BÁO CÁO CỦA BỘ NGOẠI GIAO MỸ VỀ TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2015

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 H1

Nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước độc tài cai trị bởi một đảng duy nhất — Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lãnh đạo. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất, được tổ chức vào năm 2011, không tự do và cũng không công bằng, mặc dù cũng có sự cạnh tranh hạn chế trong vòng các ứng cử viên do Đảng chọn lọc. Chính quyền dân sự duy trì sự kiểm soát có hiệu quả đối với lực lượng công an.

Chính quyền bắt đầu thực thi luật pháp phù hợp với những sửa đổi hiến pháp, trong đó có những điều khoản liên quan đến nhân quyền, được ban hành vào tháng 1 năm 2014. Vào tháng 11 Quốc hội đã thông qua một số luật ảnh hưởng đến quyền của người dân, bao gồm bộ luật hình sự mới, bộ luật tố tụng hình sự, luật về tạm giữ, tạm giam, bộ luật dân sự, và bộ luật tố tụng dân sự. Bộ luật tố tụng hình sự và luật tạm giữ đã đưa thành luật việc giả định vô tội, đặt cho nhà nước trách nhiệm chứng minh tội phạm, công nhận quyền có giới hạn về việc giữ im lặng trong một số điều kiện nhất định, và nới lỏng các quy định về quyền tư vấn. Bộ luật hình sự vẫn còn giữ lại những điều khoản mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia và trong một số lãnh vực lại đưa thêm tội mới hình sự hoá các hành vi chuẩn bị.

Vấn đề nhân quyền đáng kể nhất của đất nước này là các hạn chế nghiêm ngặt của nhà cầm quyền đối với các quyền chính trị của người dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng; các hạn chế đối với quyền tự do dân sự, bao gồm tự do hội họp, lập hội và bày tỏ; và việc bảo vệ chưa thoả đáng đối với các quyền được hưởng trong trình tự tố tụng, trong đó có việc bảo vệ chống tạm giam tùy tiện.

Các vi phạm nhân quyền khác bao gồm việc tước đi tùy tiện và phi pháp cuộc sống; việc công an tấn công, nhục hình; bắt bớ và giam giữ tùy tiện các nhà hoạt động chính trị; việc công an tiếp tục đối xử tệ hại đối với nghi can trong lúc bắt bớ và giam giữ, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực ở mức gây chết người và điều kiện nhà tù khắc khổ; cũng như việc từ chối quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng. Hệ thống tư pháp không rõ ràng và thiếu tính độc lập, và ảnh hưởng chính trị và kinh tế thường tác động lên kết quả xử án.

Chính quyền hạn chế tự do ngôn luận và đàn áp bất đồng chính kiến; thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt báo chí; giới hạn tự do internet và tự do tôn giáo; tiếp tục giám sát chặt chẽ các nhà hoạt động; và tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và tự do hội họp, lập hội và đi lại. Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký của các tổ chức phi chính phủ (NGO), kể cả các tổ chức nhân quyền. Nhà chức trách hạn chế các chuyến thăm của các NGO nhân quyền nào không đồng ý với sự giám sát của chính quyền. Nhà chức trách và các NGO ghi nhận con số nạn nhân buôn người cao hơn, có thể do nhu cầu ở các nước láng giềng tăng lên cũng như do việc chính quyền quyết định đẩy mạnh những nỗ lực theo dõi và điều tra vụ việc từ năm 2012. Chính quyền vẫn tiếp tục giữ các hạn chế về quyền của người lao động được thành lập và tham gia công đoàn độc lập, và không thực thi một cách thoả đáng các điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh. Lao động trẻ em vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong các ngành nghề nông nghiệp.

Nhà cầm quyền đôi khi có hành động sửa đổi, kể cả việc truy tố, đối với các quan chức vi phạm pháp luật, và công an đôi khi làm bậy mà không bị trừng phạt. Tham nhũng trong ngành công an vẫn còn dai dẳng.

Mục 1. Tôn trọng các giá trị con người, bao gồm các quyền tự do

a. Tước đoạt tùy tiện hay phi pháp cuộc sống

Nhiều báo cáo chỉ ra rằng các quan chức hoặc nhân viên khác dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an (MPS) đã giết người một cách tùy tiện và phi pháp, bao gồm các báo cáo về ít nhất 14 trường hợp người bị tạm giữ bị tử vong, cũng như một số hồ sơ cáo buộc quan chức lạm dụng vũ lực ở mức gây chết người. Trong hầu hết các vụ việc, nhà cầm quyền cung cấp rất ít thông tin liên quan đến việc điều tra về những cái chết này hoặc tuyên bố những cái chết đó là do tự tử hoặc do bệnh tật. Trong một số ít vụ việc, nhà cầm quyền đã buộc các cán bộ công an phải chịu trách nhiệm.

Vào ngày 28 tháng 2, Nguyễn Văn Tình bị chết do xuất huyết và sưng não sau khi công an địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh bắt giam ông, mà không có lệnh bắt của tòa án, vì tội cờ bạc và tạm giữ ông trong 5 tiếng đồng hồ, theo tường thuật của báo chí. Nhà cầm quyền tỉnh đã mở một cuộc điều tra về 3 cán bộ công an địa phương vì tạm giam người sai trái.

Vào ngày 8 tháng 4, chính quyền địa phương tại tỉnh Hưng Yên thông báo cho gia đình ông Nguyễn Đức Duẩn rằng ông Duẩn chết sau vài tuần bị công an tạm giam. Theo tường thuật của báo chí, toàn bộ cơ thể của ông Duẩn bị bầm tím rất nhiều chỗ.

Vào ngày 10 tháng 10, Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, theo tường trình, đã chết do bị tra tấn trong thời gian bị công an giam giữ. Công an đã bắt Dư 2 tháng trước vì tội trộm cắp và không cho gia đình được phép liên lạc trong lúc bị giam. Vào ngày 4 tháng 10, công an triệu tập gia đình anh tới Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, ở đó được cho biết Dư đang trong tình trạng hôn mê và bị tổn thương nội tạng và có nhiều vết bầm trên cơ thể. Sau khi Dư chết, được biết chính quyền đã ép buộc gia đình chôn cất anh ngay lập tức, và gia đình tố cáo rằng kết quả khám nghiệm tử thi của Dư không nêu đầy đủ toàn bộ các vết thương của anh. Vào ngày 30 tháng 12, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố bạn tù Dư đã “cố tình gây thương tích” và nói rằng sẽ chuyển giao việc điều tra các công an xử lý vụ án của Dư lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Vào ngày 9 tháng 4, Tòa án Nhân dân tỉnh Đăk Nông đã tuyên án treo công an Lê Mạnh Nam và Trần Đăng Tùng, do giam giữ trái phép Hoàng Văn Ngài, đã chết trong khi bị công an giam giữ vào năm 2013. Tòa không kết luận được cán bộ công an nào phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Ngài.

Vào ngày 7 tháng 10, sau một phiên tòa kéo dài 3 ngày, Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án công an điều tra tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hoàng Quân và Triệu Tuấn Hưng tương ứng một năm rưỡi và 2 năm tù giam, vì đã đánh đập và ép cung 7 người phải nhận tội trong một vụ giết người năm 2013. Bảy người này đã tố cáo công an tỉnh Sóc Trăng đã sử dụng nhục hình trong trong lúc hỏi cung.

b. Mất tích

Không có báo cáo về các vụ mất tích do động cơ chính trị.

c. Tra tấn và các hình phạt hoặc đối xử độc ác, vô nhân đạo hoặc tồi tệ khác

Luật pháp nghiêm cấm hành hạ thể xác người bị tạm giam, nhưng các nghi phạm thường cho biết đã bị công an hay nhân viên của trung tâm cai nghiện đối xử tồi tệ trong khi bị tạm giữ hay tạm giam.

Vào đầu tháng 6, Quốc hội đưa ra một báo cáo mô tả nhiều trường hợp ép cung hoặc sử dụng các biện pháp nhục hình trong thời gian điều tra của cơ quan chức năng từ năm 2011 đến năm 2014. Bộ Công an cho biết họ nhận được 46 khiếu nại về việc ép cung hay sử dụng các biện pháp nhục hình; trong số này, cơ quan chức năng chỉ chứng minh được ba trường hợp, và sáu trường hợp vẫn đang trong vòng điều tra.

Vào tháng 11 Quốc hội đã thông qua bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, đòi hỏi công an phải thu hình hoặc ghi âm các buổi hỏi cung diễn ra tại các cơ sở điều tra chính thức. Đối với các buổi hỏi cung diễn ra tại các địa điểm khác, việc ghi âm phải được thực hiện nếu cơ quan chức năng hoặc bị cáo yêu cầu. Luật nêu rằng quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 6 năm 2016 và việc tuân hành quy định này dự kiến sẽ được thực hiện lần đầu tiên trong một chương trình thí điểm vào năm 2017, và sẽ được triển khai trên toàn quốc vào năm 2019.

Vào tháng 10, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo rằng chính phủ đã bắt giữ 26 quan chức công an có các “hành động vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra”. Trong số này có 2 quan chức bị truy tố về việc sử dụng nhục hình, và hai “thủ trưởng cơ quan điều tra” bị khiển trách do việc sử dụng các biện pháp nhục hình dưới sự giám sát của họ.

Các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo và gia đình tố cáo nhiều trường hợp cán bộ hay nhân viên công an sách nhiễu và đôi khi sách nhiễu nghiêm trọng, từ hăm dọa và nhục mạ cho tới hành hạ nặng nề hơn, chẳng hạn như công an thường phục ném đá vào nhà của họ. Các nhà hoạt động cũng cho biết các cuộc tấn công vào họ và gia đình đã gây ra thương tích và chấn thương đến độ phải nhập viện.

Vào ngày 1 tháng 1, công an sắc phục và thường phục, theo ghi nhận, đã ngăn chặn giáo dân tham dự buổi lễ ngày đầu năm tại nhà thờ tại gia của Mục sư Mennonite Nguyễn Hồng Quang. Giáo dân cho biết chính quyền địa phương đã đưa họ về đồn công an và đấm lên mặt và thân thể của họ. Mục sư Quang cũng cho biết chính quyền địa phương đã hành hung ông sau khi ông đến đồn công an để tìm hiểu về vụ việc này. MS Quang và giáo dân cũng kể về các cuộc tấn công khác nhắm tới họ trong suốt năm.

Vào ngày 1 tháng 1, dân oan từ Tiền Giang cho biết, công an TPHCM đã bắt giữ họ khoảng 8 tiếng sau khi họ tìm cách thực hiện một cuộc biểu tình. Nhà hoạt động Lư Thị Thu Vân cho biết công an đã đánh bà trong lúc tạm giam, gây ra thương tích trên mặt.

Vào ngày 21 tháng 1, được biết hàng chục công an và cá nhân mặc thường phục đã tấn công 12 nhà hoạt động sau khi họ đến thăm cựu tù nhân chính trị Trần Anh Kim ở tỉnh Thái Bình. Hai người trong nhóm đã bị hành hung, Nguyễn Thanh Giang và Nguyễn Thị Kim Chi, đã hơn 70 tuổi. Các nhà hoạt động cho biết, công an đã cầm giữ họ trong gần 7 tiếng đồng hồ tại một đồn công an địa phương và liên tục tấn công và hăm dọa họ.

Vào ngày 17 tháng 2, năm dân oan khiếu kiện ở tỉnh Bắc Giang cho biết cơ quan chức năng đã đưa họ đến một đồn công an địa phương sau khi họ mang kiến nghị đến nhà của chủ tịch tỉnh. Những dân oan này nói rằng 4 người đàn ông mặc áo mưa và đeo mặt nạ đã dùng gậy tấn công bà Nguyễn Thị Luyến và bà Suốt sau khi hai bà ra khỏi đồn công an, gây thương tích cho hai bà. Một vụ khác, hàng chục công an và cá nhân mặc thường phục đã truy đuổi và sau đó tấn công bà Phạm Thị Nhường sau khi bà ra khỏi đồn công an.

Vào ngày 13 tháng 3, đuợc biết có nhiều cá nhân mặc thường phục đã dùng gậy và mũ bảo hiểm tấn công hai nhà hoạt động dân oan Lai Tiến Sơn và Nguyễn Thanh Hà tại Hà Nội sau khi họ đến thăm và tặng quà cho các dân oan ở Dương Nội. Trong lúc tấn công, bọn côn đồ đã liên tục la hét “Đánh chết nó đi!”

Vào ngày 22 tháng 4, ba cá nhân mặc thường phục ở Hà Nội đã hành hung blogger Trịnh Anh Tuấn (còn được gọi là Gió Lang Thang). Tuấn cho biết kẻ tấn công đã kéo anh ra khỏi xe gắn máy và dùng gạch đánh vào đầu và tay của anh. Tuấn là một thành viên chủ chốt của phong trào “Vì Một Hà Nội Xanh”, một phong trào bảo vệ môi trường đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chuyện chặt bỏ các cây cổ thụ trên những con đường chính ở thành phố Hà Nội vào khoảng thời gian trước đó trong năm.

Vào ngày 11 tháng 5, năm cá nhân thường phục ở Hà Nội đã đánh blogger Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), một thành viên chủ chốt khác của “Vì Một Hà Nội Xanh”, đến bất tỉnh. Anh Chí cho biết công an thường phục theo dõi sát và sách nhiễu anh cùng những người đi biểu tình với anh, nhiều người trong số đó là sinh viên.

Vào ngày 19 tháng 5, công an quận 8, TPHCM đã tấn công blogger và nhà hoạt động chính trị Đinh Quang Tuyến, kéo anh ra khỏi xe gắn máy và dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt anh, làm cho Tuyến phải nhập viện.

Vào ngày 25 tháng 6, nhiều cá nhân mặc thường phục đã tấn công hơn 40 nhà hoạt động và cư dân Dương Nội, trong khi họ chờ để đón Trịnh Bá Khiêm, một người cùng làng đã hoàn tất án tù. Trong số những người bị tấn công là con trai ông Khiêm: Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, và nhà hoạt động Mai Thanh, Trương Văn Dũng, Nguyễn Tường Thụy.

Vào ngày 27 tháng 7, công an thành phố Nha Trang tấn công các nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Huy Tâm, và Võ Trương Thiên khi họ tìm cách thực hiện một cuộc tuyệt thực công khai ủng hộ tự do ngôn luận. Cô Quỳnh cho biết bị công an đấm vào mặt, gây nên các vết bầm tím và vết rạch trên mặt cô.

Vào ngày 28 tháng 8, công an sắc phục và thường phục tỉnh Lâm Ðồng đã tấn công hai nhóm các nhà hoạt động và cựu tù nhân chính trị, trong đó có Trần Thị Nga, Trương Minh Tâm, Chu Mạnh Sơn, Phạm Minh Hoàng và Nguyễn Văn Oai, trước và sau chuyến đi thăm ông Trần Minh Nhật, một tù nhân lương tâm vừa ra tù. Họ tố cáo rằng công an đã chặn xe của một nhóm các nhà hoạt động, lôi họ xuống đất, và đá vào họ. Công an thường phục bị cáo buộc đã đánh các thành viên của một nhóm khác, bao gồm Lê Đình Lương, Bích Hạnh và Lê Hương. Trong một vụ việc khác, công an thường phục đã tấn công Trương Minh Tâm một vài ngày trước, sau khi ông tới một nhà tù ở tỉnh Thanh Hóa để lấy đồ đạc cá nhân của mình.

Vào ngày 10 tháng 10, Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, tử vong do bị tra tấn trong khi bị công an tạm giữ (xem mục 1.a.).

Vào ngày 3 tháng 11, luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân cho biết công an thường phục và những kẻ lạ mặt đã đánh vào đầu và mặt họ khiến họ phải nhập viện. Luật sư Nam và Luân bị hành hung sau khi đi gặp gia đình của Đỗ Đăng Dư. Vào ngày 12 tháng 11, công an tạm giam luật sư Trần Vũ Hải nhiều giờ trước khi ông và hàng chục luật sư và các nhà hoạt động lên kế hoạch phản đối việc chính quyền sách nhiễu các luật sư.

Vào ngày 22 tháng 11, nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức cho biết, công an Đồng Nai và những kẻ lạ mặt đã tạm giữ và hành hung họ sau khi hai nhà hoạt động này rời cuộc họp với hơn 800 công nhân nhà máy (xem thêm phần 7.a.). Cô Hạnh cho biết, công an thường phục đã trói tay cô ra sau lưng, đẩy cô ngã xuống đất, đạp vào mặt cô, làm cô phải nhập viện. Theo ông Đức, công an cáo buộc các nhà hoạt động cung cấp “tài liệu bất hợp pháp” cho người lao động và tịch thu điện thoại di động, máy tính và máy chụp hình của họ. Đại diện chính quyền nói cô Hạnh và ông Đức đã gây mất trật tự, và chối bỏ cáo buộc rằng công an địa phương đã tấn công hoặc tịch thu đồ đạc cá nhân của hai người.

Vào ngày 6 tháng 12, luật sư và cũng là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết công an thường phục đã tấn công ông và một nhà hoạt động tỉnh Nghệ An sau khi ông tổ chức một cuộc họp về quyền con người. Vào ngày 16 tháng 12, công an đã bắt giữ ông Đài và người cộng sự của ông, cô Lê Thu Hà, tại Hà Nội về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, liên quan đến an ninh quốc gia. Công an đã bắt giữ ông Đài khi ông đang trên đường đi gặp một phái đoàn nước ngoài đến thăm để thảo luận về nhân quyền. Vợ của ông Đài cho biết, công an đã tịch thu các vật dụng cá nhân, gồm quyển Kinh Thánh của ông Đài, trong khi thực hiện lệnh khám xét. Bà cũng cho biết, công an không cho luật sư bào chữa tới gặp ông Đài và không được phép liên lạc hay mang thức ăn, nước uống, hoặc tài sản cá nhân vào cho ông Đài. Đại diện chính quyền nói rằng họ bắt giữ ông Đài vì ông đã nhiều lần phạm pháp và tìm cách gây hại cho chính quyền.

Các nhà hoạt động nhân quyền cũng cho biết, công an đã bắt giữ và sách nhiễu các nhà hoạt động khác liên quan đến vụ bắt giữ ông Đài. Công an đã tạm giữ nhà hoạt động Trương Dũng. Vào ngày 21 tháng 12, ông Dũng cho biết, một kẻ lạ mặt đã đổ một chất axit lỏng lên đầu của ông tại trụ sở công an địa phương, sau khi ông Dũng cố lấy lại đồ đạc bị công an tịch thu trước đó.

d. Điều kiện của nhà tù và trại giam

Điều kiện của nhà tù rất khắc khổ nhưng không đe dọa tính mạng. Tình trạng quá tải, thức ăn không đủ và dơ bẩn, thiếu nước sạch và tình trạng kém vệ sinh vẫn còn là những vấn đề nghiêm trọng.

Điều kiện vật chất: Nhà chức trách thường giam giữ đàn ông và phụ nữ riêng biệt, với một vài trường hợp ngoại lệ trong các trại giam địa phương, nơi mà phòng ốc thường có giới hạn. Trong tháng 11, Quốc hội đã thông qua một đạo luật mới về tạm giữ, tạm giam (luật giam giữ). Luật nêu trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 năm 2016 và phân định nhiều loại người có thể bị giam giữ riêng biệt tách khỏi số đông, bao gồm những kẻ bị buộc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (bao gồm cả các tội liên quan đến an ninh quốc gia), người mắc bệnh truyền nhiễm, người có dấu hiệu của bệnh tâm thần, trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai, người đang chăm sóc cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển đổi giới tính, và đa giới tính. Mặc dù chính quyền thường giam thanh thiếu niên riêng biệt với người lớn, được biết trong một vài trường hợp hiếm hoi, trẻ vị thành niên bị giam với người lớn trong một thời gian ngắn do thiếu chỗ.

Tù nhân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, mặc dù trong nhiều trường hợp quan chức không cho gia đình cung cấp thuốc cho người bị tù. Gia đình của các nhà hoạt động đang ở tù có vấn đề về sức khỏe cho biết rằng việc điều trị y tế thiếu thốn đã dẫn đến các biến chứng lâu dài trầm trọng hơn cho sức khỏe. Trước khi được thả, ngày 17 tháng 4, gia đình của nhà hoạt động Hòa Hảo, Mai Thị Dung, cho biết công an tại trại giam Thanh Xuân đã không cho bà được điều trị thích đáng bệnh tê liệt chân, sỏi mật, và các chứng bệnh khác.

Vào tháng 3, tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Trần Vũ Anh Bình đã thực hiện cuộc tuyệt thực 10 ngày để phản đối việc anh Bình bị biệt giam tại nhà tù Xuyên Mộc, tỉnh Vũng Tàu.

Vào tháng 4, tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng đã tiến hành một cuộc tuyệt thực 10 ngày tại nhà tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai, để phản đối việc bắt bà ở tù. Gia đình bà Hằng cho biết, ban quản lý trại giam đã ngăn cản không cho họ gặp và mang thức ăn cho bà và tố cáo lãnh đạo trại giam trả thù bà Hằng vì bà từ chối mặc quần áo đồng phục của trại giam. Giới chức trại giam cuối cùng đã cho phép gia đình được thăm viếng trở lại.

