THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN QUA LỜI MỘT NHÂN CHỨNG SỐNG (Nam Dao)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

17/02/2008

Có rất nhiều sách vở và hình ảnh về các hố chôn tập thể cho biết con số người bị quân cộng sản tàn sát tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân lên đến trên 7600 người, nhưng những nhân chứng sống sót như ông Tuấn – được Nam Dao phỏng vấn đặc biệt nhân ngày tưởng niệm 40 năm biến cố đau thương này – thì không nhiều bởi vì hầu hết đã bị quân CS thủ tiêu.

Ông Tuấn sinh tại thành nội Huế. Khi CS chiếm đóng Huế ông vừa hơn 16 tuổi và đang theo học trường tư thục Nguyễn Du. Ông chứng kiến tận mắt vụ ám sát tập thể 5 người ngay ngày đầu cộng quân vào Huế. Sau đó, ông và hơn chục thiếu niên khác bị cộng quân bắt đem đi đào hố, chôn sống đồng bào ở Gia Hội, trong khi chúng lấy cuốc đập vào đầu những người cố ngoi lên. 40 năm sau, cảnh tượng kinh hoàng này đã không thể phai mờ trong trí nhớ đứa trẻ 16 tuổi.

Thoát thân 

Nam Dao (ND) : Thưa anh, anh có nhớ những địa điểm nào đồng bào bị chôn sống hay không, và anh có nhớ thời gian nào hay không ?

Ông Tuấn (T) : Thưa chị, suốt mười mấy đêm, chúng tôi phải liên tục làm cái công việc phải đi lấp người ta – sau khi đào lỗ – trước khi thành phố Huế được lấy lại bởi lính VNCH mình. Vùng đó là vùng Gia Hội, xung quanh cái khúc Gia Hội, sau này kéo tràn xuống. Đó là vùng mà nhiệm vụ của tôi là làm dân công, cũng giống như bị bắt buộc phải lấp đồng bào tôi trong những cái hồ chôn người, vòng vòng ở tại Gia Hội. Trong thời gian mười mấy ngày đó thì chôn được mười mấy đợt, dưới sự áp lực của AK – không làm thì nó bắn, tôi có kể với chị.

Nhưng cũng may mắn đó chị, cũng nhờ vậy mà chúng tôi mới thoát. Tại vì nếu như chúng tôi không được đi ra ngoài thì không có cách gì tôi thoát thân mà ngồi nói chuyện với chị.

Đêm tối đến khuya, chúng nó cứ theo cái việc là bắt được bao nhiêu, chúng tôi chỉ việc đào lỗ rồi đi chôn. Nhưng đến một lúc thì chúng tôi được thư thả hơn những người mà nó bắt, nó giam. Một số thanh niên không được đi làm việc như tụi tôi, số mạng những người đó sau này là bị chôn sống. Tụi nó là tụi trâu cột ghét trâu ăn, tụi sinh viên học sinh quyết tử ở Huế, cái tụi đi theo bưng bây giờ phải bắt những thằng không theo bưng : “Tao theo Bác Đảng, tao vô bưng, tại sao mày không vô ? Bắt mày, bắt để trả thù”. Tư thù, tư oán, A, B, C, D gì mình không biết chuyện đó. Thành ra tụi tôi đào lỗ, chôn người ta. Ngày thi đi ăn, đi kiếm đồ nhà dân, nhưng đến chiều – mấy ngày trước khi mình lấy lại được Huế – trời ơi tôi thấy sao mà lính Việt Cộng từ phía trên cứ tràn về, tràn về, tức là như nó bị quân lực VNCH rượt nó, thành ra nó dồn về. Lúc đó tới 5, 6 trăm người đó chị. Khi chạng vạng tối, máy bay trực thăng rọi đèn xuống bắn, nó bắn, bắn rrrééét. Thì tụi nó – lính nó đông lắm chị – nó bắn lên, ở trên bắn xuống.

