GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC BÍCH QUAN TÂM ĐẾN GIÁO DỤC THẾ HỆ TRẺ (Tuyết Mai)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

blank

Giáo sư NGUYỄN NGỌC BÍCH (1937-2016)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vừa đột ngột qua đời trên chuyến bay từ Hoa Thịnh Đốn đi Manila, Phi luật Tân để tham dự một hội nghị cổ xúy cho chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Giáo sư Bích đã vĩnh viễn ra đi ngày 3 Tháng 3, 2016. Sự ra đi đột ngột của GS Bích đã để lại biết bao thương tiếc trong tâm tư đồng hương ở vùng Hoa Thịnh Đốn nói riêng và đồng hương hải hải ngoại nói chung. Ngoài tính tình hòa nhã, khiêm tốn, không háo danh, không khoe khoan, GS Bích là người có kiến thức sâu rộng, có tài năng và chân thật, đầy nhiệt tâm phục vụ cộng đồng và đất nước quê hương VN. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn lao cho cộng đồng HTĐ nói riêng và cho cộng đồng nguời Việt ở hải ngoại nói chung.

Cá nhân tôi có dịp được tiếp xúc với GS Bích rất nhiều lần trong nhiều năm qua. Mặc dầu GS Bích rất bận rộn với nhiều chuơng trình lớn, ông thuờng đi tham dự hay diễn thuyết nhiều nơi như Cali, Canada, hay liên lạc với nhiều viên chức cao cấp ở Bộ Ngoại Giao, các vị dân cử Hoa Kỳ cho nhiều vận động chính trị ở Quốc Hội, ở Bộ Ngoại Giao HK … nhưng dù việc nhỏ, việc lớn gì, GS Bích cũng sẵn lòng, tận tình giúp tôi đến nơi đến chốn.

Trong lúc phần đông phụ huynh ở hải ngoại lo làm ăn sinh sống, chỉ mong con mình có bằng cấp cao, bác sĩ, kỹ sư, có công ăn việc làm vững chắc cho tương lai, và trong lúc nhiều nhà lãnh đạo trong cộng đồng nói đến việc trao đuốc cho thế hệ trẻ, nhưng nhiều nguời thích giữ chức vị lãnh đạo cộng đồng cho họ, vì vậy trong sinh hoạt cộng đồng không có chương trình nào nhằm mục đích giáo dục, huớng dẫn, đào tạo, khích lệ thế hệ trẻ vươn lên với lý tưởng phục vụ vô vụ lợi cho cộng đồng và đất nuớc quê hương VN.

GS Bích đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ có lý tưởng phục vụ cao đẹp. Ông cho biết ở Nhật chỉ có vài trăm nguời học ở hải ngoại về nước phục vụ đất nuớc với ý chí cách mạng, mà nước Nhật tiến nhanh. Còn chúng ta có biết bao nhiêu người có tài, vấn đề là làm sao tạo cho thế hệ trẻ có ý chí muốn dấn thân làm cách mạng. Vì vậy ngoài những sinh hoạt đấu tranh cho Nhân Quyền ở Việt Nam, GS Bích cũng dành nhiều thì giờ tham gia, khích lệ những sinh hoạt của thế hệ trẻ. Ông tổ chức Vietnamese American Youth Leathership Conference (VAYLC).

Cháu Lý Trường Bình, một thanh niên, đã cùng Long Nguyễn và vài bạn trẻ trong nhóm Vietnamese American Youth Leathership Conference (VAYLC) vô cùng đau buồn, thương tiếc khi hay tin GS Nguyễn Ngọc Bích đã đột ngột ra đi. Từ nhiều năm qua, hằng năm GS Nguyễn Ngọc Bích cùng một nhóm trẻ trong VAYLC tổ chức Hội Nghị (Conference). Trong hai ba ngày hội nghị, VAYLC giúp đưa một nhóm khoản 20-30 sinh viên từ khắp nơi về, vào thăm viếng Quốc Hội HK, Bộ Ngoại Giao v à Tòa Bạch Ốc… Được sự yêu cầu, sắp xếp trước của GS Bích, tại những nơi này, những vị Dân biểu, Nghị sĩ hay những viên chức ở Bộ Ngoại giao, ở White House tiếp đón và thuyết trình cho sinh viên Việt biết về những sinh hoạt trong các cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp HK.

Bên cạnh những cuộc thăm viếng những cơ sở Hành Pháp, Lập Pháp, GS Bích cũng tổ chức những buổi học hỏi, gặp gỡ, tạo cơ hội cho nhóm trẻ được tiếp xúc với những Mỹ gốc Việt hay người Á Châu đã thành công ở Hoa Kỳ. Những cuộc gặp gở, trò chuyện đã đem lại cho thế hế trẻ nhiều cảm hứng và tự tin với ước mơ được thành công vẻ vang trong tuơng lai.

Hiện nay các cháu trong nhóm VAYLC lo lắng Bác Bích không còn thì ai sẽ phụ trách việc tổ chức Hội Nghị hằng năm? Làm việc gì, để đạt được kết quả mong muốn, cũng đòi hỏi kiến thức và tâm nguyện hy sinh thì giờ, công sức. Ai có khả năng và có tâm nguyện để thay thế GS Bích lo việc này?

