CÓ PHẢI TÌNH YÊU KHÔNG? (Trương Thị Ngọc Yến/NuTrungHocNT/74)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of outdoors and text

Ngày đó..
Lúc đầu, khi gởi một mẫu nhắn tin “Tìm bạn bốn phương” trên báo, tôi cũng không biết chuyện gì sẽ đến. Cũng từ mấy đứa bạn nhất quỷ nhì ma của tôi mà ra cả, tụi nó nói trò chơi này cũng vui và thú vị lắm. Tôi không có anh trai, nên muốn phiêu lưu một chút xem cái tình bạn kiểu này nó ra làm sao, có lấp được những ô trống “chán ngắt” sau giờ học ở trường hay không, khi mà những trò chơi trẻ con không còn hấp dẫn lứa tuổi ô mai chưa chín của chủng tôi nữa.
“Nữ sinh mười sáu tuổi (thật ra thì chưa tới mười sáu, tôi vừa bước qua sinh nhật mười lăm vài tháng thôi), yêu nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, thích vẽ, thơ, văn. Muốn làm quen với các bạn…”. Đó là nội dung gởi báo. Thì cũng như các mẫu rao khác, chừng đó đủ ý lắm rồi. Tôi không muốn nói gì thêm nữa. Nhan sắc ư? Cần gì chứ, có ai tin khi tôi nói mình nhan sắc trung bình, hoặc tùy người đối diện?
Mỗi đứa gởi một tin y chang nhau. Giống như những lời rao rập khuôn ngập tràn mặt báo. Thử thôi mà. Lấy địa chỉ là nhà một đứa bạn. Tên là chữ lót. Đố ai biết đó là tôi. Cái tin tìm bạn nằm một ô thật nhỏ ở góc báo, ai vội lướt qua không để ý sẽ không thấy. Thì ngoài đời cũng thế thôi, tôi không phải cái đứa mà khi con trai đi ngang qua phải ngoái lại nhìn. Tôi cũng không có quần là áo lượt để chưng diện, dạo phố ngày cuối tuần. Tôi là cô bé học trò thuần khiết, ưa nhìn mông lung ra ngoài cửa lớp, ngắm bầu trời xanh qua kẽ lá và thỉnh thoảng có thể quên mất bài vở chỉ vì một tiếng huýt sáo hớp hồn của một gã trai nào đó, trên phim chẳng hạn.
Ấy vậy mà thư đến nhiều khủng khiếp. Tôi không nghĩ nhiều đếnn thế. Thư nào cũng kèm hàng chục con tem. Lời quá. Chẳng phải mất tiền tem. Tôi chong đèn sàng lọc bao nhiêu đêm mới chọn được một số “bạn” phù hợp để trả lời. Và loại ra cũng nhiều không sao đếm xuể. Thứ nhất chữ viết xấu, câu văn lủng cà lủng củng, thứ nhì dóc quá cỡ thợ mộc. Đó là những anh chàng khoe mình đẹp trai, “nhót rất bay bướm…”. thích la cà nơi vũ trường, chơi nhiều hơn học. Thứ ba là… lính, những bức thư lâm li tôi chưa hiểu hết ý nghĩa lắm… “Em sẽ là em gái hậu phương của anh nhé! Những lần về phép, ta sẽ gặp nhau, em là ngọn lửa sưởi ấm linh hồn giá lạnh của anh, giúp anh hồi sinh sau những cuộc hành quân khốc liệt”. Biết rằng nhiệm vụ của người lính là bảo vệ quê hương, chiến đấu vì lý tưởng cao cả. Thỉnh thoảng nhà trường cho bọn tôi viết thư kể chuyện thường ngày cho các anh nghe, tôi cũng nắn nót thật đẹp và viết thật hay để ủy lạo. Nhưng một cánh thư riêng thì tôi không dám. Tôi chưa đủ tuổi để trăn trở nhiều về tình yêu, thân phận con người trong thời chiến. Những cảnh sống vội vàng, yêu đương cuồng nhiệt, chia ly đứt đoạn.. tôi đọc nó trong những truyện về lính của Nguyễn Vũ, khiến tôi ngần ngại, không dám làm một người yêu nhỏ bé của lính. Tôi sợ, sợ gì, không lý giải được, có lẽ thế giới người lớn quá rườm rà và khó hiểu đối với tôi.
