LITTLE SAIGON: KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM 74 TỬ SĨ HOÀNGSA (Nguyễn Việt Linh/ Người Việt Online)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê (thứ ba từ phải), Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ (giữa); ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Cửu Long (thứ hai từ phải); và ông Trương Văn Song (thứ hai từ trái), chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm, cắt băng khánh thành. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Tưởng Niệm 46 năm Ngày Hoàng Sa

WESTMINSTER, California (NV) – Lễ Tưởng Niệm 46 năm Ngày Hoàng Sa và Khánh Thành Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa diễn ra trọng thể vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, 2020, do Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long và Thành Phố Westminster tổ chức tại khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.

Sau phần nghi lễ, ban tổ chức chào mừng quan khách và đồng hương tham dự và cho biết buổi lễ gồm hai phần. Phần đầu là lễ tưởng niệm Ngày Hoàng Sa năm thứ 46 và phần hai là lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa mà mọi người trông đợi.

Tưởng niệm 46 năm Ngày Hoàng Sa

“Bốn mươi sáu năm trước đây, những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thuộc bốn chiến hạm HQ4, HQ5, HQ10 và HQ 16, và Liên Đoàn Người Nhái đã noi gương anh dũng của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo, quyết một phen sống chết với kẻ thù phương Bắc khi chúng xâm lăng Quần Đảo Hoàng Sa. Trận hải chiến đẫm máu đã xảy ra giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng,” ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, mở đầu phần phát biểu.

Theo ông, trận chiến nay đã đi vào lịch sử, nhưng nỗi uất hận bị quân thù cướp đất, cướp biển do tổ tiên để lại, sẽ mãi mãi là một vết thương không thể lành của cả dân tộc Việt Nam.

Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa sau khi kéo màn, ra mắt lần đầu tiên tại Westminster, California. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Hôm nay, chúng ta cùng có mặt tại đây để tưởng nhớ sâu xa và ghi ơn 74 Tử Sĩ Anh Hùng mà thân xác và con tàu của họ đã nằm sâu trong lòng biển Hoàng Sa, và cũng là cột mốc chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa,” ông nói.

“Trong niềm thương tiếc và tri ân đó, Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa đã được Hội Cửu Long với sự hỗ trợ của Hội Đồng Thành Phố Westminster xây dựng, sẽ được khánh thành hôm nay,” ông nói thêm.

Ông khẳng định: “Vì danh dự và trách nhiệm đối với tổ tiên và những người đã chết để bảo vệ quê hương, bổn phận của chúng ta, những người còn sống là phải biết hun đúc, nuôi dưỡng và duy trì ngọn lửa đấu tranh cho mình và cho các thế hệ tương lai. Dù thịt nát xương tan, với lời thề Sát Thát, chúng ta nhất quyết giành lại Hoàng Sa đã bị kẻ thù Trung Cộng xâm chiếm.”

Nói riêng với anh linh của 74 chiến sĩ hải quân, ông xót xa bày tỏ: “Các anh đã vĩnh viễn ra đi vì nợ nước, vì lý tưởng Tự Do. Nhân ngày giỗ thứ 46 hôm nay, xin các anh nhận nơi đây nén hương lòng tưởng nhớ sâu xa nhất của tất cả chúng tôi. Các anh sống mãi trong tâm tưởng mọi người, trong lòng Dân Tộc và Đại Dương Việt Nam yêu quý.”

Ban tổ chức và người tham dự muốn chụp chung tấm hình lịch sử, kỷ niệm ngày khánh thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Nguyện cầu Hồn Thiêng Sông Núi, với uy linh dũng liệt của 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, hộ trì cho con dân Việt Nam biết thương yêu nhau, cùng một lòng đoàn kết để cương quyết đấu tranh, lấy lại quyền làm chủ đất nước từ tay bạo quyền CSVN,” ông nói.

Sau đó ông đọc tiểu sử và giới thiệu Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, vị sĩ quan chủ tọa, năm nay 87 tuổi hiện sống ở Irvine.

