(Trích tự truyện “ Nơi làng quê heo hút”)
Ảnh tác giả
Có thể nói, giáo sư Vũ là một “nhà truyền giáo lỗi lạc”. Xứng đáng là “môn đồ Mác-lê” một thời.
Tôi biết Vũ , khi về làm giảng viên, cùng một trường đại học với ông ấy .
Tuy nhiên, xét về các phương diện “quyền” và “lợi” thì chúng tôi thuộc hai đẳng cấp lệch nhau rất xa
Tôi là một giảng viên quèn, lính trơn, dạy môn ngôn ngữ (vớ vẩn); hưởng lương bậc thấp nhất.
Còn Vũ thì đúng là “hình tượng điển hình, con người mới xã hội chủ nghĩa”,”vừa hồng vừa chuyên ”, đúng như sách đã dạy .
Hồi đầu, mỗi lần đến giảng ở một lớp nào đó, thì việc đầu tiên là, giáo sư Vũ bỏ ra cả giờ đồng hồ, để kể về lý lịch của mình.
Ông luôn hứng thú, và tự hào về những gì mình có :
Xuất thân thành phần bần cố nông, sinh ra ở một vùng quê đồng chiêm trũng, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh ,đói rét quanh năm, và túng bấn triền miên.
Từ nhỏ ,Vũ đã được nghe nói về nguyên nhân ,sự nghèo đói và khổ cực ấy .
Chính bọn thực dân, phong kiến, địa chủ đã gây ra, chứ chẳng phải ai khác.
Thế là “giác ngộ cách mạng” từ đó!
Lòng căm thù được hun đúc từ tấm bé.
Nó lớn dần lên, nhờ lúc nào cũng đứng trong tổ chức đoàn thể của đảng : Đội nhi đồng Tháng Tám; Đội Thiếu niên Tiền Phong ; Đoàn Thanh niên Cộng sản; Đảng Cộng sản .
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Vũ cùng “đội quân cách mạng tư tưởng” tiến vào Nam truyền bá “văn minh xã hội chủ nghĩa” và “mở mang trí tuệ” cho người phương Nam .
Vũ có bằng phó tiến sĩ (hữu nghị), chuyên ngành Triết học Mác-lênin, do Liên Xô cấp.
Có thẻ đảng viên Cộng sản từ lúc còn học ở Nga.
Thế là, không khó khăn gì, để được phong chức vụ giáo sư, chủ nhiệm Khoa chính trị- kinh tế, ở một trường đại học lớn nhất Sài Gòn.
Vũ trở thành “Bố già” bậc giáo dục đại học ở Sài Gòn, thậm chí cả miền Nam.
Bởi vì, dù anh học ngành gì, đại học nào, mà thiếu tờ Chứng chỉ chính trị triết học Mác Lê, thì cũng chẳng thể làm nên trò trống gì .(Thậm chí không thể tốt nghiệp ra trường nữa ấy chứ!)
Đặc biệt, ai tham vọng có một cái ghế quan chức, dù to hay nhỏ gì đó, thì loại Chứng chỉ ấy thực sự là “bùa hộ mệnh”, không thể thiếu được.
Đám sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, một thời là học trò của giáo sư Vũ, đã đặt tên cho ông một cách mỉa mai, là “Giáo sư đào mồ chôn tư bản”. hì !
Bọn họ kể rằng, hễ bước vào lớp, dù là giảng bài Triết học duy vật biện chứng, hay bài Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam , giáo sư Vũ đều rất thích thú nhắc câu :
“Giai cấp vô sản là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.”
Có hôm, cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, y như mụ phù thủy niệm thần chú vậy!
Giáo sư Vũ luôn ca ngợi sự lớn mạnh không ngừng của phe xã hội chủ nghĩa, và luôn khẳng định rằng, xã hội tư bản đang ngày càng giãy chết. Đó là quy luật “có tính biện chứng”!
Có một điều gây khó chịu cho sinh viên, khi nghe giáo sư Vũ (và các đồng sự dạy chính trị của ông) giảng bài là, các thầy luôn dùng từ miệt thị các nguyên thủ quốc gia đối phương, mà họ cho là thù địch .