Tôi chọn bạn như người ta tuyển lựa ca sĩ trên radio mỗi sáng chủ nhật. Chỉ những bạn tre trẻ, học sinh cùng trang lứa, các anh chị sinh viên… mới được hồi âm. Ngàn chọn trăm, trăm chọn chục, và cũng chỉ quanh quẩn giới hạn trong hai con số ấy thôi.
Không biết có cái khe hở nào để… anh ấy lọt qua một khung cửa hẹp thật là hẹp ấy không. Và cũng chẳng biết từ lúc nào anh nhè nhę vào đời tôi như câu hát ru ngàn đời của biển. Tôi thích đọc những lá thư của anh khi ngồi một mình trên biển. Hay tại anh là lính hải quân? Rõ oan gia. Giữa đất trời lồng lộng, mênh mông gió và sóng phủ tràn bờ, những lời tâm tình thủ thỉ bỗng hóa ngọt ngào và bay bổng hơn những bức thư tình hay nhất thế giới tôi đã từng đọc gấp trăm nghìn lần.
Anh, xuất hiện đầu tiên là một tân sĩ quan vừa bước vào trường học làm lính ở Thủ Đức. Chắc lúc “chọn lọc”, cái tên gọi “Sinh viên sĩ quan hải quân” là lạ và ngồ ngộ nên tôi “vô tình” chọn phải. Qua chừng vài lá thư, chợt giật mình nhận ra dường như tôi đang xoay chuyển về phía anh một tình cảm rất lạ. Anh gần gũi, thân thiện, sắc sảo và bản lĩnh, kể chuyện rất hóm hỉnh và có duyên. Tôi như nghe được cả giọng anh cười nắc nẻ hoặc thở dài khi viết. Tôi hình dung rất rõ dáng anh dang oằn người, cố gò chữ thật ngay ngắn trên trang giấy kẻ trên ba lô, để có lời nhắn gởi cho tôi, để mỗi đêm chui đầu bên ngọn đèn nhỏ trên bàn học, tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại từng ý, từng lời êm đềm ấy.
“Tôi quê Bình Định, con trai lớn trong một gia đình đông em, chọn nghiệp dĩ sẽ là những tháng ngày lênh đênh trên biển. Em, cô học trò nhỏ, tâm hồn chưa chai sạn vì bão tố giữa đời, những ý tưởng ngộ nghĩnh còn trong trắng, tinh khôi như tập vở trong ngăn bàn học, đã cho tôi tìm lại nét hồn nhiên vừa bỏ lại dưới mái trường. Là sinh viên chúng tôi, cầm súng khi lòng không muốn, nhả đạn khi lòng không thù hận, nắng gió thao trường thui chột hết hồn thơ, gặp được em, thấy hình như mình vẫn còn nguyên vẹn tuổi học trò, vẫn đang dạo chơi dưới mái trường áo trắng, tay ôm cặp, hồn lướt nhẹ với thơ tình và hoa phượng vĩ…”
Những trang thư ấy đâu phải dành cho người xa lạ?
“Thà rằng, từ thuở ban đầu không cho nhau lời kết ước, lời hứa hẹn về sau thì thôi, chứ đừng gây cho nhau niềm lưu luyến để rồi buông trôi vì một cơn gió thoảng mùa hạ, đừng gây ra cái cảnh thê lương mà ngàn đời người ta mãi trách hờn nhau…”
Những lời thơ rất hiền, câu văn rất hiền, vào trí nhớ tôi rồi thì nằm lì ở đó chẳng chịu trở ra (đôi lúc cũng sến bắt chảy nước nhưng hình như mình… chột mất một con mắt nên thấy anh viết thư sao tuyệt vời quá!). Thỉnh thoảng anh cũng kể chuyện tếu cho tôi nghe, hỏi tôi còn buồn không, sau mỗi lần tôi than thở dạo này sao học chẳng vô, chữ nghĩa cứ rối mù, rối tinh, chạy đi đâu mất biến, hoặc chúng chơi trò nhào trộn thành một mở bòng bong ở trong lòng tôi.
