TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ, NHÀ GIÁO DỤC ĐỖ PHƯƠNG KHANH (1936-2020) (Phan Anh Dũng/Cỏ Thơm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

..”…Tất cả mọi việc thế gian,
Đều như mộng, huyễn, ảnh hiện,
Như giọt sương mai, điện chớp
Đến…đi…mau lẹ như thế…”…
(Ý kinh Kim Cang)

 

               PHÂN ƯU CỦA TỪ ÂN THIỀN ĐƯỜNG

                    

Nhận được tin buồn đạo hữu Bà Đỗ Phương Khanh pháp danh Diệu Viên vừa mãn phần vào ngày 26 tháng 8 năm 2020 vừa qua.
Đại chúng hành giả Tham Thiền tại Từ Ân Thiền Đường, Santa Ana California xin gửi lời chia buồn cùng môn nhơn hiếu quyến.
Bà Đỗ Phương Khanh còn được biết đến dưới tên là Cô Liên Hương, người đã từng đã có thâm tình lui tới pháp hội Tổ sư thiền của cố Hòa thượng Thích Duy Lực nhiều năm, cô đã từng giúp Hòa Thượng trong vai trò chấp bút dịch kinh sách phụ với cố hòa thượng.
Cô Liên Hương là người có kiến thức hiểu biết khá nhiều về Phật pháp, cộng thêm nhiều năm thân cận HT Thích Duy Lực cho nên cũng là người lão tham. Tánh tình Cô ôn hòa rất quý chư tăng ni và thích giúp người.

Thời gian sau nầy vì tuổi già sức yếu, Cô ít lui tới thiền đường nhưng tâm luôn hướng về thiền đường và đại chúng.

Cô Liên Hương ra đi là mất mát lớn riêng của gia đình cũng là mất mát chung của bạn đạo đồng tham. Qua sự ra đi của Cô xin gia đình bớt đau buồn và hãy cùng đại chúng ý thức về việc vô thường để miên mật công phu cho đến ngày biết rõ được chính mình, cùng hòa vào tự tánh trong đó không thiếu một ai cả. Xin đại chúng trân trọng!

 Trụ trì Từ Ân Thiền Đường, Santa Ana, California

Tỳ kheo Thích Minh Ngọc

 

     

                                                                     MẸ TÔI
                                                         ** Michael Bùi **
Gia đình tôi là gia đình di cư. Năm 1954, đồng 18 tuổi, Bố Mẹ tôi nắm tay nhau xuống tàu Há Mồm xuôi Nam chạy trốn chế độ Cộng sản.
Vào đến Sài Gòn, Bố Mẹ tôi khởi nghiệp bằng cách hành nghề viết Sách làm Báo. Năm tôi còn học Tiểu Học, Mẹ tôi dùng tư gia để thành lập Cơ Sở Ấn Loát Huyền Trân. Căn nhà này được cái sâu và rộng nên tôi thấy có đến cả trăm nhân viên nhà in làm việc suốt ngày. Chỗ thì chứa các máy in, chỗ thì để những hộc chữ bằng chì, phòng này đặt máy sén, cắt giấy, phòng kia cho giai đoạn khâu sách bằng chỉ của các cô các dì..v…v….Trong giờ làm việc thì ôi thôi vui lắm. Tiếng máy in chạy rầm rầm xen lẫn tiếng nói, tiếng cười đùa, tiếng ca vọng cổ…nó tạo nên một không khí rất sinh động.
 
Công nhân của nhà in thì rất quý Mẹ tôi qua cách cư xử và đối đãi với họ rất tận tình chu đáo như đại gia đình. Tôi nghe bà thường nói, ngày thứ 6 là ngày vui nhất của Mẹ trong tuần đó con, vì ngày đó là ngày phát lương cho thợ. Nghĩ đến cảnh họ có tiền chạy về nhà dẫn vợ con đi chơi cuối tuần là Mẹ thấy vui rồi. Cái chân lý ấy đã thấm nhuần tôi cho đến mấy chục năm về sau này, tốt với nhân viên thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy thôi.
Có thể nói là Mẹ tôi rất thương tôi, chưa bao giờ Mẹ tôi la rầy gì hết cho mặc tôi có phá phách kiểu gì đi nữa, Mẹ tôi chỉ nhìn và khuyên tôi thôi đừng làm vậy nữa nhe con. Hồi xưa kỹ thuật in ấn còn thô sơ chứ không viết bằng computer rồi in ra như bây giờ. Bài viết được thợ sắp chữ nhìn vào rồi bốc từng chữ chì cho vào cái khay, ABCD – sắc huyền hỏi ngã nặng, sắp được vài hàng là họ phải bỏ qua một bên rồi sắp tiếp, một trang bài có là thợ giỏi cũng mất khoảng 1/2 tiếng, khi đầy trang rồi thì lấy dây cói cột lại, xong họ cà mực lên chì rồi lăn qua giấy trắng, chữ chì ngược khi in qua tờ giấy sẽ hiện ra chữ xuôi.
Dĩ nhiên là khi bốc từng chữ như vậy chắc chắn họ sẽ bốc lộn, Mẹ tôi sẽ coi lại những chỗ sai gọi là sửa Morát, bà lấy bút lôi ra sửa từng chữ rồi trả về cho thợ sắp chữ, họ chỉ việc lấy cái nhíp gắp từng chữ sai ra rồi thay vào đó bằng chữ khác cho đúng. Bản chì đã sửa đủ thành trang, họ chồng lên nhau để chờ đưa vào máy in.
Thế mà ban đêm bọn con nít chúng tôi kéo nhau vô chạy nhảy trong nhà in làm lộn tùng phèo hết đống chữ ấy, kéo theo những chồng giấy in khổ báo lớn chất cao tới trần nhà xập xuống đổ ngổn ngang. Thế là sáng hôm sau những người thợ phải làm lại từ đầu. Họ báo cáo lên thì Mẹ tôi cũng không nói gì, bà chỉ yên lặng khi nhìn ra thủ phạm chính là tôi, rồi hiền từ nói, các con muốn chạy nhảy thì ra sân mà chơi nhé, đừng làm công việc nhà in của Mẹ bị chậm trễ.
Có những buổi trưa khi Mẹ tôi còn làm quản lý cho nhà in Hồng Lam trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm của Linh Mục Cao Văn Luận. Cha Luận từng là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, sau bị chính quyền Ngô Đình Diệm thất sủng qua vụ Biến Động Miền Trung, cha có viết một cuốn Hồi Ký lẫy lừng tựa “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965”. Mẹ tôi cho tôi đi theo chơi quanh quẩn trong nhà in. Mỗi lần được gặp mặt, cha Luận lại dúi cho tôi nay thì vài cái kẹo, vài bữa thì cái bánh giò, nghĩ lại thật là hân hạnh, cũng nhờ Mẹ tôi.
Rồi cũng có những lần, Mẹ tôi dắt tôi đi khám bệnh hay đi làm răng ngoài Sài Gòn, tôi rất ghét cái cha nha sĩ này ở gần VP Beer BGI cạnh hãng làm Nước Đá trên đường Hai Bà Trưng, khi xe xích lô ngừng trước cửa là tôi biết ngay, sợ lắm nhất định không dám vào, Mẹ tôi lại phải dụ ngọt mãi. Bù lại, cứ mỗi lần như thế là Mẹ tôi lại dắt tôi đi xem Ciné ở các Rạp như Eden, Đại Nam, Rex…., xong bà còn thưởng cho một chầu ở quán Kem Bạch Đằng đối diện Casino Sài Gòn vì tôi đã anh dũng hy sinh cái răng bị hư. Thiệt, răng bị sâu tôi còn không biết thế mà Mẹ tôi đã biết tỏng rồi…
        
Khoảng đầu thập niên 70, Mẹ tôi vừa làm nhà in, vừa mở thêm Vườn Trẻ Anh Vũ theo phương pháp giáo dục Montessori, bà mướn trọn cái nhà lầu 2 tầng kế bên có cái sân rất rộng, rồi đập luôn cái tường cho thông qua nhau. Ban ngày phụ huynh gửi trẻ, tối về hết thế là bọn chúng tôi lại có thêm đất để chạy nhảy, bắn súng, chơi 5-10. Hò hét vui thật vui, lũ con nít trong xóm thòm thèm muốn vô chơi phải xin vào à nhe, nên tôi rất có thớ, đứa nào cà chớn tôi tống cổ ra nên tụi nó một phép. Ỷ Mẹ mà, có quyền vênh váo chút chứ.
Ngoài 2 Cơ Sở nêu trên, Mẹ tôi còn phụ trách trang Nhi Đồng trong Báo Hòa Bình của Linh Mục Trần Du trên đường Phạm Ngũ Lão, trang Phụ Nữ trong Báo Dân Chủ thuộc Đảng Dân Chủ của ông Thiệu trên đường Hiền Vương. Đồng thời vào năm 1971, Báo Thiếu Nhi cũng ra đời, bà là Tổng Quản Trị và đồng phụ trách trang Vườn Hồng mà Chủ nhiệm là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân nhà sách Khai Trí và chủ bút là nhà văn Nhật Tiến. Thời gian này nhà tôi còn đông nữa, Mẹ tôi tận dụng luôn mấy phòng trên để làm Tòa Soạn. Hàng ngày thì các cô chú trong Ban Biên Tập tới làm việc, cuối tuần thì mở cửa đón các thiếu niên vào Thư Viện Báo Thiếu Nhi đọc sách, sinh hoạt Gia Đình Thiếu Nhi. Báo Thiếu Nhi còn mở lớp dạy ORIGAMI – Nghệ Thuật Gấp Giấy của Nhật Bản nữa chứ. Nói chung Mẹ tôi đầu tắt mặt tối, nhưng hình như càng thấy đông con nít lại càng làm cho bà vui, chẳng bao giờ thấy Mẹ tôi kêu ca phiền hà gì.
Năm tôi lên lớp 6, chắc phá quá nên Mẹ tôi cho tôi vào trường nội trú Don Bosco ở Thủ Đức. Cuối tuần thứ 7 có xe Bus chở về, ngày Chủ nhật họ lại đón đi. Dĩ nhiên là bị bắt vào khuôn khổ kỷ luật của các Linh Mục người Hòa Lan thì làm sao tôi thích được. Thế là tôi dùng 500$ mà cứ mỗi tuần Mẹ tôi dúi vào tay khi ra đi ngày Chủ nhật, tôi mua kẹo Cam, kẹo Dâu trong cái hộp sắt ở Căn Tin rồi chờ thứ 7 đem về tặng Mẹ như là quà hối lộ. Năn nỉ ỉ ôi riết qua năm lớp 7 vì thương tôi nên Mẹ tôi cho tôi về học Lasan Hiền Vương-Sài Gòn.
Vì trong giới Nhà Văn Nhà Báo, Bố Mẹ tôi có rất đông thân hữu. Từ nhà văn Duyên Anh, Mai Thảo, Nguyễn Hiến Lê, Cung Tích Biền, Sơn Nam..v…v… cho tới Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, Minh Quân, Tuệ Mai….Riêng nhà văn Nguyễn Thị Vinh còn nhận tôi là con nuôi, mà tôi xưng lại là Me Vinh. Hầu như gần hết các Văn Nghệ Sĩ ở Sài Gòn thường xuyên lui tới thăm viếng ông bà cụ và nhiệm vụ của tôi là bưng nước. Còn đãi tiệc thì có thể nói là thường xuyên. Cứ mỗi lần đi học về xuống nhà bếp là thấy Mẹ tôi và 3 bà người làm tất bật lo chuẩn bị, thường thì Mẹ tôi đãi khách bằng các món Miền Bắc như Bánh Tôm Cổ Ngư, Chạo Tôm, Nem Rán Cua Bể, Giả Cầy hay Bún Thang, Bún Ốc..v..v…Thế là tôi lại có dịp được uống nước Xá Xị, nước Cam thả giàn. Chai ướp lạnh khui ra cứ vậy mà nốc.
Ngày 30/4/75 đại họa ụp xuống thế là Mẹ tôi bi mất hết. Nhà in dẹp tiệm, Vườn Trẻ giải tán, toàn bộ Báo Chí của Miền Nam Tự Do bị cấm đoán, chỉ có Nhật Báo Tin Sáng của Dân Biểu nằm vùng Ngô Công Đức là được ra lại vào tháng 7/1975 vì Võ Văn Kiệt cần một tờ báo của chế cũ để tuyên truyền. Đã thế vào tháng 9/1975, Ủy Ban Quân Quản còn ra lệnh đổi tiền, cứ 500$ tiền VNCH đổi được 1$ tiền mới. Mỗi gia đình được phép đổi 100,000$ VNCH tức là chỉ được 200$ tiền Việt Cộng. Gia đình nào có trên 100,000$ VNCH thì kể như mất sạch. Cú này là đòn chí tử đánh vào những gia đình trung lưu ở Miền Nam. Mẹ tôi kể như trắng tay sau 20 năm tích lũy.
Miền Nam sau ngày Sài Gòn tắt bóng, người dân sống trong cảnh lo âu sợ hãi. Không biết đêm nào công an sẽ gõ cửa bắt đi vì lý do nào đó. Tuy vậy, ở một khóa học tập gọi là “Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị dành cho Văn Nghệ Sĩ”, Mẹ tôi đã đứng lên chỉ mặt vào một Cán Bộ Miền Bắc tên Mai Quốc Liên, khi ông ta dám tuyên bố rằng: “Các anh các chị làm đừng trông mong vào việc cầm bút trở lại. Bởi vì miền Nam các anh các chị làm gì có văn hóa!” Mẹ tôi hỏi: “Anh vào trong Nam được bao lâu rồi, và anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm của miền Nam rồi mà anh dám nói miền Nam không có văn hóa?” Làm hắn cứng họng.
Là con người đầy nghị lực, Mẹ tôi lại lăn ra đường kiếm sống cũng như hàng triệu người Miền Nam khác, bằng cách mở quán bán Bánh Tôm Cổ Ngư tại Hồ Con Rùa trước cửa Viện Đại Học Sài Gòn (tôi có bài viết kỷ niệm về Quán Bánh Tôm này, link đính kèm: https://hi-in.facebook.com/michaeltrubui2/posts/10157580820863405?__tn__=K-R). Một thời gian sau cũng không xong phải dẹp tiệm vì bị công an rình rập, về nhà bà đi vay mượn rồi lại mở Cơ Sở Sản Xuất Nước Đá. Thấy có vẻ xôm trò, thế là Ủy Ban Nhân Dân Phường bắt phải đưa vào Hợp Tác Xã, tức mình Mẹ tôi dẹp luôn, nhất định không dây dưa gì đến chúng nó.
Trong thời gian này, một hôm tôi thấy có Ký Giả, Phóng Viên Chiến Trường Kiều Mỹ Duyên tới nhà sầm sì gì với Mẹ tôi chuyện gì đó. Vài ngày sau thì tôi thấy có một người đàn ông lạ mặt tới ở tuốt đàng sau nhà, căn phòng này xưa là cái kho nhỏ cạnh nhà tắm. Ông ta không bao giờ ra đường, tôi cũng không rõ ông ta ăn uống thế nào. Rồi mãi sau này tôi mới biết ông ta tên Nguyễn Phúc Vĩnh Tung, là sĩ quan QLVNCH, chồng cô Kiều Mỹ Duyên trốn tù cải tạo về thành phố. Thế mà Mẹ tôi ra tay giúp đỡ bao che cho. Thiệt, chúng mà bắt được thì Mẹ tôi có môn rũ tù, nhưng bà vẫn tỉnh bơ làm như không có chuyện gì xảy ra. Ông Vĩnh Tung sau cũng tìm ra đường đi vượt biên và đã đến được bến bờ tự do vào năm 1979.
Thời gian sau Mẹ tôi nhờ quen biết nên được ông Lý Thái Thuận một người Việt gốc Hoa, Giám Đốc nhà in Alpha mời về làm xếp khâu sửa Morát có biên chế nhà nước. Mừng quá bà nhận lời ngay. Thế là ngày qua ngày, Mẹ tôi lại đạp xe đạp từ Cổng Xe Lửa Số 6 đi làm công nhân viên ở đường Phạm Ngũ Lão gần chợ Thái Bình. Có lần mãi đến tối mịt mới thấy Mẹ tôi về, mồ hôi nhễ nhại – trời ơi Mẹ tôi phải dắt xe đạp bị đứt dây sên từ đường Kỳ Đồng về tới nhà vì không đủ tiền sửa. Dây sên phải thay mới. Nhưng bà vẫn hớn hở, vì trong giỏ hôm đó là ngày Mẹ tôi được mua Nhu Yếu Phẩm có 1 ký thịt heo. Nhìn Mẹ mà tôi chảy nước mắt nhưng không làm gì được cho Mẹ!
Nhưng cũng nhờ sự quen biết này mà Mẹ tôi mới vay được tiền ông Lý Thái Thuận để lo cho 2 anh em tôi đi vượt biên. Ngày chia tay xuống bãi vào cuối Hè năm 1979, Mẹ tôi dúi vào tay tôi một chỉ vàng rồi ôm tôi khóc, Mẹ không biết con sẽ đi về đâu, nhưng nếu có thoát được ráng cho Mẹ biết để Mẹ khỏi lo, tôi biết chắc rằng Mẹ tôi sẽ không ngủ được. May sao, rời Ngọc Hà, ghe của tôi lênh đênh trên Biển Đông khoảng 1 tuần thì được tàu của Hoàng Gia Na Uy vớt lên đem vào Singapore. Nhập trại xong là tôi mò ra Sembawang đánh điện cấp tốc ngay về cho Mẹ chỉ với 1 hàng chữ “Cam on co chu Thuan”, cho khỏi lộ chuyện gia đình có thân nhân đã đào tẩu với bọn công an khu vực.
Lại nữa, không có Mẹ tôi lo cho đi thì ở lại cũng đi đạp xích lô chứ khá gì nổi ở cái xứ “Xếp Hàng Cả Ngày” (XHCN) ấy.
Mẹ tôi chia ra cho cả gia đình đi vượt biên thành 3 chuyến. May sao cả 3 đều trót lọt và cùng gặp nhau tại California. Năm 1981 qua tới nơi, bà lại làm lại từ đầu. Bố mẹ tôi chở nhau đi học điện cho thực tế, hồi xưa có trường Control Data Institute ở Anaheim, không biết bây giờ còn không. Sau đó, cả 2 ông bà đều ra trường với tấm bằng Technician điện. Sau Hãng Verifone chuyên sản xuất máy cà credit card, nhận cả 2 vào làm Electronic Technician cho tới ngày Bố Mẹ tôi nghỉ hưu, tính ra Mẹ tôi làm cho Verifone cũng được 20 năm.
Sau khi nghỉ hưu có thời giờ rãnh rỗi, Mẹ tôi bắt đầu dồn nỗ lực vào việc nghiên cứu kinh kệ. Bà phụ trách và biên soạn cho chương trình về Phật Pháp Tuệ Đăng hàng tuần trên đài Hồn Việt TV phát đi khắp 50 tiểu bang và Canada. Ngoài ra Mẹ tôi còn dịch sách của Triết Gia Krishnamurti sang Việt Ngữ, cũng như phụ trách điều hành trang website http://www.khaiphong.net cho dân mạng mở mang kiến thức về các vần đề Khoa Học Xã Hội.
 
