7 tuổi mình theo mẹ về quê ngoại. Bà ngoại sống một mình ở quê. Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 cây nhưng đã là quê thật sự.
Quê có ruộng, ao, rặng tre và một con sông đầy ắp nước xanh trong, nước chảy cuồn cuộn. Có lối đi xuống bằng gạch đỏ xây nghiêng. Mọi người hay tắm giặt ở đấy.
Nhà bà ngoại ở cuối làng, đến đầu đoạn rẽ mình và mẹ gặp bà ở ruộng rau muống. Bà đang hái rau, bây giờ mình vẫn nhớ như in dáng bà gầy còng còng lúi húi dưới ruộng , rồi ngẩng đâu lên gọi
– Mẹ con nhà mày về đấy à.?
Ở quê chơi mấy ngày hè, ở quê nhiều cây nên có nhiều bóng mát. Nhất là rặng tre góc nhà toả bóng kín cả sân. Nhà gỗ mái gianh, nền đất nện rất mát. Buổi chiều ăn cơm ngoài hiên cũng bằng đất nện khô nứt toác.
Con chó nhà bà lại gần mâm cơm, cái con chó đen gầy nhẳng. Mình với cái chổi sể đập cho một nhát. Nó bị bất ngờ ẳng một tiếng vùng ra, rõ là ăn vạ, nó chả đau tí nào. Bà bảo.
– Đừng đánh nó phải tội.
Mình ngơ ngác , không hiểu phải tội là gì. Lúc đó cũng chẳng hỏi bà, chỉ biết như thế là không nên làm. Đấy là lần đầu tiên mình nghe câu ấy hoặc chú ý đến câu ấy.
Lớn một tí, lúc tầm 10 tuổi phải nấu cơm cho cả nhà. Mẹ dạy cách nấu cơm, mẹ bảo.
– Người ta vất vả lắm mới làm được hạt gạo, mình có để ăn là may, nếu không nấu ngon mà khê hay nhão không ăn được, phải tội lắm con ạ. Của trời cho để nuôi con người.
Chị Hà ở cùng ngõ bán cháo lòng, một hôm mình thấy anh chồng chị làm lòng thế nào như không sạch. Anh ấy vội đi đánh chắn. Chị Hà mắng.
– Chỉ ham rúc vào hội thôi, làm thế người ta ăn đau bụng phải tội chết.
Cái câu “phải tội” cứ như luôn ở miệng người lớn, làm cái gì cũng phải tội chết, phải tội chết.
Một hôm mình hỏi bố:
– Bố ơi ! sao trẻ con làm gì sai, người lớn cứ nói phải tội chết, phải tội là gì hả bố. Như ông Lư bán bánh mỳ sốt vang, người ta bảo ông cho phẩm đỏ vào à. Ông bảo ông chỉ cho gấc thôi, cho phẩm đỏ phải tội chết.
Bố bảo:
– Mình làm gì ác cho người khác là phải tội con ạ, cho phẩm đỏ là hoá học. Người ta ăn vào bị đau bụng, ốm. Thế là mình phải tội. Nếu phải tội như thế, sẽ bị trừng phạt. Con người lúc nào cũng có hai vị thần ngự ở hai vai, mình làm gì ác họ đều thấy hết.
Năm tháng qua đi, lớn rồi làm đủ nghề, vì ham tiền có lúc làm nghề chả ra gì. Đôi lúc nghe văng vẳng câu – phải tội đấy. Thế là bỏ nghề. Làm thợ cửa hoa, cửa sắt cùng mấy anh em. Có ai định làm ẩu không sơn chống gỉ, chỉ định phun luôn lớp sơn màu lên. Cũng phải ngăn lại, bắt phải sơn chống gỉ rồi hôm sau khô mới sơn màu. Mất thêm cả ngày công, nhưng nói anh em mình làm thế phải tội. Vài hôm sắt gỉ, người ta oán mình.
Thế mới biết cái câu – phải tội đấy – ám ảnh. Mà tội phạm kiểu ấy chẳng có pháp luật nào xử, chẳng pháp luật nào biết mà vẫn sợ.
Bây giờ dường như người lớn chẳng nói với trẻ con câu ấy, nhiều lần mình để ý chỉ thấy quát mắng trẻ con nghịch. Hoặc đứa trẻ đánh con chó, con mèo cùng lắm ngăn nó lại. Không ai nói câu – phải tội đấy. Chắc tại câu ấy quê mùa, lạc hậu và lẩm cẩm, dở hơi.
Nhưng mà từ khi không có câu dở hơi, lẩm cẩm quê mùa ấy, mọi thứ có vẻ khác. Rau ngấm thuốc sâu, thuốc kích thích, thịt lợn ăn chất tạo nạc, cá trắng cho ăn hoá chất thành cá đỏ, con moi (ruốc) nhuộm thành màu khác. Đủ các thứ hoá chất người ta cho vào thức ăn để bán cho nhau. Mỗi năm có đến 200 ngàn người ung thư, 75 ngàn người chết vì ung thư.
Mình đi chùa, chỉ thấy nhà sư ở chùa to nói về cúng dàng, cúng càng nhiều càng được lộc. Rồi giải hạn, rồi cầu tài lộc. Rồi thuyết giảng những điều cao siêu huyễn hoặc đâu đâu cho đám con buôn, cờ bạc, cầm đồ nghe. Chẳng thấy nhà sư nào thuyết giảng về việc làm ăn gian dối, pha chất nọ kia để trục lợi sẽ bị phải tội đày chín tầng địa ngục, vào vạc dầu, con cháu bị vạ lây.
Chẳng hạn lúc này, gặp ai đang pha hoá chất tẩy rửa thực phẩm ôi thiu để chúng hết mùi rồi bán cho khách. Mình có nói làm thế phải tội, chắc họ cười cho là mình dở hơi. Có thể họ bảo mày điên à, tao làm thế này là đóng ” luật ” các cửa rồi. Sao mà bị tội được.
Thế đấy, giờ không còn quỷ thần hai vai chứng giám tội lỗi để ghi lại rồi trừng phạt. Giờ chỉ có các cấp chính quyền, họ là những con người cụ thể. Nhưng quyền của họ còn hơn thần thánh, họ bắt là được, tha là xong. Đôi khi họ bận nhiều việc, nên không thể biết hết những ai làm gian dối, hại người. Mà chính quyền cũng gian dối kiểu chính quyền bảo sao người dân không gian dối kiểu của họ.
Cả một xã hội dối gian điên đảo, lừa nhau đủ mọi thứ, pha cho nhau đủ mọi thứ để tống vào miệng nhau. Mày cho tao ăn rau độc tao cho mày ăn thịt độc , thằng kia bán rượu pha thuốc sâu, thằng này bán trà cũng phân bón tăng độ đậm.
Không có thần thánh, không có pháp luật, không có tình thương. Ai làm gì gian dối cũng được miễn là lo lót cho quan chức và không để người tiêu dùng thấy là ổn.
Bỗng dưng thèm nghe ai nói – làm thế phải tội chết.
Thèm đến ứa nuớc mắt, ngẫm ra nhỡ khi mình dở hơi và lẩm cầm thật rồi.
(Người Buôn Gió)