HOÀN CẢNH RA ĐỜI NHẠC PHẨM NGƯỜI NGOÀI PHỐ CỦA ANH VIỆT THU

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 1 person, eyeglasses and closeup

Nhạc sĩ ANH VIỆT THU (1939-1975)

Image may contain: one or more people

Nhạc sĩ  Anh Việt Thu qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1975 (nhằm ngày 3 tháng 2 năm Ất Mão) tại Y viện Quảng Đông, Sài Gòn do bệnh hoại thận. Ông được đưa về quê án táng tại nơi mà ngày nay thuộc xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.(GSTT)

Anh Việt Thu sinh năm 1939 tại An Hữu, Mỹ Tho. Một nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh. Anh qua đời ngày 15/3/1975 tại Saigon, năm 36 tuổi. Anh Việt Thu là một tài năng hiếm có của làng tân nhạc Việt Nam.

Mười bảy tuổi, Anh Việt Thu đã sáng tác nhạc phẩm “Giòng An Giang” được coi như một nhạc phẩm hay, được phổ biến rộng rãi và chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã được đông đảo khán giả biết đến. Cho đến nay nhiều người vẫn còn thắc mắc: Không hiểu sao nhạc phẩm đầu tay lại mang hình ảnh “Giòng An Giang”.

Tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, đầu quân vào binh chủng Địa Phương Quân (có người nói Thu có bằng tú tài nhưng không muốn theo lớp sĩ quan trừ bị Thủ Đức, đi lính như là một nghĩa vụ quân dịch), Thu bị đưa đi gác cầu Bình Triệu (Thủ Đức). Sau này được chuyển về cục Tâm Lý Chiến (Phòng Văn Nghệ). Tương đối nơi này thích hợp hơn với khả năng sáng tác của anh.

Người trầm lặng, Uống rượu mặt xanh, không bao giờ cười tròn nụ. Anh Việt Thu lúc bấy giờ đã có vợ một con (Vợ Thu là một người thiếu nữ có nhan sắc, mẫu mực, điềm đạm, với sức chịu đựng kỳ diệu trước đời sống thả lỏng của nghệ sĩ).

Thu tài hoa, tướng dong dỏng cao, ăn nói có duyên, những yếu tố này đã giúp anh có một đời sống tình yêu phong phú, trái lại vợ Thu là người phải nhận thua thiệt trong đời sống lứa đôi.

Không quen thân với Thu, ít người biết rằng Thu đã an bề gia thất. Anh sống rất lang bạt kỳ hồ. Mê bè bạn, say đắm nhạc và thích uống rượu. Vợ Thu có chồng nhưng lại tá túc bên nhà cha mẹ ruột. Thu hình như không hài lòng cảnh sống này, tính anh lại ăn xài hoang phí, nên không đủ điều kiện tạo một mái ấm gia đình riêng tư. Đây là một trong những niềm đau đớn đã khiến Thu trở thành người trầm lặng mang mặc cảm, nên sinh ra chút kiêu ngạo.

Cuối năm 1972, sau một cuộc cãi vã với gia đình vợ, Thu mang vợ con đến Hotel ở đường Sương Nguyệt Ánh, Saigon, để vợ con ở đó trong khi túi sạch tiền.
Lúc bấy giờ Thu có ký hợp đồng với hãng dĩa nhựa Việt Nam của cô Sáu. Anh sáng tác nhạc cho nơi này thu thanh. Thường thì Thu đã mượn tiền trước. Người ta gối đầu nhạc, còn Thu thì gối đầu tiền. Vợ con ở Hotel hơn một tháng, còn hai ngày nữa là đến Tết, vợ muốn ra khỏi Hotel trở về quê. Nhưng Thu không làm sao có đủ tiền để “chuộc” vợ con ra (phải đóng đủ một tháng tiền phòng khách sạn mới đưa vợ con Thu ra khỏi Hotel).

Thu mang một số nhạc phẩm cũ của mình đã phát hành trước đó mang đi bán rẻ, nhưng thời gian cận Tết không ai có thể giúp Thu đủ tiền “chuộc” vợ con. Phần lúc đó, Thu đang có một tình nhân xinh đẹp, cô nữ sinh trường Gia Long. Cô này nhà cũng rất nghèo, đang cần về quê ăn Tết với một ít quà của tình nhân. Thu bị thế giọng kềm tình cảm vây hãm. Anh ta đến đặt điều kiện với cô Sáu chủ hãng dĩa Việt Nam: “Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, giao cho cô sáu một bản nhạc xuất sắc, để nhận một số tiền đủ mua quà cho người tình và chuộc vợ con ra”.

