THƯ SỐ 52a GỞI NGƯỜI LÍNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN (Phạm Bá Hoa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

h1

Với thư này, tôi giúp Các Anh về những tin tức liên quan đến hội nghị cấp lãnh đạo các quốc gia trong khối ASEAN tại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng Các Anh sẽ nhận rõ thêm bản chất độc tài khi ông Tổng Bí Thư ra lệnh cho ông Thủ Tướng hướng dẫn phái đoàn tham dự hội nghị, và nội dung hội nghị này đã nói gì về Biển Đông, trong khi Trung Cộng đặt những giàn hỏa tiển chống phi cơ trên quần đảo Hoàng Sa…..

Thứ nhất. Trước ngày hội nghị khối ASEAN.

Xin nhắc lại. Hội nghị cấp lãnh đạo trong khối ASEAN tổ chức lần đầu tiên vào năm 1976 tại Bali, Indonesia. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Hiệp Ước Thân Thiện & Hợp Tác Đông Nam Á.  Sau đó, hội nghị này được tổ chức hằng năm và luân phiên tại các quốc gia trong khối. Năm 2016 này, hội nghị sẽ tổ chức tại Sunnylands, tiểu bang California, Hoa Kỳ trong ngày 15 và 16 tháng 2.

Đại hội đảng cộng sản Việt Nam 12 chấm dứt ngày 28/1/2016, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đánh bại Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng văng ra khỏi trung ương đảng. Ngày 8/2/2016, ông Trọng không cho Thủ Tướng Dũng dự hội nghị khối ASEAn tại Sunnylands, Hoa Kỳ, mà cử  Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh thay thế. Ngày 10/2/2016, Tổng Bí Thư Đảng Việt Cộng  Nguyễn Phú Trọng lại ra lệnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phải bàn giao chức vụ cùng với tất cả hồ sơ và tài vật trong tháng 3/2016, thay vì đến cuối tháng 6/2016.

Vấn đề Trưởng phái đoàn Việt Nam là Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị Sunnylands, bị nước chủ nhà là Hoa Kỳ phản đối vì đây là hội nghị thượng đỉnh, tức cấp lãnh đạo quốc gia mới được tham dự. Vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng tổ chức buổi họp đặc biệt vào ngày 11/2/2016, với sự tham dự của một số đảng viên trong Bộ Chính Trị và trung ương đảng giữ những chức vụ về An Ninh, Tình Báo, Công An, và Quốc phòng. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời tham dự. Ông Trọng, nhân danh Tổng Bí Thư vừa được tái bầu trong đại hội vừa qua, đã ra lệnh cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trước ngày bay sang Hoa Kỳ dự hội nghị, như sau:

“(1) Không được đề cập đến tình hình chính trị, xã hội, biến chuyển của Việt Nam khi thảo luận với Tổng Thống Hoa Kỳ. (2) Không được nhân danh chánh phủ Việt Nam để ký kết hay thỏa thuận bất cứ vấn đề gì liên quan đến tranh chấp Biển Đông đối với Trung Quốc, khi hội nghị  thảo luận về tranh chấp Biển Đảo giữa Trung Quốc với các nước khu vực liên quan, trong đó có Việt Nam. (3) Nên từ chối họp song phương với Tổng Thống Hoa Kỳ. Nếu trường hợp Hoa Kỳ đề nghị họp riêng với Thủ Tướng, thì Thủ Tướng nên đề nghị có mặt của Bộ Trưởng Ngoại Giao kiêm Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh, hoặc một người trong đoàn do Bộ Chính Trị quyết định tại thời điểm lúc ấy. (4) Trước khi họp hay sau khi chấm dứt, cấm không được tiếp xúc với báo chí truyền thông hay tuyên bố bất cứ điều gì với họ. (5) Không được đi đến bất cứ nơi đâu khác, ngoài địa điểm đến họp hội nghị  Sunnyland. (6) Không được tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả Việt Kiều yêu nước. (7) Sau khi hội nghị chấm dứt, phải theo phái đoàn bay về Hà Nội để báo cáo với Bộ Chính Trị và chánh phủ. Nếu có văn bản gì cần ký kết chung với các quốc gia trong hội nghị, thì Bộ Chính trị sẽ cho nghiên cứu và quyết định sau. (trích bản tin của VietPressUSA 13/2/2016)

