NHẠC SĨ CUNG TIẾN-NGƯỜI VIẾT NHẠC CHO TƯƠNG LAI (Bách Lam/Viễn Đông)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cuối tuần tới, nhạc sĩ Cung Tiến từ Minnesota sẽ đến hội ngộ với những người yêu nhạc tại Little Saigon qua hai buổi sinh hoạt.

Tối thứ Sáu, ngày 9-7-2010, tại phòng sinh hoạt Việt Báo, nhạc sĩ Cung Tiến sẽ ra mắt hai tuyển tập Hoàng Hạc Lâu và Vang Vang Trời Vào Xuân, tổng hợp hầu hết các ca khúc ông sáng tác trải dài gần sáu thập niên, kể từ ca khúc Thu Vàng viết năm 1953. Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) cũng sẽ thực hiện một chương trình nhạc Cung Tiến với chủ đề Vết Chim Bay vào lúc 7 giờ tối thứ Bảy, 10-7-2010, tại La Mirada Theater, thành phố La Mirada. Chương trình quy tụ hơn 80 ca nhạc sĩ với giàn nhạc giao hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ.

Chiều ngày 22-6-2010, nhạc sĩ Cung Tiến đã dành cho nhật báo Viễn Đông một buổi phỏng vấn, nội dung xoay quanh những suy nghĩ của ông về âm nhạc.

Viễn Đông: Thưa ông, đâu là ranh giới giữa ca khúc phổ thông và ca khúc nghệ thuật?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Như tôi đã viết trên nhiều tài liệu, ca khúc phổ thông (popular music) thường thường người ta viết giai điệu chứ không có hòa âm. Như hồi nhỏ, tôi viết một giai điệu có lời, nhưng mà không có hòa âm; người trình diễn đệm đàn theo lối nào cũng được, tùy tiện. Ca khúc nghệ thuật là ca khúc dùng bản văn một bài thơ có phẩm chất cao để viết nên phần giai điệu, xong rồi phải có phần hòa âm để làm bối cảnh cho ca khúc đó. Ca khúc cũng như một bức tranh, đằng trước là hình ảnh, là tiền cảnh, còn đằng sau là bối cảnh, như mây, nước, hoặc cảnh nọ, cảnh kia; cái đó chính là hòa âm hay là phối khí trong âm nhạc. Sau một thời gian sáng tác ca khúc phổ thông, tôi được trau giồi về âm nhạc, và bắt đầu phổ nhạc vào những bài thơ mà tôi thích.

 

Viễn Đông: Trong hai tập nhạc mà ông vừa cho xuất bản, tất cả là do ông viết hòa âm, trừ một vài bài có ghi chú?

Ns. Cung Tiến: Vâng, tất nhiên, tất cả là do tôi viết hòa âm. Chỉ có một vài bài, như “Đôi Bờ”, chẳng hạn, có một người nhạc sĩ người Thụy Sĩ, chơi lục huyền cầm cổ điển, từng đệm guitar cho một cô ca sĩ tên là Camille Huyền rất là giỏi, người Huế, sau đó viết luôn phần đệm guitar cổ điển, rồi gửi phần hòa âm đó cho tôi. Còn phần lớn, 99 phần trăm là tôi viết hòa âm hết, và viết cho giàn nhạc nữa.

 

Viễn Đông: Xin ông cho biết định nghĩa của ông về một nhạc sĩ? Và có nên chăng có danh từ “nhạc sĩ chuyên nghiệp”?

Ns. Cung Tiến: Theo tôi hiểu, “nhạc sĩ chuyên nghiệp” là người sống bằng nghề nhạc. Như ông Phạm Duy, chẳng hạn, ông là một nhạc sĩ chuyên nghiệp vì ông sống bằng nghề đó, và nhiều người khác nữa. Còn tôi là một người tài tử, “tài tử” theo định nghĩa lấy từ chữ Latin “amatore”, tức là “người yêu”, người yêu nhạc hay người yêu nghệ thuật. Tôi là loại người đó. Tôi không phải sống về nghề âm nhạc. Trong đời tôi có rất nhiều sở thích, nhưng mà âm nhạc là sở thích lớn nhất và vẫn ở với tôi cho đến nay. Suốt đời tôi.

 

Viễn Đông: Thưa ông, khi đặt bút viết nhạc, cái đầu hay trái tim dẫn dắt dòng nhạc của ông?