                   
Nói thật, Mẹ tôi sinh tôi ra, lo lắng cho tôi từng li từng tí, cái gì tôi thích bà cũng chiều. Muốn đi chơi, Mẹ cho tiền. Muốn xe đạp có xe đạp, muốn giầy mới, đồ mới, mẹ tôi trước sau gì cũng xì tiền cho tôi mua. Chẳng bao giờ thấy Mẹ lôi la mắng gì cả. Ngay đến cái Sổ Học Bạ hồi xưa, tháng nào mà tôi bị xuống hạng, tôi cũng cầu cứu Mẹ tôi đưa Bố tôi ký cho xong chuyện còn đem đi nộp.
Ngày Mẹ tôi nghỉ hưu, bà có tiền hưu, tiền già, chẳng khi nào bà cần gì từ anh chị em chúng tôi. Nói đúng ra thì tôi chưa lo cho Mẹ tôi được ngày nào, thứ vô cùng vô dụng đối với Mẹ tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng có chút an ủi làm cho Mẹ tôi vui, số là thế này. Cách đây 10 năm sau khi giá Địa Ốc bị sụp đổ, tôi xoay qua nghề nhập các loại máy về massage vô Mỹ bán. Máy thì ôi thôi tôi có đủ hết: Massage bụng, cổ, vai, lưng, tay, chân, đầu, mặt … nói chung là các loại các kiểu đủ hết. Mà Mẹ tôi sau này lại hay bị đau nhức vì hồi xưa trước 1975, có lần bà bị xe lửa đụng. Đúng vậy, xe lửa đụng nát chiếc xe hơi bà đang đi tại Cổng Xe Lửa Số 6 đâm ra bệnh đau nhức nó cứ theo bà từ dạo đó. Thế là tôi mang đủ loại máy massage qua cho Mẹ tôi trị bệnh, mang nhiều đến nỗi bạn bè của Mẹ tôi đến chơi họ còn nói giỡn, cứ tưởng như đang lạc vào GYM. Nhờ vậy mà bệnh đau nhức của Mẹ tôi cũng bớt nhiều, lại còn không phải mổ chân theo lời một ông BS kia súi bậy.
Có cái đưa máy mới thì lúc nào Mẹ tôi cũng áy náy vì sợ tôi cần hàng để bán cho khách. Tôi phải năn nỉ, Mẹ ơi, máy con có cả kho, mẹ cứ sài đồ mới đi… mãi bà mới chịu nhận. Đấy, đến cuối đời Mẹ tôi vẫn lo cho tôi chẳng khác gì ngày tôi còn bé.
Mẹ tôi là người ăn chay trường từ 30 năm nay. Bà sống rất đạm bạc, vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Cách đây vài tuần, Bác sĩ phát giác ra Mẹ tôi trở bạo bệnh vào thời kỳ cuối. Không than van, không rên siết, không làm phiền tới ai. Mẹ tôi đã ra đi thanh thản vào trưa ngày hôm qua August 26th, 2020 với đầy đủ con cháu chung quanh.
Mẹ ơi, tối hôm qua lúc xe Nhà Quàn tới đưa Mẹ đi, tụi con tiễn Mẹ cho tới giờ xe lăn bánh. Kỷ niệm của những năm tháng thời thơ ấu lại trở về đầy ắp trong tâm trí. Bao nhiêu âu yếm ân cần mà Mẹ cho tụi con nay đã trở thành dĩ vãng. Ước gì Mẹ ráng ở lại thêm được ngày nào hay ngày đó thì vui biết mấy, hay là Mẹ quay luôn về sống lại những ngày xưa ấu thơ của tụi con thì càng tốt. Con sẽ chạy quanh Mẹ để Mẹ xoa đầu gọi “Trụ của Mẹ”, Mẹ phải đền cho con khi con bị té, Mẹ phải đền từng mũi chích, từng cái răng khi con bị nhổ, nhất là phải có Mẹ con mới lên mặt được với “chúng nó”.
Nhưng ước gì thì ước vậy thôi chứ Mẹ đã ra đi thật rồi thì con xin kính chúc Mẹ được thảnh thơi trên cõi Vĩnh Hằng. Đời Mẹ đã hy sinh cho tụi con như thế là quá đủ, Mẹ đừng bận tâm nữa Mẹ nhé.
Con của Mẹ.
Michael Bùi
Aug 27th, 2020
                                     
                                             (Tranh: ViVi Võ Hùng Kiệt)

                      

 

                             Nhà văn Nhật Tiến (chủ biên) đọc diễn văn nhân 1 năm thành lập tuần báo Thiếu Nhi do Ông Nguyễn Hùng Trương (chủ nhiệm) – ông là Giám Đốc nhà sách/nhà xuất bản Khai Trí

 

                        NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO DỤC
ĐỖ PHƯƠNG KHANH KHÔNG CÒN NỮA!

                                                   ** Trương Anh Thụy **

 
   Vâng, bà đã vĩnh viễn ra đi nhưng những gì bà để lại cho hậu thế thì nhiều vô kể. Cứ xem tiểu sử của bà thì cũng rõ phần nào, tôi thấy không cần nhắc lại trong bài này, mà chỉ viết vài kỷ niệm riêng với bà. Tiếp theo tôi xin phép được gọi bà bằng “chị” cho thân tình và hợp với những điều tôi sắp kể.

                         Tôi gặp chị Phương Khanh và anh Nhật Tiến lần đầu tại nhà in Trường Sơn, Sài Gòn hồi cuối thập niên 50, nơi chị Phương Khanh và nhiều nhà văn tên tuổi khác gặp gỡ nhau hàng ngày. Riêng chị còn cộng tác với nhà in và viết bài cho tạp chí Tân Phong, một giai phẩm văn nghệ ở đây nữa. Nhà in Trường Sơn và toà soạn Tân Phong tọa lạc trên đường Nguyễn An Ninh, ngay sau chợ Bến Thành Saigon, vốn là cơ sở thương mại của người anh con bác tôi, nhà văn, dịch giả Trương Bảo Sơn và nhà văn Nguyễn Thị Vinh (vợ anh, lúc bấy giờ), cho nên song thân tôi và tôi tới lui nơi này như người trong nhà vậy. Mẹ tôi yêu chị Phương Khanh và cả chị Vinh nữa, nhưng cụ vẫn sáng suốt so sánh: “Hai cái cô này thân với nhau đấy nhưng tính nết hai người thật là trái ngược. Cô Phương Khanh đàng hoàng giản dị bao nhiêu thì cô Vinh se sua, đỏm dáng bấy nhiêu!”
 
   Ở hải ngoại tôi cũng có cái duyên được gặp chị Phương Khanh nhiều lần vì làm việc chung với anh Nhật Tiến trong Ủy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee) ở San Diego của GS Nguyễn Hữu Xương và nhà văn Phan Lạc Tiếp. Chính anh Nhật Tiến là người giới thiệu tôi với cơ quan thiện nguyện này. Tôi cũng ghi nhớ sự ưu ái đặc biệt của cháu Mai Khanh, con anh chị, đã dành cho Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của anh Nguyễn Ngọc Bích và tôi trong những buổi ra mắt sách trang trọng tại tòa soạn Little Saigon Radio và Viet Tide Magazine của cô và nhà báo Vũ Quang Ninh. Có một lần nhân có chuyện buồn trong gia đình tôi – anh Trương Bảo Sơn và vợ anh là chị Nguyễn Nữ Nghi ở Canada mất cùng một ngày (một sự mất mát lớn và đột ngột cho gia đình, nhưng theo nhà Phật thì đó là cái duyên tiền kiếp, họ đã hẹn nhau như thế và được toại nguyện.) Chị Phương Khanh từ Cali bay sang Canada, tôi và một số đông họ hàng từ Cali và Hoa Thịnh Đốn tới. Chúng tôi có được vài ngày gặp gỡ, hàn huyên, y như hồi còn ở Sài Gòn vậy.
   Được biết những ngày đầu vừa đặt chân đến Cali, anh Nhật Tiến thì đi cắt cỏ mướn, chị Phương Khanh thì làm gác dan cùng nghề với cậu em Tưởng Năng Tiến. Thay vì chọn con đường làm “Welfare Queen” để rảnh thân ngồi viết lách cho riêng mình, thì chị chịu khó làm những việc lao động với đồng lương rẻ mạt, để tránh tạo gánh nặng cho xã hội đã cưu mang gia đình mình. Sau một thời gian khi anh chị đã an cư lạc nghiệp, con cái đã thành đạt, chị quyết định tu tại gia, chọn sống một mình trong một căn nhà xinh xắn, yên tĩnh, ở khu dành riêng cho các vị cao niên ở Westminster. Có vài lần tôi qua Cali ra mắt sách, tôi đến ở chơi với chị. Nhà chị như một cái am. Chị không hề bầy một bàn thờ đồ sộ, cái cảm giác “bén mùi thiền” trong tôi là cái không khí yên tịnh, cách bày biện đơn sơ với các tủ sách đầy kinh kệ. Mùi hương, trầm thoang thoảng… Tuyệt đối không thấy mùi nấu nướng của các bếp trong gia đình Việt Nam vì chị ăn chay trường. Bên ngoài cửa sổ có các bồn hoa tươi bốn mùa…
   Nơi đây chị dùng hết cả thời giờ cho tham thiền, đọc sách về Phật Giáo, và ngồi trước máy tính tìm kiếm và dịch ra tiếng Việt các tài liệu về bảo vệ súc vật, những câu chuyện của các nhà tư tưởng lớn chẳng hạn như nhà hiền triết Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986), ông cổ võ cho tình nhân ái và tìm cách giải thoát con người ra khỏi tình trạng bị điều khiển bởi tính tham lam, ích kỷ… Biên soạn chương trình tìm hiểu Phật Pháp Tuệ Đăng để phát thanh hàng tuần trên Little Saigon Radio và Hồn Việt TV dưới bút hiệu Liên Hương (Pháp danh của chị là Diệu Viên)…vv…
                  
   Sáng nào anh Nhật Tiến cũng đến thăm chị với vài tờ báo mới. Có một bữa, nhìn hai anh chị ngồi nói chuyện tôi chợt nhớ tới câu chuyện thú vị mẹ tôi kể: Khi anh Nhật Tiến nổi danh là một nhà văn lớn, có rất nhiều cô gái Sài Thành mê anh như điếu đổ. Có một cô “theo” anh ấy đến mức độ nào đó mà chị Phương Khanh biết được, chị bèn mời cô ta đến nhà và cùng vui vẻ trò chuyện. Chẳng biết hôm đó chị “chiếu tướng” cô này ra sao, mà sau không còn thấy cô  trở lại với anh Nhật Tiến nữa! Nghe chuyện đó tôi phục lăn, “Đàn bà dễ có mấy tay!” Thì ra ghen cũng có nhiều kiểu, các bà ghen mà cứ làm ầm ỹ lên chỉ tổ khiến cho ông chồng và đối thủ thấy hết cả bản lĩnh của mình, đâm ra nhờn, hết biết sợ!
   Mấy hôm nay tôi nhận được khá nhiều “email lạc,” của các học trò chị gửi ra. Có lẽ do họ cứ “reply all” cho một email nào đó, khiến tôi cũng có dịp đọc và thấy trong đó có nhiều tên tuổi với những lời lẽ thiết tha như: “… Đồng thời, cũng là nổi buồn lớn cho chúng em, những thế hệ đã đọc báo Thiếu Nhi. Đặc biệt được may mắn gặp Thầy Cô, được Thầy Cô hướng dẩn, dạy bảo và trò chuyện… ”  Và: “Em luôn nhớ, cùng với cha mẹ, thầy cô Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh qua tờ báo Thiếu Nhi cùng các thầy cô khác đã dạy chúng em nên người.” (Nhấn mạnh của người viết.) Còn nhiều nữa như tôi không thể trích hết ra đây.
    “Dạy ….  nên người” là điều tôi hằng trăn trở từ nhiều năm nay! Ở một quốc gia văn minh tột độ, trong đó người ta chú trọng đào tạo con người nói chung, tuổi trẻ nói riêng, biết sử dụng thành thạo các kỹ thuật cao, biết bấm Smart Phone, Iphone để tìm kiếm gần như tất cả mọi tin tức trong đời sống hàng ngày, biết tạo ra các Robot có thể thay con người làm được gần hết mọi chuyện…vv và…vv… thì ai là người dạy cho “con người nên người”, nếu không phải là một số ít ỏi và cô đơn từng âm thầm làm việc này, mà điển hình là cặp Nhật Tiến – Phương Khanh?

“Thông minh” (intelligence) thì mới sinh ra con người đã có thể sẵn có, nhưng “trí tuệ” (wisdom) thì cần phải được trau dồi, rèn giũa thì mới nên. “Ngọc bất trác bất thành khí” là vậy! “Thông minh mà thiếu trí tuệ sẽ đưa con người vào những nhận xét mê lầm. Khi đó, con người sẽ trở thành những cỗ máy, những “xác sống”. Bộ óc không biết suy nghĩ sẽ dễ dàng bị kiểm soát để làm những việc phi nhân tính.” (Trích Nguyen Phong – Muôn Kiếp Nhân Sinh – 2020).
Thiết tưởng văn minh đến mấy thì rồi cũng có lúc người ta phải nên chậm lại mà suy nghĩ… Phải chi mà mỗi con người đều được “dạy nên người” thì làm gì có các hành động bất nhân, độc ác, cuồng nộ, hận thù, tham lam, ích kỷ… như xã hội chúng ta đang phải trải nghiệm hàng ngày như hiện nay!
 
 
Nhà văn kiêm dịch giả Đỗ Phương Khanh tại tòa soạn tuần báo Thiếu Nhi, Sài Gòn. (Hình: Facebook Michael Bùi)

Dựa vào tinh thần vừa nói trên, rõ ràng sự đóng góp của các nhà giáo dục, trong đó có chị Đỗ Phương Khanh là cần thiết. Chị nay “không còn nữa” nhưng những gì chị để lại sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau. Những đóng góp âm thầm không ngừng nghỉ và vô vị lợi của chị đáng được trân trọng và ghi nhớ của không chỉ tuổi trẻ Việt Nam mà của cả cộng đồng, xã hội nữa./.

Trương Anh Thụy
(Ngày cuối cùng của tháng 8, năm 2020)

                            

               Hồ Trường An viết về Đỗ Phương Khanh

Đỗ Phương Khanh đã làm quen với độc giả qua vài truyện ngắn như “Đi Mua Giầy”, “Giận Nhau” trên tập san Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương. Chị xuất hiện đồng thời với Duy Lam, Nhật Tiến, Tô Hoàng, Tuyết Hương. Sau đó trên tập san Tân Phong, chị còn cho đăng một vài truyện ngắn nữa, như truyện “Con So” chẳng hạn.

Từ khi làm vợ Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh hầu như ngưng sáng tác. Chị Nguyễn thị Vinh thường than thở: “Cô Phương Khanh thông minh, duyên dáng, viết hay lắm cơ. Tại cô ấy bận rộn con cái nên không chịu viết nữa. Vả lại cô ấy thấy chồng mình thành công trên văn đàn là cô ấy mãn nguyện rồi.” Khi chị Nguyễn thị Vinh thực hiện tuyển tập truyện ngắn “Mười Hoa Trổ Sắc” gồm mười truyện ngắn của mười tác giả nữ thì chị Đỗ Phương Khanh cũng đóng góp vào đó một truyện, lấy tựa đề là “Vàng Son” một truyện xã hội, văn phong tuy dịu dàng, chải chuốt, nhưng thật đắng như vị quế chi, lưu hội.

                             

Đỗ Phương Khanh viết về truyện nam nữ yêu nhau, truyện đời sống lứa đôi trong gia đình. Xã hội trong tác phẩm của chị là xã hội trung lưu. Nhân vật của chị là những nhân vật bình thường, tầm thường. Thế nhưng câu văn dí dỏm, lối diễn tả hoạt bát, bố cục chặt chẽ đã làm cho các tác phẩm truyện ngắn của chị lôi cuốn thao thao như lạch nước chảy siết vọng tiếng ngân thánh thót.

Tôi được biết chị Đỗ Phương Khanh vào năm 1967, trong buổi tiếp tân tại nhà chị Nguyễn thị Vinh. Hôm đó, bên phía đàn ông có Nhật Tiến, Phổ Đức, Tô Thùy Yên, Thục Vũ, Duy Thanh, Anh Hoàng Tổng. Bên nữ có: Nguyễn thị Thụy Vũ, chị Trúc Liên (vợ họa sĩ Duy Thanh), nhà thơ nữ Diễm Phúc. Và có thêm một số thân hữu không phải là văn nghệ sĩ, trong đó có Đoàn Yên Linh và tôi.

Sau màn trà nước, mọi người dùng tiệc theo kiểu self-service. Chiếc bàn dài chất đầy rượu, sôi gấc, nộm sứa, chả rán, ai thích ăn gì tùy thích mà lấy. Mãi tới lúc bữa ăn gần tàn, chị Đỗ Phương Khanh mới bồng con tới. Chị mặc bộ áo sẫm màu huyền bóng loáng rắc bông đỏ tía lấm tấm. Vóc chị hơi đẫy, nhưng gọn và tươi mát. Chị ăn nói thật duyên dáng, lời nói đơn giản nhưng dí dỏm, ý nhị. Chị vui vẻ nhưng vẫn đóng khung trong thước ngọc khuôn vàng.

Cách đó năm năm sau, một hôm tình cờ theo chị Thụy Vũ đến trụ sở Trung Tâm Văn Bút, tôi gặp chị và nhận không ra chị. Chị mảnh dẻ, tha thướt hơn trong chiếc áo dài màu xám mịn màng óng ả điểm những mặt tròn cỡ đồng xu màu đen. Chiếc áo vừa đẹp vừa nổỉ choáng lộn dù chỉ có hai màu vừa buồn vừa nguội lạnh nhưng nền và bông hòa hợp một cách xôn xao. Chị xài son phấn thật ít, tóc chải óng ả tự nhiên chứ không xịt keo. Cái đơn giản vừa phải làm chị đẹp phong lưu hẳn ra.

Năm 1973, có lần trời vừa chạng vạng, nhân dịp đi ngang qua nhà chị, ngó vào thấy đèn lửa leo lét (vì hôm đó khu nhà chị bị cúp điện), tôi nảy ý định vào thăm anh Nhật Tiến và chị. Phải chờ đèn điện khắp khu sáng trở lại, tôi mới dám gọi cổng. Tôi xưng là em trai của Thụy Vũ, anh Nhật Tiến mừng lắm, vội pha trà. Anh tặng cho tôi cuốn tập truyện “Tặng Phẩm Của Dòng Sông” và cuốn “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ”, một tự truyện của anh.

Còn chị Đỗ Phương Khanh vào trong một lúc lâu chừng lúc trở ra phòng khách, lễ mễ ôm một chồng tuần san Thiếu Nhi, tờ báo do ông Khai Trí (tên thật là Nguyễn Hùng Trương) làm chủ nhiệm, anh Nhật Tiến làm chủ bút, chị Đỗ Phương Khanh giữ phần trả lời độc giả. Tờ báo in đẹp, nhiều bài vở có ý thức, rất bổ ích cho kiến thức thanh thiếu nhi.

Song song với việc trông nom tờ Thiếu Nhi, chị Đỗ Phương Khanh giúp đỡ chồng trong việc điều động nhà xuất bản Huyền Trân, đã xuất bản một số lớn các tác phẩm của Nhật Tiến.

Gió thời cuộc đổi chiều. Sau ngày 30-4-75, tôi có gặp chị Đỗ Phương Khanh tại đường Nguyễn Du. Chị đứng bên chiếc xe đạp dựng cạnh gốc me. Chị bảo tôi:

– Những gì Phương Khanh mong đợi, “cách mạng”’ đã làm hết rồi. (Sau này tôi mới biết chị nói để dò ý tôi).

Có lần, chị Nguyễn thị Vinh lặn lội từ Sài Gòn lên thăm cụ thân sinh của tôi, tôi có bảo chị:

– Em chẳng hiểu “cách mạng”, chẳng hiểu xã hội chủ nghĩa gì ráo. Nhưng coi bộ họ “đía” thì giỏi, nhưng nhúng tay vào việc làm thì dở ẹt.

Không hiểu khi ra về chị Vinh nói với chị Đỗ Phương Khanh sao đó, trong buổi học tập của khóa bồi dưỡng chính trị, chị Đỗ Phương Khanh viết mảnh giấy nhỏ quăng cho Thụy Vũ, rằng:

“Thụy Vũ ơi, mình tưởng chị cùng Hồ Trường An giống ông cụ.”.