Với cái lệnh như vậy, chẳng khác nào ông Trọng bịt miệng và trói chân ông Dũng. Bịt miệng, vì sợ những lời phát biểu của ông Dũng sẽ làm Trung Cộng giận? Tôi nghĩ là trói chân ông Dũng, không phải ông Trọng sợ ông Dũng tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ vì dù sao thì gia đình ông Dũng vẫn trong tay ông Trọng mà. Vậy, theo Các Anh thì ông Trọng sợ điều gì mà bảo ông Dũng phải về Việt Nam ngay sau khi hội nghị chấm dứt? Chẳng lẽ ông Trọng muốn thanh toán ông Dũng, như ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Bá Thanh ….?

Và ngày 14/2/2016, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phái đoàn đến Hoa Kỳ.

Thứ hai. Hội nghị cấp lãnh đạo trong khồi AESEAN.

Hội nghị ASEAN + Hoa Kỳ diễn ra trong ngày 15 và 16/2/2016 tại Sunnylands, miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Xin chào tất cả quý vịđó là lời mở đầu của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama, rồi ông tiếp- Được đón tiếp quí vị trong hội nghị lịch sử này tại Hoa Kỳ, là vinh dự lớn đối với tôi. Sự kiện này thể hiện cam kết của cá nhân tôi và của nước Mỹ, với nỗ lực phát triển  vững mạnh trong hợp tác với từng quốc gia ASEAN, và toàn bộ khu vực Đông Nam Á“.

                                         Image result for Hội nghị ASEAN + Hoa Kỳ diễn ra trong ngày 15 và 16/2/2016 tại Sunnylands

Như quí vị đã biết, lúc còn trẻ, tôi đã từng biết đến con người và vẻ đẹp, cũng như sức mạnh của Đông Nam Á khi sống cùng mẹ tôi trong vài năm ở Indonesia. Khi là Tổng Thống, tôi đã có cơ hội đến thăm hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á, được quý vị và người dân ASEAN luôn chào đón nồng nhiệt, hy vọng chúng tôi có thể đáp lại sự nồng nhiệt đó trong hôm nay và ngày mai. Đó là lý do tại sao tôi không tổ chức hội nghị ở thủ đô Washington DC. Thật ra, thời tiết ở đó đang rất lạnh với tuyết rơi dày. Vậy đó, xin chào mừng quý vị đến với Sunnylands ấm áp và tươi đẹp.

“Tôi từng khẳng định rằng,Hoa Kỳ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khẩn cấp khắp thế giới, chính sách đối ngoại của chúng tôi phải bám sát để nhận ra cơ hội thuận lợi, và rõ ràng là ít có khu vực nào đem lại nhiều cơ hội trong thế kỷ 21 như Châu Á. Đó là lý do mà khi mới nhận chức Tổng Thống, tôi quyết định Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ tái cân bằng chính sách ngoại giao và đóng vai trò lớn hơn, lâu dài hơn ở châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược đó, bao gồm việc hợp tác với Đông Nam Á, và nhận lấy vai trò trung tâm trong sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực, và đối với mục tiêu chung của chúng ta là xây dựng một trật tự khu vực, nơi tất cả mọi quốc gia đều tôn trọng các quy định chung của quốc tế.