Tôi nói chị nghe, lúc tụi tôi đi chôn thì tổng cộng là mười mấy người, nhưng tụi tôi thân với nhau cùng xóm chỉ có 4 thằng thôi. Tôi nói với mấy thằng đó : “Tình trạng này, mình phải lợi dụng thời cơ mình chạy thôi, tại vì trước sau gì nó cũng bắn mình thôi. Bây giờ mình cứ đợi, đến khi … ” Đến khi, chị biết sao không, máy bay bắn xuống lúc hoàng hôn chạng vạng, tôi có dặn tụi nó trước rồi – hồi đó tôi khoẻ, to con, tôi nói cái gì thì tụi nó đồng ý, tất cà đồng ý với nhau – tôi nói khi nào mà tôi nháy mắt thì mình chạy về cái hướng mà tụi nó không chạy, mình chạy ngược lại thì hy vọng rằng mình còn sống sót, còn nếu chạy lại thì không cách gì được cả. Và cuối cùng là tôi chạy, và tôi nháy mắt, vừa nháy mắt thì máy bay bắn xuống. Trời ơi, chạy khi đó thì một ngàn, một cơ sống sót. Máy bay bắn xuống thì mình cũng chết thôi, mà chẳng thà chết như vậy đi, chứ thấy chết dưới hố ngột quá đi.

Chạy ra, 1, 2, 3, 4. Bốn thằng chạy, chạy xong phóng vô bụi liền. Máy bay đang bắn xuống, nó bận bắn máy bay, nó bận núp nữa, nó cũng sợ chết chứ đâu phải … Núp vô bụi xong chạy, chạy. Một trong mấy thằng tụi tôi, cái thằng chạy sau – cùng xóm – nó bị bắn, bắn rớt lại. Ba thằng tôi chạy, chạy một hồi, cắm đầu cắm cổ chạy. Máy bay không thấy bắn xuống tụi tôi, mà thấy AK ở dưới nó bắn xà tới … ch, ch, ch, ch. Chị biết không, khi chị chạy mà súng trên trời bắn xuống hay súng bắn theo, thì chị biết liền à.

Ôm anh lính VNCH mà khóc 

Nó bắn chết một thằng, song tụi tôi cứ chạy, chạy mệt, tụi nó bắn theo, biết bắn chỗ nào bây giờ, bắn vô bụi thôi ! Ba tụi tôi chạy một hồi, tới tối thấy một vùng đó có đèn, máy, xe nhà binh, hú, hú, hú. Thấy xe nhà binh, tụi tôi hét lên “Cứu, cứu, cứu, cứu !” Mới thấy anh lính rằn ri cầm khẩu súng M16 – cái súng dài dài đó. Ba thằng tôi la “Cứu, cứu, cứu ! … “.

Cái xe có cái đèn pha, nhờ ánh sáng đó tụi tôi mới thấy, tụi tôi mới hét lên. Ổng mới lấy cái đèn pha, cái đèn pin, rọi, rọi, thấy tụi tôi, mới ngoắc tay ra. Ổng nghe “cứu, cứu, cứu,” cũng chẳng hỏi tụi tôi là Việt Cộng hay Quốc Gia gì hết. Nghe “cứu cứu” thì ổng biết là dân mình thôi. Chạy ra, chạy ra.

Trời ơi, tôi kể chị nghe, trong tay thằng Việt Cộng mấy chục ngày, đến lần đầu tiên gặp anh lính Cộng Hoà – ảnh cầm khẩu súng, ảnh ngoắc ngoắc tới – trời ơi, tôi tới tôi ôm ảnh đó chị ! Trời ơi, giống như mẹ đi chợ về ! Tôi ôm ảnh tôi khóc, khóc nức nở. Ba thằng ôm ảnh khóc nức nở, không bảo nhau gì hết. Tự nhiên cái lòng thương người lính VNCH, một người mà mình cảm thấy có sự bảo vệ … Tôi ôm ảnh khóc. Anh vuốt đầu, nói “không sao đâu, không sao đâu, không sao đâu em !” Bắt đầu tôi kể từ đầu đến cuối. Anh vô cho ăn – phía sau có nước, anh cho tắm, có đồ đạc gì mặc đại ba cái đồ lính của ảnh – đâu có đồ đâu ! 

