MÙA HÈ LỬA ĐỎ, 1972

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trích :Nguời Ở Lại Bastogne …

Mỗi lần nhớ về Mùa Hè Đỏ Lửa 72, ở SĐIKQ, thì phải nhớ đến địa danh Bastogne và lòng tôi lại bùi ngùi nhớ đến người bạn cùng đơn vị, anh tên Phan Công Soạn, một TPC và cũng là flight leader của Biệt Đội Song Chùy 213 tại căn cứ Dạ Lê [Camp Eagle], BTL Sư đoàn I Bộ Binh. Tư lệnh sư đoàn/IBB lúc bấy giờ là tướng Phạm văn Phú.
Chiến trường Bastogne có thể được coi như tử địa của trực thăng trong những ngày máu lửa của mùa Hè 72. Hầu như phi hành đoàn trực thăng nào của KĐ/51/CT cũng có một lần phải bay vào Bastogne. Gần suốt cả tháng 4/72, không phi vụ trực thăng nào lọt vào Bastogne được. Nếu có vô được chắc chắn cũng sẽ bị pháo kích banh xác. Địch quân đã tiến gần sát hàng rào phòng thủ cũng là lối vào thường lệ của trực thăng theo đường bay quen thuộc từ hướng Birmingham tới.

No photo description available.

Nếu nhìn từ trên phi cơ xuống hay tính theo đường bay thì Bastogne không xa thành phố Huế là bao, chỉ độ hơn 20 phút bay bằng trực thăng và cách BTL/SĐIBB tại Dạ Lê dưới 10 phút bay, cách phi trường Phú Bài chừng 15 phút.

Bastogne nằm trong vùng thung lũng của hai sông Hữu Trạch và Tả Trạch là hai nhánh của sông Hương từ trong vùng thượng lưu Trường Sơn dẫn ra cửa Thuận An, tứ bề núi non bao bọc. Là một trong những căn cứ hỏa lực tiền phương quan trọng của SĐI/BB để quan sát sự xâm nhập của địch quân từ các vùng núi rừng phía Tây và vùng thung lũng Ashau và đường mòn HCM bên Hạ Lào vào lãnh thổ tiểu khu Thừa Thiên và thị xã Huế.

Với địa thế sâu trũng như cái lòng chảo, Bastogne nằm giữa hai căn cứ hỏa lực King ở phía Bắc và Birmingham ở hướng Đông Nam. Căn cứ King nhìn xuống Bastogne độ chừng 1 mile đường bay, có độ cao gấp mười lần nhưng không có đường bộ nối liền để tiếp ứng cho nhau nếu bị tấn công. Birmingham thì cách Bastogne chừng 3 miles, cả hai căn cứ cùng nằm trên trục lộ 547 dẫn vào vùng thung lũng Ashau. Con đường chạy tới Bastogne thì quẹo gần 90 độ trái lên với địa thế gập ghềnh, đồi núi liên tiếp cứ một đèo lại một đèo, cho tới bờ thung lũng Ashau ở phía bên kia Trường Sơn. Sau khi tướng Ngô Quang Trưởng ra thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm, các phi vụ hành quân trực thăng vận được gia tăng tối đa trong vùng núi phía Tây để bảo vệ cố đô Huế. Ngoài các phi vụ tiếp tế tải thương, ngày nào cũng có những phi vụ chuyển quân rầm rộ từ núi này qua núi khác. Bên cạnh đó là những phi vụ thả toán 81 Biệt Kich Dù, bốc từ camp Evans , để xâm nhập vào các tuyến đường mòn nằm dọc với các căn cứ hỏa lực T.Bone, Rạng Đông, Nancy… Chạy dài từ Ashau/Aluoi ở tiểu khu Thừa Thiên lên tới vùng thung lũng Ba Lòng – Quảng Trị ở đầu phía Bắc. Và những phi vụ bay vào thả “củ cải” tức là những cái “sensor” màu xanh green có hình thù như cây củ cải để theo dõi sự xâm nhập của địch. Phi vụ tuy nguy hiểm nhưng vì tính cách bảo mật nên không có gunship hộ tống ồn ào, quan trọng là xác định mục tiêu cho chính xác. Thường là do một sĩ quan liên lạc đơn vị bạn được gởi theo phi cơ làm “navigator” chỉ điểm; hoặc đôi khi cũng do pháo binh bắn đại bác khói tới làm dấu trước rồi trực thăng mới bay vô. Chỉ với một hoặc hai chiếc “slicks”, tới mục tiêu, từng chiếc một cắm mũi lao mình xuống vùng không gian tối đen ở bên dưới thung lũng như những con đại bàng gẫy cánh, múa máy trên mặt rừng rậm rạp với vài đường uốn lượn lả lướt để tránh đạn, vừa cho người sĩ quan liên lạc bộ binh ở đằng sau lấy sức ném từng cái “củ cải” cắm sâu xuống đất như một phi vụ đi trồng cây trong rừng bằng trực thăng. Mới nghe thì rùng rợn ghê sợ nhưng khi xong lại cảm thấy một chút cảm giác nhẹ nhõm thú vị!

