ĐÔI ĐIỀU VỀ VÕ PHIẾN (Đặng Đình Túy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be art of one or more people

Tôi mê Võ Phiến, mê lối viết của ông, lối suy nghĩ sâu xa nhưng được trình bày giản dị, sống động, gần gũi. “Mê” vì nó gần với cảm quan của mình. Vì vậy khi “có lệnh” viết về ông thì tôi hăm hở lắm, tưởng sẽ nói được nhiều điều, nào ngờ ngẫm nghĩ một hồi rồi mới thấy là mình cạn cợt chẳng nắm bắt được gì nơi ông nhiều. Bởi tài năng của Võ Phiến phong phú quá, ông viết truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, lý luận, phê bình, rồi làm cả thơ nữa. Thơ của ông thì không bằng các thể loại khác nhưng thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những cú thần tình (mấy câu thơ của ông mà tôi có chép ở đâu đó giờ tìm chẳng ra viết về người con gái ngữa cổ cười hất mái tóc ra sau với cảm giác rung động thất thần của người nhìn; ai biết nhắc dùm) và nhất là bàng bạc tinh thần Võ Phiến. Tinh thần đó là tinh thần của một người Á đông thuần túy dù có tây học, chỉ cần nhìn một chiếc lá khô mà suy ra cái lý hiện hữu của cả vũ trụ.
Võ Phiến lớn, điều đó có nhiều người đồng ý, ngay cả ở bên kia. Nếu không, tại sao người ta phải “trăn trở” bấy nay chỉ để đánh tráo một cái tên mà giành in cho được một tác phẩm nhỏ của ông vừa rồi? Nếu không thì tại sao phải hằn học lên án ông bằng danh hiệu tên biệt kích văn nghệ, qui kết cho ông bao nhiêu tội trong khi thực tình thì những tác phẩm chống cộng gọi thẳng tên, vạch thẳng mặt có nhan nhản ở miền nam, nhất là trong giai đoạn chấp chánh của tổng thống Ngô đình Diệm, được viết trực tiếp bằng kinh nghiệm sống của những người bỏ hàng ngũ kháng chiến theo chương trình chiêu hồi? Ở giai đoạn đầu, quả thực, những cuốn Chữ Tình, Người Tù là những cuốn sách nặng ân oán với chủ nghĩa, nhưng càng về sau thì Võ Phiến hạnh phúc hơn trong đời sống, tinh thần ông cởi mở hơn, sách của ông hoàn toàn vì văn chương, nghệ thuật, ông đủ hể hả để làm một nhà văn trong xã hội dân chủ, tự do. Cũng nên nói thêm là thời kỳ lúc ông bắt đầu sáng tác – đúng ra là lúc tên tuổi ông vừa được quần chúng biết đến – cũng là lúc các tác phẩm của các nhà văn ngoại quốc lên án chủ nghĩa cộng sản đang nườm nượp ra mắt (dưới hình thức dịch hoặc điểm sách) ở miền nam chúng ta, những Darkness At Noon, những La Vingt-Cinquième Heure, những 1984, Animal Farm… nhằm tố cáo những xã hội phi nhân tính trên khắp mặt địa cầu thì chắc ảnh hưởng ấy cũng phải có chút ít trên Võ Phiến. Tâm tình con người nhà văn thong dong cởi mở sau thời kỳ bị đau đớn dằn vặt buổi đầu khi vừa thoát ách kìm kẹp (Võ Phiến sống trong vùng kiểm soát mãi cho tới khi hiệp định Genève được ký kết) được phản ảnh rõ rệt trong mọi chuyển hướng sáng tác trên từng tác phẩm của ông. Cứ việc soi chiếu tác phẩm ông theo thứ tự thời gian người ta sẽ thấy được trình tự chuyển biến của thái độ nhà văn trước đời sống. Điều này chẳng riêng gì trường hợp Võ Phiến mà hầu như trong đa số công trình của các người làm công tác sáng tạo ở một xã hội không bị kìm kẹp về mặt tư tưởng đều như vậy cả. Ý tưởng này tôi đã nói hơn một lần.
