NỬA NGÀY NÓI CHUYỆN VỚI ÔNG NGÔ ĐÌNH CẨN ( (Bào đệ của TT Ngô Đình Diệm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hồi ký của Nguyễn Kim Dần  (Bài 4)

Trước khi vào đề tài tôi xin có vài lời thưa trước với các Anh Chị :
1) Đọc đề tài trên đây mọi người đừng kỳ vọng là sẽ được biết những điều “bí mật” hấp dẫn……thực ra những điều tôi sẽ viết chắc mọi người cũng đã biết qua báo chí, không có gì mới lạ cả.
2) Dù câu chuyện đã xẩy năm 1961, một thời gian khá lâu; Nhưng tôi còn nhớ rất rõ ràng dù đang ở vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời…..
3) Tôi sẽ trình bầy rất trung thực, vô tư những điều tai nghe mắt thấy và bài hồi ký sẽ rất ngắn….
4) Những nhân chứng, thì có người đã chết và nhiều người còn sống.
                                         X    X    X

 Tôi thi đậu vào Ban Đốc Sự khóa 8 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1960. Đến năm 1961, sau khi thi lên lớp (học hết năm thứ 1), chúng tôi được nghỉ hè khoảng hai tháng rồi sẽ bắt đầu học năm thứ 2. Tôi còn nhớ rõ vào khỏang cuối tháng 6 năm 1961 (thời gian đang nghỉ hè), một người bạn cùng khóa tên Nguyễn Hữu Đức (hiện cư ngụ tại Houston, Texas Hoa Kỳ) đến rủ tôi đi Huế chơi mà điều kiện anh đưa ra rất dễ dàng, tôi chỉ bỏ 250$ mua vé xe lửa ra Huế, còn ăn ở khoảng trên 10 ngày ở Huế sẽ có người lo cho hết, tất nhiên tôi nhận lời liền vì đây là cơ hội để biết Huế (thực tế tôi cũng không phải bỏ 250$ để mua vé xe lửa)…….Rồi anh hẹn ngày giờ ra bến xe lửa Saigon; Đúng ngày giờ hẹn tôi ra bến xe, tôi ngạc nhiên vì thấy có thêm anh Trần Minh Giao (hiện cư ngụ tại Honolulu, Hawaii) cũng là bạn cùng lớp ở QGHC, như vậy nhóm chúng tôi có 3 người. Xe lửa từ Saigon ra Huế có ngừng lại ở những ga chánh để cho khách lên xuống, đường xe lửa lúc đó có an ninh nên xe lửa chạy suốt đêm….Tôi cũng không biết rõ là xe lửa chạy bao nhiêu giờ thì tới Huế. Khi xe lửa tới ga chót là Huế vào buổi sáng khoảng 9, 10 giờ, từ trong toa xe lửa tôi nhìn ra ngoài, tôi vô cùng ngạc nhiên vì chúng tôi nhận ra có khoảng độ trên 15 người cũng là bạn cùng khóa 8 QGHC với tôi….., Họ ra đón chúng tôi. Chúng tôi (3 người) xuống xe lửa và được đưa lên một xe microbus, cùng với hơn 15 người đã ra đón. Xe đưa chúng tôi về một ngôi biệt thự gồm 2 tầng nằm cách sông Hương khoảng 300 thước……Đó là nơi chúng tôi cư ngụ suốt thời gian ở Huế.

 Sau khi đã ổn định nơi cư ngụ, tôi bắt đầu tìm hiểu đây là tổ chức nào ? mục đích của tổ chức này và cố gắng ôn lại những gì ở Học Viện QGHC  trong khóa 8 của tôi : Khi bắt đầu khai mạc năm học đầu, tôi được biết có một sinh viên gốc công chức nghe nói là người của ông Ngô Đình Cẩn, tất nhiên anh này lớn tuổi hơn các bạn cùng khóa, qua một năm học tôi chỉ biết anh ta và không bao giờ nói chuyện với anh, vì tính tôi không thích bợ đỡ…..Anh ta tên là Nguyễn Hòe. Tuy không nói chuyện với nhau, nhưng qua một năm học chung thì chúng tôi đều biết cá tính, nhân cách và sức học của nhau.(Nghe nói Nguyễn Hòe có qua Mỹ định cư tại Houston(Texas) và đã chết cách đây ít năm)