Tình trạng sức sức khỏe yếu kém càng trở nên trầm trọng thêm do dịch vụ y tế chậm chạp hoặc do thiếu thốn, thiếu vệ sinh và suy dinh dưỡng, là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tử vong trong nhà tù. Gia đình của một số tù nhân cáo buộc tử vong là do việc dùng bạo lực ở mức gây chết người của cán bộ trại giam (xem phần 1.a. và 1.b.).

Tù nhân thường bị bắt buộc phải làm việc nhưng khôngđược trả lương. Ban quản lý trại giam nhốt tù nhân vào phòng biệt giam với thời hạn trung bình là 3 tháng. Một số tù nhân chính trị cho biết, họ bị đưa vào biệt giam thường xuyên hơn so với các tù nhân thường. Được biết ban quản lý trại giam cũng đưa một số người chuyển giới vào phòng biệt giam vì không biết là nên để họ vào khu tù nhân nam hay nữ. Quan chức công an thường cấm đọc sách và viết lách, đặc biệt đối với tù chính trị. Các thành viên gia đình tiếp tục đưa ra những cáo giác đáng tin cậy về việc có tù nhân được nhận thêm thức ăn hoặc sự ưu đãi khác nhờ hối lộ cho quan chức trại giam.

Nhà chức trách thường đưa tù nhân chính trị tới những trại giam được chỉ định riêng có giam cả tù hình sự, và trong nhiều trường hợp, giam tù chính trị tách biệt với tù thường. Nhà chức trách cô lập hoàn toàn một số tù chính trị nổi tiếng. Các nhà hoạt động cho biết, quan chức công an đã tấn công các tù nhân lương tâm để ép họ nhận tội, hoặc dùng các phương thức khác để buộc họ viết giấy nhận tội, kể cả ra lệnh các bạn tù hành hung họ hoặc đưa ra hứa hẹn sẽ được đối xử tốt hơn.

Một số cựu tù nhân lương tâm cho biết tù nhân không nhận đủ thức ăn, và chất lượng thức ăn cũng kém. Nhiều cựu tù nhân cho biết họ chỉ nhận được hai chén cơm nhỏ và rau cải mỗi ngày, thường có lẫn các tạp chất như sâu bọ hoặc sạn sỏi.

Điều hành: Không có hệ thống thanh tra nhà tù, nhưng luật pháp quy định việc giám sát thi hành án hình sự thuộc về Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) của ĐCSVN, một tổ chức bao trùm có nhiệm vụ giám sát các tổ chức xã hội do chính quyền bảo trợ.

Nhà chức trách giới hạn thời gian gia đình thăm viếng các tù nhân là 30 phút mỗi tháng và thường cho phép gia đình đưa vào nhiều món đồ khác nhau, gồm tiền bạc, thực phẩm bổ sung và chăn mền. Gia đình các tù chính trị cho biết, ban quản lý trại giam thỉnh thoảng rút lại quyền thăm viếng, thường là sau khi các tù nhân chính trị tiến hành tuyệt thực hay từ chối tuân thủ nội quy trại giam. Gia đình cũng tiếp tục báo việc giám sát và quấy nhiễu của chính quyền thông qua công an cũng như sự can thiệp thường xuyên vào việc làm, việc học, và các hoạt động tài chính của họ.

Trái ngược với cách đối xử bình thường đối với tù nhân phi chính trị, chính quyền thường chuyển tù nhân chính trị đến các trại giam xa gia đình, gây khó khăn cho gia đình trong việc thăm nuôi. Vào tháng 1, quan chức công an chuyển tù nhân lương tâm Ngô Hào từ nhà tù Xuân Phước thuộc tỉnh nhà của ông là Phú Yên, đến trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.

Vào tháng 2, quan chức công an chuyển bà Bùi Thị Minh Hằng từ nhà tù An Bình tại tỉnh nhà của bà là Đồng Tháp đến nhà tù Gia Trung ở tỉnh Gia Lai, cách xa khoảng 500 cây số.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đồng thời là cựu tù nhân lương tâm cho biết, các quan chức công an không cho phép các tù nhân thực hiện các nghi lễ tôn giáo hoặc được tiếp các nhà lãnh đạo tôn giáo đến thăm. Gia đình và một số cựu tù nhân cho biết nhà chức trách không cho phép tù nhân có kinh sách tôn giáo trong khi bị giam giữ. Các quan chức công an nói chung, không cho phép sở hữu tài liệu luật pháp ngoài các sách báo của Đảng CSVN.

Giám sát độc lập: Trong năm qua Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế chẳng yêu cầu mà cũng không tiến hành chuyến thăm nào tới các nhà tù.

e. Bắt giữ hoặc giam cầm tùy tiện

Luật pháp cho phép nhà cầm quyền bắt giữ và giam cầm người dân theo những điều khoản an ninh quốc gia mơ hồ trong bộ luật hình sự, trong đó có việc bắt giữ nhà hoạt động dân chủ Trần Anh Kim trong năm vì “tìm cách lật đổ chính quyền” (điều 79). Chính quyền tiếp tục bắt giữ và giam cầm các cá nhân bày tỏ quan điểm chính trị hoặc tôn giáo một cách ôn hòa theo các điều khoản khác của bộ luật hình sự, bao gồm “gây mất trật tự công cộng” (điều 245), “chống người thi hành công vụ” (Điều 257), hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258). Nhà cầm quyền thường xuyên đặt các nhà hoạt động dưới sự quản chế hoặc quản thúc tại gia. Mặc dù có sự tranh luận công khai của Quốc hội, bộ luật hình sự cuối cùng đuợc thông qua vào tháng 11 đã không hủy bỏ cũng không làm rõ các điều khoản này.

Vai trò của bộ máy công an và an ninh

Bộ Công an chịu trách nhiệm về an ninh trong nước và điều hành công an toàn quốc, cơ quan điều tra đặc biệt về an ninh quốc gia, và các đơn vị an ninh trong nước khác. Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (phòng công tố cấp quốc gia) xem xét các cáo buộc về lạm quyền của các lực lượng an ninh và cơ quan thực thi pháp luật.

Ủy ban nhân dân (cơ quan hành pháp của chính quyền địa phương) có một số thẩm quyền đối với lực lượng công an và kiểm sát viên thuộc cấp tỉnh, huyện và cấp địa phương. Mặc dù Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thẩm quyền điều tra sự lạm quyền của công an, nhưng các cơ quan công an có sự tự do đáng kể trong hoạt động, ít minh bạch và với sự giám sát có giới hạn của công chúng. Cán bộ công an đôi khi làm bậy mà không bị trừng phạt. Ở cấp phường xã, lực lượng bảo vệ gồm cư dân hoặc thành viên của các đoàn thể xã hội trực thuộc chính quyền, thường hỗ trợ công an. Công an nói chung rất hiệu quả trong việc duy trì trật tự công cộng, nhưng các khả năng khác, đặc biệt là điều tra, thì rất hạn chế. Việc huấn luyện và nguồn lực của công an, đặc biệt ở cấp địa phương, vẫn chưa thoả đáng. Một số chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế tiếp tục trợ giúp ttrong việc huấn luyện công an cấp tỉnh và cán bộ quản lý trại giam để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho họ.

Một loạt các cơ quan chuyên môn của chính quyền giám sát việc di cư và kiểm soát biên giới. Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh của Bộ Công an có trách nhiệm giám sát việc di cư ra vào đất nước. Quân đội đảm nhiệm chức năng an toàn công cộng tại các khu vực biên giới. Bộ Tài chính phụ trách hải quan và các cơ quan khác giám sát kiểm dịch và các chức năng khác. Trách nhiệm, quyền hạn và cơ cấu chỉ huy của các cơ quan này rất khác nhau. Cán bộ kiểm soát biên giới thường thiếu năng lực nhận diện và ngăn chặn các hoạt động biên giới bất hợp pháp như buôn người; buôn ma túy và hóa chất làm ma tuý; và buôn bán động vật hoang dã, gỗ, và hàng giả.

Thủ tục bắt giữ và đối xử với người bị giam giữ

Luật pháp có các quy định liên quan đến thủ tục bắt giữ và đối xử với người bị tạm giam trước khi xét xử vụ án. Công an và các cơ quan điều tra khác thường thực thi các lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam. Theo luật, công an thông thường cần phải có quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân để bắt giữ một nghi can, mặc dù trong một số trường hợp hạn chế, họ cần phải có quyết định của tòa án. Trong hầu hết các trường hợp, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp toàn quốc, tỉnh và huyện ban hành lệnh bắt giữ như vậy. Trong những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như khi có bằng chứng một người đang chuẩn bị phạm tội hoặc khi công an bắt quả tang một người đang có hành vi phạm tội, công an có thể thực hiện việc bắt giữ mà không cần phải có lệnh bắt. Trong trường hợp này, Viện Kiểm sát Nhân dân phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn việc bắt giữ trong vòng 12 tiếng sau khi nhận thông báo từ công an.

Viện Kiểm sát Nhân dân phải ra quyết định mở cuộc điều tra hình sự chính thức người bị tạm giam trong vòng 3 ngày kể từ khi bị bắt giữ; nếu không, công an phải thả nghi can. Luật cho phép viện kiểm sát đề nghị 2 lần gia hạn với mỗi lần 3 ngày cho phép kéo dài thời gian tạm giữ tới tối đa là 9 ngày.

Luật cho phép người bị tam giam được quyền tìm kiếm tư vấn pháp lý ngay thời điểm bị giam giữ, nhưng nhà cầm quyền tiếp tục sử dụng các hình thức trì hoãn hành chánh không cho tiếp cận tư vấn pháp lý kịp thời. Trong các vụ án được điều tra theo luật an ninh quốc gia, nhà cầm quyền có quyền cấm luật sư biện hộ tiếp xúc thân chủ cho đến sau khi các quan chức hoàn thành điều tra và chính thức truy tố nghi phạm với một tội danh, thường sau khoảng 4 tháng.

Theo luật, nhà cầm quyền có thể kéo dài cuộc điều tra trong các vụ án về an ninh quốc gia và không chấp nhận cho tiếp xúc luật sư cho đến 20 tháng. Trong nhiều vụ như thế, nhà cầm quyền không cho phép luật sư tiếp xúc với các đương sự hoặc tham khảo các bằng chứng chống lại họ cho đến ngay trước lúc xử án, và luật sư không có đủ thời gian để chuẩn bị cho vụ xử. Theo luật, nhà cầm quyền phải yêu cầu luật sư đoàn địa phương, trung tâm trợ giúp pháp lý, hoặc MTTQ cử ra một luật sư cho các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên, người bệnh tâm thần hoặc tàn tật, và những người bị chính thức truy tố với tội có mức án tử hình. Luật tố tụng hình sự mới, được thông qua vào tháng 11, mở rộng nhóm đối tượng này bao gồm thêm những người chính thức bị truy tố với tội có thể có mức án tù lên tới 20 năm hoặc nhiều hơn. Luật mới không đòi hỏi người bào chữa phải là luật sư, mà họ có thể là một đại diện của bị cáo hoặc một thành viên của một tổ chức trợ giúp pháp lý.

Luật buộc các cơ quan chức năng phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị cáo buộc hoặc bị truy tố các quyền của họ theo luật pháp, kể cả quyền có luật sư đại diện .Trong hầu hết các trường hợp, một khi được thông báo các bị cáo có trách nhiệm tự tìm luật sư cho chính mính. Luật pháp bắt buộc luật sư biện hộ phải bắt đầu việc bảo vệ thân chủ của họ từ thời điểm cơ quan chức năng đưa ra quyết định tạm giữ.

Nhà chức trách thường gửi thông báo cho các cơ quan lãnh sự về việc bắt giữ các công dân nước ngoài, nhưng đôi khi trì hoãn các thông báo đó. Quan chức chính quyền thường cho phép tòa lãnh sự được tiếp cận công dân nước ngoài bị bắt hay bị tạm giam nhưng đôi khi áp đặt những điều kiện khó khăn đối với việc tiếp cận này, bao gồm việc đòi hỏi phải có sự có mặt của công an trong cuộc gặp giữa viên chức lãnh sự và công dân nước ngoài bị bắt giữ, và thỉnh thoảng, còn quay phim các cuộc gặp này.

Luật pháp cho phép luật sự bào chữa có mặt trong các cuộc hỏi cung thân chủ của họ. Luật cũng đòi hỏi cơ quan chức năng phải cho luật sư bào chữa có quyền tiếp xúc hồ sơ vụ án và cho phép họ sao chép tài liệu. Luật sư thường có thể thực hiện các quyền này. Tháng 11, Quốc hội đã thông qua bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi đòi hỏi công an phải quay phim hoặc ghi âm các cuộc hỏi cung người bị tạm giữ. Bộ luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm 2016 và việc tuân thủ các quy định này dự kiến sẽ được thí điểm lần đầu tiên trong một chương trình thử nghiệm vào năm 2017, và được thực hiện trên toàn quốc vào năm 2019. Những người đại diện cho các tù nhân chính trị nhạy cảm cho biết, có các khó khăn đáng kể trong việc thực thi trách nhiệm và quyền hạn của họ theo luật pháp. Nhiều tù nhân, đặc biệt là những người bị giam giữ về các cáo buộc an ninh quốc gia, cho biết, họ bị hạn chế trong việc tiếp cận các tài liệu và thông tin có thể giúp cho việc chuẩn bị bào chữa pháp lý, kể cả bộ luật hình sự.

Công an thường thông báo cho gia đình biết người bị tam giam đang ở đâu, nhưng gia đình chỉ có thể thăm viếng đương sự khi được điều tra viên cho phép. Trong thời gian điều tra, cơ quan chức năng thường không cho người bị tạm giam gặp gia đình, nhất là trong các vụ án an ninh quốc gia. Trước khi bị chính thức truy tố, người bị tam giam có quyền thông báo cho gia đình, mặc dù Bộ Công an biệt giam một số tù nhân bị nghi ngờ vi phạm an ninh quốc gia. Thời gian bị tạm giữ trước xét xử được tính vào thời gian ở tù khi bị kết tội và tuyên án.

Ví dụ, cơ quan chức năng tiếp tục từ chối yêu cầu của gia đình được thăm viếng nhà hoạt động về quyền sở hữu đất Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé Hai và Nguyễn Thị Trí, bị bắt hồi tháng 7 năm 2014.

Tháng 11, công an Nha Trang bắt giữ Nguyễn Hữu Quốc Duy sau khi anh thành lập một nhóm Facebook để thảo luận làm cách nào để tránh bị bắt khi tiến hành các hoạt động nhân quyền. Mẹ của Duy cho biết, công an không thông báo cho bà biết chỗ giam giữ Duy, cũng như không cho phép bà vào thăm.

Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng như một số tội nghiêm trọng khác, tòa án có thể áp đặt lệnh quản chế hoặc giam giữ hành chính trong thời gian từ 1 tới 5 năm sau khi hoàn tất án tù nguyên thủy. Điều kiện quản chế thường bao gồm việc bị quản thúc tại nơi cư trú và bị tước quyền bầu cử, ứng cử, hoặc không cho đảm nhận các công việc trong chính quyền hoặc quân đội.

Theo luật về xử phạt hành chính, nhà cầm quyền có quyền đưa người nghiện ma túy vào các “trung tâm cai nghiện bắt buộc” (trước đây gọi là trung tâm “06” hoặc “viện cai nghiện bắt buộc”). Luật đòi hỏi phải có đủ thủ tục pháp lý trước khi đưa bất kỳ người nào vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Luật cũng quy định cụ thể người bị giam giữ trong các trung tâm này không được làm việc quá 3 giờ mỗi ngày. Nhà cầm quyền đã đóng cửa trung tâm điều trị bắt buộc đối với người bán dâm (trước đây gọi là trung tâm “05”) vào năm 2013, nhưng nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đưa người lao động tình dục bị nghiện ma túy hoặc có HIV vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Vẫn tiếp tục có các báo cáo cho rằng việc cưỡng bức lao động vẫn còn xảy ra tại các trung tâm này.

Luật cho phép được tại ngoại như một biện pháp thay thế tạm giam, nhưng cơ quan chức năng hiếm khi sử dụng nó. Luật pháp cho phép các điều tra viên, các công tố viên, hoặc tòa án đề ra số tiền hoặc tài sản có giá trị thế chân. Một ủy ban liên ngành đã đưa ra các hướng dẫn thi hành đối với điều khoản này vào năm 2013.

Trong các ví dụ hiếm hoi về việc cho phép thế chân đối với những người bị bắt do thực thi quyền tự do ngôn luận, vào ngày 10 tháng 2, chính quyền đã thả nhà văn Nguyễn Quang Lập, chờ điều tra với những cáo buộc liên quan đến các bài viết đăng trên blog “Quê Choa” của ông. Vào ngày 12 tháng 2, nhà cầm quyền đã cho tại ngoại blogger Lê Hồng Thọ, người điều hành trang mạng “Người Lót Gạch”. Nhà cầm quyền đã bắt giữ cả hai blogger tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258 Bộ luật hình sự), và cho tới cuối năm này hai vụ án này vẫn chưa ngã ngũ. (Ghi chú của người edit: Nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt theo điều 88, không phải điều 258).

Bắt giữ tùy tiện: bắt giữ và tạm giam tùy tiện, đặc biệt đối với các nhà hoạt động chính trị, vẫn là một vấn đề nghiêm trọng (xem phần 2.a.).

Nhà chức trách bắt giữ và tạm giam các cá nhân dựa trên những cáo buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia, lật đổ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tuyên truyền chống nhà nước, phá hoại sự đoàn kết dân tộc, và những tội danh khác như những cách để đàn áp bất đồng chính kiến và vận động công chúng.

Vào ngày 3 tháng 8, công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Đinh Tất Thắng và cáo buộc ông tội “lợi dụng tự do dân chủ” vì ông viết những lá thư công khai chỉ trích lãnh đạo tỉnh và công an.

Vào ngày 1 tháng 10, công an tỉnh Thái Bình chính thức truy tố nhà hoạt động dân chủ và cựu tù nhân lương tâm Trần Anh Kim tội “tìm cách lật đổ chính quyền” (điều 79 Bộ luật Hình sự). Nhà cầm quyền đã bắt giữ ông Kim và hai cộng sự khác vào ngày 21 tháng 9, ngày mà ông dự tính ra mắt một tổ chức chính trị mới, “Lực lượng Quốc dân Dựng cờ Dân chủ”. Vụ bắt giữ ông Kim là vụ bắt giữ chính thức đầu tiên sử dụng điều khoản an ninh quốc gia mơ hồ của bộ luật hình sự tính từ năm 2013.

Theo các tường thuật đáng tin cậy, nhà cầm quyền cũng đặt nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị vào tình trạng bị tạm giữ tùy tiện tại gia, tại các trạm công an địa phương, hoặc tại sân bay, ở những mức độ khác nhau.

Ngày 30 tháng 8, công an tỉnh Hà Giang đã tạm giữ ông Ma Văn Pa, một tín đồ dân tộc Hmong thuộc giáo phái Dương Văn Mình, một ngày sau khi ông gặp một phái đoàn nước ngoài điều tra về tự do tôn giáo. Nhà cầm quyền đã thả ông Pa sau một ngày tạm giữ và điều tra, đuợc biết trong thời gian đó công an đã đánh vào đầu ông, doạ nhục hình ông thêm và tịch thu máy tính xách tay của ông.

Vào ngày 1 tháng 9, công an tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội đã tạm giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang A trong khoảng 15 tiếng sau khi ông từ nước ngoài trở về.

Vào ngày 13 tháng 12, công an đã tạm giữ nhà hoạt động dân chủ chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên một ngày tại một quán cà phê ở TPHCM sau khi cô tham gia một buổi lễ ký tên bán công khai một cuốn sách bị cấm về nội dung thay đổi cơ cấu chính quyền Việt Nam. Nhà cầm quyền cũng tạm giữ chủ quán cà phê.

Giam giữ trước khi xét xử: Luật tạm giữ mới bao gồm các điều khoản phân biệt giữa quyền của cá nhân bị tạm giam chờ xét xử và những người đang thụ án tù vì bị kết án phạm một tội danh. Những người bị tạm giam chờ xét xử vẫn còn một số quyền nào đó, chẳng hạn như quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử hay trưng cầu ý dân. Luật đưa ra 4 mức độ tội phạm: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian cho phép tạm giam trong một cuộc điều tra thay đổi tùy theo mức độ tội phạm. Các nhà hoạt động cho biết một số trong các cuộc điều tra này đã vượt quá khoảng thời gian quy định, từ 4 tháng tối đa đối với tội phạm ít nghiêm trọng cho đến 20 tháng đối với các trường hợp nghiêm trọng nhất.

Vào tháng 5 năm 2014, công an bắt giữ nhà hoạt động, blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (còn được biết là Anh Ba Sàm) và cáo buộc ông tội “lợi dụng tự do dân chủ” (Điều 258 Bộ luật hình sự). Công an cũng bắt giữ nhân viên của ông Vinh, cô Nguyễn Thị Minh Thúy. Nhà cầm quyền truy tố cả ông Vinh và bà Thúy theo Điều 258 vào tháng 11 năm 2014, và họ vẫn bị tạm giam chờ xét xử vào cuối năm nay, được biết là đã vượt quá độ dài tối đa hợp pháp của sự tạm giữ.