Tìm lại xác bạn 

Mấy ngày sau, lấy được Huế. Mình kể là mình đi chôn như vậy, tội ác như vậy đó, họ mới đi theo, tôi chạy, chỉ, chỉ, chỉ, đi phía trước chỉ … Chị biết cái chỗ mà lúc tụi tôi chạy có máy bay bắn xuống, để thoát khỏi Việt Cộng, bạn tôi còn đó ! Mười mấy thằng còn đó ! Mới 4 thằng chạy, 1 thằng chết. Chị biết không, bạn tôi, xác mấy thằng nhỏ cùng tuổi tụi tôi : bắn vô đầu ! Tụi nó bắn vô đầu trước khi nó rút đi. Thì ra thế này, tụi tôi tới gặp mấy cái xác đó, cũng thúi rồi, mấy ngày rồi. Khóc ! khóc ! [anh T. cũng khóc khi kể]. Trời ơi đứa nào cũng lỗ chỗ trên đầu. Nó bắn xong nó chạy, tại vì tụi này, nó hết xài được rồi. Mà sợ chạy như tụi tôi thì đi báo !

Con cảm ơn Ơn Trên. Sau khi thấy xác mấy người bạn đó rồi, bắt đầu tôi mới chỉ hầm, đào lên … Đào lên thì nó cũng thúi rồi.

Sau này có một số mồ nó mới chôn, nó chôn trước chôn sau, nó thúi ơi là thúi. Chị có tưởng tượng không, cái lỗ mũi tôi thúi, giống như bị nước xác chết, thúi, thúi. Khi đó, cái dầu – bôi dầu, bôi mỡ – kéo mấy cái đó lên, vừa kéo vừa khóc. Tới ngay mấy cái mộ mà mình đào, mình chôn người ta, tôi còn nhớ, nhớ những bộ áo quần lúc đêm người ta mặc, nhớ những con mắt người ta ngó lên … ám ảnh, ám ảnh, ám ảnh … Tôi thành con người khốn khổ …

Suốt thời gian giúp mấy anh đó đi chỉ mộ đào, đem xác người ta lên. Đó là những vùng mà tôi biết có những cái mộ mà chính tụi tôi tham dự vào dưới sự áp lực của giặc, sau này có bao nhiêu mồ chôn tập thể, nhiều lắm chị ạ.

Phải khôi phục danh dự người chết 

Nhiều lúc mình ngồi mình suy nghĩ lại mà coi, những người chết ở dưới mồ, làm sao mình khôi phục lại được danh dự cho người ta. Nó nói những người đó là có tội với “cách mạng”, có tội với nhân dân, có tội với đất nước, thành ra nó chôn người ta. Nhưng dưới mắt tôi, tôi thấy tội lắm. Rõ ràng là nó vô, nó dùng vũ lực nó bắt người ta đi chôn. Bởi vậy do đó, tôi nói với chị, 40 năm rồi chưa có một ai lên tiếng để đòi hỏi nhân quyền, danh dự cho những người chết tại Huế và tại đất nước VN trong Mậu Thân.

Bởi vậy lòng đau canh cánh hoài, mỗi lần đến Tết là cứ canh cánh, canh cánh. Con người giống như vật vờ, vật vờ, sống mà bị ảo tưởng của mộng và thực, mộng và thực. 40 năm rồi tôi vẫn thấy con mắt của những người dưới hố, nhìn một cách căm hờn. Một nhát cuốc đánh vào đầu họ không chết đâu chị – Việt Cộng đánh họ không chết đâu – vẫn còn sống chứ ; nhưng những cái lấp đất của mình, lấp từ từ, từ từ, nó tràn qua, không có không khí thở, tại vì người ta phải nằm dưới đó ! Tội nghiệp …

Mỗi lần nhắc tới … Tôi ước mơ lần này là lần cuối cùng, tôi không bao giờ muốn nhắc nữa đâu. Mỗi lần nhắc tới, lòng tôi khốn khổ lắm, nó khốn khổ giống như nhắc về một tội ác mà mình tham dự vào. Chị Nam Dao ơi, mong chị hiểu cho tôi. Tôi khốn khổ lắm. Bây giờ tôi giống như là cạn kiệt rồi.

