Nguyễn Chí Thiện Tặng Tiền Cho Tù Nhân Chính Trị

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Nguyễn Chí Thiện Tặng Tiền Cho Tù Nhân Chính Trị

Trong “Buổi Sinh Hoạt Thơ Nhạc Chào Mừng Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện” được tổ chức tại đại học George Mason, Virginia lúc 2giờ 30 chiều chủ nhật 26-11-1995, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã được cam tình trọn vẹn của khối quần chúng thầm lặng khi đến nghe ông đọc thơ và kể rõ lai lịch về những hoàn cảnh mà ông đã làm những bài thơ.

Ngay cổng vào, bên ngoài, bên trong hội trường và nhiều nơi khác có những tấm bảng lớn với hàng chữ: “Chào Mừng Nhà Thơ Bất Khuất Nguyễn Chí Thiện”, “Hoan Hô Tinh Thần Chống Cộng Của Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện”, “Nguyễn Chí Thiện, Biểu Tượng Nhân Quyền Việt Nam”. Từ mười ngày trước, Ban Tổ Chức đã lập Sổ Vàng quyên tiền để tặng cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông Nguyễn Chí Thiện rất vui mừng trước lòng ưu ái của đồng bào Hoa Thịnh Đốn. Sau khi nhận được phong bì không biết rõ bên trong có bao nhiêu tiền , ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã trao tất cả lại cho bà Nguyễn Thúy Diệm và nói rằng ông rất cảm kích trước những tấm lòng vàng của đồng hương, nhưng trong suốt 27 năm ngục tù cộng sản ông đã quen với cuộc sống mỗi ngày lưng bát bo bo với những hạt muối sống , hai bộ quần áo che thân, nên ông chưa thấy có nhu cầu nhiều. Trong khi ở Hoa Kỳ việc kiếm tiền không phải dễ dàng, nên nhà thơ Nguyễn Chí Thiện xin tặng tẩt cả số tiền của ông vừa nhận được , như một món quà xuân nho nhỏ gửi đến các bạn tù trong Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị trong vùng còn thiếu thốn phương tiện – mà mặc nhiên ông đã trở thành thành viên khi đặt chân đến vùng đất này – và xin trao lại cho đại tá Nguyễn Cao Quyền Khu Hội Trưởng.

Bà Trương Anh Thụy, thay mặt Ban Tổ Chức, trong lời chào mừng đã nói rằng “Chúng tôi mong rằng hôm nay nhà thơ sẽ tìm thấy rất, rất nhiều người ngồi nghe thơ ông và cảm được với những lời tâm huyết của ông. Chúng tôi cũng ước mong chiều nay khi quí vị ra về cũng sẽ mang theo những cảm nghĩ tốt đẹp đối với nhà thơ, ngục sĩ đã từng làm rúng động lương tâm thế giới bằng những vần thơ máu lệ và đầy khí phách của ông”. Nhà báo Ngô Vương Toại đã nói trước cử toạ “Chưa bao giờ có một buổi họp mặt ở vùng Hoa Thịnh Đốn mà số người tham dự đông đến như thế này. Tôi hiểu và chắc quí vị cũng hiểu, đó là chúng ta cùng chia xẻ tâm trạng là đón mừng nhà thơ của đất nước đã đến với chúng tangày hôm nay.” Ông Nguyễn Ngọc Bích, người được coi là linh hồn của ban tổ chức, trước khi điều khiển lễ chào cờ, đã cẩn thận căn dặn cử toạ rằng: “Ở trường đại học này cũng có nhân viên an ninh, họ lo xem xe cộ này kia ở Parking Lot, khi mà xe đậu ẩu họ cũng phải ghi những số và những xe nào lạ đôi khi họ cũng ghi số để có chuyện gì họ cũng cần biết.

Một điểm nữa là vấn đề mà chúng tôi dám chắc rằng không thể nào xảy ra được, nhưng tuy nhiên cũng ở trong tinh thần đề phòng thì, vì mặc nhiên nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là một tên tuổi cũng đã gây khá nhiều nhức nhối cho cộng sản, do đó cũng có thể có những thành phần tìm cách trà trộn để gây rối. Trong trường hợp đó thì khi bắt buộc chúng tôi sẽ phải mời cảnh sát đến, mỗi lần như vậy phải mất từ 400 đến 500 trả tiền cho cảnh sát họ đến, và cái đó thì người nào gây ra sự trục trặc đó thì phải chi trả số tiền đó. Vì vậy chúng tôi mong tất cả quí vị tiếp tay cho chúng tôi, tiếp tay cho ban tổ chức để cho chúng ta có một buổi sinh hoạt thật đầm ấm và đặc biệt thể hiện truyền thống của miền Đông Hoa Kỳ là khi chúng ta làm văn nghệ, làm văn hoá, chúng ta tôn trọng một nếp sống mà chúng ta có thể rất lấy làm hãnh diện

