LỄ TƯỞNG NIỆM BÁCH NHẬT GIÁO SƯ, KHOA HỌC GIA TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH (1930-2022) TỪ MIỀN NAM CALIFORNIA (Nov.05th.2022)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

**************************

LỄ TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ GIÁO SƯ TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

(Khánh Lan tường trình từ California)

Buổi lễ tưởng nhớ đến vị giáo sư khả kính Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, một nhân tài của thế giới văn học đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và thân mật tại THƯ VIỆN VIỆT NAM thuộc thành phố Garden Grove, tiểu bang California ngày 05 tháng 11 măm 2022 do Gia Đình Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Hội Ái Hữu CHS Bưởi-Chu Văn An Nam California, Hội Ái Hữu Không Quân, Hội Giáo Chức Việt Nam California, Hùng Sử Việt, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, Nguyệt San KBC và Viện Việt Học đồng tổ chức.

Ngoài hành lang, các hình ảnh và những giải thưởng mang tên GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh được ban tổ chức trưng bày rất cẩn thận, chu đáo và đẹp mắt.

Bước vào bên trong hội trường, căn phòng đã đông nghẹt người, những hàng ghế đã kín/đầy người ngồi. Khánh Lan nhận thấy có sự hiện diện của rất nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng đến tham dự. Ngoài hành lang cũng chật cứng người, bởi không có ghế ngồi nào trống.

Khoảng 10 phút sau 10:30 sáng, khi Chị Kim Ngân, giám đốc của Viện Việt Học mở đầu chương trình và thay mặt cho bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh ngỏ lời cám ơn tất cả các quan khách hiện diện, thì cả hội trường trở nên yên lặng để tỏ lòng kính trọng người quá cố. Theo sau là Lễ chào quốc kỳ Việt, Mỹ và phút mặc niệm.

Sau phần nghi lễ, Cô Kim Ngân trở lại với tiểu sử của cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, đồng thời giới thiệu slideshow về cuộc đời và sự nghiệp của cố GS do nguyệt san KBC thực hiện, ghi lại đầy đủ hình ảnh từ khi Cố GS nhập ngũ cho đến khi ông từ giã cõi trần.

Giáo Sư Trần Huy Bích

GS Tiến Sĩ Trần Huy Bích nói về những tác phẩm của văn học nổi tiếng của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Cũng như quyển sách mới nhất “Thiên Chức Của Một Nhà Giáo” sẽ do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuận đảm nhiệm và phát hành.

Bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh

Chương trình tưởng nhớ Cố GS Toàn Phong chấm dứt khoảng 12:30 pm sau khi Bà quả phụ Nguyễn Xuân Vinh ngỏ lời cảm tạ các quan khách, bà cũng không quên mời mọi người ở lại dùng bữa ăn trưa thân mật do chính tay bà các bạn bè cùng nấu. Phần phụ diễn văn nghệ gồm 4 bài hát do các ca sĩ của Viện Việt Học và Tiếng Thời Gian đảm trách.

Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Vĩnh biệt Cố GS Toàn Phong Nguyễn Xuân VinhXin Thiên Chúa toàn năng rước linh hồn ông về cùng hưởng an vui bên cạnh nhan thánh Ngài.

Khánh Lan.

**************************************

LỄ TƯỞNG NIỆM 100 NGÀY CỐ GIÁO SƯ

TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH

(Kiều Mỹ Duyên tường trình)

Lễ tưởng niệm 100 ngày mất khoa học gia, cựu tư lệnh Không Quân, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove) do Viện Việt- Học tổ chức.

            Thứ bảy ngày 5 tháng 11 năm 2022, nhiều sinh hoạt cộng đồng người Việt ở miền Nam California tổ chức cùng giờ, cùng ngày. Nơi nào có sinh hoạt cũng có đồng hương đến đông đảo. Tại Thư Viện Việt Nam, đường Westminster thành phố Garden Grove, Viện Việt- Học tổ chức kỷ niệm 100 ngày tưởng nhớ giáo sư, khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân điều hợp chương trình.

            Thư mời được nhà văn Trần Việt Hải gửi đi khắp nơi, gửi nhiều lần, ngoài học trò của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh của trường Chu Văn An, Sài Gòn, còn có sự hiện diện của các chiến sĩ Không Quân, khoa học gia, bác sĩ, văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ, v.v. đến tham gia rất đông. Hội trường không còn một chỗ ngồi, một số anh chị em đứng ở ngoài hành lang của thư viện.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (1930-2022)

Khi chúng tôi đến, giáo sư Phạm Thị Huê đang phát biểu tỏ lòng kính trọng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một nhân tài văn chương và khoa học gia. Ông lấy bút hiệu Toàn Phong để sáng tác văn chương. Tác phẩm “Đời Phi Công” của Nguyễn Xuân Vinh đã đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Năm 1991, cuốn sách “Theo Ánh Tinh Cầu” của ông được nhà xuất bản Đại Nam xuất bản, đã được tiêu thụ hết ngay trong năm đầu. Ông còn một tác phẩm khác là “Gương Danh Tướng” được sáng tác năm 1956.