Ns. Cung Tiến: Riêng đối với tôi, những ca khúc nghệ thuật, nhất là những bài thơ mà tôi phổ nhạc của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Xuân Diệu, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, v.v., đó là những bài thơ tôi đọc và tôi thích. Tự nhiên, mình mường tượng ra phong cảnh âm thanh (soundscape). Một thí dụ rõ ràng nhất trong tập nhạc là bản “Khói Hồ Bay” (trong Tuyển Tập Ca Khúc “Hoàng Hạc Lâu”), thơ của ông Nguyễn Tường Giang, người bạn tôi rất thân. Bài thơ đó có tựa ban đầu là “Thu ở Vermont”. Tôi đọc bài thơ, tôi khoái ngay. Vừa mường tượng ra cái cảnh đi mùa thu ở Vermont, đi trên đường gập ghềnh, nhìn thấy lá rơi, rồi tất cả, cả một chân trời màu vàng hết. Thế rồi, sực nhớ đến một người tình hồi xưa… Trong đầu tôi tưởng tượng ra tất cả những cảnh đó. Tôi dùng bài thơ đó để tôi lồng vào một giai điệu. Thế nhưng, cái đó chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn là phần piano dùng làm bối cảnh, để tả lại hình ảnh chập chùng đồi núi, mà nhà thơ đã đi lên Vermont, trong mùa thu, để ngắm lá thu, nhớ đến tình nhân.

Viễn Đông: Trong bài “Khói Hồ Bay”, ông đưa từ nhịp 3/4  qua 2/4, rồi có 6/8 nữa, xong lại trở về 3/4 hoặc là 9/8.

Ns. Cung Tiến: Vâng, nhịp tiết còn tùy khung cảnh, tùy lời thơ. Còn nếu từ đầu đến cuối chỉ một nhịp như vậy, như bài “Thu Vàng” của tôi ngày xưa, chẳng hạn, thì nó có tính cách phổ thông, dễ nghe, nhưng không có nghệ thuật mấy. Nhịp tiết trong bài “Khói Hồ Bay” thay đổi tùy theo tình cảm của người làm thơ, cũng như cảnh vật bên ngoài. Nếu đọc lời thơ đó và nhìn phần piano, thì quý vị sẽ thấy nó trùng hợp như thế nào. Thí dụ như đoạn cuối cùng, khi nhắc đến khói hồ bay, cần đến kỹ thuật viết nhạc như thế nào để làm cho người nghe có cảm tưởng là khói hồ đang bay thật. Đó là một kỹ thuật thôi, nhưng mà cũng phải phù hợp với lời thơ.

 

Viễn Đông: Ông có cảm thấy những ảnh hưởng của trường phái Cổ Điển (Classical) và Lãng Mạn (Romantic) ở Tây phương trong những ca khúc hay phần hòa âm của mình?

Ns. Cung Tiến: Vâng, tất nhiên. Nhất là hồi nhỏ, độ mười mấy tuổi, tôi nghe nhạc cổ điển của Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert chẳng hạn. Như bài “Hương Xưa”, tôi viết bản đó sau khi tôi lần đầu tiên được nghe giàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam trình diễn “sống” trong một dịp kỷ niệm 200 năm sinh của nhạc sĩ Mozart. Tôi mê đến bỏ học, để đến nghe giàn nhạc tập dợt. Rồi Beethoven, tôi cũng có ảnh hưởng chứ. Tôi nghe một giai điệu của Beethoven, rồi nó cứ ở mãi trong đầu tôi. Và tôi cũng lấy đó ra làm một ý tưởng, để viết nên giai điệu. Về sau này, khi trau giồi thêm về âm nhạc, tôi cũng có ảnh hưởng khá nhiều trường phái Lãng Mạn, Ấn Tượng (Impressionist) của Tây phương như là Gabriel Fauré, Debussy, Ravel, và những người viết ca khúc nghệ thuật của Pháp mà tôi rất thích.

 

Viễn Đông: Theo ông, tại sao trường phái Lãng Mạn lại kéo dài tuổi thọ được đến ngày nay?

Ns. Cung Tiến: Nhạc Lãng Mạn nói riêng, hay nhạc cổ điển (classical music) nói chung, không bao giờ cũ cả. Nhạc xưa nhưng nghe không bao giờ cũ cả, lúc nào cũng khám phá ra những cái mới.

