BÀ JACKIE BÔNG & HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ ” NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN VIỆT NAM “

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

SYMPOSIUM: THE VIETNAM WAR REVISITED : (Sept. 14-2018)
 
                                  ****************
 
Quang cảnh Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam", được tổ chức vào ngày 14/09/18 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Quang cảnh Hội thảo “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam”, được tổ chức vào ngày 14/09/18 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Một hội thảo với chủ đề “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam” vừa được tổ chức tại Viện Bảo tàng Lưu trữ Quốc gia (National Archives Museum) ở thủ đô Washington trong trung tuần tháng 9.

Quá khứ không phai mờ

Đã hơn 4 thập niên trôi qua, nhưng những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam chưa hề phai mờ trong ký ức của những người đã đi qua cuộc chiến và được họ chia sẻ tại Hội thảo “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam”, vừa được tổ chức vào ngày 14 tháng 9 vừa qua.

Buổi hội thảo diễn ra trong một ngày với sự tham dự của khoảng gần 250 người. 15 diễn giả lần lượt trình bày và thảo luận các vấn đề bao gồm Miền Bắc Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào; Miền Nam Việt Nam xây dựng quốc gia trong cuộc chiến-Kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1955-1975; Cam kết của Hoa Kỳ tại Việt Nam-Một sự dở dang; Tại sao Miền Nam Việt Nam và đồng minh bị thua trận; Vai trò của cộng đồng Việt trong việc giải cứu, bảo vệ và tái định cư cho người Việt tị nạn; Những bài học từ chiến tranh Việt Nam; Chương trình Tị nạn Quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 2001-2005; Di sản Việt Nam Cộng Hòa ở quốc gia Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Thế hệ trẻ ở Việt Nam sau năm 1975 đến hiện tại; Đời sống khó khăn của người Thượng ở Việt Nam; Thế hệ trẻ người Việt hải ngoại với vết thương không lành bởi chiến tranh Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng các cuộc hội thảo như thế này rất có ích vì nó giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, mặc dù có những quan điểm khác biệt. Quan điểm khác biệt là điều chúng ta phải chấp nhận vì đó là việc tự nhiên trong cuộc đời. Và, hội thảo là cơ hội để những người có quan điểm khác biệt được nói ra quan điểm của họ và trao đổi thẳng thắn trong công chúng. Thành ra sẽ giúp cho sự hiểu nhau, bên cạnh việc giúp cho sự phát triển thông tin về những biến cố lịch sử được nói ra những thông tin đó-Tiến sĩ Vũ Tường

Một số vấn đề trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn là đề tài gây tranh cãi được các diễn giả cùng khách tham dự thảo luận sôi nổi và thẳng thắn; như chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến hay không hoặc mục đích của Cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là để thống nhất đất nước hay để cho chủ nghĩa Cộng sản được lan rộng đến 3 nước Đông Dương? Biến cố Mậu Thân cũng được nhắc đến rằng đó có phải là chính sách của Cộng sản Bắc Việt khi hàng trăm đồng bào miền Nam bị giết hại và vấn đề này cần thiết được tiếp tục nghiên cứu để trình lên tòa án quốc tế phán xét liên quan tội ác chiến tranh hay không? Tiến sĩ Vũ Tường, một diễn giả đến từ Đại học Oregon University nhận định về Hội thảo “Nhìn lại Chiến lại Chiến tranh Việt Nam” với RFA:

“Tôi nghĩ rằng các cuộc hội thảo như thế này rất có ích vì nó giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, mặc dù có những quan điểm khác biệt. Quan điểm khác biệt là điều chúng ta phải chấp nhận vì đó là việc tự nhiên trong cuộc đời. Và, hội thảo là cơ hội để những người có quan điểm khác biệt được nói ra quan điểm của họ và trao đổi thẳng thắn trong công chúng. Thành ra sẽ giúp cho sự hiểu nhau, bên cạnh việc giúp cho sự phát triển thông tin về những biến cố lịch sử được nói ra những thông tin đó.”

Các diễn giả nhắc lại một yếu tố quan trọng góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam theo như tuyên bố của phía Cộng sản Bắc Việt là họ thừa nhận không thể đánh bại Việt Nam Cộng Hòa trên mặt trận, nhưng họ có hy vọng chiến thắng qua làn sóng phản chiến tại Mỹ và trên thế giới. Thế nhưng, câu hỏi của khách tham dự hội thảo đặt ra liệu rằng Cộng sản Việt Nam thật sự đạt được mục đích khi là phe thắng cuộc trong cuộc chiến này? Tiến sĩ Vũ Tường trả lời thắc mắc vừa nêu với sự khẳng định rằng Chính quyền Cộng sản Việt Nam thất bại trong mục tiêu mà họ đặt ra là xây dựng lại một đất nước họ đã từng tiêu tốn nhân mạng, tài lực để phá hủy.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một người tham dự hội thảo chia sẻ rằng ông xuất thân ở miền Bắc và sống dưới chế độ Cộng sản ở Việt Nam, do đó ông hiểu rất rõ tâm lý và hành động của giới lãnh đạo trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam; đồng thời ông là một học giả nên ông có cái nhìn tương đối khách quan và ông đã từng lên tiếng với Chính quyền Hà Nội cần phải dân chủ hóa Việt Nam và thiết lập một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nói với RFA:

“Tôi thấy rằng cuộc chiến tranh Việt Nam cũng đã kết thúc rồi và tôi cũng đồng ý ở một điểm là bất luận thế nào thì nước Việt Nam đã thống nhất, kể từ ngày 30/04/1975. Nhưng vấn đề quan trọng tiếp theo là sau khi thống nhất đất nước thì những người lãnh đạo Việt Nam phải làm thế nào để cho người dân Việt Nam được hạnh phúc?”