Ông Lăng cho biết: “Trước năm 1975, Đại Tá Khuê đã từng giữ các chức vụ quan trọng của Hải Quân VNCH, như Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 và Vùng 5 Duyên Hải; Tư Lệnh Lực Lượng Duyên Phòng; Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân – Hành Quân Biển. Trong chức vụ này, ông trách nhiệm soạn thảo kế hoạch Hành Quân Trần Hưng Đạo 47 để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Chức vụ cuối cùng của ông là Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân VNCH. Ông từng là phụ tá cho Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân trong cuộc di tản lịch sử đêm 29 rạng 30 Tháng Tư, 1975.”

Qua phần diễn văn, Đại Tá Khuê nhấn mạnh: “Sự hiện diện đông đảo của quý vị nói lên sự quan tâm và lòng tôn kính tử sĩ anh hùng. Họ là ngọn đuốc sáng soi đường và gợi cảm hứng cho thế hệ hậu duệ VNCH trong tương lai. Chúng ta hy vọng tinh thần yêu nước sẽ được thấm nhuần trong lòng người dân Việt, trong tư tưởng các bạn trẻ. Chúng ta tuy đã không thành công trong việc bảo vệ lãnh hải, nhưng đã nói lên được tinh thần bất khuất và dũng cảm, dù phải liều chết.”

Toán Quốc Quân Kỳ. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

“Trong lịch sử thế giới, tính đến nay, trận hải chiến Hoàng Sa của Hải Quân VNCH là trận chiến duy nhất chống quân xâm lăng Trung Cộng. Chưa có hải quân nước nào dám tấn công Hải Quân Trung Cộng ngoài Hải Quân VNCH!”

Ông nói trong niềm thông cảm với những mất mát lớn lao của gia đình các tử sĩ đã anh dũng hy sinh. Ông cám ơn Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ và Hội Đồng Thành Phố Westminster đã thông qua dự án xây dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa sẽ khánh thành hôm nay.

Kế đến, vị chủ tọa cùng các dân cử hiện diện và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, đặt vòng hoa trong tiếng kèn truy điệu tử sĩ. Xung quanh là hình ảnh các chiến hạm tham chiến trân hải chiến 19 Tháng Giêng, 1974 của Hải Quân Việt Nam.

Lễ Khánh Thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa

Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, nằm bên phía trái của khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, sâu vào phía trong, không xa bia tưởng niệm năm vị tướng lãnh VNCH tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư 75.

Hai chiến sĩ hải quân giăng sẵn băng chắn ngang lối vào đài tưởng niệm. Ban tổ chức mời Hải Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, Thị trưởng Tạ Đức Trí, Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ; ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Cửu Long; và ông Trương Văn Song, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm cắt băng khánh thành, trước khi hai quân nhân Quân Cảnh kéo dây mở tấm màn xanh đợi giây phút ra mắt lần đầu.

Sau khi linh vị của 74 tử sĩ được đặt vào vị trí, bên trái của đài tưởng niệm. Một số mặc quân phục hải quân và đại diện đặt bình hoa.

Ông Trương Văn Song phát biểu: “Một lần nữa, chúng tôi cám ơn ý kiến xây dựng tượng đài và ủy thác cho Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long thực hiện, của Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ và toàn thể hội đồng thành phố thông qua. Vượt qua bao khó khăn và lắng nghe mọi phía để thực hiện việc tri ân 74 tử sĩ Hoàng Sa. Đến nay thì sự thành tâm đã chiến thắng để các anh linh tử sĩ có một nơi an nghỉ, để mọi người và nhất là hậu duệ được kính cẩn tri ân hành động hy sinh vì nước, chống ngoại xâm.”

Thị Trưởng Tạ Đức Trí và vị phó thị trưởng cũng đồng tình rằng đài tưởng niệm là cần thiết và người Việt tị nạn có bổn phận thực hiện và gìn giữ để nêu cao chính nghĩa, chống ngoại xâm cho thế hệ mai sau.

Cựu HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê (trái), phát biểu. Bên cạnh là ông Phạm Lăng, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Lễ truy điệu, dâng hương và xướng danh 74 tử sĩ tiếp theo sau phần nghi thức với văn tế cổ truyền và chiêng trống trang trọng của Hội Đền Hùng Hải Ngoại.

