CÓ NHỮNG NGÀY NHƯ THẾ NƠI CHIẾN TRANH ĐI QUA -(Nguyễn Thị Kim Thoa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of person, child and outdoors

Từ 10 tuổi tôi đã nghe cha mẹ, người thân nói về chiến tranh. Tôi nghe cha tôi kể về các cuộc chém giết ở vùng xôi đậu, về những xác chết trôi trên sông Thu Bồn. Tôi nghe anh tôi kể về những thương binh, về những góa phụ. Tôi nghe chị tôi nói về những người mẹ gánh con chạy loạn. Tôi nghe mẹ tôi hò ru em “ Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử/ Gái trông chồng lên núi Vọng Phu/ Chiều chiều bóng xế trăng lu/ Nghe con ve kêu mùa hạ biết mấy thu gặp chàng”. Chỉ nghe thôi nhưng mỗi lần nhớ đến, nỗi buồn thương ảo não xâm chiếm hồn tôi.

Mười tám tuổi tôi thật sự biết mùi vị của chiến tranh. Từ cái đêm giao thừa năm 1968, tiếng pháo và tiếng súng không phân biệt. Chiến tranh xảy ra ngay trên đường làng, ngay trong vườn nhà tôi. Đạn pháo, róc két, từng loạt, từng loạt trút xuống trong vườn, trên đường làng. Cây đổ, nhà cháy, người thương vong.

Tôi đứng giữa vườn, đạn réo quanh, tôi không còn biết sợ là gì khi mẹ tôi từ dưới hầm đi lên và bị trúng đạn, tôi không biết sợ là gì  khi anh tôi từ trong ngôi nhà đổ nát chạy ra. Tôi lao tới ôm mẹ, tôi lao tới kéo anh tôi… Anh tôi cõng mẹ, chúng tôi chạy dưới đạn pháo, máu từ vết thương của mẹ tôi ướt đẫm hai ống quần. Áo quần chúng tôi tơi tả, da thịt chúng tôi bị cưa xé khi chui qua những hàng rào thép gai, chúng tôi cứ chạy, cúi đầu chạy theo hướng dẫn của những anh lính Cộng Hòa. Chạy băng vườn, băng đập. Từ dưới hầm chúng tôi dong hai tay bò lên rồi chạy với chỉ một bộ áo quần dưới mưa phùn rét ướt.
Xin kể một câu chuyện thấm đậm tình người: Chị tôi tuổi đôi mươi, chạy qua các hàng rào thép gai, ống quần rách tươm không còn gì, một cụ già cùng chạy với chúng tôi, lặng lẽ nhường chiếc quần vải trắng may kiểu cẳng què cho chị tôi, cụ chỉ còn lại chiếc quần xà lỏn mặc bên trong. Dưới  mưa phùn rét mướt, cụ run cầm cập và cứ thế mà chạy. Nếu tôi nhớ không lầm đó là cụ Ưng Thiều  người bạn hàng xóm của gia đình tôi.
Qua bên kia Đập Đá, chúng tôi vào trú đạn trong câu lạc bộ sĩ quan quân đội Cộng Hòa. Tĩnh tâm lại tôi sợ đến run người. Nhớ lại trong lúc chạy, chỉ một đoạn ngắn chừng một cây số, tôi đã thấy có hai, ba người nằm chết bên đường, có người hai tay còn cầm bánh tét, bánh chưng. Tôi run lên bần bật, chị Hai ôm quàng tôi, sưởi ấm cho tôi và nói: “Yên rồi, yên rồi, em đừng sợ nữa”, chị tôi lập đi lập lại nhiều lần yên rồi… yên rồi…
Suốt nhiều tháng năm sau đó những cơn ác mộng chết chóc, máu đổ, xương rơi cứ len lỏi vào giấc ngủ. Mẹ đem “bán”(1) tôi vào chùa, sắm cho tôi sợi dây chuyền có tượng Phật để đeo. Tôi tĩnh tâm, niệm Phật hằng đêm để bớt cơn ám ảnh sợ hãi.
Bom đạn, chết chóc, đói lạnh rồi cũng qua, nhưng những ngày sau đó đi trên những con đường với những nấm mồ vô chủ chôn vội bên lề, trong sân trường cũng vậy: những nấm mồ đắp vội, không ai có thể cầm được nước mắt, ôi! đau thương ngất trời.
Bóng dáng cô giám thị Nhược Thủy với dải khăn tang trắng đi chậm rãi trên hành lang dài, gây thương nhớ, xúc động tận tâm can, cô Nhược Thủy là vợ thầy Thân Trọng A dạy toán, thầy bị chôn tập thể trong Tết Mậu Thân.
Đôi mắt buồn vời vợi của cô Hà Thị Vy dạy Triết có chồng chết bởi tên bay đạn lạc trong Tết Mậu Thân. Ánh mắt cô như đeo sầu, đeo thảm ám ảnh tôi nhiều năm tháng sau đó.
Tiếng khóc than hàng đêm của người hàng xóm có chồng mất tích.
Chiếc cầu bạc gãy đi một vài.
Những đoàn xe đưa xác người chết tập thể đi chôn chậm rãi băng qua con đường Lê Lợi.