 

Viễn Đông: Thưa ông, nhưng nếu các nhạc sĩ cứ theo đường lối sáng tác của trường phái Lãng Mạn, hay nhạc cổ điển, thì có thể gọi là “sáng tạo” không? Thí dụ như bài “Khói Hồ Bay” viết theo kiểu “program music” (âm nhạc miêu tả, có chương trình, một hình thức có từ thời Lãng Mạn thế kỷ 19 trong âm nhạc Tây phương).

Ns. Cung Tiến: Vẫn là sáng tạo chứ. Ở chỗ rằng là, trong không khí đó, mình vẫn sáng tạo theo lối của mình. Vì âm nhạc là cả một vũ trụ âm nhạc, mặc dù người ta đặt tên là trường phái Lãng Mạn hay là trường phái Ấn Tượng hay Biểu Tượng (Expressionist), đó chỉ là việc đặt tên. Debussy là một nhạc sĩ mà người ta gọi là thuộc trường phái Ấn Tượng, nhưng những người thầy của ông thuộc trường phái Lãng Mạn. Thế rồi ông muốn đi khỏi những khuôn khổ đó; ông viết nhạc để tạo ra ấn tượng âm thanh, về màu sắc âm thanh, chứ không về một chủ đề nào cả.

 

Viễn Đông: Những nhạc sĩ đi ra ngoại quốc thường có cái nhìn có thể nói là khoan dung hơn, hoặc là khám phá trở lại, đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có phải đó là một trong những lý do khiến ông tìm cách khám phá lại cái vốn âm thanh cổ truyền?

Ns. Cung Tiến: Đối với nhạc sĩ Việt Nam bị di tản đi ra ngoại quốc, rồi những người nào muốn tiếp tục viết âm nhạc, thì phải tìm ra một cái gì mới lạ cho lỗ tai của những thính giả ở ngoại quốc. Khởi thủy, nền văn hóa nào cũng có dân ca. Không biết ai sáng tác, hoàn toàn vô danh. Dân ca có những làn điệu rất là đẹp, rất quyến rũ. Lối trình bày xưa bao giờ cũng là qua giọng hát. Đó là một trong những phong cách để mình viết nhạc cho mình để khác với người khác. Thí dụ, tôi vẫn có thể viết theo lối Biểu Tượng (Expressionist), nhưng nó không phải của mình nữa, nó không mới lạ nữa. Nhiều người viết lối đó lắm rồi, từ Schoenberg cho tới Webern, chẳng hạn, và còn khám phá ra nhiều điều trước mình rất nhiều. Nếu đi vào hướng đó thì có thể không bằng người ta, vì người ta khám phá hết rồi. Vì thế, tôi thấy là một số nhạc sĩ Việt Nam muốn quay lại, dùng cái danh từ nôm na là “trở về nguồn”, cũng do đó mà ra. Họ muốn tìm một cái gì mới, đối với xã hội họ đang sống. Nhạc ngũ âm, chẳng hạn. Nhạc ngũ cung, chẳng hạn. Ngũ cung mà nhiều loại lắm, không riêng gì ngũ cung Việt Nam, như ngũ cung Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật… Tất cả những cái đó là màu sắc âm thanh của Đông Á. Mình dùng những cái đó như chất liệu để viết nhạc của mình. Cũng là một phương pháp để khai thác những gì mình có sẵn của dân tộc mình, chứ không phải dùng những chất liệu của Tây phương mà mình đã học ở trường nữa. Vì thế, khi sang đây, tôi đã viết một số nhạc sử dụng chất liệu dân tộc Việt Nam, như điệu sa mạc, quan họ, chèo cổ… để tôi viết nên mấy tập, thí dụ như tập Chinh Phụ Ngâm. Mới đây tôi viết Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành, lấy từ chèo cổ, tôi viết cho giọng ca, đàn harp (thụ cầm), với lại giàn dây, dùng nhạc cụ Tây phương.

 

Viễn Đông: Tức là ông phải có hòa âm cho bản nhạc này? Mà hòa âm Tây phương thường đi theo cột dọc, khác với Á Đông đi theo hàng ngang. Như vậy, làm sao ông giải quyết vấn đề hòa âm này cho một giàn nhạc cụ dây?

