HOÀNG SA, NỖI ĐAU 40 NĂM (Mặc Lâm/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014.01.18

hai-chien-1-305Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974.

File photo

Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa năm nay, Mặc Lâm xin gửi đến quý vị những bài thơ của nhiều tác giả sáng tác trong sự thao thức với kỷ niệm bi thương này. 74 tử sĩ đã mãi mãi ra đi trong sự ngưỡng vọng của người dân đất Việt và máu các anh không hề uổng phí một giọt nào khi đã đổ ra cho tổ quốc.

Bài thơ đầu tiên chúng tôi xin được giới thiệu đến với quý vị có tựa Sẽ có ngày lấy lại Hoàng Sa của Phan Duy Kha được diễn đọc bởi Việt Long sau đây:

Sẽ có ngày lấy lại Hoàng Sa

Người ta gọi các anh là “quân ngụy”
Bởi các anh là lính Việt Nam cộng hòa
Nhưng tôi gọi các anh là Liệt sĩ
Bởi các anh ngã xuống vì Hoàng Sa.

Bọn giặc dữ mang dã tâm cướp đảo
Chúng hung hăng dùng chiến thuật “biển người”
Tàu chiến, máy bay…rung trời đạn nổ
Duy Mộng, Quang Hòa, Hữu Nhật (1)… Hỡi ơi !

Tổ quốc ghi tên các anh:
Nguyễn Thành Trí, Ngụy Văn Thà,
Lễ, Nghĩa, Hùng, Cường, Quý, Danh, Đức, Dũng (2)…
Bảy mươi tư anh hùng xả thân nơi đầu súng
Máu  thịt các anh hòa sóng biển bao la.

Bốn mươi năm rồi, trái tim ta ứa máu
Giặc ngang nhiên cướp biển đảo ông cha
Bốn mươi năm rồi, lòng ta luôn nung nấu:
Sẽ có một ngày lấy lại Hoàng Sa !

Trong trận hải chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1974 người anh hùng được nhắc nhở nhiều nhất suốt bốn mươi năm qua là Trung tá Ngụy Văn Thà hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo đã hy sinh oanh liệt cùng với đồng đội của mình và với con tàu HQ10 vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo xúc động bởi cái họ Ngụy của ông dính liền với những bóng ma lịch sử vẫn còn ám ảnh rất nhiều cán bộ cho tới hôm nay. Bài thơ có tên Người anh hùng họ Ngụy do chính tác giả Trần Mạnh Hảo diễn đọc.

Người anh hùng họ Ngụy

 

Sơ đồ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa VNCH-Trung Quốc.
Sơ đồ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa VNCH-Trung Quốc.
Wikipedia photo

Người yêu nước không thể nào là ngụy
Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy
Nhưng anh:
Là Ngụy Văn Thà

Anh – hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo
Lao thẳng vào tàu giặc cướp
Tên anh còn mãi với Hoàng Sa
Biển vật mình thét đại bác
Giặc bủa vây chiến dịch biển người

Lửa dựng trời dìm tàu giặc
Máu anh cùng đồng đội ngời ngời
Ôm chặt tàu
Ôm chặt đảo
Anh hóa thành Tổ quốc giữa trùng khơi

Gió mùa đông bắc gào khóc
Ngụy Văn Thà
Mãi mãi neo tàu vào quần đảo
Tổ quốc ngoài Hoàng Sa
Trận chiến ba mươi phút
Tượng đài anh là phong ba
Đỉnh sóng khói hương nghi ngút
Biển để tang anh bằng sóng bạc đầu

Quần đảo nhấp nhô mộ phần liệt sĩ
Linh hồn anh hú gọi đất liền
Ngụy Văn Thà
Tên anh không phải bài ca
Tên anh là lời thề độc:
– Phải giành lại Hoàng Sa
Sóng vẫn vồ lấy đảo…

Từ bên kia bờ đại dương nhà văn Phan Nhật Nam hướng về Biển Đông với một trằn trọc khác, ông rưng rưng nhớ lại đồng đội, đồng bào, những người đã nằm xuống trôi dạt theo con sóng dữ bởi dã tâm của giặc phương Bắc và sự bất lực của Hà Nội. Bài thơ có tên “Tổ Quốc chúng tôi” được chính nhà văn diễn đọc.

