LUẬT ” CHỐNG ĐÁNH CÁ TRÁI PHÉP” CỦA MỸ VÀ THÂN PHẬN BIỂN ĐÔNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Đường gạch đỏ là ”  hình lưỡi bò-chín đoạn”   Trung Cộng cưỡng chiếm 90% Biển Đông

Ngày 27 tháng 6 năm 2022 ngày cứu tinh của dân tộc Việt Nam chăng?! Ngày đó có gì đặc biệt cho số phận của dân tộc 100 triệu người đang bị o ép trong ngõ hẹp không có lối thoát.

Dân tộc Việt Nam, qua bao thế hệ chinh chiến triền miên, hàng lớp thanh niên hy sinh núi xương sông máu trên sa trường để bảo vệ giải đất hình cong như chữ “S”, lưng tựa vào rừng Trường Sơn, mặt nhìn ra Biển Thái Bình như dòng sữa mẹ nuôi sống đàn con…

Rừng đã chết!

Rừng Việt Nam tại vùng Cao Nguyên bị khai thác trơ trọi

Dân số thời chiến tranh Quốc-Cộng hai miền cộng lại chỉ có hơn 50 triệu, giờ đây đã xấp xỉ 100 triệu! Người sinh, đất không sinh lại bị Trung Cộng cắt xén ở biên giới phía Bắc.
Rừng Trường Sơn qua nhiều đợt truy phong tàn nhẫn, trình độ hiểu biết về rừng quá kém, thiếu ý thức và vô trách nhiệm thành phá hoại. Những ngọn đồi trọc cây, trơ trọi trong kế hoạch “đô thị hóa” đã tàn phá những cánh rừng bạt ngàn xanh tươi. “Nhà nước quản lý” khai thác “lợi Đảng, hại dân” đã biến những rừng xanh thành những ngọn đồi trọc hoang tàn, loang lỗ. Muôn loài thú rừng lần lượt đi vào trong bếp những quán nhậu trải dài từ nông thôn đến phố thị… Nay, rừng không cây chống nước nên hằng năm lũ lụt ập xuống người dân, nước cuồn cuộn tuôn về đồng bằng lên tận nóc nhà, cuốn trôi tất cả ruộng vườn, hoa màu và cả mạng sống con người… Thiếu cây xanh thải khí oxy nên mọi người sống trong môi trường ô nhiễm. “Rừng đã chết”, muốn khôi phục lại phải mất hàng trăm năm!

Biển Đông bị phương Bắc cướp trọn,

“Rừng vàng biển bạc” đó là lời răn dạy của tổ tiên để lại cho con cháu một lẽ sống. Giờ đây rừng không còn, muốn sống phải ra biển tìm kế sinh nhai.

Biển Đông của Việt Nam ngoài khơi tấp nập tàu thuyền đi lại, đông đúc như đại lộ hàng hải quốc tế. Dưới lòng Biển Đông có những lô dầu trữ lượng nhất nhì thế giới, trong lòng biển có hàng ngàn loài cá và sinh vật quý hiếm mà ngư dân khai thác từ đời này sang đời khác không hết… “biển bạc” ở Biển Đông cha ông để lại nuôi sống con cháu Lạc Hồng bao nhiêu đời sau!

Thế nhưng, bất hạnh cho dân tộc Việt Nam, gặp phải âm mưu bá quyền phương Bắc cướp đoạt “của hồi môn” của tiền nhân để lại. Giống Lạc Hồng bị “cướp cơm chim” trên lãnh hải của mình!

Từ những ngày đầu năm tháng Giêng năm 1974, sau một trận thư hùng với hải quân Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, dùng làm bàn đạp tiến ra Thái Bình Dương. Năm 1988, chúng tiến xa hơn một bước chiếm đảo Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa để mở rộng bá quyền xâm lược.

