Khi tôi viết dòng chữ này thì anh đã không còn trên cõi đời này nữa, anh đã ra đi thanh thản và nhẹ nhàng lúc một giờ sáng ngày 27 Tháng Hai năm 2014 như trong giấc ngủ của chuyện cổ tích.
Anh đã ra đi bỏ lại bạn bè và những người thân thương tiếc anh, nhưng anh đã được an ủi vì mình từ giã cuộc đời đầy thương đau này trong vòng tay những người thân và bạn bè. Hai năm vừa qua, với các phương tiện y tế tối tân của Hoa Kỳ và trong sự chăm sóc thương yêu của người vợ hiền và gia đình, anh cuối cùng đã buông tay thực sự bởi vì anh chưa hề buông tay bao giờ trong quãng đời tù tội đầy hãi hùng của mình trong các trại giam của cộng sản suốt mười bảy năm trời đằng đẵng. Anh là Lê Văn Hoan, một thiếu tá cảnh sát đặc biệt trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia VNCH trước năm 1975.
Khi hàng triệu dân quân cán chính của VNCH, sau ngày Quốc Hận 30 tháng 4, 1975, bị tập trung vào hàng trăm trại giam giết người mọc lên như nấm trên khắp ba miền, mà cộng sản che giấu dưới cái mỹ từ “cải tạo,” để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, tôi và anh chưa quen nhau dù cùng ở chung tại trại giam Long Thành, một cô nhi viện hoang tàn sau ngày mất nước được cộng sản sử dụng vội vã để giam giữ trên ba ngàn nhân viên chính phủ và cảnh sát.
Thế rồi một hôm tôi nghe nói có một nhóm tù đã bị đưa đi ngay trong đêm khỏi trại Long Thành trong đó có anh vì âm mưu trốn trại; và cũng trong một đêm tăm tối một nhóm khác trong đó có tôi bị chuyển qua trại khác khi màn đêm với sương mù nhẹ còn giăng mắc khắp Long Thành. Và từ đó tôi không nghe nữa về anh. Mãi những năm sau này trong số hàng năm chục ngàn sĩ quan công chức chế độ cũ bị giải giao lưu đày biệt xứ ra Bắc thì tôi gặp lại anh tại trại Ba Sao Nam Hà. Chúng ta bắt đầu thân nhau trong các đêm văn nghệ bỏ túi trong buồng giam vào tối Thứ Bảy hay trưa Chủ Nhật, cùng hát cho nhau nghe những bài hát ngày xưa để nhớ lại một thời hoàng kim khi người dân Việt còn được sống trong tự do no ấm, nay không còn nữa. Và để thấy lòng mình đau đớn khôn nguôi trong niềm bi hận mất nước vì đồng minh đã cam tâm bán rẻ đồng minh để đổi lấy mậu dịch với Trung Hoa đỏ. Tôi nhớ anh lúc nào cũng lạc quan, cười cười nói nói, không hề buông ra một câu nào hờn oán trời đất dù thân mình chẳng khác gì giun dế.
Những người bạn tù đã giúp cho các buổi văn nghệ bỏ túi mang đầy kỷ niệm là cả Đệ, Quách Tĩnh, Bửu Uy, Quí lùn, cậu Ba Qui, các ông cò Lạt, Ngưu, Thụy, cò Hoan, Thanh “hốt ổ” và nhiều nữa, v.v… Anh luôn hát bài mở màn “Dừng Bước Giang Hồ” đến độ khi mời cò Hoan hát thì mọi người đều biết sẽ hát bài gì hoặc khi nói đến “Dừng Bước Giang Hồ” thì ai cũng hiểu sẽ là cò Hoan.
Thế rồi sau bốn năm bị chia cách với gia đình, do bị áp lực từ các cá nhân, các hội đoàn và từ các nước tây phương nhất là Mỹ, bất ngờ như một phép lạ, Cộng sản Bắc Việt đã phải mở cửa cho gia đình thân nhân các tù nhân gửi hàng tiếp tế thuốc men thực phẩm áo quần từ miền Nam ra đến trại Ba Sao. Và người tù, những bộ xương biết đi còn sống sót, bắt đầu hồi sinh. Tôi và anh bắt đầu thân nhau hơn nữa khi trong dòng người từ Nam ra Bắc thăm tù có vợ của anh và gia đình tôi. Sợi dây liên lạc với gia đình được từ từ nối lại và tình bạn của những người đồng cảnh ngộ cũng được thắt chặt hơn, đoàn kết để sống để chống lại âm mưu thâm độc của cộng sản muốn cho người tù phải chết dần mòn trong lưu đày đói khát khổ sai và nhục nhã. Chúng ta đã may mắn hồi sinh sau khi hàng vạn người tù đã nằm xuống trong âm thầm thế giới không ai hay biết.
