PHỤ NỮ VIỆT QUA GIÒNG LỊCH SỬ (Nguyên Thủy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Theo huyền sử Việt Nam, Âu Cơ là tổ mẫu của người Việt, vợ của Lạc Long Quân. Hai người sinh ra 100 người con. Đây là tổ tiên của người Bách Việt. Sau đó vì thủy thổ tương khắc nên hai người phải chia con ra 50 con theo cha về biển khởi thủy cho ngành ngư nghiệp. 50 con theo mẹ về núi khởi thủy cho ngành nông nghiệp về lúa nước. Việt Nam đượcc coi như là quốc gia đầu tiên khơi mào cho ngành này. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.
Trước Tây Lịch, Việt Nam gồm Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, tức Bắc Việt và các tỉnh phía Bắc Trung Việt như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh.
1- Thời Bắc thuộc lần thứ I (111 TCN – 39)
Trong lịch sử Việt Nam từ năm 150 năm dưới sự cai trị phong kiến của Trung Hoa kéo dài tới cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40) vào đầu thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ II.
Bà Trưng Trắc & Trưng Nhị là hai vị Nữ Anh Hùng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Vào mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40), bất bình trước sự đô hộ dã man của nhà Hán do Thái Thú Tô Ðịnh bạo ngược, tàn ác gây oán hận trong lòng dân và đã giết Thi Sách là chồng của Bà Trưng Trắc. Để chống lại ngoại xâm và để trả thù chồng, Bà Trưng Trắc và em là Trưng Nhị khởi binh chống lại quân nhà Hán.
Lời thề Bà Trưng đã đọc trước khi xuất binh như sau:
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”
Sau đó, Hai Bà đã lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và Bà Trưng Trắc xưng là Trưng Nữ Vương. Theo nhiều nguồn tài liệu, thì hai bà đã qui tụ một số đông nữ hào kiệt khắp nơi về tương trợ như các bà: Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân, Lê thị Hoa, Thiều Hoa, Phùng thị Chính và Tam Nương – Tả Đạo Tướng Quân là ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương …
Sau khi cuộc khởi nghĩa này, chưa đầy ba năm sau, hai Bà Trưng bị Mã Viện chỉ huy quân Đông Hán đánhh bại. Vì không chịu khuất phục trước thế mạnh của giặc, Hai Bà đã trầm mình xuống dòng sông Hát để giữ tròn khí tiết vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch và cũng vào ngày này hằng năm dân gian làm giỗ và lễ hội long trọng để tưởng nhớ đến công ơn Hai Bà. Và thời điểm nầy là khởi đầu cho giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai.
Các danh xưng như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trưng Vương, Hai Bà Trưng, đã được dùng để đặt tên cho nhiều trường học nhà thương, đường phố, công trường, quận hạt. Người dân đã lập đền thờ Hai Bà ở Mê Linh và nhiều nơi khác để tưởng kính đến Hai Bà.
Hai Bà Trưng đã khởi đầu góp phần tạo nên truyền thống anh hùng bất khuất và tinh thần Nam Nữ bình quyền cho nữ giới Việt Nam trong việc “Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách” và “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh!”
2- Thời Bắc thuộc lần thứ II (43 – 602) – Năm Mậu Thìn (248)
Bà Triệu hay Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Ẩu đều là những tên gọi chỉ vị nữ anh hùng của dân tộc ta vào thế kỷ III.
Bà Triệu Ẩu khởi binh đánh nhà Ngô vào năm Mậu Thìn (248) ở quận Cửu Châu. Bà chiêu dụ khoảng 1000 tráng sĩ. Người anh can gián nhưng Bà vẫn nhất quyết khởi binh thực hiện nguyện vọng và trả lời cùng người anh bằng một câu nói bất hủ rằng:
“Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ. Há lại khom lưng chịu làm tì thiếp cho người ta”.
Năm Mậu Thìn (248), bà Triệu phất cờ khởi nghĩa. Giặc Ngô khâm phục bà Triệu và gọi bà là Nhuỵ Kiều Tướng Quân (vị nữ tướng yêu kiều), và Lệ Hải Bà Vương (vua bà vùng biển mỹ lệ).