            Một ngày làm nhà giáo suốt đời làm nhà giáo, ngoài là tư lệnh Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết sách không ngừng nghỉ, những tác phẩm ông để lại cho đời rất hữu ích cho thế hệ mai sau.

Các văn nghệ sĩ đến tham dự lễ tưởng niệm giáo sư Nguyễn Xuân Vinh rất đông.

Ông Trần Văn Sùng đến từ San Diego, ông vừa nói vừa nức nở như khóc, ông thương tiếc một người tài đã ra đi dù giáo sư Vinh về với Chúa khi đã 92 tuổi.

            Khoa học gia Cai Văn Khiêm tỏ lòng thương tiếc một nhân tài đã ra đi, có lẽ tất cả đồng hương hiện diện trong ngày tưởng niệm không ai muốn giáo sư Vinh ra đi.

Nhà văn Khánh Lan nói về giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
 

Nhà văn Khánh Lan xinh đẹp, duyên dáng nói về giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và trong câu chuyện nhà văn trẻ này nhắc đến nhà văn Việt Hải nhiều lần trước khi Việt Hải lên diễn đàn.

            Nhà văn Việt Hải vừa phát biểu cảm tưởng vừa nuốt nước mắt, có lúc nhà văn nghẹn ngào như nói không ra lời. Nhà văn rất thành thật nói:

            – Cho tôi được ngồi, nếu tôi đứng một chút nữa tôi sẽ té.

Nhà văn Việt Hải nói về những quyển sách của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mà
nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xuất bản

Việt Hải nói về những quyển sách của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh mà nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã xuất bản và sẽ xuất bản tiếp. Nhà văn Việt Hải để rất nhiều cảm tình của mình trong giọng nói nghẹn ngào. Nhiều người kể cho tôi nghe lúc tiễn đưa giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lên đường, Việt Hải đã khóc, bây giờ cũng nức nở.

            Cô Hoa, vợ của Việt Hải đưa chồng lên trước sân khấu, chăm sóc chồng từng tí. Thật hạnh phúc cho những người có gia đình ấm cúng, và hạnh phúc cho những người lý tưởng sống với nhau.

Kiều Mỹ Duyên đến tham dự lễ tưởng niệm 100 ngày mất của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cùng các anh chị em nghệ sĩ. (Xướng ngôn viên, ca sĩ Hương Thơ đứng ngoài cùng bên phải)

Những phụ nữ tham dự trong chiếc áo dài tha thướt, trong đó có ca sĩ Hương Thơ, người nào cũng đẹp nhưng nam thì nhiều còn nữ thì ít, đặc biệt những người yêu chuộng văn nghệ đều có mặt.

            Khoa học gia Cai Văn Khiêm trong hội Bình Định Tây Sơn, bác sĩ Lê Đình Phước, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ký, Không Quân hiện diện trong buổi lễ tưởng niệm này, bác sĩ đỡ đầu cho giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vào đạo Công Giáo.

            Nguyện cầu giáo sư Nguyễn Xuân Vinh hưởng nhan Thánh Chúa. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Viện Việt-Học chân thành cảm ơn quý Hội, quý giáo sư và quý anh chị em đã cùng gia đình của giáo sư và Viện Việt- Học tổ chức Lễ Tưởng Niệm giáo sư Nguyễn Xuân Vinh chân tình và cảm động.

KIỀU MỸ DUYÊN, Orange County, 7/11/2022

(kieumyduyen1@yahoo.com)

**********************************************

Đại cương về cuốn

“Thiên Chức Của Nhà Giáo”

của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

(Giáo sư Trần Huy Bích)

 

431 trang. Xuất bản năm 2018. Người biên tập bài vở là Gs. Đào Đức Nhuận. Người trình bày là anh Phạm Hồng Thái. Người được trao nhiệm vụ phát hành là nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật của anh Trần Việt Hải.

Các bài trong sách có thể chia làm 3 loại:

–Bài của Gs NXV

–Bài người khác viết về Gs NXV

–Bài Gs NXV trả lời phỏng vấn

 

+Bài người khác viết về Gs NXV có:

–Tóm lược thân thế và sự nghiệp Gs NXV: của Xuân Trung

–Giải Khuyến học mang tên Gs NXV: của nhà văn Võ Ý

–“Truyền thống NXV”: của Bs. Việt Vũ Nguyễn Tri Phương (Thư ký Hội Khuyến học TT NXV)

–“Góc biển chân trời” của Bà Quả phụ NXV, ký bút hiệu Phiến Đan, viết dưới hình thức một bức thư cho người anh ruột của mình, để bày tỏ niềm ngưỡng mộ đối với một người bà gọi là “Thầy”: Gs NXVinh.

–“Đọc sách Tìm nhau từ thuở ” của Bs NT Vũ.

