Đội tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz tập trận ở Biển Đông vào ngày 9/2/2021
Hai đội tàu tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ vừa tiến hành tập trận chung ở Biển Đông hôm 9/2, vài ngày sau khi một tàu chiến của Mỹ đi gần các đảo do Trung Cộng kiểm soát trong vùng biển tranh chấp, khiến Trung Cộng chỉ trích Mỹ “gây bất ổn” trong khu vực, theo Reuters.
đội tàu tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz “tiến hành nhiều cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”, Hải quân Mỹ cho biết về hoạt động hàng không mẫu hạm kép đầu tiên trên tuyến đường thủy bận rộn kể từ tháng 7/2020.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Vương Văn Bân nói các hoạt động thường xuyên của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ ở Biển Đông là để “phô trương vũ lực”, không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
“Trung Cộng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, và hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Trung Cộng nói.
Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi Trung Cộng lên án việc tàu khu trục USS John S. McCain di chuyển ở gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Cộng kiểm soát. Hoa Kỳ gọi đây là hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải, một hoạt động được hải quân Mỹ thực hiện thường xuyên trên Biển Đông nhưng đây là chuyến đầu tiên của hải quân Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Tháng trước, quân đội Mỹ nói các chuyến bay quân sự của Trung Cộng trên Biển Đông là hành vi gây mất ổn định và gây hấn, nhưng không gây ra mối đe dọa nào đối với một đội tàu hàng không mẫu hạm tấn công của Hải quân Mỹ trong khu vực.
Hoa Kỳ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trong khu vực và cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông, đe dọa các nước láng giềng như Malaysia, Philippines và Việt Nam, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Cộng trong khu vực biển giàu tài nguyên.
“Chúng tôi cam kết đảm bảo việc sử dụng hợp pháp vùng biển mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”, Reuters dẫn lời Chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy đội tàu hàng không mẫu hạm tấn công Nimitz, nói trong một tuyên bố.
Trung Cộng rất tức giận đối với các chuyến hải hành liên tục của Hoa Kỳ gần các đảo mà họ chiếm giữ và kiểm soát ở Biển Đông, nói rằng họ có chủ quyền không thể bác bỏ và cáo buộc Hoa Kỳ cố tình gây căng thẳng.
Trung Cộng cũng nổi cơn thịnh nộ khi các tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, trong đó có một tàu vào tuần trước đã thực hiện hoạt động này lần đầu tiên dưới thời chính quyền Biden.
Phát biểu tại Đài Bắc, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói các tàu và máy bay của Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải khiến cho họ yên tâm.
Bà nói: “Điều này thể hiện thái độ rõ ràng của Hoa Kỳ đối với những thách thức về hiện trạng an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Tàu ngầm nguyên tử Pháp tuần tra Biển Đông
Tàu ngầm tấn công nguyên tử của Pháp là một trong số hai tàu hải quân gần đây tiến hành tuần tra qua Biển Đông trong một động thái mà theo AFP có thể khiến Bắc Kinh tức giận, hãng thông tấn Pháp dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho biết hôm 8/2.
Trên trang Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết thêm rằng tàu ngầm tấn công nguyên tử SNA Emeraude đã được tháp tùng bởi tàu hỗ trợ BSAM Seine.
“Cuộc tuần tra bất thường này vừa mới hoàn thành một hành trình trên Biển Đông. Một bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài của hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược của chúng tôi như Australia, Mỹ và Nhật Bản”, bà Parly viết kèm theo hình ảnh hai con tàu trên biển.
Tàu chiến Mỹ thỉnh thoảng cũng thực hiện sứ mệnh “tự do hàng hải” di chuyển qua hoặc gần những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nhằm nhấn mạnh việc Washington bác bỏ những yêu sách đó.
Tuần trước, tàu USS John S. McCain đã di chuyển gần các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và đi qua eo biển Đài Loan, khiến cho Trung Cộng đưa ra cảnh báo.
Là thành viên NATO, Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương xung quanh các lãnh thổ hải ngoại của mình và nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
“Tại sao lại thực hiện một sứ mệnh như vậy? Là để làm giàu thêm kiến thức của chúng tôi về khu vực này và để khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể ở vùng biển nào chúng tôi đi qua”, bà Parly viết.
Cuộc tuần tra của Pháp diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các đồng minh châu Á của Washington sau 4 năm hỗn loạn của chính quyền Donald Trump.
Vào tháng 4 năm 2019, đã xảy ra một sự cố hải quân ở eo biển Đài Loan khi tàu Trung Cộng yêu cầu tàu khu trục Pháp Vendemiaire rời khỏi tuyến đường thủy ngăn cách đại lục Trung Cộng và Đài Loan, một khu vực nhạy cảm khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tin VOA