Nhưng đâu phải vậy. Ông cụ tôi thiên Cộng, mê Cộng ai mà không biết.

Trong buổi học sau, tôi dọn chỗ để ngồi gần hai ông anh tiểu thuyết gia hiền lành của tôi là Trọng Nguyên và Thanh Thủy. Họ cùng ngồi một dãy với chị Vinh, anh Nhật Tiến và chị Đỗ Phương Khanh. Họ xếp tôi ngồi gần chị Đỗ. Tôi cứ ngủ gục hoài làm anh Trọng Nguyên cứ gọi từng chập:

– Mày cứ ngủ hoài, họ để ý mày đó.

Vào cái hôm một nhà văn nữ làm màn tự phê tự kiểm, thấy đương sự vật vã van xin cộng sản cho mình cầm bút trở lại, chị Đỗ Phương Khanh đứng dậy dõng dạc:

– Cô muốn xin viết lại thì nên xin cho riêng cô, đừng xin cho chúng tôi làm gì.

Cũng trong buổi hôm đó, có tên cán bộ cộng sản tên Mai Quốc Liên, dù là kẻ dự thính, nhưng hắn đã khinh miệt bảo phe cầm bút loại trên:

– Xin các anh chị đừng tiếc rẻ cái văn nghệ miền Nam nữa. Đó là thứ văn nghệ chợ trời, hiện đem bán solde chẳng ai mua.

Lập tức, chị Đỗ Phương Khanh đứng lên:

– Anh Liên! Anh nhân danh ai mà nói câu ấy? Anh đọc “Những Giọt Mực” của Lê Tất Điều chưa?

Chị vừa thét vừa khóc nức nở làm cơn buồn ngủ tôi tan biến đâu mất.

Giờ thì vợ chồng con cái Nhật Tiến định cư ở California. Đã quá lâu, tôi không có liên lạc với họ. Vào năm 1979, tôi đã nhận thư anh Nhật Tiến, lúc anh còn ở tại trại Songkhla với cặp ký giả Dương Phục – Vũ Thanh Thủy. Thoắt chốc đã chín năm qua rồi. Được biết cặp Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh hăng say phụ giúp với Quyên Di coi sóc tờ báo Tuổi Hoa là tôi mừng. Họ là những kẻ có đầu óc lý tưởng những Idéalistes làm tôi ngưỡng mộ như đã từng ngưỡng mộ họ cùng anh Phan Lạc Tiếp, cặp Phục – Thủy.

Đã lâu rồi người ta không thấy chị Đỗ Phương Khanh xuất hiện trên văn đàn, tuy nhiên giới thân cận chị cho biết rằng từ ngày ra hải ngoại chị ăn trường trai và chỉ chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Chị viết nhiều bài khảo luận giá trị về đạo Phật đăng trên một vài tờ báo ở California dưới bút hiệu Liên Hương.

Hồ Trường An

(Trích Giai Thoại Hồng của Hồ Trường An – trang 232-235 )
           
                                        HƯƠNG
                                                 ** Đỗ Phương Khanh **

Hương là một thiếu-nữ không đẹp. Trán nàng ngắn quá. Hương ghét nhất điểm này. Trán ngắn tức là biểu lộ một khối óc không thông-minh, đời sống sau này vất vả. Đã thế mắt Hương lại bé. Mỗi lần soi gương, Hương tập mở to mắt. Nhưng ra đến phố, có lúc nàng quên tịt đi mất, về nhà cứ ân-hận mãi.

Những cái bực mình vẩn vơ ấy làm Hương thấy ghét mình, ghét thiên hạ và lại hằn-học cả với mẹ nữa. Ngày xưa mẹ có xấu thế đâu. Ảnh mẹ treo ở giữa phòng, chụp chung với ba hồi mới cưới, mẹ xinh quá. Hương ước ao một sắc đẹp như vậy. Mà ngay bây giờ, mẹ hãy còn đẹp lắm. Tuổi gần bốn mươi mà trông như mới như ngoài ba mươi. Mẹ góa chồng từ năm Hương lên sáu. Mẹ ở vậy nuôi Hương. Nguồn hy-vọng độc nhất của mẹ là Hương. Một đôi khi bà hơi buồn vì nhan-sắc của con gái. Nhất là cái dáng vất vả của nó. Thời nay người ta để ý đến sắc đẹp nhiều hơn là đến phẩm-hạnh. Nhưng cái buồn ấy chả bao giờ bà nói ra với Hương , bà cũng chả đả động gì với Hương về chuyện xấu đẹp cả. Thỉnh thoảng Hương chỉ nghe mẹ nói:

– Cái nết đánh chết cái đẹp con ạ.

Hương cố bám vào cái thuyết cổ lỗ sĩ ấy. Hương cho rằng nếu người ta yêu mình chỉ vì sắc đẹp thì nàng cũng chả cần để ý làm gì.

Nhưng lòng tin ấy chỉ được vài hôm. Hương khổ tâm thấy người ta nhìn mình bằng cặp mắt dửng dưng. Hương biết, vì cái nhìn khao khát, trầm trồ nó khác. Rồi chỉ thoáng một tiếng cười, Hương không biết họ cười với nhau chuyện khác hay chuyện mình, nhưng nàng cũng thấy tức tối.

Những hôm ấy về nhà, Hương ôm gối khóc một mình. Hương thấy như mình bị đẩy trong một ngục tối mà suốt đời không thoát ra được. Mỗi lần đi ra ngoài, Hương tưởng ai cũng nhìn thấy cái xấu của mình, và Hương như đọc được cả ý nghĩ của họ. Tính nết Hương đâm ra cau có gắt gỏng. Một đôi khi Hương giận lây cả mẹ nữa kia.

Tới một ngày Hương bỏ học và xin đi làm. Ít ra ở đấy Hương cũng có một nguồn an ủi. Quanh nàng không có ai đẹp cả (ở trường thì nhiều quá), mấy bà thư ký thì già. Còn Hương lại trẻ nhất. Hương không thấy kém họ. Nàng yên tâm làm việc và thấy đời dễ thở hơn.

Ông giám đốc sở Hương làm là một người rất lịch thiệp. Trông ông ấy na ná như Ba ngày xưa. Nhưng già hơn vì Ba mất hồi trẻ . Ông Hoan góa vợ đã bốn năm mà không tục huyền. Kể con người như thế, Hương đã thấy phục. Hơn nữa, ông ta lại không hợm hĩnh gì cả.

Một vài lần ông đánh xe tiễn Hương về đến tận nhà, nói chuyện làm ăn với mẹ hàng giờ mới ra về. Thế nghĩa là ông ấy có cảm tình đặc biệt với Hương. Hương so tuổi mình với ông Hoan, ước lượng hai chiều cao, nàng nghĩ có đi đôi với ông, cũng chẳng có gì là chướng cả. Lần đầu tiên Hương có cái cảm giác êm đềm chạy qua óc. Hương tự hào về sự ao ước của mình. Nàng ghét bọn trai trẻ. Còn lâu họ mới tạo được sự chín chắn như ông Hoan. Mà chỉ có sự chính chắn mới là nơi mọi người con gái có thể nương tựa được.

Hương xây dựng tình yêu trong sự suy nghĩ vẩn vơ như thế từ lúc nào. Bây giờ thì tình yêu ấy nổi bật lên rồi. Hương đã thấy nhớ, thấy buồn và ghen vơ vẩn. Chả bao giờ Hương thêu khăn tay, thế mà những ngày nghĩ nàng thêu hàng tá mùi xoa có hai chữ H.

Trong khi ấy ông Hoan càng ngày càng thân với nàng. Trong công việc làm ông ấy nâng đỡ Hương đặc biệt. Dần dần lại rủ Hương đi ăn cơm, có lần ông mời cả mẹ nàng đi nữa. Tình yêu của ông Hoan đứng đắn thật. Ông ấy muốn có sự chứng kiến của mẹ. Hương càng phục. Nhưng sao mẹ cổ thế. Bà ấy lúc đầu nhất định không đi. Hương phải nằn nì, phải giận dỗi mẹ mới chịu nhận lời. Mỗi lần đi như vậy , mẹ tô điểm cho Hương nhiều hơn cho mẹ. Phải mất hàng giờ mẹ mới tô xong cho Hương cái riềm mi mắt bằng bút chì than. Mẹ chọn áo cho Hương mặc. Hương cảm động ép đầu vào ngực mẹ.

Nhưng mẹ không thương Hương cho hết lòng. Đi với người ta mà mẹ cứ lầm lầm , lì lì. Ông Hoan gợi chuyện gì với mẹ. mẹ chỉ đáp gượng gạo, cười nhạt nhẽo. Nhiều lúc mất cả vui.

Có lần Hương thấy ghét mẹ. Nhưng nàng lại nghĩ rằng có lẽ mẹ nhớ những buổi đi chơi với Ba ngày xưa. Vì thế Hương lại thương hại. Mà mẹ đáng thương thật. Đời mẹ thế là hết. Chẳng còn hy vọng cái gì, trông đợi cái gì và chẳng có gì an-ủi cả. Cuộc sống như thế thật trống rỗng. Những lần đi chơi, Hương đi giữa, mẹ đi một bên, ông Hoan một bên. Hương nhớ những lần đi ăn kem với Ba ở Bờ hồ. Bây giờ thì chả bao giờ còn thế nữa. Hương nghĩ rằng đã đến lượt của Hương rồi. Ít lâu nữa Hương cũng sẽ giắt con Hương đi như thế. Tuy vậy mẹ vẫn đẹp. Lâu lắm mẹ không đánh phấn nên mới bôi phớt ít môi son vào mà mẹ đã trẻ hẳn đi. Da mẹ thật trắng, mắt mẹ để đi đâu nên trông lại càng buồn. Mẹ đẻ ít, nên thân hình mẹ vẫn đep. Hương ước ao cái đẹp của mẹ. Hương nghĩ rằng đẹp như thế thì thật là phí. Mẹ già rồi.

Trong lúc ngồi ăn cơm ở tiệm. Hương sung sướng nhất. Hương nói luôn mồm. Hương không thấy sự ngăn cách tuổi tác giữa ông Hoan và nàng. Hình như ông ấy mến sự có duyên của Hương. Ông ấy hay nhìn Hương mà cười. Nụ cười dễ dãi, bao dung lạ. Hương đoán chắc tâm hồn của ông Hoan đẹp lắm.

Còn mẹ thì dưới ánh đèn trông mẹ càng đẹp. Thiên hạ nhìn mẹ quá. Hương vừa thấy hãnh-diện cho mẹ, vừa thấy tủi cho mình. Có lúc nàng thấy ghen cả với mẹ. Ông Hoan cố gợi chuyện cho mẹ nói. Mà mẹ chỉ trả lời nhát gừng. Hương tức quá. Mỗi lần thấy mẹ ngập ngừng Hương chỉ muốn trả lời hộ mẹ quách cho ông Hoan khỏi đợi. Nhưng Hương lại thôi. Nàng trông ra đường, nheo mắt nhìn mấy ngọn néon cho ánh sáng nhòe ra chói lóa cả mắt. Hương thấy ngất ngây như mình đang sống trong hạnh phúc. Những lúc ấy Hương không nghe ông Hoan nói chuyện gì. Có lúc ông ấy cười hơi to. Hương vội vàng quay lại định góp vui, nhưng thấy mẹ vẫn buồn làm sao nên nàng lại thôi. Hương giận mẹ quá. Chính mẹ không muốn cho Hương vui. Mẹ không tế nhị , mẹ không hy sinh cái buồn ngày xưa cho con gái mẹ vui trong những giây phút sung sướng này. Hương oán mẹ mãi. Nhưng đến đêm tối trở về, Hương buồn ngũ rũ ra mà mẹ vẫn thức khâu. Mẹ nói ít quá. Mẹ buồn kín đáo. Hương giả vờ ngủ, nhưng mắt hé ra nhìn mẹ. Căn phòng im lặng hoàn toàn. Mẹ khóc. Bây giờ Hương mới thấy sự cô độc của mẹ. Hương thương mẹ lạ lùng. Hương muốn nhỏm dậy xin lỗi mẹ, hứa với mẹ rằng lần sau Hương sẽ không ép mẹ đi nữa. Nhưng Huơng cũng không dậy. Nàng thấy mắt nặng dần, rồi một lát giấc ngủ êm đềm đến với Hương. Huơng mơ thấy hình ảnh tươi tỉnh và độ lượng của ông Hoan.

Dạo này mẹ chiều Hương hơn trước. Mẹ nhận đồ khâu thuê nhiều hơn, để sắm cho Hương những lọ phấn, lọ nước hoa đắt tiền. Áo dài của Hương có gần đủ mặt hàng. Những lần ra phố, mẹ trang điểm cho Hương kỹ hơn. Hương thấy thương mẹ lạ lùng.

Nhiều hôm mơ màng. Hương thấy hình như mẹ vuốt tóc Hương và mẹ khóc trên mặt nàng. Nhưng Hương không thấy rõ, vì nàng ở trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh. Tuy vậy Hương cũng có thể tưởng tượng lại được cái cảm giác của mình khi ấy. Hình như Hương muốn khóc lên mà có cái gì nghẹn ở cổ.

Sáng lân la hỏi mẹ, thì mẹ chỉ cười bảo:

– Bậy nào, mẹ có trẻ con như mày đâu mà mẹ khóc.

Hương nghe mà thương mẹ làm sao. Hương chẳng thế nào mà bằng được mẹ.

Nhưng có một hôm mẹ khóc thật. Khóc ngay giữa ban ngày vào lúc buổi sáng, khi Hương đi làm về. Mẹ kêu mẹ nhớ quê nhà, nhớ bà ngoại, nhớ phần mộ của Ba. Rồi mẹ bảo Hương thu xếp đi về quê với mẹ. Lần này Hương không thương mẹ nữa. Hương thấy bà ấy thật lẩm cẩm. Tự nhiên sinh ra nhớ nhung vô nghĩa. Nhưng Hương không cản mẹ. Hương bằng lòng để mẹ về. Còn Hương ở lại đi làm, hôm nào nghĩ Hương sẽ về đón mẹ. Hương không thể xa đây một buổi, không thể không trông thấy ông Hoan mỗi ngày một, hai lần.

Chiều hôm ấy mẹ ra xe. Hương đi tiễn mẹ. Mẹ cứ vuốt tóc Hương mãi:

– Bao giờ con mệt, con thấy cần nghỉ thì về với mẹ. Mẹ đợi con. Về nhà quê sống khỏe người hơn, con ạ.

Mọi lần thì Hương thương mẹ. Nhưng lần này Hương chỉ thấy buồn cười. Mẹ thật vớ vẩn.

Xe chạy, mẹ vẫy mãi Hương, hình như mẹ khóc. Còn Hương cũng vẫy mẹ , mà chẳng có cảm giác gì cả. Nàng còn đang nghĩ đế sự tự do của mình ngay từ phút này.

Xe đi khuất, Hương trở về nhà. Đã hơn hai giờ. Vội vàng nàng sửa soạn đi ngay sợ quá giờ làm việc. Nhưng ông Hoan đã vào trong ngưỡng cửa.

Hương reo lên:

– Mẹ em vừa đi rồi!

Mặt ông ta hoảng hốt:

– Đi đâu?

-Về quê ạ. Bà cụ nhớ nhà….

– Mẹ có nói bao giờ mẹ lên không?

– Không, nhưng có lẽ phải hàng tháng.

Ông Hoan vùng lên như bứt rứt chuyện gì ghê gớm:

– Không thể được. Bây giờ Hương về quê đi, Về quê xin lỗi mẹ hộ tôi, nói rằng bao giờ tôi cũng trọng mẹ. Đi đi, Hương đi ngay hộ tôi, chiều nay Hương nghỉ việc.

Hương ngơ ngác:

– Sao! Mẹ em làm sao giận được ông? Mà giận gì cơ chứ?

Ông Hoan ngập ngừng:

– Tôi… tôi yêu mẹ , tôi muốn lập gia đình với mẹ. Tôi ngỏ ý với mẹ sáng hôm nay.

Huơng không nghe thấy gì hơn nữa. Nàng tối sầm mặt lại. Chỉ một suýt nữa Hương bật ra tiếng khóc. Nàng lảo đảo lùi lại gần giường rồi nằm vật xuống đệm. Hương cảm thấy như mình vừa rơi xuống một hố sâu thẳm mà ở trong đó Hương phải chịu đựng tất cả những cảm giác thất vọng, chua xót và bẽ bàng.

Rất mơ hồ Huơng nghe thấy tiếng giầy nặng nề của ông Hoan đi ra ngoài lối ngõ. Rồi hình ảnh đôi mắt đen và buồn của mẹ lai hiện ra. Bây giờ thì Hương đã hiểu rõ nỗi lòng của mẹ, hiểu những giọt nước mắt của mẹ giỏ xuống mặt Hương những đêm hôm nào. Rồi Hương nghĩ đến cái trán ngắn và đôi mắt xấu xí của mình. Bỗng nhiên Hương vùng dậy. Lòng tự ái của Hương căng thẳng, Hương vừa tìm được sự an ủi trong cái bất cần thiên hạ.

Nàng thấy mình cao hơn hết thẩy. Quanh Hương chỉ có mẹ là xứng đáng đem lại cho Hương nguồn an ủi, Hương lau nước mắt ngồi dậy, lại bàn viết:

” Mẹ ơi, mẹ chờ con ở bến xe. Con sẽ về với mẹ, sẽ ở với mẹ mãi mãi”. HƯƠNG

Đỗ Phương Khanh
(Trong tập tiểu thuyết “Hương Thu”, nxb Đông Phương)

                              MỘT CHUYẾN ĐI
                                             ** Đỗ Phương Khanh **
Chiếc xe Jeep chồm lên rồi ngừng lại. Ân nhẩy xuống, tay xách va li của Hạnh:

– Tới rồi chị ạ. Đợi tôi một chút tôi trình giấy nhé.

Rồi Ân buông cái va li, đi vùn vụt. Hạnh leo xuống đất. Trời mới hơi hừng sáng. Sương phủ mờ mờ. Xa xa, từng dãy phi cơ nằm im lìm. Cách chỗ nàng đứng chừng hai chục thước là hai chiếc máy bay lớn mầu trắng bạc, thấp thoáng bóng người qua lại. Văng vẳng bên tai Hạnh có tiếng ồn ào, tiếng gọi nhau ơi ới. Một bà mẹ dắt đứa con đứng bên cạnh cửa máy bay cứ vẫy mãi ông chồng đứng dưới đất. Cạnh đó là một cặp vợ chồng coi bộ như mới cưới. Cô vợ trẻ đưa khăn lên lau nước mắt hoài. Còn anh chồng thì cứ nắm lấy bàn tay vợ mà vuốt. Chắc là anh chàng dỗ dành. Bất giác, Hạnh thở dài. Nàng tưởng tượng ra cái anh chàng ấy trong tương lai, sẽ sống trong một căn nhà chật hẹp, với một bầy con nghịch ngợm bẩn thỉu, anh chàng sẽ cau có, hết cả sự dịu dàng âu yếm như lúc này. Hạnh thấy chán nản cùng cực. Nàng chỉ muốn chóng được lên máy bay, chóng ra tới Huế.

Nàng tưởng tượng tới lúc nằm vào giường chị Dung, trong lòng chị mà nói, mà than thở cho vơi nỗi buồn bực. Nàng sẽ ở lại chơi với chị mãi cho tới bao giờ Khánh đi tìm nàng. Nếu Khánh không tìm, nàng sẽ đi luôn. Nàng chán quá rồi. Chán đời sống buồn tẻ, ngày nào cũng như ngày nào. Chán bộ mặt khó đăm đăm của Khánh. Chán sự cau có gắt gỏng. Nàng muốn đạp đổ tất cả. Tình yêu là như thế sao. Là sự nhàm chán, bình thản đến thế hay sao. Loan muốn đi thật mau, thật mau, để được nằm vào lòng chị cho vơi niềm u uất.

