LTS – Nội dung dưới đây là đoạn trích trong “Lời Nhà Xuất Bản” của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ trong tập thơ Hoa Ðịa Ngục, xuất bản năm 2006.
***
Tuy mới được công chúng biết đến hơn một phần tư thế kỷ, tác phẩm Hoa Ðịa Ngục của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã mau chóng trở thành một tập thơ tiêu biểu của nền thi ca Việt Nam hiện đại.
Bìa tác phẩm Hoa Ðịa Ngục, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ xuất bản năm 2006. (Hình: Người Việt) |
Tiêu biểu bởi vì đó là một tập thơ mang đầy máu và nước mắt, mồ hôi, khổ nhục – phản ánh một thế giới trong đó con người Việt Nam, vốn hiền lành là thế, đã vì một ý thức hệ ngoại lai biến thành một con vật với chính đồng loại, đồng bào – nhưng cũng chính vì thế mà cuộc đấu tranh đầy vinh quang khi con người tìm lại được nhau và khẳng định tính người của mình:
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất đảng
Ðội lại khăn tang
Ðêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạn oan khiên…
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Ðứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bùi ngùi kính cẩn
Ðặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng
Ðã tưởng một tác phẩm lạc quan như thế thì phải được đón nhận một cách hân hoan. Ấy vậy mà cuốn sách đã phải ba chìm bảy nổi mới đến được tay chúng ta trọn vẹn như ta có ngày hôm nay. Có lẽ cũng tại hoàn cảnh ly kỳ đã mang tác phẩm đến cho chúng ta.
Xuất hiện một cách kỳ bí, không tên sách, không tên tác giả, tập thơ đã được công bố lần đầu vào tháng 9 năm 1980 do Thời Tập ở Arlington, Virginia in ra, dưới tên “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” (là một câu lấy trong “Những Ghi Chép Vụn Vặt”). Gần như ngay sau đó, báo Văn Nghệ Tiền Phong lại đưa ra một bản in khác mang tên “Chúc Thư Của Một Người Việt Nam,” vẫn tác giả vô danh.
Tuy không rõ ai là tác giả nhưng từ khởi thủy tập thơ đã có một tiếng dội vang lừng khắp năm châu. Liền lập tức, nhiều nhạc sĩ đã đem một số bài trong tập ra phổ nhạc mà thành công nhất có lẽ phải kể Phạm Duy (ở Cali) Phan Văn Hưng (ở Úc) Trần Lãng Minh (ở Virginia)… Nhờ vậy, thơ của tác giả “vô danh” (mà có lúc được mệnh danh là “Ngục Sĩ”) đã như không cánh mà bay.
Bài giới thiệu đầu tiên tập thơ với thế giới (vì viết bằng tiếng Anh) lần này có biết rõ tên tác giả là Nguyễn Chí Thiện, được đăng trong báo Index on Censorship Bộ II, số 3 (tháng 6, 1982) bởi ông Lek Hor Tan với sự tiếp tay của Nguyễn Hữu Hiệu (dịch 5 bài thơ ngắn trong tập). Song có lẽ gây tiếng vang hơn là bài “A voice from the Hanoi Underground” (“Một Tiếng Nói Chui Từ Hà Nội”) được tạp chí Asiaweek ở Hong Kong đăng tải trong số ra ngày 30 tháng 7, 1982 rồi BBC chuyển đi ra khắp thế giới.
Tập thơ phổ nhạc đầu tiên do Phạm Duy, Mười Bài Ngục Ca/Ten Prison Songs, trong bản dịch nghĩa của Nguyễn Hữu Hiệu, được in ra ngay từ năm 1980. Ðến tháng 9 thì Hội Văn Hóa VN tại Bắc Mỹ (VICANA trong tiếng Anh) tung ra cuốn sách mỏng song ngữ Ngục Ca/Prison Songs (gồm 20 bài với lời Anh hát được của Nguyễn Ngọc Bích). Cũng sách này lần đầu tiên ghi tên tác giả các bài thơ là Nguyễn Chí Thiện. Ðầu năm 1983, cuốn sách được nhà xuất bản Quê Mẹ ở Pháp in lại thành một tập tam ngữ mang tên Chants de Prison/Prison Songs/Ngục Ca sau khi tăng bổ thêm phần dịch thuật sang tiếng Pháp của Võ Văn Ái và sang tiếng Anh của Ỷ Lan Penelope Faulkner. Tập này cũng ghi lại nhiều nhận định của các nhà văn, nhà báo, khoa học gia quốc tế về thơ Nguyễn Chí Thiện.