–“TPNXV : Một tấm gương kiên nhẫn cho giới trẻ” của Nguyễn Tường Tâm.

–“Từ nghiệp bay sang nghiệp giáo” của Lê Duy San.

 

+Bài Gs NXV trả lời phỏng vấn:

–Của Hương Kiều Loan (trong Ban Biên tập của “Hồn Quê”)

–Của nhà truyền thông Phiến Đan (lúc ấy chưa là bà NXV), phỏng vấn từ Úc châu năm 2006, sau khi nghe tin Gs. NXV được giải thưởng Cơ học Phi hành Không Gian Dirk Brouwer.

–Bài phỏng vấn thứ 2 của nhà truyền thông Phiến Đan, hỏi cặn kẽ hơn về những thành tích khoa học Gs NXV đã đóng góp vào chương trình không gian của nhân loại.

–“Tản mạn văn học”: nói chuyện với Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan.

 

Bài của chính Gs NXVinh:

 — “Những ngày đầu ở Hoa Kỳ”: thuật lại cuộc đời.

–“Trải hương cho gió”: Tâm tư của một nhà giáo dục.

–“Một thuở học trò”: Những cuốn sách đã ảnh hưởng tới tâm tư của ông.

–“Thầy còn nhớ tôi không?”: Những cảm xúc khi gặp lại một số học trò cũ: nhà văn NX Hoàng, HQ ĐT Trần Thanh Điền, ông Trần Huỳnh Châu …, một số cựu sinh viên ngoại quốc nổi danh: Gs. Daniel J. Scheeres (danh hiệu được đặt cho một hành tinh năm 1999), Gs. Robert  D. Culp (Prof. Emeritus, Univ of Colorado), Ts Trình Bang Đạt, TrTg Không quân của THDQ tại Đài Loan.

–“Thiên chức của nhà giáo”: Những suy nghĩ về đoạn đời đi dạy học.

+Những bài viết vui về Toán học:

–“Hoa Sơn luận hội”: viết về hình tam giác của phương Đông

–Hình lục lăng của phương Tây

–Hình ngũ giác của phương Nam

–Hình vuông của phương Bắc

–“Thảo bài thơ liên hoàn”: hình tròn.

–Một bài Toán thần sầu

+Những bài viết trong lãnh vực khác:

Những hùng văn trong Việt sử.

–Đêm không trăng đọc thơ Lý Bạch: viết về Đường thi và việc dịch Đường thi.

Điều đáng được chú ý là tâm tư của Gs. NXV trong cuốn sách.

 Trong bài viết mang nhan đề “Những trăn trở của nhà giáo dục,” in trong cuốn “Từ Chiến Sĩ đến Khoa Học Gia” (Hoa Kỳ: Văn Đàn Đồng Tâm, 2008), nhà văn Tạ Xuân Thạc đã cho biết trong những chuyến đi tiếp xúc với giới trẻ ở khắp năm châu, khi được hỏi trong quãng đời làm công tác khoa học và sáng tác, công việc nào làm ông thích thú nhất, Giáo sư Vinh đã trả lời như sau:

“Trong dòng họ tôi, nguyên quán ở Nam Định, có rất ít người ra làm quan, dù rằng theo gia phả trong các tổ tiên đã có những người đỗ đại khoa, nhưng có xuất chính rồi ít lâu cũng cáo quan về nhà dạy học. Cũng vì vậy mà từ khi ra trường tôi đã đi theo những bước chân của các bậc tiền nhân mà chọn con đường giáo dục. Trải hương thơm theo gió, tôi muốn hoàn trả lại bốn phương những gì tôi đã thu lượm được trong cuộc đời tầm học, và như thế dạy học và viết những tài liệu khảo cứu là con đường hữu hiệu nhất để thực hiện điều này.”

Theo những người có hoàn cảnh tiếp xúc với ông, Giáo sư Vinh luôn luôn thao thiết nghĩ đến đất nước và dân tộc Việt Nam. Trong cuốn “Kỷ niệm về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh” xuất bản năm 2008, Luật sư/Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh cho biết:

“Anh Vinh đã tâm tình với tôi rằng bằng đủ mọi cách phải xây dựng và bảo vệ giới trẻ Việt Nam, vì giới trẻ là nhịp cầu cần thiết giữa Dĩ vãng và Tương lai, là động cơ phát triển chính yếu, và sẽ thật sự đổi mới Đất nước… Từ Hoa Thịnh Đốn cho đến Miami, Montréal, San Diego, và Seattle, anh không ngớt nhắc nhở các người trẻ, ‘Thành công không nằm ở việc đỗ đạt, có bằng cấp cao, có địa vị lớn trong xã hội, mà còn ở chỗ có một tấm lòng, một tâm hồn đẹp, biết làm tròn phận sự cho hướng đi hay mục tiêu của mình,’ và nhắc nhở, cổ võ mọi người đừng bao giờ quên bản sắc của mình là người Việt Nam.”