Ân xá: Chính quyền đã thả 4 tù nhân lương tâm theo điều khoản ân xá.

Vào ngày 21 tháng 1, nhà cầm quyền đã ân xá cho nhà báo Nguyễn Văn Khương, một năm trước khi hết hạn của án tù 4 năm. Nhà cầm quyền đã kết tội Khương âm mưu hối lộ một quan chức sau khi ông lén quay hình một đồng nghiệp đưa hối lộ cho một viên công an để phô bày nạn tham nhũng của công an.

Vào ngày 22 tháng 2, nhà cầm quyền ân xá cho nhà hoạt động dân chủ và quyền sở hữu ruộng đất Cao Văn Tỉnh, 6 tháng trước khi hết hạn án tù 4 năm rưỡi. Nhà cầm quyền kết án ông Tỉnh về tội liên quan đến an ninh quốc gia là “tìm cách lật đổ chính quyền” (điều 79 của bộ luật hình sự).

Ngày 17 tháng 4, Chủ tịch Trương Tấn Sang ân xá cho bà Mai Thị Dung, một tín đồ thuộc giáo hội Hòa Hảo độc lập, bà đã ở tù hơn 9 năm sau khi bị nhà cầm quyền bắt giữ vì tham gia vào một cuộc tuyệt thực công khai kêu gọi cho tự do tôn giáo.

Vào ngày 30 tháng 6, nhà cầm quyền ân xá cho Lê Thanh Tùng, thành viên đảng Nhân dân Hành động và Khối 8406, 6 tháng trước khi hết hạn án tù 4 năm. Họ kết tội ông Tùng với tội danh liên quan tới an ninh quốc gia là “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 Bộ luật Hình sự).

Ngày quốc khánh Việt Nam 2 tháng 9, nhà cầm quyền ân xá cho 18.539 tù nhân phi chính trị. Theo số liệu thống kê chính thức, bao gồm xá 837 tù nhân bị kết tội liên quan đến tham nhũng, 2.188 vì tội giết người, và 1.449 vì tội phạm ma tuý. Chính quyền cho biết, họ không thả tù nhân nào bị kết tội theo điều luật an ninh quốc gia.

f. Từ chối xét xử công khai và công bằng

Pháp luật quy định sự độc lập của các chánh án và các hội thẩm, nhưng cơ quan tư pháp không mạnh và dễ bị các yếu tố bên ngoài, như của các quan chức chính quyền cấp cao và lãnh đạo đảng cộng sản gây ảnh hưởng. Như trong những năm qua, nhiều báo cáo đáng tin cậy về ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng, và sự kém hiệu quả đã bóp méo hệ thống tư pháp rất nhiều. Hầu hết, nếu không phải toàn bộ, các chánh án đều là đảng viên ĐCSVN đã qua sự sàng lọc của các quan chức đảng và chính quyền địa phương trong quá trình tuyển chọn để xác định họ thích hợp với chức vụ này. Ảnh hưởng của đảng đặc biệt được thấy rõ trong các vụ án nổi cộm và trong các vụ án mà nhà cầm quyền buộc tội một người vì thách thức hoặc gây thiệt hại cho đảng hoặc nhà nước.

Luật về tổ chức của Tòa án, ban hành vào tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực vào tháng 6, bao gồm các điều khoản được soạn thảo cho phép xử án công bằng. Luật này chỉ rõ rằng chánh án và các hội thẩm sẽ ra phán xét một cách độc lập; nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, và cá nhân can thiệp vào việc xử án; và quy định rằng các phiên xét xử phải đúng giờ và công khai, rằng tòa án phải nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và trong tiến trình tranh tụng, và rằng chính quyền phải xem bị cáo là vô tội cho đến khi được chứng minh có tội. Luật này cũng chứa đựng các điều khoản đề cập tới sự phát triển của tiền lệ, xác định rằng một trong những trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao là tổng kết và công bố các quyết định của tòa án để chúng trở thành tiền lệ áp dụng trong xét xử.

Vẫn còn thiếu các luật sư và thẩm phán được đào tạo đầy đủ và có kinh nghiệm. Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ Quốc của ĐCSVN và có phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam.

Thủ tục xét xử

Hiến pháp năm 2013 vạch ra các quyền cơ bản của tất cả các cá nhân, bao hàm rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh có tội, và có quyền có luật sư biện hộ, và đuợc xét xử công khai nhanh chóng. Luật tố tụng hình sự mới đã luật hóa việc giả định vô tội của bị cáo và đặt trách nhiệm chứng minh tội phạm cho nhà nước. Tuy nhiên, luật sư bào chữa thường than phiền rằng trong nhiều vụ xử, có vẻ như chánh án đã có phán quyết bị cáo có tội trước khi tiến hành vụ xử. Hiến pháp và luật tố tụng hình sự cung cấp một tiến trình tranh tụng có tính đối chọi nhiều hơn trong xét xử, một chủ truơng mà nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ đưa tòa án tới một hệ thống tư pháp cân bằng hơn. Các luật sư nói rằng tòa án vẫn chưa thực hiện một hệ thống thật sự đối chọi. Các phiên xử án thường mở cửa cho công chúng, nhưng trong các vụ xử nhạy cảm, chánh án đóng cửa phiên tòa hoặc giới hạn nghiêm ngặt nguời tham dự. Hội thẩm không được sử dụng.

Viện kiểm sát nhân dân đưa ra cáo buộc đối với bị cáo và giữ quyền công tố trong phiên tòa. Bị cáo có quyền được biết nhanh chóng thông tin và chi tiết về các cáo buộc đối với họ, nhưng điều này không phải luôn luôn được thực hiện. Nhà cầm quyền nói chung tôn trọng quyền đuợc có mặt của bị cáo và có luật sư biện hộ tại phiên tòa, dù không nhất thiết là luật sư do họ chọn lựa. Luật tố tụng hình sự mới cho phép các luật sư biện hộ đăng ký đại diện cho thân chủ của họ dễ dàng hơn. Luật quy định rằng ngôn ngữ nói và viết trong tiến trình tố tụng hình sự là tiếng Việt, nhưng cũng cung cấp thông dịch nếu người tham gia tố tụng hình sự sử dụng một ngôn ngữ nói hoặc viết khác. Chính quyền cung cấp luật sư biện hộ cho bị cáo không có khả năng mướn luật sư chỉ trong các trường hợp liên quan đến vị thành niên hoặc người có khuyết tật về tâm thần hoặc thể chất, hoặc có khả năng bị tù chung thân hoặc tử hình.

Luật mới được thông qua vào tháng 11 cũng đòi hỏi chính quyền chỉ định luật sư biện hộ cho bị cáo bị chính thức buộc những tội có khả năng bị án tù lên tới 20 năm hoặc nhiều hơn. Luật sư biện hộ thường cho biết có rất ít thời gian trước phiên tòa để nói chuyện với thân chủ của họ hoặc kiểm tra các bằng chứng buộc tội. Mặc dù bị cáo hoặc luật sư biện hộ có quyền kiểm tra các bằng chứng và tra vấn các nhân chứng, có những báo cáo đáng tin cậy về những vụ án mà cả bị cáo lẫn luật sư đều không được tiếp xúc bằng chứng của chính quyền trước phiên tòa, không biết nhân chứng nào sẽ đuợc gọi tới, hoặc cơ hội để kiểm tra chéo các nhân chứng hay cật vấn những lời khai. Bị cáo có quyền tự bào chữa, nhưng luật pháp không nêu rõ ràng việc bị cáo có quyền gọi nhân chứng.

Bộ luật hình sự mới luật hoá quyền có giới hạn về được giữ im lặng trong vài trường hợp nhất định; trong khi bị cáo có quyền được giữ im lặng khi không có mặt luật sư, bị cáo có thể bị trừng phạt do từ chối việc lấy cung sau khi luật sư bào chữa có mặt. Luật mới đặc biệt chỉ ra rằng, trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự thuộc về phía nhà nước; do đó, bị cáo có quyền không bị ép phải nhận tội và chọn cách hoãn việc đối chất. Tuy nhiên, công an thường xuyên hỏi cung nghi can mà không có sự hiện diện của luật sư, và có sự gia tăng việc các điều tra viên sử dụng nhục hình, cô lập, kéo dài các buổi hỏi cung, và không cho ngủ để ép nguời bị tam giam phải nhận tội. Trong các vụ án an ninh quốc gia, chánh án thỉnh thoảng không cho các luật sư đang bào chữa cho thân chủ tại phiên tòa đuợc nói tiếp. Người bị kết tội có quyền kháng cáo. Tòa án huyện và tỉnh không công bố thủ tục tố tụng, nhưng Toà án Nhân dân Tối cao tiếp tục công bố các thủ tục tố tụng của tất cả các vụ án mà họ xử tái thẩm.

Ví dụ, nhà hoạt động Lê Thị Phương Anh cho biết, công an hành hạ cô trong giai đoạn điều tra trước khi xét xử để buộc cô phải nhận tội. Cùng với 2 nhà hoạt động khác, cô Anh bị kết án vào ngày 12 tháng 2 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258 Bộ luật hình sự) và bị phạt tù 12 tháng. Chính quyền đã thả Phương Anh ra khỏi tù vào ngày 15 tháng 5.

Vẫn tiếp tục có các báo cáo đáng tin cậy về việc chính quyền gây áp lực lên các luật sư biện hộ để không nhận bào chữa cho những nhà hoạt động tôn giáo hay dân chủ. Chính quyền cũng hạn chế, sách nhiễu, bắt giữ, tước quyền luật sư, và trong một số trường hợp, bắt giữ những luật sư nhân quyền đại diện cho các nhà hoạt động chính trị. Chính quyền đã cấm các luật sư Lê Trần Luật, Huỳnh Văn Đồng, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, và Nguyễn Thanh Lương không cho hành nghề luật.

Tù nhân và những người bị giam giữ liên quan đến chính trị

Chính quyền giam giữ tù chính trị ít hơn so với những năm trước, do nhiều nguời hết hạn tù và do có sự tiếp tục sụt giảm các vụ bắt giữ và kết án những người thuộc diện này. Có khoảng 95 tù chính trị vào cuối năm này [2015], so với khoảng 125 tù chính trị vào cuối năm 2014. Chính quyền khẳng định không có tù chính trị trong nước và không cho phép các tổ chức nhân quyền và nhân đạo thường xuyên tiếp xúc những người đó.

Nhà cầm quyền tiếp tục đàn áp những tiếng nói về chính trị, qua việc bắt giữ tùy tiện và giam giữ ngắn hạn mà không truy tố. Trong năm, nhà cầm quyền đã kết án 2 nhà hoạt động thực hành một cách ôn hòa quyền con người được quốc tế công nhận, vì “gây mất trật tự công cộng” (Điều 245) và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258). Đối chiếu với năm 2014, chính quyền kết án 29 nhà hoạt động.

Nhà cầm quyền cũng tiếp tục bắt giữ và bỏ tù những người sử dụng internet để quảng bá tư tưởng nhân quyền, chính sách của chính quyền, và đa nguyên chính trị (xem phần 2.a.). Nhiều nhà hoạt động có dính líu đến các tổ chức chính trị không đăng ký vẫn còn ở trong tù, gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Lý, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Trần Anh Kim. Công an quản thúc những người khác tại gia, bao gồm Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Nguyễn Phương Uyên.

Nhà cầm quyền thả một số nhà hoạt động chính trị và tôn giáo nổi tiếng. Ngoài việc thả sớm 3 tù nhân lương tâm theo luật ân xá (xem phần 1.d), vào ngày 19 tháng 9, nhà cầm quyền tạm dừng bản án của blogger và nhà hoạt động Tạ Phong Tần, đã ở tù 4 năm trong hạn tù 10 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 của bộ luật hình sự). Cô Tần đã rời khỏi đất nước và có khả năng sẽ phải vào tù tiếp cho tới hết hạn bản án nếu cô quay trở về.

Các thủ tục và phương thức sửa chữa tư pháp dân sự

Hiến pháp năm 2013 quy định rằng bất kỳ người nào bị bắt và bị giam giữ trái phép, bị buộc tội hình sự, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử, hoặc bị buộc thi hành án trái pháp luật, có quyền được bồi thường về thể chất và thiệt hại về tinh thần và phục hồi danh dự. Pháp luật quy định một cơ chế tiến hành kiện dân sự để lấy lại hoặc sửa chữa những sai phạm mà nhà cầm quyền phạm phải. Tòa án hành chính và dân sự xử các vụ kiện dân sự, theo các thủ tục tương tự như trong các án hình sự và được các thành viên của cùng nhóm chánh án và các hội thẩm xét xử. Cả 3 cấp tòa án – hình sự, hành chính và dân sự – đều vẫn dễ bị tham nhũng và chịu ảnh hưởng bên ngoài, thiếu tính độc lập, và thiếu kinh nghiệm.

Mặc dù luật quy định một quy trình để khắc phục thiệt hại dân sự trong các trường hợp quan chức vi phạm nhân quyền, nhưng có ít phương thức hiệu quả cho các thủ tục tố tụng dân sự hoặc hình sự để khắc phục những vi phạm nhân quyền, và chỉ có một ít chuyên gia pháp lý là có kinh nghiệm thích đáng.

Hồi năm 2013 chính quyền thả ông Nguyễn Thanh Chấn, bị kết án sai về tội giết người và đã ở tù 10 năm. Vào tháng 9 năm 2014, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mở cuộc điều tra viên chánh án chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử ông Chấn, và ông Chấn đã đệ đơn khiếu nại dân sự tại Tòa án Phúc thẩm Hà Nội, đang chờ phán quyết vào cuối năm này.

Nhà cầm quyền tiếp tục ngăn cấm những vụ kiện tập thể chống lại các bộ ngành chính phủ, do đó vô hiệu hoá các khiếu tố chung của dân oan.

Bồi thường tài sản

Các than phiền phổ biến nhất vẫn là vấn đề bồi thường không thích đáng hoặc trì hoãn, nạn tham nhũng của quan chức, và sự thiếu minh bạch nói chung của chính quyền trong quá trình thu hồi đất đai và di dời dân để nhường chỗ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Tháng 7 năm 2014, bộ luật đất đai sửa đổi có hiệu lực, thực hiện một số nỗ lực để giải quyết những thách thức đối với việc thu hồi đất đai và cung cấp tính minh bạch hơn trong thủ tục. Tuy nhiên, nhiều người than phiền rằng các điều khoản và nguyên tắc đáng lo ngại nhất vẫn còn đó. Luật sửa đổi vẫn giữ thẩm quyền đáng kể trong việc ra quyết định đối với việc định giá đất, phân bổ và cải tạo đất cho ủy ban nhân dân địa phương và hội đồng nhân dân mà nhiều người khẳng định góp phần tạo ra các kiểu cách làm ăn bất công và tham nhũng. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, bằng cách tiếp tục cho phép lấy đất để phát triển kinh tế xã hội, trái ngược với việc chỉ được phép lấy đất vì mục đích quốc phòng và phúc lợi công cộng, luật này không tạo ra cải cách đáng kể.

Đã có một số vụ đụng độ giữa nông dân và chính quyền tại các địa điểm thu hồi đất đai và các cuộc biểu tình liên quan. Tranh chấp về thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế xã hội vẫn còn là một vấn đề đáng kể, gây nên bất bình trong công chúng. Nhiều dân quê có đất bị chính phủ dùng sức mạnh thu giữ đã biểu tình tại các trụ sở đảng vì không giải quyết các khiếu nại của họ. Một số vụ cưỡng chế đất dẫn đến bạo lực và thương tích cho cả quan chức nhà nước lẫn người dân. Cũng có những báo cáo về việc “côn đồ” dọa nạt và đe dọa dân làng, hoặc xông vào nhà của các nhà hoạt động. Chính quyền bắt giữ và kết án ít nhất cả chục người biểu tình đòi đất về tội “chống người thi hành công vụ” hoặc “gây rối trật tự công cộng”.

Hồi đầu năm, chính quyền địa phương ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, được biết đã không cho 155 học sinh Công giáo nhập học tại trường học gần nhà của họ và ra lệnh họ phải học ở trường xa hơn. Giáo dân tố cáo các quan chức địa phương đã buộc họ phải rời khỏi nhà để chiếm lấy đất cho một dự án phát triển kinh tế.

Số lượng khiếu kiện về đất đai đã nộp gia tăng đáng kể trong thập niên qua, chiếm từ 70 tới 90% tất cả các kiến nghị và khiếu nại, theo số liệu của chính quyền.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho biết, công an tịch thu đồ đạc cá nhân của họ, gồm máy tính xách tay, điện thoại di động và tài liệu cá nhân, trong quá trình xét hỏi hay giam giữ tùy tiện.

g. Can thiệp tùy tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở hoặc thư tín

Luật pháp nghiêm cấm việc can thiệp độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở hoặc thư tín, nhưng chính quyền đã không hề bảo vệ các quyền này và nhà chức trách thỉnh thoảng vi phạm các quyền này.

Theo luật, lực lượng an ninh cần có lệnh của viện kiểm sát để khám nhà, tuy nhiên trong trường hợp của các nhà hoạt động thì công an thường chọn cách không làm theo đúng quy trình này để có lệnh khám nhà mà thay vào đó yêu cầu người dân cho phép vào nhà với đe dọa sẽ lãnh hậu quả nếu không hợp tác.

Chính quyền thường ngăn cản các nhà hoạt động chính trị và gia đình của các tù nhân chính trị không cho gặp các nhà ngoại giao nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Chiến thuật bao gồm thiết dựng các rào cản hoặc canh giữ bên ngoài nhà ở của các nhà hoạt động và triệu tập các cá nhân tới trụ sở công an địa phương.

Các nhà hoạt động Nguyễn Đan Quế, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Bắc Truyển cho biết, công an TPHCM bao vây nhà và ngăn không cho họ gặp một viên chức cao cấp nước ngoài đến thăm ngày 5 tháng 8. Lê Công Cầu, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất báo rằng chính quyền thành phố Huế cũng đã ngăn cản không cho ông ra khỏi nhà để đi gặp viên chức này.

Nhà cầm quyền mở và kiểm duyệt các thư tử của các đối tượng họ chú ý, tịch thu các bưu phẩm và thư từ, và theo dõi các cuộc trò chuyện qua điện thoại, điện thư, tin nhắn, blog, và truyền fax. Chính quyền cắt đường dây điện thoại và điện thoại di động và dịch vụ internet của một số nhà hoạt động chính trị và gia đình họ.

Công an duy trì hệ thống đăng ký hộ khẩu gia đình và tổ trưởng dân phố để theo dõi hoạt động phi pháp. Trong khi hệ thống này ít gây phiền hà hơn trong quá khứ, công an theo dõi chặt chẽ các cá nhân tham gia vào, hoặc bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động chính trị trái phép. Gia đình của các nhà hoạt động cho biết về những vụ tấn công thân thể, hăm dọa, và tra hỏi của công an.

Chính phủ tiếp tục khuyến khích các cặp vợ chồng không nên có nhiều hơn hai con. Trong khi pháp luật không cấm hoặc đề ra hình phạt cho những người có nhiều hơn hai con, một số đảng viên cho biết phải nhận hậu quả không chính thức, bao gồm việc hạn chế trong thăng tiến chức vụ (xem phần 6, Phụ nữ).

Gia nhập đảng CSVN vẫn là điều kiện tiên quyết để thăng tiến sự nghiệp trong tất cả các cơ quan và doanh nghiệp của chính quyền hay có liên kết với chính quyền. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa kinh tế tiếp tục làm cho việc có chân trong đảng CSVN và các tổ chức đoàn thể lớn do đảng kiểm soát trở nên ít cần thiết hơn trong việc thăng tiến về mặt xã hội và tài chính.

Mục 2. Tôn trọng các quyền tự do dân sự, gồm:

a. Tự do ngôn luận và báo chí

Mặc dù hiến pháp và pháp luật quy định nguời dân, kể cả nguời làm báo, có quyền tự do ngôn luận, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục sử dụng các quy định lỏng lẻo về an ninh quốc gia và chống lại sự phỉ báng để hạn chế các quyền tự do. Luật định nghĩa các tội như “phá hoại cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội”, “gieo chia rẽ giữa người có tôn giáo và người không theo đạo,” và “tuyên truyền chống nhà nước” là những vi phạm nghiêm trọng tới nền an ninh quốc gia. Luật cũng tuyệt đối cấm “lợi dụng các quyền tự do dân chủ và quyền xâm phạm lợi ích của các tổ chức nhà nước và xã hội”.

Tự do ngôn luận và tự do diễn đạt: Chính phủ tiếp tục hạn chế phát biểu chỉ trích cá nhân các lãnh đạo chính phủ, đề cao đa nguyên chính trị, dân chủ đa đảng; hoặc chất vấn các chính sách về những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như nhân quyền, tự do tôn giáo, hoặc các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Chính phủ cũng đã tìm cách ngăn chặn những lời chỉ trích bằng cách giám sát các cuộc họp và việc trao đổi thông tin của các nhà hoạt động, kể cả các tổ chức học thuật.

