ẢI NAM QUAN – KHU CHỨNG TÍCH LỊCH SỬ (Dương Thanh Thiên)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ải Nam Quan chiếm một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của người Việt Nam chúng ta. Trải qua bao thời đại, lịch sử đã chứng minh người Việt đã phải hy sinh biết bao xương máu để chống lại những cuộc xâm lăng và ngăn chận mọi ý đồ Hán hoá của bọn giặc từ phương bắc. Ải Nam là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đã ngàn năm trấn thủ biên cương, giữ vững bờ cỏi, và bảo vệ cho sự trường tồn của một dân tộc đã có hơn bốn ngàn năm văn hiến.

NHỮNG ĐẤU TÍCH LỊCH SỬ QUAN TRỌNG

1. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liển bị sát hại. Vệ vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Lê Hoàn trở thành Nhiếp chính đại thần. Triều thần nổi dậy chống Lê Hoàn, Triều đình hổn loạn. Nhà Tống thừa vào dịp này sai Hầu Nhân Bảo tấn công Đại Cồ Việt qua đường Lạng Sơn – đi qua ải Nam Quan. Rồi năm 981, quân Tống bị đánh bại, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém tại Ải Chi Lăng.

2. Năm 1076, Tống Thần Tông sai Quách Quỳ phản công đạo quân của Lý Thường Kiệt. Đại quân của Quách Quỳ từ Tư Minh, Bằng Tường vượt qua biên giới nước ta, theo đường cửa ải Nam Quan.

3. Năm 1284, Thoát Hoan thừa lệnh của vua nhà Nguyên – Mông là Hốt Tất Liệt tấn công Đại Việt bằng đường bộ qua ải Nam Quan. Quân xâm lược bị quân Đại Việt đánh cho tan tác. Thoát Hoan thua trận phải chui vào ống đồng trốn vế Tàu cũng qua ngả Nam Quan.

4. Mùa Thu năm 1407, đời nhà Hồ, quốc hiệu Đại Việt lúc bấy giờ là Đại Ngu, nhà Minh sai đại tướng quân Chu Năng, phó tướng quân Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân sang đánh Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly). Khi tiến quân đến Long châu, Chu Năng bị chết, Trương Phụ lên thay thế. Tương Phụ theo đường Bằng Tường thuộc Quảng Tây tiến quân đến quan ải Nam Quan, rồi kéo thẳng đến sông Phú Lương. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng của Đại ngu bi thất bại, khiến đất nước bị Tàu đô hộ 20 năm.

5. Năm 1414, đoàn tù binh Việt thất trận bị giặc bắt dẫn giải về Tàu qua ngã Ải Nam Quan, cảnh chia ly bi hùng của hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi trên cửa ải trở thành một sự kiện nổi tiếng trong văn học sử, với lời căn dặn của người cha nay đã trở thành một nội dung giáo dục lòng yêu nước trong sách giáo khoa ( trước 1975): “… con hãy trở về tìm chơn chúa mà phò, mưu đồ phục quốc, trả thù cho cha, chớ đi theo khóc lóc như đàn bà phỏng có ích gì…”

6. Năm 1426, Minh Tuyên Tông huy động 5 vạn quân các tỉnh phía nam đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông, tiến quân sang Đại Việt để đè bẹp quân Lam Sơn do Lê Lợi là chủ soái. Tuy nhiên, quân Lam Sơn khéo bày trận phục binh, nhanh chóng đánh tan quân Vương Thông tại Tốt Động – Chúc Động. Vương Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan, đồng thời cho người về nước để cầu viện quân. Tháng 01 năm 1427, tướng nhà Minh là Liễu Thăng hung hăng kiêu ngạo đem 10 vạn quân và 2 vạn ngựa vượt ải Nam Quan tiến xuống phía nam để cứu viện cho Vương Thông đang bị Lê Lợi vây trong thành Đông Quan. Ngày 18 tháng 09 năm 1427, Liễu Thăng bị phục binh giết chết tại ải Chi Lăng. Vương Thông mở cửa thành xin giảng hòa (thực chất là đầu hàng) rút quân về. Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á.

7. Tháng 6 năm 1427, Minh đế ra lệnh cho Cố Hưng Tổ đem 5 vạn quân, 5000 ngựa, sang cứu viện Vương Thông. Tuy nhiên, khi đến cửa ải Nam Quan, bị các tướng Lam Sơn là Trần Lựu và Lê Bôi đón đánh, chém 3.000 quân, bắt 500 ngựa. Cố Hưng Tổ thua trận, bỏ chạy về nước.

8. Năm 1539, Ải Nam Quan chứng kiến nỗi nhục nghìn đời với sự kiện cha con Mạc Đăng Dung và một số quan lại ngụy triều nhà Mạc mặc đồ tang, quấn dây trói quanh mình, đi chân đất qua ải Nam Quan, phủ phục trước quan binh nhà Minh, dâng ấn tín, sổ sách dân đinh, bản đồ Đại Việt và cắt đất đầu hàng, xin nội thuộc Trung Quốc.

