ĐÙA DAI VỚI ÔNG LƯỠI HÁI (Bông Lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of helicopter and outdoors

Ai buồn chán vì cuộc đời ô trọc dzô dzị này thì coi hai đoạn phim cứu nguy những người bị nạn ở đỉnh núi sau đây. Thấy cảnh những người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng để cứu những người sống một cuộc sống mạo hiểm kề cận với thần chết. Họ có cùng mẫu số chung là thích đùa dai với ông lưỡi hái.
Đoạn phim thứ nhứt quay cảnh một chiếc trực thăng “Blackhawk” UH-60 của Vệ Binh Quốc Gia thuộc tiểu bang Colorado cứu những người thám hiểm đỉnh North Maroon cao 14 ngàn bộ (4.26 km) của hệ thống núi Rocky Mountains vào năm 2013.
Chiếc trực thăng bay đứng (hover) và từ từ đáp một bánh xe trên đỉnh núi để những người bị nạn leo lên. Nhìn những người ngồi trên núi thì thấy hôm ấy trời ít gió nên máy bay không bị gió lộng thổi vào núi hút máy bay xuống bất tử (downdraf). Ngoài ra ở cao độ 14 ngàn bộ thì không khí rất loãng nên sức nâng của cánh quạt giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên UH-60 có 4 cánh quạt rất khỏe nên đã không bị rớt vì mất sức nâng.
Nhìn thì thấy rùng rợn và hồi hộp muốn đứng tim nhưng bay đứng đáp một càng hay một bánh xe thì mấy anh phi công Mỹ trẻ gan lì cấp bực Thiếu Úy hay Trung Úy chỉ vài năm kinh nghiệm bay đều làm được.
Chú ý thấy đầu cánh quạt sơn màu trắng hay vàng để phi công thấy nó quay mà tránh mấy cục đá núi hay thân cây cổ thụ. Cánh quạt mà chém vào đá núi hay thân cây là máy bay xụm bà chè liền. Trong phim thấy cánh quạt quay chỉ cách mấy cục đá vài mét. Chỉ cần một cơn gió lốc làm máy bay mất sức nâng tụt xuống là cánh quạt chém vào núi thì máy bay sẽ rơi tòm xuống vực thẳm.
Trưởng phi cơ trực thăng ngồi ghế phải nên anh phi công trẻ chịu chơi này từ từ xáp máy bay vào vách núi phía tay phải để anh ta có thể nhìn xuống điều khiển bánh xe trực thăng bên phía anh ngồi chạm vào cục đá cho những người bị nạn leo lên. Những ca nguy hiểm này thì thường phi công chính dành làm còn phi công phụ ngồi bên trái chỉ ngồi chơi xơi nước.

 

Binh chủng Phòng Vệ Duyên Hải Hoa Kỳ (Coastguard) có loại trực thăng Sikorsky HH-60J Jayhawk tương tự như SH-60/MH-60 Seahawk Hải Quân Hoa Kỳ nhưng được trang bị thêm hệ thống ra đa và GPS giúp trực thăng bay đứng tự động. Khi kích hoạt hệ thống này thì trực thăng có thể bay đứng một chỗ để cứu người bị nạn trên biển động giông bão. Khi sóng biển dâng lên cao thì máy bay tự động trồi lên theo vì được điều khiển bằng ra đa và GPS (hình đính kèm).
Đoạn phim thứ hai là một pha cứu một số nhà thám hiểm bị tai nạn ở đỉnh Mount Hood cao 11 ngàn bộ – tiểu bang Oregon vào năm 2002. Trong cuộc tiếp cứu này Vệ Binh Quốc Gia của tiểu bang Oregon cũng sử dụng trực thăng Blackhawk” UH-60 do các anh phi công trẻ măng khoảng 25, 26 tuổi. Trẻ tuổi thường điếc hổng sợ súng.
Nhưng cuộc tiếp cứu này không được may mắn cho lắm. Máy bay đang bay đứng thòng dây xuống để câu mấy người bị tai nạn lên thì bất ngờ bị một cơn gió lốc thổi đến. Không khí ở cao độ loãng làm cánh quạt trực thăng bị mất sức nâng nên máy bay rớt xuống sườn núi. Cánh quạt chém vào tuyết gãy nát và máy bay lăn lông lốc xuống nằm yên nghỉ phơi bụng lên trời. Trong cái rủi vẫn còn cái may vì hổng có ai ngỏm củ tỏi.
Năng động hiếu động quá cũng gây phiền phức cho người khác. Đi thám hiểm lung tung gây tai nạn cho chính mình báo hại chính phủ phải đem trực thăng đi cứu. Có khi người đi cứu cùng bị tai nạn dính chùm luôn. Mỗi năm có hàng trăm công dân Mỹ đi leo núi bị tai nạn chết. Đi cứu họ là nhiệm vụ của quân dội và cảnh sát. Không ai trách cứ những người có máu mạo hiểm vì đó là truyền thống khai phá biên cương. Còn những người đi tiếp cứu thường được ca ngợi là anh hùng hào hiệp và quả cảm.
BÔNG LAU