Chiến tranh đi qua để lại cho thành phố một bộ mặt đau thương, nghẹn ngào không còn khóc được.
*
Nỗi đau thương do cuộc chiến năm 1968 chưa vơi, năm 1972, không khí chiến tranh lại bao trùm lên thành phố khiến người dân ở đây mỗi lần nhắc đến cụm từ “mùa hè đỏ lửa” lại thấy lòng mình quặn thắt.
Bom đạn ngút trời nơi tuyến đầu Quảng Trị với “đại lộ kinh hoàng”, thành phố Huế  cách xa chừng 60km cũng hứng chịu những cuộc pháo kích của Cộng quân cả ngày lẫn đêm, nhất là khu vực quanh đồn Mang Cá nơi đóng quân của bộ Tư lệnh quân đoàn I và khu sân bay Tây Lộc.
Ngày nào cũng có tin thương vong của thường dân nơi này nơi kia.
Tôi có người bạn thân di tản từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, cả gia đình đều đi, ông nội lớn tuổi không chịu rời xa quê nhà. Khi tạm ngưng tiếng súng, bạn ấy trở về, không biết ông nội ở đâu trong cái thành phố nhỏ bé đã bị san thành bình địa, nhà không thấy đâu! Ông cũng không thấy đâu! Bạn ấy ôm tôi khóc trọn một buổi chiều.

