Thiếu Tướng NGUYỄN-KHOA-NAM: Rạng Danh Anh Hùng (Phạm Phong Dinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail


Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam thuộc về một dòng họ danh gia vọng tộc ở đất Thần Kinh Huế. Một trong những vị tổ của họ Nguyễn Khoa là ngài Nội Tán

Nguyễn Khoa Đăng trí dũng song toàn làm quan dưới triều Chúa Nguyễn. Ông nổi tiếng vừa là một võ tướng tài ba, vừa là một văn quan chính trực nổi tiếng xử án như thần. Một trong những công nghiệp lớn lưu truyền trong sử sách của ngài là việc dẹp tan giặc cướp ở Truông Nhà Hồ, mở đường cho dân chúng qua lại buôn bán, thăm viếng.

Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.

Lời tự tình nhớ thương của người con trai Đàng Ngoài đã được người con gái Đàng Trong tha thiết nhắn gửi ra:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm.

Ngài Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng còn được người đương thời sùng bái vì đức độ thanh liêm và phép xử án công minh. Như một câu chuyện cảm động sau về nỗi oan tình của một người vợ trẻ bị buộc tội đầu độc mẹ chồng, chờ ngày bị xử chém. Ngài Nội Tán dâng lệnh Chúa Nguyễn đi tra xét dân tình đã ghé qua làng và giở lại vụ án bí ẩn. Nhìn nét mặt tiều tụy và thân thể còm cõi bỏ ăn uống vì nhớ thương chồng con nằm co người như một cái xác chết trong khám lạnh của người thiếu phụ, ngài Nội Tán tin chắc nàng bị hàm oan. Nhưng làm cách nào để minh oan cho nàng? Thiếu phụ bị làng nước buộc tội là đã tẩm độc trên lá trầu têm cho mẹ chồng, người mẹ chồng ăn xong ngã ra chết. Ngài Nội Tán thẫn thờ đi giữa những hàng trầu bóp trán suy nghĩ. Chợt ngài trông thấy một con rắn độc trườn mình trong những dây trầu, thỉnh thoảng nó thè lưỡi liếm những giọt sương đọng trên cuống lá trầu. Thì ra con rắn mới chính là thủ phạm làm chia rẽ phượng loan và suýt làm rơi một cái đầu. Người mẹ chồng bị chết vì ăn phải nọc độc của rắn dính trên cuống lá. Vụ án được sáng tỏ, thiếu phụ được minh oan, vợ chồng đoàn viên hạnh phúc. Từ đó về sau người Việt mỗi khi ăn trầu thường hay ngắt bỏ cuống lá để ngừa trường hợp trúng độc.

Những cụ tổ dòng họ Nguyễn Khoa từ đời này sang đời khác đều có công nghiệp giúp Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi trong cuộc Nam tiến, đánh dẹp loạn lạc, đem lại thanh bình cho dân chúng. Được hun đúc từ truyền thống bảo quốc an dân của tiền nhân, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam nổi danh là một trong những tướng lãnh tài năng và có đức độ nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nguyên quán tổ tiên là ở làng An Cựu Tây, thuộc huyện Hương Thủy, nhưng Thiếu Tướng Nam lại được sinh ra ở Đà Nẵng ngày 23.9.1927. Ông có một người chị là bà Nguyễn Khoa Diệu Khâm và một người em trai là ông Nguyễn Khoa Phước. Ông cụ thân sinh của Thiếu Tướng Nam là cụ Nguyễn Khoa Túc, Thanh Tra Giáo Dục Đà Nẵng, cụ nghỉ hưu năm 1941 và trở về Huế. Bà cụ thân sinh của Thiếu Tướng Nam họ Công Tôn Nữ thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương, vị vương gia nổi tiếng hay thơ hay chữ đời vua Tự Đức. Văn như Siêu Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường. Thiếu Tướng Nam lớn lên là một người con hiếu thảo, đạo đức và là một học sinh hiền lành chăm học. Trong khoảng năm 1933 đến 1939 cậu bé Nam được gửi theo học Trường Ecole des Garcons Đà Nẵng, tốt nghiệp lên học nội trú Trường Lycée Khải Định Huế. Trong tuổi học sinh đầy hoa mộng, chàng thanh niên có vóc dáng cao to cân đối ấy đã hướng niềm vui thanh cao vào nghệ thuật hội họa và có lần đã trưng bày nhiều tác phẩm của mình trong một cuộc triển lãm.

