THỊ TRƯỞNG PRAHA, SÉC: “HIỆN TẠI KHÔNG & VĨNH VIỄN KHÔNG” NHẬN VIỆN TRỢ CỦA TRUNG QUỐC

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Minh Thanh  04/04/20

Thị trưởng Praha, Séc: ‘Hiện tại không và vĩnh viễn không’ nhận viện trợ của Trung Quốc

Thị trưởng Praha, ông Zdenek Hrib (Ảnh: ATTILA KISBENEDEK / AFP via Getty Images)

‘Hiện tại không và vĩnh viễn không”. Đó là thông điệp mà Thị trưởng thành phố Praha, Cộng hòa Séc gửi tới các quan chức Trung Quốc trước những “món quà viện trợ” của Bắc Kinh.

Trong khi Trung Quốc đang muốn cải tạo hình ảnh Bắc Kinh thành ‘vị cứu tinh toàn cầu’ bằng cách bán vật tư và viện trợ cho các quốc gia đang phải vật lộn đối phó với virus Corona Vũ Hán, thì Thị trưởng Praha, ông Zdenek Hrib đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.

“Đây không phải là một món quà hay viện trợ nhân đạo. Từ quan điểm của Trung Quốc, đó là kinh doanh”,  ông Zdenek Hrib nói với Bloomberg News hôm thứ Sáu (3/4). 

“Việc kinh doanh” đó đã gây  ra những ‘bê bối’ ngày càng nghiêm trọng trong vài tuần qua. Có tới 80% trong số 150.000 bộ kit xét nghiệm nhanh virus Corona Vũ Hán mà Trung Quốc chuyển cho Séc vào tháng 3 đã bị lỗi và thiếu chính xác. Điều này buộc Séc phải tiếp tục dựa vào các xét nghiệm truyền thống trong phòng thí nghiệm.

Thông tin này vẫn không khiến các quốc gia châu Âu khác hay Hoa Kỳ ngừng nhận viện trợ của Trung Quốc.

Nhưng như ông Hrib cho biết ma lực tấn công của Trung Quốc không có tác dụng đối với ông.

Thị trưởng Praha 38 tuổi này đã trở thành một biểu tượng mới nổi ở châu Âu vì thái độ hoài nghi Bắc Kinh.

Và chính kiến này của ông sớm đã được kiểm chứng.

Một vài tuần sau khi nhậm chức năm 2018, đại sứ Trung Quốc đã yêu cầu ông Hrib loại người đồng cấp Đài Loan khỏi cuộc họp để bảo vệ chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Dưới thời của thị trưởng trước đó, hội đồng thành phố Praha đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh công nhận chính sách “một Trung Quốc”. Thỏa thuận này đã thu được các khoản đầu tư trị giá hàng triệu đô la của Bắc Kinh vào Séc, bao gồm cả đóng góp cổ phần lớn cho một đài truyền hình cũng như mua câu lạc bộ bóng đá Slavia Prague và một nhà máy bia lớn.

Trước số tiền lớn này, hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ khuất phục trước yêu cầu của Trung Quốc, nhưng ông Hrib thì không.

“Tôi đã từ chối, và tôi nói với ông ấy rằng ở đây chúng tôi không đuổi những vị khách mà chúng tôi mời. Vì vậy, đại sứ Trung Quốc đã tự rời đi”, ông nói.

Ông Hrib đã công khai nói về sự ủng hộ của mình đối với điều hành dân chủ của Đài Loan. Ông thậm chí treo ‘giấy chứng nhận công dân danh dự của Đài Bắc’ trên tường tại văn phòng của mình.

Gần đây, ngày 10/3, trong khi một số nơi tại Châu Âu đang phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, ông Hrib đã treo cờ Tây Tạng trên tòa thị chính để kỷ niệm cuộc nổi dậy thất bại năm 1959 của khu vực này đối với  Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Hrib tin rằng mặc dù hiện giờ thế giới đang phải đối mặt với tình huống cam go, nhưng điều quan trọng là phải gây áp lực đối với Trung Quốc và lên án lịch sử vi phạm nhân quyền của đất nước này.

Những bình luận của ông trái ngược hẳn với ông Milos Zeman, nhà lãnh đạo Séc thân thiết với Trung Quốc. Ông Zeman đã nhận sự giúp đỡ của Bắc Kinh và công khai ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần.

Mặc dù đảng cầm quyền của Cộng hòa Séc ủng hộ Trung Quốc, nhưng dường như những quan điểm cứng rắn phản đối chính quyền Trung Quốc của ông Hrib không phải vì vậy mà sớm biến mất.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Bloomberg năm ngoái, ông Hrib nói rằng ông muốn Cộng hòa Séc “trở thành một quốc gia không rời xa truyền thống nhân quyền; một đất nước không quay lưng với nạn nhân của sự bất công, mà sẽ là một quốc gia dang tay giúp đỡ”.

Minh Thanh

Theo foxnews