Trung Cộng bày ra “chiến lược vùng xám”

Trung Cộng thừa biết “chưa đủ sức mạnh” nên chưa trực diện đối đầu với Mỹ, nhưng với tham vọng giấc mộng bá quyền, họ đã đề ra một chiến lược làm sao không nổ ra chiến tranh để lâm vào thảm cảnh quốc tế trừng phạt như Nga. Bắc Kinh nghĩ ra “chiến lược vùng xám” – nghĩa là biến một vùng biển thuộc chủ quyền nước khác thành vùng biển tranh chấp với Trung Cộng bằng một nguyên nhân “vớ vẫn” nào đó. Sau đó, Bắc Kinh liên tục đưa sự việc ra các diễn đàn khu vực và quốc tế và dùng truyền thông đồ đậm sự tranh chấp. Chờ thời cơ thuận lợi Trung Cộng đơn phương đưa ra quy định hành chính để hợp thức hóa vùng xám thuộc về chủ quyền của Đại Hán. Tất cả tiến trình trên, hoàn toàn tuân thủ một mệnh lệnh “phải ở dưới ngưỡng khỏi gây ra chiến tranh – mà phải chiếm được mục tiêu mong muốn”.

Điều này chúng ta đã chứng minh qua một tiến trình xâm lược quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Việt Nam, vào tháng 4/2020 Trung Cộng kết thúc bằng một công hàm đệ trình Liên Hiệp Quốc với bản đồ “hình lưỡi bò chín đoạn” chiếm 90% diện tích Biển Đông sau gần 45 năm (1975-2020) sử dụng “chiến lược vùng xám”.

Lực lượng tiên phong thực hiện chiến lược vùng xám?

Chiến lược vùng xám được thực hiện bởi đội quân “dân quân biển giả dạng tàu đánh cá”. Tên “dân quân” nghe đơn giản, nhưng đó là một một đội khinh binh tinh nhuệ, được thành lập từ thời Mao Trạch Đông, qua nhiều thời kỳ tái tổ chức, huấn luyện thuần thục để thi hành nhiệm vụ “chiến lược vùng xám”.
Năm 1959, những tàu đánh cá giả dạng chở “dân quân biển” của Tàu Cộng đổ bộ lên các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa bị Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bắt gọn đem về nhốt ở Đà Nẵng, sau đó được thả về qua trung gian của hội Hồng Thập Tự quốc tế.
Sau ngày 30/04/1975, nhiều tàu giả dạng đánh cá của Trung Cộng cũng được điều động xuống quanh quẫn các đảo Trường Sa để chiếm đảo nhưng không thành. Năm 1985, dưới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Cộng đã thành lập lực lượng Dân Quân Biển ở thị trấn Tân Môn, tỉnh Hải Nam với khẩu hiệu “Phát triển Trường Sa, đánh bắt cá đi đầu” để chiếm các bãi cạn san hô ở phía Tây quần đảo Trường Sa năm 1988, và bãi cạn Scarborough năm 2012.

Ảnh chụp tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu, Trường Sa ngày 23/3/021. Ảnh: Maxar

Năm 2000, lực lượng Dân Quân Biển của Trung Cộng được huy động từng đoàn tàu đánh cá giả dạng xuống Biển Đông nhiều hơn, thâm nhập bất hợp pháp vào vùng EEZ Việt Nam, trong đó có việc cắt giây cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của Việt Nam.

Tháng 6/2021, khoảng 240 tàu cá của Lực Lượng Dân Quân Biển Trung Cộng dàn hàng ngang bảo vệ nhau ở đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, số tàu này bật đèn sáng cả đêm, mà không hề đánh bắt cá…

Vào năm 2013, Tập Cận Bình đích thân đến thăm cửa biển Tanmen ở đảo Hải Nam phát biểu rằng “dân quân biển được coi là hình mẫu để các đơn vị khác noi theo…” Kể từ đó, vai trò của lực lượng dân quân biển thành lực lượng khinh binh tinh nhuệ của Bắc Kinh trong “chiến lược vùng xám” xâm lược các đảo nằm trên tuyến “Vành đai, Con đường” trên biển.