Trong khoảng thời gian hai năm 1946 – 1947 chiến tranh nổ lớn sau khi quân đội Pháp trở lại Việt Nam, gia đình của chàng thanh niên Nguyễn Khoa Nam theo làn sóng tản cư ra khỏi thành phố. Ở độ tuổi 19 tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước ông xin phép gia đình gia nhập tổ chức Thanh Niên Tiền Phong, nhưng bà cụ thân sinh đã khuyên nhủ ông thong thả chờ đợi một thời gian nữa. Là người con chí hiếu ông tuân lời cha mẹ, trong lúc chờ đợi ông tiếp tục phát triển tài năng hội họa của mình, tập vẽ tranh sơn dầu, bột phấn và màu chì, cùng tự làm những khung tranh cho mình. Chàng thanh niên tài hoa ấy còn nhận ra rằng mình có năng khiếu về âm nhạc và có một kiến thức rất vững chắc về nhạc lý. Tinh thần của ông còn tiến đến một mức cao hơn, khi ông an lạc thụ nhận những lời dạy và giáo lý nhiệm mầu trong kinh sách của Phật giáo, đọc nhiều sách triết học và Nho giáo, theo đuổi một cuộc sống thanh cao và đầy tính nhân bản, ngay cả khi đã khoác áo nhà binh và chìm đắm trôi nổi trong những cơn bão lửa chiến tranh. Cùng với vị tướng tư lệnh đức độ như cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam nổi tiếng là vị tướng từ ái, thương lính yêu dân. Cả hai vị tướng đều ăn chay trường, cùng được quân dân miền Tây hết mực kính trọng và yêu thương. Mỗi lần Thiếu Tướng Nam bay đến các tiểu khu hay đơn vị chiến trường nào người đều không muốn làm phiền thuộc cấp vì chuyện ăn uống. Lắm lúc ông chỉ cần vài trái bắp luộc là đã xong cho một bữa trưa, hay bao giờ ông cũng xuống câu lạc bộ cùng dùng cơm với mọi sĩ quan khác, có gì ăn nấy. Bà con thân quyến hay thân hữu đến thăm ông thì được, nhưng để xin ân huệ đều nhận được sự từ chối thẳng thắn. Cuộc sống của người quá dung dị, không vợ con, không gì hết, đơn giản đến mức trở thành những huyền thoại.

Năm 1947 gia đình Thiếu Tướng Nam trở về lại Huế, ông tiếp tục hoàn tất chương trình trung học đệ nhị cấp và được cho theo học khóa học về hành chánh sau đó. Đến năm 1953 ông được bổ làm Chủ Sự , nhưng chưa được bao lâu thì nhận được lệnh nhập ngũ bảo vệ tổ quốc. Đến đây cuộc đời của viên Chủ Sự trẻ tuổi mở ra một khúc quanh quan trọng, quân đội quốc gia non trẻ Việt Nam đón nhận một tài năng, quân sử ghi lại những trang chiến đấu hào hùng của một tướng lãnh xuất sắc. Sinh viên sĩ quan Nguyễn Khoa Nam theo học Khóa 3 Sĩ Quan Bộ Binh tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Tháng 10.1953, tân Thiếu Úy Nguyễn Khoa Nam tốt nghiệp và quyết định tình nguyện về binh chủng Nhảy Dù lúc ấy đang trên đà lớn mạnh. Hai cụ thân sinh của người đã qua đời, cho nên người quyết định dâng hiến cuộc đời cho quân đội và binh chủng Nhảy Dù. Sau một khóa học đặc biệt về nhảy dù, Thiếu Úy Nam cùng đơn vị được điều động ra Bắc. Trong vòng một năm, sự chiến đấu quả cảm và tài năng Thiếu Úy Nam đã được xác định bằng chiếc lon mới Trung Úy năm 1954. Trung Úy Nam cùng toàn bộ các đơn vị Nhảy Dù trở vào Nam, sau khi Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước đã ký ngày 20.7.1954. Trung Úy Nam gặp lại người em là ông Nguyễn Khoa Phước sau nhiều năm xa cách, ông Phước lúc ấy chỉ mới 20 tuổi có lần hỏi khi nào thì anh mình mới lập gia đình. Trung Úy Nam mỉm cười hiền lành và từ tốn trả lời: “Anh là lính Nhảy Dù, nếu anh kết hôn sẽ làm cho người ta trở thành góa bụa tội nghiệp lắm”. Trong thân quyến họ hàng nhiều người cố giới thiệu nhiều cô gái xinh đẹp, đức hạnh nhưng Trung Úy Nam đều nhẹ nhàng từ chối.