Từ những yếu tố đó tôi suy ra một nhận định: đây là tổ chức Cần Lao Nhân Vị của ông Ngô Đình Cẩn, ông Cẩn muốn có một số cán bộ Cần Lao do chính ông tổ chức (qua bàn tay của Nguyễn Hòe)(?). Đặc biệt trong nhóm ra Huế này không có Nguyễn Hòe đi chung, tôi cũng chẳng biết ai là người chỉ huy nhóm. Chương trình của chúng tôi là sáng đi ăn sáng tại nhà hàng Thuận Hóa (?) (dưới chân cầu Tràng Tiền) trưa, chiều đều tới đó dùng cơm, đặc biệt sáng ăn cơm ta thì chiều ăn cơm tây cứ như vậy mà thay đổi… Chúng tôi có chương trình như đi thăm mộ cụ Phan Bội Châu, thăm các lăng tẩm ở Huế, vào thăm xã giao ông Tỉnh trưởng kiêm Thị trưởng Huế và Thừa Thiên (lúc đó hoàn toàn là dân sự, không có nhà binh nắm quyền). Đặc biệt là dự lễ duyệt binh ngày song thất (ngày Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức cầm quyền) trên bờ sông Hương.  Anh Nguyễn Hòe rớt suống khóa 9 sau một năm học. Để thêm chi tiết chắc chắn khi viết bài hồi ký này tôi có gọi điện thoại cho Anh Trần Minh Giao người cùng với tôi ra Huế, Anh TMG cho biết thêm chi tiết: Anh Nguyễn Hòe vào QGHC khóa 8 mà không phải thi do Phủ Tổng Thống gởi trực tiếp (?)…Anh Hòe “rớt” xuống khóa 9 để tổ chức cán bộ Cần Lao như đang làm ở khóa 8 (?). Học Viện QGHC thời đó trực thuộc Phủ Tổng Thống mà không trực thuộc một Bộ nào. Khóa 8 của chúng tôi có 100 SV thi tuyển, có khoảng 12 người từ khóa 7 học lại vì nhiều lý do như rớt qua kỳ thi lên lớp hay bệnh hoạn, ngoài ra có 3 vị Đại úy do Bổ Tổng Tham Mưu QL/VNCH qua theo học (các vị này tất nhiên phải có bằng Tú Tài và không qua cuộc thi tuyển ; Đ/u Nhu, Đ/u Hoài thuộc bộ binh, Đ/u Đằng thuộc không quân).Tổng cộng K8 có khoảng 115 Sinh viên khi khai giảng.  Năm 1963 thi tốt nghiệp thì chỉ còn có 77(?) người được chấm đậu, như vậy số rớt qúa nhiều. Theo điều lệ của Học Viện thì trong 3 năm học chỉ được rớt 1 lần, nếu rớt lần thứ 2 là ra khỏi trường….Nói thêm là 3 vị Đại úy học chung với chúng tôi đều đã lớn tuổi học rất khá, nhưng khi ra trường không được cấp bằng mà chỉ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp, 3 vị Đ/U có khiếu nại nhưng được Học Viện trả lời là vì không qua cuộc thi tuyển nên chỉ được cấp chứng chỉ. Sau khi tốt nghiệp 3 vị Đ/U này trở lại Quân Đội và đến 30/4/75 thì đều đã lên Đại tá.  Hình như có một người đã chết (Anh Đằng(?). Tôi không rõ anh Nguyễn Hòe, không phải thi tuyển khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ hay được cấp bằng ?

Rồi một ngày anh Đức trưởng toán của tôi  thông báo là sẽ đi gặp Cố Vấn Chỉ Đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn trong vài ngày nữa, đây là điều tôi cũng không ngạc nhiên vì tôi đã đoán khi tới Huế là cuộc đi này do nhóm Cần Lao Nhân Vị của ông NĐCẩn tổ chức. Tôi có hỏi anh Đức là ăn mặc như thế nào ? Anh Đức nói là áo chemise trắng, tay dài, quần đậm thắt cà vạt….Khi đi tôi chỉ đem hành trang đơn giản mà không có cà vạt hay một chiếc áo chemise tay dài vì anh Đức hoàn toàn giữ bí mật cũng như chi tiết chương trình của cuộc đi ra Huế. Vì có nhiều thì giờ rảnh rỗi nên tôi đi chợ Đông Ba mua một áo chemise may sẵn, tay dài mầu trắng có thể đeo cà vạt được, còn cà vạt thì tôi mượn một người bạn trong nhóm. 

Vài hôm sau chúng tôi được thông báo là sau khi ăn cơm trưa xong, chúng tôi sẽ đi Thuận An, một bờ biển cách Huế khoảng 20 cây số để gặp ông Cẩn. Chúng tôi đến Thuận An lúc 1giờ30 trưa cùng ngày (rất tiếc tôi không nhớ được ngày đó). Xe ngừng lại trước một căn nhà bằng tre, nứa lợp tôn trên mặt nước biển độ 1 thước, tức là nhà thủy tạ, nơi cư ngụ của ông NĐCẩn, căn nhà có vài phòng cũng không có gì là bề thế, muốn đi vào phải đi qua một cây cầu làm bằng tre dài độ 6,7 thước bề ngang khoảng 1,50 thước.

