TÔI VÀ PHẦN CUỐI CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM (Bùi Chí Vinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of outdoors

Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Nhảy Dù chúng tôi đã di tản trên một trong những chiếc tàu Hải Quân như thế này. Tôi nằm liệt vì ói mửa say sóng, sau đó tàu tấp vào Cam Ranh. Và tôi cùng vài chiến hữu trốn lên bờ đi đường bộ về trại Hoàng Hoa Thám, Sài Gòn. Sau đó, tôi “bẻ” súng…(Ảnh:Internet)

 

Cuộc cách mạng thời học sinh của tôi chấm dứt lúc mùa hè đỏ lửa. Đầu năm 1972 trên đường đi rải truyền đơn về tôi bị bắt ở chợ Bà Chiểu và giải pháp duy nhất lúc được thả ra là kết nối với các anh em xem số phận họ ra sao. Thật đáng buồn cho tôi là tất cả đường dây liên lạc đều bị cắt đứt. Nguyễn Sĩ Hiền trốn vô chiến khu. Nguyễn Văn Tâm biến mất. Nguyễn Văn Vĩnh cũng bặt tin hoàn toàn. Trong khi lệnh Tổng Động Viên lù lù trước mắt. Tôi không còn con đường nào khác là phải cầm súng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cầm súng giống như mọi người, cầm súng để “tương kế tựu kế” chờ cơ hội phản chiến bỏ ngũ, cầm súng để cứu chính mình và cứu gia đình thoát khỏi tai mắt của hệ thống an ninh phường khóm lúc đó đang rình rập.
TỪ PHÁO BINH BIỆT ĐỘNG QUÂN BIÊN PHÒNG ĐẾN QUÂN LAO NHẢY DÙ
Tấm thẻ bài tôi đeo tòn teng trước ngực chỉ ghi vỏn vẹn “Bùi Chí Vinh, số quân 74.128138, máu B” nhưng để có nó, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đào tạo tôi như đào tạo… sát thủ. Mới ngày nào tôi còn là thằng “bạch diện thư sinh” chuyên bãi khóa xuống đường, chống đôn quân bắt lính, chống quân sự hóa học đường thì bây giờ được “nhồi” liên tục vào các quân trường thứ dữ. Coi, tôi vừa tốt nghiệp khóa Hạ Sĩ Quan quân trường Lam Sơn xong là được thẩy qua quân trường Dục Mỹ của Biệt Động Quân để học khóa 52 Rừng Núi Sình Lầy (các bạn phải biết khóa Rừng Núi Sình Lầy xuất xứ từ rừng rậm Mã Lai chỉ chuyên “huấn nhục” các sĩ quan, hạ sĩ quan vô kỷ luật). Tại đây lúc nhập khóa, viên sĩ quan huấn luyện lôi các khóa sinh đứng trước bức tượng đồng đen của ngưởi lính Biệt Động Quân rồi tuyên bố : “Chừng nào các anh đen như vậy mới được ra trường”. Và tôi đã “đen như vậy” suốt 3 năm cầm súng. Rời trường Dục Mỹ tôi được tiếp tục học khóa Hạ Sĩ Quan Pháo Binh ở trường Pháo Binh bởi điểm số học bạ quá cao của tôi đập vào mắt những người tuyển chọn. Tôi được dạy làm Khẩu Đội Trưởng các loại đại bác 105 ly, 155 ly và được chuyển ra Vùng 1 Chiến Thuật thuộc quân số Trung Đội Pháo Binh của Tiểu Đoàn 70 Biệt Động Quân Biên Phòng đóng ở vùng núi Gia Vực, Quãng Ngãi.