8. Tháng 03 năm 1596, các quan nhà Lê đem 10 người kỳ mục, 100 cân vàng 1.000 cân bạc, và cái ấn An Nam Đô Thống Sứ của nhà Mạc và cái ấn An Nam Quốc Vương của vua Lê ngày trước lên trình các quan nhà Minh ở Nam Quan.

10. Năm 1725 Án sát tỉnh Quảng Tây Cam Nhữ Lai vào thời Gia Tĩnh nhà Thanh tu bổ cửa Nam Quan, gồm có một tầng và một cửa đôi để qua lại, năm 1728 cho treo phía trong tường biển đề Trấn Nam Quan, phía ngoài “Nam cương trọng trấn”. Đời vua Càn Long nhà Thanh, lại cho treo tấm biển “Trung Ngoại Nhất Gia”. Cửa có khóa, chỉ mở khi nào có sứ bộ đi qua.

11. Năm 1774. Ðốc trấn Lạng Sơn là Nguyễn Trọng Ðang cho tu sửa, xây lại phần phía Nam của Ải Nam Quan.

12. Tháng 10, năm 1788, theo lời cầu viện của Lê Chiêu Thống, vua nhà Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị cầm 29 vạn quân tấn công Đại Việt bằng ba ngả: Tôn Sĩ Nghị cùng Hứa Thế Hanh vào cửa ải Nam Quan, vào Lạng Sơn đi xuống, Sầm Nghi Đống đi qua đường Cao Bằng, và đề đốc Vân Nam Ô Đại Kinh vào đường Tuyên Quang. Mùa xuân năm 1789, Hoàng đế Quang Trung đánh cho bè lũ bán nước và cướp nước một trận tan tác, Ải Nam Quan chứng kiến cảnh Lê Chiêu Thống và Tôn Sĩ Nghị đang gặp nhau trên đường trốn chạy về Tàu qua cửa ải.

13. Thời chiến Tranh Pháp – Trung, vào ngày 24 tháng 02 năm 1885, một ngày sau khi xảy ra trận chiến ở Đồng Đăng, Tướng de Négrier cho phá sập Ải Nam Quan vào lúc 14 giờ 30 và cho dựng lên gần đó một tấm biển ghi bằng chữ Hán: “Không phải vách đá bảo vệ được biên giới, mà là sự tôn trọng các hiệp định”.

14. Ngày 26 tháng 06 năm 1887, Công Ước Về Hoạch Ðịnh Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc ký giữa Pháp và nhà Thanh. Rồi ngày 21 tháng 04 năm 1891 tiến hành cắm cột mốc tại vùng biên giới gần ải Nam quan.

15. Sau năm 1949 Mao Trạch Đông trùng tu Trấn Nam Quan cho xây thêm tầng các, nóc lợp ngói lưu li, rồi đổi tên là Mục Nam Quan vào năm 1953.

16. Năm 1957 Chính phủ Quảng Tây trùng tu Mục Nam Quan với kiến trúc ba tầng như hiện nay.

17. Năm 1965 Mao Trạch Đông và Hồ Tập Chương (Hồ Quang) đồng ý đổi Mục nam Quan thành Hửu Nghị Quan, phía Việt Nam gọi là cửa khẩu Hửu Nghị.

18. Từ ngày 17 tháng 02 năm 1979, trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tung trên 200.000 quân (phía csVN cho rằng là 660.000 quân) tấn công Việt Nam ở sáu tỉnh biên giới: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, và đã chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Bộ binh Trung Hoa vào thị xã Lào Cai bằng thung lũng sông Hồng, vào thị xã Cao Bằng theo thung lũng sông Bằng (Bằng Giang), và vào thị xã Lạng Sơn qua Ải Nam Quan. Có một vài thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng sau khi rút quân ngày 05 tháng 03 năm 1979, quân Trung Quốc vẫn chiếm giữ vùng đất phía nam ải Nam Quan của Việt Nam.

LỊCH SỬ ĐÃ BỊ LƯU MỜ

Vào ngày 30 tháng 12 năm 1999, tại Hà nội, Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam và Ngoại trưởng Đường Gia Triền của Trung quốc đã chính thức ký ‘Hiệp ước biên giới trên đất liền’ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bản hiệp ước này đã được quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 29 tháng 04 năm 2000, và quốc hội Việt Nam thông qua ngày 09 tháng 06 cùng trong năm. Việc cắm mốc biên giới đã được bắt đầu từ năm 2001 cho đến cuối năm 2008 là kết thúc. Theo Hiệp ước này thì Ải Nam Quan nay đã bị đời sâu vào trong lãnh thổ của Trung Quốc. Một vị trí chiến lược đã ghi đầy những dấu tích lịch sử lẫy lừng nay đã là một vùng cấm địa cho toàn người Việt, nhưng là một khu an toàn của người Trung Quốc, và cũng là một nơi triển lãm cho sự thành công trong công việc “chiếm đoạt” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

(Ải Nam quan – Cột mốc zero của biên giới Việt – Trung)

Dương Thanh Thiên