Theo lời kể, Tướng Lục Dận của nhà Ngô bày ra kế sách thâm độc bằng thủ đoạn cho quân Ngô “mình trần như nhộng” bao vây quân bà Triệu. Vị Nữ Tướng bị xúc phạm vì chuyện này nên đã quay lên núi rồi quyên sinh lúc mới 23 tuổi vào ngày 21 tháng 2 (âm lịch) năm Mậu Thìn (248). Tuy chưa thành công trong việc chiếm lại đất nước nhưng Bà cũng được tôn sùng như là bậc hùng tài trong nữ giới”.
Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 3 (603 – 939) không có bóng dáng người phụ nữ nào nổi dậy trong thời gian này.
3- Thời tự chủ 939-1283
• Dưới thời nhà Lý bắt đầu từ Lý Thái Tổ (1010 – 1025) xuất hiện bóng dáng một phụ nữ VN trong lịch sử vào thời đại vua Lý Huệ Tông (1011 – 1025). Năm 1218, vua Huệ Tông bịnh, bị áp lực của Trần Thủ Độ, vua phải truyền ngôi cho con gái là Chiêu Thánh vào năm 1224. Bà lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Cuối năm 1225, Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh chấm dứt giai đoạn của nhà Lý.
• Nhà Trần (1225 – 1400)
Huyền Trân Công Chúa con của Vua Trần Nhân Tôn sinh năm 1289 đi triều cống sang Chiêm Thành (Champa) có tên là Queen Paramecvariin vì lấy vua Champa là Java Sinhavarman III (tức là Chế Mân) để đổi lấy hai Châu Ô và Châu Lý (tức là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên bây giờ).
Sang đến thời Tây Sơn (1789 – 1802) xuất hiện Tướng Bùi Thị Xuân Nữ Đô Đốc Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà là vợ của Danh Tướng Trần Quang Diệu, Tổng Trấn thành Phú Xuân, cận thần chiến đấu của vua Quang Trung.
Tướng Bùi Thị Xuân góp công đánh bại 29 vạn quân xâm lược Nhà Thanh năm 1789 (Kỷ Dậu. Bà có công lớn cho sự tạo dựng vương triều Tây Sơn nên được Vua Quang Trung phong là Đô đốc. Vào cuối thời Tây Sơn dưới triều vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản), ở miền Nam Nguyễn Phúc Ánh chiêu binh mãi mã đánh lại quân Tây Sơn. Bà bị Nguyễn Phúc Ánh bắt làm tù binh. Năm 1802, sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long Hoàng Đế, Bà bị lệnh xử tử một cách dã man bằng voi dày ngựa xéo nhưng bà vẫn hiên ngang ngay cả khi đối mặt với cái chết. Đền thờ Bà đã đươc lập ở nhiều nơi và danh xưng của Bà được dùng đặt tên cho trường ốc và đường xá.
Tinh thần vì quốc gia dân tộc của Đô đốc Bùi Thị Xuân thể hiện ý chí dung cảm của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực đấu tranh vào thời hiện đại.
4- Thời kỳ Pháp thuộc (09-1858 – 03-1945)
Ngày 01-09-1858 Pháp xâm lược chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ khởi đầu cho những cuộc khởi nghĩa chống Pháp với Nguyễn Trung Trực vào năm 1861 đốt cháy tàu chiến Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông. Vào thế kỷ thứ 20, giới nữ lưu mới xuất hiện trở lại. Đó là Cô Bắc, Cô Giang và Nguyễn Tinh. Trong thời chống giặc Pháp của Nguyễn Thái Học (1901 – 1930) người anh hùng Yên Bái của VN Quốc Dân Đảng.
Nguyễn Thái Học thành lập VN QDĐ cùng với cô Giang. Cô Giang cùng em là Cô Bắc và Nguyễn Tỉnh tham gia vào việc Đảng như tuyên truyền, liên lạc giữa các cơ sở Đảng ở Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Yên. Cuộc tổng khởi nghĩa thất bại vào ngày 17 tháng 6, 1930. Nguyễn Thái Học và 12 yếu nhân lên lầu đài và bị chém ở Yên Bái.