Nàng đã cầy cục cả ngày hôm qua để mua vé máy bay mà không được. Chiến tranh làm đường bộ trở nên gần như vô dụng. Sự di chuyển trông cả vào đường hàng không. Mua vé phải chen chúc như đi lĩnh chẩn. Hạnh đã tìm bao nhiêu người quen nhờ mua hộ mà đành chịu. Sau cùng may gặp Ân, chồng một người bạn cũ, làm phi công. Ân sốt sắng đề nghị sẽ xin cho Hạnh đi bằng máy bay quân sự.

Với Hạnh bây giờ thì tất cả phương tiện nào đưa nàng tới Huế đều tốt. Nàng thèm được nép vào lòng chị, nàng cần được bàn tay xinh xắn gầy gò có nốt ruồi nơi ngón cái của chị vuốt vào mái tóc. Nàng nhắm nghiền mắt lại cho hai hàng nước mắt lăn xuống. Sương lạnh thấm vào người Hạnh. Nàng rùng mình. Có tiếng Ân bên cạnh làm Hạnh mở choàng mắt. Ân chỉ vào cái máy bay gần nhất có người lên xuống tấp nập và nói:

– Tôi vừa cố dàn xếp cho chị đi cái này mà không thể được. Máy bay chở nặng rồi. Thôi chị đành đi chuyến sau vậy.

Hạnh hỏi :

– Chuyến sau thì bao giờ khởi hành hở anh ?

Ân chỉ tay qua phía bên kia trả lời ngập ngừng:

– Khởi hành thì cũng ngay bây giờ đây. Nhưng chỉ hiềm vì …

Vừa nói, Ân vừa xách va li lên. Hạnh bỡ ngỡ bước theo. Bỗng nhiên, nàng đứng sững lại. Trước mặt nàng là ba chiếc quan tài phủ cờ chung quanh có mấy người lính ôm súng ngồi la liệt. Ân dừng lại nhìn vào mắt nàng :

– Đó, tôi cũng hơi ngại chị sợ. Vậy nếu chị không muốn thì để tôi xin lại giấy phép cho chị đi ngày mai.

Thoáng nghĩ lại nỗi bực bội âm ỷ từ mấy tháng nay, nhớ lại nét mặt buồn tẻ của Khánh, Hạnh vội vã:

– Thôi, anh cho tôi đi ngay chuyến này.

Vừa lúc đó, một xe nhà binh chở tới mấy đứa trẻ con và bốn người đàn bà. Tất cả đều chít khăn tang trắng và có người mặc áo trắng nữa. Xe vừa ngừng thì một người đàn bà đã lao xuống đâm bổ vào chiếc quan tài nằm giữa gào lên :

– Anh ơi ! Anh nằm đây cả đêm có lạnh không ? Nói đi anh, trả lời em đi. Nói với em một lời đi…

Tiếng khóc khàn khàn như đặc lại ai oán. Hạnh sững sờ cả người. Mấy đứa trẻ trên xe đã tụt cả xuống đất, đứng sau lưng bà ta. Bây giờ thì bà ta ôm lấy quan tài mà khóc. Mấy đứa bé cũng bật lên khóc.

Mé bên kia một người đàn bà ngồi ôm mặt bên chiếc quan tài ngoài cùng. Đầu bà ta gục xuống. Mái tóc loà xòa phủ lên lá cờ ngay cạnh chỗ tấm ảnh một người đàn ông mặc quân phục. Lẫn trong tiếng khóc, Hạnh nghe có tiếng “con ơi”. Tiếng khóc nghe não nuột như từ chốn xa xăm nào vọng về. Hạnh chợt nghĩ đến con mình, bé Nga. Con bé Nga với đôi má xệ, với cái bụng phệ, với bàn chân thô. Không biết lúc này nó đã dậy chưa. Chị vú có có pha sữa cho nó không? Nó có đái dầm ra quần không? Hạnh muốn quay về với nó. Nhưng nghĩ đến chồng, nàng lại bực. Thật ra thì nàng cũng không có cớ gì lớn lao để giận chồng. Chỉ là sự bực bội chán nản mà thôi. Nàng thèm được thay đổi không khí. Thèm được thấy lại mình xưa kia. Nàng nôn nóng nhìn về phía chiếc máy bay.

Những anh lính hồi nãy ngồi la liệt dưới đất đã đứng thành hai hàng dọc nối liền với cửa máy bay. Tất cả đều bồng súng chỉnh tề. Một tiếng hô vang, Hạnh thấy sáu người lính khác cúi xuống từ từ nâng chiếc áo quan ngoài cùng lên vai. Bây giờ Hạnh mới trông thấy người ngồi khóc là một bà cụ già, mái tóc đã bạc. Bà cụ ôm chặt bát hương trong tay, ôm trong đôi cánh tay mà ngày xưa đã dùng để ôm người con khi còn nhỏ. Hạnh nhắm mắt lại. Hình ảnh con bé Nga lại chập chờn ẩn hiện. Hạnh như còn thấy nó nhe răng cười, tay nó vẫy vẫy nàng mỗi khi nàng đi đâu về. Có tiếng người đàn bà thét :

– Ới anh ơi ! Nay anh về quê cha đất tổ. Ngày anh đi, anh hẹn nghỉ phép sẽ về sửa lại cái mái nhà dột, anh nói dối em, anh bỏ em lại, anh đi một mình…

Chiếc áo quan thứ nhì đang từ từ tiến vào lòng máy bay. Dưới sân chỉ còn lại một chiếc và người đàn bà gục đầu suốt từ lúc nãy vẫn như ngồi bất động.

Ánh nắng ban mai chiếu le lói vào thân máy bay. Hạnh nghĩ đến Khánh lúc này chắc đang sửa soạn đi làm. Hình ảnh Khánh hiện lên với nét mặt buồn buồn lúc nàng ra xe hẹn một tháng mới trở về. Khánh nghĩ gì? Hạnh không muốn tưởng tượng lan man thêm nữa.

Trên sân đã vắng. Ân xách chiếc va li dùm Hạnh tiến về phía máy bay. Rồi chàng đỡ Hạnh bước vào. Nàng đưa mắt nhìn. Ngay dưới về phía đuôi, mấy người lính ngồi ngổn ngang, súng dựa vào mấy chiếc ba lô. Có người đang tháo giầy bốt, có người đang moi móc tìm thuốc lá. Trên hai hàng ghế sát thành máy bay từ mé giữa trở xuống, người ngồi chật ních. Nhưng từ giữa máy bay trở về phía đầu chỉ có thưa thớt mấy người mặc đồ tang mà thôi. Giữa hai hàng ghế là ba chiếc quan tài nằm nối đuôi nhau. Rồi tới cái rương bằng thiếc mầu xanh để sát chiếc áo quan thứ ba, trên mặt cũng cắm mấy nén hương.

Hạnh đứng ngập ngừng. Chợt nàng có cảm tưởng như có người nhìn mình. Hạnh ngẩng lên vừa gặp ánh mắt người đàn bà xõa tóc hồi nãy. Ánh mắt thản nhiên lạnh lùng. Bụng bà ta lớn vượt mặt. Nàng cúi xuống xách va-li tiến lại phía bà ta. Cửa phi cơ đóng lại. Máy nổ ầm ỳ. Người đàn bà có bầu sửa lại cái bát hương trên mặt áo quan cho ngay ngắn. Đầu kia, sát phòng máy, bà cụ già giở tràng hạt lẩm bẩm tụng kinh.

Máy bay bò đi từ từ rồi dừng lại, rồi rú lên, phóng nhanh. Thảm cỏ xanh lao vun vút giật lùi. Ruột gan Hạnh nhẹ bỗng. Trước mặt Hạnh, ba dứa trẻ ôm chầm lấy mẹ. Đứa giữa là con gái cỡ năm tuổi, tai đeo đôi khuyên vàng, tóc nó uốn quăn tít giống mẹ. Mẹ nó mặc chiếc áo dài trắng. Tay bà ta đánh móng đỏ nhưng đã tróc loang lổ verni với những ngón thô kệch nổi gân. Trên miệng chiếc giỏ bên cạnh bà, Hạnh còn thấy một chiếc guốc cao gót mầu xanh lá cây.

Phi cơ đang bay lướt trong từng đợt mây. Hơi lạnh tỏa ra làm Hạnh rùng mình. Nàng mở va-li lấy chiếc khăn quàng. Thoang thoảng đâu đây có mùi ung ủng. Ngồi cạnh Hạnh về mé ngoài là một bà trạc bốn mươi. Người bà mập mạp và đẹp. Bà móc túi lấy lọ dầu ra bôi rồi trao cho Hạnh:

– Cô xoa đi. Quái, nghe như có mùi sầu riêng ấy. Cái giống này cứ lúc nào máy bay lên cao là tỏa mùi ra, úi dà, tệ lắm. Tôi đã bị một lần rồi. Của cô đấy hả?

Hạnh lắc đầu. Nàng cảm thấy choáng váng. Bà kia vội dí lọ dầu vào mũi Hạnh. Mắt Hạnh hoa lên. Trước mặt Hạnh, cái áo hoa của bà nhảy múa nhòe nhoẹt. Đôi môi mọng đỏ của bà như cười. Hơi dầu làm Hạnh tỉnh dần. Nàng cảm ơn bà bạn tốt bụng. Bà ta chuyển chai dầu cho Hạnh bảo đưa cho bà có bầu. Chiếc máy bay lắc mạnh. Chiếc bát hương trên quan tài giữa chao đi. Bà có ba đứa con chụp lấy ôm vào lòng rồi oà lên khóc:

– Ối anh ơi ! Anh bảo anh nghỉ phép anh về với em. Anh bảo chúng mình sẽ về quê ngoại. Anh bảo em uốn tóc. Anh bảo em may áo giống bà thiếu úy San. Nay anh đi đâu bỏ em bơ vơ thế này.

Mọi người nhìn về phía bà. Tiếng bà gào át cả tiếng máy bay:

– Anh ơi ! Anh mua guốc cho em làm gì. Em có thích uốn tóc hồi nào đâu. Bây giờ anh ở đâu…

Mấy anh lính choàng dậy càu nhàu vu vơ. Mé đầu máy bay bà cụ già tụng kinh lớn hơn. Hạnh nghe loáng thoáng… “vạn kiếp nan tao ngộ… “. Khuôn mặt bà cụ nhăn nheo. Nước mắt bà cụ lăn chậm chạp trên hai gò má đen sạm. Bà cụ tụng kinh không ngừng. Ba đứa bé thì ngơ ngác nhìn tất cả mọi nơi, từ trần xuống sàn máy bay. Thỉnh thoảng thằng lớn nhất lại nhìn ra cửa. Hạnh đoán có lẽ chúng đi máy bay lần đầu. Con bé giữa mặc áo đầm nylon. Bà mẹ cúi xuống lục ở cái giỏ lấy ra hai quả xoài đặt lên lá cờ phủ áo quan rồi lại kể lể:

– Hôm anh đi em đã bảo anh ăn xoài. Anh kêu đau bụng không ăn để nhường cho con. Bây giờ anh ăn đi anh ơi ! Anh thích ăn xoài mà.

Bỗng nhiên, bà có bầu ngồi canh Hạnh gục xuống. Hạnh vội đỡ bà ta lên. Mặt bà ta xanh xám. Bà mặc áo hoa ngồi bên trái Hạnh vội dốc lọ dầu vào đầu bà có bầu rồi phân trần:

– Đấy cái hơi độc thế đấy. Phải đổ dầu vào kẻo nguy.

Lúc này thì hầu như cả mọi người đều biết là không phải hơi sầu riêng. Nhưng không ai xác nhận rõ là mùi gì cả. Máy bay lượn làm chiếc áo quan ngoài cùng hơi nghiêng về phía Hạnh. Nàng hoảng hốt rút chân lên, e dè nhìn vào những vết loang lổ trên lá cờ.

Mé sau, cái rương xanh xô vào phía mấy người lính. Một anh đẩy cái rương lại chỗ cũ rồi chép miệng:

– Cái ông này thì còn được vài ký thịt, quá lắm là thêm bàn tay thôi chứ gì mà cũng chạy tới chạy lui.

Người bên cạnh cãi :

– Bậy nào, đâu đến nỗi.

Người thứ nhất trợn mắt:

– Cậu thì biết cái cóc gì. Hồi nãy, chính tớ rinh lên mà. Nhẹ hểu à.

Hạnh vỗ vỗ lưng bà bụng bầu. Bà ta đã tỉnh tỉnh. Đầu bà ngả vào vai Hạnh. Hạnh gục đầu vào cửa sổ nhìn xuống. Dưới kia là dòng sông uốn khúc, nhỏ như trong mô hình triển lãm với những thửa ruộng như ô bàn cờ. Những mái nhà nhỏ bé làm Hạnh liên tưởng đến những mái nhà, mái chùa mà dạo bé Hạnh vẫn loay hoay ngắm nghía ở trong bể non bộ của ông ngoại. Tất cả lướt qua phía dưới, thanh bình và êm đềm quá. Nhưng những mái nhà hiền lành kia liệu có bao bọc những cuộc đời êm đềm hạnh phúc, hay cũng đầy dẫy những trái tim tan nát như những gia đình này. Bất giác Hạnh gợn lên niềm nhớ thương chồng con. Nàng cũng có một mái nhà mà sao nàng lại bỏ đi. Đời sống bình thản và hiền lành. Nó không có gì ầm ỹ đặc sắc. Nhưng khi sự ầm ỹ đặc sắc xẩy đến, như sự chết, sự chia ly, thì trái tim đã tan nát rồi.

Máy bay đi trong đám mây. Hạnh nhìn thấy như từng quả núi nhỏ bằng mây trắng vây phủ quanh nàng. Nàng nhớ lại thuở bé cứ ước ao sau làm nữ hiệp để đằng vân đi cứu nhân độ thế. Nàng ngậm ngùi nghĩ đến chồng. Nàng lại tự trách mình sao hay đòi hỏi. Giá nàng biết tự quên mình thì có lẽ Khánh sung sướng hơn nhiều. Nàng chợt nhớ lại vẻ ngượng nghịu của Khánh lúc nàng bóng gió so sánh cảnh nghèo nàn của nàng với sự giầu sang của các bạn. Nàng thấy mình quá tàn nhẫn….

Vai Hạnh nhẹ bỗng hẳn đi. Bà có bầu đã ngồi dậy. Hạnh liếc bà ta. Mắt bà cứ nhìn đăm đăm về phía đầu quan tài. Có tiếng bà lẩm bẩm rất bình thản:

– Tôi đi tìm nhà tôi từ ngoài mặt trận. Tôi đi tìm khắp các nhà thương, nhà xác. Tôi lật từng cái xác để tìm nhà tôi đã mười hai ngày. Lật từng cái xác…

Mắt bà như bất động. Mặt bà cũng bất động, chỉ có miệng bà mấp máy :

– Từng cái xác, từng cái xác đã thối, đã xình…

Hạnh bỗng rợn cả người. Nàng kinh hoàng nhìn bà ta. Bà ta gầy gò xanh xao là thế, bụng chửa vượt mặt, lại yếu đuối như thế, sao bà có thể làm được công việc cực nhọc nhường ấy. Đôi mắt bà nhìn vào phía quan tài không chớp, vẻ quê mùa của bà làm cho Hạnh khó tìm thấy cái sức mạnh nào đã đẩy bà đi mười hai ngày trời để mà lật từng cái xác tìm chồng.

Phi cơ chao đi. Một quả xoài rơi xuống sàn, thằng bé út chộp lấy. Bên này, bà có bầu vội đỡ lấy bát hương vào lòng thì thầm:

– Anh ơi ! Em còn làm gì cho anh, còn làm gì cho anh được nữa, anh ơi!

Hạnh xiết chặt tay bà. Bà mới đáng thương chứ không phải người nằm trong kia. Nằm đấy là yên nghỉ rồi. Vậy mà bà không nghĩ tới mình, chỉ nghĩ tới sự gì còn có thể làm được cho chồng. Chao ôi! Lòng người đàn bà này sao mà rộng rãi và đầy tình thương yêu đến thế.

Bỗng bà ngồi thẳng dậy đăm đăm nhìn áo quan. Hạnh tưởng như xuyên qua lớp gỗ, đôi mắt người chồng đang mở ra tha thiết nhìn vợ. Đôi mắt đầy yêu thương trìu mến. Đôi mắt của Khánh vẫn nhìn nàng. Hạnh phúc ở bên cạnh nàng như đôi tay đối với người lành mạnh. Đối với người lành mạnh, sự hiện hữu của đôi tay không có nghĩa gì cả. Nhưng nếu có một tai nạn xẩy đến thì sự mất mát đôi tay mới thật sự là một tai họa hãi hùng và đã quá trễ rồi.

Hạnh nhìn suốt một lượt từ bà cụ già tới bốn mẹ con, những người lính, lá cờ, tất cả đều mơ hồ nhòe nhọet một mầu mờ nhạt, hai hàng nườc mắt lăn dài. Nàng quay về phía cửa sổ máy bay nhìn xuống, dưới kia là Ngũ Hành Sơn xa lạ. Hạnh muốn chiếc máy bay quay trở lại. Nàng thấy tiếc những thời giờ phí phạm đang trôi. Nàng muốn chắt chiu níu giữ thời khắc của tình yêu như người biển lận xót những đồng tiền phung phí.

Nàng thiết tha muốn trở về để được xà ngay vào lòng Khánh. Và Khánh sẽ hôn lên tóc nàng. Rồi nàng sẽ ôm con đi tắm. Con bé Nga bé bỏng của nàng, với hai cái má xệ xệ, cái bụng phệ phệ và bàn chân mũm mĩm thô kệch.

Mơ hồ, Hạnh thoáng thấy chị Dung mỉm cười trìu mến.
Đỗ Phương Khanh
(Trong tập tiểu thuyết “Hương Thu”, nxb Đông Phương) 

            
                                                   MẸ  TÔI  VÀ  HOA
                                     ** Vy Khanh (Đỗ Phương Khanh) **

Mẹ tôi yêu hoa. Không những hoa, mẹ yêu cả lá nữa. Mẹ nói: “Hoa lá tươi đem lại cảm giác tràn ngập sức sống”.

Nghĩ về thời thơ ấu, trong tâm tưởng anh chị em chúng tôi bàng bạc hình ảnh hoa lá trong căn nhà ấm cúng của gia đình hồi đó. Nhưng chúng tôi không hoàn toàn hưởng ứng “thói” yêu hoa của mẹ. Chúng tôi phản đối, tại sao ư, vì nếu mẹ vắng nhà mà chúng tôi để hoa lá héo là thế nào cũng bị mẹ mắng:
– Sao các con không cho hoa uống nước, các con khát có chịu nổi không?

Gia đình chúng tôi thuộc diện trung lưu. Bố chúng tôi dạy học chỉ đủ chi tiêu có chừng mực. Vậy thì tiền mua hoa hẳn đã chiếm mất một phần đồ ăn của chúng tôi mất rồi. Nghĩ thế nên hồi còn bé anh em chúng tôi có mối ác cảm sâu sắc với hoa.
Những năm cuối thập niên 60 sang đầu thập niên 70 chiến tranh lan tràn, đời sống của dân miền Nam rất khó khăn nên mẹ cũng đi làm để có thêm tiền chi tiêu. Nhưng cũng chẳng vì kinh tế khó khăn mà mẹ bớt yêu hoa.

Trước Tết năm đó, bố mẹ họp anh em chúng tôi lại, phát cho mỗi đứa một khoản tiền ước lượng bằng với số tiền mà những Tết trước chúng tôi được bạn bè bố mẹ “lì xì” và yêu cầu chúng tôi không được “thì thọt” ở cửa chờ đợi các bác gọi, bố nói:
– Các con chờ đợi mà các bác nghèo không có tiền cho, các bác tủi thân. Chào khách xong là các con phải vào nhà trong ngay.
Nhân dịp này, chúng tôi đưa ra “kiến nghị”:
– Thôi hay là năm nay mình đừng mua hoa nữa mẹ, để tiền mua bánh mứt nhiều nhiều ăn cho sướng.
Mặt mẹ hơi đờ ra, bố vội nhảy vào can thiệp:
– Bậy nào, Tết mà không có hoa thì còn gì là Tết nữa. Bố thích hoa, chiều nay bố dẫn cả nhà đi chợ hoa.

