NHỮNG HÀNG ME LƯU LUYẾN (Bạch Đằng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hàng me trên đường Lý Tự Trọng (Gia Long trước 1975), Sài Gòn. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Tôi yêu Sài Gòn – luôn luôn và mãi mãi – như bao người Sài Gòn khác; đơn giản là vì tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trước 1975 – được thụ hưởng nền văn hóa nhân văn và lối sống nhân ái của của Sài Gòn. Tôi tự hào là người Sài Gòn “chánh hiệu” vì ba mẹ tôi – đã thành người “thiên cổ” từ lâu – cũng là… dân Sài Gòn. Sau này, khi làm việc với nhiều chuyên gia Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Đức,… tôi hãnh diện nói với họ trong những bữa ăn hoặc lúc uống cà phê: “Je suis un Saigonais pur” hoặc “I am the real Saigonese.”

Ba mẹ nuôi tôi, nhà trường dạy tôi nhưng Sài Gòn ấp ủ tôi. Tôi với Sài Gòn quá nhiều kỷ niệm êm đềm và đẹp biết bao… Thời gian qua đi với nhiều biến động dữ dội nhưng trong ký ức và tâm khảm tôi –  những lưu luyến về Sài Gòn vẫn hiện lên rõ ràng bất chấp thời gian.

Một trong những ký ức đó – bình dị lắm thay – là… me và những hàng me của Sài Gòn.

Tôi “có duyên” với me từ lúc còn là “con nít,” bởi hồi nhỏ tôi hay bị “sảy” –  nó nổi thành từng “dề” trên lưng trên cổ gây ngứa ngáy đau rát rất khó chịu, ngứa lắm đến nỗi phải “gãi”; gãi “sướng” đến độ rách da gây nhiễm trùng thành ghẻ và mụn nhọt. Ba tôi dẫn tôi đi khám bác sĩ ở công ty nơi ba tôi làm việc, uống cả “chậu” thuốc tây mấy tháng trời vẫn không hết. Mẹ tôi, hổng biết nghe ai, nhờ người hái me non về rửa nước sạch rồi nấu lên pha nước cho tôi tắm. Được vài lần thì giảm rồi hết hẳn; tôi “biết ơn” me từ đó.

Lớn lên một chút, vào trung học đệ nhất cấp, sau giờ tan học về nhà, tôi thích đạp xe tà tà dọc theo các con đường Cường Để, Nguyễn Bỉnh Khiêm… để được đi dưới những hàng me rợp mát và lượm những trái me chín rụng xuống – hồi xưa gọi là me “dốt” – ngon “hết biết.”

Không chỉ vậy, me lưu “cảm tình” với tôi từ những món ăn, tôi không giấu giếm mình là ngưới “ham ăn… ngon”: Canh chua cá lóc mà không nấu với me thì không phải là canh chua chánh hiệu. Me làm cho tô canh chua có vị thanh, dịu, chua một cách… “ngọt ngào.” Tôi không là bác sĩ, dược sĩ nhưng tin rằng rằng canh chua me có tác dụng “giải cảm”; có lẽ bởi tôi cảm thấy… “sảng khoái” và “quá đã” sau khi “thưởng thức” tô canh chua me.

Bây giờ tôi không tìm đâu ra một món ăn dân dã mà mẹ tôi làm những tháng năm khó khăn những năm đầu sau 1975. Mỗi trưa đi học về, tôi phải đạp xe lên chợ nhỏ Văn Thánh nơi mẹ tôi dãi dầu mưa nắng bán đủ thứ bí, bầu, rau, củ, quả, đậu, tương, cà, mắm, muối… để dọn hàng về. Về đến nhà thường là hơn 1 giờ trưa. Mẹ tôi bằm ba rọi xong để một khúc mắm cá lóc vào giữa hai lớp ba rọi đã bằm, ướp tiêu, hành, tỏi, ớt rồi đem chưng lên. Lúc mùi thơm điếc mũi dậy lên, bà sắp cải con, rau húng, dưa leo, đậu rồng và đặc biệt – thêm vài lát me sống bỏ hột xắt xéo. Tô mắm cá lóc chưng với ba rọi bằm được bắt xuống còn nghi ngút khói cùng với nồi cơm vừa chín tới. Mỗi “và” cơm với miếng mắm lóc kẹp ba rọi bằm kèm với đậu rồng, cải con, dưa leo và cắn nhẹ một miếng me sống là… từng giọt mồ hôi… ròng ròng trên mặt tôi vì quá ngon, ăn không kịp thở!