Tôi tự hào là Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên hội kiến với các vị lãnh đạo của 10 quốc gia trong khối ASEAN. Hội nghị này đánh dấu cuộc gặp gỡ thứ bảy của chúng ta. Theo lời mời của quý vị, Hoa Kỳ đã tham gia hội nghị cấp lãnh đạo Đông Nam Á, và cùng nhau biến nó thành diễn đàn hàng đầu của khu vực để giải quyết các thách thức chính trị và an ninh. Tôi đã bảy lần đến thăm ASEAN, nhiều hơn bất kỳ những vị Tổng Thống Hoa Kỳ trước tôi. Và trong cuộc gặp cuối cùng của chúng ta ở Kuala Lumpur, chúng ta đã xây dựng mối bang giao chiến lược mới. Sự hợp tác của chúng ta đang đem lại lợi ích cho tất cả các bên.Và chúng ta tiếp tục phát huy đà hợp tác đó tại hội nghị này.

Chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Hoa Kỳ. Các công ty Hoa Kỳ là nguồn cung cấp đầu tư ngoại quốc  lớn nhất ở ASEAN, đó là một trong những nguyên nhân giúp GDP khu vực tăng mạnh trong những năm qua, giúp giảm đói nghèo. Tôi muốn tận dụng cơ hội này để chúc mừng các vị lãnh đạo ASEAN về việc thành lập Cộng Đồng ASEAN, một bước quan trọng tiến tới việc hội nhập các nền kinh tế của quý vị. Tại hội nghị này, chúng ta có thể phát huy sự phát triển đó

Chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh để đối phó với các thách thức chung. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các nước đồng minh và hợp tác trong khu vực. Tại hội nghị này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về một trật tự khu vực theo luật pháp và thông lệ quốc tế, bao gồm tự do hàng hải được tôn trọng, và các cuộc tranh chấp được giải quyếtbằng những biện pháp hòa bình. Chúng ta có thể tiếp tục bảo vệ khát vọng và phẩm giá của người dân. Cuộc bầu cử lịch sử ở Miến Điệntiến trình chuyển đổi đã đem lại hi vọng cho một đất nước hòa hợp, hòa bình, và dân chủ. Với việc gia nhập TPP, Singapore, Việt Nam, Malaysia, và Bruney đã cam kết thực hiện các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Sáng kiến lãnh đạo trẻ ASEAN, đang giúp đỡ những người trẻ đang định hình lại khu vực hàng ngày. Tôi từng gặp gỡ với nhiều người trẻ nổi bật, lý tưởng, lòng dũng cảm, và quyết tâm vì tương lai của họ, đem lại hi vọng cho tất cả chúng ta. Là lãnh đạo, chúng ta phải đáp ứng nguyện vọng của họ. Và tại hội nghị này, chúng ta có thể tái khẳng định rằng, các xã hội vững mạnh, thịnh vượng, hòa hợp, đòi hỏi quản trị hiệu quả, tôn trọng pháp luật, trách nhiệm minh bạch, bảo vệ nhân quyền“.

Cuối cùng, chúng ta có thể tiếp tục đối phó với các thách thức xuyên quốc gia mà không nước nào có thể giải quyết đơn phương. Như vụ tấn công khủng bố tháng trước ở Jakarta, nhắc nhở mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố buộc chúng ta phải thận trọng, chia sẻ tin tức, hợp tác để bảo vệ người dân. Chúng ta hợp tác để đạt một thỏa thuận biến đổi khí hậu mạnh mẽ ở Paris (Pháp), biến thỏa thuận đó thành hành độngtăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, bao gồm đầu tư cho các nước đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho tất cả mọi người, an ninh chung và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng nhân quyền và phát triển bền vững, là tầm nhìn chung của chúng ta. Đó là điều đưa chúng ta đến đây hôm nay.