Tập tuyển dịch đầu tiên sang tiếng Anh, The Will of a Vietnamese, do Nguyễn Thị Hằng (New York: Carleton Press, 1984) thì rõ ràng là dựa trên bản tiếng Việt của Văn Nghệ Tiền Phong. Tập tuyển dịch sang tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông, Flowers from Hell (New Haven: Yale University Council on Southeast Asia Studies, 1984) đã khẳng định tên chính thức của tập thơ là Hoa Ðịa Ngục và tên tác giả đích xác là Nguyễn Chí Thiện dựa trên một bức thư tiết lộ của GS P. J. Honey ở Anh.
***
Dù như mọi sự được tuần tự đưa ra ánh sáng như vậy, một số người vẫn không muốn tin, thậm chí còn viết bài rồi viết cả sách để “chứng minh” rằng tác giả những bài thơ lạ lùng kia chỉ có thể là Lý Ðông A, cha đẻ của thuyết Duy Dân vào thập niên 40 của thế kỷ trước. Ném lao rồi thì phải theo lao, những người này nhất định ngoan cố trong niềm xác tín kỳ dị của họ ngay cả sau khi nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu về Hà Nội chụp hình chung với Nguyễn Chí Thiện bằng da bằng thịt và bạn bè của ông, rồi chính Nguyễn Chí Thiện cũng được Hà Nội cho đi Mỹ (tháng 11, 1995) trong một cử chỉ thân thiện với Hoa Thịnh Ðốn.
Năm 1991, Tiến Sĩ Bùi Hạnh Nghi ở Ðức đưa ra bản dịch đầu tiên và đáng kể của ông sang tiếng Ðức, Echo aus dem Abgrund/Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực (Frankfurt-am-Main: R.G. Fischer, 1991) và bản song ngữ này đã cũng được in lại năm sau – để rồi được đưa vào chương trình “đọc sách hay” trong các trường trung học đệ nhị cấp ở tiểu bang Bayern, Ðức quốc. Một số bản dịch trong này cũng được mang ra đọc trong Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế ở Madeira, Tây Ban Nha (1993) và Praha, Tiệp Khắc (1994). Một nhạc sĩ thời danh của Áo, ông Gunter Mattitsch, cũng đã chuyển 14 bài thơ trong bản dịch Bùi Hạnh Nghi thành một “suite” trình bày lần đầu trước công chúng ở Klagenfurt, Áo quốc (20 tháng 10, 1995).
Bản dịch tương đối đầy đủ nhất sang tiếng Anh là cuốn Flowers of Hell/Hoa Ðịa Ngục của Nguyễn Ngọc Bích đưa ra năm 1996 (Arlington, VA: Tổ Hợp XBMÐ Hoa Kỳ) đính kèm với một bản tuyển dịch Hạt Máu Thơ (tức Hoa Ðịa Ngục II) mà tên trong tiếng Anh là Blood Seeds Become Poetry. Hai tập này về sau được dùng làm gốc cho một số bản dịch sang các thứ tiếng: Tiệp do Jachym Topol; Pháp do Dominique Delaunay; Hòa Lan do Bloemen uit de hel… Cùng năm này nhân dịp nhà thơ được cộng đồng NVTD mời đi một vòng nước Úc, GS Nguyễn Ngọc Phách ở Melbourne cho in ra một tuyển tập mỏng thơ Nguyễn Chí Thiện mang tên A Selection of Flowers from Hell (Melbourne: Hoa Niên, 1996). Cũng nhóm Hoa Niên xin in lại tập Ngục Ca/Prison Songs của Hội Văn Hóa VN tại Bắc Mỹ in ra năm 1982.