Trong bài “Thiên chức của nhà giáo,” Giáo sư Vinh kể lại một cách thích thú những năm dạy ở Trung học Võ Tánh, Nha Trang, các Trung học Petrus Ký và Chu Văn An Sài Gòn (tuy chỉ có 4 giờ một tuần). Giáo sư cũng cho biết trong những lần được mời đi thuyết trình ở các nơi, ông “thường dành thì giờ để qua những tổ chức cộng đồng, hầu có dịp tiếp xúc với các học sinh và sinh viên trẻ mà tôi nghĩ sẽ là những người lãnh đạo một đất nước Việt Nam tươi sáng trong tương lai.” Trong bài “Những hùng văn trong sử Việt,” giáo sư giới thiệu và nhận định về những áng văn, những bài thơ đề cao tinh thần quốc gia, dân tộc lưu lại từ ngàn xưa, cốt để phát triển niềm hãnh diện và tinh thần yêu nước của thế hệ người Việt trẻ.

Sau 10 năm phục vụ trong quân ngũ mà nhiệm vụ cuối cùng là chỉ huy một quân chủng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau hơn 30 năm trong ngành nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức với phạm vi và ảnh hưởng ở tầm mức quốc tế, Giáo sư Vinh hướng đến giới trẻ Việt Nam khi viết “Thiên Chức của Nhà Giáo.” Điều ấy khiến chúng ta nhớ đến câu “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến lên làm quan, thành đạt làm thầy)*. Theo nhận xét của người viết những dòng này, câu ấy thích hợp một cách tuyệt hảo với Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.

******************************** 

CÓ MỘT NGƯỜI VIỆT NAM “TUYỆT VỜI” NHƯ THẾ…

(Phạm Trần Anh)

Đại diện Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam “Vinh Danh GS-Khoa Học Gia-Nhà Văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

Ai trong chúng ta cũng đều nghĩ rằng một nhà toán học, khoa học gia thì thiên về lý trí nên tình cảm khô khan, không thích văn chương nghệ thuật… thế nhưng có một khoa học gia nổi tiếng lại là một nhà thơ, nhà văn với tác phẩm Đời Phi Công 1959. Truyện dài, Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961 (Việt Nam Cộng hòa), Gương Danh Tướng, 1956 và Theo Ánh Tinh Cầu, 1991 Truyện ký sự… và Tình Toán học

Có những chàng trai mộng viễn phương,                                                                                     

Say tình sông núi ngát hoa hương                                                                                              

Cánh chim tung cánh reo hồ hải,                                                                                               

 Muôn vạn vì sao đẹp ngã đường…

Hay mối “Tình Toán học”:

Gặp em, vương mối tình đầu
Gặp em, chuốc lấy muộn sầu
Để rồi một kiếp thương nhau
Giận hờn trong trái tim đau…”

Để
                                       “Chiều nào dìu em vào mộng”,                                                                                 “Người đi tóc thương mùi nhớ”

Thưa quý vị,

      Thế kỷ thứ 20 là thế kỷ nhân loại đạt những tiến bộ khoa học vượt bực trên lãnh vực chinh phục không gian. Liên Sô đã mở đầu cuộc chạy đua để chinh phục không gian với chú chó Laika là sinh vật đầu tiên được phi thuyền Sputnik 2 đưa lên không gian ngày 3 tháng 11 năm 1957, thế nhưng chú chó Laika đã qua đời vài giờ sau khi tàu vũ trụ rời bệ phóng. Tuy nhiên Liên Sô vẫn được xem là dẫn đầu trong việc chinh phục không gian nên ra sức tuyên truyền như một thắng lợi của chủ nghĩa Cộng sản.

Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Liên Sô lại phóng phi thuyền Sputnik đưa phi hành gia Yuri Gagarin bay vào khoảng không vũ trụ thành công và Yuri Gagarin trở thành anh hùng Liên Xô với tên tuổi được nói đến trên toàn thế giới. Bộ máy tuyên truyền của Kremlin rầm rộ gắn liền thành công của chuyến bay và tên tuổi Đại tá Gagarin là “Người đầu tiên bay lên khoảng không vũ trụ” với ý thức hệ cộng sản.

       Trong khi Liên Sô của Cộng sản quốc tế đã đưa người lên không gian thì Hoa Kỳ chưa chinh phục được không gian. Nếu Liên Sô nổi tiếng với phi thuyền Spunik thì Hoa Kỳ thành công với phi thuyền không gian Apollo. Cố Tổng Thống Hoa Kỳ J.F Kennedy đã quyết tâm chinh phục không gian với lời tuyên bố lịch sử “Chúng ta khởi hành sau, nhưng chúng ta sẽ tới trước (We begin late but come first)”.