No photo description available.

Những năm sau này khi quân đội Mỹ rút lui, các lực lượng Biệt Kích và BĐQ biên phòng VNCH đã bỏ ngỏ tất cả các tiền đồn ở vùng biên giới Lào Việt như Ashau, Aluoi, Tà Bạt… Nên Bastogne coi như là tiền đồn duy nhất và xa nhất, đánh dấu sự hiện diện của QLVNCH trong vùng Trường Sơn bao la ở phía Tây cố đô Huế.

Vì vị trí Bastogne vừa thấp lại vừa nằm sát trục lộ giao thông chính nối liền vùng đồng bằng tiểu khu Thừa Thiên với vùng núi phía Tây Huế nên rất ít khi cần phi vụ trực thăng tiếp tế. Chỉ có hai lần tôi có dịp đáp ở Bastogne, khi còn bay “copil” với anh Phạm Vương Thục trong một phi vụ liên lạc và một lần nữa sau khi đã ra trưởng phi cơ; nhưng thời kỳ ấy tình hình an ninh tương đối còn thanh bình, Bastogne chưa bị chế ngự bởi phòng không phong tỏa như sau này.

Về phương diện quân sự, hỏa lực ở Bastogne yếu hơn so với hai căn cứ King và Birmingham nhưng lại giữ vị trí quan trọng và nguy hiểm nhất. Các súng cối cỡ nặng như 155 ly, 175 ly, đều nằm trên đỉnh c/c King và ở c/c Birmingham. Những vỏ đạn đại bác chất thành từng đống như những đống rơm, chiều cao ngang tầm với đỉnh đồi Birmingham. Thỉnh thoảng tôi hay đáp xuống lấy vài cái về làm quà cho vợ chưng bông ngày Tết! Những vỏ đạn lớn bằng đồng bóng loáng, xinh xắn, xếp đống như kim tự tháp ở Birminham, lung linh tỏa sáng dưới ánh mặt trời nóng nực của mùa Hè miền Trung, tăng thêm chút sắc màu của chiến tranh.

Vùng rừng núi phía Tây Nam của Bastogne địa thế cũng dầy đặc như vùng thung lũng Ba Lòng ở Đông Hà-Quảng Trị. Có lẽ vì quá gần thành phố và làng mạc nên không bị ảnh hưởng nhiều của chiến dịch khai hoang. Các bãi đáp trực thăng đa số phải thả lỗ cho chính xác. Những “Lz” chìm sâu dưới rừng cây rậm rạp, cây cao trên cả 100-200 feet, lỡ vụng về sơ xuất, không đứt đuôi thì cũng bị chém cánh quạt. Chiếc trực thăng vừa đáp xong là mất hút giữa cánh rừng bao la không còn dấu vết! Từ ngọn cây “hover” thẳng xuống, không nhúc nhích. Gặp ngày gió lớn đong đưa thì phải gồng mình toát mồ hôi! Ngày nóng quá “air pressure” loãng cũng khổ, mà ngày lạnh quá mở “heater on” rồi quên tắt cũng khốn khổ vì dễ mất “power” 

No photo description available.

