Tàu Mỹ sẽ vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trang Navy Times (Mỹ) ngày 7/10 đưa tin, vài ngày tới tàu hải quân nước này có thể được đưa vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên biển Đông sau khi có phê chuẩn chính thức từ chính quyền.

Tàu chiến duyên hải USS Fort Worth (LCS 3) đã hoàn thành chuyến tuần tra kéo dài một tuần trên Biển Đông hồi giữa năm 2015. Ảnh: CNN

Động thái được cho là bước cứng rắn mới của Washington với các động thái chiếm đất ngoài đảo của Trung Quốc. Dù Bắc Kinh đã vài lần tuyên bố ngưng các hoạt động chiếm đất, các ảnh vệ tinh mới cho thấy nước này thực tế vẫn đang đẩy mạnh công cuộc lấn đất.

Ngoài đường băng ở Bãi Chữ thập, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây đường băng ở các đảo Subi và Vành Khăn ngoài biển.

Kế hoạch đưa tàu và máy bay vào 12 hải lý đã được Mỹ thông báo từ tháng 5 năm nay nhưng đến giờ chưa được triển khai.

Báo chí Mỹ trích một số nguồn tin nói, giữa lực lượng hải quân và Nhà Trắng có bất đồng về chuyện đưa tàu vào khu vực 12 hải lý này.

Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ 2012 hải quân Mỹ chính thức thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngoài biển Đông.

Qua đó, Mỹ muốn củng cố quan điểm của nước này rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Từ trước đến nay, các tàu Mỹ thường xuyên đi qua vùng biển quốc tế trên Biển Đông và luôn tránh đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Trung Quốc xây đường băng trên đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe

Trung Quốc xây đường băng trên đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter được cho là đã thúc giục Nhà Trắng trong nhiều tháng qua để được phép áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn trên biển. Khi đó, chính quyền chưa chấp nhận vì lo ngại tình hình có thể leo thang trên Biển Đông.

Tuy nhiên, hai bên đã đạt được đồng thuận sau khi không đạt tiến triển nào về vấn đề này qua chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Washington gần đây.

Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước, Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ “sự quan ngại đặc biệt đối với việc cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa” trên Biển Đông.

Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép. Động thái của hải quân có thể sẽ dấy lên căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh hai cường quốc đang đối đầu ở nhiều vấn đề như tin tặc và gián điệp mạng.

(Theo Tri Thức)