Tôi chẳng phải là người trong giới văn chương đúng nghĩa, tôi ở ngoài, tôi không ký giấy “hôn thú” với văn chương, chỉ thỉnh thoảng thấy ngứa ngáy thì tự tiện xông vào, do đó tôi cũng không đọc Võ Phiến đầy đủ. Trước 1975, lúc còn đi học thì còn siêng theo dõi nhưng đến lúc phải lăn lộn với chiến tranh thì bữa được bữa chăng. Giờ muốn nói về ông, trong tủ sách chỉ vỏn vẹn cuốn Cuối Cùng in năm 2009 bên Mỹ do người bạn có nhã ý gửi tặng.
Cuốn Cuối Cùng gồm bốn bài thơ và mười lăm bài văn xuôi, trong đó có bài Cái Sống Hững Hờ trên trang 181 mà theo ông Phạm Xuân Đài thì đấy là bài viết chót của nhà văn, viết năm 2009 mà sau đó thì không thấy bài nào khác nữa. Tác giả đã đặt tên là Cuối Cùng thì ta phải tin đấy là những sáng tác cuối cùng. Ông biết ông hơn ai, vậy hẳn ông đã liệu rằng ông không còn sức viết nữa nên mới cho là cuối. Dù vậy cuốn cuối cũng không nhằm gửi gắm gì quan trọng hơn những cuốn khác ; ông chỉ viết chơi (chữ của chính ông) thì ta cũng đọc chơi thôi. Như vậy có lợi ở chỗ là ít trách nhiệm. Phải nên bắt chước ông. Văn tài như ông mà ông còn chưa tự coi ra gì huống nữa.
Thường các nhà văn… nghiêm chỉnh coi việc viết văn là việc quan trọng. Họ cho đấy là sứ mệnh. Võ Phiến thì không. Ông đùa. Ông chơi. Đùa trong ý tưởng. Đùa trong lời văn. Cho nên ngay cả những việc bi thảm Võ Phiến vẫn kể với ta bằng giọng bình thường.
Có những người khi viết đã có dụng ý làm đẹp văn chương; mà họ là những nhà văn có tài, những nhà văn lớn đấy như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu ngày trước, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo sau này; nhưng Võ Phiến thì không, ông chọn cách ngược lại, ông nôm na, thô thiển, đùa cợt. Điều đó không ngăn ông đề cập tới những chủ đề lớn, rất lớn. Một đặc điểm khác là ta có cảm tưởng rằng ông có thể bắt đầu câu chuyện bằng bất cứ ý nghĩ nào, có khi chẳng dính dáng gì đến trọng tâm vấn đề thế mà ông lái chúng một hồi thì chúng rớt tỏm vào đích tựa tay chơi bi-da sành sỏi lùa mọi viên bi xuống lỗ tròn dù chúng nằm ở vị thế hiểm hóc nào.
Trong văn giới hiếm có người cùng lúc hoạt động hai mặt khác nhau, vừa sáng tác vừa lý luận với nhịp viết chuyên cần, đều tay như ông. Có lẽ là do nhu cầu. Cũng có thể là hợp sở thích. Dù sao thì hoạt động ấy đã giúp Võ Phiến rất nhiều trong khuynh hướng sáng tác. Vì phải đọc, phải tham khảo các khuynh hướng văn chương nước ngoài, – những nền văn chương luôn luôn hướng về trước, tìm tòi đổi mới, phê phán, phân tích những sở trường sở đoản của nhiều khai phá khác nhau – mà chính ông cũng đã tự làm mới chính mình. Trong vòng hai mươi năm (là chỉ nói về giai đoạn hoạt động hăng say nhất nơi ông) nếu mang Chữ Tình ra so với các tác phẩm sau này, người ta thấy ông đã bước những bước dài, nhanh hơn bất cứ một nhà văn nào khác trong quan niệm xây dựng tác phẩm, trong cách trình bày truyện, trong xây dựng, cấu trúc. Mà Võ Phiến thì vẫn cứ là Võ Phiến đấy! Có điều chỉ trong thời gian ngắn ông rời bỏ áo dài khăn đóng, khoác com-lê rồi từ com-lê cà vạt ông thay bằng quần jean và áo sơ mi bỏ ngoài quần. Con người nghệ sĩ nơi ông đánh bạt con người gốc nông dân hồn nhiên, bảo thủ. Với