Sài Gòn xưa. (Hình: Đại Kỷ Nguyên)

Me còn làm cho nhiều món ăn bình thường trở thành đặc sản có tiếng. Hột vịt lộn quá bình thường, nhưng hột vịt lộn xào me làm mọi người múc, húp sì sụp! Rồi còn cua rang me! Trời đất! Không có nhiều quán ăn có món này bởi chế biến cho đúng điệu không dễ chút nào. Order món này phải chờ lâu một chút, chờ cho dịch vị tiết ra sự thèm thuồng; rồi khi món được bưng ra phải chờ thêm một tí để nguội bớt – cũng là để chút ít nước miếng nuốt ngược vào chờ đợi – để sau đó là… húp hà… tê tái!

Tết mà thiếu mứt me thì lấy gì để nhấm mà tán dóc? Cái ngọt ngọt chua chua giòn giòn của mứt me làm giảm cái ngấy của bánh chưng bánh tét; giảm cái ngọt đường của các loại mứt khác. Mứt me uống trà cũng được, nước ngọt cũng xong, và nhấm nháp với tí rượu bia cũng ok.

Các “fan” của lứa tuổi “teen” chắc phản ứng mạnh nếu không có ô mai me trên đời. Không có ô mai me thì làm sao có thể suốt ngày ôm “ai phôn,” “ai pát” để chit chat?

Bún riêu mà không có nước me dốt giầm thì coi như “trớt quớt,” khô cá khoai nhấm với gỏi lá sầu đông mà không có nước mắm me thì chưa phải “sành điệu.”

Và điều mà tôi nhớ đến me nhiều nhất là chuyện tình của tôi: Me đồng hành với tôi khi tôi lên lớp 12 – khi trái tim bắt đầu biết… rung rinh sau mỗi chiều tan học – cứ mãi đạp xe phía sau tà áo dài trắng của người con gái Trưng Vương, mà quên cả đường về nhà! Không gì đẹp hơn dáng hình người con gái “vóc hạc xương mai” trong tà áo dài trắng thong thả nhẹ nhàng đạp chiếc “mini” dọc theo con đướng Nguyễn Bỉnh Khiêm có hàng me cao rợp bóng. Càng đẹp hơn khi vào mùa Hạ hàng me có đầy hoa phượng đỏ thắm đan xen, xào xạc cành lá đong đưa cùng tiếng ve sầu réo rắc.

Cái đẹp của cô nữ sinh Trưng Vương áo dài trắng đạp xe tan trường về nhà dọc theo hàng me cao tỏa rộng cành lá xanh tươi điểm những chùm hoa phượng đỏ thắm đó, đẹp  biết bao nhiêu thì càng tương phản với cái ngây ngô lọng cọng của một thằng con trai mới lớn – là tôi – ngu ngơ lẽo đẽo theo sau dõi theo dáng hình của nàng mà không biết phải làm gì, không dám “dọt” xe lên để bắt chuyện; chỉ biết đạp xe theo sau chầm chậm, chầm chậm… rồi cố sức tăng tốc đạp theo mỗi khi nàng “bươn” xe vượt qua ngã tư đèn xanh đèn đỏ; để rồi phải dừng  lại, xuống xe; và:

… có người yên lặng buồn trông…
nhìn theo hun hút bóng xe… em…”
 (2)

Tất cả chỉ vì xe đạp của tôi bị “tuột” sên, đôi khi vì pê đan “rớt”!

Chỉ có hàng me hiểu tôi và “thông cảm” cho cái ngu ngơ dại khờ của tôi. Hàng me còn “an ủi” tôi bằng… vài trái me rụng “lộp độp” và… chùm lá me rơi lỏa xỏa trên đầu.

Bao nhiêu ngày như vây, tôi không nhớ. Chỉ biết sau mùa Hạ đó, là bao nhiêu biến động: đánh tư sản, đổi tiền, đi kinh tế mới, vượt biên, chiến tranh… Tất cả ào ạt đổi thay, tôi dấn bước vào đời; em biền biệt nơi nao? Chỉ mong em được yên ấm và hạnh phúc, để mình tôi với hoài niệm của một tình yêu “câm nín,” về con đường có lá me bay… chiều chiều tôi lại đạp xe… theo nàng!

Tôi vẫn yêu Sài Gòn, dẫu rằng Sài Gòn bây giờ – theo tôi – không còn thơ, không còn đẹp như xưa, không còn những tà áo dài trắng, không còn “xe đạp mini ơi” và những hàng me cũng không còn nhiều và rợp mát như xưa.

Tôi vẫn yêu Sài Gòn, vì Sài Gòn có những con đường và hàng me của riêng tôi. Những hàng me chứng kiến những rung động đầu đời của tôi, những hàng me “biết” tôi “yêu” mà không dám nói.

Trịnh Công Sơn có “Hạ Trắng.” Riêng tôi – tôi nhớ hoài mùa Hạ với… me và hàng me Sài Gòn.

Bạch Đằng, Sài Gòn mùa Hạ 2020

_______

(1) Đường Cường Để: nay là đường Tôn Đức Thắng

(2) Theo lời bài hát “Thiệp hồng báo tin” của nhạc sĩ Minh Kỳ-Huy Cường