Trước khi chết, Nguyễn Thái Học thốt lên bằng tiếng Pháp: “Mourir pour sa patrie, c’est le sort le plus beau, la plus digne, d’envie …”
“Chết vì tổ quốc, cái chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng …”
Sau đó cô Giang về nhà viết hai lá thư, một cho cha mẹ vì tội bất hiếu, một cho hương hồn Nguyễn Thái Học.
Bức Thứ Nhất:
“Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con; không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!
Đứa con dâu bất hiếu kính lạy”.
Bức Thứ Hai:
Cô viết: “Anh đã là người yêu nước, không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy linh hồn cao cả, để về dưới suối vàng chiêu binh rèn sung đánh đuổi quân thù. Phải chịu nhục nhã mới mong có ngày vẽ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau anh, phải phấn đấu thay anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ”.
Cô còn làm thêm một bài thơ tuyệt mệnh rồi tự tử chết bằng súng lục tại Vĩnh Yên vào ngày hôm sau.
Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh
5- Thời kỳ Chiến tranh Đông Dương 1945-1975
Nữ Quân Nhân QLVNCH
Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân được thành lập vào năm 1965 do các phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tình nguyện gia nhập quân đội trong lãnh vực căn bản về tổ chức, cơ bản thao diễn.
Nữ Quân Nhân có mặt trong nhiều binh chủng. Họ là những chiến sĩ nhẩy dù gan dạ, những chiến sĩ trong các ngành truyền tin, tham mưu hay trong những nghề chuyên môn trong quân y cũng như những người mang đến tình thương giáo dục cho các cô nhi của Tử Sĩ.
Trưởng đoàn Nữ Quân Nhân kiêm Chỉ Huy trưởng TTHL/NQN đầu tiên là Thiếu Tá Trần Cẩm Hương cho đến ngày 1 tháng 4 năm 1975 nghỉ hưu với cấp bậc Ðại Tá. Trưởng Đoàn thứ hai và cuối cùng là Trung Tá Lưu Thị Huỳnh Mai, hiện nay ở Orange County, California.
Một vài đặc điểm về NQN là chỉ được để tóc ngắn không dài quá cổ áo, mang giầy đen gót cao 5 phân khi mặc quân phục hay lễ phục.
Ngoài ra, các Nữ Quân Nhân mang chức vụ cao như Trung Tá Hồ Thị Vẽ làm Chỉ huy trưởng đào tạo Nữ Quân Nhân từ khi mới thành lập giữa thập niên 60 đến ngày 30 Tháng 4, 1975. Bà hiện đang ở tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ. Cựu Thiếu Tá Trần Thị Bích Nga, chỉ huy trưởng trường Xã Hội Quân Đội những năm sau cùng. Bà hiện định cư tại Sacramento, California.
Trước ngày 30.4.1975, quân số NQN trên lý thuyết là 10,000. Riêng về Sĩ Quan thì có khoảng 600 kể cả các Nữ Sĩ quan cấp Chuẩn Úy.
Những Nữ Quân Nhân có thâm niên quân vụ với cấp bậc cao gồm có : Trung Tá Nguyễn Thị Hằng (đang ở Việt Nam), Trung Tá Hồ Thị Vẽ (Oklahoma), Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (Nam Cali), Trung Tá Lưu Thị Huỳnh Mai (Orange County). Thiếu Tá có khoảng trên dưới mười vị.
Nữ Quân Nhân được huấn luyện và có nhiệm vụ yểm trợ ở hậu phương. Tuy không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng NQN đã góp một phần rất lớn trong cuộc chiến chống Cộng Sản. Nhiều người đã hy sinh tính mạng khi thi hành công tác như bị đặt mìn, bị pháo kích, bị bắn rớt phi cơ. Trong Nghĩa Trang Quân Đội cũng có mộ phần của Nữ Quân Nhân.
Biệt Đội Thiên Nga
Biệt Đội Thiên Nga được thành lập vào tháng 8-1968, trực thuộc Khối Đặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, sự hiện diện của thành phần nữ nhân viên trong lực lượng Cảnh Sát trong các nhiệm vụ hạn chế như: văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi cảng, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục v.v…
Các nhân viên Thiên Nga phải có những ngụy tích (lý lịch) và ngụy thức (cách trang phục) Một vài công tác đặc biệt của Đội Thiên Nga là thuyết phục những người CS giác ngộ được gọi là công tác Hoàng Oanh và công tác Trùng Dương là công tác cuối cùng mà đội Thiên Nga đã âm thầm hoạt động cho đến ngày 30 tháng 4, 1975.