John F Kennedy, 35th President of the United States of America inspecting ‘Friendship 7’ at Cape Canaveral, 23 February 1962. [Photo: Photo12/Universal Images Group via Getty Images]

German-born American rocket scientist Werner von Braun (left) and US President John F. Kennedy tour Cape Canaveral, Florida, November 16, 1963. [Photo: NASA/Interim Archives/Getty Images]

      Thưa quý vị, đó là ngày 21/12/1968, vào lúc 7.50 sáng tại Mũi Kennedy, bang Florida, Mỹ. Phi hành đoàn của phi thuyền Apollo 8, Phi thuyền Apollo 8 là sứ mạng của những cái đầu tiên – một bước nhảy vọt trong cuộc đua đưa con người lên Mặt Trăng.

      Apollo  8 được phóng lên không gian ngày 8 tháng 12 năm 1968 là phi thuyền có người đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, phi thuyền đầu tiên đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, phi hành gia Bill Anders đã chụp bức ảnh Earthise ở phía trên đường chân trời mặt trăng với tên gọi là Command quay quanh Mặt trăng được truyền hình về Trái đất từ ​​quỹ đạo Mặt trăng vào đêm Giáng sinh. Từ trên quỹ đạo mặt Trăng, Phi hành gia Borman gửi lời chúc mừng Giáng Sinh: “Chúc ngủ ngon. Chúc may mắn. Chúc mừng Giáng Sinh và Chúa ban phước cho tất cả quý vị, tất cả mọi người trên Trái Đất an lành.”. và phi thuyền đầu tiên trở lại Trái Đất với vận tốc không ngờ là 40.000km/h.

               Phi hành gia Frank Borman (Ảnh Earthise)

     Cách nay 53 năm, ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi thuyền Apollo 11 Hoa Kỳ đưa phi hành gia Neil Armstrong lên không gian và đã trở thành những người đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng. Khi Neil Armstrong bước lên bề mặt Mặt Trăng, ông đã phát biểu một câu nói nổi tiếng: “Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại.”.

      Thế nhưng, để phóng phi thuyền lên quỹ đạo mặt trăng góp phần thắng lợi của Hoa Kỳ nói riêng và nhân loại nói chung phải có sự đóng góp trí tuệ của các bộ óc siêu việt trong đó có một nhân tài là nhân vật chính mà chúng ta trân trọng đang ngồi đây. Thưa quý vị, chúng tôi muốn nói tới một nhân tài nước Việt và cũng của cả nhân loại, một ngôi sao Bắc Đẩu dẫn đường chinh phục không gian: Khoa học gia, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

      Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là Tư lệnh của Quân chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Không gian người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trên thế giới. Năm 1962, ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng Tiến sĩ Khoa học Không gian sau khi ông thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho Phi thuyền do NASA tài trợ. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các Phi thuyền Apollo lên được Mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các Phi thuyền con thoi trở về Trái đất an toàn.

      Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là người Hoa Kỳ thứ ba và là người Châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace). Măm 1986, ông trở thành Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).

      Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều Đại học lớn và các Hội nghị Quốc tế nhiều nơi trên Thế giới ở MỹCanadaAnhPhápÁoĐứcÝHà LanThụy SĩNa UyThụy ĐiểnHungaryIsraelNhậtTrung QuốcĐài Loan và Úc.

      Năm 1999, Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự ngành Kỹ thuật Không gian (Professor Emeritus of Aerospace Engineering) vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.

  • Năm 1994: Mechanics and Control of Flight Award presented do American Institute of Aeronautics and Astronautics tặng.[1]
  • Năm 1996: “Excellence 2000 Award” của Pan Asian American Chamber of Commerce
  • Năm 2000: Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc tế du hành vũ trụ và Viện Hàn lâm Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp. Ông được chọn là một trong những người xuất sắc của Hoa Kỳ Pan Asian American Chamber of Commerce tại Washington, DC.
  • Năm 2006: “Giải thưởng Dirk Brouwer” về Cơ học Du hành Không gian của Hội Du hành Không gian Hoa Kỳ (American Astronautical Society)

      Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã xuất bản ba cuốn sách và hơn 100 bài báo kỹ thuật trong lĩnh vực toán học, astrodynamics, và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh cũng từng là biên tập viên trong khoảng thời gian dài 20 năm cho tạp chí lưu trữ cho Học viện vũ trụ Quốc tế (the archival journal for the International Academy of Astronautics). Giáo sư Vinh nguyên là chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ (chaired the doctoral committees) cho 30 nghiên cứu sinh, nhiều người trong số họ hiện nay đang là giáo sư của các Hiệp hội uy tín của Hoa Kỳ, các trường Đại học các trường học hoặc các hiệp hội nhà khoa học hàng đầu trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.[1]

      Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (Astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (Trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:

  • Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
  • Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
  • Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X.