Chúng tôi được dẫn vào một căn phóng diện tích độ 20 thước vuông, chờ độ 5 phút thì ông Cẩn từ một căn phòng đi ra. Ông mặc bộ bà ba mầu mỡ gà (như các báo đã đăng), một người trong nhóm chúng tôi (có lẽ là họ đã tổ chức) cầm một bó hóa lớn trao tặng ông Cẩn, sau đó họ hát một bài (độ 10 người hát) mà tôi cũng không nhớ một lời nào của bài  hát, chỉ nhớ là một thể nhạc hùng (loại marche). Chúng tôi gọi ông Cẩn là CẬU, xưng TÔI

Sau  đó chúng tôi ngồi xuống sàn nhà bằng tre. Tôi cố tình nghe xem ông Cẩn sẽ nói gì vì đây là cơ hội thật hiếm có vì qua báo chí cho biết nói gặp ông Cẩn rất khó và phải khúm núm .v.v. Nhóm chúng tôi quả thật đi vào rất thoải mái và tự nhiên, không hề có sự sợ hãi hay khúm núm gì cả….Ông Cẩn bắt đầu nói chuyện, giọng khó nghe và nói nhỏ, tôi cố gắng để lắng nghe xem ông Cẩn nói cái gì ??? Như các báo đã tường thuật, ông Cẩn hút thuốc lá Basto xanh hay thuốc rê, bên cạnh là khay trầu. Ông nói chuyện đến khoảng 6giờ30 chiều thì ngưng lại ăn cơm chiều, cái cầu nhỏ đường ra vô được kê mấy cái bàn thấp và chúng tôi ngồi cùng ăn cơm với ông Cẩn, món ăn là món Huế, có rượu bia……trong lúc ăn ông Cẩn cũng nói chuyện….

Cuộc nói chuyện với ông Cẩn chấm dứt vào lúc 9giờ tối và chúng tôi ra về. Tính ra chúng tôi đã được nghe ông nói chuyện trong 7 giờ, nhưng nếu ai hỏi chúng tôi là ông Cẩn đã nói gì thì qủa thật chúng tôi không thu lượm được gì những lời ông nói. Cố gắng mãi cá nhân tôi ghi nhận được 2 điều : 1) Ông Cẩn nói là chúng ta phải có một tổ chức như Đảng Hắc Long ở bên Nhật (Tôi cũng không biết đảng Hắc Long của Nhật ra sao). 2) Ông Cẩn  tiết lộ là Miền Nam có thả biệt kích ra Bắc để hoạt động. Có một người trong nhóm hỏi thế lấy gì mà sanh sống ? Ông Cẩn trả lời là có đem theo thuốc phiện để bán….(?)

Tóm lại tôi chỉ nhớ có 2 điều mà ông Cẩn nói trong cuộc gặp gỡ suốt 7 giờ. Để cho chắc chắn về nhận xét của mình, tôi có hỏi vài bạn trong nhóm là anh có biết ông Cẩn nói gì trong suốt thời gian dài đó không, các người bạn cũng thất vọng như tôi và trả lời cũng không biết ông Cẩn nói cái gì…… 

Sau khi gặp ông Cẩn, coi như cuộc đi Huế của chúng tôi chấm dứt, vài ngày sau chúng tôi dùng xe microbus đi Đà Nẵng, cư ngụ tại một khách sạn và được ông Thị trưởng Đà Nẵng đón tiếp bằng một bữa ăn sáng. Từ Đà Nẵng chúng tôi về Saigon chia làm nhiều nhóm bằng nhiều phương tiện khác nhau (có lẽ để giữ bí mật). Nhóm tôi gồm 3 người như lúc khởi hành từ Saigon, 3 chúng tôi có ghé lại Nha Trang 3 ngày rồi mới đi xe lửa về Saigon.

Về Saigon tôi có thuật lại câu chuyện đi Huế cho một người bạn thân (tất nhiên người này không  trong nhóm đi Huế), người bạn có khuyên tôi thử vào tổ chức này xem sao, nhưng tôi trả lời “thuyền đua thì lái cũng đua” làm sao mà ông Cẩn có khả năng lãnh đạo được……

Tôi cũng không rõ nhóm này có ai vào đảng Cần Lao hay không ?. Vì Khóa 8 của chúng tôi phải ra Đồng Đế Nha Trang học quân sự (từ tháng 5/1963 đến tháng 12/1963) nên lúc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì chúng tôi đang học quân sự ở Nha Trang.

 Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị giết chết ngày 2 tháng 11 năm 1963, sau đó ông Ngô Đình Cẩn cũng bị đưa ra Tòa và bị kết án tử hình, đơn ân xá bị bác và bản án tử hình được thi hành  ngày 9 tháng 5 năm 1964 lúc 18giờ20 tại khám Chí Hòa.   HẾT