Các Nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga bị CS liệt kê là thành phần phản động, nguy hiểm, tích cực chống Cộng chứ không phải vì hoàn cảnh, vì sinh kế mà gia nhập ngành này. Sau 1975, những người bị bắt bị trừng trị rất nặng và ở tù rất lâu. Riêng Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy bị tù 13 năm, hiện đang cư tại quận Cam, Hoa Kỳ, theo diện H.O. từ năm 1992 đến nay.
Một chi tiết đặc biệt về các nữ Cán Bộ Tình Báo Thiên Nga mà có lẽ ít người biết đến là sau khi gia nhập, họ phải cam kết hy sinh không được lập gia đình cho đến năm 25 tuổi.
Các Nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc đấu tranh bảo vệ quê hương và làm sáng danh sử sách với các Anh thư oai hùng của dân tộc Việt. Sau đây là lời tuyên thệ của các Cán Bộ trong Biệt Đội Thiên Nga:
TỔ QUỐC DANH DỰ TRÁCH NHIỆM
TỔ QUỐC lâm nguy nguyện dấn thân
Phục hồi DANH DỰ trả toàn dân
Mọi người TRÁCH NHIỆM chung vai gánh
Dân Chủ, Tự Do quyết đoạt thành!
Thời Xã Hội Chủ Nghĩa (04-1975- Hiện tại)
Ngoài trách nhiệm trực tiếp trong gia đình, phụ nữ VN tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần vào công cuộc phát triển xã hội, giữ gìn quê hương và tranh đấu cho Tự Do, Công Bằng và Dân Chủ. Trong đó có phần đóng góp cho phục vụ xã hội của các Nữ Hộ Sinh Quốc Gia và công tác từ thiện của nữ giới dưới sắc phục tôn giáo như các Ni Cô Phật Giáo và các Sơ trong Công Giáo.
Ngay sau 30 tháng 4, 1975, bóng dáng phụ nữ VN càng hiện rõ hơn trong giai đoạn những người quân công cán chính VNCH bị CS Bắc Việt đẩy vào chốn lao tù dưới ngụy danh “Trại Cải Tạo”. Phụ nữ VN đã hy sinh kể cả nhân phẩm và tính mệnh, dấn thân để thay thế vai trò của Chồng, Cha, Anh của mình để quán xuyến gia đình, giáo dục con cái và có khi còn phải gánh vác luôn gia đình bên chồng như đã được diễn tả qua ca dao:
Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.
Đau lòng thay cho những người vợ phải cam chịu cảnh nghiệt ngã đắng cay đã phải tự tử để bảo vệ tiết trinh với chồng vì chính sách dã man của CS Bắc Việt ngay sau những ngày đầu tiến chiếm miền Nam với phương châm của Nguyễn Hộ, thành ủy viên Sàigon là:”Nhà chúng ta ở, con cái chùng ta hành hạ, vợ chúng ta lấy”. Người dân miền Nam còn lại ngoài vòng lao tù đã bị ép buộc về khai hoang ở các vùng “kinh tế mới”. Họ phải đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thiếu tiện nghi như không nước, không điện, không đường xá, cầu cống, không có dấu hiệu của nguồn sống để tiêu diệt họ dần mòn.
Vì tự do dân chủ, từ 1979, đã có biết bao người đã vùi thân dưới biển sâu trên đường vượt biên và phụ nữ đã bị hải tặc xúc phạm dã man. Vào năm 1986, với chính sách “Đổi Mới” của Nguyễn Văn Linh, nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt đau thương hơn tiếp tục diễn ra cho dân miền Nam vì phải tranh đấu chật vật hơn cho miếng cơm manh áo. Phong trào phụ nữ và trẻ em đã bị bán thân làm nô lệ tình dục qua thể lệ “kết hôn” với người nước ngoài.