      GS Nguyễn Xuân Vinh là một người Việt Nam như thế và bây giờ đây ở Hoa Kỳ và khắp thế giới, quê hương tạm dung của chúng ta đã có những người Việt Nam như thế gồm những khoa học gia nổi tiếng, những Tướng lãnh tài ba, những nhà văn nhà thơ xuất chúng được mọi người nể trọng… Trên thực tế, sau những mất mát đau thương ngày 30 tháng tư năm 1975, cơ hội ngàn năm một thuở là chúng ta đã có một Siêu Quốc Gia Đại Việt Nam trên toàn thế giới… Lịch sử sẽ phải ghi nhận GS Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh là “Một chàng Trai nước Việt, con chim đầu đàn của các khoa học gia Việt Nam” đã làm rạng danh nước Việt, vẻ vang dân Việt Nam chúng ta.

     Đồng bào Việt Nam chúng ta cùng nhau tranh đấu thúc đẩy tiến trình Dân chủ hóa, giải thể bạo quyền CS để trong tương lai không xa khi không còn bóng dáng Cộng sản trên quê hương chúng ta, Giới trẻ sẽ làm một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc thì lúc đó, thế giới sẽ phải ngả mũ trầm trồ “Có một Dân tộc Việt Nam như thế”… Thưa quý vị.

Trân trọng kính chào và cám ơn tất cả quý vị.

PHẠM TRẦN ANH

(Phát biểu trong Lễ Vinh Danh GS Nguyễn Xuân Vinh)

“Tôi không nhớ là đã mê Toán Học, mà người ta đã gọi là Nữ Hoàng của các môn Khoa Học, từ bao giờ nhưng có thể gọi là đó là mối tình đầu của tôi, và để rồi trọn đời vương lụy, như trong một bài thơ của tôi đã được phổ nhạc:
http://www.anhduong.net/LinhTinh/June06/TinhToanHoc-nxv.htm. Bài thơ của Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh viết lên 4 câu trên đây tên là Nhớ Tiếc
“Mối tình đầu” mà hình như GS Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh cho là Toán Học có lẽ không phải là …Toán Học vì rất giản dị, Toán Học làm gì có chuyện “Chiều nào dìu em vào mộng”, “Người đi tóc thương mùi nhớ” hay “Em nay về tay người khác”

***********************************

Tưởng Nhớ TOÀN PHONG-NGUYỄN XUÂN VINH

(Cai Văn Khiêm)

*** Bài viết này có nói khá nhiều về tôi, nhưng chỉ là những gởi gấm của Thầy Vinh với tôi

Ngày mai, 5 Tháng 11 2022, là ngày Lễ Bách Nhật Của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.  Thấm thoát đã hơn 100 ngày, từ khi ông giã biệt cõi trần, bay lên trời, bay về thế giới vĩnh hằng.  Tôi đang nhớ đến ông, nhớ đến những kỷ niệm cũ- tuy không nhiều nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu xa. Tôi đã rất ngưỡng mộ ông.

Tôi biết Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh đã hơn 50 năm, biết ông từ thuở tôi còn rất trẻ- khi chỉ mới là một học sinh ở bậc trung học.  Tôi biết ông qua những tác phẩm: Đời Phi Công, Gió Ơi Dừng Lại Bên Hồ, Sách Toán Hình Học.  Ở Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, tôi nghĩ ông là một người rất lãng mạn, lãng mạn không chỉ với tình yêu nam nữ, mà lãng mạn hơn với tình yêu quê hương.  Ở Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, tôi thấy có một tình yêu không biên giới, rộng như không gian.  Ở Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, tôi thấy một hình ảnh rất ấm đẹp.

Tôi gặp Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh lần đầu khoảng năm 1999, khi ông đến dự đại hội VASPES (Vietnamese American Science & Professional Engineering Society) tổ chức tại Nam California.  Trong lần đó tôi có dịp nói chuyện với Thầy, nhưng không nhiều.  Hơn một năm sau, Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh gọi điện thoại đến tôi và có nhã ý mời tôi chủ tọa Lễ Phát Thưởng Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh tại St. Louis vào mùa hè năm 2001, do Hội Tuổi Trẻ Dấn Thân tổ chức.  Dĩ nhiên tôi rất hân hạnh nhận lời mời, vì đó là một vinh dự, thêm nữa đây là việc tôi rất muốn làm.  Tôi nhớ, đúng 20 năm trước đó, tôi cũng được nhận lãnh thường tại Trường Cường Đễ Qui Nhơn, và tôi hình dung đến ánh mắt của các em khi nhận quà thưởng tôi trao tặng.

 Tôi càm thấy rất hân hạnh thay mặt Giáo Sư để trao phần thưởng đến các em.  Nhưng tôi đã rất phân vân là sẽ tặng em những gì? và đến với các em với ý tưởng nào?  Tôi đã vội vàng ra nhà sách Tự Lực tìm mua cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (của Edmondo De Amicis, Hà Mai Anh dịch.)  Nhà sách chỉ con 11 cuốn, và tôi đã mua hết để làm quà cho các em.  Lan man, nghĩ đến Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, tôi lại viết bài Khung Trời Mênh Mông để tặng riêng Thầy, và các em học sinh.  Bài Khung Trời Mênh Mông là tiếp nối của bài Những Bức Tường Vô Hình nói về Trường Phát Triển trong toán học, và ảnh hưởng của nó trên khá nhiều bình diện khác.  Những bài này tôi đã đăng vào Đặc San Tây Sơn Bình Định Năm 1999 và 2001.  Gởi đến Thầy, ông nói là rất thích, và cho là rất đúng ý nghĩa của Giải Khuyến Hoc.  Điều đó làm tôi rất vui.