Đạn pháo réo trên đầu, máy bay vần vũ trên bầu trời, hỏa châu đỏ rực mỗi đêm, chết chóc nơi này nơi kia, thành phố không tìm thấy nụ cười, khăn tang trắng nhiều hơn trên đường phố. Thế nhưng nỗi đau buồn, sợ hải không chỉ có thế…
Huế, thành phố cổ kính, trang nghiêm có thêm nhiều quán bar, quán rượu phục vụ cho quân viễn chinh. Trên đường đến trường, tôi phải đi qua khách sạn Hương Giang, đối diện với khách sạn này là quán bar 76, qua đây tôi rất sợ vì thỉnh thoảng vẫn gặp những gã lính say rượu, chếnh choáng đi ngang ngửa giữa đường.
Những đoàn xe quân sự Mỹ, Đại Hàn ngày càng nhiều, đường Thuận An, con đường ngày hai buổi đi học, có lúc nón lá của tôi đã trúng bã kẹo cao su, buồn đau, tủi nhục.
Một sớm mùa xuân, em gái của tôi đạp xe đi học, một tên vô lại ngồi trên xe GMC cúi xuống giật chiếc nón, em tôi ngã vào bánh xe, máu chảy lênh láng, dân chúng tưởng em đã chết nên đắp chiếu để em nằm lại bên lề đường. Nơi bị nạn cách nhà tôi chừng 50 mét, nghe báo tin anh tôi chạy vội đến, là sinh viên y khoa anh tôi kịp sơ cứu và đưa em tôi vào bệnh viện trung ương Huế. May mắn thay, kíp trực của Bác sĩ Đỗ Như Đài và Bác sĩ Trần Tiễn Ngạc đã cứu sống được em tôi. Nhân đây xin gởi lời kính cám ơn đến thầy Đỗ Như Đài và đàn anh Trần Tiễn Ngạc, cũng không quên lời cám ơn Bác sĩ Dupuis (người Bỉ) đã khâu thẩm mỹ những vết thương trên mặt của em, có vết rách từ miệng đến mang tai.
Ôi chiến tranh đau thương! Tủi nhục!
Người dân Huế, Quảng Trị sợ Cộng Sản chiếm thành phố, tiếp tục chạy vào Nam. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Vào Đà Nẵng chúng tôi tạm trú tại nhà của một người chị họ, gọi mẹ tôi là cô ruột. Căn phòng phía trước chừng 25m2 cho tất cả sáu người. Chật chội, thiếu nước, thiếu phương tiện vệ sinh nhưng như thế cũng còn tốt hơn nhiều những gia đình phải ngủ vỉa hè hay gầm cầu.
Khí trời oi bức, rác thải chất thành đống cao quanh các chợ, đặc biệt là chợ Cồn. Hằng ngày tôi đến bệnh viện cùng các bạn tham gia cứu thương hay cùng các anh chị trong các đoàn cứu trợ của Caritas, Terre des hommes đi khám bệnh, phân phát lương thực, áo quần. Nơi đâu tôi cũng chỉ thấy có đau thương, bệnh tật. Chỉ thấy tiếng khóc, tiếng than, không thấy một nụ cười dù là của trẻ thơ.
Một ngày tôi cùng đoàn Terre des hommes đi cứu trợ cho người di tản ở Phước Tường. Trên đường đi, đến một ngã ba, hình như là dốc Hòa Cầm có một xác chết trần trụi chỉ mặc một chiếc quần đùi cháy xém, chị Jacqueline (người Pháp, một nữ tu) yêu cầu dừng xe, đoạn chị ấy lấy một tấm chăn mỏng (hàng cứu trợ) đắp cho người chết cháy bên đường. Tất cả chúng tôi đứng lặng người, cái lạnh giữa mùa hè như dâng lên trong mỗi một chúng tôi.
Đến địa điểm làm việc, chúng tôi khuân vác hàng cứu trợ gồm chăn màn, thuốc men xếp vào hai góc, phân chia hai nhóm làm việc, thế nhưng cái “lạnh người” nơi dốc Hòa Cầm làm chúng tôi như tê cóng toàn thân, rưng rưng đứng nhìn nhau, anh trưởng nhóm vỗ tay bắt nhịp hát:
“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già/ Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo/ Lời tôi ca thay cho tiếng đạn bay/ Lời tôi xây cho vững tay cày…”
“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa/ Một miền quê tim héo và khô/ Lời tôi ca khâu vá tình thương/ Lời hôm qua chắp nối Con Đường…”
“Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù/ Lời tôi ca, lời tôi như suối rừng thu…” (2)
Tôi vỗ tay hát theo nhịp cùng các anh chị trong đoàn và lòng  ấm dần lên.
Chúng tôi ở lại Đà Nẵng chừng 2 tháng, khi trường Y trở lại Huế, gia đình tôi cũng trở lại thành phố thân yêu.
Về lại Huế, mùa hè mà hai hàng cây muối bên đường Lê Lợi như bớt xanh, lá vàng đổ nhiều trên những vững nước mưa không chảy hết. Những con đường Hàng Đoát, Hàng Me, đường Phượng Bay vắng đi những tà áo trắng và mái tóc dài.
*
Vào tháng 3 năm 1975, Ban Mê Thuột khói lửa rồi thất thủ, tiếp đến Quảng Trị về tay Cộng quân. Người dân Huế lo sợ di tản về phía Nam ngày một nhiều. Gia đình tôi lại vào Đà Nẵng, kiếm đường vào Nam.
Ngày 22.3.1975 đèo Hải Vân bị cắt, đoạn lộ đi Quảng Tín, Quảng Ngãi cũng bị cắt, đường bộ vào Nam không thể đi được. Sân bay Đà Nẵng bị pháo kích liên tục, máy bay khó lòng hạ hay cất cánh, chỉ còn con đường duy nhất vào Nam là đường thủy. Từng đoàn người nối đuôi nhau đi về phía Sơn Chà, cảng Tiên Sa.
Gia đình tôi đến cảng Tiên Sa chiều 28.3. Theo người dân ở đây thì từ sáng đã có hai chuyến tàu nhổ neo vào Nam, dân chúng chen nhau mạnh ai nấy được, có người đã lạc con trên tàu.
Suốt buổi chiều hôm đó, đạn pháo của Cộng quân liên tục nã xuống bờ biển khiến không một chiếc tàu nào dám vào bờ. Chúng tôi thấy không có khả năng đi được nên quyết định lui về, trời đã chiều, gia đình chúng tôi tá túc qua đêm trong một ngôi miếu nhỏ phía sau cảng. Đạn pháo réo quanh.
Sáng 29.3 cảng Tiên Sa không khác gì một bãi chiến trường: xác chết nằm đây đó, cái bể đầu, cái banh bụng, máu lênh láng trên cát, trên sỏi, trên lá khô. Mẹ nắm tay anh em chúng tôi cúi mặt đi, vừa đi vừa niệm: “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật”.