Dân Quân Biển giả dạng tàu đánh cá của Trung Cộng trên Biển Đông

Chiến lược vùng xám đã có những thành công nhất định

Từ năm 2013, Tập Cận Bình khai triển “chiến lược vùng xám” như một quốc sách. Song song với quốc sách đó, thì đội dân quân biển giả dạng đánh cá tăng quân đông đảo. Hàng ngàn tàu giả dạng đánh cá ngày đêm quần thảo trên Biển Đông xâm lăng lãnh hải của những quốc gia Đông Nam Á, xâm nhập vào các vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Đặc biệt tại Việt Nam đội tàu dân quân biển giả dạng đánh cá vào ra như chỗ không người, tung hoành trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Những đội tàu giả dạng đánh cá của dân quân biển Trung Cộng rất lợi hại, họ được trang bị loại tàu đánh cá cỡ lớn, mũi tàu bằng kim loại chắc cứng, có khả năng húc tàu đánh cá Việt Nam bể làm đôi. Chúng luôn túc trực ngoài khơi giả dạng đánh cá, nhưng nhanh chóng tiến tới các tàu ngư dân người Việt để cướp bóc và giết người… Chúng đi thành từng đoàn để bảo vệ lẫn nhau, khi nguy cơ thì gọi cảnh sát biển Trung Cộng đến cứu viện…

Một đảo trên quần đảo Trường Sa trung cộng chiếm qua ”  chiến lược vùng xám”

Chiến lược vùng xám tiếp diễn trên vùng biển Hoa Đông, Biển Đông, tiến xuống Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dọc theo “Đường Tơ Lụa Trên Biển” (Maritime Silk Road).

Qua “chiến lược vùng xám” thực hiện bởi “dân quân biển ” giả dạng “Tàu Đánh Cá”, Trung Cộng đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vùng biển Natuna của Indonesia, vùng biển Scarborough của Philippines, một phần lãnh hải của Malaysia và Brunei, họ đang điều động binh đoàn “dân quân biển ” đến chiếm quần đảo Solomon.

Các nước có vùng biển bị Trung Cộng xâm lược không có một kế sách nào cụ thể đánh trả đội “dân quân biển” của Trung Cộng. Ngoại trừ những lời phản đối “nhàm chán” – đối với Trung Cộng chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu”. Các lực lượng hải quân các nước này không bao giờ xuất hiện bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình và những chiếc tàu tuần duyên tối tân của Mỹ viện trợ cũng không thấy ló đầu xuất kích…

Phản ứng của Hoa Kỳ đối với “chiến lược vùng xám” của Trung Cộng

Năm 2010, Hoa Kỳ đã thấy nguy cơ “chiến lược vùng xám” của Trung Cộng, nên TT Obama tuyên bố “xoay trục” về châu Á, nơi hứa hẹn kinh tế có thể chiếm hơn 50% GDP của thế giới trong thế kỷ thứ 21. Tuy vậy, kế hoạch “xoay trục” vẫn còn lý thuyết, trên thực tế chưa thực hiện đúng mức. Bắt đầu năm 2014, Mỹ thực hiện những cuộc tuần tra FONOP (Freedom of Navigation), nhưng chỉ “xuân thu nhị kỳ” – những chuyến tuần tra FONOP của Mỹ bằng những Khu Trục Hạm trang bị hỏa tiễn tối tân, đôi lúc tiến sát 12 hải lý của những đảo Trung Cộng xâm chiếm. Nhưng chẳng có tác dụng gì, vì tàu chiến của Mỹ không được phép nổ súng vào tàu cá “dân quân biển ”. Khi FONOP xuất hiện thì tàu dân quân biển lẩn trốn bằng cách “ngoan ngoãn” bỏ lưới đánh cá, khi FONOP đi qua rồi thì họ lại tái xuất trong nhiệm vụ “dân quân biển”.

Kết quả FONOP dù được tăng cường gấp ba lần dưới thời Tổng thống Trump nhưng không thể giải quyết vấn nạn dân quân biển giả dạng đánh cá. Càng ngày tàu giả dạng đánh cá càng đông, dân quân biển càng hung hăng xâm chiếm các đảo dọc theo tuyến “vành đai và con đường”.

Từ năm năm 2020 đến sau này dù bận rộn chống đại dịch virus Vũ Hán và chiến tranh Ukraine, Quốc Hội và giới chức trách nhiệm của Mỹ vẫn thường xuyên thảo luận để tìm ra biện pháp thích ứng ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Cộng tại Biển Đông một cách hữu hiệu. Tháng 5/2020 Mỹ có cuộc hội thảo đối phó với Trung Cộng tại Biển Đông gọi là Đối đầu quân sự ở Biển Đông Bản ghi nhớ lập kế hoạch dự phòng số 36” (1) – Tháng 2, 4, 9 và 10 năm 2021, Quốc Hội Mỹ đã liên tục tổ chức những buổi hội thảo 4 lần để đối phó tình hình Biển Đông (2)/(3)/(4)/(5).