Ấy thế đấy, động vào vấn đề nhậy cảm “hoa” của mẹ là bố phải hối lộ liền. Bố hối lộ ăn cơm gà Siu Siu, chúng tôi vỗ tay rối rít. Tiệm cơm gà Siu Siu ở ngay gần chợ An Đông, tầng trệt của dẫy nhà lầu mà một trong những căn lầu là tổ ấm của gia đình nhà văn Nhất Linh. Cơm gà Siu Siu thuộc loại cơm bình dân thôi, chỉ gồm có những thố cơm hấp nhỏ nhỏ và đĩa thịt gà luộc, dặm thêm đĩa đồ chua, cũng nhỏ nhỏ, vài đĩa đậu phọng rang ăn chơi, cũng nhỏ nhỏ. Nhưng đó là nơi để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp của gia đình chúng tôi, vui buồn gì cũng được xí xóa bằng … cơm gà Siu Siu.

Được một bụng no nê rồi, chúng tôi tạm biệt đống thố với đĩa sạch nhẵn chồng chất, chạy ra chui vào cái xe nhỏ xíu của bố, cái xe mà chúng tôi phải lèn cá hộp gần một chục người, mở hết kính xuống vẫn còn phải thở phì phò như những con gà Mỹ trong chuồng. Ấy vậy mà chiếc xe cà tàng cũng lết được tới đường Nguyễn Huệ, thả chúng tôi xuống chợ hoa.

Năm nào thì chợ hoa đường Nguyễn Huệ cũng đông nghẹt, người đi lại “ngắm nhau” nườm nượp. Có năm, chúng tôi còn thấy có bà kia đứng bán tranh Đông Hồ. Thật ra thì không phải là tranh Đông Hồ mà là hàng nhái thôi. Gia đình bà ta yêu tranh Đông Hồ, muốn phổ biến phong tục tốt đẹp chơi tranh dân gian nên họ thuê in mấy mẫu, có lẽ bản chính là gia bảo đem theo khi di cư vào Nam năm 1954.
Tuy bố mẹ chúng tôi nói rằng mầu mực không đúng mầu tranh dân gian, nhưng hai người cứ đứng tần ngần “bước đi không đành”, chắc là hai người nhớ quê hương ngày Tết mất rồi.
Chúng tôi la cà khu chợ hoa mãi cho đến khi cả đám nhóc đòi ngồi bệt xuống cỏ, bố mẹ mới “tỉnh ngộ cơn mê hoa” mà đưa chúng tôi về nhà.
Đi chợ hoa là để ngắm hoa chứ mẹ tôi không mua hoa tại đó, mà dù có muốn mua cũng không thể nhét vào đâu trong cái xe chật cứng của gia đình chúng tôi. Mẹ tôi mua hoa tại chợ Bến Thành, rẻ và thuận tiện chuyên chở.

                           

Vào khoảng từ 23 tháng chạp Âm Lịch, mẹ tôi thường ra chợ Bến Thành rất sớm. Mẹ ra “canh hoa đào” nhà vườn Đalat đem về bán cho dân Saigon chơi hoa ngày Tết. Mầu hoa đào Đalat không đẹp như bích đào ngoài miền Bắc nhưng nhiều cành có dáng thiên nhiên rất đẹp, không thô.
Nói là “hoa đào”, nhưng nếu không phải tay “chuyên môn” thì sẽ chỉ thấy những bó cành trơ trọi, chẳng có hoa lá gì cả, dựa trong một góc chợ. Mẹ tôi tới sớm mở những bó lấy ra từng cành, nhìn mầm nụ, mầm lộc, thân và chỗ cành đào bị chặt còn mới, cào vào vỏ coi có nhựa hay đã khô quá, v v rồi lựa chừng dăm cành đem về ngâm phía cắt xuống chậu nước ngập chừng một gang tay.

Khoảng 27 Tết, mẹ tôi nhấc mấy cành đào lên ngắm nghía, ước lượng cỡ những chiếc nụ nhú ra, cân nhắc theo thời tiết, rồi đem vào bếp đốt phía gốc, thời gian hoàn toàn ước lượng phù hợp với độ ấm của cành đào mà bàn tay mẹ cảm nhận. Mẹ tôi đốt như thế để nhựa đào chạy ngược lên phía ngọn, thúc cho hoa nở. Do kinh nghiệm của mẹ, hoa đào nhà tôi thường nở đúng vào ngày Tết và cho tới tận Rằm tháng Giêng, cành đào vẫn còn những mầm lộc xanh tươi mơn mởn.

Đối với tất cả các loại hoa, mẹ đều đặc biệt ưu ái. Mẹ không để bình hoa và cây lá trong phòng tắm. Mẹ chỉ treo tranh phong cảnh trong đó thôi. Đặc biệt với hoa lan, mẹ chỉ chưng ngoài phòng khách và hoa quỳnh thì mẹ không trồng trước nhà vì nó nở về đêm.

Mẹ chúng tôi thường thủ thỉ với chúng tôi về hoa nên dần dà chúng tôi cũng thấm nhuần quan điểm của mẹ. Riết rồi sau này chúng tôi cũng phổ biến quan điểm của mẹ tới bạn bè luôn. Mẹ tôi bảo là hoa đem lại cho cuộc đời rất nhiều ý nghĩa. Ngay từ lúc em bé chào đời, em đã được hưởng mùi hoa thơm mà mọi người mang tới mừng đón em.
Rồi từ đó, hằng năm, mỗi buổi mừng Sinh Nhật của em, phòng tiệc lại tràn ngập hoa tươi trang trí, nếu em sụt sịt ấm đầu, bạn bè thân thuộc của cha mẹ tới thăm cũng đem hoa tới chúc em mau lành. Rồi em lớn lên đi học, đi thi, mỗi dịp lễ lạc là lại có hoa bày biện khắp nhà. Khi em có người yêu, hoa cũng là cầu nối, nói giùm những lời em muốn nói mà không ra lời. Trong thời gian yêu đương, hoa đã giúp hòa giải biết bao nhiêu là giận hờn giữa đôi bạn trẻ. Rồi khi đôi bạn trẻ quyết định cùng nhau đi trọn đường đời, trong ngày cưới, món quà đầu của đôi uyên ương tặng nhau, cũng là một bó hoa tươi, biểu tượng của cuộc tình đầy yêu thương, tràn ngập hạnh phúc.
Trong suốt cuộc sống chung dài đằng đẵng, hoa đã không biết bao nhiêu lần hàn gắn những hiểu lầm, những vô ý, đôi khi có thể làm rung rinh tổ ấm. Hoa đã làm đẹp cuộc đời cho tới khi đôi bạn trở thành có tuổi, thì đó lại là lúc hai mái đầu bạc cùng nhau bưng bình hoa lên chùa cúng Phật, dâng lên Ðức Mẹ, Ðức Chúa, Ðền Thánh, vân vân, tỏ lòng thành kính đối với các đấng thiêng liêng.
Cho đến một ngày trong tương lai khi ra đi vĩnh viễn, thì vòng hoa thơm ngát cũng ấm áp vây quanh người về thiên thu tới tận cuối đường.

                           
Hoa không chỉ giúp xây đắp tình cảm trong gia đình, hoa còn làm đẹp đời sống của mọi người trong xã hội. Không thể kể xiết đã có biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, bình hoa thay mình nói lên lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời âu yếm trong tình thân quyến, tình bạn, tình lân bang hàng xóm…v v. Một bình hoa tươi tuy không biết nói, nhưng thật là cảm kích xiết bao qua ý nghĩa thầm kín mà bình hoa mang lại.

Rồi thì những ngày vui tưng bừng, ngày Tết, lễ Phật Đản Sinh, lễ Chúa Giáng Sinh, ngày Valentine, Father’s Day, Mother’s Day, ăn mừng tân gia, đón bạn từ xa tới, mừng đoàn tụ gia đình v v, luôn luôn có sự hiện diện của giỏ hoa. Bất cứ cuộc hội hè, đình đám, họp mặt lớn nhỏ nào cũng đều phải trang trí bằng hoa. Người đời thượng cổ, hoặc tại những bộ lạc bán khai nơi rừng sâu núi thẳm, cũng dùng hoa để trang điểm.

Mẹ tôi say sưa tâm tình về hoa, mẹ muốn tất cả những cánh đồng trồng ma túy đều thành cánh đồng hoa bát ngát hương thơm. Nghe mẹ nói về hoa, nhìn ánh mắt mẹ, càng ngày chúng tôi càng gần gũi với tâm hồn nhậy cảm của mẹ, nhìn hoa cũng có cảm giác như hoa đang cười.

Cười lên đi hỡi những bông hoa, cười lên, cười và tỏa hương đi khắp nơi, mang đến cho tất cả mọi người hương thơm bát ngát, cho nhân gian có được những phút giây nhẹ nhàng tươi mát vào những ngày đầu Xuân ăm ắp hương thơm.

                                               
                                             Vy Khanh (Đỗ Phương Khanh)
                                                  Một Số Hình Ảnh 
 
 
 
                           
   3 HÌNH Ở DƯỚI: DẠ TỊỆC TẤT NIÊN 2020 VÀ 2017 CỦA HỒN VIỆT TV VÀ LITTLE SAIGON RADIO
                                  DO NHÃ LAN (MC CỦA HVTV & LITTLE SG RADIO) CHUYỂN
                    
                    
                        
 

               Cái Đẹp và Nhà Nghệ Sĩ – J. Krishnamurti
             
Hỏi:

– Tôi thường tự hỏi: ” Nhà nghệ sĩ là cái gì?”

Đó đây, bên bờ sông Hằng, trong không gian tối mờ của căn buồng nhỏ, có chàng kia ngồi dệt tấm áo khoác bằng lụa dát vàng đẹp tuyệt vời, và tại kinh đô Paris, một anh khác đang cặm cụi trong xưởng để vẽ bức tranh mà anh ta hy vọng sẽ đem cho anh ta danh tiếng. Đâu đó, một nhà văn đang nặn óc trau chuốt từng câu để mô tả những mẩu tâm tình rắc rối cũ hơn trái đất giữa những chàng và nàng; rồi nào là những khoa học gia trong phòng thí nghiệm và người chuyên viên ráp nối lại hàng triệu mảnh vụn để chiếc hỏa tiễn có thể bay lên mặt trăng. Và tại nước Ấn Độ kia, có chàng nhạc sĩ sống một cuộc đời quá ư khắc khổ, để tận tụy truyền đạt vẻ đẹp thanh khiết của nhạc trong sự say mê. Rồi nào là bà nội trợ sửa soạn bữa cơm gia đình, chàng thi sĩ một mình lững thững trong rừng tìm thi hứng. Phải chăng họ đều là những nhà nghệ sĩ theo cung cách riêng? Tôi nghĩ rằng cái đẹp nằm trong tầm tay của tất cả mọi người, nhưng họ không biết. Người chế tạo những bộ quần áo đẹp lộng lẫy hay những đôi giầy xuất sắc, hoặc người đàn bà chưng bày bình hoa trên bàn của ông, dường như tất cả đều làm việc vì cái đẹp.

Tôi thường tự hỏi tại sao những họa sĩ, nhà điêu khắc, soạn nhạc gia, văn sĩ — những người được gọi là nghệ sĩ sáng tạo — lại được đánh giá quan trọng vượt bực trong cái thế giới này, mà những thợ giầy, những đầu bếp lại không được như vậy? Họ chẳng cũng sáng tạo sao? Nếu ông coi tất cả những cung cách diễn đạt khác nhau đó đều là phục vụ cái đẹp, vậy thì chỗ nào có thể dành riêng cho người nghệ sĩ chân chính và ai là nhà nghệ sĩ chân chính?

Người ta thường nói cái đẹp là phần rất thiết yếu của cuộc đời . Vậy thì cái tòa nhà cao từng kia, vốn được coi như là rất đẹp, xin hỏi sự phô diễn của nó có thiết yếu không? Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông có thể nói về toàn bộ vấn đề cái đẹp và nhà nghệ sĩ này.

J. Krishnamurti đáp:

– Chắc chắn rằng nhà nghệ sĩ là người tinh tế, nhuần nhuyễn trong hành động. Hành động này là từ đời sống nội tâm tỏa ra chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài. Vì thế, sống một cách hài hòa hiển nhiên làm cho con người thành nghệ sĩ. Sự hài hòa nghệ thuật này có thể chỉ biểu lộ vài giờ trong một ngày, khi anh ta chơi nhạc, làm thơ, hoặc vẽ tranh, hay anh ta có thể làm nhiều hơn, nếu như anh ta giỏi về nhiều mặt, như những đại danh tài thời Phục Hưng đã hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau.

Nhưng vài giờ chơi nhạc hoặc viết văn có khi lại mâu thuẫn với chuỗi thời gian còn lại của anh ta vốn đầy dẫy những chuyện lộn xộn và rối beng. Vậy thì người như thế có thể coi như là nghệ sĩ không? Người chơi vĩ cầm một cách nghệ thuật nhưng lại chú tâm vào danh tiếng của anh ta thì không phải là người say mê vĩ cầm, anh ta chỉ sử dụng ngón đàn với mục tiêu nổi danh, cái “TÔI” của anh ta còn quan trọng hơn nhiều so với âm nhạc, và điều này thì ngay cả đối với văn sĩ hay họa sĩ cũng như vậy mà thôi, nếu họ chỉ quan tâm đến danh tiếng.

Người nhạc sĩ đồng hóa cái “TÔI” của anh ta với cái mà anh ta coi là vẻ đẹp của âm nhạc, nhà tôn giáo đồng hóa cái “TÔI” của anh ta với cái mà anh ta cho là hùng vĩ, tôn nghiêm. Tất cả đều hành sử có nghệ thuật trong khu vực cá biệt, nhỏ bé, nhưng lại bỏ quên cả cái mảng lớn của cuộc đời. Vậy chúng ta hãy tìm coi thế nào là có nghệ thuật trong hành động, trong đời sống, không phải chỉ trong lúc vẽ, trong lúc viết hoặc trong ngành kỹ thuật. Nhưng làm sao người ta có thể sống cả một cuộc đời trong sự hài hòa và đẹp đẽ. Sự hài hòa và cái đẹp có giống nhau không? Có thể nào một người — bất kể họ là nghệ sĩ hay không –, sống cả một cuộc đời trong sự hài hòa và đẹp?

Sống là hành động và khi mà cái hành động đó tạo ra nỗi phiền muộn thì thế là đã hết nghệ thuật rồi. Vậy thì người ta có thể sống không buồn phiền, không kèn cựa, không ghen ghét và tham lam, không xung đột về mọi mặt chăng?

Vấn đề không phải ai là nghệ sĩ, ai không là nghệ sĩ, nhưng làm sao cho mỗi người, bạn hoặc bất cứ ai, có thể có cuộc sống không bị hành hạ và biến dạng.

Chắc chắn sẽ là phàm tục nếu chúng ta nhạo báng hoặc hạ thấp giá trị của âm nhạc, điêu khắc, thi ca hoặc khiêu vũ, đó là hành vi thiếu tế nhị. Nhưng nghệ thuật và vẻ đẹp trong hành động phải được duy trì suốt ngày chứ không phải chỉ có vài giờ trong một ngày. Đó chính là sự phấn đấu đích thực, không phải chỉ đơn giản trong việc chơi đàn cho hay. Dĩ nhiên đã sờ vào cái đàn thì bạn phải chơi cho hay, nhưng như thế chưa đủ. Đó mới chỉ như bạn vun xới một góc nhỏ mà bỏ rơi cả cánh đồng mênh mông.

Chúng ta quan tâm tới cả cánh đồng, và cánh đồng đó tượng trưng cho đời sống của chúng ta . Chúng ta thường bỏ bê cả cánh đồng mà chỉ chú tâm vào một mẩu nhỏ, của chúng ta hoặc của tha nhân. Sống có nghệ thuật là luôn luôn tỉnh thức, sáng suốt, có như thế mới hành sử một cách thiện xảo trong suốt một đời, đó chính là cái đẹp.

Hỏi :

– Thế trường hợp nhân viên xưởng máy hay văn phòng thì sao? Anh ta có là nghệ sĩ chăng? Phải chăng việc làm của anh ta đã ngăn trở sự hài hòa trong hành động do đó làm giảm hoặc làm mất đi tính cách nghệ thuật của họ trong cả những việc khác nữa. Bộ anh ta không bị việc làm điều kiện hóa mất rồi sao?

J. Krishnamurti đáp:

– Chắc chắn là anh ta bị rồi. Nhưng nếu anh ta tỉnh ngộ, anh ta sẽ hoặc là bỏ việc hoặc chuyển hóa cho nó thành có nghệ thuật. Điều quan trọng không phải là công việc, nhưng là sự tỉnh thức trong công việc. Điều quan trọng không phải là sự điều kiện hóa của công việc, nhưng là sự thức tỉnh.

Hỏi :

– Ông nói “thức tỉnh” có nghĩa là gì?

J. Krishnamurti đáp :

– Vậy bạn chỉ thức tỉnh tùy theo trường hợp, vì phải phấn đấu, hoặc vì tai họa hoạc vui mừng chăng? Hay là có một trạng thái tỉnh thức không cần có lý do. Nếu bạn tỉnh thức do một sự kiện, một lý do nào đó, thì rồi bạn sẽ bị lệ thuộc vào nó, và khi mà bạn đã lệ thuộc vào cái gì – dù là thuốc kích thích, tình dục, hội họa hoặc âm nhạc – là bạn đã để cho bản thân bạn bị mê đi. Vậy thì, bất cứ loại lệ thuộc nào cũng sẽ dẫn người ta đến chỗ chấm dứt sự hài hòa, chấm dứt tính chất nghệ thuật.

Hỏi :

– Thế còn trạng thái tỉnh thức không có lý do là cái gì? Ông đang nói đến cái trạng thái trong đó không có nguyên nhân và hậu quả. Có thể có một trạng thái tâm không là kết quả của lý do nào đó chăng? Tôi không hiểu điều này vì chắc chắn rằng mỗi điều chúng ta nghĩ , hoặc chúng ta là như thế nào, thì đều là kết quả của một nguyên nhân nào đó, phải không ạ? Lại còn cái chuỗi dây nguyên nhân và hậu quả vô tận này.

J. Krishnamurti đáp :

– Chuỗi dây nguyên nhân và hậu quả này vô tận vì cái kết quả lại sẽ trở thành nguyên nhân mới và nguyên nhân lại sinh ra kết quả nữa, cứ thế mà vận hành.

Hỏi :

– Vậy thì hành động nào có thể ra ngoài chuỗi dây này?

J. Krishnamurti đáp :

– Chúng ta biết rằng hành động với lý do, có động cơ thúc đẩy, thì hành động đó đã là kết quả. Chỉ có lòng nhiệt thành, thương yêu, là không có nguyên nhân, đó là tự do, đó là cái đẹp, đó là sự tế nhị, và đó là nghệ thuật. Khi người nghệ sĩ say sưa trình diễn, lúc đó không có cái “TÔI” ngự trị, chỉ có tình cảm và cái đẹp, đó là nghệ thuật. Đó là sự hài hòa trong hành động. Hài hòa trong hành động là sự vắng mặt của cái “TÔI”.

Nhưng khi bạn bỏ phế cả cánh đồng mênh mông của cuộc đời, chỉ chú trọng vào một mẩu nhỏ – mặc dù lúc đó cái “TÔI” có thể vắng mặt, thì bạn cũng vẫn đang sống không hài hòa và do đó, bạn không là nhà nghệ sĩ của cuộc đời.