Ns. Cung Tiến: Phải có hòa âm, mà hòa âm theo lối Á Đông. Cô phải nghe mới biết nó khác Tây phương ra làm sao. Hòa âm hàng dọc của Á Đông là do tình cờ mà gặp nhau thôi, chứ không phải cột dọc, đúng như cô nói. Trong bản Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành, có những lúc các nhạc cụ tình cờ gặp nhau để tạo ra hợp âm, có khi tôi cũng dùng một hợp âm mới, ngũ cung, tứ cung, chẳng hạn, có khi mấy dòng giai điệu đi với nhau theo kỹ thuật đối điểm (counterpoint).

 

Viễn Đông: Thưa ông, trong buổi trình diễn sắp tới, khán thính giả có được nghe những bản nhạc mới sau này của ông không ạ?

Ns. Cung Tiến: Vâng, sẽ có trích đoạn trong tổ khúc Chinh Phụ Ngâm và Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành nữa. Giàn nhạc bên đó kiếm được người chơi rất là tốt, nhất là người đánh đàn harp. Cô sẽ ngạc nhiên khi thấy có nhiều người chơi đàn rất giỏi, như là Bằng Lăng, chẳng hạn. Ở Nam Cali, chúng ta có nhiều nhân tài rất trẻ, và họ hiểu nhạc. 

 

Viễn Đông: Thưa ông, các nhạc cụ truyền thống Việt Nam khi hòa đàn thì tuân thủ theo một số quy luật chung, nhưng cũng tương đối thoải mái, để nhiều không gian cho việc ứng tấu (improvisation), không có sự khắt khe về tiết nhịp (dưới quyền điều khiển của một nhạc trưởng) như âm nhạc Tây phương. Vậy thì làm sao ông tái tạo lại không gian ứng tấu đó cho một giàn nhạc Tây phương?

Ns. Cung Tiến: Tất nhiên, như tôi đã nói nhiều lần, tôi dùng dân ca Việt Nam như một chất liệu, chứ không phải tôi tạo lại hoàn toàn thứ âm nhạc đó. Giai điệu Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành có thể hát một mình cũng được, không kèn không trống, nhưng nếu có phần hòa âm đệm theo thì lại thành ra một lối thể hiện khác. Như tổ khúc Chinh Phụ Ngâm, tôi có viết cho một số nhạc cụ Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò, nhưng không kiếm ra người chơi được. Nên tôi phải dùng violon, để chơi phần giáo đầu, để “ngâm” mấy câu thơ. Đáng lẽ tôi viết cho giọng người ngâm điệu sa mạc mấy câu thơ đó, nhưng hồi đó, tôi không có ai hát cả; có người hát được điệu sa mạc, nhưng không nhìn được nốt nhạc Tây phương. Thành thử tôi phải viết cho violon độc tấu với giàn nhạc phụ họa. Đó chỉ là vấn đề kỹ thuật thôi. Nhưng mà nói là như vậy không phải là dân ca nữa thì cũng không đúng. Nếu cô nghe nhạc của Nga trong thế kỷ 19, của Rimsky-Korsakov, chẳng hạn, hoàn toàn lấy dân ca, hay là Dvorak ở xứ Tiệp, cũng lấy dân ca làm chất liệu nhưng dùng giàn nhạc Tây phương để thể hiện. Thành ra không có gì mới lạ đâu. Không có gì khó khăn, vì người ta đã giải quyết 200 năm nay rồi.

 

Viễn Đông: Thưa ông, thế nhưng vẫn còn một khúc mắc. Có lẽ dân ca các nước phương Tây gần gũi với giàn nhạc Tây phương hơn là dân ca Á Đông? Và khoảng cách đó làm sao người viết nhạc dùng chất liệu dân ca Á Đông có thể thu ngắn lại được? Một câu hỏi nữa là có nên thu ngắn hay không?

Ns. Cung Tiến: Tất nhiên là muốn chơi nhạc phẩm dùng chất liệu dân ca đúng theo lối chơi, thì phải chơi đúng theo những gì tôi viết ra. Thí dụ, tôi mường tượng đàn bầu chơi thế này, đàn tranh chơi thế này, và tôi viết ra, thì người chơi đàn harp phải biết dùng kỹ thuật nào để chơi ra những âm thanh như tôi đã viết, để nghe tiếng giống như đàn tranh, tức là nó bắt chước được chứ.