Hội trường Luật Khoa George Mason tối đa là 300 chỗ, nhưng số hiện diện trên dưới 500 người. Ngoài rất đông những người ngưỡng mộ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện muốn được gặp mặt, còn có những người khác vì lòng hiếu kỳ muốn đi xem cho biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi nghe tin đồn từ hai ngày trước là Mặt Trận Mách Mạng Hưng Phục Việt của lãnh tụ Lê Tư Vinh đã điều động một số thành viên từ các tiểu bang California, Pennsylvania v.v…về để nhân dịp này đặt vấn đề tập thơ Hoa Địa Ngục là của Thái Dịch Lý Đông A. Bà Nguyễn Thúy Diệm, người điều khiển chương trình, cho biết từ 1giờ30 PM đã có khoảng 3,4 chục người ngồi ở nhiều chỗ khác nhau trong hội trường. Người đến tham dự còn được một số người đứng ở lối lên cầu thang phân phát một tập in lại những bài đã đăng trên tờ Vạn Thắng từ mấy năm trước với chủ đề Nguyễn chí Thiện Là Ai? Ngoài ra còn phân phát một bài viết khác 2 trang mà phần lớn nội dung là đả kích Hoa Kỳ.

Đúng giờ khai mạc, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện bước vào hội trường giữa những tràng pháo tay chào mừng. Ông đã chấp tay vái chào quan khách và đến bắt tay cụ Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên và các vị khác. Trong phần giới thiệu về tiểu sử Nguyễn Chí Thiện, ký giả Ngô Vương Toại chủ nhiệm báo Diễn Đàn Tự Do đã nói “Tháng 9-1980, tập thơ Hoa Địa Ngục mà lúc ấy còn mang tên là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, từ một tập thơ được in đầu tiên của anh Viên Linh và anh Nguễn Hữu Hiệu thì người Việt hải ngoại được biết tới tiếng thơ của một ngục sĩ trong nước mà lời thơ đã làm nên những chấn động dữ dội và mau chóng chinh phục và ghi đậm trong tâm khảm của cả triệu người tị nạn khắp năm châu bốn bể. Ảnh hưởng của tiếng thơ này trong tâm thức của người Việt hải ngoại bên cạnh sự chú ý của thế giới cũng chỉ là để nói đến nhân cách đặc biệt của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện mà từ hơn 15 năm, kể từ khi bài thơ ông làm, được bên ngoài cánh cửa tù Việt Nam biết đến, trở thành tiếng thơ tiêu biểu thể hiện cho hồn nưởc, cho tình người, một tiếng thở của dân tộc bị đày ải, một tiếng kêu của đất nước trong giai đoạn bất hạnh cùng cực, một tiếng trống thúc quân của những kẻ sĩ ý thức được sự đớn đau của đất nước, kêu gọi đứng dậy cho một ngày mai tốt đẹp cho đồng bào. Và chính ông tự xác định đấu tranh chống cộng trên thế đứng bằng ngòi bút đó. Cái giá phải trả cho sự lên tiếng của ông , cho sự quật cường của ông và có khi cao ngạo đó của thi sĩ là 27 năm tù”

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người mà ngay từ những ngày đầu thập niên 80, đã cùng với nhạc sĩ Phạm Duy phổ biến rộng rãi những bài thơ đấu tranh của người tù vì lương tâm Nguyễn Chí Thiện. Trong phần cuối của bài khảo luận “Tiếng Thơ Nguyễn Chí Thiện”, đọc tại buổi sinh hoạt, giá sư Bích kết luận “ Xưa Đỗ Phủ bên Tàu chỉ có mấy bài thơ như Thạch Hào Lại và Tân An Lại nói về nạn bắt lính mà người đời cho thơ ông đầy tính nhân bản, đầy lòng thương cảm đối với những thành phần thấp cổ bé miệng. Thưa quí vị, so với thơ họ Đỗ thì gần 400 bài trong Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện đều là những bài thơ nói lên thân phận của người dân thường, của những con người vô danh không bao giờ đi vào lịch sử nên những chế độ độc tài chuyên chế mới dám đàn áp thẳng tay, không thương tiếc không gớm tay. Thơ Nguyễn Chí Thiện còn tràn ngập một lòng thương xót cho quê hương ngục tù, trong đó con người không lớn lên được. Hình ảnh đói rách trong thơ ông tuy thật đấy song vẫn chỉ là một biểu tượng. Ý ông tôi nghĩ là muốn nói, những con người ngày đêm, sáng tối chỉ bị dày vò bởi một ý nghĩ về miếng cơm còn đâu thì giờ để làm cái gì cao xa hơn như văn hoá, làm gì còn có chỗ cho tình người. Đó là cái hoạ phi -nhân- bản -hoá cả một dân tộc. Có lẽ vì vậy mà thơ của ông gần gũi với chúng ta, những điều chúng ta mới cảm thấy vu vơ thì ông đã thốt nên lời. Cộng thêm vào đó lòng khao khát tự do, một nội dung rất mới của thơ Việt Nam. Chả trách Nguyễn Chí Thiện đã trở thành tiểng nói, tiếng lòng của chúng ta, của cả dân tộc.