Chắc lên lớp mười sẽ chọn ban toán, để những công thức toán học khô khan kìm hãm bớt cái tính ưa thả hồn đi rong của tôi. Anh cười khì khi, người chứa một bụng văn chương như em chọn ban C là phù hợp hơn cả.
Khi anh chuyển về học tiếp ở Nha Trang, ngỏ ý có dịp sẽ đến thăm tôi, thì tôi bắt đầu sợ (lại sợ, sao hay sợ thế không biết!) Tôi sợ nếu gặp nhau, cái hào nhoáng trên trang giấy sẽ hiện ra trần trụi dưới tia nắng mặt trời, thô kệch như đôi guốc cũ đã tróc hết sơn, những ngôn từ hoa mỹ hiện nguyên hình là một con bé vụng về, quê kệch, chả biết ăn biết nói, chỉ có tài khua môi múa mép bằng giấy mực, như Mỵ Nương khi gặp Trương Chi, sẽ vỡ nát khối tình đẹp như pha lê kia mất..
Và biết đâu chính tôi, cũng sẽ tiếc những lời đã viết, những tình cảm đã gởi đi. Nên tôi trả lời chắc nịch, không được đâu, địa chỉ ấy là mượn tạm của bạn và ngưng thư. Lòng thì đau như ai cầm dao cứa nát từng miếng, Tôi thơ thẩn, chả thiết làm gi. Bài vở thả trôi, lười nhác, nhìn đâu cũng một màu xám xịt. Nhưng viết thư cho anh thì không thể. Tôi thà chịu gặm nhấm cái gọi là nhớ thương một mình hơn là phải hạ mình viết thư trước cho anh..
Nhưng, thư anh lại đến, vào một ngày rất đẹp nắng.
“…Tôi đã về Nha Trang. Nhưng thực tập trên tàu nhiều hơn. Xa đất liền, xung quanh con tàu kềnh càng hùng dũng này chỉ có nước và nước. Chiều, đứng trên boong tàu, nhìn về hướng thành phố, chỉ có từng đàn chim biển lượn cánh đẹp làm bạn, thành phố có em ở đó mịt mù, bềnh bồng khói sóng. Nhớ em quá. Con én nhỏ của tôi, em đang học bài, hay cũng đang… nhớ tôi? Lần trước nói thế thôi chứ tôi chưa có ý định gặp em, vì tôi cũng nhát lắm. Đến bao giờ có được ba mươi năm công lực, dám ăn nói, tôi sẽ tìm nhé. Xin lỗi em lần trước, đã mạo muội làm em khó xử”.
Thế là tôi và anh nối lại những trang thư. Đó là những ngày vui nhất đời. Vui vì tin rằng có một người vẫn nghĩ đến mình hàng ngày và cùng thở chung bầu không khí ngọt lành trong thành phố. Tuy chưa biết khuôn mặt anh ra sao, nhưng tôi cũng chưa nghĩ là mình có nên gặp hay không. Tôi thích cứ như thế này, vẫn đầy đủ hương vị ngọt ngào và êm ái như lời anh nồng ấm hàng tuần. Nhủ sẽ có một ngày, tà áo dài trắng của tôi sẽ quấn quanh bước chân anh trong bộ quân phục cũng màu trắng của binh chủng anh, trong một buổi chiều êm ả cùng đi dạo trên cát biển, cùng đùa với gió và sóng.
Sau đó, tôi cho anh địa chỉ nhà và tên thật, nhưng cả bọn nhận thư tại bưu điện luôn. Bởi ba tôi kiểm duyệt thư rất gắt gao. Lỡ vào tay ông là bị đọc lên cho cả nhà nghe. Và lũ em tôi được dịp chọc ghẹo, nhái lại cho tôi khóc lên mới thôi. Chú phát thư vui tỉnh lâu ngày thành quen, cứ thấy tên bọn tôi là để sẵn đó, hễ có giờ nghỉ học là cả bọn lội bộ xuống tận bưu điện nhận. Con đường Phan Thanh Giản yên tĩnh và có nhiều ngôi nhà với hàng rào đầy hoa thật đẹp. Bọn tôi gọi chú phát thư là bác bưu điện. Chú ấy hay lắm, thấy bóng áo dài trắng bọn tôi từ xa là chú đã cầm xấp thư đứng ở cổng đợi rồi.