Tổ Quốc Chúng Tôi

Hãy thống hận khi Đất cha ông cướp đoạt mất
Hãy gào uất buổi Biển, Trời tổ tiên giặc phương Bắc chiếm, cắt
Hãy biết xót đau,
Hãy biết hờn căm,
Thấm đê nhục..
Dân Tộc cúi đầu, nín thinh, khinh miệt..

Nơi quan Ải phương Bắc,
Một lần Nguyễn Phi Khanh bật khóc,
nước mắt lắng sâu mạch đất.
Giữa vùng nước phương Nam nầy,
Chiến hạm Hải Quân 10 Nhật Tảo,
hòa máu Ngụy Văn Thà đổ xuống đậm sắc biển xanh.
Có còn không Bộ Đội vây trận Điện Biên?
Chỉ thật rằng Quân lực Cộng Hòa bị xé cờ, gẩy súng!
Xé không gian nghe âm vọng bao lần người lính giữ nước xung phong
Tát cạn đáy bày ra vạn cốt xương
lớp lớp dân oan di tản
Trời Nam bàng hoàng khốc tang
Biển Đông lềnh loang bi phẫn..

 

Chiến hạm HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo.
Chiến hạm HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo.
 

Hoàng Sa,Trường Sa..
Hãy trải rộng Nhất Thống Toàn Đồ..
Hẵn thấy lớn dài mênh mông biên cương Đại Việt
Lẽ nào bộ chính trị, ban bí thư, chủ tịch đảng, đoàn không hề hay biết?
Sử Việt không viết nên từ “Cách Mạng Mùa Thu, Tuyên Ngôn Tháng Chín”
nhưng bởi giòng máu lệ kiên cường chung phần độc dược
Phan Thanh Giản uống cạn nghĩa tận trung báo quốc.
Vệ Quốc Quân chết trên đồi Hồng Cúm, Him Lam
Nguyên phẩm tính Lính Cộng Hòa gục ngã Cổ Thành Đinh Công Tráng
Để Hồn Nước ngời ngời hơi thở lộng mỗi khắc giây
Để Tự Do hiến trọn ý nghĩa người sống từng ngày
Để Dân Tộc khởi dậy tầng tầng kiêu hãnh
Việt Nam,
Tên gọi đến..
Rưng rưng nước mắt cảm xúc.

Mỗi buổi sớm mai..
Mặt trời mọc nơi phương Đông vô hồi vĩnh cửu
Cũng muôn đời ô nhục
Loang thấm dần từ vết máu Hoàng, Trường Sa..

Nhà thơ Đinh Văn Hồng hướng về Hoàng Sa với một tâm thức khác, ông ngậm ngùi rơi lệ chung với từng bà mẹ khóc con khi họ rời chân tiến ra biển đảo nơi có mảnh đất rất xa cần phải bảo vệ bởi sinh mạng của chính con cái mình. Trong bài Thế lính Hoàng Sa ông viết:

Thế lính Hoàng Sa

Tổ quốc ơi bao năm trăn trở
Khi xa rời biển đảo quê hương
Trong nước mắt mẹ hiền đau đớn
Gọi tên từng hòn đảo thân thương
Hoàng Sa ơi, lệ nhòa mắt mẹ
Trường Sa còn… đau đớn khôn nguôi
Lãnh hải quê hương…. trăn trở mất còn
Tôi thẫn thờ trong lễ hội khao lề
Thế lính Hoàng Sa, dáng đứng Việt Nam
Từng đoàn thuyền thả trong nước mắt
Từ Lý Sơn tiễn biệt những chàng trai
Lịch sử cha ông dội về cùng tiếng sóng
Kêu gọi cháu con nhớ mãi chủ quyền
Đỉnh Thới Lới như trái tim người mẹ
Tiễn con đi trong trống trận mê hồn
Khắc khoải ngóng trông chờ ngày trở lại
Hoàng Sa, Trường Sa…
Ngày về
Khúc khải hoàn hòa nhịp sóng quê hương.

