JOSHUA WONG & GLACIER KWONG : “HÃY SÁT CÁNH CÙNG HONG KONG” (Dịch giả An Tiêm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

26.05.2020

Lời dịch giả: Đây là bài viết của Joshua Wong và Glacier Kwong đăng trên trang Global Opinions của báo Washington Post ngày 24-5-2020. Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) là tổng thư ký của tổ chức Demosisto; Glacier Kwong (Quảng Tụng Tình) là nhà đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt trên không gian mạng tại Hong Kong (Dịch giả An Tiêm) 

*****************

Cây đinh cuối cùng Bắc Kinh đã đóng lên chiếc quan tài của một Hong Kong tự chủ. Lời hứa — “một quốc gia, hai hệ thống” — đã cáo chung.

Tuần vừa rồi Quốc Hội Trung cộng (NPC) đã soạn một nghị quyết mà họ cho là để “thiết lập và cải tiến hệ thống pháp lý và cơ cấu thi hành pháp luật” nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia” tại Hong Kong. Một khi được thông qua, nghị quyết này sẽ cho phép Uỷ ban Thường vụ của NPC qua mặt quy trình lập pháp tại địa phương và áp đặt cái gọi là Luật An ninh Quốc gia lên Hong Kong. Trên giấy tờ, mục tiêu của đạo luật này là nhằm ngăn cấm các hành động ly khai, khủng bố, lật đổ chánh quyền trung ương hay sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ Hong Kong. Nhưng trên thực tế nó là một cú đấm chí tử vào sự tự chủ và tự do dân sự vốn đã mỏng manh của Hong Kong.

 

Nhớ lại hồi năm 2003, nghị viện Hong Kong đã cố gắng thông qua một đạo luật tương tự nhưng cuối cùng phải rút lại vì sự chống đối rầm rộ của xã hội dân sự. Bản chất phi-dân-chủ của chính quyền chính là nhược điểm và tử huyệt của họ. Rồi hơn 15 năm sau, sự chính danh của chính quyền địa phương cũng như của trung ương lại phải đối mặt một thách thức lớn khác — phong trào chống lại luật dẫn độ năm 2019. Nhưng giờ đây Bắc Kinh đang lợi dụng cơn đại dịch toàn cầu để khởi động hàng loạt các cuộc tấn công vào nền tự chủ của Hong Kong trong lúc cộng đồng thế giới bận tay đối phó với Covid-19.

 Trước tiên, họ muốn biến Văn Phòng Liên Lạc Trung Hoa ở Hong Kong thành một cơ quan nhà nước được phép giám sát chính quyền thành phố. Giờ đây NPC ra tay đánh thẳng vào quy chế “một quốc gia, hai hệ thống” bằng cách đi vòng sau lưng Hội Đồng Lập Pháp của Hong Kong: Họ làm luật bằng cách ghi thẳng “An ninh Quốc gia” vào Phụ chương III của Bộ Luật Căn Bản, tức Hiến pháp của Hong Kong. Phong trào phản kháng năm 2019 được duy trì bởi ba yếu tố chính: xuống đường; bầu cử cấp địa phương; sự ủng hộ của thế giới tự do. Bằng những công cụ pháp lý nhân danh an ninh quốc gia này, Bắc Kinh sẽ có trong tay đầy đủ quyền phép để một mặt trừng phạt người biểu tình và các ứng cử viên đối lập, mặt khác cô lập Hong Kong và cắt đứt mọi sự ủng hộ từ nước ngoài.

Bắc Kinh đang tăng cường chiến dịch tuyên truyền tại Hong Kong, miêu tả mọi cuộc biểu tình gần đây – dù bất bạo động là khủng bố. Theo đó, dựa trên luật An ninh Quốc gia trong tương lai người xuống đường có thể bị trừng phạt nặng hơn. Tệ hơn nữa, đạo luật này nhắm thẳng vào các “thế lực ngoại bang” muốn can thiệp vào “chuyện nội bộ của Hong Kong”. Không những các nhà đấu tranh hay nhà lập pháp nào có liên hệ với những tổ chức quốc tế sẽ bị cấm không cho tranh cử – thậm chí có thể bị bỏ tù, mà ngay cả những tổ chức phi quốc gia (NGO) và nhân viên hoặc tài sản của họ cũng có thể bị đem ra toà.

 

 

Nói cho cùng, nếu không có một quy chế lập pháp dân chủ thực sự thì những cụm từ mơ hồ như “ly khai” hay “lật đổ chính quyền” rất dễ biến thành công cụ đàn áp để tước đoạt những quyền tự do căn bản của con người như quyền biểu đạt, quyền tụ tập hay tự do tín ngưỡng. Thật không quá đáng để nghĩ rằng trong tương lai mọi chỉ trích chính quyền trung ương hay Hong Kong – hoặc đơn thuần chỉ xuống đường ủng hộ cho phong trào nào đó – sẽ được coi như âm mưu chống nhà nước và có cơ bị luật pháp trừng trị. Hệ quả của nó sẽ ngày càng sâu rộng: bắt đầu bằng sự tự kiểm duyệt khắp thành phố, rồi dần lan ra đến nước ngoài.

 

Nền nếp tự do của thành phố này – từ vai trò một trung tâm tài chánh quốc tế cho tới một đời sống dân sự sinh động – là điều mà cộng đồng thế giới xưa nay luôn đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, lời hứa cho “một quốc gia, hai hệ thống”, “mức tự chủ cao” và quyền đi bầu cho tất cả mọi công dân đã được khắc ghi vào Bộ Luật Căn Bản và hậu thuẫn bởi Bản Tuyên Bố Chung Anh-Trung đã được luật pháp quốc tế công nhận. Việc Bắc Kinh tự động cài luật An ninh Quốc gia vào đấy không chỉ là vấn đề nội bộ của Hong Kong nữa: Dụng ý của nó là để triệt tiêu ý chí và khoá chặt tiếng nói của cộng đồng quốc tế.

Hong Kong xưa nay luôn là chỗ an trú cho các nhà bất đồng chính kiến, các đầu óc cấp tiến, những người không sống theo kiểu rập khuôn mẫu ; chúng tôi sẵn sàng nói lên sự thật trước một Trung Cộng ngày càng thao túng hem quyền lực. Giữa cơn đại dịch, Bắc Kinh đã lộ nguyên hình một nhà nước đểu cáng. Và trong năm qua chúng tôi là những người luôn đứng ở tuyến đầu, kháng cự mãnh liệt sự xâm phạm tiếm quyền của chế độ độc tài này.

Chúng tôi thành thật mong rằng cộng đồng quốc tế sẽ không vì những lợi ích kinh tế Trung cộng đang mồi chài mà hy sinh sự tôn trọng nhân quyền. Chúng ta không nên giải quyết cơn suy thoái kinh tế gây nên bởi đại dịch bằng cách khúm núm trước sự bành trướng của độc tài chuyên chế. Việc giao thương phải diễn ra một cách công bằng; các nước phải đối xử bình đẳng với nhau thay vì doạ nạt hay uy hiếp. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy sớm áp dụng đạo luật Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hong Kong, áp đặt các quy chế cấm vận lên Trung Cộng, và đưa những điều kiện nhân quyền đối với Hong Kong vào các hiệp ước giao dịch mà Hoa Kỳ sắp sửa ký với Trung Cộng.

Một lần nữa, chúng tôi mong các bạn hãy sát cánh cùng Hồng Kông !

I❤️Hongkong !

#STANDWITHHONGKONG !