Ông Nguyễn Phước Ái Đỉnh, cựu sĩ quan xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, chỉ huy phần lễ nghi quân cách, cho biết: “Là một quân nhân, trước những hy sinh cao cả của các chiến sĩ Hải Quân VNCH, trong đó có một niên trưởng của tôi, tôi luôn tưởng nhớ và trân trọng.”

Ông cũng cho biết ông là tác giả bài văn tế do ông viết trong một thời gian dài, để diễn tả trận hải chiến, cũng như chủ quyền Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Đây là một chiến tích chống giặc Tàu, để lại cho đời sau.”

Kiến Trúc Sư Nguyễn Cửu Lâm, người trách nhiệm thiết kế, bày tỏ: “Tôi vui mừng khi công trình hoàn tất. Có những tranh cãi tưởng như phải đình lại nhiều lần. May thay, chính nghĩa đã thắng.”

Cựu hạm trưởng HQ 11, Thiếu Tá Phạm Đình San cho biết: “Khi có những tranh cãi, tôi đồng ý với ý kiến của bốn vị đại tá niên trưởng Khóa 4. Những gì thành tựu hôm nay nói lên tất cả.”

Bà Lê Kim Chiêu, một phụ nữ tham dự, bất ngờ nói với nhật báo Người Việt: “Chồng tôi là cố Đại Úy Hàng Hải Thương Thuyền, Huỳnh Duy Thạch, hy sinh trong trận Hoàng Sa. Năm 74, cháu Huỳnh Duy Thuận, con trai chúng tôi khi ấy tôi mang thai mới hai tháng.”

“Hôm nay tôi rất xúc động và vinh dự có mặt. Đây là lần thứ ba tôi đến Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Từ nay tôi có chỗ để thắp nhang tưởng nhớ anh ấy,” bà xúc động nói giọng run run.

Vòng hoa của Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân và vòng hoa “Tổ Quốc Tri Ân” của ban tổ chức. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)

Một cặp vợ chồng cư dân Anaheim, ông Kiệt Hứa, 55 tuổi, cho biết: “Tôi thật sự cảm động, vì hải ngoại cần có đài tưởng niệm để các người trẻ sau này biết đến những hy sinh cho đất nước của thế hệ cha ông.”

Cô Nancy Nguyễn cho biết rằng cô đọc được tên người anh là Bùi Quốc Danh trên danh sách tử sĩ khắc trên bia tưởng niệm mới.

“Tôi cảm động và muốn là một phần của lịch sử. Thật sự là đau lòng. Còn là người Việt, phải biết điều đó, dù tôi đã ở đây 30 năm rồi,” cô nói.

Hai vợ chồng trẻ khác dến với ba đứa con nhỏ cho biết anh tên là Nguyễn Vũ, 39 tuổi, ở Tustin.

“Bác tôi là Nguyễn Tấn Sĩ, có tên trên bia đó. Tôi rất xúc động. Mà ở Mỹ thì có người nhớ, còn ở Việt Nam, có ai nhớ không?”

Ông Hanh Trịnh, 88 tuổi ở Santa Ana và ông Nguyễn Minh Quân, 81 tuổi ở Garden Grove đồng tình rằng hai ông rất xúc động trước sự kiện các quân nhân Hải Quân VNCH nói lên được cho những anh hùng dân tộc.

Cựu Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, hạm trưởng khu trục hạm HQ 4, tuy 81 tuổi, cũng đến tham dự. Tuy nhiên, ông chỉ ngồi trong xe đậu bên ngoài.

Sau buổi lễ, ông gặp lại được hai sĩ quan dưới quyền ông khi xưa. Họ quây quần bên chiếc xe của ông và hàn huyên.

“Tôi tham dự trận đánh này và rất hãnh diện về HQ 4 và các anh em thủy thủ đoàn trên tàu. Gần đây tôi có liên lạc được khoảng 40 anh em HQ 4. Họ tập họp tại Nha Trang và giữ liên lạc từ Quảng Trị đến Cà Mau,” ông vui cười, nói.

Cùng ngày, lúc 6 giờ chiều, ban tổ chức và các chiến hữu và thành viên Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long tổ chức tiệc mừng ngày khánh thành Khánh Thành Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa tại nhà hàng Paracel Seafood ở Westminster.

 (Nguyễn Việt Linh)