Anh nằm trong số chín mươi người tù cuối cùng còn bị giam giữ tại trại Ba Sao sau hai đợt thả lớn năm 1987 và đầu năm 1988 ở miền Bắc. Những người tù này đã phải trải qua một cái Tết đau buồn nhất trong trại giam, cái Tết thứ mười ba mất tự do. Năm đó ông Trời cũng thương cảm cho thân phận những tù nhân chính trị hay sao mà mưa phùn gió Bấc lạnh cắt vào da, bầu trời chỉ một màn trắng đục. Nằm cuộn tròn trong chăn vẫn không đủ ấm và nghe gió hú từ phía thung lũng và núi rừng trùng điệp lùa từng hồi xuyên qua mái nhà mà nhớ Sài Gòn, mà thấy mình sống như đã chết rồi.
Trên chuyến xe lửa xuôi về miền Nam tháng 5, 1988, chín mươi người tù cuối cùng trong đó có anh đều cùng chia sẻ buồn vui trên con tầu “Thống Nhất” với niềm an ủi duy nhất là sẽ được ở gần người thân hơn dù thân mình còn trong vòng kiềm tỏa. Bốn năm tại trại giam Hàm Tân Z-30D là thời gian mình thân nhau nhất với những kỷ niệm không bao giờ quên được. Tôi cũng không ngờ rằng những người bạn tù thân nhất với mình lại là những ông Cò như Cò Trân, Thụy, Nhơn, Nghiệp, Ngưu, Ngọc, Nghi; những Phủ Đặc Ủy như Bửu Uy, Thắng, mệ Lựu; hay An Ninh Quân Đội, anh Hai hầu, bầu Ngọc; hay người về từ Việt Nam Thương Tín, Hoàng Hiểu.
Sau mười lăm năm trong trại tập trung không ngờ cộng sản vẫn còn dối trá khi tuyên bố về trại Hàm Tân để chờ được đoàn tụ với gia đình nhưng thực tế vẫn là lao động khổ sai áp đặt trên những tù chính trị. Anh cùng khoảng bốn chục anh em khác trong đó có tôi nằm trong “đội 20 là đối tượng” của sự trả thù thâm độc nói trên. Sức đã cùng và lực đã kiệt nên anh em bàn nhau phải làm một cái gì và cái gì đó đã đến trong một buổi phải di chuyển vào một vùng thung lũng đang khai phá, gọi là “Thung,” dưới cơn mưa bão rớt và gió giật từng cơn, và đội 20 đã đồng loạt biểu tình chống lại cái chế độ lao động khổ sai tàn bạo đó. Toàn đội đã tự động dừng lại, biểu tình ngồi trên cuốc kể cả đội trưởng là Trung Tá Hải trước con mắt sững sờ của tên quản giáo Hợp Chuột. Cuối cùng ban đại diện của trại đã ra nói chuyện với đội 20 và họ đã nhượng bộ cho đội rút về làm lao động nhẹ chung quanh khu trại giam, không còn chỉ tiêu khổ sai và phải di chuyển xa nữa.
Những người tù đã chia sẻ với nhau từng miếng cơm manh áo và từng viên thuốc. Khi mới vào Hàm Tân, tôi bị sưng cổ họng mà trụ sinh không còn. Anh và tôi đều nằm ở từng trên hai bên trong buồng giam và anh đã với tay đưa qua cho tôi viên Amox và kỳ diệu thay chỉ uống có một viên thôi mà cổ họng tôi đã lành không còn sưng tấy lên nữa.
Thế rồi, khi chẳng còn nghĩ gì đến nó nữa thì những người tù cuối cùng được thả ra khỏi trại Hàm Tân vào cuối tháng 4, 1992 sau 17 năm (bốn ông tướng vào đầu tháng 5 sau một tuần). Và điều kỳ diệu nữa đã đến khi các gia đình chúng ta được qua Mỹ định cư một năm sau ngày ra trại. Hồi tưởng lại hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày mình đặt chân lên vùng đất tự do. Những lần gặp anh khi qua Nam Cali thăm bạn bè cùng nắm tay nhau hàn huyên trong tuổi xế chiều của đời người.
Bây giờ anh đã bỏ bạn bè và người thân ra đi, anh đã được trở về với Nước Chúa. Anh đã được an ủi dù rằng những người cộng sản đã làm cuộc đời anh tan nát nhưng Chúa đã cứu anh và đưa gia đình anh qua bến bờ tự do. Anh đã ra đi nhưng không phải trong bốn bức tường u ám của trại giam mà trong ánh sáng tự do. Anh cũng như hàng vạn thanh niên miền Nam đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc mà đứng lên bảo về miền Nam chống lại sự xâm lược của cộng sản Bắc Việt. Anh đã bị tù tội lưu đày vì lý tưởng tự do. Anh đã làm xong bổn phận của một người trai thời loạn. Xin anh hãy yên nghỉ và nhớ rằng những bạn anh, nhất là những người tù cuối cùng, đang cầu nguyện cho anh và không bao giờ quên anh.
Cuối Giêng, Xuân Giáp Ngọ 2014
Phạm Gia Đại