Tháng Sáu 2001 tôi đến St. Louis vào một buổi chiều.  Các anh Trần Thanh Minh và anh Nguyễn Tri Phương của Hội Tuổi Trẻ Dấn Thân đã đón tôi tại phi trường. Đêm đó, các anh chị trong hội gói những tập sách thưởng.  Tôi vội vàng ghi vài hàng chúc mừng đến các em trên trang đầu của những cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, như một lời gởi gấm của Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh, rồi đưa cho các chị gói vào bao quà tặng.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến Hội Trường để dự buổi phát thưởng.  Tại đây tôi được hân hanh gặp Thị Trường của St Louis- ông là vị khách danh dự của buổi lễ Phát Thưởng Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh.  Sau phần nghi lễ, các em lãnh thưởng được gọi tên lên khán đài, và tôi được hân hạnh trao gói quà đến các em.  Trong cái vinh dự đó, tôi đã cảm thấy như đã thay mặt Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh trao những giải thưởng này như một lời gởi gấm đến các em- trao thêm một niềm hy vọng.  Hy vọng các em khi trưởng thành sẽ nghĩ đến quê hương- Quê hương xa ngàn dặm.

Phát thưởng xong, Ban Tổ Chức yêu cầu tôi phát biểu.  Bài nói chuyên của tôi là một tóm lược cuả bài viết Khung Trời Mênh Mông- Tôi nói qua về Trường Hữu Hạn (Finite Field) và tính chất khép kín rất giới hạn của trường mẹ.  Và muốn phát triển trường rộng lớn hơn, chúng ta cần những phần tử sinh để kêt hợp.  Trường bành trướng sẽ lớn hơn, và có thể tốt hơn, trường mẹ rất nhiều.  Trong tâm tưởng của tôi, tôi mong giới trẻ Việt Nam sẽ là những phần tử sinh.  Trong số đó có thể có những em tóc hoe vàng, hay những em có làn da nâu đậm.  Trong khoành khắc đó, tôi đã nhắc với họ rằng:

“Sách vở chỉ là xác khô,

Sinh khi giáo dục là lòng tự tín và tinh thần phục vụ quê hương”

Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh là một người đa cảm, và ông có nhiều giấc mơ.   Trong một góc nào đó, có lẽ Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh nghĩ rằng có những ước mơ ngoài tầm tay, và ông muốn tìm những cánh tay nối dài, giúp ông thực hiện những giấc mơ đó.  Tại St Louis, có các em đưa cao cánh tay cầm bó đuốc- và đó là niềm hy vọng cuả Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh.

Hình 1.  Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và những cánh tay nối dài {1]

Tôi cũng được nhận quà.  Tôi nhận được một khung hình, trên đó là một bài thơ khen tặng tôi của Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh đề bút.  Bài thơ đó tôi đã treo trên tường, nhưng không phổ biến và chỉ xin tâm lãnh thôi.

Đêm đó, sau bữa cơm chiều, các em và chúng tôi quay quần nói chuyện với nhau.  Và chúng tội đã nói với nhau về nhiều lãnh vực- nói vê học vấn, về quê hương, nói về những ước mơ.  Không khí vô cùng thân mật. 

Giã biệt St. Louis! Cám ơn sự tiếp đón nồng hậu. cám ơn những mối thân tình, cám ơn một kỷ niệm đẹp.  Tôi rất vui khi đã thay mặt Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh để đến với các em.  Hơn 20 năm trôi qua, tôi vẫn cò nhớ khá rõ.

Cuối năm 2001, BS Nguyễn Chi Vỹ, Hội Trưởng Hội Tây Sơn Bình Định tại Nam California nhờ tôi phối hợp tổ chức Đại Lễ Tây Sơn, kỷ niêm chiến thắng Đống Đa vào ngày Mồng Năm Tết Nhâm Ngọ 2002.  Vì muốn đưa Tinh Thần Tây Sơn lên bình diện quốc gia, chúng tôi mời Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh diễn thuyết về đề tài “Ý Nghĩa Ngày Tây Sơn” (luôn là đề tài chính của buổl lễ hằng năm.)  Chúng tôi cũng mời Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện nói về hiện tình quê hương đất nước, và nhờ anh Nam Lộc, Chị Bích Ty làm MC cho buổi lễ.