Sống cảnh cơm hàng cháo chợ. Thu thường ngồi nghêu ngao ở quán Bạch Tuyết (đường Lê Lợi). Chủ quán này là một thiếu phụ lớn hơn Thu 9 Tuổi. Người này cũng phải lòng Thu nên dễ dãi cho Thu ghi sổ chi li.

Tâm thần bất ổn, hoàn cảnh nan giải bủa vây,Thu vừa ngồi ở quán uống bia, vừa nặn óc moi tâm sáng tác một nhạc khúc, hy vọng sẽ bán được nhiều tiền cho hãng dĩa Việt Nam. Trước mắt anh, anh chỉ là kẻ của phố phường đang mất tất cả, chỉ còn chăng là nước mắt vây quanh. Anh Việt Thu viết:

” Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên sông
Người đi đi ngoài phố, bóng dáng xưa mịt mù
Thành ghế đá chiều công viên
Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa đã hết rồi…

Người đi đi ngoài phố, chiều bỡ ngỡ bơ vơ
Người đi đi ngoài phố, mấy dấu chân lạc loài
Hình bóng cũ người yêu ơi
Còn đâu, còn đâu? Tình duyên đã lỡ rồi!

Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh
Biết lỡ yêu đương, sẽ đau thương suốt cả một đời,
Nhưng mấy khi tình đầu, kết thành duyên mong ước
Mấy khi tình đầu, kết trọn mộng đâu em.

Xin từ giã đường phố trắng mưa ngâu
làm chim bay mỏi cánh
Nước mắt đêm tạ từ
Thành phố cũ người yêu xưa
Còn đâu, còn đâu? Giờ đây xin giã từ.”

Tâm thần bất ổn của Thu đã ảnh hưởng rõ nét vào nhạc phẩm. Đáng lẽ nhạc khúc phải mang hình ảnh của người vợ bất hạnh, người tình bé bỏng, kiếp sống lang bạt của Thu, nhưng vì sợ tinh thần nhạc khúc quá cứng, Thu vẽ vời những ảo tưởng tình yêu, những chia tay nước mắt.v..v… và Thu hy vọng sự ướt át này sẽ khiến cô Sáu mũi lòng, do đó có thể trả tiền hậu hĩ cho Thu.

Bằng chứng của sự bất ổn trên đã khiến cho Thu, khi sáng tác xong bản nhạc, mà hai tiếng đồng hồ sau không đặt nổi cái tựa. Gặp bạn bè vào quán, ai cũng được Thu gạ gẫm đặt tên dùm bản nhạc. Cuối cùng T.H.T, một thi sĩ, mà cũng là anh vợ của Thu đặt tên cho bản nhạc: “Người Ngoài Phố” ý người này muốn trách Thu là “thằng lang bang”. Thu có hứa khi bán bản nhạc xong sẽ tặng T.H.T ba ngàn đồng (thời bấy giờ) để đền ơn cho người đặt tựa.

Nhạc khúc này được hình thành từ sự rối loạn tâm hồn của một người nghệ sĩ. Mạch nhạc đi ào ạt như nước vỡ bờ, màu sắc trong nhạc vừa phân vân vừa tính toán như một cầu vòng bảy màu. Người thưởng thức khi nghe nhạc phẩm bị cuốn tròn vào thế hỗn mang. Cái hay của Anh Việt Thu là trộn lẫn tình đời, tình yêu, tình vợ chồng vào hình ảnh của một mộng ước không bao giờ thành. Cuối cùng, con người phải bỏ cuộc trước bước đi của thời gian: “Xin giã từ”.

Nhạc khúc “Người Ngoài Phố” sau khi hoàn thành, Anh Việt Thu còn có nhiệm vụ đến tập ca cho Hương Lan (nhà ở đường Trần Hưng Đạo) cho đến khi Hương Lan đến phòng thu, lúc đó, cô Sáu mới phát tiền trọn vẹn cho tác giả. Bản nhạc này rất thích hợp với giọng của Hương Lan. Cô bé Hương Lan, buổi đó, không hiểu rõ hoàn cảnh bối rối của Anh Việt Thu và vô tình phát ngôn một câu nghe thật trúng: “Bữa nay sao chú hát nghe đầm đìa nước mắt vậy ?”

45 năm, “Người Ngoài Phố” đã đi về lòng đất. Khi sinh ra đời mọi người đều có một đáp số cuối cùng giống nhau: “Tử biệt”. Đau đớn chăng, là trên đoạn đường đi tìm đáp số gặp cái nghĩa sinh ly “Người Ngoài Phố” đã đi về cuối phố đời quá sớm. Mộng ước đạt thành hay dang dở thuộc về tác phẩm.
( LTD )