Phát biểu của Tổng Thống Hoa Kỳ, vừa tâm tình với các vị lãnh đạo trong khối ASEAN, vừa cảnh cáo lãnh đạo Trung Cộng về những hoạt động trên Biển Đông trái với Công Ước Quốc Tế Về Biển -dù không một lời nào nói đến Trung Cộng-

Đến lượt Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, đã và đang nỗ lực đóng góp vì Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng trong khu vực. Sau 30 năm thực hiện cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đồng thời thực hiện chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, và tham gia liên kết kinh tế trên nhiều tầng nấc, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN, APEC, TPP và RCEP là những khuôn khổ then chốt. Nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của hợp tác giữa ASEAN với Hoa Kỳ về hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Trong thời gian tới, hai bên cần thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là kế hoạch hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2016-2020, về hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, nền kỹ nghệ giữa các doanh nghiệp ASEAN với Hoa Kỳ…”

Các Anh có đồng ý với tôi là lãnh đạo Việt Cộng các cấp, luôn luôn có những “bài thiệu” (như  trong lớp học võ), khi cần thì đem theo trong các buổi họp quốc tế và cứ thế mà đọc là xong. Thậm chí còn có “bài thiệu” để trả lời những câu hỏi, mà điển hình là trong kỳ họp “Kiểm Điểm Định Kỳ Tổng Quát về Nhân Quyền thứ 18″ trong 2 tuần lễ kể từ 27/1/2014, để kiểm điểm và trả lời những khuyến nghị của các nước liên quan đến Nhân Quyền. Thứ Trưởng Ngoại Giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu, mang theo những câu trả lời viết sẳn mà Bộ Ngoại Giao ước tính là sẽ bị các quốc gia nêu lên. Và những câu trả lời đó -khó mà đúng với câu hỏi của các thành viên tham dự- đã được lãnh đạo phê duyệt, được hiêu là ông Ngọc không được ứng khẩu khi phải trả lời.

Image result for Ngày 16/2/2016, bên lề hội nghị, Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Thủ Tướng Việt Cộng,

Ngày 16/2/2016, bên lề hội nghị, Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Thủ Tướng Việt Cộng, không phải một mình ông Nguyễn Tấn Dũng, mà ít nhất là 3 thành viên nữa. Cuộc tiếp kiến diễn ra trong khoảng 40 phút. Thủ Tướng Việt Cộng bày tỏ mối quan ngại về tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, thật sự đe dọa đường hàng hải và hàng không do những hành động đơn phương trái phép trên quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Trường Sa. Thủ Tướng Việt Cộng đề nghị:

“Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện đứng đắn Bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), và sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC. Về bang giao giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp Định Hợp Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký chính thức, do đó các bên cần nhanh chóng hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp Định theo quy định của từng nước.

Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, và kéo dài thời gian từ 18 tháng lên 3 hay 4 năm để phía Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi các biện pháp quản trị, nhằm đáp ứng những quy định liên quan trong Luật Nông Trại 2014 (Farm Bill 2014) của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật về quản trị vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra và cá ba sa của Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ. Đề nghị sau cùng là Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ thiết thực, nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là việc tẩy độc dioxin và rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đồng thời Hoa Kỳ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương, coi đây là biện pháp quan trọng để củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước; đồng thời tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam”.

Tổng Thống Hoa Kỳ hài lòng cuộc hội kiến, và ông nói với ông Nguyễn Tấn Dũng là ông sẽ thăm Việt Nam vào tháng 5 năm nay (2016) trên đường sang Nhật Bản dự hội nghị.