Khi Tết về, tôi cầu nguyện cho mấy oan hồn đó siêu thoát, đạo nào siêu thoát theo đạo đó đi. Tôi cầu nguyện có được một câu trả lời : tại sao người Việt Nam mình ác với nhau làm chi vậy ? Ác quá, ác thiệt. Ác quá chị Nam Dao ơi, ác quá. Không có một sách sử nào có thể diễn tả được.

ND : [ngậm ngùi] Thưa anh, trước tiên ND rất là xin lỗi anh đã tới xin anh kể lại những thực tế đã làm cho anh đau lòng mỗi lần anh nhắc tới. Nhưng hồi nãy, anh có nói một câu, anh bảo là anh muốn khôi phục lại danh dự cho những người dân oan bị chôn sống, thì thưa anh, việc ngày hôm nay anh nhắc lại những điều đó tức là anh đã tìm cách khôi phục lại danh dự cho đồng bào mình. Có lần nói chuyện, anh bảo thà là anh chết đi, nhưng cái đó không đúng đâu thưa anh. ND nghĩ là lịch sử và định mệnh đã giao cho anh cái vai trò là anh còn sống sót để mà anh đại diện lên tiếng nói cho những người đã bị chôn sống. Anh đại diện cho những ánh mắt uất ức. Người ta không nói được cho thế giới thấy [ND cũng khóc] cái tội ác của cộng sản VN. Thành ra, anh can đảm sống anh nhé, và anh có trách nhiệm đối với tổ quốc, đối với dân tộc, là anh đi nói cho đồng bào, cho tất cả mọi người, cho thế giới thấy tội ác này để trả lại lịch sử đúng đắn cho VN mình. Đây không phải là cuộc chiến thắng Mậu Thân, mà đây là thảm sát Mậu Thân, một tội ác của Cộng sản đã làm nhơ nhuốc trang sử ngày hôm nay. Anh can đảm lên anh nhé.

Sao tôi lại hèn vậy ? 

T : Dạ cảm ơn chị. Tôi thú thật với chị là suốt 40 năm, kể từ ngày mà tôi như một cậu bé bị tụi nó bắt phải chôn sống đồng bào tôi, những ánh mắt căm hờn, những ánh mắt lạy lục – trong ánh mắt đó có lạy lục, van xin đừng lấp nữa, và căm hờn cũng có : tại sao mày làm như vậy – nhưng thú thật nó cứ đeo đuổi tôi hoài. Hôm nay mặc dù chị nói vậy, tôi cũng nghĩ mình có tội. Có tội tại vì mình hèn đó chị, [bật khóc] thật là tôi đã cầm cuốc đánh nó được rồi, rồi nó bắn tôi cũng vậy thôi, nhưng tôi hèn tôi không làm được, chị biết không. Cuối cùng tôi phải làm cái trò đi chôn sống đồng bào tôi.

Tôi nghĩ mình hèn chớ. Nếu như nói người ta ai cũng chết, tại sao không phản kháng, tại sao mình lại tiếp tay cho nó, cho đồng bào mình chết ? Nó khổ lắm, nó cứ dằn vặt, dằn vặt giữa cái xấu và cái tốt. Tự nhiên bây giờ mình lớn tuổi bị dằn vặt rất nhiều, cứ sống bị ảo mộng, bị ác mộng. Mặc dầu nói thì dễ, nhưng nhiều lúc mình nghĩ : đáng lẽ mình làm vậy, đáng lẽ mình làm vầy …