Hoa Địa Ngục giờ đây có thể nói là tập thơ Việt Nam được nhiều người thuộc nhất trong thế kỷ 20. Rồi đây với những giòng phổ nhạc, tập thơ chắc chắn sẽ bay đi khắp địa cầu để về quê hương trở thành những tiếng trống lệnh cho giai đoạn tới của cách mạng Việt Nam, cách mạng lật đổ bạo quyền cộng sản, để trả lại tự do dân chủ và nhân quyền cho 75 triệu dân Việt.

Trong nổ lực đó, tôi xin tình nguyện và hãnh diện làm người lính mang lửa Nguyễn Chí Thiện đi khắp năm châu. Nếu bài báo của tôi trong Asiaweek vào tháng 7- 1982 là bài báo đầu tiên giới thiệu Hoa Địa Ngục bằng tiểng Anh đến với thế giới, thì những bản dịch của ông Huỳnh Sanh Thông ở Yale và của tôi cũng đã giúp mang thơ Nguyễn Chí Thiện sang các nước cộng sản cũ (như Jachym Topol dịch thơ ông từ bản tiếng Anh của tôi sang tiếng Tiệp từ 1989). Chính thi sĩ được biết, qua một người cháu đi du học ở Nam Kinh, là thư viện ở Trung cộng hiện cũng có thơ Nguyễn Chí Thiện dịch sang tiếng Trung Hoa (in ở Đài Loan).Và gần đây nhất, cách đây hơn một tháng, vào ngày 20-10-1995, tại nhạc viện của thành phố Klagenfurt, Áo Quốc, tiến sĩ Guenter Mattitsch, một nhạc sĩ nổi danh của Áo, đã cho trình bày 14 bài thơ của Nguyễn Chí Thiện do ông phổ nhạc dựa trên bản dịch Echo aus dem Abgrund, tức Tiếng Vọng Từ Đáy Vực của tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi ở Đức. Và như ta được biết, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã được giải thơ quốc tế ở Hoà Lan và giải Tự Do của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ. Ông còn là hội viên danh dự của nhiều trung tâm văn bút trên thế giới, trong đó có trung tâm Pháp, trung tâm Thụy Điển và trung tâm Nhật. Như vậy ta có thể khẳng định và tin tưởng rằng thông điệp Hoa Địa Ngục sẽ còn nhiều cơ hội đi xa, đi rất xa. Nếu được sự tiếp tay của quí vị thì chính chúng tôi sẽ cho ra mắt nay mai, với sự thoả thuận của tác giả, một tuyển tập dịch sang tiếng Anh khoảng ¾ toàn bột tập thơ Hoa Địa Ngục”.

Với lối nói chuyện dí dỏm, với tấm lòng rất chân thành – như một lời nhận định của một nhà văn – nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong hơn 30 phút đã nói về một số bài thơ tù mà ông đã làm trong những trường hợp khác nhau. Cứ nghe những tiếng vỗ tay thật nồng nhiệt của cả hội trường chật ních kẻ đứng người ngồi, cứ nghe những tiếng khen buột ra từ cửa miệng cử tọa , một lần nữa- như lời bà Nguyễn Thị Vân-“ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã được mọi người thương mến, ông ta giỏi quá, hay quá !” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu “ Nếu ngày trước mà Bộ Dân Vận VNCH có những người như Nguyễn Chí Thiện thì hay biết mấy”.

Sau khi ông Nguyễn Chí Thiện vừa dứt lời với bài thơ

Đảng , người quản lý trại giam

Nước Nam là một trại giam khổng lồ

Chúa ngục là lão già ̀

Duẫn, Chinh,Đồng lũ cai tù bất nhân

Tội đồ là những người dân

Xác thân đói khổ bội phần xót xa !