Năm 1955 Trung Úy Nam được đề bạt lên nắm một đại đội thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, tham dự chiến dịch tảo trừ lực lượng Bình Xuyên của tướng Bảy Viễn. Lữ Đoàn Dù lúc ấy đang đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Đỗ Cao Trí mà sau này nổi danh là viên đại tướng kiệt xuất nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đánh thắng được quân Bình Xuyên và truy quét tàn quân đến mãi tận vùng Rừng Sát, các lực lượng võ trang khác của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo chịu về hợp tác và hợp nhất với Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, chuẩn bị trận chiến đấu sinh tử chống lại cuộc chiến tranh do Hà Nội phát động, dùng con tốt Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở đường xâm chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa non trẻ. Sau chiến thắng Bình Xuyên, Đại Úy tân thăng Nguyễn Khoa Nam được gửi đi học một khóa kỹ thuật đặc biệt 8 tháng tại quân trường PAU bên Pháp. Năm sau Đại Úy Nam trở về nước và nhận một chức vụ khiêm nhường là Đại Đội Trưởng Đại Đội Kỹ Thuật Nhảy Dù, đại đội đồn trú trong khuôn viên Trại Hoàng Hoa Thám, Sài Gòn. Cuộc đời binh nghiệp của Đại Úy Nam vụt chói sáng sau chín năm làm việc ở hậu cứ, được vinh thăng Thiếu Tá và được đề bạt làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Làm Tiểu Đoàn Trưởng của một tiểu đoàn với những vị chỉ huy đầy huyền thoại trước và sau ông như Phạm Văn Phú, Trương Quang Ân, Ngô Quang Trưởng, Lê Quang Lưõng,…Thiếu Tá Nam cùng tiểu đoàn miệt mài hành quân trên khắp bốn vùng chiến thuật, rồi năm 1967 vinh thăng Trung Tá lên nắm Lữ Đoàn 3 Dù và được tưởng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.

Là con người đạo đức, giàu lòng nhân ái khi ngày ngày phải đối diện với mọi nỗi mọi hình thái kinh khiếp của chiến tranh, Trung Tá Nam từng u sầu nói với ông Phước: “Chiến tranh mang đến chết chóc và tang thương. Lính Việt Cộng mười lăm mười sáu tuổi nằm chết đầy trên núi, đơn vị anh cũng có hàng tá chiến sĩ bị thương, thật là đau xót.

Chắc chắn là vợ con họ sẽ đau khổ biết dường nào. Khi trở về hậu cứ anh sẽ tìm cách giúp đỡ những gia đình ấy”. Từ khi còn là Thiếu Úy cho đến sau này lên đến Thiếu Tướng, người hết sức yêu thương và chăm lo cho đời sống của binh sĩ thuộc cấp. Người là một Phật tử, phát nguyện ăn chay 15 ngày trong một tháng, cố gắng tôn trọng những giới răn, tránh sát giới nhưng vẫn làm tròn bổn phận của một người lính bảo vệ đất nước. Vì vậy dưới sự chỉ huy hiệu quả của Trung Tá Nam, Lữ Đoàn 3 Dù đã đánh thắng một trận vang dội trên đồi Ngok Van, được vinh thăng Đại Tá cùng với chiếc huân chương Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc. Đại Tá Nguyễn Khoa Nam đã dẫn dắt Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù về Sài Gòn trong những ngày Mậu Thân binh lửa năm 1968, góp phần vào chiến thắng chung của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên toàn lãnh thổ, tiêu diệt hầu như toàn bộ lực luợng võ trang của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Quãng đường chông gai chiến đấu cho nền tự do của tổ quốc đối với Đại Tá Nam vẫn còn dài thăm thẳm, khi binh đội miền Bắc ngày càng ồ ạt và công khai theo đường mòn Hồ Chí Minh tràn xuống chiếm lấy miền Nam. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tín nhiệm tài năng của vị Đại Tá Dù, ông quyết định bổ nhiệm Đại Tá Nam về miền Tây làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong năm 1969 và một thời gian ngắn sau vinh thăng lên Chuẩn Tướng. Định mệnh đã đưa người hùng quân lực về Sư Đoàn 7 Bộ Binh và để chuẩn bị đưa người lên một vị trí cao hơn, lừng lẫy hơn rồi đi vào lịch sử ngàn đời. Làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 hay Sư Đoàn 21 Bộ Binh có nghĩa là đang ở trong vị thế sẽ được đề bạt lên chức vụ Tư Lệnh Quân Khu bất cứ lúc nào, như trường hợp Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Năm 1972, Chuẩn Tướng Nam vinh thăng Thiếu Tướng, ông nhận trách nhiệm nặng nề bảo vệ các tỉnh bờ Bắc sông Tiền Giang, trong khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh hành quân lên Bình Long tăng viện Sư Đoàn 5 Bộ Binh và giải tỏa An Lộc. Tướng hùng thì phải có binh mạnh, có anh hùng thì cũng có hào kiệt, các vị Trung Đoàn Trưởng của SĐ7BB đều là những sĩ quan xuất sắc, trong đó có Đại Tá trẻ tuổi Đặng Phương Thành, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 12 đã lập nhiều chiến công cho quân đội. Đại Tá Thành đã đánh thắng lớn trận cuối cùng tại Thủ Thừa tiêu diệt một trung đoàn giặc trong tháng 4.1975, giữ vững Quốc Lộ 4. Khi Đại Tá Thành đi tù cộng sản ngoài Bắc, nhân khi ông vượt ngục bị bắt lại, hậm hực vì mối nhục thua trận Quốc Lộ 4, bọn cai ngục treo Đại Tá Thành lên và đánh đập tàn nhẫn cho đến chết.