Ngày tháng cứ trôi qua ngọt ngào như thế, tôi ngụp lặn trong thứ tình cảm trong veo ấy, bình yên và hạnh phúc ngập tràn…………..
Một ngày chủ nhật tháng tư, bất ngờ anh đến nhà tôi mà không báo trước. Má tôi tiếp anh ở phòng khách. Tôi đứng trong buồng nhìn ra ô cửa hoa thông gió, chỉ thấy thấp thoáng bóng áo xanh. Anh nói với má “.. Dạ, con ra trường rồi, hôm nay là ngày cuối con còn ở đây, ngày mai lên tàu đi luôn, con đến gặp và chào em ấy…”
Anh còn nói gì nữa với má, nhưng tôi đã quýnh quáng toàn thân, tay chân run đến hóa lạnh. Tôi vừa đi chơi ở nhà bạn về, tóc tai rối bù, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ống quần thì bị sên xe nhai tơi tả, đang nằm thở dốc vì mệt. Sao gặp anh trong bộ dạng này được? Nửa muốn bước ra, nửa lại ngần ngừ, không dám. Tôi chưa chuẩn bị, hoàn toàn không tính trước tình huống này, lòng dạ rối bời, nôn nao. Không gặp, anh đi mất thì sao? Gặp, trong bộ dạng ngờ nghệch, lúng ta lúng túng một cách vô duyên thể này ư?
Đứng lên, ngồi xuống, bước ra, quay vào… tôi quay mòng mòng trong căn buồng hẹp, không quyết được gì. Cuối cùng, tôi để anh đi mất, anh ra cửa còn ngoái lại đôi lần, hy vọng tôi sẽ bước ra chảo. Mà tôi cũng dợm bước ra rồi đó, nhưng đôi chân lại chôn một chỗ. Rồi nằm vật ra và khóc. Khóc như mưa, khóc suốt đêm, khóc thật lâu, khóc thật dài… dài suốt thời còn cấp sách.
Tôi vẫn chờ anh gởi một dòng thư như lần trước.
Nhưng, tất cả chỉ là khoảng không. Anh biền biệt, bặt vô âm tín. Những ngày ấy thật kinh khủng với tôi. Phải yêu không? Mà trùng trùng nhớ. Phải thương không? Mà vời vợi mong. Nhớ, mong trong tuyệt vọng, trong quắt quay khổ sở, không nói được với ai, cứ sợ người ta cười. Cười vì mình thích một người không biết mặt. Mà đó có phải tình yêu không? Phải hay không, sự chịu đựng ấy cũng quá sức cho con bé mười sáu tuổi như tôi. Mộng và thực thật là nghiệt ngã.
Tôi từ đó ngồi đâu cũng vẽ đặc kín trang giấy một con tàu và chiếc neo. Vẽ thể nào cũng không bao giờ ra nổi khuôn mặt anh, một khuôn mặt bồng bềnh như khói sóng. Một khuôn mặt chỉ gặp trong giấc mơ. Và cũng không hiểu sao tôi qua được ba năm học cuối cấp và đậu tú tài một cách oanh liệt nữa. Tôi trở nên yêu biển hơn bao giờ hết, và yêu luôn những con tàu. Những con tàu mang anh xa khỏi cuộc đời tôi. Cái mặt tôi những ngày ấy nhìn chắc… đần độn lắm, nên bạn bè hay hỏi, cải anh chàng “hai quần” ấy bây giờ ra sao rồi? Tôi nói đại, đi đánh trận ở Hoảng Sa rồi…
Đường Phan Thanh Giản nay đã mang tên khác. Mỗi lần đi ngang qua đó, tôi như thấy tôi trở về tuổi mười sáu mộng mơ, đang tung tăng chân sáo trong áo dài trắng đẹp như thiên thần, lòng háo hức đón chờ một cánh thư mang đến ngàn trái tim yêu. Yêu sao là yêu.
Trương Thị Ngọc Yến
—–
Trích GP Áo trắng trường xưa – kỷ niệm 60 năm thành lập trường.