Đó chỉ là một vài sơ lược tiêu biểu cho sự đóng góp và hy sinh vô bến bờ của phái nữ trong suốt hơn 38 năm qua. Người phụ nữ Việt nói chung, trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa lịch sử nầy cần được vinh danh để đánh dấu một khúc quanh cay nghiệt của Việt Nam. Thi sĩ Hồ Dzếnh đã phải xót xa thốt lên:
“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt nam tươi”
Các nhạc phẩm tôn vinh vai trò phụ nữ như “Cô Gái Việt” của cố Nhạc sĩ Hùng Lân:
Lời sông núi bừng vang bốn phương trời
Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến
Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời
Giòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim
Dẫu không cùng tài trai vui tranh đấu
Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu
Dù thành thị hay thôn trang ai ơi
Lòng hẹn lòng bạn gái ta xây đời.
Và “Người con gái Việt Nam” đã ray rức vì thân phận quê hương qua lời của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín.
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương nước mắt lưng tròng.
6- Tuổi trẻ hiện tại và tương lai
Hiện tại, tuổi trẻ VN gần đây nhất qua Nguyễn Phương Uyên đã vững tin sự tranh đấu của mình khi được thả ra sau khi bị kết án 6 năm vì chống Đảng CS Bắc Việt và, chống Tàu.Cô tuyên bố:
“Chống Đảng CS không có tội, Yêu tổ quốc không có tội. We are ONE … Tomorrow will come” và hứa sẽ không làm cho mọi người thất vọng.
Nguyễn Phương Uyên đã viết hai thông điệp bằng máu trên đường phố rằng: “Đi chết đi ĐCSVN bán nước”, “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” đã xác định rõ ràng sự phẩn nộ cùng cực của Cô cũng như đại đa số người Việt còn biết yêu quê hương yêu dân tộc trước hiểm họa mất nước vào tay giặc Bắc phương. Những lời phát biểu và thái độ của Phương Uyên đã khích lệ và đánh thức lòng can đảm, ý chí bất khuất của dân tộc Việt trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.
Trong số những người của thế hệ trẻ ngày nay, những người đã lên tiếng chống lại Lãnh đạo CS là những người “Làm nghèo đất nước và làm khổ nhân dân”, Nguyễn Phương Uyên đang đứng bên cạnh những anh thư của phụ nữ Việt Nam đã dũng cảm lên tiếng bảo vệ đất nước và đấu tranh cho quyền làm người qua Đỗ Thị Minh Hạnh (Thiên Thần trong bóng tối), Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thu Trang, Trịnh Kim Tiến, v.v…
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.
(Thơ Trần Trung Đạo viết cho Đỗ Thị Minh Hạnh – Thiên Thần trong bóng tối,)
Một thân liễu yếu mai gầy
Mà khuynh đảo cả một bầy lâu la
Mưu hèn, đòn bẩn trưng ra
Vẫn thua khí phách đàn bà Nước Nam.
(Thơ Tường Thụy viết tặng Nguyễn Hoàng Vi – 16/7/2013)
Tên các Cô ngày hôm nay là những đại danh từ riêng rẽ. Tuy nhiên, trong hiện tại và chắc chắn trong những ngày sắp tới, những đại danh từ nầy sẽ một danh từ chung, sẽ là nhân tố chính yếu khích động và thúc đẩy ý chí can trường bất khuất trước nghịch cảnh trong tâm huyết của tuổi trẻ Việt Nam.
Tuổi trẻ Việt Nam vì cơ đồ của tiền nhân đã dày công gầy dựng và mở mang bờ cõi. Hãy vì xương máu của những người con đất Việt đã đổ xuống để tô thắm và giữ gìn sơn hà cho đến ngày nay. Tương lai Việt Nam đang mong đợi và trông cậy vào thế hệ trẻ Việt Nam cùng với các nữ anh thư dũng cảm sẽ góp tay làm một cuộc cách mạng mới tầy trừ chế độ chuyên chính vô sản, vô nhân của CS Bắc Việt để mang lại nền dân chủ và sự an bình, thịnh vượng cho dân tộc Việt trong một ngày thật gần.
“Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”
Nguyên Thủy
Houston, 9/2013
“Cho dù ta sống hoặc không sống ở Việt Nam;Việt Nam vẫn luôn sống trong ta.”