Thầy Vinh vui vẻ nhận lời, và đã đưa phu nhân từ San Jose về dự lễ Ngày Tây Sơn.  Khi anh Nam Lộc giới thiệu lên khán đài, ông từ tốn bước đến trước bàn thờ Vua Quang Trung, thắp ba nén nhang, quỳ lạy ba lạy, rồi sang bục giảng nói về nhưng công trạng của Vua Quang Trung và Nhà Tây Sơn.  Ông kết luận là chính nhờ lòng yêu nước của toàn dân từ Bắc chí Nam, và dưới sự lãnh đạo anh minh của Vua Quang Trung, chúng ta đã đánh tan hai đội quân xâm lược (Xiêm và Thanh) để gìn giữ quê hương. Chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa đó- Tuy Nhà Tây Sơn không còn nữa, nhưng với tình yêu dân tộc, tinh thần Tây Sơn vẫn sống mãi trong lòng người Viêt Nam.

Hai hôm nghỉ lại tại nhà chúng tôi, thầy trò chúng tôi có khá nhiều thời gian để nói chuyện.  Nói chuyện rất lâu, và đến rất khuya.  Chúng tôi nói chuyện về phương trình quỹ đạo, về toán học, về thơ văn- mà theo ông không có biên giới nào giữa khoa học và văn chương.  Chúng tôi nói về một thời đã qua, và nói về một tương lai, mà giới trẻ là niềm hy vọng.  Một già một trẻ, tội thấy có rất nhiều tâm đắc với ông.

Cũng chính lần ông bà nghỉ tại nhà chúng tôi tôi mới chứng kiến đức độ của ông.  Ông luôn ân cần và dịu dàng với người vợ đang bi bệnh kinh niên.  Tôi cảm kích ông đã nhận lời mời về dự Lễ Tây Sơn dù vợ ông bi bênh, đi đứng rất khó khăn.  Tôi biết ông đã cho tôi một tinh cảm đặc biệt.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi mới có dịp đến thăm gia đình ông tai Huntington Beach.  Ông nhớ tôi ngay.  Tại đây lần đầu tiên tôi găp Cô Phiến Đan, vợ ông, và cũng gặp lại anh Trần Thanh Minh của Hội Tuổi Trẻ Dấn Thân và anh Tom Võ.  Sau khoảng 15 năm, ông đã già hơn năm xưa, nhưng thân tình vẫn còn như cũ.  Sau khi nói chuyện, anh Tom Võ đã mời chúng tôi đi ăn cơm chiều.  Trong bữa cơm ông nhắc lại thuở hàn vi như hoài niệbm một chút gì rất ấm cúng của quê nhà.  Vài hôm sau, cô Phiến Đan có mời phỏng vấn tôi trên đài Little Saigon TV.

Cuối tháng Ba vừa qua, tôi đã đến tham dự ngày Vinh Danh Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh do khá nhiều hội đoàn ở Nam California hợp tác tổ chức.  Khi gặp ông lần này, ông đã yếu đi rất nhiều, và phài đi xe lăn.  Trong lòng tôi rất buồn.  Vì buổi lễ có khá nhiều người đến thăm hỏi ông, tôi chỉ có dịp đến gần chào ông.  Đông người quá, không biết ông có nhận ra tôi không?

Hai tuần sau, anh Phạm Trần Anh và tôi đến thăm nhà ông và Cô Phiến Đan ở tại Costa Mesa.  Chúng tôi được mời ăn trưa, nói chuyên với ông bà.  Lúc này ông nói rất ít và chỉ nhìn chúng tôi với đôi mắt thân thiện.  Chúng tôi đã chụp hình với ông. 

Hình 2.  Những tấm hình sau cùng với ông với nụ cười rất tươi.

Cũng không đột ngột lắm, chúng tôi nghe tin ông qua đời, ở tuổi 92.  Tôi đến dự tang lễ ông tại Nhà Thờ Kính.  Trong không khí trang trọng và trầm buồn, chúng tôi vĩnh biệt ông- một người tài hoa, lỗi lạc.

Tiễn biệt ông, tôi đã tự hỏi Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh là ai, và đã để lại cho chúng ta những gi?

  • Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh là một thầy giáo- để lại nhiều nhân tài phục vụ từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.
  • Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh là một võ quan, để lại niềm hãnh diện cho Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
  • Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh là một khoa hoc gia, để lại những kết quả nghiên cứu trong ngành Khoa học không gian.
  • Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh là một văn nhân, để lai những tình cảm, những mơ ước, thúc giục người trẻ dấn thân

Nhưng với tôi, Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh không chỉ giới hạn ở đó!  Ông đã cho rất nhiều người- trong đó có tôi- những hình ảnh rất đẹp.  Và sâu thẳm trong lòng ông là một tình yêu quê hương, với những mơ ưóc- với chan chứa niềm hy vọng.  Mong mỏi ở những cánh tay nối dài, giúp ông thực hiện những giấc mơ của ông.

Nay Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh đã bay cao- bay lên trời.  Ông không còn ở với chúng ta nữa.  Nhưng tâm hồn và tình cảm của ông vẫn còn ở rất lâu trong lòng chúng ta- trong lòng tôi nữa. 

Nam California; Ngày 4 tháng 11, Năm 2022