J. Krishnamurti — The Urgency of Change
Người dịch: Danny Việt (ĐPK)

                                      
Ý Nghĩa của Đời Sống – J. Krishnamurti

Hỏi :
– Chúng ta sống nhưng không biết vì lý do gì mà chúng ta sống. Đối với phần đông chúng ta, đời sống có vẻ như là vô nghĩa. Ông có thể nói cho chúng tôi biết về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời chăng?

J. Krishnamurti đáp:
– Thế thì tại sao bạn hỏi câu này? Tại sao bạn lại yêu cầu tôi nói cho bạn biết về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời? Chúng ta hiểu như thế nào khi nói “cuộc đời”? Vậy cuộc đời có ý nghĩa, có mục đích chăng? Thế bản thân sự sống này không tự nó có mục đích, có ý nghĩa chăng? Tại sao chúng ta còn muốn hơn thế nữa?

Bởi vì chúng ta quá bất mãn với đời sống của chúng ta, cuộc đời chúng ta quá vô vị, quá lòe loẹt hào nhoáng thùng rỗng kêu to, quá tẻ nhạt, làm hoài cùng một việc, cho nên chúng ta muốn cái gì hơn thế, cái gì vượt qua những điều chúng ta đang làm. Vì cuộc sống hằng ngày của chúng ta quá trống rỗng, quá trì trệ, quá vô nghĩa, quá nhàm chán, u mê đến mức không còn chịu nổi, nên chúng ta nói rằng cuộc đời phải có ý nghĩa hơn và do đó bạn hỏi tôi câu này.

Chắc chắn người có một đời sống nội tâm phong phú, người nhìn sự vật đúng theo thực tế và an lạc với những gì mình có, thì không bị bối rối; anh ta sáng suốt, cho nên anh ta không cần hỏi về mục đích của cuộc đời. Đối với anh ta thì ngay chính bản thân sự sống đã là toàn bộ cuộc hành trình từ khởi đầu tới kết thúc.

Điều khó khăn cho chúng ta là, bởi vì cuộc sống của chúng ta quá trống rỗng, nên chúng ta muốn tìm cho nó một mục đích và nỗ lực để làm chuyện đó. Cái loại mục đích này chỉ có thể có trong tư tưởng, không có chút thực tế nào cả; và khi mục đích được theo đuổi bằng một đầu óc khờ ngốc, ù lì, bởi một trái tim rỗng tuếch, thì cái mục đích đó cũng sẽ vô nghĩa mà thôi. Cho nên chúng ta phải có quyết tâm làm thế nào để cho cuộc sống được phong phú, không phải bằng tiền tài vật chất hoặc mọi sự liên quan đến nó, mà là nội tâm phong phú — điều này không có gì là khó hiểu. . . .

Đời sống là tương quan giao hảo. Đời sống là hành động trong sự liên hệ; khi tôi không cảm thông được trong mối tương quan giao hảo, hoặc khi mối tương quan bị lộn xộn thì tôi đi tìm một mục đích cao xa hơn.

Tại sao cuộc sống của chúng ta lại trống rỗng, vô nghĩa như vậy? Tại sao chúng ta lại cô đơn, chán nản như vậy? Bởi vì chúng ta chẳng bao giờ nhìn vào nội tâm chúng ta và tự hiểu chính mình. Chúng ta không bao giờ chịu tự mình chấp nhận rằng cuộc đời này là tất cả những điều chúng ta biết, do đó, nó đáng được thâm hiểu đầy đủ, trọn vẹn. Chúng ta thích tránh né chuyện tự phán xét mình hơn cho nên chúng ta muốn đi tìm mục đích của cuộc đời bên ngoài mối tương quan liên hệ. Nếu chúng ta bắt đầu hiểu thấu những hành động trong mối liện hệ của chúng ta đối với mọi người, với tài sản, với những niềm tin và tư tưởng, thì chúng ta sẽ thấy được rằng bản thân mối tương quan liên hệ trong cuộc đời sẽ mang đến phần thưởng của chính nó.

Bạn không cần phải đi tìm. Nó cũng giống như đi tìm lòng thương yêu. Có thể nào nhờ tìm kiếm mà thấy được lòng thương yêu chăng? Lòng thương yêu không thể có được do sự nỗ lực gầy dựng. Bạn sẽ tìm ra lòng thương yêu trong mối dây giao hảo, không ở bên ngoài sự giao hảo, và cũng vì chúng ta không có lòng thương yêu nên chúng ta muốn có một mục đích cho đời sống.
Khi có lòng thương yêu, điều bản chất vốn là vĩnh cửu, thì sẽ không còn chuyện đi tìm Thượng Đế, bởi vì lòng thương yêu vốn là Thượng Đế. . .

J. Krishnamurti – The First & Last Freedom
Người dịch: Danny Việt (ĐPK)

                Buồn ơi ! Ai biết chăng ai ? – Am I blue?
** Vy Khanh (Đỗ Phương Khanh) dịch từ tác phẩm “Am I Blue” của Alice Walker **

Vườn nhà chúng tôi trồng rất nhiều táo, trong số đó có một cây ngay cạnh hàng rào là con ngựa Blue gần như có thể với tới.

Chúng tôi đã sớm có thói quen cho Blue ăn táo, món mà nó thích. Đôi khi nó đứng rất lặng lẽ ngay cạnh cây táo, và khi thấy một đứa trong bọn chúng tôi bước ra là nó hí, nó khịt mũi ồn ào và giậm chân xuống đất thình thịch. Dĩ nhiên điều đó có nghĩa là:

– “Tôi muốn ăn táo” …..

Blue cô đơn lắm, cô đơn và buồn chán một cách kinh khủng. Tôi không lấy làm lạ về chuyện đó; hằng ngày một mình lê lết trên khu vườn rộng năm mẫu, chẳng có chuyện gì đặc biệt thích thú xảy ra. . .

Không, tôi đã bàng hoàng nhớ ra rằng người và vật có thể truyền thông tư tưởng với nhau rất bén nhậy.. . .

Hồi đó là khoảng năm thứ hai chúng tôi ngụ trong căn nhà này, có một chuyện xảy ra cho cuộc đời Blue.

Vào một buổi sáng, nhìn qua khung cửa sổ ra cảnh trời sương tỏa như những giải nơ trên cánh đồng cỏ, tôi thấy một con ngựa khác, mầu nâu, đang đứng phía bên kia cánh đồng cỏ của Blue. Lúc đầu chàng Blue có vẻ sợ, đã mấy ngày qua mà nó không dám lại gần con ngựa nâu.

Chúng tôi có việc phải xa nhà mất một tuần. Khi chúng tôi trở về thì Blue đã quyết định kết bạn với con nâu rồi và hai đứa lúc thì nhẩn nha thả nước kiệu, lúc thì phi nước đại, gắn bó bên nhau, và Blue không còn thường tới gần cây táo như trước nữa.

Nhưng câu chuyện không kéo dài mãi mãi. Một ngày kia, sau khi ra tỉnh trở về, tôi bước ra vườn tính cho Blue ăn vài trái táo.

Nó đang đứng chờ, hoặc là tôi nghĩ thế, dù không đứng dưới cây táo. Khi tôi rung cây và nhẩy lùi về phía sau để tránh trận mưa táo rụng, con Blue không nhúc nhích. Tôi nhặt mấy trái đem lại cho nó. Nó gắng gượng cắn nửa trái. Số còn lại, nó mặc kệ cho rơi lả tả xuống đất. Tôi kinh hoảng nhìn vào đôi mắt nó — bởi vì dĩ nhiên là tôi đã nhận ra rằng con Brown, bạn tình của nó, đã đi mất rồi — tôi nhìn sững nó. Nếu tôi ra đời với thân phận kẻ nô lệ, và bạn tình của tôi bị bán hoặc bị giết, thì ánh mắt tôi cũng bi thương đến thế mà thôi.

Tôi được lũ trẻ hàng xóm cho biết là bạn tình của con Blue được “cho xáp lại với Blue”……, như thế chúng nó có thể giao phối và con Brown có thể thụ thai. Vì sứ mạng đã hoàn thành nên con Brown được trả về cho chủ nó, cư ngụ tại nơi khác.

Tôi hỏi:

– Nó có trở lại không? Nhưng bọn chúng chẳng đứa nào biết.

Blue giống như người điên loạn. Đối với tôi thì Blue chính là một người điên loạn. Nó phóng nước đại một cách giận dữ, như nó đang bị cưỡi, không ngừng chạy quanh khu đồng cỏ đẹp đẽ rộng năm mẫu. Nó hí vang trời cho tới khi lạc cả giọng. Móng chân nó cào liên tục lên mặt đất. Nó vật mình vật mẩy, húc vào thân cây. Rồi nó phóng tầm mắt ra xa, xa tít mù khơi, về phía con đường đã đem bạn nó đi mất.

Từ đó, thỉnh thoảng, mỗi khi nó đến vì muốn được ăn táo, hoặc tôi mang táo đến cho nó, nó lại nhìn sững tôi. Cái nhìn sao mà tan nát cõi lòng với ánh mắt đầy đau khổ, cái nhìn sao mà “người” quá, tôi gần như phát lên tiếng cười (tôi cảm thấy quá đau buồn để còn có thể khóc được) khi nghĩ tới những con người đã không biết rằng loài vật cũng đau đớn đến tan nát cõi lòng.

Người dịch: Vy Khanh (ĐPK)

==============

AM I BLUE?
By Alice Walker

There were many apple trees in our yard, and one by the fence that Blue could almost reach. We were soon in the habit of feeding him apples, which he relished…

Sometimes he would stand very still just by the apple tree, and when one of us came out he would whinny, snort loudly, or stamp the ground. This meant, of course, “I want an apple…”…

Blue was lonely. Blue was horribly lonely and bored. I was not shocked that this should be the case; five acres to tramp by yourself… cannot provide many interesting events…

No, I was shocked that I had forgotten that human animals and nonhuman animals can communicate quite well…

But then, in our second year at the house, something happened in Blue’s life.

One morning, looking out the window at the fog that lay like a ribbon over the meadow, I saw another horse, a brown one, at the other end of Blue’s field. Blue appeared to be afraid of it, and for several days made no attempt to go near.

We went away for a week. When we returned, Blue had decided to make friends and the two horses ambled or galloped along together, and Blue did not come nearly as often to the fence underneath the apple tree…

It did not, however, last forever. One day, after a visit to the city, I went out to give Blue some apples.

He stood waiting, or so I thought, though not beneath the tree. When I shook the tree and jumped back from the shower of apples, he made no move. I carried some over to him. He managed to half-crunch one. The rest he let fall to the ground. I dreaded looking into his eyes – because I had of course noticed that Brown, his partner, had gone – but I did look. If I had been born into slavery, and my partner had been sold or killed, my eyes would have looked like that.

The children next door explained that Blue’s partner had been “put with him,” … so that they could mate and she conceives. Since that was accomplished, her owner, who lived somewhere else, had taken her back.

– Will she be back? I asked. They didn’t know.

Blue was like a crazed person. Blue was, to me, a crazed person. He galloped furiously, as if he were being ridden, around and around his five beautiful acres. He whinnied until he couldn’t. He tore at the ground with his hooves. He butted himself against his single shade tree. He looked always and always toward the road down which his partner had gone.

And then, occasionally, when he came up for apples, or I took apples to him, he looked at me. It was a look so piercing, so full of grief, a look so human, I almost laughed (I felt too sad to cry) to think there are people who do not know that animals suffer.

Author: Alice Walker

                                        Vườn Hồng Thiếu Nhi
                                         ** Đỗ Phương Khanh **
Khi vào trang nhà:
https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/thieu-nhi

… người đọc sẽ thấy trên 100 số báo Thiếu Nhi do người bạn trẻ Ngô Quang Hòa và các bạn Nguyễn Thục Đoan, Haco Chi, Huy Le, Nguyen Hoang, Nguyễn Đức Hiệp, Quang Võ .. v.v… đã tận tụy góp sức phục hồi qua hình thức sao chép lại dưới dạng PDF (Portable Document Format).

Thiếu Nhi là một tờ tuần báo phát hành ở Sài Gòn từ tháng 8-1971 đến tháng 4-1975, dành cho các lứa tuổi học trò từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông với sự cộng tác của rất đông nhà văn, nhà thơ, nhà giáo…. trong chủ trương vừa Giải trí vừa Giáo dục.
Trải qua gần 5 năm hoạt động, tờ báo đã được hầu hết độc giả thuộc nhiều lứa tuổi hoan nghênh, kể cả các nhà giáo dục và phụ huynh học sinh.
Sau hơn 40 năm vắng bóng, tưởng tờ báo đã đi vào sự lãng quên của mọi người, nhưng may nhờ nhiều bàn tay thiện chí, nhất là của người bạn trẻ Ngô Quang Hòa mà các trang báo đã được phục hồi rất rõ nét, rất đầy đủ, tưởng như lần giở từng trang báo ngày xưa ở ngay trước mặt.

Trong tình trạng xuống cấp thê thảm từ nhiều năm qua của nền giáo dục ở quê nhà, sự hiện diện của tờ Thiếu Nhi dù muộn màng trên trang web, nhưng cũng là một điều cần thiết cho nhu cầu giải trí cũng như giáo dục đối với tuổi trẻ ở VN hiện nay. Và đối với quý độc giả cao niên, những trang báo này hẳn cũng là một nơi khơi dậy trong lòng những kỷ niệm êm đềm tốt đẹp của một thời vàng son chữ nghĩa ngày xưa.

Khai Phóng xin ân cần giới thiệu với bạn đọc.

Các em gái thân mến.
Hôm nay chị ra mắt các em bằng lá thư ngắn ngủi này. Mong ước của chị là được gần gũi với thế giới hồn nhiên và trong sáng của tuổi trẻ các em, cái thế giới mà ở đó mọi ưu tư và phiền muộn không có đất để nẩy mầm, mọi sự xấu xa hèn kém không thể tồn tại mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây bởi sự rung động của hàng vạn trái tim những em gái là sự rung động của lòng nhân ái, của tính tình hồn nhiên, của tất cả mọi sự kiện tốt đẹp nhất mà chỉ ở tuổi còn cắp sách đến trường như các em mới có được.

Cho nên chị rất sung sướng là đã có dịp may được họp đoàn với đàn chim trong sáng của chị trên phần đất xinh xinh này. Chị mong mỏi các em hãy đến với chị, chia xẻ với chị những nỗi niềm ưu tư trước bổn phận của một học sinh trong học đường, của một người con ngoan trong gia đình, một người bạn tốt trong tình bằng hữu.

Trang báo hôm nay đã mở rộng. Chúng ta sẽ tha hồ sáng tác, tha hồ kể cho nhau nghe những mẩu chuyện tâm tình tuy vụn vặt nhưng thắm đượm biết bao kỷ niệm êm đềm của thời đi học.

Chúng ta hãy cố gắng tô điểm cho Vườn Hồng này của chúng ta mỗi ngày một thêm nhiều bông hoa xinh đẹp. Chị mong chờ sự hưởng ứng nhiệt thành của các em.

Đỗ Phương Khanh
Thiếu Nhi số 001, trang 16
Ngày 15-08-1971

 
                                                   LỜI CHÚC TẾT
                                             ** Đỗ Phương Khanh **
              

 Chưa bao giờ chị băn khoăn thắc mắc bằng nỗi băn khoăn khi viết để gửi tới các em lời chúc tết nhân dịp xuân Giáp Dần.

Nói tới chúc tết, người lớn đã có ngay đầy dẫy những lời nặng phần tiền bạc. Đó là những câu chúc “nhất bản vạn lợi”, “phát tài sai lộc”, “buôn may bán đắt cất nhà lầu” v.v… Đối với các em còn đi học, thì lời chúc đầu tiên là được “gặp may mắn”, được “thi đâu đậu đấy”, được “đi du học” v.v…

Vậy bây giờ đây, chị sẽ chúc các em điều gì?

Từ trên hai năm qua, chị đã nhận được ít nhất là hàng mười ngàn lá thư của các em. Đọc những lá thư với lời lẽ chân thành mộc mạc, chị còn như thấy đâu đây những đôi mắt nai tơ nghiêng nghiêng xuống trang giấy học trò, để giãi bày tâm sự gửi về vui buồn với chị. Cho nên, trả lời các em, chị cũng đã rất thành thật, với một tấm lòng yêu thương nồng nhiệt. Đôi khi, vì quá thành thật, chị đã vượt khỏi xã giao thông thường mà nặng lời với một vài em của chị. Nhưng chị không hối hận về sự nặng lời đó, mà chị tự hào rằng đã không vì nịnh các em mà làm trái với lòng mình, vuốt ve tự ái các em, để mong các em tiếp tục mua báo. Chị không thể làm thế, vì chị hiểu rằng trong khi toàn dân phải thắt lưng buộc bụng để dành ngoại tệ mà nhập cảng giấy, trong khi ba má phải cực nhọc để có tiền cho các em mua Thiếu Nhi, mà chị có nhiệm vụ giữ một khu trong tờ báo giáo dục, lại không làm tròn nhiệm vụ của người viết báo giáo dục. Như thế chị đã không xứng đáng, chị đã làm phí giấy, phí mực, làm uổng lòng kỳ vọng của những người lưu tâm tới sách báo giáo dục thiếu nhi.

Ý nghĩ đó đã theo đuổi chị trong bất cứ một bài nào gửi tới các em, và giờ đây, vẫn đang nhắc nhở chị. Cho nên, chị sẽ không thể chúc các em những lời mà chị biết rằng nếu các em đạt được, chưa chắc sự thành công đó có đưa các em lên đài vinh quang, có làm cho các em trở nên những người con yêu của tổ quốc, đem danh dự về cho quốc gia, đem tự hào về cho các em không?

Cho nên chị sẽ không chúc các em gặp may mắn, thi đâu đậu đấy, được đi du học v.v… mà chị chúc các em phải chăm học cho vững căn bản, có thực tài, có tập rèn để tâm hồn trong sáng và cơ thể cường tráng. Học cho có căn bản vững vàng, chương trình học hiểu thấu đáo, thân thể khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, đi thi các em sẽ chắc chắn đậu cả trăm phần trăm. Ngày xưa chuyện học tài thi phận thường xẩy ra vì khoa cử thời xưa chú trọng về văn chương. Mà văn chương thì mung lung, mỗi giám khảo một ý thích, nên đôi khi thí sinh tài quá cao, văn quá khoáng đạt, có thể không hợp với người chọn nhân tái. Ngày nay với nhiều môn thi khoa học kết quả rõ ràng, một là đúng, hai là sai cứ học thật giỏi là chắc chắn sẽ đậu. Không nên hy vọng vào may mắn làm chi. May mắn là gì? Nếu học kém, chỉ nhờ ở may mắn mà thi đậu, mà lên lớp được, thì lại là điều tai hại. Vì may mắn không thể kéo dài suốt đời. Không có thực tài mà vận may đã qua, thì chỉ còn lại thất bại mà thôi, phải không các em. Nếu các em chăm học, chịu gắng công học, thức khuya dậy sớm, chịu cực chịu khổ mà học, để có thực tài, các em sẽ thi đậu, sẽ đem sở học ra phục vụ tổ quốc, sẽ hãnh diện ngẩng cao đầu nhìn thẳng ra khắp năm châu, không phải cúi mặt, chịu nhục nhã vì bằng cấp cao mà bất tài, hữu danh vô thực, thi đậu nhờ may mắn, nhờ cóp bài, để có chút hư danh với đời.