Hồi đi lính, tôi cũng là một chiến sĩ, mặc dầu là một sĩ quan pháo binh, nhưng tôi cũng đã chiến đấu hết lòng. Trong lúc Việt Cộng bắn đồng đội tôi, bắn nhân dân tôi, tôi cũng phải bảo vệ nhân dân tôi, tôi cũng đâu có tiếp tay để VC nó sát hại nhân dân tôi đâu. Tại sao tôi đi lính tôi làm được việc đó, mà lúc đối diện với kẻ thù lúc 16 tuổi tôi lại hèn như vậy ? Tôi nghĩ nếu tôi có đủ can đảm, chắc là tôi cũng không phải ngồi lại bây giờ mà nhớ những nhát cuốc, nhát đất mà đồng bào tôi, những người dưới hố, người ta nhìn tôi bằng con mắt van xin, con mắt căm hờn. Nó khốn khổ lắm, chị phải ở trong hoàn cảnh chị mới thấy.

Sống là sao ? Sống là chuẩn bị một hành trình để mình chết cho nó dễ, mình đi cho nó dễ. Tại vì ở đây chỉ có chỗ ở tạm mà thôi ; tôi quan niệm sống là ở tạm mà thôi, sống gởi thác về. Hành trình mình còn đi xa lắm. Thành ra khi tôi thấu được điều này, tôi cảm thấy kiếp này tôi mắc nợ nhiều lắm. Tôi mắc nợ mười mấy đợt chôn sống người ta. Và tại sao tôi lại khốn khổ như thế này ? [bật khóc] Tại sao không phải là người khác mà lại là tôi ? Bởi vậy do đó tôi cứ cầu nguyện hoài, cầu nguyện Ơn Trên. Tôi đang chuẩn bị hành trình tôi phải đi rời quả điạ cầu này, một lúc nào đó cũng phải đi thôi, nhưng cái tâm của mình không biết làm sao cởi bỏ được đây ? Tại sao, tại sao, tại sao ?

Tôi ước mơ một lúc nào đó tôi sẽ phá được cái u minh trong đầu tôi, tôi thấy được Chân lý để tôi có thể cảm thấy bình an tâm hồn, chứ thiệt ra tâm hồn tôi không có bình an suốt mấy chục năm nay !

Tôi giấu giếm đủ thứ chị ơi, giấu giếm vợ con tôi. Tôi đâu dám nói với con tôi, không dám nói chuyện với người vợ đầu tiên của tôi, không dám nói chuyện với bạn. Vậy mà hôm nay tự nhiên làm sao, chắc tuổi già rồi, tự nhiên tôi nói, nói, nói … Khi tôi thấy lá cờ CSVN tung bay ở trên ti vi SBS, tôi tức quá tôi mới nói, tôi chịu không được nữa rồi. Vậy bây giờ tôi mới nói, từ hồi mình đánh cái vụ VTV4 tôi mới nói, chứ tôi giấu đó chị. Chẳng ai biết tôi dính dáng ba cái chuyện đó đâu. Tại vì mình nghĩ mình dính cái tội, mà mình tức quá, mình hèn quá, mình không làm gì được. Tức quá, tức quá, tức quá. Nhưng tôi muốn nói lên tội ác của CSVN, tôi không muốn nhìn mặt cái thằng khốn nạn Nguyễn Sinh Cung Hồ Chí Minh trên cái ti vi của nhà tôi nữa. Bởi vậy tôi mới lên tiếng đấu tranh trong vụ VTV4 năm 2005.

Bởi vậy chính từ khi tôi nói ra thì tôi nói ra luôn, chứ đáng lẽ chuyện này tôi giấu, tôi giấu kín, tôi không dám nói …

Huế sợ con ma Mậu Thân

Tội quá đi, mỗi lần nghĩ tới, tự nhiên sao cái đầu tôi, trời ơi chị biết không, dòi bọ nó thúi tha, người chết, chết oan uổng. Dòi bọ trong hốc mắt, dòi trong lỗ tai, dòi trong mũi. Ruồi – Huế nóng lắm – ruồi, ruồi, dòi, ruồi, thúi cả một thành phố nó thúi. 40 năm về trước nó thúi cả một thành phố Huế, 40 năm sau hôm nay tụi khốn nạn cầm quyền nó ăn mừng đại thắng. Tôi nói thật với chị, có điều tôi không hiểu làm sao, cũng con người với nhau, tại sao cái tư tưởng con người nó khác nhau nhiều vậy ?