Ngày 15/2/2016, theo bản tin của đài VOA thì Tân Hoa Xã là cơ quan chánh thức của Trung Cộng, liên tiếp gởi đi những thông điệp từ Bắc Kinh đến hội nghị ASEAN – Hoa Kỳ, đang diễn ra tại Mỹ. Bài viết trênTân Hoa Xã cảnh cáo: Washington nên nhớ rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ làm ngơ trước bất kỳ mưu toan nào thách thức chủ quyền không thể tranh cãi của mình, và việc đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ những lợi ích cốt lõi sẽ là một sai lầm chết người. Trong bài nhận định, có đoạn: “Phát biểu mới đây của Phó CVấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Ben Rhodes nói rằng, Mỹ sẽ gửi đi một thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc, ngụ ý nói Bắc Kinh là kẻ quấy rối, hiếp đáp các láng giềng nhỏ về vấn đề Biển Đông. Tác giả bài viết nhấn mạnh: “Hội Nghị thượng đỉnh ở Sunnylands, có thể bị phía Mỹ biến thành một mưu toan nhằm lợi dụng các nước ASEAN để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Vẫn tin từ Tân Hoa Xã khẳng định: “Hoa Kỳ không phải, và sẽ không bao giờ là phát ngôn viên cho một tổ chức độc lập như ASEAN về bất kỳ vấn đề gì. Đây là thời gian để cho các quốc gia ASEAN tỉnh táo đầu óc tách ra khỏi Hoa Kỳ.

Rõ ràng là thông qua Tân Hoa Xã, lãnh đạo Trung Cộng vừa thách thức Hoa Kỳ, vừa cảnh cáo các quốc gia trong khối ASEAN, như thể Biển Đông là của họ vậy. Sự ngang bướng của Trung Cộng ngoài sự tưởng tượng của con người tôn trọng sự thật, ngang nhiên tự cho mình cái quyền sở hữu đường lưỡi bò chiếm khoảng 85% Biển Đông, mà không có bất cứ tài liệu gì để chứng minh cái quyền ấy, ngoại trừ cái miệng cứ cho rằng họ là sở hữu chủ từ thời tổ tiên của họ, nhưng cũng không chứng minh là tổ tiên thời nào. Cộng sản là như vậy mà, cho dù cộng sản Tàu hay cộng sản cũng vậy thôi.

Ngày 17/02/2016, Bản Tuyên Bố Chung của Hội Nghị Sunnylands gồm 17 điểm, chỉ là cô đọng  nội dung diễn văn khai mạc của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama, và không một lời nào nói đến Trung Cộng dù nói rất nhiều về vấn đề an ninh Biển Đông, chỉ có điều 17 là “Cam kết chung đối với việc tiếp tục đối thoại chính trị ở cấp lãnh đạo nhà nước hay cnh phủ, thông qua sự tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN thường niên, và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á“.

Thứ ba. Trung Cộng quậy sóng BIển Đông.

Xin nhắc lại. Ngày 30/1/2016, Hoa Kỳ cho chiến hạm USS Curtis Wilbur tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo bào The Washington Times ngày 1/2/2016, trong khi Trung Cộng mạnh miệng tố cáo Hoa Kỳ trắng trợn xâm phạm chủ quyền biển đảo của họ và họ sẽ phản ứng bằng quân sự, thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Bình nói rằng: “Đó là việc bình thường khi chiến hạm Hoa Kỳ đi lạc vào vùng đảo Tri Tôn chớ không sao cả”.  Sau sự kiện này, Bộ Quốc Phòng Australia lên tiếng trong bản tuyên bố ngày 2/2/2016: “Chiến hạm và phi cơ Australia cũng sẽ tiến hành tuần tra như chiến hạm Curtis Hoa Kỳ trên đường hàng hải và hàng không, vì đó là vùng trời vùng biển tự do của quốc tế“.

Image result for Tập Đoàn năng lượng Sinopec của Trung Cộng

Ngày 14/2/2016, Reuter có bản tin nhắc lại: “Ngày 14/12/2015, Tập Đoàn năng lượng Sinopec của Trung Cộng có kế hoạch xây dựng trạm tiếp tế nhiên liệu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, với thời gian khoảng một năm. Hiện nay, trên đảo Phú Lâm có khoảng 1.000 binh lính”.

Ngày 19/2/2016, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của lãnh đạo Trung Cộng loan tin: “Lực lượng Trung Quốc phòng thủ Hoàng Sa sẳn sàng bắn súng cảnh cáo, thậm chí là sử dụng tàu đâm vào chiến hạm Hoa Kỳ nếu họ tiến gần vào Hoàng Sa”. Tờ báo này còn có bài bình luận, rằng: “Trung Quốc cần phải có những hành động cứng rắn để dạy cho Mỹ một bài học“.