Vào vùng núi lắm khi còn phải đối diện với những khó khăn khác nữa, nguy hiểm gấp bội phần, làm tôi sợ hãi mãi. Một lần, sáng sớm mùa Đông có mưa phùn lành lạnh, mây mù mờ mờ như làn khói mỏng bao trùm hết cả vùng Dạ Lê và Phú Bài từ núi ra tới biển, nhưng vẫn còn thấy đường bay, nên tôi yên tâm cất cánh; phi vụ bay vào vùng núi gần khu vực Birmingham-Bastogne để bốc thương binh. Mới cất cánh từ c/c Dạ Lê lên, tôi đang len lỏi tìm đường vô thì gặp cái tượng Phật bà rất lớn, màu trắng, ở trên đỉnh một ngọn đồi trong vùng xã Nam Hòa. Tôi bay tránh bức tượng, phi cơ bất ngờ lọt vào trong mây. Hoảng hồn không còn xác định được vị trí phương hướng. Phản ứng tự nhiên khi “bubble” bị mây đập vào ầm ầm như bão cát trong sa mạc, làm tôi hốt hoảng kéo “cyclic” chậm lại mà quên để ý đến airspeed! Nếu lỡ quá tay, phi cơ có thể bị “stalled” hay lật ngược rớt xuống thê thảm. Sau khi hoàn hồn, nhìn phi cụ để trả lại “speed” ở khoảng 40 knots cho phi cơ bay chầm chậm, vừa đủ để tàu không bị lật ngược nhưng lại lo sợ không biết lúc nào sẽ đâm vào núi, làm tôi liên tưởng đến cái chết của phi hành đoàn Th/úy Phi và Nhiễu trên đồi Phú Lộc năm trước. Bên trái, bên phải, trước mặt, hướng nào cũng có núi và chỉ thấy mây trắng dầy đặc. Mây mù lại thêm có mưa phùn nên lan rộng khắp nơi, không còn vùng nào khả dĩ có thể tìm đường bay ra hay chui xuống được. Từ vùng núi ra tới vùng biển cả bầu trời một màu trắng như khói mù mờ. Sở dĩ tôi không gọi “Mayday call” vì biết vô ích, không ai có thể cứu được mình, chỉ còn cách tự chống đỡ và cầu nguyện cho có thêm can đảm hơn. Th/úy Phước, một copil mới về ngồi bên cạnh, xanh mặt, chỉ còn biết ú ớ ngồi chịu trận, không giúp được gì cho tôi. Sau cùng, tôi lanh trí nghĩ cách nghiêng cánh qua một bên cho cơ phi xạ thủ ngó xuống dưới xem có thấy vật gì không. Vừa nghe cpxt báo cáo thấy cái gì xanh mù mờ ngoằn ngoèo ở bên dưới. Tôi không chần chờ, cắm mũi đâm xuống liền. Gặp ngay con suối ở bên dưới, mò đường bay ra. Nếu chậm trễ vài phút bay nữa, có lẽ phi cơ và phi hành đoàn đã đâm vào núi vỡ thành từng mảnh vụn như những cục đá dưới lòng suối. Vừa mừng vừa run sợ nghĩ tới tai nạn khủng khiếp vừa thoát được. Những cơn ác mộng kinh hoàng cứ theo tôi suốt cả tháng, sợ hơn cả bị phòng không bắn hụt. Một tháng tôi chỉ biết yên lặng ôm nỗi sợ riêng ở trong lòng không dám kể lại cho ai nghe sẽ càng làm sợ thêm. Tôi tin rằng có một phép lạ nhiệm màu nào đó của lời cầu nguyện đã cứu sống tôi như những lần hiểm nguy khác. 

No photo description available.

Thỉnh thoảng nghĩ lại chuyện năm xưa, tôi còn cảm thấy có chút ân hận như đã gây ra cái chết oan nghiệt cho hai người lính xấu số của sư đoàn IBB trong phi vụ định mệnh của Phan Công Soạn bay vào Bastogne. Hôm ấy tôi bắt thêm hai người lính bộ binh phải theo lên phi cơ của Soạn để đẩy đồ tiếp tế xuống cho mau, lo sợ phi cơ sẽ bị pháo kích trên bãi đáp nhiều hơn là bị bắn rớt dọc đường, vừa để cơ phi xạ thủ được rảnh tay với hai khẩu đại liên ở đằng sau. Vì thế ngoài phi hành đoàn còn có thêm hai người lính bộ binh Sư Đoàn I phải hy sinh oan uổng làm tôi ân hận mãi…!

Buổi trưa hôm ấy về câu lạc bộ ăn cơm, Soạn nhăn nhó than với tôi về phi vụ buổi sáng:

” Có lẽ tao chết mất , tụi nó bắn dữ quá!”.

……….