Sang tiếng Pháp, thơ của Nguyễn Chí Thiện cũng đã được dịch bởi một cựu đại sứ của Việt Nam (ở Canada), GS Bùi Xuân Quang (trong tập san Ðường Mới ở Paris), song đáng kể nhất là tập Fleurs de l’enfer (Paris: Institut de l’Asie du Sud-Est, 2000) do BS Nguyễn Ngọc Quỳ và nhà thơ Dominique Delaunay.
Thơ của Nguyễn Chí Thiện còn được dịch sang một số tiếng khác nữa như Trung Hoa và Nhật Bản, song chúng tôi không có đầy đủ chi tiết ở đây. Thơ của ông cũng được chọn để đưa vào nhiều tuyển tập thơ quốc tế như:
-War and Exile: A Vietnamese Anthology (Nguyen Ngoc Bich, chủ biên, Springfield, VA: Vietnameses PEN Abroad, East Coast USA, 1989).
-Another Way to Dance: Contemporary Asian Poetry from Canada and the United State (Cyril Dabydeen, chủ biên, Toronto: TSAR Publications, 1996).
-This Prison Where I Live, the PEN Anthology of Imprisoned Writers (Siobhan Dowd, chủ biên, với tựa do Joseph Brodsky, New York, 1996).
-Ecrivains en Prison (bản tiếng Pháp của tuyển tập trên đây, Genève: Labor et Fides, 1996).
Và tên tuổi của ông được đưa vào tự điển Who’s Who in Twentieth-century World Poetry (Mark Wiihardt, chủ biên, London & New York: Routledge, 2000, bản in lần 2 ở Ðức năm 2002). Ngoài ra một số bài thơ lẻ của ông cũng đã được đưa vào sách giáo khoa ở Mỹ và hiện có một website trên Mạng Lưới Toàn Cầu dành chỗ trang trọng cho thơ ông mang tên www.vietnamlit.org (GS Dan Duffy ở North Carolina thực hiện).
Là hội viên danh dự của nhiều trung tâm Văn Bút Quốc Gia (Pháp, Hòa Lan,…) ông đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng Thơ Rotterdam (1984), Giải thưởng “Tự Do Ðể Viết” (”Freedom to Write” Prize) của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ (1989) và ba năm làm khách của Nghị Viện Quốc Tế Các Nhà Văn (International Parliament of Writer). Ông cũng được ba lần đề cử để lãnh giải Nobel về Văn Chương.
***
Tuy “Hoa Ðịa Ngục” là tác phẩm lớn về thơ của Nguyễn Chí Thiện, thiết tưởng cũng không nên quên: ông còn viết truyện và (đang viết) hồi ký nữa. Tập truyện Hỏa Lò của ông, do Tổ Hợp XBMÐ in ra năm 2001, phải được xem là một trong những tác phẩm văn học thành công nhất ở hải ngoại (in ra 5000 cuốn trong vòng 6 tháng). tập truyện này đã được dịch sang Anh ngữ và sẽ ra mắt độc giả trong nay mai do Southeast Asian Literature Program của Yale University xuất bản.
Dù như giờ đây ông đã trở thành một nhân vật tiếng tăm quốc tế, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vẫn là một con người thật bình dị. Người ta gọi ông là “anh hùng,” ông gạt ngay: “Trong máu [tôi] không có một tí chất anh hùng nào cả.”
Ông chỉ là một con người hoàn toàn dành cho văn học. thơ, ông muốn được như Baudelaire, nghĩa là chỉ mong được người đời nhớ ông qua một tác phẩm lớn: Nếu cả đời Baudelaire có độc một tập “Ác Hoa” (“Le fleures du Mal”) thì ông cũng mong được biết đến như là tác giả của độc nhất một tập, Hoa Ðịa Ngục. Khi cho in hai tập Hoa Ðịa Ngục I và II (còn có tên Hạt Máu Thơ) làm thành một như trong sách này là Tổ hợp tôn trọng ước muốn đó của ông.