Chị cũng không chúc em nào cũng được đi du học, nếu chỉ đi với quan niệm là được ra nước ngoài, mà trong lòng không có một chuẩn đích chính đáng rõ rệt. Khi quốc gia cần tới sự du học của các em, cần đào tạo chuyên viên mà các trường trong nước chưa đủ khả năng, thì sự du học của các em là cần thiết, là một hình thức phục vụ cho tổ quốc, đi du học vì nhu cầu của quốc gia, đi vì sứ mạng, đi vì tổ quốc. Rồi sẽ về phục vụ tổ quốc. Chứ sự du học chỉ với mục đích khoe khoang, chỉ với mục đích thoát khỏi quốc gia nghèo túng, đất mẹ xác xơ, đi để một mai trở về khinh miệt quê hương, coi mình là văn minh, là rốn của vũ trụ, đi để khỏi nhìn thấy, khỏi đóng góp cho quê hương chinh chiến, thì đi như vậy là trốn chạy, là phung phí ngoại tệ đáng lẽ để dành mua phân bón, máy cày, giúp cho nông dân canh tác, cho quốc gia được giầu mạnh. Đi như thế là vô ích cho tập thể không có gì đáng để cầu chúc cho các em của chị đạt được điều đó.

Trái lại, chị chúc các em sẽ ở lại, nai lưng ra làm việc, đổ mồ hôi xuống giải đất đã bảo bọc chúng ta từ thuở lọt lòng mẹ. Chính lúc này, đất mẹ cần chúng ta hơn bao giờ hết. Ở lại và đóng góp là bổn phận, là nhiệm vụ, là hành động của người sống trong danh dự, không phải phường giá áo túi cơm. Năm nay sẽ là năm thắt lưng buộc bụng, mọi người đều phải nỗ lực hơn nữa, để xây dựng quê hương. Hãy nhìn thẳng vào điều đó và hãnh diện đón chờ sự cực nhọc.

Chị chúc các em có được ý chí quyết liệt để chiến thắng mọi cám dỗ, cám dỗ theo thời trang bề ngoài, cám dỗ theo thói hư tật xấu, cám dỗ theo bả vinh hoa phù phiếm. Chị chúc các em có được khí tiết của danh tường Trần Bình Trọng: “Thà làm quỉ nước Nam, không làm vương xứ Bắc” có được gan dạ của tôi trung Lê Quýnh: “Đầu tôi có thể chặt, nhưng tóc không thể dóc, da có thể lột, nhưng áo không thể đổi”. Chị chúc các em có được chí khí của hằng ngàn, hằng triệu anh hùng, liệt nữ Việt Nam từ ngày lập quốc. Chị tha thiết chúc các em điều đó, để mà không chịu hạ mình làm điều gì mang nhục cho tổ tiên, cho dân tộc, để xứng đáng với tiền nhân, xứng đáng dòng giống Lạc Hồng.

Riêng với Thiếu Nhi, chị nghĩ rằng năm Giáp Dần này đây, sẽ có thể là một năm còn gặp nhiều khó khăn gấp bội. Giá giấy có thể leo thang lên không phải 6000đ một rame như mọi người tiên đoán, mà có thể là sẽ hơn thế nữa. Độc giả có thể sẽ không còn đứng được ở mức 3000 người, mà sẽ chỉ còn 300 hay 30 người. Tờ báo có thể sẽ không còn 24 trang với bìa mầu rực rỡ mà sẽ chỉ mỏng teo bằng tờ giấy quảng cáo, tờ chương trình chiếu bóng. Dù cho tất cả mọi sự đó có thể xẩy ra, thì Thiếu Nhi sẽ vẫn ngạo nghễ bay tới với độc giả, nội dung Thiếu Nhi vẫn rực sáng lý tưởng giáo dục, niềm mơ ước của những người làm Thiếu Nhi từ thuở ban đầu và vẫn tích cực thể hiện.

Chị thiết tha cầu chúc các em có được ý chí quyết tâm tiến tới mục đích, dù có phải chịu đựng mọi gian khổ và chắc chắn các em sẽ tới mục đích.

Chị thiết tha cầu chúc tờ Thiếu Nhi của các em sẽ sống anh dũng, dù hình thức có bị chi phối vì khó khăn của ngoại cảnh nhưng nội dung vẫn làm hãnh diện cho những người viết và đọc Thiếu Nhi.

Nhân dịp đầu Xuân, chị thiết tha chúc các em và Thiếu Nhi những điều nghe lên đã thấy vất vả, gian nan nhưng danh ngôn có câu “vinh quang nào không thấm ướt mồ hôi?” Lời chúc “nhất bản vạn lợi” không phải là điều chúng ta mong mỏi. Vì không có luật thương mại lương thiện nào cho phép vốn một đồng mà lãi một chục ngàn đồng. Nhưng chúng ta chúc nhau cần cù, siêng năng, lương thiện, nhân từ, khẳng khái, giữ gìn khí phách, để sống cho ra người, để nhìn thẳng vào nhau mà không mắc cỡ, để không sợ bị áp lực từ bất cứ đâu, để không băn khoăn thắc mắc ăn không ngon ngủ không yên.

Chúng ta chúc nhau sống trong danh dự, các em nhé.

Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 118-119, Xuân Giáp Dần, ra ngày 8-1-1974)
 
 
           VĨNH BIỆT CÔ ĐỖ PHƯƠNG KHANH

Sáng nay thức dậy đọc mail và nhận được tin nhà văn Đỗ Phương Khanh, phu nhân của nhà văn Nhật Tiến đã mất, thật bàng hoàng và cảm thấy buồn.

Lần đầu tiên tôi gặp cô Phương Khanh là mùa hè năm 1974, khi tôi 13 tuổi đến tòa soạn báo Thiếu Nhi ở số 159 đường Thiệu Trị (nay là đường Trần Hữu Trang), Phú Nhuận để học lớp xếp giấy Origami. Lúc đó, cô chỉ 38 tuổi, da rất trắng, bận áo dài nhã nhặn nhưng sang trọng, nói chuyện bằng giọng Hà Nội xưa mà bây giờ hiếm khi được nghe. Cô vừa làm giám đốc mẫu giáo Anh Vũ dạy trẻ em theo phương pháp Montessori, vừa giúp thầy Nhật Tiến làm tờ báo Thiếu Nhi. Cô phụ trách mục Vườn Hồng trên báo, viết những lời khuyên nhủ độc giả nhỏ tuổi. Mỗi cuối tuần ngày thứ sáu, mua báo Thiếu Nhi, tôi không bỏ sót dòng nào do cô viết.

Sau này, mua được bộ tạp chí Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ biên và tạp chí Tân Phong do nhà văn Trương Bảo Sơn chủ biên xuất bản những năm cuối thập niên 1950 và đầu 1960s, tôi “gặp lại” cô Phương Khanh khi đọc truyện ngắn của cô.

Năm 2015 cô về nước, ở khách sạn gần chợ Bến Thành. Tôi và bạn Phúc Tiến có đến thăm và đưa cô đi vài nơi trong thành phố. Lúc đó cô đã gần tám mươi, chân đã yếu nhưng giọng nói vẫn như ngày xưa, còn trong veo. Cô nói chuyện về nhiều điều, rất sắc sảo và nhẹ nhàng. Cả buổi sáng, nói chuyện với cô không biết chán. Cô vẫn minh mẫn, vẫn đọc nhiều và theo sát thời sự. Trong cô vẫn có những cảm xúc trong trẻo hồn nhiên, thể hiện ra khi đọc được một bài hay, hình ảnh đẹp khi bình luận trên mạng xã hội.

Qua năm sau, thật vui khi cô Phương Khanh và thầy Nhật Tiến cùng về cùng các con. Chúng tôi lại gặp nhau. Thầy cô cùng ra Đường Sách xem và mua sách. Cô và thầy cũng đã yếu, dù còn rất minh mẫn. Đó là lần cuối cùng gặp cô.

Chúng tôi dù đã gần tuổi sáu mươi, vẫn thấy mình như đứa trẻ nhỏ bên cạnh thầy cô. Nhớ có lần tôi và Phúc Tiến trở lại Tòa soạn báo Thiếu Nhi cũ. Chủ nhà hiện giờ rất vui vẻ cho chúng tôi vào thăm. Tôi nhận ra phía bên lớp mẫu giáo Anh Vũ ngày xưa tôi ngồi học xếp giấy bên trái ngôi nhà, bên phải là Tòa soạn tôi có thấy thấp thoáng họa sĩ ViVi. Có lần có một xe ba gác đậu sẵn , trên xe chất đầy các chồng báo Thiếu Nhi chưa phát hành, khiến tôi háo hức quá chỉ mong được xem bìa trước anh ViVi vẽ hình gì.

Có lần cô viết thư bảo khi nào qua Mỹ chơi cô sẽ chở đi thăm thắng cảnh quanh đó. Tôi vẫn chưa sang được, chỉ có bạn Phúc Tiến và vợ chồng em gái tôi sang thăm. Sẽ không bao giờ được cô chở đi chơi nữa.

Vì ở xa, không thắp nhang được nên viết vài dòng hướng về cô. Vĩnh biệt cô Đỗ Phương Khanh!

Phạm Công Luận

 
* Nhà văn Đỗ Phương Khanh giới thiệu báo Tết Thiếu Nhi năm Nhâm Tý 1972

* Ảnh chụp năm 2015 (Ảnh từ gia đình NT/ĐPK)

                   Chị Đỗ Phương Khanh đã đi rồi
                                                       ** Kiều Mỹ Duyên **

Vừa được tin chị Đỗ Phương Khanh ra đi, tôi cầu nguyện cho chị ngay. Chị là người hiền lành, tốt bụng, giúp đỡ mọi người, ai cần gì thì chị giúp không do dự. Chị đẹp, đẹp từ dáng dấp, đẹp từ tinh thần, ai gặp chị cũng thương chị ngay.

Chị Phương Khanh là người con hiếu thảo. Chị thương thân mẫu và chăm sóc mẹ chị vô cùng chu đáo. Mẹ chị rất hiền và thương các cháu ngoại. Thân mẫu của chị ở chung nhà với chị. Nhà hai tầng lầu, mẹ chị thường ở trên lầu. Chị chăm sóc các con của chị rất chu đáo. Nhà là trụ sở của tòa báo Thiếu Nhi, tờ báo được nhiều người yêu chuộng. Vì là chủ báo nên từ trước nhà đến sau nhà chỗ nào cũng thấy báo. Nhà của anh chị lúc nào cũng có tiếng cười của trẻ thơ. Vì các cháu nhỏ hay đến nhà chị họp hội. Chị yêu các cháu cũng như yêu thương con của chị.

Mai Khanh là con út của anh chị. Con của anh chị, con gái người nào cũng tên là Khanh: Vân Khanh, Mai Khanh. Mai Khanh là con gái nhỏ nhất,  nhỏ xíu, mập mạp trắng trẻo, thường đứng dưới cầu thang gọi:

– Bà ơi, bà ơi, bà ơi!

Bé Mai Khanh bụ bẫm, dễ thương vô cùng, ai cũng thích bồng ẵm Mai Khanh. Tùng, con của anh chị du học trước năm 1975. Trụ, em của Tùng cũng được yêu thương lắm. Chị Nguyễn Thị Vinh, nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn, rất thương con của anh chị. Chị Nguyễn Thị Vinh sau này định cư ở Na Uy. Mỗi lần anh Nhật, chị Vinh đến Orange County là ở nhà anh chị. Chị Phương Khanh có em gái là Đỗ Thị Chi và Đỗ Thị Thuấn. Chị cũng rất thương các em gái của chị. Chị chăm sóc gia đình và lo cho tờ báo Thiếu Nhi, làm việc xã hội. Ông bà chủ nhà sách Khai Trí rất quý anh chị. Sách của anh chị do nhà sách Khai Trí xuất bản. Ngày xưa, ở Việt Nam người nào xuất bản sách cũng được rất nhiều ủng hộ, bởi vì sách là nhu cầu cần thiết lúc bấy giờ, nhất là sách thiếu nhi.

Nhà anh chị như tựu nghĩa đường. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo đến thường xuyên. Đến trước ngày 30/4/1975 và đến sau năm 1975, chị cưu mang, đùm bọc mọi người, nếu họ cần sự giúp đỡ của anh chị.

Các con của chị ngoan ngoãn, dễ thương và chịu khó học, thành công ở hải ngoại. Em của chị rất thương chị. Chị làm việc xã hội tích cực. Sau ngày 30/04/1975, chị vẫn còn giúp người này, giúp người kia, và ai chết chị cũng đi đám ma. Tấm lòng, sự quảng đại của chị làm cho nhiều người xúc động và nhớ mãi. Chị thường nói với chúng tôi:

– Giúp ai được gì thì giúp.

Lòng quảng đại của chị cũng ảnh hưởng nhiều người xung quanh.

Chúng tôi cũng được hân hạnh trú ngụ ở nhà anh chị. Anh chị rất tốt, thời buổi nhiễu nhương mà anh chị cho trú ngụ là một điều phúc đức của chúng tôi. Sau đó, tôi dời đến nhà chị Minh, trước khi vượt biên. Hình ảnh của những người chị dễ thương, hiền lành, quảng đại ở mãi trong tôi. Dù ở xa, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho ân nhân của mình.

Chị Phương Khanh ăn chay trường. Chị có tâm Phật, nên ăn chay một cách ngon lành, tránh sát sinh. Chị không nói một câu nào làm phật lòng người khác. Đúng là tâm Phật, người nào gặp chị đều thương chị.

Nói về các chị Đỗ Phương Khanh, chị Nguyễn Thị Vinh, chị Minh Đức Hoài Trinh, chị Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, nói hoài không hết, bởi vì các việc tốt đẹp mà các chị đã làm. Dù các chị đã mất, nhưng hình ảnh của các chị vẫn còn ở đây. Sự thương mến, kính trọng của mọi người dành cho các chị vẫn còn ở đây.

Việc làm của chị Đỗ Phương Khanh về giáo dục, xã hội, tôn giáo, viết hoài không bao giờ hết. Chị in kinh Phật tặng cho Phật tử. Đặc biệt chị có một gia đình hoàn hảo. Các con của chị Bùi Nguyên Tùng, Bùi Thị Bội Khanh, Bùi Thị Vân Khanh, Bùi Nguyên Trụ, Bùi Loan Khanh, Bùi Thị Mai Khanh, Bùi Nguyên Trúc. Em gái của chị là Đỗ Thị Chi, Đỗ Thị Thuấn. Một đại gia đình thành công. Đỗ Thị Thuấn du học ở Pháp về, chị làm đám cưới cho em chị rất chu đáo.

Các con của anh chị thành công trên thương trường, trong ngành truyền thông, như Mai Khanh, chủ đài Little Saigon và Hồn Việt TV. Quý độc giả có thể lên mạng: Cờ vàng trên nóc nhà ở quận Cam, sẽ thấy nhà của con trai anh chị là Bùi Nguyên Trụ, trên nóc nhà có lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ rực rỡ. Một người trẻ mà treo cờ trên nóc nhà của mình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, quý đồng hương cũng biết tấm lòng của chủ nhà như thế nào rồi?

Gia đình chị di cư từ Bắc vào Nam, tôi hỏi Trụ:

– Điều gì làm con nhớ nhất về mẹ?

Trụ trả lời không do dự:

– Nhiều lắm! Điều gì con cũng nhớ .

Gia đình của chị con trai, con gái cũng rất gần mẹ, nhất là gần bà ngoại, vì bà ngoại ở chung với anh chị. Đỗ Thị Thuấn, định cư ở Quận Cam, dạy ở UCI, được học trò rất thương.

Trụ có trí nhớ rất tốt. Trụ hỏi tôi :

– Mắt của cô sao rồi?

Vì có lần đi ăn tối với Trụ, tôi kể cho Trụ và cô ca sĩ hát nhạc lính tuyệt vời rằng:

– Nếu ai đó mổ mắt nên thận trọng. Mổ mắt xong, buổi chiều mắt đi ngủ theo mặt trời rồi, nghĩa là không thấy đường. Ban ngày thì thấy đường, ban đêm thì mù.

Tôi hỏi:

– Mắt của Trụ sao rồi?

– Cháu mổ mắt 25 năm rồi vẫn tốt. Má cháu ăn chay 30 năm rồi, không ăn thịt mà bị ung thư mới tức chứ? Nhà đâu có ai ung thư, đâu có di truyền.

Tôi nói với Trụ:

– Ăn chay đừng ăn đồ hộp, vì có chất bảo quản, mọi người đều có số con ơi.

Tôi xin hình của chị Đỗ Phương. Trước đó, tôi đã email đến Đỗ Thị Thuấn để xin hình, và tên của từng người con của chị Phương. Tôi muốn có hình đặc biệt, tôi không muốn lấy hình của các báo đã đăng rồi. Và tôi hỏi Trụ ngày giờ làm lễ phát tang của chị Phương.Chắc đám tang của chị đông người đến lắm, vì chị được nhiều người thương.

Hồi còn nhỏ, những đứa trẻ đến nhà chị rần rần, nhà thì như tựu nghĩa đường, ai đến cũng được.

Bây giờ, những đứa trẻ thường sinh hoạt ở nhà anh chị cũng trên 50 tuổi. Nghe chị Phương ra đi, thì ở bất cứ nơi nào, tôi cũng cầu nguyện cho chị về cõi Niết Bàn.

Bây giờ chắc chị Phương đã gặp chị Nguyễn Thị Vinh. Khi nhắc đến chị Vinh thì Trụ nói:

– Mẹ nuôi của con.

Tôi kêu lên:

– Hèn gì, khi bác Vinh sang Mỹ, ở nhà chị Phương, tôi mời chị Vinh về nhà tôi ở chơi vài ngày, nhưng chị nói đến Hoa Kỳ phải ở nhà chị Phương. Tình cảm của hai người gắn bó, qua đâu có đi đâu được.

Tôi hỏi thăm Trụ:

– Ba con khỏe không?

Trụ trả lời:

– Ba con yếu lắm rồi, không thở được, không biết ngày nào đi.

Buồn thật! Người lớn tuổi rồi cũng sẽ ra đi, nhưng thấy các con thành tài cũng là điều hãnh diện.

Tôi hỏi về gia đình của Trụ. Trụ nói:

– Con chỉ có một đứa con đang học năm thứ ba tại UCI. Anh Tùng cũng có một đứa. Mai Khanh có bốn đứa con.

Chị Đỗ Phương, nhà văn, nhà báo, nhà giáo. Chị ra đi cũng yên lòng, vì các con, các cháu của anh chị học giỏi, thành tài, có lòng với đất nước.

Với sự bàng hoàng, xúc động, tôi thành kính dâng lên chị một cành hoa tưởng nhớ và thương mến chị.

Thành thật chia buồn cùng anh Nhật Tiến, Chi, Thuấn và các cháu Tùng, Vân Khanh, Trụ, Trúc, Mai Khanh.

Xin chị Phương về Cõi Vĩnh Hằng thanh thản. Chúng em nhớ chị và mang ơn những gì chị đã làm.

Cầu xin linh hồn chị về Cõi Niết Bàn.
Orange County, 08/28/2020
kieumyduyen1@yahoo.com )

 
 
                                    
 
ĐÔI MẮT – Đỗ Phương Khanh
An vòng xe vào mé sau. Cổng trường hôm nay mở sớm nên An không phải bấm chuông. Thành ra lũ trẻ không nghe thấy dấu hiệu để chạy ùa ra như mọi lần. Có hôm, chúng nó chạy ra rồi xô vào nhau ngã lỏng chỏng. Người mù có những giác quan khác rất tốt. Tai họ nghe rõ hơn. Họ có thể dùng tay sờ mó để nhận xét phân biệt mọi vật và hình như họ có linh tính nữa.

Cho nên, dù trường mù đông đúc như thế, mà họ đi lại ít khi va vào nhau. Nhưng những chủ nhật An đến, vì cổng đóng, nên An bấm chuông và chỉ sau hai tiếng chuông xe đạp, là lũ trẻ con đã xô nhau chạy để bấu vào song sắt cửa mà châu mặt ra ngoài nhao nhao. Lần nào khi đem chìa khóa ra mở cổng bác gác cũng phải la ó:

– Mấy ông tướng dẹp ra, cho nhà cháu nhờ nào.