Cuối tháng Giêng 2022, Quốc Hội Mỹ đưa ra một tài liệu dài 130 trang: “Cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ-Trung Cộng ở Biển Đông và Hoa Đông: Những cơ bản và các vấn đề cho Quốc Hội (6)”.

Những cuộc hội thảo đi sâu, đã thảo luận những chi tiết khả thi, và cuối cùng cũng tìm ra một hướng đi tích cực để chặn đứng dân quân biển giả dạng tàu đánh cá của Trung Cộng xâm lăng các đảo để đối đấu với chiến Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở của Mỹ.

Ngày 27 tháng 6 năm 2022, trên website chính thức của Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một“Bản ghi nhớ An ninh Quốc gia (NSM) để giải quyết vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (National Security Memorandum to Combat Illegal, Unreported, and Unregulated Fishing and Associated Labor Abuses) (7). Được truyền thông quốc tế đánh giá rất cao.

Lần này, Mỹ cùng Anh Quốc và Canada hợp tác “hành động khẩn cấp” nhằm tăng cường kiểm soát và giám sát trên chiến trường chống đánh bắt bất hợp pháp. Đặc biệt nhắm vào Trung Cộng ở Biển Đông.

Bản ghi nhớ có đoạn ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng, Bộ Lao Động, Lực Lượng Bảo vệ Bờ Biển của Hoa Kỳ và các cơ quan trách nhiệm thực thi sẽ có nhiệm vụ liên lạc với tư nhân và nước ngoài để điều tra các tàu đánh cá bất hợp pháp. Đoạn này khá quan trọng đáng chú ý, bởi vì từ lâu Mỹ đã cung cấp những tàu tuần duyên tối tân cho các nước Đông Nam Á bị Trung Cộng xâm lăng vùng EEZ (như Việt Nam), nhưng không thấy một nước nào dám đưa tàu tuần duyên của Mỹ ra đương đầu với dân quân biển của Trung Cộng, nên Washington tự mình tìm biện pháp thích ứng có kết quả hơn. Trên cơ bản luật pháp Hoa Kỳ, từ nay Hạm Đội Ấn Độ-Thái Bình Dương (Hạm Đội 7 cũ) có quyền kiểm soát các tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Cộng trên Biển Đông và có những biện pháp giải quyết đúng theo luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.

Không biết chính phủ Joe Biden sẽ thực hiện Bản Ghi Nhớ An Ninh Quốc Gia mà ông đã ký như thế nào, nhưng đây là kế sách có khả năng thực thi hiệu quả nhất mà lần đầu tiên Washington đưa ra đối phó với chiến lược vùng xám của Trung Cộng sử dụng để xâm lăng Biển Đông, Hoa Đông và toàn vùng biển Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Đây là một tin vui to cho người Việt Nam, nếu luật an ninh này thực hiện đến nơi, đến chốn sẽ giúp ngư dân Việt Nam được tự do đánh cá xa bờ, người Việt Nam tự do khai thác những lô dầu và những nguồn lợi khác trên Biển Đông. Như vậy thì chẳng khác gì giống Lạc Hồng tìm lại “biển bạc” – một gia tài to lớn của cha ông để lại.
Với tình trạng này bản đồ hình “Lưỡi Bò Chín Đoạn” do Trung Cộng tự vẽ cũng khó ngang nhiên chiếm đoạt, khi công lý và Luật Biển 1982 được thực thi trên sức mạnh của quốc tế.

Ngày 7 tháng 7 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@gmail.com)


  1. https://www.cfr.org/report/military-confrontation-south-china-sea#chapter-title-0-7
  2. https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF10607
  3. https://foreignaffairs.house.gov/2021/4/maritime-security-in-the-indo-pacific-and-the-un-convention-on-the-law-of-the-sea
  4. https://amti.csis.org/codifying-waters-and-reshaping-orders-chinas-strategy-for-dominating-the-south-china-sea/
  5. https://www.npr.org/2021/10/09/1044772875/south-china-sea-territory-disputes-intensify-u-s-china-tensions
  6. https://sgp.fas.org/crs/row/R42784.pdf
  7. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/06/27/fact-sheet-president-biden-signs-national-security-memorandum-to-combat-illegal-unreported-and-unregulated-fishing-and-associated-labor-abuses/