Luân thường, nhân phẩm tiêu ma

Tài năng, trí tuệ dần dà rỉ han

Đảng còn đó còn lầm than

Còn đau đớn nước, còn tan nát nhà

Đó là kết luận rút ra

Từ trong thực tế xương da não nùng !

Xa hoa hưởng thụ tột cùng

Lũ cai tù vẫn ung dung tự hào

Lá cờ Năm Cánh Vàng Sao

Mặc cho nhân loại nhổ vào tởm kinh

Giữa lòng thế giới văn minh

Việt Nam Cộng Sản điển hình dã man

Đảng nguồn gốc mọi khổ oan

Đảng tan, oan khổ cũng tan theo cùng.

( Đảng, người quản lý – 1983 )

Và nói xin chúc quí vị mạnh khoẻ và bây giờ bước sang phần Hỏi Đáp thì lập tức cựu thiếu tá Nguyễn Văn Bang, đến từ Pennsylvania, nhảy lên sân khấu, bước đến bên cạnh nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vỗ lưng ông và nói rằng “ Tôi cũng là một người tù chính trị, tôi xin chia xẻ với anh một bản nhạc, một tù khúc để tặng anh Nguyễn Chí Thiện”. Bà Nguyễn Ngọc Bích tức tiến sĩ Đào Thị Hợi đã đứng ngay sau lưng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vội vàng đưa ông về chỗ. Ông Nguyễn Văn Bang bước đển micro. Bà Nguyễn Thúy Diệm người điều khiển chương trình nói rằng thời giờ có hạn, ông Ngô Vương Toại giải thích tiếp, các ông Phó Hồng Hà, võ sư Vương Đình Thanh, ông Nguyễn Văn Thông bước lên mời ông Nguyễn Văn Bang về chỗ an toạ.Trong lúc trên sân khấu lời qua tiếng lại thì bên dưới có nhiều tiếng hô lớn “đi xuống, xuống đi, xuống đi” và cũng có tiếng đáp lời Nguyễn Văn Bang đồng ý nên để ông Bang hát. Trước tình trạng đó, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã đứng lên xin ban tổ chức để Thiểu Tá Nguyễn Văn Bang được trình bày bài hát. Ông Nguyễn Chí Thiện nói nguyên văn như sau: “Tuy thời gian dành cho chương trình hơi ngắn, nhưng trước nhiệt tình của anh bạn đây, nên để anh bạn hát một bài, có thể bỏ bớt phần trả lời của tôi đi cũng được. Nhận định của anh em quan trọng hơn, chúng ta không nên khước từ”. Trước micro ông Bang nói nguyên văn như sau: “ Tôi xin tự giới thiệu tôi là Thiếu Tá Nguyễn Văn Bang. Trước hết tôi xin cảm ơn ban tổ chức cho tôi vài phút để hát một bài tù ngục. Bởi vì tôi và tất cả các anh em ở trong này rất nhiều người cũng ở tù, cái hoàn cảnh không khác gì anh Nguyễn Chí Thiện cả, cũng đói khổ, cũng lầm than, cũng điêu đứng. Và đây là bản nhạc xin tặng cho anh Nguyễn Chí Thiện, tù nhân Nguyễn Chí Thiện và các Trung Tướng, Thiếu Tướng đã qua đây từ 1975 mà tôi thấy có mặt trong hội trường này, để cảm kích với nỗi lòng của những người em út của quí vị có mặt hôm nay. Tôi xin hát bản nhạc của Trung Úy Hồng pháo binh, độc thân, ở tù tại trại Nam Hà mà ai cũng biết”. Và dưới đây là lời của bản nhạc :“Này em, ta không quên đâu những ngày tù tội. Này em, ta không quên đâu những ngày tăm tối. Này em, ta không quên đâu những ngày nhục nhằn. Này em, ta không quên đâu mối thù muôn đời. Và dù không là gì cả, cũng xin làm đôi giày dũng sĩ trở về dẫm nát tim kẻ thù. Này em, cha mẹ em vẫn còn tù tội. Này em, chị anh em vẫn còn tăm tối. Này em, quê hương ta vẫn còn mù mịt. Này em, quê hương ta vẫn còn nô lệ. Và dù không là gì cả, cũng xin làm đôi giày dũng sĩ trở về dẫm nát tan xích xiềng. Cho tôi xin một lần gục ngã, cho em tôi muôn đời ngẩng mặt. Cho tôi xin một lần được chết, cho em tôi muôn đời thênh