Trong tháng 11.1974 Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được đề bạt lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV & Quân Khu IV thay thế Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Thiếu Tướng Nam vô cùng an tâm và hài lòng khi biết vị Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh thay thế ông là Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, một con người kiệt xuất và nhiều huyền thoại. Chắc là ông có được kể cho nghe câu chuyện Chuẩn Tướng Hai cùng hai vị sĩ quan Biệt Động Quân đã đáp máy bay C123 và nhảy xuống chiến trường Khe Sanh đầu năm 1969 ra tận chiến hào tiền tuyến để thăm nom và khích lệ chiến sĩ Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân trấn thủ. Một tin vui khác cũng đến với vị tân tư lệnh, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, người hùng An Lộc nhận lệnh về trình diện ông với chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Khu IV. Thiếu Tướng Nam cũng đặt hết tin tưởng vào Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, nguyên Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, trung đoàn mà đã đương đầu trực tiếp với chiến xa T54 địch, bắn cháy 4 và bắt sống 1 chiếc trong ngày đầu tiên đỏ lửa trên các đường phố An Lộc tháng 4.1972. Và Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, trấn thủ vững vàng khu vực trách nhiệm. Năm vị tư lệnh cùng với ban tham mưu mạnh và đầy tài năng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV đã tạo nên một bức tường thép vững chãi bảo vệ quân khu IV. Cho nên trong lúc tình hình các quân khu I, II và III nguy ngập thì tại quân khu IV quân địch bực tức bó tay không cách nào có thể làm xoay chuyển thế trận để chiếm lấy miền Tây.

Tướng Dương Văn Minh trong ngày 30.4.1975 ra lệnh cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng và bàn giao các vị trí cho giặc, trang sử chiến đấu oanh liệt và hào hùng cho nền tự do của tổ quốc của quân dân Việt Nam Cộng Hòa bị lật sang trang một cách tức uất. Trong lúc những chiếc khăn rằn và những chiếc áo xanh màu rêu mốc của cộng quân tràn ngập khắp phố phường thủ đô Sài Gòn sau 10 giờ sáng ngày 30.4.1975, thì dưới Quân Khu IV, các vị tướng lãnh vẫn còn chưa chịu đầu hàng dễ dàng như vậy. Vài ngày trước đó Thiếu Tướng Nam và Thiếu Tướng Hưng đã cùng soạn kế hoạch phòng thủ Quân Khu IV, chỉnh đốn binh lực, tu sửa doanh trại, công sở tại Cần Thơ để làm thủ đô phòng thủ và đón chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từ Sài Gòn di tản về tiếp tục chiến đấu. Bản kế hoạch điều động và phối trí các đơn vị được giao cho một đại tá trong ban tham mưu quân đoàn để liên lạc với các đơn vị đã không đến tay các đơn vị trưởng để được thi hành. Người đại tá này đã bỏ ngũ và biến mất, có lẽ ông ta đã di tản được ra khỏi Việt Nam. Thiếu Tướng Nam và Thiếu Tướng Hưng chỉ có thể lắc đầu, thời gian và tình thế không còn thuộc về phía Việt Nam Cộng Hòa, nói chính xác hơn Miền Tây trong ngày 30.4.1975.