Chúng tôi vất bỏ bớt sách vở, chăn màn đem theo để đi bộ về lại đường Quang Trung nơi chúng tôi tá túc. Bước qua những cái xác, chúng tôi nắm tay nhau đi về. Bên đường tôi thấy một bà mẹ trẻ bế con đã chết trên tay ngồi khóc. Tôi thấy hai vợ chồng ôm nhau khóc bên cái chăn quấn cả xác cha và mẹ mình. Không biết họ sẽ làm gì, sẽ ra sao với nỗi đau không thể kêu thấu trời này. Ngày hôm đó trời vừa mưa vừa nắng, vừa u ám vừa sáng vàng.
Đau thương ngút trời!
Gần đến cầu De Lattre (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) chúng tôi thấy một đoàn xe tăng của bộ đội từ ngã Non Nước đi về. Dân chúng hai bên đường có người vẫy tay chào đón hoan hô, có người cúi mặt bước đi.
Mẹ tôi bảo: “Thế là hết đánh nhau, dù sao hòa bình cũng sắp có ”.
Hòa bình rồi, dân có được bình yên?
Dân miền Nam tiếp tục chạy: vượt biên, tù đày, cải tạo, tẩy não, đi kinh tế mới,  đổi tiền, áp bức tôn giáo… những thứ đó còn đau thương hơn “chạy giặc” nhiều lần.

“Ôi cái lưỡi dao cùn không cắt đứt mà đau”(3)
Ghi chú
(1)“Bán” vào chùa: Mẹ đem tôi đến chùa nhờ một vị cao tăng bắt ấn, chuyền nhân điện để tôi bớt sợ hãi. Có lẽ chỉ là một biện pháp tâm lý.
(2)Tiếng hát to – Tâm ca số 2 của Phạm Duy
 (3)Thơ Trần Dần
Ảnh Trẻ em Việt Nam trong chiến tranh (nguồn Google) 

https://phailentieng.blogspot.com/2022/03/co-nhung-ngay-nhu-noi-chien-tranh-i-qua.html?fbclid=IwAR2uGwIrPGfAcyRGwa5ZpDZXnOGh4ZSHiptnTPxIcW63HXVpFXgOVEvbFnI