Sự kiện ngày 12/2/2016, Thượng Viện Hoa Kỳ ủng hộ Dự Luật đổi tên quảng trường trước tòa đại sứ Trung Cộng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thành đường Lưu Hiểu Ba. Xin nhớ rằng, ông Lưu Hiểu Ba là nhà đấu tranh bất đồng chính kiến với chế độ độc tài Trung Cộng, đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2010, nhưng ông đã bị Trung Cộng tuyên án 11 năm tù từ năm 2009. Tuy chưa thành Luật, nhưng Trung Cộng phản ứng dữ dội vì họ coi như Hoa Kỳ tát vào mặt họ. Vì vậy mà ngày 16/2/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hồng Lỗi đã chính thức tuyên bố trong buổi họp báo với tháy độ giận dữ, rằng: “Nếu dự luật đó được thông qua để trở thành luật, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi yêu cầu Thượng Viện Mỹ dừng việc vận động để thông qua dự luật trên, đồng thời hy vọng giới chức Mỹ chấm dứt trò hề chính trị này, vì nó đi ngược các nguyên tắc căn bản trong bang giao quốc tế”.

Tôi nghĩ, đó cũng là cách thể hiện phản ứng của Trung Cộng, vì nếu dự luật đó thành Luật chẳng khác nào mỗi khi mở cửa tòa đại sứ thì y như rằng cả tòa đại sứ bị ngay cái tát của ông Lưu Hiểu Ba  vào mặt họ. Mời Các Anh đọc tiếp …..

Ngày 17/2/2016, đài truyền hình Fox News của Hoa Kỳ đã công bố những tấm hình chụp từ vệ tinh, cho thấy các giàn phóng hỏa tiển HQ 9 chống phi cơ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

 

Ngày 18/2/2016, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc Phòng Trung Cộng, xác nhận nước này đã đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm từ lâu rồi, nhưng không nói là vũ khí gì, mà còn lớn tiếng cho rằng truyền thông phương Tây dường như đang thổi phồng về mối đe dọa từ Trung Cộng.

Image result for các giàn phóng hỏa tiển HQ 9 chống phi cơ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Các Anh chú ý. Phần khoanh vàng trong hình bên trái là khu vực mới được Trung Cộng mở rộng trong hai tháng qua. Đây chính là địa điểm đặt những giàn hỏa tiển HQ 9. Với hành động này được các chuyên gia nhận định là vô cùng nguy hiểm, vì Trung Cộng sẽ uy hiếp các máy bay quân sự cũng như dân sự trên Biển Đông.

Image result for Ngày 17/2/2016, đài truyền hình Fox News của Hoa Kỳ đã công bố những tấm hình chụp từ vệ tinh, cho thấy các giàn phóng hỏa tiển HQ 9 chống phi cơ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kirby bình luận rằng: “Những hình ảnh về hỏa tiển của Trung Cộng do vệ tinh thương mại phát hiện trong thời gian gần đây trên đảo Phú Lâm, trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà nhà chức trách Trung Cộng  từng tuyên bố. Đúng là Trung Cộng nói một đằng, làm một nẻo”. (Việt Cộng cũng vậy mà. PB Hoa)

Ngày 19/2/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Cộng Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là  hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do đường hàng hải và đường hàng không ở Biển Đông.

Đúng là Việt Nam luôn luôn kiên quyết. Cứ mỗi khi Trung Cộng quậy sóng Biển Đông thì cái ông phát ngôn này “kiên quyết” đem bản văn cũ ra chỉ sửa ngày tháng rồi phản đối là xong. Và Các Anh ở gần ông Tổng Bí Thư, có nghe ổng phát biều gì về hành động của Trung Cộng hông vậy?

Kết luận.