Vì góp tiếng nói cho dân chủ hóa tại Việt Nam, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trở thành tù nhân lương tâm và bị tống xuất khỏi Việt Nam, sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người trong hàng triệu người Việt Nam bị buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở đi tị nạn, kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Anh Tùng Nguyễn, một thanh niên cùng gia đình bị buộc phải sống lưu vong từ năm 2017 chia sẻ tại hội thảo rằng anh hy vọng những khách tham dự hãy quan tâm nhiều hơn đến tình hình đất nước Việt Nam, một quốc gia hòa bình, không chiến tranh nhưng người dân Việt Nam phải sống trong tình cảnh mà họ phải chiến đấu từng ngày cho “dân quyền và nhân quyền” của họ.

“Tôi mong các bạn có thể nhìn thấy những điều đó và làm điều gì đó có ích cho đất nước Việt Nam khi chúng ta có thể. Và chúng ta có thể làm khi chúng ta ở ngoài quốc ngoại vì chúng ta không bị bịt miệng như ở trong đất nước Cộng sản.”

Bà Victoria Sams, một chuyên gia của Tổ chức National Endowment for the Humanities-Tài sản Quốc gia vì Nhân loại nói với RFA về cảm nhận của bà khi tham dự hội thảo:

“Hôm nay, tôi được biết thêm nhiều hơn và tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều để học hỏi từ cuộc chiến tranh này. Tôi ghi nhận hai vấn đề quan trọng tại buổi hội thảo được nêu lên là nhiều người phải sống trong nỗi đau âm ỉ với hồi ức về chiến tranh, qua chia sẻ của những người tham dự hội thảo hôm nay và với giá trị của sự lưu trữ từ ký ức, từ những tư liệu được ghi chép lại, từ các cuộc hội thảo sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và đúc kết nhiều hơn nữa để càng có nhiều người hiểu biết hơn qua các thông tin lưu trữ về cuộc chiến tranh Việt Nam.”

Viễn ảnh Việt Nam trong tương lai

Các diễn giả (từ trái sang): Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (thứ nhì), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hanh (thứ ba), Tiến sĩ Tạ Văn Tài (thứ tư), Ông Frank Snepp, cựu nhân viên CIA (thứ năm) tại Hội thảo
Các diễn giả (từ trái sang): Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (thứ nhì), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hanh (thứ ba), Tiến sĩ Tạ Văn Tài (thứ tư), Ông Frank Snepp, cựu nhân viên CIA (thứ năm) tại Hội thảo “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam” Photo: RFA

Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giảng viên Luật trường Đại học Harvard, trong phần trình bày về các bài học rút ra từ chiến tranh Việt Nam, ông có nhắc đến một sự kiện hồi năm 1993, tại cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt-Mỹ ở Hawaii, phía Việt Nam lên tiếng thừa nhận Hoa Kỳ đã thua trong chiến tranh nhưng thắng lợi trong hòa bình qua các chương trình hợp tác của Mỹ với Việt Nam để giải quyết hậu quả chiến tranh cũng như trong việc xây dựng Việt Nam phát triển.

Ông Trí Tạ, Thị trưởng thành phố Westminter, bang California, một diễn giả tại hội thảo khẳng định với RFA rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam phát triển, quan trọng là: 

“Tôi nghĩ rằng thế hệ trung niên và trẻ tại hải ngoại phải luôn đồng hành với thế hệ trẻ ở Việt Nam, cũng như đồng hành với hơn 90 triệu đồng bào ở trong nước. Chúng ta thấy đã 43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của ngườii trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ.”

Diễn giả-Tiến sĩ Robert Turner, thuộc Trung tâm Luật An ninh Quốc gia, University of Virginia Law School nhấn mạnh rằng Việt Nam có cơ hội hòa nhập vào thế giới tự do, do đó việc nên làm là giáo dục cho người dân hiểu biết về chính quyền, hiểu biết về quyền lợi của tự do thương mại và các quyền lợi xã hội theo luật pháp và việc làm như thế theo thời gian, Tiến sĩ Robert Turner cho rằng người dân Việt Nam sẽ có được tự do dân chủ.

Trong khi đó, Diễn giả-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS thêm vào ý kiến rằng việc giáo dục là cần thiết nhưng chưa đủ để có thể dẫn đến sự thay đổi từ độc tài sang tự do dân chủ tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng cần phải tạo ra và nuôi dưỡng các phong trào xã hội phản kháng ôn hòa để bảo vệ các quyền và quyền lợi của người dân, và giới trẻ người Việt trong và ngoài nước đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi Việt Nam được thật sự hòa bình và dân chủ.

(HÒA ÁI-RFA)

Tôi được biết thêm nhiều hơn và tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều để học hỏi từ cuộc chiến tranh này. Tôi ghi nhận hai vấn đề quan trọng tại buổi hội thảo được nêu lên là nhiều người phải sống trong nỗi đau âm ỉ với hồi ức về chiến tranh…và với giá trị của sự lưu trữ từ ký ức, từ những tư liệu được ghi chép lại, từ các cuộc hội thảo sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và đúc kết nhiều hơn nữa để càng có nhiều người hiểu biết hơn qua các thông tin lưu trữ về cuộc chiến tranh Việt Nam-Bà Victoria Sams