Ngày 25 tháng 3, trong bối cảnh ngày càng tăng các cuộc biểu tình ở Hà Nội chống lại kế hoạch chặt cây trên đường phố chính của chính quyền thành phố, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã đưa ra một thông báo chỉ đạo “tất cả các nhân viên và sinh viên của mình không nói chuyện hoặc cung cấp thông tin” liên quan đến việc đốn cây tại Hà Nội và nêu rằng công an yêu cầu các trường đại học buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm về “phát ngôn và cung cấp thông tin không đúng quy định”. Hai ngày sau đó nhà trường đã rút lại thông báo này sau khi bị báo chí và mạng xã hội phê phán.

Trong tháng 12 năm 2014, Công an TPHCM bắt giữ blogger Nguyễn Đình Ngọc (còn gọi là Nguyễn Ngọc Già) về tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” sau khi ông viết nhiều bài báo phê phán nhà nước cho Dân Làm Báo và Dân Luận. Nhà chức trách sau đó kết tội Ngọc “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 88 liên quan đến an ninh quốc gia). Được biết, công an đã gây áp lực đối với gia đình Ngọc, buộc họ im lặng trong vụ án của ông. Tiếp đó, nhà chức trách bắt giữ blogger Hồng Lê Thọ hồi tháng 11 năm 2014 và tạm giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập hồi tháng 12 năm 2014 tại TPHCM, cáo buộc đăng tải các bài báo phê phán nhà nước trên blog của họ. Ngày 10 tháng 2, nhà cầm quyền tạm thả ông Lập về nhà chờ điều tra tiếp vì lí do sức khỏe và ngày 20 tháng 10, đã đình chỉ điều tra vụ án. Ngày 11/2, công an thả ông Hồng Lê Thọ về nhà chờ điều tra tiếp, và ngày 21/10, đình chỉ điều tra vụ án của ông. Ông Nguyễn Đình Ngọc vẫn còn bị giam giữ.

Chính phủ chấp nhận cho tranh luận có giới hạn về các chủ đề chính trị hay xã hội nhạy cảm. Ví dụ, chính phủ cho phép các tổ chức NGO và các công ty tư nhân góp ý về luật dân sự nhằm tô đậm những tiến bộ trong cách đối xử với những nhóm dễ gặp trở ngại, chẳng hạn như quyền của người chuyển giới đuợc đổi tình trạng giới tính trong lý lịch. Chính phủ cũng chấp nhận các cuộc tranh luận hạn chế trên báo chí và trong các tổ chức xã hội dân sự về một số luật quan trọng đang được Quốc hội thảo luận (xem thêm phần 3, đảng phái chính trị và tham gia chính trị).

Trong ba dịp riêng biệt hồi tháng 6, linh mục Công giáo Nguyễn Duy Tân cho biết, Công an tỉnh Đồng Nai triệu tập ông đến đồn công an địa phương để hỏi ông về một bài đăng trên Facebook, trong đó ông tuyên bố ông hy vọng cho “hòa bình, dân chủ, nhân quyền, và quyền bỏ phiếu cho tất cả mọi người Việt”. Ông Duy cho biết công an đe dọa sẽ buộc ông tội “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 BLHS).

Quyền tự do Báo chí và truyền thông: ĐCSVN, chính phủ, và các tổ chức quần chúng do đảng kiểm soát thực hiện quyền hợp pháp đối với tất cả các phương tiện in ấn, báo, đài phát thanh, và truyền thông điện tử thông qua Bộ Truyền thông và Thông tin (Bộ 4T), dưới sự hướng dẫn chung của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Tư nhân không được sở hữu hay điều hành các cơ sở truyền thông, nhưng có nhiều bài báo cáo khắp nơi vềcác cơ sở tư nhân nhận hợp đồng phụ. Theo báo chí, Bộ 4T thúc đẩy một kế hoạch củng cố báo in và báo mạng trên cả nước, nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với báo chí.

Hiến pháp khẳng định rằng công dân có quyền tự do báo chí. Ngày 7 tháng 8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2015 / NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Theo Nghị định này, các cơ quan báo chí sẽ bị xử phạt nếu họ công bố “thông tin sai sự thật” trong các lĩnh vực thống kê; năng lượng nguyên tử; quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn; giáo dục; hàng không dân dụng; đào tạo nghề; khí tượng thủy văn; bản đồ và sức khỏe.

Luật hạn chế chỉ cho các quan chức cấp cao, người nước ngoài, các khách sạn sang trọng, và báo chí truy cập truyền hình vệ tinh, nhưng mọi người trên khắp cả nước vẫn có thể tiếp tục truy cập vào các chương trình nước ngoài thông qua thiết bị vệ tinh hoặc cáp tại nhà. Truyền hình cáp, gồm cả các kênh có nguồn gốc nước ngoài, đã phổ biến rộng rãi cho các thuê bao ở khu vực đô thị.

Nhà cầm quyền cho phép các hảng truyền thông nước ngoài (bao gồm, nhưng không giới hạn, BBC và CNN) hoạt động, mặc dù luật pháp đòi hỏi các chương trình phát sóng truyền hình này phải phát trễ đi từ 30 đến 60 phút để có thể duyệt xét nội dung. Người xem cho biết có sự cản trở đối với nhiều chương trình bình luận khác nhau, phim tài liệu và phim về chiến tranh Việt Nam, chiến tranh lạnh, thời kỳ Xô Viết, hoặc các sự kiện ở Trung Quốc, kểm cả các cuộc biểu tình “Chiếm Trung Tâm” tại Hồng Kông.

Các đài truyền hình lớn nước ngoài cho biết, chính phủ từ chối cấp visa cho những phóng viên trước đây có đưa tin về các chủ đề chính trị nhạy cảm, đặc biệt là các phóng viên của các báo tiếng Việt ở nước ngoài.

Bạo lực và quấy rối: Có sự gia tăng số lượng báo cáo về việc nhân viên an ninh tấn công, đe dọa, hoặc bắt giữ các nhà báo vì họ đưa tin về những chuyện nhạy cảm.

Nhà chức trách tiếp tục xử phạt báo Người Cao Tuổi trong năm này với cáo buộc đã cho đăng một loạt bài điều tra chỉ trích tham nhũng và hành vi sai trái của các quan chức nhà nước cấp cao. Trong tháng 2, Bộ 4T thu hồi giấy phép phiên bản trực tuyến của báo này và út thẻ hành nghề của TBT Kim Quốc Hoa (còn gọi là Nguyễn Quốc Hoa). Ngày 12 tháng 5, công an buộc ông Hoa tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258 BLHS). Tới cuối năm rồi, ông Hoa vẫn chưa bị công an bắt giữ.

Ngày 8 tháng 6, một số cá nhân cho biết các nhà báo Vĩnh Phú và Linh Hoàng của báo Giao Thông đã bị đánh và bị lấy trộm máy ảnh khi họ thu thập tin tức ở TPHCM.

Vào ngày 18 tháng 6, công an bị tố cáo đã bắt giữ và đánh đập phóng viên Tống Văn Đạt của báo Tuổi Trẻ Thủ Đô tại Hà Nội sau khi ông cố quay phim các công an điều khiển giao thông.

Ngày 25 tháng 6, ông Phạm Chí Dũng, nhà báo tự do và Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, cho biết sau khi đưa ra nhiều giấy triệu tập, Công an TPHCM đã giam giữ ông hơn tám tiếng và gây áp lực, buộc ông phải đóng cửa trang web của Hội. Công an còn triệu tập ông Dũng một lần nữa vào ngày 8 tháng 7.

Ngày 3 tháng 9, một số người lạ mặt tấn công và gây thương tích nhà báo Nguyễn Ngọc Quang thuộc đài truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Các nhà báo khác quy kết rằng cuộc tấn công nhắm vào các bài phóng sự điều tra của ông về các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Vào ngày 10 tháng 9, một số công an hành hung phóng viên Phạm Thanh Tàu, báo Hà Nội Mới, khi ông làm tin về một tai nạn giao thông ở TPHCM.

Ngày 15 tháng 9, nhà chức trách tỉnh Long An tạm giữ phóng viên Nguyễn Hoàng Nam, tịch thu điện thoại di động của ông và buộc ông phải xóa các nội dung trong máy ảnh, sau khi ông tham dự phiên tòa xử 12 người đấu tranh về quyền sử dụng đất. Ngày 23 tháng 9, 6 thành viên của Lương Tâm TV, một tổ chức truyền thông độc lập trên YouTube, không đăng ký với Bộ 4T, đã bị công an thuộc nhiều khu vực khác nhau ở Hà Nội bắt giữ mà không có lệnh bắt. Được biết, công an đã đánh một số thành viên và thả họ sau đó trong cùng ngày sau khi tịch thu máy quay video, máy tính xách tay và điện thoại di động. Những người bị bắt giữ gồm trưởng nhóm Nguyễn Vũ Bình và các nhân viên là Lê Thu Hà, Nguyễn Mạnh Cường, Phạm Đắc Đạt, Lê Thị Yến và Trần Đức Thịnh. Được biết, công an lục soát nhà của Nguyễn Vũ Bình và tịch thu thiết bị làm phim, đe dọa Bình là sẽ truy tố nếu ông vẫn tiếp tục quay phim.

Các nhà báo nước ngoài lưu ý rằng họ vẫn tiếp tục bị yêu cầu phải thông báo cho cơ quan chức năng về việc ra khỏi Hà Nội khi tới một khu vực được cho là nhạy cảm, chẳng hạn như vùng Tây Bắc hay Tây Nguyên, hoặc liên quan đến chuyện mà chính quyền cho là nhạy cảm. Nhiều nhà báo nước ngoài cho biết, họ bị quấy rối bởi các nhân viên an ninh, kể cả đe dọa không gia hạn thị thực của họ nếu họ tiếp tục công bố những câu chuyện về các chủ đề “nhạy cảm”.

Kiểm duyệt hoặc hạn chế nội dung: Bộ 4T và Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng thường xuyên can thiệp trực tiếp, áp đặt hoặc kiểm duyệt một câu chuyện. Tuy nhiên, chuyện tự kiểm duyệt thường phổ biến do mối đe dọa bị mất việc và nguy cơ có thể bị bắt giúp đảng và nhà cầm quyền kiểm soát nội dung các phương tiện truyền thông.

Hồi tháng 9, báo Thanh Niên có trụ sở ở TPHCM, đã cách chức Phó Tổng thư ký tòa soạn Đỗ Văn Hùng, Bộ 4T đã thu hồi thẻ nhà báo của ông sau khi ông đăng một bài viết châm biếm về Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Facebook của mình.

Luật pháp hạn chế gắt gao tự do báo chí. Nghị định 159/2013 / NĐ-CP quy định xử phạt 70 triệu đến 100 triệu đồng Việt Nam (khoảng 3.200 $ đến 4.570 $) đối với các nhà báo, các tờ báo và các phương tiện truyền thông trực tuyến đăng tải hoặc phát sóng những thông tin được cho là có hại đến lợi ích quốc gia. Nghị định này cho phép chính phủ phạt các nhà báo và các tờ báo. Nghị định xác lập các mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (khoảng 228-457 $) đối với các nhà báo không nêu nguồn trích dẫn và đối với các nhà báo và các tờ báo “sử dụng các tài liệu và tư liệu của các cơ quan, hoặc thư từ và các tài liệu của các cá nhân”.

Các quy định của chính phủ cho phép bộ thông tin thu hồi giấy phép của các nhà xuất bản nước ngoài và nhà xuất bản nước ngoài mỗi năm đều phải nộp đơn lại để kéo dài giấy phép. Tuy nhiên, những người bán dạo trên đường phố và các cửa hàng phục vụ khách du lịch vẫn công khai bán phiên bản tiếng nước ngoài của một số sách bị cấm. Các tạp chí xuất bản định kỳ bằng tiếng nước ngoài có nhiều ở các thành phố, nhưng thỉnh thoảng chính phủ kiểm duyệt các bài viết.

Luật chống Phỉ báng/Vu khống: Luật pháp đòi hỏi các nhà báo bồi thường thiệt hại cho các cá nhân hoặc tổ chức mà uy tín bị các bài báo của họ làm tổn hại, ngay cả thông tin từ các bài báo đó chính xác. Các quan sát viên độc lập ghi nhận rằng luật pháp hạn chế nghiêm trọng các bài báo điều tra. Mặc dù trong năm này có một số báo chí đưa tin về các chủ đề thường được coi là nhạy cảm, chẳng hạn như việc truy tố các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước về tội tham nhũng, cũng như việc chỉ trích các quan chức, các tổ chức chính thức, sự tự do phê phán ĐCSVN và lãnh đạo cấp cao vẫn bị hạn chế.

Tự do Internet

Chính quyền tiếp tục thực hiện các hình thức kiểm soát truy cập internet. Họ cho phép truy cập internet, nhưng chỉ truy cập qua một số lượng hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP), tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet đó đều là các công ty do nhà nước kiểm soát toàn bộ hoặc phần lớn. Mặc dù việc kiểm soát, truy cập và sử dụng internet tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Thế giới ước tính có khoảng 48% dân số được tiếp cận internet trong năm 2014.

Nhà chức trách tiếp tục đàn áp việc bày tỏ quan điển chính trị trên mạng, qua các vụ bắt giữ và kết tội với động cơ chính trị các blogger cũng như qua việc giam giữ ngắn hạn, giám sát, hăm dọa, và tịch thu bất hợp pháp máy tính và điện thoại di động của các nhà hoạt động và các thành viên gia đình họ. Chính phủ tiếp tục sử dụng điều 258 Bộ luật hình sự đối với các nhà hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị ôn hòa trên mạng. Các nhà bất đồng chính kiến và các blogger cho biết, Bộ Công an thường xuyên ra lệnh cắt dịch vụ internet tại nhà của họ.

Đôi khi chính quyền sử dụng tường lửa để ngăn chặn các trang web mà họ cho là không phù hợp về mặt chính trị hoặc văn hóa, gồm cả các trang web do các nhóm chính trị Việt Nam ở nước ngoài điều hành. Ngoài ra, Đài Á Châu Tự Do và trang web tiếng Việt của BBC cho biết, họ bị chặn ở Việt Nam. Các hãng cung cấp dịch vụ internet quốc doanh thường xuyên chặn các trang web tiếng Việt trong nước khi chúng có chứa nội dung chỉ trích Đảng hoặc cổ vũ cải cách chính trị. Một số người sử dụng dịch vụ trong nước cho biết họ phải sử dụng cách đi vòng, chẳng hạn như dùng các mạng riêng ảo (VPN), để truy cập các trang web bị chặn.

Nhà chức trách đã không chặn Facebook, và các giám đốc điều hành Facebook khẳng định có hơn 30 triệu người sử dụng trên cả nước; tuy nhiên, chính phủ theo dõi các bài viết trên Facebook và trừng phạt những nhà hoạt động nào sử dụng internet để tổ chức các cuộc biểu tình. Hồi tháng 7, được biết công an đã câu lưu hơn hai tuần một nhà hoạt động internet, ông Nguyễn Thanh Phước, với cáo buộc “phá hoại trật tự công cộng” sau khi anh kêu gọi họp mặt “Zombie offline” ở TPHCM trên trang Facebook của mình. Công an cũng đã giam giữ khoảng 20 thành viên khác của phong trào Zombie trong vài giờ. Vào ngày 28 tháng 8, công an bắt giữ thành viên của Phong trào Zombie Nguyễn Hữu Thiên Ân tại thành phố Nha Trang và sau đó buộc anh ta tội “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 BLHS liên quan đến an ninh quốc gia). Tính từ tháng 12, công an mở rộng điều tra thêm vài tháng và ép các thành viên trong gia đình giữ im lặng về vụ anh Thiện. Phong trào Zombie lấy cảm hứng từ một bản nhạc rap chống Cộng được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội vào đầu năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đòi hỏi tất cả các công ty internet, các trang mạng xã hội, và các trang web có cung cấp thông tin hay bình luận về “chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội” có trụ sở ở trong nước, phải đăng ký và phải có giấy phép hoạt động. Bộ cũng yêu cầu chủ các phương tiên đó phải nộp kế hoạch chi tiết về nội dung và phạm vi để phê chuẩn. Ho cũng sử dụng cách xử phạt hành chính như phạt tiền và đình chỉ giấy phép hoạt động để điều chỉnh hoạt động trên mạng, bao gồm các nghị định 159 và 174 theo Luật Xử lý Vi phạm Hành chính.

Nghị định 72/2013 / NĐ-CP đòi hỏi các công ty thiết lập các trang web và các mạng xã hội tổng hợp, bao gồm cả blog, phải đặt hệ thống máy chủ trong nước và lưu trữ thông tin đăng tải trong 90 ngày và các siêu dữ liệu (metadata) được lưu trữ tối đa là hai năm. Hồi tháng 9 năm 2014 chính phủ đã ban hành một thông tư mới vạch ra thêm các hướng dẫn và cách thực hiện Nghị định 72. Những người sử dụng blog và mạng xã hội được yêu cầu phải cung cấp tên họ đầy đủ, số chứng minh nhân dân và địa chỉ trước khi tạo một tài khoản. Theo nghị định này, những người điều hành các trang web và mạng xã hội tổng hợp trong nước phải cho các cơ quan chức năng kiểm tra các máy chủ khi có yêu cầu và phải có một cơ chế để loại bỏ các nội dung bị cấm trong vòng ba giờ khi phát hiện hoặc khi nhận được thông báo của nhà chức trách. Việc thực thi các đòi hỏi này có vẻ còn hạn chế.

Chính quyền cấm truy cập trực tiếp internet thông qua các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) ở nước ngoài, yêu cầu các ISP trong nước lưu trữ thông tin truyền qua mạng internet tối thiểu 15 ngày, và yêu cầu các ISP cung cấp trợ giúp kỹ thuật và chỗ làm việc cho công an để họ có thể theo dõi các hoạt động internet. Từ lâu, Bộ Công an đã yêu cầu “các đại lý internet”, gồm những tiệm cà phê có dịch vụ internet, phải đăng ký thông tin cá nhân khách hàng của họ, phải lưu các ghi chép về các trang mạng mà khách hàng của họ truy cập, và phải hợp tác với công an trong vệc điều tra về các hoạt động trên mạng. Các quán cà phê internet tiếp tục cài đặt và sử dụng phần mềm được chính phủ phê duyệt để giám sát các hoạt động trên mạng của khách hàng. Bộ Công an thực thi những điều này và các yêu cầu khác, theo dõi một cách có chọn lọc.

Tự do học thuật và các sự kiện văn hóa

Các chuyên gia học thuật nước ngoài làm việc tạm thời tại các trường đại học trên cả nước có thể thảo luận thoải mái các chủ đề phi chính trị trong lớp học, nhưng các nhà quan sát của chính quyền thường xuyên dự các lớp học do người nước ngoài và người trong nước giảng dạy. Các ấn phẩm học thuật thường phản ánh quan điểm của Đảng và Nhà nước. Nhà cầm quyền tiếp tục yêu cầu các tổ chức trong nước và quốc tế phải được sự chấp thuận ít nhất 20 ngày trước khi tổ chức các buổi hội thảo có dính dáng đến tài trợ hoặc có sự tham gia của quốc tế.

Chính quyền tiếp tục cấm việc phê phán chính sách của Đảng và nhà nước, kể cả từ các tổ chức khoa học và kỹ thuật độc lập, ngay cả khi sự phê phàn chỉ cho các đối tượng thuần về học thuật.

Mặc dù chính quyền kiểm soát triển lãm nghệ thuật, âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác, họ vẫn tiếp tục cho các nghệ sĩ tự do lựa chọn chủ đề cho tác phẩm của mình. Nhà chức trách tiếp tục hạn chế triển lãm ảnh nghệ thuật và trình diễn âm nhạc trước công chúng bằng cách đòi hỏi phải qua các thủ tục phép tắc khó khăn. Chính quyền cho phép các trường đại học được tự chủ hơn trong các chương trình trao đổi và hợp tácquốc tế, nhưng đòi hỏi về thị thực cho các học giả và sinh viên đến thăm vẫn còn rắc rối.

Nhiều nhà hoạt động cho biết, các quan chức Bộ Công an đe dọa lãnh đạo của các trường đại học, nếu họ không trục xuất các nhà hoạt động khỏi trường, dù các hoạt động chính trị của họ ôn hòa.

Ngày 1 tháng 9, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đuổi học Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động sinh viên người TPHCM. Các là một blogger chính trị, tham dự Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) hồi tháng 6/2014 ở Geneva và cho biết đã bị chính quyền địa phương thẩm vấn khi về nước.

b. Quyền tự do lập hội và hội họp ôn hòa

Tự do hội họp

Mặc dù hiến pháp cho phép các cá nhân quyền tự do hội họp, chính quyền địa phương thường xuyên ngăn cản hội họp, và chính phủ tiếp tục hạn chế và giám sát tất cả các hình thức biểu tình hay tụ họp công khai. Luật và các quy định đòi hỏi những người có nhu cầu tụ họp trong một nhóm phải xin phép, chính quyền địa phương có quyền cấp hoặc không câp giấy phép mà không cần giải thích. Chỉ có những ai muốn tổ chức tụ họp công khai để thảo luận các vấn đề nhạy cảm thì có vẻ mới cần có giấy phép, còn những người thường tụ tập trong các nhóm không chính thức thì không bị nhà cầchính quyền can thiệp. Nói chung, chính phủ không cho phép các cuộc biểu tình được cho là có mục đích chính trị. Chính phủ cũng hạn chế quyền tụ tập lại để thờ cúng của nhiều nhóm tôn giáo không đăng ký.

