân quyền, dấn thân…. Công việc mà các hội đoàn gần đây thường làm. Sự kiện nầy tôi cho là quá tốt, quá hay: Con đường đi của giới tu hành hải ngoại không thu hẹp lại trong các chùa chiền, tu viện mà nở bung ra với cộng đồng, thể hiện sự song đôi cần thiết của Đạo-Đời.

Vĩnh biệt Nguyễn Chí Thiện, con người sanh ra lầm nơi, lầm thế kỷ…Vĩnh biệt anh, người bạn sơ giao nhưng tôi kính mến, vĩnh biệt nhà thơ viết bằng máu của con tim can trường.

Nam Mô Ai Di Đà Phật.

Nguyễn Văn Sâm, nhà văn.