Từng đoàn thuyền thả trong nước mắt
Từ Lý Sơn tiễn biệt những chàng trai
Lịch sử cha ông dội về cùng tiếng sóng
Kêu gọi cháu con nhớ mãi chủ quyền
Đỉnh Thới Lới như trái tim người mẹ
Tiễn con đi trong trống trận mê hồn
Khắc khoải ngóng trông chờ ngày trở lại
Hoàng Sa, Trường Sa…
Ngày về
Khúc khải hoàn hòa nhịp sóng quê hương.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng rất nổi tiếng với bài Tổ quốc nhìn từ biển cũng có bài “Tổ quốc ở Trường Sa”, phần đất hiếm hoi còn lại của quê hương vẫn ngày đêm kề cận với sự thèm khát quân thù. Nhà thơ cùng với chúng ta chia sẻ những xúc cảm về phần đất này, phần đất không thể bỏ quên dù bất cứ giá nào:

Tổ quốc ở Trường Sa

Các con đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương

Anh đã hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa !

Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra

Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt

Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Việt Nam ơi ! dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
Những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
Dầu là máu thắp trên thềm lục địa

Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

Một tác giả khác, Vu Gia, với “Bài ca tháng bảy” và những nén nhang khó làm người đọc cầm được nước mắt bi thương. Những con người ngã xuống trên chính vùng đất của mình đã bị cướp đi, những ngư dân và mộ gió cùng với những linh hồn trở về đất liền bằng những nén nhang…

Bài ca tháng bảy

Tôi hát về những bó nhang
cháy vội vàng để khói bay lên
nhuộm trắng vành khăn tang vàng ố,
vành khăn ướt đẫm tiếng gào phẫn nộ
của con mòng, con nhạn không có tổ bay về…
nhang cháy vội vàng
con nhạn, con mòng
mình trắng khăn tang…

Tôi hát về những cặp mắt ngơ ngác, bàng hoàng
của bầy con mất cha,
của vợ mất chồng
của người mẹ điên lang thang đi tìm con trên cát…
ngơ ngác, bàng hoàng
con mất cha,vợ mất chồng
người mẹ điên bới cát tìm con…

Tôi hát về các anh – những linh hồn
sống trên sóng bập bềnh, lênh đênh mòn tuổi đời trên biển
đi qua đảo gần, đảo xa
bám chặt đảo chìm, đảo nổi
trọn lời trăn trối
bởi biển đảo thắm mặn từ giọt mồ hôi,
từ giọt máu hồng nghìn đời cha ông tích tụ,
xác bập bềnh
hồn lênh đênh
để máu mình cùng máu cha ông tích tụ…

Này, sướng sung gì mà ca với hát?
Không, tôi hát để nuốt nuớc mắt chảy ra
Tôi hát cùng sơn hà xã tắc hòa lên tiếng nấc
Nghèn nghẹn ngào ngào
Thay tiếng gào
Đất nước tôi sao mà nhiều khăn trắng thế!
Nghèn nghẹn
ngào ngào
sao mà nhiều khăn trắng thế?
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo một lần nữa trở lại với chúng ta qua bài thơ “Sóng Hoàng Sa kể”. Bài thơ này cũng xin được khép lại chương trình hôm nay cùng với nhạc phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ từ thơ của Nguyễn Phan Quế Mai như một nén nhang thắp lên cho tử sĩ Hoàng Sa những đứa con thân yêu của đất nước…

Sóng Hoàng Sa kể

Sóng kể rằng
Họ đã chết cho Hoàng Sa
Dù Hoàng Sa đã mất
Vinh danh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa
Bảy mươi tư linh hồn thất lạc
Nước Việt từ trứng nước đã can qua

Sóng nói rằng
Trong cuộc tranh hùng Quốc – Cộng
Trung Cộng đứng phe nào
Trung Cộng thành cướp nước
Trời rỗng hết lòng cao
Ai chết cho Tổ Quốc
Hồn hóa thành trăng sao

Sóng thét rằng
Hãy kéo sông Bạch Đằng ra giữa biển
Biến đỉnh sóng thành gò Đống Đa
Những hồn lính hải quân xưa vụt hiện
Giết giặc Tàu giành đảo giữa phong ba 

https://phailentieng.blogspot.com/2016/01/hoang-sa-noi-au-40-nam-mac-lam-bien-tap.html?fbclid=IwAR3lZoboQBJCPZWK8zY4eyO9h2ndCUiBIv_e2CMNjbRxHFWCLLWCqN5nVRg