Bộ Công an và công an địa phương thường xuyên ngăn chặn các nhà hoạt động hội họp ôn hòa. Ví dụ, vào ngày 26 tháng 1, blogger Huỳnh Công Thuận và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyền cho biết, Công an TPHCM ngăn không cho họ tham dự một cuộc họp xã hội dân sự để thảo luận về việc sử dụng hình phạt tử hình ở trong nước. Cả hai người cho biết công an địa phương bao vây nhà họ và ngăn không cho họ đi.

Trong tháng 3 và tháng 4, sinh viên và các nhà hoạt động môi trường độc lập đã tổ chức hàng loạt các cuộc tuần hành ở Hà Nội để phản đối kế hoạch chặt cây của các quan chức thành phố. Ngày 13 tháng 4, chính quyền đã bắt giữ Nguyễn Viết Dũng về tội “gây rối trật tự công cộng” khi anh mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam, Việt Nam) và tham gia vào cuộc biểu tình chống chặt cây ngày 12 tháng 4. Ngày 14 tháng 12, một tòa án quận ở Hà Nội đã kết án Dũng 15 tháng tù giam. Luật sư của Dũng cho biết phạm tội “chỉ vì anh mặc bộ đồng phục”.

Ngày 26 tháng 4, hơn 100 công an mặc đồng phục và thường phục giải tán một cuộc tuần hành quanh Hồ Hoàn Kiếm để phản đối kế hoạch chặt cây ở Hà Nội của các quan chức thành phố. Chính quyền Hà Nội đã dùng sức mạnh bắt giữ khoảng 20 người. thẩm vấn và đe dọa họ tại một đồn công an địa phương trong nhiều giờ. Một số khác, đa số là sinh viên, cho biết chính quyền đã bắt giữ họ khi họ đang trên đường đi dự tuần hành. Những người khác cho biết là một số trường đại học ở Hà Nội cấm sinh viên tham dự các sự kiện tương tự.

Vào ngày 17 tháng 5, các quan chức Hà Nội đã cố ngăn chặn một cuộc họp dã ngoại bên ngoài thành phố để ủng hộ chiến dịch “Vì một Hà Nội xanh” và đến thăm nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, là người đã bị tấn công bởi những kẻ lạ mặt vài ngày trước đó. Những người tìm cách tham gia chuyến dã ngoại cho biết, họ gặp khó khăn để đi đến đó do sự can thiệp của nhà chức trách, nên tài xế đã phải thả họ xuống nửa chừng, và nhóm đã phải chia thành từng toán nhỏ, và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để đi tới điểm hẹn.

Vào ngày 25 tháng 7, các nhà hoạt động và dân oan cả nước cùng tham gia “Ngày Tổng Tuyệt thực Toàn cầu”, thúc đẩy việc thả tất cả các tù nhân chính trị trong nước. Nhà chức trách ngăn cản nhiều nhà hoạt động, gồm Phạm Bá Hải, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Hoàng Vi, và Nguyễn Phương Uyên, không cho rời khỏi nhà của họ trong thời gian này. Những người khác, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Hoàng Anh, Nguyễn Phi Tâm và Phạm Văn Hải, cho biết, họ bị chính quyền theo dõi, ngăn chặn, hành hung và bắt giữ khi họ đang trên đường tới những chỗ tụ tập công cộng. Chẳng hạn, nhà chức trách bất ngờ đóng cửa Công viên Bách Thảo ở Hà Nội để phun thuốc trừ sâu khi một nhóm các nhà hoạt động dự định gặp nhau ở đó.

Vào tháng 8 và tháng 9, các học viên Pháp Luân Công tại TPHCM cho biết, công an và những người được thuê mướn hành hung họ khi họ cố gắng tụ họp ở một công viên của thành phố. Các học viên Pháp Luân Công cho biết, công an không đưa ra lý do nào về việc giải tán nhóm của họ, mà chỉ nói rằng họ đã phải làm theo lệnh.

Hồi tháng 7 năm 2014, công an buộc ba nhà hoạt động đất đai của Phong trào Liên đới Dân oan, bà Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé Hai, Nguyễn Thị Trí, tội “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88 Bộ luật Hình sự) sau khi họ thực hiện một cuộc biểu tình tại TPHCM, đòi nhà cầm quyền trả lại đất đai mà họ đã tịch thu của nông dân và chỉ trích nạn tham nhũng trong chính phủ, và các khẩu hiệu của Đảng CSVN. Trung Quốc. Đến cuối năm rồi vụ án vẫn chưa được đem ra xử.

Chính quyền vẫn cho phép người nhiều nhóm tụ họp về các vấn đề không nhạy cảm. Hồi tháng 8 hơn 1000 người đã tham gia buổi đi bộ Tự hào vì Tự hào Việt Nam (Pride Walk for Viet Pride) tại TP.HCM.

Quyền Tự Do Lập Hội

Hiến pháp cho cá nhân có quyền lập hội, tuy nhiên chính quyền tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do lập hội và không cho phép cũng không chấp nhận các đảng chính trị đối lập. Chính quyền cũng cấm việc thành lập các tổ chức độc lập của tư nhân, bắt buộc người dân phải hoạt động trong các tổ chức quần chúng, thường đặt dưới sự bảo trợ của Mặt Trận Tổ Quốc do Đảng kiểm soát. Một số tổ chức, trong đó có các nhóm tôn giáo không đăng ký, hoạt động bên ngoài khuôn khổ này mà vẫn không bị chính quyền can thiệp hay chỉ can thiệp rất ít. Trong năm qua nhà chức trách cũng cho thấy có nới lỏng hơn đối với một số NGO độc lập. Một số tổ chức có đăng ký cho biết các hoạt động của họ đã bị theo dõi nhiều hơn vào thời điểm trước khi có cuộc chuyển giao quyền lực trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 1 năm 2016.

Khuôn khổ luật lệ của VN luật hoá địa vị tối cao của Đảng CS và thiết lập nhiều cơ chế để hạn chế các NGO trong hoạt động và tổ chức, bao gồm cả việc hạn chế quyền tự do lập hội, hội họp, bày tỏ, và báo chí. Chính quyền dùng một hệ thống đăng ký phức tạp chính trị hoá cho các NGO và các tổ chức tôn giáo để bóp nghẹt việc họ tham gia vào các sinh hoạt chính trị hay tôn giáo mà nhà nước không mong muốn. Các NGO quốc tế và địa phương thường xuyên phải đối mặt nhiều vấn đề khi đăng ký, với những thách thức quy định cụ thể trong Nghị định 93 về việc đăng ký của các NGO nước ngoài, và Nghị định 38 về việc các tổ chức NGO trong nước nhận trợ giúp phát triển từ nước ngoài. Dù có những hạn chế này, số lượng NGO độc lập vẫn tiếp tục tăng lên trong năm qua.

Luật và các quy định về các NGO cũng giới hạn khả năng các NGO can dự vào việc vận động chính sách của nhà nước, hoặc tiến hành nghiên cứu các đề tài ngoài phạm vi nhà nước chấp thuận. Ví dụ, Quyết định 97, có hiệu lực vào năm 2009, cấm các tổ chức chuyên về khoa học và công nghệ xã hội không đượchoạt động trong các lĩnh vực khác như chính sách kinh tế, chính sách công, chính trị, và một loạt các lĩnh vực khác được coi là nhạy cảm. Nhà chức trách cũng không cho phép các NGO công khai thể hiện lập trường của mình đối với các chính sách.

Vào đầu tháng 5 trong một cuộc bầu cử nội bộ tại TP.HCM để chọn đại diện tham dự Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam, được biết có chín tác giả đã bị loại khỏi danh sách ứng cử viên vì họ đã từng vận động thành lập một hiệp hội nhà văn độc lập.

c. Tự do Tôn giáo

Xem Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao tại www.state.gov/religiousfreedomreport/.

d. Quyền Tự Do Đi Lại, Người ly hương, Bảo vệ Người Tị Nạn, và Người Vô Quốc Tịch

Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do đi lại trong nước, đi ra nước ngoài, di cư, và hồi hương, nhưng chính quyền đã áp đặt một số giới hạn đối với việc đi lại của một số cá nhân, đặc biệt là những người bị kết tội về an ninh quốc gia hay những tội có liên quan hoặc những người lớn tiếng chỉ trích chính quyền. Chính phủ VN nói chung đã phối hợp với Văn phòng Cao Ủy LHQ về Người Tị Nạn (UNHCR) và các tổ chức nhân đạo khác trong việc bảo vệ và giúp đỡ cho người bị di dời, người tị nạn, người tị nạn hồi hương, người xin tị nạn chính trị, người không quốc tịch, và những thành phần đáng quan tâm khác.

Chính phủ cho phép UNHCR vào VN để tìm hiểu thực tế và giám sát, nhưng chính quyền địa phương lại theo dõi chặt chẽ mọi mặt của những chuyến đi này. Một số thành viên của các nhóm người thiểu số từ Tây Nguyên chạy trốn sang Campuchia, được biết có một số cho rằng là do bị đàn áp tôn giáo, đã khẳng định rằng khi họ quay về VN đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ và tra hỏi, có khi đến nhiều ngày. Nhiều thành viên trong gia đình họ cũng cho biết công an đã theo dõi chặt chẽ những người trốn sang Campuchia lẫn người thân của họ.

Đi lại trong nước: Một số nhân vật bất đồng chính kiến, được tạm tha có điều kiện hoặc bị quản thúc tại nhà, bị hạn chế chính thức việc đi lại. Những người này gồm có Công Định, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Tiến Trung và Đinh Nhật Uy. Bộ Công An tiếp tục theo dõi và hạn chế việc đi lại của các nhà hoạt động nổi bật như Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, và nhiều người khác nữa. Nhiều nhà hoạt động cho biết họ phải sử dụng nhiều mánh lới để tránh sự theo dõi của công an. Một số nhà hoạt động khác cho rằng việc tự do đi lại trong nước có tăng thêm so với các năm trước.

Một số nhà hoạt động cho biết nhà chức trách đã ngăn không cho họ và các thành viên gia đình rời khỏi nhà mỗi khi có sự kiện nhạy cảm về chính trị. Ví dụ, hồi tháng 9, trong thời gian Đại hội Đảng Cộng sản địa phương tỉnh Hà Nam, và trong lúc các quan chức chính phủ tới tỉnh, được biết cảnh sát mặc thường phục đã bao vây nhà của nhà hoạt động Trần Thị Nga và một người hàng xóm, không cho họ ra khỏi nhà.

Chính phủ cũng đưa ra một hạn chế khác liên quan tới việc đi tới một vài khu vực đòi hỏi công dân và người nước ngoài cư trú tại VN phải có giấy phép mới được tới các khu vực gần biên giới, các cơ sở quốc phòng, các khu công nghiệp liên quan đến quốc phòng, các khu vực “lưu trữ chiến lược quốc gia” hoặc các “công trình cực kỳ quan trọng cho mục đích chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội.”

Công an địa phương buộc công dân phải đăng ký khi ở qua đêm ở những chỗ ngoài nhà riêng của họ; chính quyền có vẻ thực thi các đòi hỏi này nghiêm ngặt hơn ở một số huyện thuộc Tây Nguyên và vùng cao phía Bắc. Người mang hộ chiếu nước ngoài cũng phải đăng ký khi ở tại nhà riêng của tư nhân, nhưng chưa thấy trường hợp du khách nước ngoài không được cho phép ở nhà bạn bè hay gia đình.

Nhà chức trách cũng đã không áp dụng nghiêm chỉnh luật cư trú nên việc di dân từ nông thôn ra thành thị vẫn không suy giảm. Tuy nhiên, khi dân chúng đổi chỗ mà không được phép họ sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc xin giấy hộ khẩu thường trú, đi học trường công, bảo hiểm sức khoẻ v.v.

Đi ra nước ngoài: Những người dự định đi định cư ở nước ngoài đôi khi gặp khó khăn làm hộ chiếu; nhà chức trách thường thu giữ hộ chiếu của họ, đội khi vô hạn định.

Việc cấm đi nước ngoài gia tăng. Năm qua nhà chức trách đã cấm hàng mấy chục cá nhân đi ra nước ngoài hay nhập cảnh vào VN, giữ hộ chiếu của họ vì những tội mơ hồ, hoặc từ chối cấp hộ chiếu cho một số các nhà hoạt động mà không giải thích rõ ràng. Những cá nhân này gồm Nguyễn Hồ Nhật Thành (còn gọi là Paulo Thành Nguyễn), Phạm Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Bùi Tuấn Lâm, Đinh Xuân Thi, Lê Phúc Hiệp, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Tường Thụy, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Văn Tráng, Phạm Đắc Đạt, Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Văn Viên, Lê Ngọc Thanh, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Nhung, Lê Bá Huy Hảo, Mai Xuân Dũng, Võ Văn Tạo, Khổng Hy Thiêm, Trần Lê Uyên Thảo, Nguyễn Thị Phi, và Phạm Hà Nam. Chính quyền cũng tiếp tục ngăn không cho các nhà hoạt Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Bá Hải, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Kim Thu, Nguyễn Hồng Quang và một số những người khác, nhận hộ chiếu và đi nước ngoài dù họ đã hết thời hạn quản chế.

Xuất cảnh và Hồi Hương: nói chung chính phủ cho phép công dân định cư ở nước ngoài được trở về thăm viếng, nhưng có một số nhà hoạt động chính trị sống ở nước ngoài bị công an từ chối visa và đôi khi trục xuất.

Bảo Vệ Người Tị Nạn

Cơ Hội Tị Nạn: Luật pháp không có quy định nào về việc cấp quy chế tị nạn và chính phủ cũng không lập ra cơ chế nào để làm việc bảo vệ người tị nạn.

Trả về nước cũ: Theo các NGO về nhân quyền quốc tế, chính quyền đã áp lực Campuchia phải trả về VN một nhóm người thiểu số Tây Nguyên đã trốn sang Campuchia xin được tị nạn và bảo vệ tránh sự kềm kẹp về tự do tín ngưỡng.

Ngày 20 tháng 11, người phát ngôn của Cao ủy LHQ về quyền con người bày tỏ quan ngại về các báo cáo rằng nhà cầm quyền đã bắt giam chín công dân Bắc Triều Tiên hồi tháng 10 và sau đó chuyển họ cho Trung Quốc, ở đó họ có nguy cơ bị trả về Bắc Triều Tiên. Người phát ngôn lưu ý rằng, nếu bị đưa về nước thì những người này có nguy cơ sẽ bị xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Người Không Quốc Tịch

Nhà chức trách cho biết cho tới năm 2013 họ đã cho vào quốc tịch gần như toàn bộ 10.000 người không quốc tịch từng sống ở Campuchia. Các quan chức UNHCR ước tính đến cuối năm ngoái có gần 200 người đang chờ sự phê duyệt cuối cùng của chính phủ.

Mục 3. Quyền Tham Gia Vào Tiến trình Chính Trị

Hiến pháp cho phép người dân bầu trực tiếp người đại diện mình vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Dù hiến pháp quy định mọi công dân từ 18 tuổi có quyền đi bầu, và từ 21 tuổi trở lên có quyền ra tranh cử Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân, nhưng khả năng công dân thay đổi chánh quyền theo cách dân chủ hết sức giới hạn. Tất cả các ứng cử viên đều qua sự sàng lọc của đảng CS.

Trong kỳ họp vào mùa Xuân, Quốc hội đã thông qua một luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6. Luật mới đòi hỏi bảo đảm chỉ tiêu cho số ứng cử viên vào Quốc hội phải có 18% người dân tộc thiểu số, 35% phụ nữ; vào Hội đồng nhân dân phải có 35% phụ nữ. Luật cho phép các cá nhân đang bị giam giữ hoặc tạm giam, cũng như những người đang bị cải tạo hoặc đang điều trị ma túy bắt buộc được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử.

Bầu Cử và Tham Gia Chính Trị

Các cuộc bầu cử mới nhất: Cuộc bầu cử gần đây nhất để chọn đại biểu Quốc hội vào năm 2011, có cho phép cạnh tranh chút ít giữa các ứng cử viên do Đảng lọc lựa, dù tính trung thực của quy trình bầu cử không được rõ ràng. Mặt trận Tổ quốc do đảng điều khiển đã lọc lựa các ứng cử viên. Ứng cử viên đảng đã giành được 458 trên 500 ghế, 42 ghế còn lại thuộc các ứng cử viên ngoài Đảng.

Theo chính quyền thì trong các cuộc bầu cử năm 2011 có “hơn 99.5%” cử tri đã bỏ phiếu – một con số mà các quan sát viên quốc tế đều cho là cao một cách không thể có. Cử tri có thể bỏ phiếu nhờ người khác bỏ phiếu, và các quan chức địa phương đảm bảo mọi người đủ điều kiện đi bầu đều phải bỏ phiếu bằng cách tổ chức đi bầu theo nhóm và kiểm lại xem tất cả mọi người trong khu vực phụ trách đều đã đi bầu.

Theo chính quyền thì trong các cuộc bầu cử năm 2011 có “hơn 99.5%” cử tri đã bỏ phiếu – một con số mà các quan sát viên quốc tế đều cho là cao một cách khó thể có. Cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu dùm, và các quan chức địa phương cố bảo đảm sao cho mọi người đủ điều kiện đi bầu trong khu vực mình phụ trách đều đi bỏ phiếu bằng cách tổ chức đi bầu theo nhóm và rà soát lại danh sách bầu cử để xem tất cả mọi người đều đã đi bầu chưa.

Quốc hội, mặc dù phần lớn là đảng viên, đang thực hiện từng bước nhỏ để tự khẳng định mình là một cơ quan lập pháp. Trong năm qua Quốc hội đã thông qua cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các nhà lãnh đạo hành pháp cấp cao, và ngay sau đó họ đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Đảng Chính Trị và Tham Gia Chính Trị: Chương I, Điều 4 của hiến pháp mới sửa đổi vạch ra vai trò chính trị của Đảng CS. Mặc dù điều này không nêu chi tiết về quyền lực cụ thể hiến định, nhưng khoản 1 khẳng định vai trò của đảng là “đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam” và là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, một vai trò rất rộng không được giao cho thực thể hiến định nào khác. Khoản 2 quy thêm trách nhiệm của đảng đối với công chúng. Khoản 3 nêu rằng “các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Bộ Chính trị của Đảng CS có chức năng như là cơ quan ra quyết định tối thượng, mặc dù trên nguyên tắc họ phải báo cáo với Ủy ban Trung ương Đảng. Mọi phong trào chính trị đối lập và các chính đảng khác đều bất hợp pháp.

Ngày 21 tháng 9, công an tỉnh Thái Bình đã bắt giữ và sau đó buộc tội cựu tù nhân lương tâm đồng thời là nhà hoạt động dân chủ Trần Anh Kim ngay trước khi ông lên kế hoạch khai trương một tổ chức chính trị mới, “Lực lượng Quốc Dân Dựng Cờ Dân chủ” (xem mục 1.d).

Chính phủ tiếp tục ngăn cấm các cuộc tranh luận công cộng hay những lời chỉ trích về nhà nước độc đảng. Tuy vậy một số nhóm và cá nhân vẫn công khai kêu gọi dân chủ đa đảng. Các nhà phê bình đã thảo luận những điểm ưu và khuyết của các luật và quy định về quyền con người, bao gồm cả việc sửa đổi bộ luật hình sự, luật tố tụng, và các dự luật mới về lập hội, tiếp cận thông tin, biểu tình, tôn giáo và tín ngưỡng. Họ cũng bàn về các vấn đề chính trị nhạy cảm khác, bao gồm cả quyền bình đẳng cho người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới, và những người đa giới tính; quyền sử dụng đất; và các vấn đề môi trường.

Sự tham gia của phụ nữ và người thiểu số: Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân mới đòi hỏi phải có 35% ứng viên cuối cùng cho hai cơ quan này là phụ nữ và 18% ứng viên quốc hội thuộc các nhóm dân thiểu số. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn trong các cơ quan chính trị này vẫn tiếp tục ở dưới mức chỉ tiêu. Có 122 phụ nữ (khoảng 24 %) trong Quốc hội; Hai bộ trưởng nữ trong nội các gồm có 28 thành viên; hai người phụ nữ trong Bộ Chính trị có 16 uỷ viên, một trong số đó là người dân tộc Thái; và một người phụ nữ trong Tòa án nhân dân tối cao. Người dân tộc thiểu số chiếm 78 ghế (khoảng 16%) trong Quốc hội; có một bộ trưởng nam là người thiểu số; không có người thiểu số nào trong Tòa án nhân dân tối cao.

Mục 4. Tham Nhũng và thiếu Minh Bạch trong Chính phủ

Pháp luật quy định các hình phạt hình sự đối với tham nhũng; tuy nhiên, chính phủ đã không thi hành pháp luật một cách hiệu quả; và đôi khi nhiều quan chức có can dự vào các hành vi tham nhũng mà không bị trừng phạt.

Tham nhũng: Tham nhũng tiếp tục là một vấn đề lớn mặc dù chính quyền cố gắng tập trung vào vấn đề này trước Đại hội Đảng Cộng sản vào năm 2016. Vào tháng 9, Đảng đưa ra văn bản đánh giá những thách thức và thành tựu chính trị và kinh tế, trong đó có nói, “Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng … là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe doạ sự tồn vong của chế độ.”