Làm tôi bứt rứt quá. Mỗi lần nó nói chuyện đại thắng Mậu Thân, tự nhiên tôi cảm thấy tôi khốn nạn lắm, tâm hồn tôi cảm thấy khốn nạn vô cùng, không cách gì mà diễn tả được … Cảm ơn chị.

ND : Thưa anh, anh nên nhìn khía cạnh tích cực hơn, tại vì ND nghĩ ở cái tuổi đó lúc anh 16 tuổi, mà anh đã từng lên tiếng phản đối rồi, nó đã lấy lưỡi lê nó đâm vào anh rồi, ND nghĩ sự anh chọn lựa anh ở lại anh chôn …

T : [ngắt lời ND] Tôi ngừng tôi không lấp đất, tôi khóc, tôi đứng đó tôi khóc ! Tại vì nó kêu lấp mà, tôi không lấp, tôi đứng tôi khóc, tôi chống nó tôi khóc. Tại vì tôi không thể làm chuyện này – tôi nói trong bụng mà – tôi không thể làm chuyện này. Tôi khóc, không làm, thì nó mới lấy báng súng AK nó dọng lên lưng tôi. Lấp lẹ lẹ, lấp lẹ lẹ [anh T. nói ngọng theo kiểu giọng Bắc], ĐM, ĐM, nó chửi thề như vậy. Xong rồi đánh. Nói thật lúc đó cũng đau chị ơi, nhưng có đau bằng là thấy đồng bào mình dưới đó ! Thành ra tôi đứng đó, nhưng mà hồi sau nó lấy lưỡi lê nó đâm ba sườn tôi, tôi mới đau. Lúc đó hết rồi, hết đứng được rồi, phải lấp thôi. Bởi vậy chị có thấy không, tôi không chống đối nó. Nếu tôi chống đối nó, tôi quay cuốc tôi đánh nó, thì nó sẽ cùm cùm cắc cắc tôi một vài phát thì tôi cũng chết. Nhưng chẳng thà vậy đi, bây giờ tôi nghĩ chẳng thà vậy đi, mình sống thì sống, nhưng mình làm vậy tội lắm, tội lắm … Con cá mà mình bóp cổ, nó ngóp, nó ngóp mình còn chờ cho nó chết mình mới chôn, mà người ta còn sống … ác quá … ác quá !

Bây giờ hai thằng bạn tôi sống đâu rồi, tụi nó không biết ở đâu rồi, phiêu bạt giang hồ chỗ nào ? Làm ơn giúp tôi đi, giúp tôi một tay, làm nhân chứng trong cuộc này. Tôi vái trời cho tụi nó còn sống …

Phiêu bạt giang hồ, tôi bỏ Huế tôi đi từ hồi đó tới giờ, không bao giờ về … Tôi sợ Huế chị ạ, không phải tôi sợ quê hương tôi, mà tôi sợ cái quá khứ khốn nạn mà CSVN gieo rắc vào quê hương tôi. Mỗi lần nhắc tới Huế, tôi tắt radio. Nhạc mà hát về Huế, tôi tắt. Nói tiếng Sàigòn đi, chị mà nói tiếng Huế, tôi sợ tôi đi. Ở Huế mà sợ Huế, không có chị ơi ! Huế không phải sợ Huế, mà Huế sợ cái con ma Mậu Thân Huế. Cái bóng ma Mậu Thân Huế 40 năm nó vẫn theo tôi. Ai nói tiếng Huế tôi giật mình. Chị nói anh người Huế, ai nói tiếng Huế anh thích, không có đâu. Ai nói thì giật mình, giật mình giống như cái lưỡi dao nằm trong thịt, nó lành rồi nhưng mà ai đụng thì tự nhiên thốn ! Thốn trong tim !