Còn làm thế nào để rút ngắn lại hay kéo dài ra khoảng cách (giữa Đông và Tây)? Nghệ thuật thì phải biến hóa, chứ không thể cứng đơ một chỗ.

Đối với một người viết nhạc hay một người vẽ tranh, chẳng lẽ lúc nào cũng vẽ tranh con gà hay con lợn thì mới là tranh dân tộc hay sao? Âm nhạc cũng vậy, người nghệ sĩ phải hoàn toàn có tự do sử dụng chất liệu âm thanh ở Tây phương, ở các nền văn hóa khác, ở dân tộc mình… tất cả là những chất liệu sẵn có trong trời đất, trong văn hóa của loài người. Người nghệ sĩ có tự do hoàn toàn trong việc dùng những chất liệu đó để tạo nên tác phẩm của mình. Chứ không phải lúc nào cũng phải hát quan họ mới gọi là dân tộc.

Hiện giờ trên thế giới, chắc cô cũng biết, có một số nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng trên thế giới: ông Tôn Thất Tiết, ông Nguyễn Thiện Đạo ở bên Pháp, ông P.Q. Phan ở bên Mỹ. Đó là những người dùng rất tự do mọi chất liệu, kể cả chất liệu Việt Nam, nhưng kỹ thuật là kỹ thuật của Tây phương, có thể có một số kỹ thuật Đông phương như là những nốt uốn, 1/4, 1/6 tông. Cây đàn Tây phương có thể bắt chước được.

Tất nhiên, những nhà phê bình họ có ý kiến của họ. Họ có tự do để phê bình. Họ thích hay không thích. Thế nhưng mà, nhạc của người ta viết ra vẫn đi trước. Có một câu nói (về các ngành nghệ thuật sáng tạo), “Ai không sáng tác được thì làm thầy. Ai không dạy học được thì đi phê bình”. Đó là một câu tôi học từ hồi nhỏ. Lời ong tiếng ve, chả ai cần để ý tới.

 

Viễn Đông: Thưa ông, nhưng cũng có những lý luận phê bình trở thành chất xúc tác cho các nhà sáng tác chứ ạ? Vì trong một nền kinh tế âm nhạc thì cũng cần có người sáng tác, người tiêu thụ, và những nhà phê bình?

Ns. Cung Tiến: Rất đúng, trong âm nhạc cũng như các ngành nghệ thuật khác đều có vòng tròn kinh tế. Người sáng tác phải có người trình diễn, người tiêu thụ, người sản xuất, dưới nhiều nghĩa. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là người sáng tác.

Viễn Đông: Thưa ông, chắc chắn ông nói điều đó không phải vì ông là một nhà sáng tác?

Ns. Cung Tiến: Tại sao vậy?! Có người chỉ muốn viết nhạc để bán thôi, bài nào cũng giống bài nào, thì lại là chuyện khác.

 

Viễn Đông: Nhưng nếu mở tập nhạc của ông thì có thể thấy được là không phải chỉ để bán tại vì…

Ns. Cung Tiến: Chả ai mua!

Viễn Đông: … E rằng ít có người mua! Thật sự mà nói, có lẽ cũng ít có người hát được. Ông có cảm thấy mình cô đơn khi sáng tác những nhạc phẩm như vậy không?

Ns. Cung Tiến: Không, tôi chẳng thấy cô đơn. Việc tôi làm thì vẫn phải làm. Tôi làm cho tương lai thôi. Bằng chứng là ngày xưa có những tác phẩm của tôi, chẳng ai buồn nhìn tới, rồi từ khi nghe một, hai lần, họ truyền nhau, bảo là cái này có gì mới lạ. Thế rồi, sau này lớp trẻ ở Việt Nam, bên Pháp, ở bên Mỹ, ở bên Anh, họ đi học nhạc và mới biết giá trị của những người sáng tác Việt Nam, và họ hát được. Đến hôm thứ Bảy tuần tới, cô đến dự buổi hòa nhạc của chúng tôi, cô sẽ thấy những giọng ca rất trẻ, rất vững, có học đàng hoàng, có trình độ thưởng thức những gì mới lạ, những gì khác những loại nhạc thương mại. Và đó là điều rất mừng.

Viễn Đông: Xin cám ơn nhạc sĩ Cung Tiến.

Viết bình luận đầu tiên