Được hỏi về cảm nghĩ của các cháu trong nhóm VAYLC trước tin GS Bích đã ra đi. Long Nguyễn nói, tinh thần đang giao động, khó có thể trả lời trong lúc này. Cháu Bình Lý thì xúc động nói, trong lúc trong cộng đồng không mấy ai quan tâm đến việc hướng dẫn thế hệ trẻ, Bác Bích rất quan tâm. Tụi cháu phần nhiều là sinh viên, người trẻ, chưa có kinh nghiệm, Bác Bích lúc nào cũng ủng hộ, tin tưởng vào khả năng và khuyến khích tụi cháu. Vì vậy tụi cháu rất cảm ơn Bác Bích và rất khâm phục những thành công của Bác Bích trong nhiều việc lớn. Tụi cháu cảm ơn Bác Bích đã cho tụi cháu cơ hội để học hỏi ngoài đời và nhất là học hỏi ở Bác. Cháu buồn cho cộng đồng mình đã mất một người tài giỏi, đã góp nhiều công lao xây dựng cộng đồng vùng HTĐ.

Bác Bích đã ra đi rồi, tụi cháu, thế hệ sau phải nhớ những gì Bác Bích đã làm, đã dạy mà cố gắng thực hiện những điều Bác Bích ước muốn, ước muốn thế hệ trẻ vươn lên với lý tưởng phục vụ cho cộng đồng và cho đất nước, không phải thành công là chỉ lo cho mình, cho gia đình mình có được đời sống vật chất đầy đủ, yên lành.

Ông Lý văn Phước, Cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Hoa Thịnh Đốn, Maryland &Virginia bày tỏ lòng thuơng tiếc, quý mến sâu xa đến GS Nguyễn Ngọc Bích. Ông Phuớc nói, ở tuổi 79 mà GS Bích còn đi tham gia sinh hoạt chính trị, đi dự Hội Nghị ở Manila rồi mất đi trên đường đi, đây là chuyện hiếm quý. Ít có người ở từng tuổi đó mà còn quan tâm tới việc nuớc hơn sức khỏe của mình. Đây là một điều làm cho GS Bích nổi bật, đáng quý vô cùng.

Ông Phuớc có nhận xét, GS Bích là người rất hiền hòa, cởi mở, có ai đả kích thì ông phản ứng rất nhẹ nhàng. Điều này rất là tốt, vì trong sinh hoạt chính trị, đấu tranh đâu dễ gì mọi người cùng đồng ý với nhau. Đôi khi có những bất đồng, nhưng GS Bích là một trong những người rất hòa nhã, khiêm tốn, ông có học thức sâu rộng, nhưng không khoe khoan, tự cao tự đại. Theo ông, con nguời không ai toàn thiện cả, nhưng nhìn chung thì những sinh hoạt của GS Bích đóng góp cho cộng đồng, cho đất nuớc VN rất là cao quý. Ông Bích ra đi là một thiệt thòi lớn cho cộng đồng. Ông là một trong những đàn anh, đã dẫn dắt, đóng góp rất nhiều cho cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn, từ những ngày người Việt mới tới định cư ở đây.

Về phương diện văn học, Nhà văn Sơn Tùng nhận thấy GS Bích đã đóng góp khá nhiều. Từ việc GS Bích lập ra Hội Văn Hóa Bắc Mỹ từ lâu, rồi lập ra Nghị Hội Tòan Quốc, GS Bích cũng tham gia Tổ chức Văn Bút, đã đóng góp rất nhiều trên phương diện văn học, văn hóa, ở nước Mỹ cũng như hải ngoại. Gần đây nhất có nhóm Book Club, hằng tháng hội có sinh hoạt, GS Bích là người xuất hiện đều đặn, đưa ra những tác phẩm mới, phê bình và có những ý kiến rất là hữu ích. Người nào thích tìm hiểu về văn học từ đó có thể thu thập nhiều hiểu biết mới. Sự ra đi bất ngờ của GS Bích là một mất mát có thể nói là khá lớn đối với sinh hoạt nghệ thuật vùng HTĐ và hải ngoại.

Ông Đặng nguyên Đức, Hội trưởng Hội “Seed of Hope” cũng bày tỏ lòng thương tiếc, ngưỡng mộ và khâm phục GS Nguyễn Ngọc Bích. Ông Đức có nhận xét GS Bích là người có lý tưởng, đã thật lòng đem hết tâm trí ra phục vụ cộng đồng và đất nước Việt Nam. Ngoài việc hy sinh thì giờ , công sức, GS Bích cũng hy sinh rất nhiều tiền bạc vật chất cho những chuyến đi tham dự những sinh hoạt chính trị khắp nơi.

Ông Đức nói, thật là may mắn, bên cạnh những thành phần ham lợi cầu vinh, cộng đồng của chúng ta còn có những người có khả năng, có nhân cách, có lý tưởng, có tinh thần phục vụ cao như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông vô cùng xúc động, thương tiếc khi hay tin GS Bích đã ra đi.

GS Bích là một trong những nhà vận động văn hoá, chính trị, tích cực đấu tranh trong cộng đồng HTĐ cũng như ở hải ngoại. Sự vĩnh viễn ra đi của ông là một mất mát vô cùng lớn lao cho cộng đồng Hoa Thịnh Đốn nói riêng và cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung. Thời gian trôi qua, vạn vật vô thường đổi thay, nhưng danh thơm tiếng tốt của GS Bích sẽ còn mãi mãi với thời gian. Lịch sử cộng đồng HTĐ và Tổ Quốc VN sẽ ghi công ông.

Theo luật Nhân Quả, người gieo nhân lành sẽ được phuớc đức, người gieo nhân ác sẽ mang nghiệp xấu ở kiếp này và kiếp sau. Xét lại, gần suốt cuộc đời, GS Bích đã gieo quá nhiều nhân lành, chắc chắn hương linh của GS Bích sẽ được Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi an lành bên kia thế giới.

Tuyết Mai

Nguồn: VIỆT BÁO Online