Tham nhũng tiếp tục là một vấn đề trong phân bổ đất đai, đấu thầu xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, và trợ giúp phát triển chính thức. Hồi tháng 4 một cơ quan viện trợ nước ngoài nói rằng tham nhũng đã lên đến mức độ mà họ sẽ phải ngưng việc trợ giúp các dự án ở nước này.

Cải cách trong ngành ngân hàng vẫn tiếp diễn trong năm này. dẫn đến vụ bắt giam thu hút nhiều chú ý ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu giám đốc Tập Đoàn Dầu Khí vì bị cáo buộc đã tham nhũng trong thời gian ông đứng đầu ngân hàng Đại Dương Ocean Bank. Đây là vụ bắt bớ gây nhiều chú ý đầu tiên liên quan đến một quan chức cấp cao của một doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 2013.

Ngày 11 tháng 9, Ủy ban Tư Pháp Quốc hội cho biết Thanh tra Chính phủ Việt Nam (GIV) đã tiến hành hơn 120.000 cuộc thanh tra các quan chức chính phủ và các giao dịch cho đến ngày 31 tháng 7, và đã truy thu được 50,3 ngàn tỉ đồng ($2,3 tỷ) và 1790 mẫu đất. Các thanh tra đã tìm ra một số vi phạm kinh tế với tổng giá trị là 201,5 ngàn tỉ đồng ($9,2 tỷ) trong thời gian 2011-15, thu hồi giấy phép đối với hơn 18980 mẫu đất, và thu hồi 113,8 ngàn tỉ đồng ($5,2 tỷ) trong 441 vụ tham nhũng.

Ngày 27 tháng 10, tòa án Hà Nội kết án sáu quan chức ngành đường sắt vì lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong vụ tham nhũng liên quan đến một hợp đồng đường sắt được Nhật Bản tài trợ.

Tham nhũng trong ngành công an vẫn là một vấn đề đáng kể ở mọi cấp. Công an đôi khi thực hiện hành động phạm pháp mà không bị trừng phạt. Ngành công an có các cấu trúc giám sát nội bộ nhưng chịu ảnh hưởng chính trị.

Luật chống tham nhũng năm 2013 cho phép công dân được công khai khiếu nại về việc chính quyền làm việc không hiệu quả, về các thủ tục hành chính, về tệ tham nhũng và những chính sách kinh tế. Thế nhưng nhà cầm quyền đã ngăn cấm mọi nỗ lực có tổ chức của các công dân bất bình, với những người tổ chức biểu tình chống tham nhũng phải chịu bắt bớ và sách nhiễu.

Minh Bạch Tài Chính: Luật chống tham nhũng vừa được bổ sung đòi hỏi các quan chức cấp cao và các thành viên Quốc hội phải kê khai tài sản và thu nhập cá nhân cũng như phải giải trình những thay đổi so với kê khai năm trước đó. Tháng 1 năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành một chỉ thị yêu cầu cán bộ giữ các chức vụ quản lý phải kê khai tài sản chi tiết hơn. Ngoài ra, các cấp trưởng được quyền chất vấn bản kê khai của các nhân viên. Trong khi pháp luật không quy định hình phạt nào cho việc không tuân thủ, nghị định tháng 7 năm 2014 quy định số hình thức có thể thực hiện như khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ công tác, hoặc cách chức đối với công chức không tuân thủ. Năm 2014 chính phủ báo cáo có đến 99% nhân viên nhà nước đã kê khai tài sản.

Quyền truy cập thông tin của công chúng: luật không có quy định cho phép công chúng được tiếp cận thông tin về nhà nước, và nhà nước cũng thường không cho công dân hay người khác, kể cả truyền thông nước ngoài quyền tiếp cận này. Theo luật, Công báo đăng hầu hết các văn bản chính thức của chính phủ trong các phiên bản hàng ngày của mình trừ những văn bản của Đảng như là nghị quyết của Bộ Chính Trị. Chính phủ và Quốc hội đều có duy trì một trang web bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Những quyết định của Hội đồng Thẩm Phán của Tòa án nhân dân tối cao thường có thể truy cập được trên trang web của tòa án này, mặc dù đối với các cá nhân thì việc tìm ra các thông tin của nhà nước còn khó khăn.

Mục 5. Thái độ của chính phủ đối với việc điều tra của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ về những cáo buộc vi phạm nhân quyền

Chính quyền không cho phép các tổ chức nhân quyền địa phương được thành lập hay hoạt động, cũng như không chấp nhận sự phê phán công khai của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào về các hành vi vi phạm nhân quyền của mình. Chính quyền sử dụng một loạt những biện pháp khác nhau để dập tắt những chỉ trích về chính sách nhân quyền của mình, trong đó có việc giám sát, giam giữ, truy tố, phạt tù, nghe lén các trao đổi cá nhân, và đưa ra các hạn chế đối với các quyền tự do ngôn luận, báo chí, và hội họp.

Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác: Chính quyền không cho phép người dân trực tiếp tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế, thế nhưng một số nhà hoạt động vẫn cứ làm. Chính quyền có cho phép đại diện của UNHCR và của chính phủ các nước khác đến thăm vùng Tây Nguyên.

Cơ quan quyền con người của Chính phủ: Không có cơ quan thanh tra, ủy ban nhân quyền, hay ủy ban quốc hội nào dành riêng cho vấn đề quyền con người. Học viện Chính trị và Hành chính Quốc Gia Hồ Chí Minh, tổ chức chịu trách nhiệm đào tạo các quan chức cấp cao, trông coi Viện Nhân quyền Việt Nam, viện này đã tiến hành trao đổi nghiên cứu với các tổ chức NGO nước ngoài về các cách thức hoạt động tốt nhất trong công tác nhân quyền quốc tế. Chính phủ tiếp tục thảo luận về các vấn đề nhân quyền song phương với một số chính phủ nước khác, và đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán chính thức về quyền con người, kể cả các cuộc đối thoại hàng năm.

Mục 6. Phân biệt đối xử, lạm dụng xã hội, và nạn buôn người

Luật pháp cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, khuyết tật, ngôn ngữ, hoặc địa vị xã hội, nhưng việc thực thi các điều cấm này là không đồng đều. Chính phủ tiếp tục chứng tỏ cởi mở hơn và tôn trọng quyền đối với người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, chuyển giới, và những người đa giới tính.

Phụ nữ

Hiếp dâm và bạo lực gia đình: Luật pháp cấm sử dụng hoặc đe dọa bạo lực đối với phụ nữ hoặc lợi dụng chỗ yếu của người không thể hành động để tự vệ. Luật cũng hình sự hoá việc hiếp dâm, kể cả trong quan hệ vợ chồng. Hình phạt cho kẻ hiếp dâm từ 2 đến 7 năm tù giam. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bao gồm hiếp dâm có tổ chức, tái phạm hay gây tổn hại quá mức cho nạn nhân, hình phạt có thể từ 7 đến 15 năm tù giam. Chính quyền khởi tố đầy đủ các vụ án hiếp dâm, nhưng không công bố thống kê về bắt giữ, truy tố, kết án, hoặc trừng phạt.

Nhà chức trách xem các vụ bạo lực gia đình là vi phạm dân sự, trừ khi nạn nhân bị gây thương tích đến hơn 11% cơ thể. Luật quy định cụ thể các hành động cấu thành bạo lực gia đình, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chính phủ và các bộ, và quy định hình phạt cho kẻ phạm tội từ cảnh báo và cải tạo không giam giữ cho đến phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Bạo lực gia đình đối với phụ nữ khá phổ biến. Báo cáo tháng 2 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận 192.000 trường hợp bạo lực gia đình từ năm 2009 đến giữa năm 2013, trong đó có 136.700 trường hợp chủ yếu liên quan đến bạo lực với người nữ, trong khi có hơn 19.700 trường hợp liên quan đến người già, và hơn 27.800 liên quan đến trẻ em.

Hồi tháng 11, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã công bố kết quả hai cuộc điều tra về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Một điều tra ghi nhận 58% phụ nữ có gia đình bị bạo hành về thể chất hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời, thường là từ chồng hay từ thành viên khác trong gia đình. Một nghiên cứu khác được tiến hành từ tháng 12 năm 2013 đến tháng 1 năm 2014 tại thành phố Hà Nội và TPHCM, phát hiện 83% phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Nội và 91% những người ở Hà Nội đã trải qua ít nhất một dạng quấy rối tình dục trong đời. Những người trả lời là sinh viên cho biết họ đã bị huýt sáo và trêu chọc, trong khi nhân viên văn phòng được hỏi cho biết là họ bị quấy rối qua e-mail và tin nhắn. Theo điều tra này, hầu hết quấy rối xảy ra trên đường phố.

Các tổ chức NGO và những người ủng hộ người sống sót cho rằng phần lớn các quy định pháp lý chống bạo lực gia đình là yếu, và chính phủ không công bố thống kê về bắt giữ, truy tố, kết án, hoặc trừng phạt. Các quan chức thừa nhận bạo lực gia đình là một quan ngại xã hội đáng kể, và báo chí bàn luận nó một cách công khai. Trong khi công an và hệ thống pháp luật nói chung vẫn chưa được trang bị để đối phó với các vụ bạo lực gia đình, chính phủ, với sự giúp đỡ của các tổ chức NGO quốc tế và trong nước, tiếp tục huấn luyện luật lệ cho cảnh sát, luật sư, và các quan chức trong hệ thống pháp luật. Sự khinh rẻ (stigma) của xã hội cũng đã khiến nhiều nạn nhân không tố cáo, do sợ bị quấy rối từ người phối ngẫu hoặc gia đình.

Một số tổ chức NGO trong nước và quốc tế đã làm việc để giải quyết bạo lực gia đình. Các NGO trong nước vận hành các đường dây nóng cho các nạn nhân ở các thành phố lớn. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, được Liên hiệp Phụ nữ hậu thuẫn, cũng điều hành một đường dây nóng trên toàn quốc, nhưng không được quảng bá rộng rãi ở các khu vực nông thôn. Mặc dù các khu vực nông thôn thường thiếu các nguồn tài chính để cung cấp cho các trung tâm đối phó khủng hoảng và các đường dây nóng, một luật thành lập các “nhà lánh nạn” cho phép phụ nữ chuyển sang một gia đình khác trong khi chính quyền địa phương và các nhà lãnh đạo cộng đồng cố gắng đương đầu với kẻ bị cáo buộc bạo hành và giải quyết khiếu nại. Có 300 nhà lánh nạn như vậy trong cả nước, tất cả được lập thông qua Hội Phụ nữ ở cấp xã. Thay vì đương đầu với sự khinh rẻ trong gia đình và xã hội cũng như sự thiếu chắc chắn về kinh tế, nhiều phụ nữ vẫn cam chịu trong hôn nhân lạm dụng.

Chính phủ, với sự giúp đỡ của các tổ chức NGO quốc tế, tiếp tục trợ giúp các hội thảo và các cuộc họp chuyên đề nhằm mục đích giáo dục phụ nữ và nam giới về bạo lực gia đình và quyền của phụ nữ và làm nổi rõ vấn đề này thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức công cộng. Tháng 2 năm 2014, Thủ tướng phê duyệt một kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình cho đến năm 2020. Các tổ chức NGO địa phương có liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ vẫn tiếp tục can dự vào những điều quan tâm của phụ nữ, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và nạn buôn phụ nữ và trẻ em.

Quấy rối tình dục: Luật pháp cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc (xem phần 7.d.). Các ấn phẩm và việc huấn luyện về các quy định đạo đức cho quan chức chính phủ và công chức không nói đến vấn đề quấy rối tình dục.

Nạn nhân bị quấy rối tình dục có thể liên hệ với tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ để yêu cầu họ can dự. Nạn nhân nào tiếp xúc đuợc với đại diện công đoàn có thể đưa khiếu nại với cán bộ công đoàn. Trong trường hợp nghiêm trọng nạn nhân có thể kiện người phạm tội theo quy định về xử lý “việc làm nhục người khác” trong đó có nêu cụ thể các hình phạt bao gồm cảnh cáo, cải tạo không giam giữ cho đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trong năm này không nghe có việc khởi tố hay có đơn thưa về quấy rối tình dục, và hầu hết các nạn nhân đều không muốn tố cáo kẻ phạm tội một cách công khai.

Quyền sinh con: Hiến pháp quy định rằng xã hội, gia đình, và mọi công dân thực hiện “Chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình”. Luật khẳng định cá nhận có quyền lựa chọn các biện pháp tránh thai; được khám phụ khoa, điều trị và định kỳ theo dõi trong khi mang thai; và được hưởng các dịch vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế. Chính phủ nói chung có thực thi các quy định này.

Chiến lược Dân số và Sức khỏe Sinh sản giai đoạn 2011-20 áp dụng cho tất cả các công dân và phấn đấu giữ số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 1,8. Chính phủ, chủ yếu thông qua các chiến dịch truyền thông tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ kế hoạch hoá gia đình. Một chỉ thị của Bộ Chính trị phạt đảng đảng viên dưới hình thức khiển trách nếu họ có 3 con, cách chức nếu nếu có 4 con, và khai trừ khỏi đảng nếu có 5 con. Vi phạm chỉ thị này cũng làm giảm đi khả năng được thăng chức và có thể dẫn đến mất việc.

Phân biệt đối xử: Pháp luật quy định về bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của xã hội. Mặc dù có rất nhiều luật lệ và quy định chuyên về việc bảo vệ quyền của phụ nữ trong hôn nhân và ở chỗ làm việc, cũng như có nhiều quy định yêu cầu ưu đãi, phụ nữ không luôn luôn nhận được sự đối xử bình đẳng trong việc làm, giáo dục, hoặc nhà ở, đặc biệt là ở khu vực nông thôn (xem thêm phần 7.d.).

Cách biệt về giới tính trong giáo dục đã sụt giảm, nhưng một vài cách biệt khác vẫn còn. Theo một báo cáo do Tổ chức Phụ nữ LHQ tài trợ năm 2013, trình độ chuyên môn người lao động nữ thấp hơn lao động nam. Có sự khác biệt đáng kể trong giáo dục sau trung học của nam và nữ. Trong giáo dục đại học số lượng sinh viên nữ theo học các chương trình công nghệ ứng dụng nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng sinh viên nam.

Một báo cáo do LHQ tài trợ về bảo trợ xã hội đối với phái nữ lưu ý rằng phụ nữ làm việc xa nhà trong các khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn tìm đuợc chỗ trọ theo tiêu chuẩn. Những người phụ nữ này sống trong các chỗ trọ tạm thời không an toàn và thiếu các dịch vụ cơ bản.

Mặc dù pháp luật quy định bình đẳng về quyền thừa kế cho nam và nữ, phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử theo văn hóa. Con trai có nhiều khả năng thừa kế tài sản hơn là con gái, trừ khi được quy định rõ trong một văn bản pháp lý. Một nghiên cứu được tiến hành hồi tháng 12 năm 2014 cho thấy nữ có ít thông tin về tiếp cận đất đai hơn nam và nếp văn hóa cũ thích con trai hơn con gái trong thừa kế là vẫn còn ưu thế, mặc dù pháp luật bảo đảm rằng tất cả các công dân đều có quyền bình đẳng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ủy ban quốc gia vì sự sự tiến bộ của phụ nữ vẫn tiếp tục thúc đẩy quyền của phụ nữ, bao gồm bình đẳng về chính trị, kinh tế và pháp lý, và bảo vệ khỏi bị chồng ngược đãi. Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng điều hành chương trình tín dụng vi mô tài chính tiêu dùng và các chương trình khác để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Kế hoạch Chiến lược quốc gia của chính phủ về bình đẳng giới giai đoạn 2011-20 khẳng định rằng cần phải có sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, tính đến cuối năm nay chính phủ vẫn chưa dành ra ngân sách để thực hiện các chương trình quốc gia về bình đẳng giới cho 2016-20. Chính phủ đã thông qua yêu cầu về lập ngân sách trên cơ sở giới như là một phần của luật ngân sách trong năm này.

Lựa chọn giới tính thiên lệch: Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tỉ số trai-gái trung bình cả nước khi sinh năm 2013 là 113,8 trên 100. Tỉ lệ mất cân bằng về trẻ trai mới sinh so với gái tiếp tục tăng, đặc biệt là ở một số khu vực giàu có thuộc Hà Nội và TpHCM. Chính phủ nắm được vấn đề này (việc giảm tỉ lệ này là một mục tiêu trọng tâm trong Chương trình quốc gia về bình đẳng giới) và tiếp tục thực hiện các bước để giải quyết nó. Bộ Y tế được nhận thêm nguồn vốn và nguồn lực để giải quyết sự mất cân bằng đó. Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã đưa ra chương trình phối hợp nhằm giải quyết sự mất cân bằng trong tỉ lệ giới tính, với việc chú trọng vào truyền thông để thay đổi hành vi, và thiết lập các chương trình thí điểm tại 20 tỉnh. Mặc dù không có chương trình riêng giải quyết sự mất cân bằng trong tỉ số giới tính, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích hợp chủ đề này vào các chương trình và các hoạt động hiện có của mình.

Trẻ em

Đăng ký khai sinh: Theo luật, chính phủ xem bất cứ trẻ nào đuợc sinh ra với ít nhất cha hay mẹ là công dân là sẽ là công dân, mặc dù những người sinh ra với cha mẹ không là công dân Việt Nam cũng có thể có được quyền công dân trong những trường hợp nhất định. Đôi khi do thiếu động cơ hoặc kiến thức về các đòi hỏi trong dân chúng, nhiều bậc cha mẹ không đăng ký khai sinh cho con ngay. Luật pháp đòi hỏi phải có giấy khai sinh mới đuợc sử dụng các dịch vụ công cộng, chẳng hạn như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, và việc một số bậc cha mẹ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, chọn cách không đăng ký khai sinh cho con đã làm ảnh hưởng đến khả năng đăng ký đi học và được chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ.

Giáo dục: Giáo dục bắt buộc, miễn phí, và phổ cập cho tới 14 tuổi, mặc dù nhiều gia đình bị buộc phải trả nhiều loại phí cho nhà truờng. Theo một chương trình trợ cấp của chính phủ, học sinh dân tộc ít nguời được miễn đóng học phí. Tuy nhiên, nhà chức trách không phải lúc nào cũng thực thi đòi hỏi này hoặc thực thi nó đồng đều cho nam và nữ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi mà ngân sách chính phủ và gia đình cho giáo dục rất hạn chế, và những đóng góp của trẻ em như là lao động nông nghiệp là có giá trị.

Lạm dụng trẻ em: Liên Hiệp Quốc và Tổng cục Thống kê năm 2011 báo rằng 25% trẻ em là nạn nhân của việc lạm dụng trẻ em, như được các bà mẹ của chúng chỉ ra trong một nghiên cứu năm 2006 về bạo lực gia đình. Theo một bài báo, Bộ Công an và Bộ LĐTBXH ghi nhận trong năm 2012 có khoảng 1000 trẻ em được báo cáo đã bị lạm dụng tình dục mỗi năm. Các tổ chức NGO ghi nhận những khó khăn trong việc thu đuợc dữ liệu chính xác về tỉ lệ trẻ em và thiếu niên bị lạm dụng tình dục, tỉ lệ này có thể được báo cáo thấp hơn thực tế. Chính phủ không đưa ra thông tin nào về mức độ của vấn đề hoặc những nỗ lực để chống lại nó.

Hôn nhân sớm và cưỡng bức: Độ tuổi tối thiểu hợp pháp để lập gia đình là 18 đối với nữ và 20 đối với nam, và luật pháp hình sự hóa việc tổ chức kết hôn, hay tiến hành hôn nhân với người chưa tới tuổi kết hôn. Hình phạt cho việc tổ chức các cuộc hôn nhân sớm có thể từ xử phạt hành chính cho tới phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 2 năm. Theo điều tra dân số năm 2009, tỉ lệ hôn nhân dưới 18 tuổi vào khoảng 16% ở cao nguyên Tây Bắc và 11% ở Tây Nguyên – cả hai đều là khu vực nông thôn xa xôi và nghèo – nhưng không có thêm dữ liệu nào khác của chính phủ. Chính quyền cấp tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ chịu trách nhiệm việc nâng cao nhận thức trong dân chúng về những hậu quả của việc lập gia đình sớm.