Các thầy thường nói : Thằng Ngô Đình Diệm, thằng Nguyễn Văn Thiệu ,thằng Nguyễn Cao Kỳ, thằng Nixon, thằng Johnson vân vân.
Nguyên thủ các nước đồng minh của Mỹ cũng đều là “thằng” hoặc “con” tất, mỗi khi cần nhắc đến các vị ấy.
(Giống như hồi Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, ai là địa chủ, dù bao nhiêu tuổi thì mọi người đều phải gọi họ là: “tên”, là “thằng”, là “con”, kể cả con cháu của những người địa chủ ấy, cũng phải gọi ông bà cha mẹ mình như thế!)
Sau khi Chính phủ Việt Nam đưa ra chính sách “Đổi mới”, “Mở cửa nền kinh tế”, thì “bọn tư bản” ( vốn đã bị đánh đuổi trước đây), nay lại “kéo nhau” vào để tìm cách “bóc lột” giai cấp vô sản nước ta.
Trong số ấy có “thằng” Nick 50 tuổi, người Úc, vào mở công ty sản xuất đồ chơi thú nhồi bông- chuột túi Kangaroo, ở thành phố Biên Hòa .
“Thằng” Marko, 62 tuổi, người Mỹ, mở Công ty sản xuất bao cao su OK ở Sài Gòn.
Trời xui đất khiến thế nào đó không biết, mà hai cô con gái của giáo sư Vũ tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ rồi, mà chưa kiếm được việc làm.
Thế là, cô chị được “tên tư bản” Marko nhận vào công ty, với mức lương 1000 USD /một tuần.
Sau đó, nhờ chị giới thiệu, cô em được “thằng tư bản” Nick, thu nhận, với tiền lương trả bằng USD, tương đương 80 triệu VNĐ / tháng.
Mới đầu các cô làm phiên dịch và thư ký.
Một thời gian sau ,thì các cô kiêm nhiệm luôn “công tác người tình”, nghĩa là “ba trong một” (“Three in one”, theo cách nói của người Mỹ. hihi).Và tất nhiên là, cũng tăng lương theo yêu cầu “người lao động”, cho phù hợp sức lực bỏ ra, và hao hụt sức khỏe !
“Bọn tư bản” này gian manh và tham lam lắm. Khi chuyển công ty về nước, “chúng nó” đem theo hai cô cùng về luôn, để tiếp tục “bóc lột” !
Sau đó không lâu, thì vợ chồng giáo sư Vũ nhận được tin từ ngoại quốc.
Mới đầu, thì cô em điện thoại gọi mẹ sang Úc, bế cháu ngoại dùm.
Vợ giáo sư Vũ phải bỏ nghề giáo viên cấp một, lương ba triệu Việt Nam đồng mỗi tháng ,để sang với con gái út .
Mấy tháng sau, cô chị cũng điện về gọi bố sang Mỹ, giúp trông coi nhà cửa, vườn tược, và hàng tháng, đưa xe hơi ra tiệm bảo trì,lau rửa !
Thương nhớ con lắm, nên giáo sư Vũ đành bán luôn căn nhà lầu hai mặt tiền, ở Chợ Lớn (vốn được nhà nước “tịch thu” của dân vượt biên đem cấp cho).
Gom một số tiền, rồi bay thẳng sang Mỹ- tên Sen Đầm quốc tế- giáo sư Vũ vẫn thường nói về nước Mỹ như thế, với sinh viên, và những người nghe ông giảng .
Vậy là, điều mà giáo sư Vũ nói, hàng vạn, hàng triệu lần, trên giảng đường các trường đại học, mấy chục năm qua, đến lúc về hưu mới thực hiện được:
“ Đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” !
Chuyến này, thì cả vợ con giáo sư, đều tham gia “đào mồ” !
Có điều, tư bản sống dai quá, cứ “giãy” mãi mà không chịu chết.
Cả nhà giáo sư Vũ đành phải chờ đợi thôi. Hì !