thang. Cho tôi xin một lần thù hận, cho em tôi ngàn đời rực rỡ. Cho tôi xin một thời chiến tranh, cho em tôi muôn đời thái bình. Và dù không là gì cả, tôi cũng xin làm đôi giày dũng sĩ trở về dẫm nát tim kẻ thù”.Chỉ một bản nhạc như thế đó mà Trung Úy Hồng bị cùm cho đến chết”. Sau đó ông Bang đọc mấy bài thơ chống cộng của Nguyễn Chí Thiện cùng những lời ca ngợi thi sĩ, nhưng khi ông ta chuyển sang mục khác khi rút từ trong túi áo ra một tập tài liệu định đọc, miệng la to “Đây là …” thì ban tổ chức ngăn cản. Ông Ngô Vương Toại dùng micro của ông Bang để mời ông Bang về chỗ. Mấy người đưa ông xuống, ông Bang không chịu và leo trở lại lên sân khấu rồi dương hai tay cao lên hô lớn “Anh em đứng dậy”. Một vị khác mặc complet nâu nhạt đứng bên trái phía dưới sân khấu tiếp tay cổ võ nhưng không rõ có bao nhiêu người đứng dậy. Nhiều tiểng hô lớn phản đối việc gây trở ngại cho chương trình. Nhà văn Phan Vỹ, cháu ruột cụ Phan Khôi, năm nay 72 tuổi, 7 lần ở tù cộng sản tổng cộng 25 năm, đã đứng dậy lớn tiếng chỉ trích những người không tôn trọng chương trình của buổi sinh hoạt. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói trên micro: “ Thưa Quí Vị, thưa anh Nguyễn Vân Bang, chúng tôi đi gọi cảnh sát ngay bây giờ. Tiền phạt 4, 5 trăm quí vị phải chịu. Xin mời quí vị đi ra ngay khỏi phòng này. Nhờ các anh chị đưa anh Bang ra khỏi phòng ! Đưa ngay lập tức ra khỏi phòng cho chúng tôi”. Nhiều xe cảnh sát kéo đến trong đó có cả xe của toán chống bạo động, có cả cảnh sát Liêng Bang. Để tái tạo trật tự, bà Nguyễn Thúy Diệm đã giới thiệu nhạc si Trần Lãng Minh hát bản nhạc Đời Tôi, khán giả nhịp nhàng vỗ tay theo. Bên dưới hội trường, nhân viên của đội cảnh sát bước vào yêu cầu “ Everybody Out!”, “Everybody Out!” “ Out ! Out! Out!” , trong khi trên micro ban tổ chức kêu gọi “Mọi người vô can trong vụ này hãy quay về chỗ. Thiếu tá Nguyễn Văn Bang thay vì đi ra cửa lại trở lại đi về hướng sân khấu. Hình ảnh của video ghi lại cho thấy rõ từng khuôn mặt xuất hiện trong lúc này. Trong buổi sinh hoạt có lúc đèn bị tắt khoảng 2 phút. Nguyên do, người thì nói là vì đông quá nên có một phụ nữ trong lúc chen lấn đã đụng phải nút bật điện nên đèn tắt. Sau bài hát, bà Nguyễn Thúy Diệm tuyên bố kết thủc chương trình. Tại bãi đậu xe, cảnh sát đã ghi bảng số và ra lệnh mọi người trên hai chiểc xe van trắng ra khỏi xe để thẩm vấn.

Khán giả khi ra về nói với nhau rằng: “Mọi hư thực, chân giả sớm muộn cũng sẽ phơi bày trước ánh sáng.. Thúng không úp được miệng voi”. Có một điều ai cũng nhận thấy là ông Nguyễn Văn Bang, Mặt Trận Cách Mạng Hưng Phục Việt của lãnh tụ Lê Tư Vinh, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đều là những người chống chủ nghĩa Mác Xít, chống cộng sản Hà Nội, đều là người mưu cầu Tự Do Dân Chủ cho đất nước. Nếu có sự dị đồng nào đó, có lẽ ở trong phương thức đấu tranh hay trong một số sự việc chưa được các bên làm sáng tỏ. Trong giai đoạn đẩu tranh chính trị trực diện này, Cộng sản đã ở ngay sát chúng ta với tòa đại sứ Hà Nội ở thủ đô Washington, quần chúng thầm lặng đang chờ đợi những gương tốt của các nhà lãnh đạo đảng phái và cộng đồng. Quần chúng ủng hộ chính nghĩa.

(nguồn: nhật báo Việt Nam Tự Do 29/11/1995)