GIAI THOẠI VĂN HỌC “CHUYỆN TÌNH HOA TIGON”

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of flower

Tháng 7 năm 1937, tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy ở Hà Nội đăng truyện ngắn “Hoa Tigon” của nhà văn Thanh Châu. Khoảng 2 tháng sau, thì tòa soạn nhận được một phong bì dán kín do một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn mang đến gửi cho chủ bút tờ báo trên, trong ấy chỉ vỏn vẹn có bài thơ “Hai sắc hoa Tigon”, dưới ký tên là TT.Kh… Có thể nói đây là lần duy nhất người thiếu phụ ấy xuất hiện”….
Bài thơ như sau:
Ngày ấy số lượng nhà thơ nữ còn khá khiêm tốn do ảnh hưởng nền nếp gia phong lễ giáo nên chuyện một nhà thơ nữ đăng thơ lên báo là một chuyện khá hiếm…
Hai sắc hoa Tigon
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! – Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường…
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”.
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi…
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Nguồn: Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, 30-10-1937
Sau khi bài thơ được đăng, sự việc trở nên rắc rối là vì một vài nhà thơ đương thời như Nguyễn Bính, Thâm Tâm đã sáng tác các bài thơ hưởng ứng, trong đó thầm thổ lộ rằng mình có biết, thậm chí có “dính líu tình cảm với người này” từ trước. Và kể khi ấy, những lời đồn đại về TT.Kh càng nhiều, và càng có thêm nhiều dị bản.
Các bài thơ của TT.Kh và sự bí ẩn của tác giả đă từng gây xôn xao dư luận một thời. Nhưng điều đó cũng tạo cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ sáng tác những tác phẩm hưởng ứng nối tiếp. Các bài thơ của TT.Kh cũng được vài nhạc sĩ phổ nhạc,
Có tài liệu do nhà thơ Lương Trúc tên thật là Phạm Quang Hòa thuộc lớp nhà thơ thời Tiền chiến, bạn thân của nhà thơ Thâm Tâm cho biết về “lai lịch” của “thi sĩ bí ẩn” TT.Kh tác giả của bài thơ “Hai sắc hoa Tigon” này!
TT.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa Tigon của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa Tigon và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy.
Bài thơ in ra gây xôn xao trong làng văn chương. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài “Hai sắc hoa Tigon”, TT.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là “Bài thơ thứ nhất” và viết tặng riêng Thâm Tâm bài thơ “Đan áo cho chồng”, đăng trên báo Phụ nữ thời đàm năm 1938.
Tuy nhiên theo nhà văn Thanh Châu thì bài thơ “Đan áo cho chồng” không phải do TT.Kh gửi đăng, mà là do “người yêu của TT.Kh” gửi cho báo Phụ nữ thời đàm. Và cũng theo nhà văn này, chỉ có ba thơ in trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy là chắc của TT.Kh.
Lại càng xôn xao, nhiều người cho là nam giới giả danh, nhiều người nhận là người yêu của mình, trong số này có nhà thơ Nguyễn Bính.
Theo nhà thơ nhà thơ Lương Trúc thì Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ thời đàm đăng bài thơ “Đan áo cho chồng” để minh chứng với thiên hạ rằng TT.Kh. chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của TT.Kh.
Và thế là TT.Kh. giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề “Bài thơ cuối cùng” gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy TT.Kh. “tắt lịm” trên thi đàn.
Sau này, Thâm Tâm có viết một bài thơ dài để trả lời TT.Kh. Bài “Các anh”, (tập thơ mới của Thâm Tâm, nhà xuất bản Văn học 1987, có in bài “Các anh” nhưng đây chỉ mới trích một phần).
Nhà thơ Lương Trúc cũng cho biết là TT.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay (thời điểm năm 1989), không biết bây giờ bà còn hay mất, nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên vì nghĩ rằng:
Thời gian đi đã dài, nhà thơ Thâm Tâm đã mất, ông nhà cũng quy tiên. Vả lại, cũng vì công việc của văn học sử, nếu đã tìm ra tác giả của một tác phẩm nổi tiếng thì dù đắn đo đến đâu rồi cũng phải công bố.
Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được một vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ. TT.Kh. viết bốn bài, có bài đã gây được vang hưởng đến tận bây giờ….
Thơ hay đâu cần nhiều! Mới hay trong lĩnh vực nghệ thuật, số lượng chỉ là cái không đáng kể.
Cũng trong phạm vi bài viết này tôi xin đăng lại Ba bài thơ Thâm Tâm gửi … TT.Kh như sau để các bạn tham khảo.
1. Gởi TT. Kh.
Các anh hãy uống thật say,
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im
Giờ hình như quá nửa đêm?
Lòng đau đem lại cái tin cuối mùa
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngoài trời
Tiếng xe đã nghiến đã rời rã đi.
Hồn tôi lờ mờ sương khuya
Bởi chưng tôi viết bài thi trả lời
Vâng, tôi biết có một người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng
Ðể hôm sau khóc trong lòng
Vâng tôi có biết cánh đồng thời gian
Hôm nay rụng hết lá vàng
Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không
Tiếng xe trong vết bụi hồng
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ
Tiếng xe trong xác pháo xưa,
Nàng đi có bốn bài thơ trở về
Tiếng xe mở lối vu qui
Nay là tiếng khóc nàng chia cuộc đời!
Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ.
Từ ngày đàn chia đường tơ
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan
Kéo dài một chiếc áo len
Tơ càng đứt mối, nàng càng nối giây.
Nàng còn gỡ mãi trên tay
Thì tơ duyên mới đã thay hẳn màu.
Góp hai thứ tóc đôi đầu,
Sao còn đan nối những câu tâm tình?
Từng năm từng đứa con non
Mỉm cười vá kín vết thương lại lành.
Khánh ơi còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã vỡ, nay tình lại nguyên
Em về đan mối tơ duyên
Vào tà áo mới, đừng tìm duyên xưa
Bao nhiêu giọt lệ còn thừa,
Hãy dành mà khóc những giờ vị vong
Bao nhiêu giọt lệ còn thừa,
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng, hồn cha
Nhắc làm chi chuyện đôi ta
Cuộc đời anh đã phong ba dập vùi…
Hãy vui lên các anh ơi
Nàng đi, tôi gọi hồn tôi trở về
Tâm hồn lạnh nhạt đêm nghe
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài “hoa máu” đã gieo nốt đời.
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh?
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay.
2.Màu Máu Tigon
Người ta trả lại cánh hoa tàn
Thôi thế duyên tình cũng dở dang !
Màu máu ti-gôn đà biến sắc
Tim người yêu cũ phủ màu tang !
K. hỡi! Người yêu của tôi ơi
Nào ngờ em giết chết một đời !
Dưới mồ đau khổ em ghi nhớ
Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi .
Quên làm sao được thuở ban đầu,
Một cánh ti-gôn dạ khắc sâu !
Một cánh hoa xưa màu hy vọng !
Nay còn dư ảnh trái tim đau .
Anh biết làm sao được hỡi trời !
Dứt tình bao nỡ, nhớ không thôi !
Thôi em hãy giữ cành hoa úa
Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời !
3.Dang Dở
Tặng TT.Kh.
Khi biết lòng anh như đã chết,
Mây thôi hồng, và lá cũng thôi xanh
Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành,
Và vũ trụ thảy một màu đen tối
Anh cố giữ lòng anh không bối rối
Để mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa
Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa,
Một đêm trăng sáng trên đường lá đọ
Em nói những gì ? Anh còn nhớ rõ,
Nhưng làm sao ? Anh hiểu tại làm sao ?
Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào,
Tình đã chết, có mong gì sống lại !
Anh không trách chi em điều ngang trái,
Anh không buồn số kiếp quá mong manh !
Còn gì đâu khi bướm muốn xa cành,
Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chệt
Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,
Anh càng buồn, càng muốn kết thành thợ
Mộng đang xanh, mộng hoá bơ phờ,
Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn
Và thành chúc đời em luôn tươi sáng,
Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xạnh
Như hương trinh bát ngát ý dịu lành,
Hoà nhạc mới triều dâng tơ hạnh phục
Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc,
Lòng bâng khuâng, bối rối trước khúc quạnh
Đi không đành, mà ở cũng không đành,
Muôn chim Việt hãy về thành Nam cụ
Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rội
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi,
Niềm uất hận của một thời lạc lội
Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối,
Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyện
Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên,
Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kịn
Trong khi ấy, thanh niên không bịn rịn,
Giã gia đình, trường học để ra đị
Hoạ xâm lăng đe doạ ở biên thuỳ,
Kèn gọi lính giục lòng trai cứu quộc
Thôi em nhé! Từ đây anh cất bước,
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui
Đừng buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi,
Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
(Thâm Tâm)
Riêng bài thơ “Đan Áo Cho Chồng” được gửi đăng ở báo Phụ nữ thời đàm ký tên TT.Kh nhưng lại do Thâm Tâm gửi nên nhà thơ Thâm Tâm đã “bị TT.Kh giận”!
Chị ơi! Nếu chị đã yêu,
Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương,
Đã xa hẳn quãng đời hương,
Đã đem lòng gởi gió sương mịt mùng.
Biết chăng chị? Mỗi mùa đông,
Đáng thương những kẻ có chồng như em.
Vẫn còn thấy lạnh trong tim,
Đan đi đan lại áo len cho chồng.
Như con chim hót trong lồng,
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ.
Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ,
Than ôi! Gió đã sang bờ ly tan…
Tháng ngày miễn cưỡng em đan,
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.
Như con chim nhốt trong lồng,
Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao!
Ngoài trời mưa gió xôn xao,
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm?
Ai đem lễ giáo giam em?
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời…
Lòng em khổ lắm chị ơi!
Trong bao tủi cực với lời mỉa mai.
Quang cảnh lạ, tháng năm dài,
Đêm đêm nghĩ tới ngày mai giật mình!
Không giống như ba bài thơ còn lại được gửi tới tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy và đều làm bằng thơ bảy chữ, bài thơ “Đan áo cho chồng” này mặc dù cũng ký tên là TT.Kh. nhưng lại được gửi đăng trên một tờ báo khác là Phụ nữ thời đàm (1938) và được viết bằng thể thơ lục bát. Vì vậy việc bài thơ này có đích thực cùng tác giả với ba bài thơ còn lại hay không vẫn còn là một nghi vấn!
Hoài Nguyễn – biên soạn (19/5/2018)