Biển Đông : Mỹ có thể đưa tàu chiến đến gần đảo nhân tạo của Trung Quốc

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Thanh Hà Đăng ngày 07-09-2015  Sửa đổi ngày 07-09-2015 15:45
mediaẢnh chụp bố phòng của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập, Trường Sa (Fiery Cross Reef, đá ngầm Vĩnh Thử theo tiếng Trung Quốc, Kagitingan theo Philippines), từ máy bay do thám Hoa Kỳ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015.Reuters
Vài ngày sau khi phát hiện tàu hải quân Trung Quốc tại vùng Biển Bering, gần hải phận của Mỹ, Washington xem xét khả năng đưa tàu chiền đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Báo tài chính Nhật Bản Nikkei ấn bản trên mạng số ngày hôm qua 06/09/2015 cho biết tin trên và không loại trừ khả năng Hoa Kỳ trừng phạt Trung Quốc để trả đũa các vụ tấn công tin học.
Phản ứng của Mỹ làm dấy lên căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington, vài tuần trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công du Hoa Kỳ.
Ngày 02/09/2015, Lầu Năm Góc thông báo 5 tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển Bering, gần hải phận của Mỹ, nhưng đã dừng lại trong vùng biển quốc tế, không tiến sâu vào vùng 12 hải lý của Hoa Kỳ.
Nhưng đến ngày 04/09, bộ Quốc phòng lại cho biết là năm tàu hải quân nói trên khi đi qua gần quần đảo Aleutian, đã vào trong khu vực 12 hải lý, tức là vào trong hải phận của Hoa Kỳ.
Theo theo luật pháp quốc tế, các tàu của ngoại quốc có thể đi ngang qua vùng biển của nước khác, nếu những tàu này không có những hoạt động quân sự, theo nguyên tắc gọi là “innocent passage” (đi qua vô hại). Các quan chức Mỹ xác nhận là các tàu hải quân Trung Quốc đã tuân thủ đúng nguyên tắc này.
Nhưng sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc gần sát vùng biển của Mỹ diễn ra vào lúc tổng thống Barack Obama đang tham quan bang Alaska. Nhiều nhà quan sát coi đấy là một hành động khiêu khích từ phía Bắc Kinh.
Trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2016, nhiều tiếng nói trong hàng ngũ của đảng Cộng hòa kêu gọi Nhà Trắng cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí nên xét lại quy chế chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình sắp tới.
Về phần chính quyền Barack Obama đã phải có phản ứng mạnh mẽ, tránh để công luận coi sự hiện diện của tàu Trung Quốc vừa qua là một thất bại của bên Hành pháp trước nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Ngoài ra theo một số nhà phân tích, Washington đã nhanh chóng lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc lai vãng trong vùng Biển Bering hồi tuần qua, nhằm chuẩn bị cho chiến lược điều tàu hải quân và phi cơ đến bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông.
Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông và xem những tuyên bố khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển chung quanh những đảo này là bất hợp pháp.