Bóc lột tình dục trẻ em: Bóc lột tình dục trẻ em dưới 16 tuổi là phạm pháp. Luật pháp hình sự hóa mọi hành vi bán hoặc tước quyền tự do của trẻ em cũng như tất cả các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em và lao động cuỡng bức ở trẻ em. Hình phạt từ 3 năm đến tù chung thân, và phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng ($228 đến $2280). Luật cũng quy định hình phạt tù đối với những hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em, trong đó có chứa chấp mại dâm (12 tới 20 năm), môi giới mại dâm (7 đến 15 năm), và mua dâm trẻ nhỏ (từ 3 đến 15 năm). Tương tự như vậy, luật cấm mọi hành vi đối xử tàn nhẫn, làm nhục, bắt cóc, mua bán, và cưỡng ép trẻ em vào các hoạt động có hại cho việc phát triển lành mạnh của chúng và quy định việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Độ tuổi tối thiểu cho quan hệ tình dục đồng thuận là 18. Hiếp dâm là phạm pháp và có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Hình phạt đối với quan hệ tình dục với trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 18, tùy truờng hợp, thay đổi từ 5 đến 10 năm tù giam. Hình phạt cho việc hiếp dâm trẻ từ 13 đến 16 tuổi là từ 7 năm đến 15 năm tù giam. Tuy nhiên, nếu nạn nhân bị mang thai, hiếp dâm loạn luân, hoặc người phạm tội ở vị trí là người giám hộ của nạn nhân, hạn tù tăng lên từ 12 đến 20 năm. Luật pháp xem mọi trường hợp có quan hệ tình dục với trẻ em dưới 13 tuổi là hiếp dâm trẻ em và người phạm tội có thể bị kết án từ 12 đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. Chính phủ thực thi luật này, và những kẻ phạm tội hiếp dâm đã nhận lãnh các bản án nặng nề. Việc sản xuất, phân phối, phổ biến, hoặc bán sách báo phim ảnh ấu dâm là bất hợp pháp và có thể phạt từ 3 đến 10 năm tù giam.

Trẻ bụi đời: Các tổ chức NGO độc lập ước tính có từ 23.000 đến 25.000 trẻ em sống trên đường phố và đôi khi bị cảnh sát sách nhiễu hoặc quấy rối.

Bắt cóc trẻ em quốc tế: Việt Nam không phải là một thành viên tham gia Công ước Hague 1980 về các khía cạnh dân sự trong Bắt cóc trẻ em quốc tế.

Chống Do Thái

Có những cộng đồng nhỏ người nước ngoài gốc Do Thái tại Hà Nội và TpHCM, và không có báo cáo về hành vi chống Do Thái.

Buôn người

Xem Báo cáo của Bộ Ngoại giao về nạn buôn người tại www.state.gov/j/tip/rls/tiprpt/.

Người khuyết tật

Hiến pháp quy định việc bảo vệ người khuyết tật về tinh thần hay thể chất. Luật pháp cấm phân biệt đối xử hoặc ngược đãi người khuyết tật về thể chất hay tinh thần, khuyến khích sử dụng họ làm việc, và đòi hỏi sự bình đẳng cho họ về chỗ ở, tiếp cận với giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giao thông vận tải địa phương, và đào tạo nghề. Chính phủ tiếp tục tăng cường phối hợp với chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các công ty tư nhân xem xét lại các quy định pháp luật điều tiết việc thực hiện các điều ước quốc tế, tiến hành nghiên cứu khả thi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo thông tin, thúc đẩy việc thuê mướn người khuyết tật, và tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức.

Dù luật pháp đòi hỏi rằng việc xây dựng mới hoặc cải tạo lớn các công trình kiến trúc công cộng của chính phủ hiện phải có thêm phương tiện dành cho người khuyết tật, tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa thành thường xuyên. Bộ Xây dựng vẫn duy trì các đơn vị thực thi các điều luật xây dựng có chú ý phục vụ cho cả người khuyết tật (barrier-free codes) và đã huấn luyện về các điều luật xây dựng cho các thanh tra và các công ty kiến trúc tại hơn 22 tỉnh. Một số tòa nhà và cơ sở mới tại các đô thị lớn có các lối đi dốc và các lối vào dành cho người khuyết tật.

Tiếp cận giáo dục cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ em điếc và những trẻ thiểu năng trí tuệ, vẫn còn rất hạn chế. Bộ Giáo dục và Công nghệ ước tính khoảng 500.000 trẻ em khuyết tật đã có một tiếp cận mức nào đó với giáo dục ở bậc tiểu học, trung học và đại học.

Luật thúc đẩy và khuyến khích việc sử dụng người khuyết tật; Tuy nhiên, rào cản về xã hội và thái độ vẫn còn là vấn đề (xem phần 7.d).

Chính phủ trợ giúp người khuyết tật bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2011 bằng cách mang thùng phiếu đến nhà của các cá nhân không thể đi đến điểm bỏ phiếu. Không có giới hạn pháp lý về quyền bỏ phiếu cho người khuyết tật, mặc dù nhiều điểm bỏ phiếu không có lối đi/phương tiện dành cho người khuyết tật, đặc biệt là cho những người khuyết tật thể chất.

Dù việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho người khuyết tật còn hạn chế, chính phủ đã có một số nỗ lực trong việc giúp đỡ thành lập các tổ chức của người khuyết tật và tư vấn cho họ trong việc phát triển hoặc xem xét lại các chương trình quốc gia, chẳng hạn như chương trình giảm nghèo quốc gia, luật dạy nghề và các chính sách giáo dục khác nhau. Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, và các thành viên của họ từ nhiều bộ khác nhau tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài lo việc bảo vệ, trợ giúp, phương tiện truy cập thực tế, giáo dục và việc làm. Chính phủ điều hành một mạng lưới nhỏ các trung tâm phục hồi chức năng lo việc điều trị vật lý lâu dài cho bệnh nhân nội trú. Một số tỉnh, cơ quan chính phủ và trường đại học đã có các chương trình cụ thể cho người khuyết tật.

Các nhóm sắc tộc / chủng tộc / dân tộc ít người

Luật pháp cấm phân biệt đối xử với người thiểu số, nhưng phân biệt đối xử của xã hội đối với người thiểu số đã có từ lâu và dai dẳng. Các quan chức địa phương tại một số tỉnh, đặc biệt là ở các vùng cao, đã hành động trái với luật pháp quốc gia và phân biệt đối xử thành viên của các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số. Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong cả nước là đáng kể, khoảng cách kinh tế giữa nhiều cộng đồng người thiểu số và cộng đồng người Việt (Kinh) vẫn tồn tại, dù các thành viên nhóm dân tộc thiểu số chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng dân số trong một số khu vực nhất định, bao gồm cả vùng Tây Bắc và Tây Nguyên và nhiều nơi thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế tiếp tục cáo buộc chính quyền sách nhiễu và đe dọa thành viên của một vài nhóm người thiểu số, trong đó có đồng bào vùng cao thường được gọi là “người Thượng” và tín đồ Tin Lành người thiểu số, ở vùng Tây Nguyên. Có nhiều báo cáo rằng thành viên của các nhóm người thiểu số này đã trốn sang Campuchia và Thái Lan, xin được tị nạn và cho rằng họ là nạn nhân của đàn áp tôn giáo. Chính phủ cho rằng những cá nhân này là người di cư bất hợp pháp đã rời Việt Nam để theo đuổi các cơ hội kinh tế. Các nhóm nhân quyền cáo buộc chính phủ đã áp lực Campuchia từ chối cho các cá nhân này hưởng quy chế tị nạn và gửi trả họ lại cho Việt Nam.

Chính phủ thực hiện các chính sách trong vùng có số dân người thiểu số lớn thông qua ba ban liên ngành, các Ban Chỉ đạo cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam. Chính phủ cũng tiếp tục theo dõi sát sao một vài nhóm dân thiểu số ở vùng cao, đặc biệt là một số nhóm dân ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Nhà chức trách tiếp tục giam cầm, bằng cách sử dụng các quy định về an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự và với nhiều án tù dài hạn, nhiều cá nhân người thiểu số bị cáo buộc có liên kết với các tổ chức ở nước ngoài mà chính phủ cho là cổ vũ cho mục đích ly khai. Ngoài ra, các nhà hoạt động thường xuyên cho biết trong những dịp nhạy cảm và các ngày lễ sự có mặt các nhân viên an ninh gia tăng trong khu vực.

Chính phủ tiếp tục cố gắng giải quyết khoảng cách kinh tế xã hội giữa các cộng đồng người thiểu số và cộng đồng người Kinh thông qua các chương trình đặc biệt trợ cấp các cơ sở giáo dục và y tế và mở rộng đường xá và điện khí hóa cho các cộng đồng và các làng xã nông thôn. Chính phủ cũng tiếp tục giao đất cho người thiểu số ở Tây Nguyên thông qua một chương trình đặc biệt.

Luật pháp quy định giáo dục phổ thông cho trẻ em không phân biệt tôn giáo hay dân tộc, và thành viên của các nhóm người thiểu số không phải trả học phí thường lệ. Chính phủ mở các trường học đặc biệt dành cho trẻ em dân tộc thiểu số, và có 300 trường nội trú cho họ ở 50 tỉnh, chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, gồm ở cấp trung học cơ sở và trung học, cộng với việc thu nhận đặc biệt và các chương trình dự bị cũng như học bổng và tuyển sinh ưu đãi ở cấp đại học. Chính phủ cũng đã làm việc với các quan chức địa phương để phát triển chương trình giảng dạy ngôn ngữ địa phương, nhưng có vẻ thực hiện chương trình này một cách toàn diện hơn ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long và chỉ thực hiện có giới hạn của vùng Cao nguyên Tây Bắc. Cũng có một vài trường kỹ thuật và dạy nghề được chính phủ trợ cấp cho người thiểu số.

Chính quyền có các chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng dân tộc ở một số khu vực. Chính phủ đòi hỏi các quan chức dân tộc đa số (người Kinh) được phân công tới các khu vực với dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số phải học ngôn ngữ của địa phương mà họ làm việc. Chính quyền cấp tỉnh tiếp tục các sáng kiến được đề ra nhằm tăng việc làm, giảm khoảng cách thu nhập giữa người thiểu số và người Kinh, và nhằm làm cho các quan chức nhạy bén và tiếp nhận văn hóa và truyền thống người dân tộc.

Chính quyền ưu đãi cho các công ty trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu vực miền núi với dân cư chủ yếu là người thiểu số. Chính phủ cũng duy trì các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nhắm vào các khu vực phần lớn là người thiểu số nghèo, và thiết lập các chương trình khuyến nông cho các vùng nông thôn xa xôi.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng với các ban chỉ đạo dân tộc các tỉnh, tiếp tục hậu thuẫn việc phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết một số vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo và tăng tỉ lệ biết chữ.

Các hành vi bạo lực, phân biệt đối xử, và lạm dụng khác dựa trên định hướng tình dục và nhận dạng giới tính

Luật pháp chưa tính tới việc phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục và nhận dạng giới tính (gender identity). Phân biệt đối xử và sự khinh rẻ của xã hội vẫn còn lan tràn, và báo chí truyền thông địa phương đưa tin về việc quấy rối chung của các cá nhân chuyển giới, kể cả những người bị giam giữ.

Không có luật nào hình sự hoá hành vi tình dục đồng giới có sự đồng thuận. Tháng 11 Quốc hội đã thông qua bộ luật dân sự sửa đổi với các quy định mới hợp pháp hóa quyền của cá nhân trong thay đổi giới tính, quyền được chữa bệnh và thay đổi chi tiết giới tính trong lý lịch.

Trong năm 2013, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động cho quyền của các nhóm thiểu số, cho biết có khoảng 1,65 triệu cá nhân trong nước được xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới, hoặc đa giới tính. Hồi tháng 8 hơn 1000 cá nhân tham gia cuộc Đi bộ tự hào (Walk Pride) vì Tự hào Việt (Viet Pride [của người đồng tính}) tại TPHCM, và đã có những buổi hội Viet Pride được tổ chức tại 17 thành phố và các tỉnh, trong đó có một cuộc tuần hành bằng xe đạp với hơn 300 người tham dự ở Hà Nội.

Sự khinh rẻ xã hội đối với HIV và AIDS

Luật pháp quy định việc bảo vệ các quyền cụ thể của người bị HIV / AIDS, trong đó có xét nghiệm tự nguyện; bảo mật; quyền được học hành, làm việc, chăm sóc sức khỏe, và không bị phân biệt đối xử; và các cơ chế để chỉnh sửa về pháp lý trong trường hợp có bất kỳ vi phạm quyền nào.

Theo nghiên cứu chỉ số khinh rẻ (Stigma Index study) năm 2014, có 11,2% những người bị HIV, 16,6% gái mại dâm, 15,5% những người tiêm chích ma túy, và 7,9% những người nam có quan hệ tình dục với nam cho biết đã nếm trãi việc vi vi phạm quyền trong vòng 12 tháng trước lúc khảo sát. Tuy nhiên, năm 2014 các cuộc điều tra Cụm Nhiều chỉ số (Multiple Indicator Cluster Surveys) cho thấy sự khinh rẻ và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn phổ biến, với khoảng 70% số người nữ được hỏi cho biết đã phải đối mặt với một số hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử. Cá nhân bị HIV vẫn tiếp tục phải đối mặt với các rào cản tiếp cận và duy trì việc làm, với 4,2% số người được hỏi cho biết bị mất việc hay thu nhập và 6,7% cho biết các chủ doanh nghiệp đã từ chối cho họ việc làm hoặc cơ hội làm việc.

Trong khi Việt Nam có tiến bộ trong việc thay thế tạm giữ hành chính những người sử dụng ma túy với các thủ tục tư pháp và chuyển các bệnh nhân HIV dương tính cho điều trị ngoại trú, không có số liệu báo cáo chính thức cho việc tiếp cận điều trị HIV hoặc điều trị dùng thuốc cho các rối loạn lạm dụng chất [gây nghiện] trong những người bị tạm giữ, đáng chú ý nhất là tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Việt Nam vẫn còn khoảng 17.680 người trong hệ thống “ trung tâm 06” mà, theo ước tính dè dặt của Bộ LĐTBXH, có tỉ lệ nhiễm HIV cao khoảng 13%.

Mục 7. Quyền người lao động

a. Tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể

Luật không cho phép người lao động tổ chức hoặc tham gia công đoàn độc lập theo ý mình. Dù người lao động có thể chọn vào hay không công đoàn và vào ở cấp nào (cấp địa phương hoặc “cơ sở”, cấp tỉnh, hoặc cấp quốc gia) mà họ muốn, mỗi công đoàn đều nằm trong khuôn khổ pháp lý và kiểm soát của một liên đoàn lao động duy nhất của đất nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ), vì TLĐLĐ là thực thể duy nhất có thẩm quyền đưa ra việc công nhận pháp lý cho các công đoàn. TLĐLĐ, một tổ chức công đoàn bao trùm do đảng cộng sản kiểm soát, phê duyệt và quản lý một loạt các công đoàn lao động chi nhánh được tổ chức theo địa phương và theo ngành nghề. TLĐLĐ trực tiếp làm việc với Bộ Chính trị và không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc bất kỳ một bộ đơn lẻ nào.

Mặc dù Luật Công đoàn đòi hỏi các công đoàn có trách nhiệm “phổ biến thông tin để thuyết phục và hướng dẫn người lao động thành lập và tham gia công đoàn”, luật cũng quy định rằng TLĐLĐ chỉ có thể đại diện cho người lao động trong các doanh nghiệp chưa có công đoàn khi được người lao động yêu cầu. Luật này lẫn các quy định có liên quan không định ra quy trình để người lao động yêu cầu việc đại diện đó hoặc số lượng người lao động tối thiểu cần có để đưa ra một yêu cầu như vậy. Ngoài ra, bộ luật lao động không tương thích với luật công đoàn, trong đó không có quy định đòi hỏi rằng TLĐLĐ chỉ có thể đại diện cho người lao động trong các doanh nghiệp chưa có công đoàn khi nào có yêu cầu của người lao động.

Theo luật này TLĐLĐ cũng có trách nhiệm giáo dục người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đại diện cho người lao động (“tập thể lao động”) trong thương lượng tập thể và các tranh chấp lao động cá nhân, tổ chức và lãnh đạo đình công hợp pháp, và làm việc với các cơ quan nhà nước về quan hệ lao động, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn, và các vấn đề khác. Theo luật, công đoàn phí là bắt buộc đối với công đoàn viên và chủ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Công đoàn viên đóng 1% lương cho công đoàn, và chủ doanh nghiệp đóng 2 % cho mỗi nhân viên, bất kể họ có là công đoàn viên hay không. Trong một nỗ lực để nâng cao trách nhiệm về công đoàn phí, luật làm rõ việc sử dụng thích đáng công đoàn phí bắt buộc đối với công đoàn viên và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Luật pháp quy định quyền của các công đoàn trực thuộc TLĐLĐ trong thương lượng tập thể cho công nhân về các vấn đề liên quan đến tiền lương và phụ cấp, giờ làm việc, làm thêm giờ, và an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi phải qua Hội đồng hoà giải, và nếu Hội đồng không giải quyết được vấn đề, sẽ đến chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Luật cho phép công đoàn và các tổ chức sử dụng lao động tạo điều kiện và giúp đỡ việc thương lượng tập thể và đòi hỏi các công ty thiết lập một cơ chế cho phép phía quản lý và lực lượng lao động trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến về các vấn đề có ảnh hưởng đến điều kiện làm việc. Quy định đòi hỏi tiến hành đối thoại tại nơi làm việc mỗi ba tháng một lần.

Luật cho phép đình công trong những trường hợp nhất định theo quy định và định ra một quy trình hòa giải và trọng tài phức tạp và cồng kềnh trước khi có thể tiến hành đình công hợp pháp. Luật cũng cấm đình công trong các doanh nghiệp phục vụ công chúng hay doanh nghiệp mà chính phủ xét thấy là thiết yếu cho nền kinh tế quốc gia, quốc phòng, được định nghĩa là các cuộc đình công trong các doanh nghiệp dính dáng tới sản xuất điện; bưu chính viễn thông; vận tải đường biển và đường hàng không, hoa tiêu và quản lý; công trình công cộng; và khai thác dầu khí. Luật định nghĩa “dịch vụ thiết yếu” mở rộng hơn tiêu chuẩn quốc tế. Luật cũng cho phép Thủ tướng có quyền đình chỉ một cuộc đình công được coi là bất lợi cho nền kinh tế quốc gia hay an toàn công cộng.

Các cuộc đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể hoặc không tuân thủ các quy trình theo luật định là bất hợp pháp. Luật này phân biệt các tranh chấp “về lợi ích” và “về quyền” và, trái với tiêu chuẩn quốc tế, cấm đình công do tranh chấp “về quyền”, hoặc đình công xuất phát từ các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện hoặc giải thích các quy định của pháp luật hoặc các thỏa thuận ràng buộc pháp lý, chẳng hạn như các thỏa thuận thương lượng tập thể. Luật cũng cấm đình công theo lĩnh vực cụ thể và theo cấp ngành công nghiệp. Trước khi công nhân có thể tổ chức một cuộc đình công, họ phải nộp yêu cầu của mình qua một quy trình có sự can dự của Hội đồng hoà giải (hoặc hoà giải viên lao động cấp huyện nơi không có công đoàn). Nếu hai bên không đạt được giải pháp, công đoàn phải nộp yêu sách cho Hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Công đoàn (hoặc đại diện người lao động nơi chưa có công đoàn) có quyền kháng nghị tới tòa án nhân dân cấp tỉnh về quyết định của Hội đồng trọng tài cấp tỉnh hoặc đình công. Luật cũng quy định người đình công có thể không được trả lương khi họ không làm việc. Luật pháp cấm trừng phạt những người đình công. Theo luật, cá nhân tham gia các cuộc đình công bị Toà án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp và phát hiện là đã gây ra thiệt hại cho chủ doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra. Từng người lao động có thể kiện trực tiếp qua hệ thống toà án nhân dân, nhưng trong hầu hết các trường hợp họ có thể chỉ làm như vậy sau khi đã cố hoà giải nhưng không thành công.

Hồi tháng 10 Chính phủ ban hành Nghị định 88 về xử phạt hành chính đối với việc can thiệp vào các hoạt động công đoàn. Cụ thể, luật đề ra mức phạt tiền phạt từ 3 đến 10 triệu đồng ($137- $457) đối với phân biệt đối xử với những người lao động đứng ra thành lập hoặc tham gia công đoàn, hoặc thực hiện các hoạt động công đoàn, và đối với hành động nào gây bất lợi cho hoạt động của công đoàn.

Chính phủ tiếp tục thực hiện các bước để cải thiện quan hệ chủ doanh nghiệp-người lao động (industrial relations), trong đó có việc phối hợp với nhiều chính quyền cấp tỉnh xây dựng và thực hiện các “kế hoạch tổng thể” về quan hệ doanh nghiệp-người lao động tập trung vào việc thương lượng, hòa giải, và cải cách tổ chức công đoàn. TLĐLĐ cũng đã làm việc với các tổ chức NGO quốc tế để tăng cường năng lực của mình trong việc trợ giúp tổ chức và thương lượng tập thể trong khu vực tư nhân.

Lãnh đạo TLĐLĐ có ảnh hưởng tới các quyết định quan trọng qua việc soạn thảo, sửa đổi, hoặc cho ý kiến về luật lao động; phát triển mạng lưới an sinh xã hội; và định ra các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn, và mức lương tối thiểu. Các nhà hoạt động lao động và đại diện của các tổ chức công nhân độc lập (ngoài TLĐLĐ) phải đối mặt với sự phân biệt đối xử chống công đoàn.