Một năm sau đó Trung Đội 175 Pháo Binh Biên Phòng giải thể, sát nhập vào Pháo Binh Sư Đoàn 2 đóng ở vùng hải đảo Sa Huỳnh. Cuối năm 1974 Sư Đoàn Nhảy Dù tuyển mộ chiều cao hơn 1 mét 70 của tôi và lôi tôi về Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Dù đóng ở căn cứ Non Nước, Đà Nẵng. Năm đó tôi vừa đúng 20 tuổi. Chính trên vùng đất lửa khủng khiếp này, máu “phong trào” thời tranh đấu nổi lên. Tôi đã xách động chiến sĩ nổi loạn chống lại cấp chỉ huy và bị nhốt Quân lao Sư Đoàn Dù. Tôi rời khỏi quân lao và thoát án lao công đào binh đúng vào giây phút lịch sử. Giây phút định mệnh xảy ra vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975. Tại cảng Đà Nẵng tôi đã trèo lên nóc cô-nét để tận mắt chứng kiến những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa không đánh mà tan. Từng đoàn người, từng hàng người đủ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hắc Báo Sư Đoàn 1… từ trên đèo Hải Vân thất thểu tràn xuống Đà Nẵng trong tư thế “gãy súng” bởi bị đồng minh Mỹ phản bội, bỏ rơi. Họ không còn tinh thần chiến đấu dù với lực lượng hùng hậu đó nếu “đánh” thực sự thì chưa chắc mèo nào thắng mèo nào. Qua ống nhòm, tôi thấy vây quanh chiếc xe jeep của Đại Tá Nguyễn Khắc Trường, Chỉ huy trưởng Pháo Binh Dù là các sĩ quan tùy tùng cùng Đại Úy kiêm nhà văn Nguyên Vũ (tác giả cuốn VÒNG TAY LỬA nổi tiếng) và Đại Úy Tuấn (người cứu tôi ra khỏi quân lao vì mến tài làm thơ của tôi). Có lẽ họ bàn bạc về cách di tản các khẩu đại pháo bằng đường không hoặc đường biển khỏi Vùng 1 Chiến Thuật.
Nói cho cùng, họ là đội quân đã bị “tước đoạt lý tưởng”. Tôi có ghi lại nỗi buồn chiến tranh này trong một bài thơ mang tựa TÀN CUỘC BINH ĐAO. Bài thơ được viết trong cuộc pháo kích dữ dội của bộ đội Bắc Việt xuống Gia Vực, Quãng Ngãi. Bài thơ như một điềm báo tiên tri về sự kiện 30-4-1975 với 2 câu “Đêm nay chú pháo ta hứng pháo – Mai mốt hai thằng bỏ cuộc chơi”…
TÀN CUỘC BINH ĐAO
Đái ra nón sắt bưng lên uống
Một chút chua. Ờ, giống rượu cần
Mười đêm khát nước thèm chết được
Thiếu nước, mắt đổ ghèn rưng rưng
Nước mắt lắng dần thành nước đái
Cũng như gái núi hóa ma Hời
Đầu non, thằng giang hồ thui thủi
Gõ Sở Từ Hành nghêu ngao chơi
Ở đây phải Hoàng Sào đóng chốt
Cớ sao thiếu mất một tay chèo
Hay Tố Như quên đàn nửa gánh
Để gươm vô tình buồn hẩm hiu
Râu ta rồi mọc như Từ Hải
Tiếc không gương soi mặt với đời
Vai hùm xem dáng còn phong độ
Bốn bề mây, phủ một bề thôi
Ở đây phải thánh hiền ẩn dật
Thánh hiền mà có súng, lạ chưa ?
A, té ra là thằng lãng tử
Lang bạt chữa quen đã nhớ nhà
Nhớ thuở học trò mê con gái
Lẽo đẽo theo sau đến đã đời
Ở đây có nhớ trèo lên núi
Lẩn vào mây là níu tới trời
Thôi vậy, ở đâu ta cũng nhớ
Tập trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Bảy đêm bứng chốt, ba ngày pháo
Chú đã làm ta mệt đứ đừ
Ta mệt. Ờ, lại thêm khát nước
Nón sắt trông như ché rượu cần
Chú có cần ta chia chút ít
Nước đái ta vừa mặn vừa nồng
Chú không ôm mộng Chung tiền bối
Nhưng tiếng đàn sao thiếu Bá Nha
Còn ta sinh trưởng miền châu thổ
Có lý nào chọn núi làm nhà ?
Có lẽ đầu đuôi vì lịch sử
Trịnh Nguyễn phân tranh đã lỡ rồi
Đêm nay chú pháo, ta hứng pháo
Mai mốt hai thằng bỏ cuộc chơi !
1974
Bùi Chí Vinh