Vận nước đã đến lúc tang thương như thế này, thành mất thì tướng phải mất theo thành, cho tròn tiết tháo và dũng khí người làm tướng. Hai vị Tướng đứng dưới cột cờ trong sân Bộ Tư Lệnh, thần thái vẫn ung dung và từ giã nhau sau cái bắt tay vĩnh biệt. Thiếu Tướng Nam lên xe đi vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ thăm những chiến hữu thương binh của ông lần cuối cùng. Những ánh mắt u sầu của những chiến sĩ bất hạnh nhìn vị Tư Lệnh, hy vọng người sẽ bảo bọc chở che cho trong những giây phút thê thảm ấy. Thiếu Tướng Nam mắt đẫm lệ nhìn những người chiến sĩ thân thương của ông, người rùng mình không dám nghĩ đến những chuyện ghê rợn mà quân cộng sẽ đối xử với những người thất trận thương phế này, sau khi ông đã vĩnh viễn đi thật xa sang một thế giới khác. Có một lần khi người xem cuộn phim Đường 9 Nam Lào tịch thu được trong một cuộc hành quân, với cảnh Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, đơn vị cũ của ông, bị sa vào tay giặc, Thiếu Tướng Nam thở dài nói với một sĩ quan ngồi gần bên: “Nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy, chắc mình phải tự sát”. Giờ đây cái ý tưởng không chịu cúi đầu sống nhục trong cùm xích cộng sản và lấy cái chết để báo ơn Tổ Quốc trở lại và hiện rõ hơn bao giờ hết. Mối thương cảm vận nước, chiến hữu và thương binh đã làm cho đôi mắt của người sưng húp lên.

Khi Thiếu Tướng Nam trở về dinh Tư Lệnh nằm bên bờ con sông Cái Khế buổi tối cùng ngày, ông nhận được tin Thiếu Tướng Lê Văn Hưng đã nổ súng tự kết liễu tại văn phòng Tư Lệnh Phó, ông điện sang bà quả phụ Thiếu Tướng Hưng an ủi. Người tự biết giờ ra đi của mình cũng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nữa thôi. Có một viên thiếu tá địch xin vào gặp Thiếu Tướng để tiến hành việc bàn giao, vẫn giữ uy phong của một vị Tư Lệnh, người đã dõng dạc trả lời: “Chúng tôi sẽ thu xếp, nhưng các anh không được phép bạo động. Nếu trái lại, tôi sẽ không bảo đảm ngay chính mạng sống của anh”. Đến nửa đêm, Thiếu Tướng Nam trân trọng vận bộ quân phục tác chiến màu xanh ô liu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với ngù vai, dây biểu chương, huy chương các loại gắn trên ngực áo, nghiêm chỉnh ngồi ngay ngắn trong chiếc ghế sau bàn Tư Lệnh. Rồi người đưa súng lên bắn vào màng tang, đầu người gục xuống về phía trái. Trên bàn có một chiếc cặp đựng một ít giấy tờ cá nhân cùng 40.000 đồng, số tiền lương khiêm nhường của một vị Tướng. Ngoài ra trong túi áo người còn có một quyển kinh Phật gói trong bao plastic.

Ngày hôm sau một vài sĩ quan còn ở lại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn vào chào kính vị chỉ huy anh dũng và tìm cách mai táng thi thể Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Trung Tá Bác Sĩ quân đội Hoàng Như Tùng, Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản cùng một số chiến sĩ làm lễ hạ huyệt và mai táng Thiếu Tướng Nam trong Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ ngày 1.5.1975. Ngày 2.5.1975 cụ bà Diệu Khâm cùng người con gái xuống Cần Thơ và dựng mộ bia cho người. Cho đến tháng 3.1994 bà hiền nội ông Nguyễn Khoa Phước, trong lúc ông Phước còn trong nhà tù miền Bắc, đã xuống Cần Thơ bốc mộ và hỏa thiêu hài cốt Thiếu Tướng Nam đựng trong hũ đem về thờ trong chùa Gia Lâm nằm trên đường Lê Quang Định, Gò Vấp, tỉnh Gia Định cho mãi đến ngày nay.

Lịch sử rốt cuộc đã trả lại công lý và sự thật cho những oan khuất mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã ngậm đắng nuốt cay mang mễn từ một phần tư thế kỷ qua. Các nhà viết quân sử thế giới, kể cả ông Henry Kissinger trong thời điểm hiện nay đều cùng thừa nhận Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu rất anh dũng và là một nhân tố tích cực chống giữ an toàn cho vùng Đông Nam Á, để những nước này có những cơ hội trở thành những con rồng con hổ ở Á Châu. Những vị thần tướng nước Nam Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn, v.v.. là những ánh sao chói chang của lịch sử, là niềm tự hào của đất nước chúng ta và những thế hệ con cháu Việt Nam cho đến ngàn đời sau.

PhamPhongDinh