TLĐLĐ báo cáo có 262 cuộc đình công từ tháng 1 đến tháng 11, gần ngang với mức cùng kỳ năm 2014. Trong số những cuộc đình công này, 61% là ở các công ty do nước ngoài trực tiếp đầu tư (chủ yếu là các công ty của Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản). Không cuộc đình công nào trong số đó tiến hành theo quy trình hoà giải và trọng tài được cho phép, và do đó chính quyền coi chúng là các cuộc đình công bất hợp pháp “tự phát”. Chính phủ không có hành động nào đối với những người đình công và đôi lúc lại chủ động làm trung gian cho các thỏa thuận có lợi cho người lao động. Trong một số trường hợp, chính phủ lại áp đặt tiền phạt nặng nề lên các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nước ngoài có dính dáng tới những cách hành xử bất hợp pháp dẫn đến đình công.

Vào ngày 26 tháng 3, công nhân tại một nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo thuộc quận Bình Tân TPHCM đã tiến hành đình công phản đối đề nghị thay đổi luật về bảo hiểm xã hội. Những thay đổi sẽ đòi hỏi hầu hết công nhân phải chờ cho đến khi họ có ít nhất 20 năm làm việc và / hoặc đến tuổi nghỉ hưu chính thức mới được nhận tiền hưu. Báo chí ước tính có từ 80.000 đến 90.000 lao động tham gia đình công. Trong những ngày đình công, quan chức cấp thứ trưởng của Bộ LĐTBXH và TLĐLĐ đã tham gia vào một chiến dịch công cộng nhìn nhận đòi hỏi của những người đình công và bày tỏ hối tiếc về tình huống này. Cuộc đình công kết thúc vào ngày 2 tháng 4 khi thủ tướng đồng ý đề nghị Quốc hội xem xét lại một sửa đổi gây tranh cãi trong luật bảo hiểm xã hội mới.

Báo cáo tháng 7 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và chương trình Việc làm tốt hơn của Tổng công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation’s Better Work Vietnam program) ghi nhận nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp can thiệp vào các hoạt động của người lao động. Báo cáo ghi nhận 62% các nhà máy phân biệt đối xử hoặc can thiệp vào các hoạt động của công đoàn. Tương tự như vậy, các dữ liệu cho thấy vẫn còn thành viên phía quản lý nằm trong Ban chấp hành công đoàn trong khoảng 45% các nhà máy, có thể làm suy yếu chức năng của công đoàn như một tiếng nói đại diện hợp pháp cho người lao động. Đồng thời, báo cáo cũng lưu ý 7% các nhà máy đã có những trường hợp can thiệp trực tiếp và công khai của ban quản lý trong hoạt động công đoàn, và vẫn có nhưng ít hơn (8 chủ doanh nghiệp đã thực sự “thử” can thiệp) bị phát hiện là đã ngăn chặn công nhân không được họp nếu không có mặt ban quản lý. Cũng có những báo cáo đáng tin cậy rằng chủ doanh nghiệp có xu hướng sử dụng các hợp đồng ngắn hạn, thử việc để tránh một số quyền lợi bảo đảm cho người lao động theo pháp luật, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp, hoặc ngăn chặn công nhân tham gia công đoàn.

Nhiều tổ chức NGO quốc tế về lao động đã phối hợp với TLĐLĐ huấn luyện cho các đại diện công đoàn trực thuộc TLĐLĐ về tổ chức lao động, thương lượng tập thể, và các vấn đề công đoàn khác. Vì việc thành lập hoặc tìm cách thành lập các công đoàn lao động độc lập với TLĐLĐ là bất hợp pháp, không có tổ chức NGO về lao động nào của Việt Nam được Chính phủ thừa nhận tham gia vào việc tổ chức lao động. Tuy nhiên, các NGO địa phương về lao động đã trợ giúp những nỗ lực nâng cao nhận thức về quyền lao động và vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và trợ giúp lao động nhập cư nội bộ và bên ngoài.

Các nhà hoạt động công đoàn độc lập tìm cách thành lập công đoàn tách biệt với TLĐLĐ hoặc thông tin cho người lao động về quyền lao động của họ đôi khi phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính phủ. Ví dụ, vào ngày 22 tháng 11, cảnh sát tạm giam hai thành viên của Lao động Việt là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức trong vài giờ sau khi giải tán một cuộc họp giữa hai người này và hơn 800 công nhân nhà máy bị chủ công ty Hàn Quốc đuổi việc. Minh Hạnh tố cáo rằng cô đã bị cảnh sát mặc thường phục trói tay ra sau lưng, xô ngã xuống đất, đánh vào mặt, khiến phải nhập viện. Đức cho biết cảnh sát cáo buộc hai người cung cấp “tài liệu bất hợp pháp” và tịch thu điện thoại di động, máy tính và máy ảnh của họ. Họ lưu ý rằng Lao động Việt đã và đang trợ giúp người lao động kể từ 9 tháng 11, sau một quyết định của nhà máy chấm dứt hợp đồng lao động và bị cáo buộc là không bồi thường theo đòi hỏi của pháp luật. Đại diện Chính phủ nói Hạnh và Đức gây rối loạn trật tự công cộng và lan truyền thông tin sai lệch về các tranh chấp lao động; họ phủ nhận việc công an địa phương tấn công hoặc tịch thu đồ đạc của một trong hai người này. Riêng biệt, vào ngày 25 tháng 12, được biết cảnh sát đã tấn công và tạm giam Hoàng Đức Bình, Đỗ Thị Minh Hạnh và một số nhà hoạt động về quyền lao động hoà bình ở TPHCM.

b. Cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc

Luật pháp cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc. Một thông tư của chính phủ quy định mức phạt tù từ 3 đến 10 năm đối với việc buôn lao động. Không có vụ truy tố nào về lao động cưỡng bức trong năm này. Bộ luật hình sự mới hình sự hoá việc sử dụng vũ lực, đe dọa vũ lực, hoặc “sử dụng các thủ đoạn khác” để cưỡng bức lao động. Vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng ($2280 đến $9130) và / hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đến 12 năm nếu có tình tiết tăng nặng. Bộ luật hình sự mới phân biệt buôn bán hoặc nhận cá nhân cho lao động cưỡng bức. Nếu nạn nhân là người trưởng thành thì sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng ($913- $4570) và / hoặc phạt tù từ 5 đến 10 năm, hoặc lên đến 20 năm nếu có tình tiết tăng nặng. Nếu nạn nhân dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng ($2280 – $9130) và / hoặc phạt tù từ 7 đến 12 năm, hoặc tù chung thân nếu có tình tiết tăng nặng.

Các tổ chức NGO tiếp tục báo cáo sự xuất hiện của lao động cưỡng bức nam, nữ và trẻ em trong nước (xem mục 7.c).

Chính phủ tiếp tục quản chế người sử dụng ma túy trong các “cơ sở cai nghiện bắt buộc” (còn được gọi là “trung tâm 06”). Một báo cáo năm 2014 được Diễn đàn Quyền Lao động quốc tế (International Labor Rights Forum) công bố nêu rằng lao động cưỡng bức và đối xử tệ hại vẫn tiếp tục xảy ra tại các trung tâm 06, kể cả những người bị tạm giữ cũng bị buộc phải sản xuất hàng hoá cho các công ty tư nhân. Trong năm này đã có bằng chứng rằng cưỡng bức lao động vẫn tiếp tục xảy ra tại một số trung tâm cai nghiện. Sau khi sửa đổi luật vào năm 2013, chính quyền chỉ có thể đưa người vi phạm ma túy đến các trung tâm như vậy sau khi qua một quy trình pháp lý chứ không phải bằng quyết định hành chính như trước đây (xem thêm phần 1.d). Tháng 12 năm 2014 Thủ tướng ban hành Nghị định 98 về cải cách các trung tâm 06. Nghị định bảo đảm việc chuyển đổi phần lớn các trung tâm 06 thành các trung tâm cai nghiện tự nguyện và tái khẳng định chính sách buộc phải qua quy trình pháp lý được ban hành lần đầu hồi năm 2013 để đưa một cá nhân đến một trung tâm 06 bắt buộc. Nghị định cũng yêu cầu giảm bớt số lượng các cơ sở cai nghiện bắt buộc và quy định rằng các trung tâm 06 phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Trong năm này nhiều trung tâm tạm giam chuyển sang hệ thống cai nghiện ma tuý không bắt buộc.

Nhiều công ty tuyển dụng lao động mà hầu hết đều có liên kết với các doanh nghiệp nhà nước, và các tay môi giới không có giấy phép đòi người lao động tìm kiếm việc làm quốc tế lệ phí cao hơn luật pháp cho phép, và họ đã làm như thế mà không bị trừng phạt. Những công nhân đó vướng phải nợ nần nhiều và do đó dễ bị cưỡng bức lao động, kể cả làm để gán nợ.

Xem thêm Báo cáo của Bộ Ngoại giao về nạn buôn người tại www.state.gov/j/tip/rls/tiprpt/.

c. Cấm lao động trẻ em và tuổi lao động tối thiểu

Luật định nghĩa người lao động chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Các doanh nghiệp thuê trẻ em từ 15 đến 18 tuổi phải chịu trách nhiệm chăm sóc người lao động chưa thành niên về “lao động, tiền lương, sức khỏe và học hành” trong quá trình lao động. Luật cấm trẻ dưới 18 tuổi làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Luật giới hạn trẻ em từ 15 đến 18 tuổi chỉ đượclàm việc tối đa là 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần. Trẻ từ 13 đến 15 tuổi chỉ có thể làm các công việc nhẹ (theo quy định của Bộ LĐTBXH), và cũng phải xem xét tới việc học hành, điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Luật cho phép trẻ em từ 14 tuổi trở lên được đăng ký tại trung tâm dạy nghề, một hình thức đào tạo nghề nghiệp, mà không đòi hỏi có sự đồng ý của cha mẹ.

Bộ lao động có trách nhiệm thực thi luật và chính sách lao động trẻ em. Quan chức chính phủ có thể phạt và trong trường hợp vi phạm hình sự, khởi tố người sử dụng lao động vi phạm luật lao động trẻ em. Chính phủ tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn lao động trẻ em và đặc biệt nhắm vào trẻ em khu vực nông thôn, trẻ em hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với điều kiện làm việc nguy hiểm như là một phần trong Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em và Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em của chính phủ.

Cuộc điều tra lao động trẻ em trong cả nước của chính phủ năm 2012, công bố vào năm 2014, cho thấy lao động trẻ em là một vấn đề lớn và ước tính có hơn 2,8 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế trong cả nước, trong đó có 1,75 triệu là lao động trẻ em theo định nghĩa của cuộc điều tra. Cuộc điều tra định nghĩa lao động trẻ em là trẻ em tham gia vào các hoạt động kinh tế – “các hoạt động sản xuất kinh tế, thương mại và dịch vụ tiêu dùng hoặc buôn bán có thể được hoặc không được trả lương” – trên 1 giờ mỗi ngày hoặc 5 giờ mỗi tuần đối với trẻ em từ 5 tới 11 tuổi, trên 4 giờ mỗi ngày hoặc 24 giờ mỗi tuần đối với trẻ em từ 12 đến 14 tuổi, hay trên 7 giờ mỗi ngày hoặc 42 giờ mỗi tuần đối với trẻ em từ 15 tới17 tuổi.

Theo định nghĩa lỏng lẻo, có 60% lao động trẻ em là trong nông nghiệp, 22% trong các khu vực dịch vụ, và 18% trong xây dựng và chế biến. Trong số 1,75 triệu lao động trẻ em, 85% ở nông thôn và 15% ở đô thị. Khoảng 60% lao động trẻ em là nam. Cuộc điều tra ghi nhận 52% trẻ em đã bỏ học, và chỉ có 24% thuộc các hộ gia đình nằm trong diện dưới mức nghèo khó của đất nước. Ngoài ra, 38% lao động thuộc các hộ gia đình có thu nhập gấp đôi ngưỡng nghèo khó. Báo cáo cũng cho biết gần 569.000 lao động trẻ em (khoảng 32%) làm việc trung bình hơn 42 giờ mỗi tuần. Trong số trẻ em này, 96% không được đi học.

Một số trẻ em là nạn nhân cưỡng bức lao động hay làm gán nợ tại các xưởng nằm chung trong các nhà riêng ở đô thị, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc không chính thức gần TPHCM, trong các nhà máy gạch ở nông thôn hay các mỏ vàng do tư nhân điều hành, cũng như trong các nhà hàng tại các trung tâm đô thị lớn.

d. Phân biệt đối xử về mặt tuyển dụng và nghề nghiệp

Luật pháp cấm phân biệt đối xử về mặt tuyển dụng và nghề nghiệp dựa vào giới tính, chủng tộc, khuyết tật, tầng lớp xã hội, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, và tình trạng bị nhiễm HIV/SIDA. Luật pháp thúc đẩy và khuyến khích việc tuyển dụng người khuyết tật.

Theo luật, doanh nghiệp không được sa thải nhân viên nữ sắp kết hôn hoặc đang có thai, đang nghỉ sinh con, hoặc chăm sóc cho con dưới một tuổi trừ khi doanh nghiệp đóng cửa. Chủ doanh nghiệp không được bắt buộc nhân viên nữ đang có thai ít nhất là 7 tháng hoặc chăm sóc con dưới 1 tuổi làm thêm giờ, làm đêm, hoặc làm tại các địa điểm xa nhà. Trên nguyên tắc, luật pháp buộc phải trả lương như nhau cho công việc như nhau. Luật pháp cấm quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Tuy nhiên, theo ILO, các quy định pháp luật chưa cụ thể và khó có khả năng thực hiện.

Luật pháp không cấm phân biệt đối xử dựa trên quan điểm chính trị, tuổi tác, ngôn ngữ, quốc tịch, khuynh hướng tình dục hoặc giới tính. Hơn nữa, không có luật nào cấm chủ doanh nghiệp hỏi về tình trạng gia đình, bao gồm ý định kết hôn hoặc bắt đầu hay chăm sóc gia đình trong các cuộc phỏng vấn việc làm.

Chính phủ không thực thi luật liên quan đến phân biệt đối xử trong tuyển dụng một cách có hiệu quả. Vi phạm các quy định của luật vể phân biệt đối xử trong tuyển dụng bao gồm việc phạt tiền, kể cả phạt hành chính số tiền lên tới 50 đến 75 triệu đồng ($2280 đến $3425) cho hành vi vi phạm các quy định cấm quấy rối tình dục. Tuy nhiên, hình phạt chưa đủ nặng để ngăn chặn hành vi vi phạm về phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Chính phủ thực hiện một số hành động trong năm để giải quyết tệ phân biệt đối xử trong tuyển dụng đối với người khuyết tật. Ví dụ, Bộ LĐTBXH đã ban hành hướng dẫn cho các sở LĐTBXH ở tỉnh thành điều chỉnh việc huấn luyện kỹ năng nghề cho người khuyết tật phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhóm này. Bộ LĐTBXH cũng đã ban hành một chỉ thị yêu cầu tất cả các tỉnh thành dành ra 20% ngân sách đào tạo nghề cho người khuyết tật và đề ra mục tiêu đạt 10% tổng số học viên là người khuyết tật. Các công ty có lực lượng lao động bao gồm ít nhất 51% nhân viên khuyết tật có thể hội đủ điều kiện để vay vốn đặc biệt có trợ cấp của chính phủ.

Thực tế phân biệt đối xử trong thuê mướn người vẫn tồn tại, trong đó có phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, tuổi tác và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ trong khu vực công sẽ phải nghỉ hưu ở tuổi 55, ngoại trừ các phụ nữ ở cấp bộ trưởng hoặc những người có bằng tiến sĩ hoặc giáo sư, so với ở tuổi 60 cho nam. Doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo chiếm khoảng 25% trong số hơn 300.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tiếp tục bị giới hạn trong tiếp cận tín dụng và thị trường quốc tế và thiếu kiến thức trong hoạt động và quản lý tài chính, ngoài các gánh nặng về trách nhiệm xã hội và gia đình. Nhiều phụ nữ cho biết họ nhận được mức lương thấp hơn so với đồng nghiệp nam.

Luật pháp cấm việc thuê mướn ưu tiên dựa trên giới tính cho công việc; dù các tổ chức NGO kết luận việc phân biệt đối xử như vậy có xảy ra nhưng khó chứng minh cáo buộc này. Rào cản thái độ và xã hội vẫn là vấn đề cho việc sử dụng người khuyết tật.

e. Điều kiện làm việc chấp nhận được

Mức lương tối thiểu cho các xí nghiệp dao động từ 2,4 triệu đồng ($110) cho tới 3,5 triệu đồng ($160) mỗi tháng, tùy theo khu vực. Theo luật Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có đại diện của Bộ LĐTBXH, TLĐLĐ, và Phòng Thương mại và Công nghiệp, xác định mức lương tối thiểu vùng. Hội đồng tiền lương quốc gia đã đồng ý tăng mức lương tối thiểu lên 12,4%, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016. Theo Bộ Lao động, mức lương tối thiểu mới sẽ đáp ứng 87-90% tiêu chuẩn lao động tối thiểu. Trái lại TLĐLĐ lưu ý rằng mức lương mới sẽ chỉ đáp ứng được 72% mức sống tối thiểu.

Luật pháp quy định số giờ làm việc bình thường là 8 giờ mỗi ngày, với một lần nghỉ bắt buộc 24 giờ mỗi tuần. Làm thêm giờ đòi hỏi phải trả theo giá làm thêm giờ bằng 1,5 mức lương bình thường, 2 lần mức lương bình thường khi làm luôn trong 24 giờ nghỉ bắt buộc, và 3 lần mức lương bình thường trong các ngày lễ và các ngày nghỉ được hường lương. Luật giới hạn thời gian làm thêm giờ không quá 50% số giờ làm việc bình thường hàng ngày, 30 giờ mỗi tháng, và 200 giờ trong một năm, nhưng cũng có đưa ra ngoại lệ với mức tối đa là 300 giờ làm thêm một năm trong các trường hợp đặc biệt, theo quy định của chính phủ sau khi tham khảo đại diện TLĐLĐ và đại diện phía chủ. Luật cũng quy định số ngày nghỉ phép hàng năm là từ 12 đến 16 ngày, tùy theo loại công việc.

Ngày 25 tháng 6, chính phủ đã thông qua luật đầu tiên về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, luật này cũng mở rộng việc bảo vệ pháp lý và các nỗ lực phòng ngừa tới nền kinh tế phi chính thức. Luật mới quy định doanh nghiệp phải chăm lo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, mô tả các thủ tục cho những người là nạn nhân của các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, và vạch ra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Luật này không quy định quyền của người lao động được tự rời khỏi những tình huống gây nguy hiểm cho sức khỏe hoặc sự an toàn mà không gây phương hại việc làm của họ. Luật bảo vệ “việc thuê mướn lại lao động” như là một mô hình mới về sử dụng và do đó bảo vệ người lao động bán thời gian và lao động tại gia.

Chưa rõ chính phủ thực thi nghiêm chỉnh tới mức nào các quy định về tiền lương, giờ làm việc, và các quyền lợi hoặc các ràng buộc về an toàn lao động và sức khỏe. Bộ Lao động, phối hợp với Uỷ ban nhân dân địa phương và các công đoàn, chịu trách nhiệm thực thi luật, nhưng việc thực thi không đều đặn vì nhiều lý do, kể cả do kinh phí thấp và thiếu nhân viên thực thi được đào tạo. TLĐLĐ khẳng định rằng chính quyền không phải lúc nào cũng truy tố các vi phạm. Bộ thừa nhận thiếu sót trong hệ thống thanh tra lao động và nhấn mạnh số lượng thanh tra lao động toàn quốc còn thiếu nhiều. Theo các quan chức Bộ LĐTBXH, đã có 492 thanh tra lao động trên toàn quốc, bao gồm cả thanh tra toàn thời và bán thời gian. TLĐLĐ nói, và Bộ thừa nhận, mức phạt tiền đối với các doanh nghiệp vi phạm lao động quá thấp để tác động như một biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vi phạm. Mức tiền phạt thường từ 1.065 triệu cho đến 106.500 triệu đồng ($49 đến $4860), tùy theo vi phạm.

Tiếp tục có các báo cáo đáng tin cậy rằng nhiều nhà máy đã vượt quá ngưỡng giờ làm thêm pháp lý và không đáp ứng các yêu cầu pháp lý về các ngày nghỉ. Người lao động nhập cư, trong đó có người chuyển vùng vì kinh tế, nằm trong số những người lao động dễ bị thua thiệt nhất, và chủ doanh nghiệp thường buộc họ làm việc trong điều kiện làm việc nguy hiểm. Những lao động khác, những người thường xuyên làm việc trong kinh tế không chính thức bao gồm các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số. Bị thương tại chỗ làm do điều kiện y tế và an toàn kém và việc huấn luyện nhân viên không đúng mức vẫn là một vấn đề. Tai nạn trong công nghiệp và xây dựng lớn xảy ra thường xuyên. Ví dụ, hồi tháng 3, một giàn giáo lớn bị sập tại một công trường xây dựng trong một khu công nghiệp do Đài Loan đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh khiến 16 người chết và 27 người bị thương. Bộ LĐTBXH ước tính có khoảng 50 công nhân thiệt mạng mỗi tháng trong các tai nạn công nghiệp.

Dịch giả: Trần Văn Minh [0-1]; Nghĩa Bùi [2-5]; Phan Văn Song [6-7]
____

Mời xem lại: Bộ Ngoại Giao Mỹ lại tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền (RFI/ BNG Mỹ/ BS).

Bộ Ngoại Giao Mỹ 
Theo Basam