Tôi thưa với chị tại vì chị hết lòng, chị nói với tôi tham dự cuộc phỏng vấn này, nhưng thiệt tôi không tính đâu. Tại vì sau cái này, tôi phải mất mấy tuần lễ tôi mới hồi phục lại đời sống bình an, nhưng tôi khốn khổ lắm.

Buổi sáng chị thấy sau vườn tôi có lá cờ vàng ba sọc đỏ, sáng ngồi đây mà khóc đó chị. Ai cũng nói có vườn đẹp vậy, ngồi cười chứ khóc gì ? Khóc, khóc nhớ đồng bào … [Anh T khóc]

Tôi yêu ngọn cờ chính nghĩa

Chị biết không, đem mấy cái xương, cái sọ, đem lên núi Bâng. Cái núi Bâng gọi là núi Bàng, chỗ mà vua Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế, xuất quân đánh Tôn Sĩ Nghị. Đem xương, có nhiều cái đùi đã rã thịt, trắng hếu đem chôn, làm cái đài gọi là đài Mậu Thân, nạn nhân thảm sát Mậu Thân. Tiên sư cha nó, 1975 nó vô nó đào, nó xới lên hết !

ND : Anh nói đó là Nghĩa Trang Ba Tầng ?

T : Dạ thưa đó đó. Nó đào lên hết, không còn dấu vết nữa, bây giờ trồng hoa. Thằng Nguyễn Công Khế, thằng đó dân Huế, bây giờ nó đem mồ mả cha ông nó đem chôn ở đó. Chị biết cái núi Ba Tầng đó là ở đâu không ? Là chỗ vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Khi Lê Chiêu Thống đem quân vượt qua ải Nam Quan đến chiếm Thăng Long, Lê Chiêu Thống phò Tôn Sĩ Nghị về, thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ bấy giờ mới lên ngôi tại đó. Tại vì ngài lên ngôi ở núi đó, nên đám cộng sản Bắc Việt và cả tụi ăn cơm quốc gia mà thờ ma cộng sản bây giờ, tụi nó mới nghĩ đó là đất linh, có thể đem dòng họ ông cố nội nó về đó chôn, bởi vậy nó phá núi Ba Tầng, bây giờ nó đem dòng họ nó về đó chôn. Trồng hoa, trồng mồ mả ở đó.

Bởi vậy Huế bây giờ tội nghiệp lắm, còn có tên đường Mậu Thân, tên đường 68, chị biết không ? Nó đặt một cái tên đồng bào ở đó vẫn gọi tên Mậu Thân, tên 68. Đi qua đường 68, qua đường Mậu Thân. Những cái tên ô nhục như vậy mà nó đặt tên đường !

Tôi không hiểu đồng bào Huế ở đó làm sao. Không phải mình ở nước ngoài này mà mình nói chuyện chống Cộng, nhưng đi đâu cũng vậy, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ cũng chẳng phải tại vì mình là sĩ quan VNCH mà nhớ quá khứ. Không có đâu ! Tại vì ngọn cờ chính nghĩa này, mình cứ giữ hoài, tại vì tôi được ăn no, đất nước tôi có thanh bình. Tại vì từ hồi ngọn cờ đỏ máu nó vào quê hương tôi miền Nam, thì đất nước tôi bắt đầu có chiến tranh, bắt đầu có bom mìn nổ chậm, bắt đầu có mìn giựt xe đò, có bắn pháo kích vô trường Cai Lậy. Quê hương tôi khói lửa kể từ ngày có ngọn cờ máu. Tụi nó đi tới đâu là đem máu tới đó.

Tôi thương yêu cái ngọn cờ chính nghĩa lắm. Bởi vậy tôi ước mơ tất cả mọi người mình, không phải vì vấn đề tiếc thương quá khứ chức vụ, mà vì tương lai tiền đồ của dân tộc, đất nước mình phải khá hơn. Nếu như bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn theo cái chủ nghĩa coi đồng bào còn thua súc vật – là bọn theo chủ nghĩa Mác Lênin, con cháu của Hồ Chí Minh – nếu tụi này không còn cầm quyền ở đất nước nữa thì mình sẽ khá thôi chị.