một bản chất của dân quê, Võ Phiến-nhà-văn gia nhập vào giới cầm bút hiện đại với thái độ ung dung thoải mái ; ông có thể ngồi chung với bất cứ trường phái/club văn chương mới nào mà không cảm thấy bị lẻ loi, lạc hậu. Ông thường nói đến Proust nhưng dấu vết Proust trong ông ở chỗ nào thật khó thấy. Ông bàn về Sigmund Freud, và nếu các tác phẩm của ông thấp thoáng cái lý giải bí nhiệm của thân xác trong nhiều phản ứng của nhân vật mà ông “xẻ thịt” chúng ta cũng chưa dám nhất quyết là ông bị ảnh hưởng của nhà phân tâm học xứ Áo. Tôi nghĩ phải nói như một nhà văn ngày trước: con dê ăn cỏ không chỉ bài tiết cỏ, mà phần lớn cỏ đã biến thành máu nuôi thân; chỉ có phần được hấp thụ và hóa thành chất dinh dưỡng ấy mới là phần đáng kể. Có lẽ cái “tinh” (tôi muốn dùng chữ flair trong pháp/anh ngữ) nơi khả năng ông, là nắm bắt dễ dàng, là “đánh mùi” một cách thần tình cái mới nơi người và dung nhập vào vốn có để làm ra cái riêng mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc nhấn mạnh rằng Võ Phiến không chỉ là nhà văn lớn của văn học miền nam mà của cả nước Việt-Nam. Điều ấy chẳng phải là ngoa ngôn.
Người ta có thể không thích lối “chẻ sợi tóc làm tư” của ông, lối viết lan man nhiều khi mở ra rất xa rất rộng khiến người đọc lạc lối – đấy chỉ là quan điểm cá nhân của họ, hoặc do chỗ chưa quen hay thiếu kiên nhẫn chăng? – nhưng không ai phủ nhận được cái “mới” trong tác phẩm Võ Phiến.
Nói về điểm này tôi nhớ đến bài phân tích của bà Thụy Khuê. Đề cập đến danh tiếng của ông, bà giải thích rằng khi còn ở Việt-Nam ông chưa được biết tới nhiều chỉ đến lúc ra hải ngoại thì uy thế ông mới tăng cao chỉ bởi tác phẩm ông đối với người di tản, “như manh áo rách cuối cùng còn lại trên thân sau cuộc đổi đời, như bữa cơm đầu sau những ngày đói khát trên biển”… Nói vậy e rằng vô tình hạ giá ông kiểu như bảo rằng đói lòng thì cơm nguội cũng ngon. Việc làm của tôi có vẻ như cách đoạn chương trích cú tầm thường nhỏ nhặt làm hại cho toàn thể bài viết rất công phu kéo dài nhiều tháng của một nhà phê bình nghiêm chỉnh như Thụy Khuê nhưng dù sao cũng khó lòng bỏ qua. Tôi cho rằng tầm vóc của một Võ Phiến khó đi vào trong lòng người đọc một sớm một chiều nên công việc chinh phục họ đòi hỏi dài ngày; rồi chúng ta lại vấp phải cái biến cố 4-75 làm ngưng trệ mọi thứ. Khi ra hải ngoại, số lượng người đọc giảm thiểu khủng khiếp nhưng cùng lúc độc giả Võ Phiến lúc này lại gồm khá lớn những người có cầm bút ít nhiều ; không ai có thể phủ nhận trình độ thưởng ngoạn tương đối cao của thành phần này, do đó phải chăng lúc bấy giờ ông mới đạt thêm được những… tri kỷ mới? Tôi mạo muội giải thích uy tín Võ Phiến-hải-ngoại như vậy.
Sự việc mới xảy ra vừa rồi cũng là hình thức xác nhận ảnh hưởng Võ Phiến. Con đường trở lại quê hương của ông sao nhiêu khê thế! Câu hỏi được đặt ra là việc ra mắt cuốn Quê Hương Tôi do sáng kiến bên nhà (công ty Nhã Nam) hay do sự vận động về phía ông. Tuy nhiên dù do phía nào, việc tái bản cuốn sách nhỏ cũng có một điều gì loanh quanh. Càng loanh quanh thì càng phải nhận ra rằng người ta có hơi… cần ông. Nhưng với điều kiện là mập mờ tên tuổi một chút. Tên tuổi ông ghê gớm đến thế ư?