Vứa nói, bác vừa quay tít xâu chìa khóa. Đám trẻ lại lục tục rời xa cánh cổng và chỉ sau tiếng kít kít, chúng biết cổng đã mở, chúng lại rối rít vây lấy An.

Chủ nhật nào An cũng đến trường mù đọc truyện cho lũ trẻ nghe. An cũng không nhớ tại sao An lại có thể siêng năng đến như thế. Kỷ niệm lần đầu tiên An biết trường mù thật tình cờ. Buổi sáng hôm ấy, An đi học nhạc ở đường Nguyễn Thượng Hiền. Nàng phải đi quanh hồ Thuyền Quang. Thế nào xe lại nổ lốp. Trời đẹp quá. An không gọi xích lô chở xe về mà lững thững dắt bộ. Nắng thu ấm áp trông như tơ vàng óng. Gió mơn man thổi tạt những sợi tóc mai rủ quấn quít quanh cổ An. Nước hồ trong vắt lăn tăn vài gợn sóng. An ngửa cổ nhìn trời. Trời xanh cao. Len lỏi từng mảng mây trắng ẩn hiện qua kẽ lá của hàng cây ven hồ.

An ưỡn ngực hít từng hơi dài. Hơi gió mát lạnh ngấm vào từng thớ thịt. Thật là khoan khoái. Bỗng, một người đi ngược chiều đâm xầm vào xe của An. Nàng hoảng hốt dừng lại. Người đàn ông chới với chúi xuống. Nàng lật đật buông tay xe mà đỡ vội để ông ta khỏi ngã. Sau phút hoảng hốt An định cự ông ta. Nhưng nhìn vào mặt ông, An có cảm tưởng như ông không thấy nàng. Đôi mắt ông hơi dại dại. Ông ấp úng nỏi nhỏ nhỏ và cúi xuống mò mò cái gậy. Đúng là ông ta mù thật rồi. Nhưng ông này không giống những người mù mà An thường gặp ở chỗ mắt ông vẫn chớp chớp  bình thường chứ không có sâu hoắm vào hoặc trắng bệch như cùi nhãn. An nhặt gậy đưa vào tay ông và ân cần:

– Cháu xin lỗi ông nhé. Tại cháu không biết ông…

An vội ngừng ngay lại. Nàng vẫn có cái tật nghĩ gì nói nấy, nên nhiều khi mẹ bảo là vô ý vô tứ. Ai lại nỡ nói cái tàn tật của người ta ra. Nhưng ông khách đã nhoẻn miệng cười ngay:

– Cô không có lỗi đâu. Tại tôi không đeo kính mà mắt tôi lại có vẻ bình thường nên cô không nhận ra chứ gì. Mà người bình thường thì phải tránh xe chứ, đúng không cô. Nhưng mà, tại cô nhé, sao cô lại đi xe trên đường.

Suýt An lại cãi là An đâu có đi xe, An dắt đấy chứ. Nhưng nàng nghĩ ngay là vì ông mù, ông không trông thấy nàng, nên an không cãi nữa sợ ông tủi thân. Nàng nhìn vào chiếc quần tây màu ngà của ông bị mấy vết đất ở bánh xe bám vào, đề nghị:

– Nhà ông ở đâu, cháu đưa ông về nhé. Quần ông lấm đất rồi, ông đi chơi người ta cười đấy.

Ông khách khua chiếc ba toong về mé đàng trước:

– Nhà tôi ở trường mù này. Tôi làm hiệu trưởng.

An nhìn theo. Nàng bỗng thấy tò mò. Từ bé, nàng chỉ trông thấy người mù ngồi xin ăn ở bến xe. Đôi khi, mẹ dắt nàng theo đi coi bói ở đền Ngọc Sơn. Ông thầy bói cầm cái mu rùa lên xóc xóc mồm đọc những câu gì nghe đầy vẻ huyền bí. An thấy như thế giới của họ ẩn sau chiếc kính râm kia cũng mù mịt và đầy vẻ bí mật, không dễ hiểu như những người sáng mắt, như An. Gần gũi An lắm, chỉ đến vợ chồng bác xẩm mù và thằng con trai nhỏ tối tối vẫn vịn vai nhau lần mò trên vỉa hè. Có khi, họ ngả đồ nghề ra ngay ở cửa nhà An. Đồ nghề của họ là manh chiếu rách. Cả gia đình ngồi xếp bằng. Giữa là chiếc thau đồng bẹp nhỏ. Người chồng cầm cây đàn một dây và kéo lên những điệu nhạc khàn khàn. Vợ ông ta thì gân cổ lên mà hát những bài nghe cổ quá đến nỗi An tưởng như họ từ ở một thế giới nào tới và làm những việc cũng lạ lùng không thích hợp với đời sống ngày nay nữa. Thằng bé cầm cái que thỉnh thoảng gõ vào cái thau bẹp rồi lại giương mắt nhìn ra chung quanh. Trò chơi chả có gì vui mà dần dần cũng kéo được khá đông người vây quanh. Vài đồng bạc ném xuống kêu loảng xoảng. Tiếng đàn tiếng ca càng ngày càng xa vời mơ hồ. Bao giờ An cũng ngủ trước khi họ cuốn chiếu trở về.

Cho nên ông hiệu trưởng trường mù mà lại mù là một điều lạ đối với An. Nàng tưởng xã hội người mù chỉ gồm có những người nghèo nàn và bí mật như thế mà thôi. An muốn đi theo ông để xem họ sống ra làm sao.

An được giới thiệu với bà hiệu trưởng. An có cảm tình ngay với bà. Bà cao và gầy, khuôn mặt bà trắng xanh và không hay cười. Nhưng giọng bà êm ả và có tiếng ngân. Mẹ thường bảo những người nói giọng có tiếng ngân là những người nhân hậu. An thấy bà chỉ cần có giọng nói êm ả là đủ. Vì nụ cười là để dành cho những người mình thương mến. Mà những người bà thương mến ở đây đều mù. Như thế sẽ chả ai được hưởng món quà đó.

Ông bà hiệu trưởng có hai người con trai chín và bảy tuổi. Sau này, khi thân nhau rồi, An được biết bà là người miền Nam. Xưa kia, ông yêu bà, nhưng bà không ưng. Ông là một cầu thủ, sau lần bị thương trong một trận cầu tranh giải liên tỉnh, ông bị mù.

Bà tới thăm ông và thấy ông là người can đảm, không rên la than khóc, lại nhân vì đồng cảnh ngộ, thương lũ trẻ mù lòa, ông quyết tìm cách nâng cao đời sống của những người mù. Bà cảm phục sự can đảm và lòng nhân ái đó, quyết giúp ông, bèn tỏ lòng yêu quí và muốn sống chung để giúp ông trong công việc đó.

Ông xin chính phủ cho được coi một trường mù. Nhân vì cả hai ông bà đều có học vấn cao nên được chỉ định ra làm Hiệu trưởng trường mù tại Hà Nội.

Sau khi dẫn An đi coi qua trường, thấy An tỏ ý muốn giúp bà, bà khuyên An mỗi sáng chủ nhật nên đến chơi, đem theo truyện hay đọc cho họ nghe. Bà tiếc rằng thì giờ của bà dành cho quá nhiều việc nên không còn có thể giúp họ hiểu biết thêm về văn hóa, về xã hội bên ngoài. Họ có thể đọc chữ nổi nhưng sách in theo kiểu chữ Braille dành riêng cho người mù còn quá ít ỏi.

Từ đó, mỗi chủ nhật An đều đến và đem theo truyện để đọc cho họ nghe. Thường là một truyện ngắn, có khi là một khúc của truyện dài. An rủ họ ra ngoài hiên, ở đó có những ghế nhỏ để chiều chiều họ ngồi chơi hóng mát. An quây ghế thành vòng tròn. Không phải tất cả đều nghe nàng đọc. Có những người ngồi lạnh lùng ở một góc nào đó. Hồi đầu, An tìm cách mời tất cả lại với nàng. Sau nàng biết là có những điều không thể. Bởi vì họ quyết liệt từ chối, đôi khi, họ tỏ vẻ ghét nàng. Có hôm An tức phát khóc. Nhưng bà Hiệu trưởng luôn luôn an ủi nàng. Bà cho biết rằng họ không ghét An, nhưng họ đầy mặc cảm tự ti, cứ để mặc kệ họ, họ đỡ tủi thân hơn.

Đọc chừng một giờ rồi, An cất sách và dắt mấy em nhỏ xuống sân sỏi để kể truyện cổ tích và bầy trò chơi. Lũ trẻ thì rất quí nàng.

*

Cất xe xong, An rón rén bước để lên gác. An định òa một tiếng cho lũ trẻ giật mình, vậy mà chúng đã chạy ùa ra túm lấy áo nàng cuống quít:

– A! Chị An, sao bữa nay chị tới sớm thế?

– Chị kể truyện trước đi. Lát chị hãy đọc truyện. Chị kể nốt truyện “Hoàng tử có bờm” đi!

Có tiếng hét:

– Bờm gì! Ê! Hoàng tử rụng bờm rồi. Hôm rụng bờm cậu đau bụng mà.

– À, tại hôm ấy cậu ăn nhiều quá mà. Giá có nghe truyện thì cũng chìm xuống dạ dày rồi, đâu còn nhớ được.

An vỗ tay:

– Hôm nay chị đến sớm. Vậy nếu các em muốn thì chị kể truyện trước, rồi chúng ta ra sân chơi. Lát nữa nắng lên, chị sẽ đọc truyện, được không?

Lũ trẻ lại nhao nhao:

– Được, được, chị ơi, mà truyện gì? Truyện gì hay hay cơ ý nhé.

– Hôm nay chị kể truyện “Hoàng tử và con chim vàng”.

Nàng hắng giọng:

– Ngày xưa, có một Hoàng tử rất nhân từ. Chàng có một đôi mắt xanh biếc rất đẹp. Đôi mắt sáng long lanh như ngọc.

Có đứa hỏi:

– Xanh biếc là thế nào hở chị?

– Xanh biếc là xanh thẳm ý mà em.

Đứa bé hỏi lại:

– Nhưng mầu xanh thì nó thế nào cơ chị, em chưa biết.

An ngẩn người:

– Ủa, chị quên, mầu xanh là mầu…

– Thôi chị ạ, em biết mầu xanh rồi, chắc là đẹp lắm hở chị? Em mù từ bé…

An luống cuống:

– Không đâu em. Chị vô ý, mầu xanh cũng thường như mọi mầu, mầu xanh…

– Mầu xanh đẹp thật đấy. Nó biêng biếc và trong vắt như bầu trời, như pha lê, như viên ngọc, có phải không ạ? Có lẽ tôi còn nhớ một chút chứ nhỉ. Phải không cô An?

An đã quay lại từ nãy, lúc mới có tiếng ngắt lời nàng. Đó là Tòng, một người không bao giờ chịu nghe truyện An kể, cũng không nghe An đọc truyện.

Tòng đứng dựa gốc cây lan, khoanh tay. Đôi mắt sau cặp kính mát, nhưng An vẫn tưởng như đang nhìn mình với vẻ chế giễu. An ấp úng:

– Đúng đấy anh Tòng ạ. Tôi thật vô ý. Để tôi kể truyện khác cho các em.

Tòng mỉm cười:

– Cô sợ hả? Cô sợ chúng sẽ lại ao ước được nhìn thấy đời sống một lần. Cô sợ gợi cho chúng nỗi niềm chua xót cho thân phận hả? Đúng đấy, cô nên tìm truyện gì đừng có hình ảnh, mầu sắc, để khỏi bị phiền phức, cho lòng bác ái của cô được yên ổn.

An nghẹn lại, không trả lời.

Chủ nhật sau, trong khi An đang đọc truyện trên hiên thì Tòng đến. Chàng lần vào một cái ghế trống sát trong góc. Lúc hết giờ, Tòng tiến đến nói nhỏ:

– Hôm nay tới phiên tôi cần sự yên ổn. Chắc hôm trước cô giận tôi lắm.

An đáp vội:

– Tôi ít giận.

Tòng cười:

– Chả lẽ lại thèm giận kẻ mù lòa. Xin lỗi cô, tôi thật không muốn cô buồn. Nhưng sao tôi…

Tòng ngừng lại. An rủ Tòng xuống sân nghe nàng kể truyện cho lũ nhỏ.

Lần lần, lũ trẻ biết hầu hết những truyện thần tiên mà An được đọc suốt thời thơ ấu. Một đôi khi, chúng cãi nhau về chi tiết của truyện nào đó tới cả tuần. An cũng thân với chúng hơn. Nhiều hôm, An ở lại tới giờ ăn cơm trưa. Nàng theo vào phòng ăn để gắp giúp mấy em còn quá nhỏ, phụ bà giám thị. Những cậu lớn khi ngồi vào bàn, họ quờ tay một lượt là biết vị trí của các món. Còn bát của họ thì đã để vào một cái khuôn đục lõm xuống bàn trước mặt mỗi người cho khỏi đổ. Họ ăn uống rất gọn gàng. Nhưng mấy em nhỏ trông rất tội nghiệp. Có em thì mắt bao màng trắng như miếng cùi nhãn. Có em mắt đã nổ, lại không có kính nên với cái hốc mắt lép đổ ghèn ra, các em cứ cố nhướng lên nhìn vào món nào đó. Mấy hôm đầu, thấy thế An phát khóc. Cái cảnh tượng trên một dẫy bàn dài đổ vãi đầy đồ ăn với hai hàng ghế đầy những em nhỏ không còn trông thấy gì mà cứ hau háu tìm kiếm làm An khổ tâm quá. An vẫn sợ thấy người nào đó ao ước cái gì mà không đạt được. Nhưng An không thể làm gì cho các em này. Các em chỉ đang ước nhìn thấy mấy món ăn để chỗ nào. Lớp màng trắng kia, tròng mắt lép kia đã ngăn cách các em đời đời với thế giới đầy mầu sắc, thế giới náo nhiệt bên ngoài, đã chôn vùi tuổi thơ với những món đồ chơi dù tầm thường, với những buổi hái hoa đuổi bướm. An thấy bất lực trước nỗi đau khổ mà tất cả quanh An đã chịu đựng. Và nàng cảm tạ Thượng Đế, ôi, ích kỷ biết bao, rằng may thay nàng còn có đôi mắt. Nàng cũng thấy ân hận với sự kiêu hãnh ngầm của nàng mỗi khi nàng ở trường mù trở về. Nàng đã cảm thấy kiêu hãnh rằng đã giúp đỡ họ, đã thương xót họ. Tội nghiệp thay, trong khi đáng lẽ họ cũng được như nàng. Nhưng Thượng Đế sao lại cho họ phải đui mù như vậy. Cho nên An càng cố gắng giúp họ như là một hành động để đền ơn.

Một hôm An đọc truyện Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh. Mọi người chăm chú nghe. Tới chỗ Minh bị mù có tiếng thở dài. Đến đoạn Minh ghen định tự tử, có một cậu phản đối:

– Trời! Sao lại tự tử? Cái anh chàng thật là hồ đồ. Chẳng biết phải trái gì cả.

– Nếu cứ tự tử là xong mọi chuyện thì chết là điều dễ nhất. Nhưng còn người sống, còn Liên kia, nàng sẽ đau khổ xiết bao.

An nhìn anh chàng vừa góp ý và mỉm cười. Anh ta thật yêu đời và dễ dãi quá, thật là hiếm thấy trong chốn này. Bỗng An bắt gặp Tòng đang nhìn ra phía ngoài. An lại gần hỏi:

–  Anh Tòng nhận xét thế nào?

Tòng cười:

– Tôi thấy ông Nhất Linh để Minh tự tử là đúng. Nhưng ông lại cho sống lại. Và hình như, nếu tôi nhớ không lầm thì ông lại cho sáng mắt nữa. Thật có hậu và tốt đẹp. Nhưng cô tưởng tượng coi, nếu anh chàng Minh không sáng mắt lại, rồi sau này đi làm thầy bói, thì cô Liên yêu quí và xinh đẹp kia sẽ ra sao. Sẽ cắp tráp theo sau hay là cầm đầu gậy dẫn đường.

An tức uất lên. Hình như Tòng bất mãn và muốn tàn phá hết cả ý định tốt đẹp của nàng. Nàng đã bỏ buổi sáng chủ nhật để tới đây, đọc những truyện mà nàng đã coi rồi, chẳng còn hứng thú gì cả. Nàng chỉ muốn làm cho họ đỡ khổ, ngày chủ nhật của họ đỡ tẻ nhạt, để an ủi họ, cho họ đỡ phiền muộn trong một vài giờ của cuộc đời tối tăm dài dằng dặc. Nhưng họ có muốn không. An bỗng cảm thấy nàng nghĩ sai. Mình ở thế giới khác. Không phải họ, không giống họ, không có cái cảm giác của họ, nên điều mình nói ra đều là những điều xa lạ và kênh kiệu khiến họ không thông cảm. An đứng im bối rối. Tòng lại tiếp:

– Tâm hồn tôi mục nát quá phải không cô? Người ta nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tiếc thay, cửa sổ của tôi đã đóng chặt bằng khóa chữ do tay anh điên.

An chạy một mạch xuống nhà lấy xe về thẳng.

Mấy tháng sau, An trở lại. Lần này An đến để từ biệt họ. An sắp đi lấy chồng. Sau khi cưới nàng sẽ theo chồng đi xa. Lúc nàng lên tới hiên, nàng thấy họ đã ngồi đông đủ và đang lần tay trên cái khuôn để viết chữ nổi. Dù An đi rất nhẹ, cũng có người reo lên:

– A! Cô An!

Đúng là mắt đã kém thì tai thính. An vui mừng chạy lại chào họ. Họ hỏi thăm rối rít và đòi nàng đọc truyện. Nàng nói rằng chỉ tới chơi được một lúc thôi. Một vài người cho nàng biết là họ đã trách Tòng dữ lắm. Nàng vừa trả lời vừa tìm Tòng:

– Không phải lỗi tại anh ấy. Tại tôi bận.

Và mắt nàng đã gặp Tòng. Chàng ngồi trong một góc, đang chăm chú viết trên cái khuôn. Mặt chàng xanh xao. An lại gần chàng cúi xuống nói:

– Anh đừng buồn nhé. Tôi không giận anh đâu. Tại tôi bận.

Tòng không đáp, cứ cắm cúi ấn tay xuống tờ bìa. Một lúc sau Tòng nói:

– Cô đi ở riêng à?

An ngạc nhiên:

– Vâng, sao anh biết?

Tòng vẫn cúi:

– Những người mù thì trời lại phú cho linh tính bén nhậy.

Bỗng nhiên, chàng luống cuống làm rớt cái dùi để viết. Chàng chụp vội bàn tay An đang chống trên bàn. Nhưng vì cái dùi rơi, An đang cúi xuống nhặt, thành ra Tòng chụp hụt.

Tòng vụt thấy rõ, rất rõ, sự kém cỏi, mù lòa của mình. Linh tính cho chàng biết tay An chống lên bàn, mà không kịp thấy An đang nhặt dùm chiếc dùi. Sau giây phút đó, Tòng lại trở về cái vỏ ốc cũ của chàng. Tòng nói nhỏ:

– Đã ba năm nay, đây là lần đầu tiên tôi cám ơn trận đau đã làm cho tôi trở thành mù lòa, vì nhờ nó, tôi khỏi nhìn thấy khuôn mặt sáng rỡ của cô.

Tòng vừa đứng lên vừa nói:

– Cô tốt lắm. Đủ rồi! Tôi sẽ không quên trên đời có người hào hiệp và thương người như cô.

Tòng sờ soạng tiến về phía dẫy nhà ngang. Nước mắt An chảy dài xuống má. Lời nói cay đắng của Tòng không làm cho nàng giận nữa. Nàng đã hiểu phần nào tâm trạng của những người đau khổ này. An tiếc đã không sớm cảm thông với họ, mà giận họ, uổng đi bao ngày mà lẽ ra An có thể giúp đỡ họ được.

ĐỖ PHƯƠNG KHANH   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 39, ra ngày 21-5-1972)