Nhìn từ bên ngoài, rõ ràng là qua hội nghị Sunnylands, giữa Hoa Kỳ với các vị lãnh đạo trong khối ASEAN gần gủi nhau hơn, vì Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn trong hành động bảo vệ đường hàng hải và hàng không quốc tế trên Biển Đông. Rất có thề vì vậy mà Trung Cộng cảm thấy các quốc gia trong khối ASEAN như đang xa dần vòng tay khống chế của họ, trong khi Hoa Kỳ vẫn cho chiến hạm tuần tra trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa, và trước đó là đảo Chữ Thập thuộc Trường Sa, đã khiến cho Trung Cộng phản ứng mạnh mẽ bằng cách đưa những giàn hỏa tiển chống phi cơ ra đặt trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Thật ra tôi không chắc rằng, hội nghị Sunnylands và chiến hạm của Hoa Kỳ tuần tra quanh đảo Tri Tôn, buộc Trung Cộng phản ứng mạnh bằng cách đặt những giản hỏa tiển trên đảo Phú Lâm, hay đó là cơ hội thúc đẩy họ thực hiện kế hoạch quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa sớm hơn? Cho dù như thế nào đi nữa, thì hành động trên đây của Trung Cộng là hành động quậy sóng Biển Đông. Và liệu, Biển Đông có thể là nơi mở đầu thế chiến thứ 3 chăng?

Giả thuyết của tôi là, nếu mức độ căng thẳng hiện nay tăng dần lên, thể nào cũng có một trận chiến nhỏ và chớp nhoáng giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng, mỗi bên có thiệt hại nhưng không đến mức nghiêm trọng. Sau đó, hai bên thỏa thuận ngồi lại với nhau, cò cưa kèn cựa rồi cuối cùng cũng có một thỏa hiệp chia phần trên Biển Đông, sau khi mỗi bên nhượng bộ đến mức mà hai bên chấp nhận được. Tôi không tin là cuộc chiến tranh bùng nổ giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng, vì Trung Cộng không dại gì tự hủy diệt, trừ khi Trung Cộng đến thời mạt vận!

Với Các Anh. Tôi thông cảm Các Anh là những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những sinh hoạt xã hội mà Các Anh theo dõi hằng ngày trên hệ thống truyền thông nhà nước. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài và dối trá của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng, từ lúc nào không ai biết. Nhưng với phương tiện truyền thông trên thế giới ngày nay, Các Anh có cơ hội tiếp xúc với thế giới tự do ngang qua hệ thống internet mà Các Anh gọi là “trang mạng”, tôi tin là trong những lúc mà Các Anh sống thật với trái tim và khối óc của chính mình, nhất thiết Các Anh phải có những suy nghĩ, và hướng đi duy nhất là cùng 90 triệu đồng bào làm nên lịch sử. Tôi vững tin là đồng bào đang chờ Các Anh …. Và chúng tôi cũng chờ Các Anh …… Vì nếu không cùng nhau làm nên lịch sử, chỉ còn hơn 3 năm nữa là Các Anh cùng gia đình sẽ nhận thẻ căn cước bằng tiếng Tàu đó nghe.

Các Anh hãy nhớ, tác giả Stéphane Courtois, trong quyển “Livre Noir du Communisme” (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), ấn hành tại Paris năm 1997 có đoạn: “… Vượt trên mức độ tội ác cá nhân, các chế độ cộng sản củng cố quyền hành bằng cách nâng việc tàn sát quần chúng lên hàng chính sách cai trị…. Sau đó, sự đàn áp thường ngày, sự kiểm duyệt mọi trao đổi tin tức, kiểm soát xuất nhập biên giới, trục xuất người ly khai… những ký ức về khủng bố tiếp tục đặt người dân trong tình trạng sợ hãi. Các quốc gia cộng sản đều trong qui luật này”. 

Các Anh đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.

Phạm Bá Hoa

Texas, tháng 2 năm 2016