CHUYỆN ĐỜI LÍNH BIỆT ĐỘNG QUÂN (Người Lính Già Tqlc)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

May be an image of 6 people and outdoors

Vào khoảng năm 65, mỗi khi đọc báo, tôi thường được đọc tin chiến thắng diệt Cộng của những đơn vị Biệt Động Quân, như Tiểu Đoàn 42 BĐQ biệt danh Cọp Ba Đầu Rằn với người hùng Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt và Tiểu Đoàn 44 Cọp Ba Móng do Thiếu tá Lê Văn Dần chỉ huy . . .
Những hình ảnh oai hùng của các chiến sĩ BĐQ với huy hiệu con Beo đen với 13 cái răng nhọn hoắt, làm tôi vừa cảm thấy sợ, lại vừa cảm thấy thích thú, hãnh diện lây với những người lính Mũ Nâu này.
Trận chiến Mậu Thân 1968 bùng nổ, nghe nói có những đơn vị Biệt Động Quân đang giao tranh với V+ ở Ngã 3 Hàng Sanh, tôi đã làm gan đi xe đạp tới tận nơi để xem tận mắt nhũng người hùng của tôi đánh trận ra sao?
Dân với lính đứng chen lẫn vào nhau, mỗi khi có tiếng súng nổ, dân chạy dạt về phía đằng sau, đến khi ngưng tiếng súng, dân chúng lại túa ra xem tiếp. Tôi kiếm một chỗ tạm gọi là an toàn, đưa mắt quan sát trận chiến.
Lính VNCH đóng dọc theo xa lộ Biên Hòa, phía Thị Nghè, đang tiến về phía Cầu Sơn là nơi bọn Việt cộng đang tử thủ. Bọn này đóng chốt trên một tòa nhà hai tầng đang bắn xối xả về phía BĐQ.
Từ một địa điểm nào đó ở phía Thị Nghè, tôi tiếng đạn đại liên nổ ròn thật lớn, áp đảo hẳn tiếng súng của bọn V+, rồi thình lình hai chiến sĩ BĐQ còn rất trẻ, trẻ lắm (khoảng chừng mười bẩy mười tám gì đó thôi) từ lề đường chạy ào qua phía Cầu Sơn. Khi hai người lính chạy tới giữa đường rồi, bọn V+ mới thấy họ, nên đã chĩa súng nhắm vào hai người lính này mà bắn thật rát. Đạn nổ cầy xuống mặt đường nhựa, vang lên những tiếng “Chéo . . . Chéo” thật ghê rợn.
Hai người lính nhanh như cắt nằm lăn xuống núp theo lề của trụ đèn ở giữa đường đưa súng M16 hướng về phía có tiếng nổ mà bắn. Độ cao của lề đường quá thấp, không thể là chỗ nấp an toàn được, những người dân đi xem lính đánh trận như tôi, ai cũng lo cho mạng sống của hai người lính trẻ, đồng thanh la lên:
“Mấy anh coi chừng đó. Tụi nó bắn từ phía cửa sổ đó . . . Bắn lên đi, ngay cửa sổ đó . . . Trúng rồi đó . . . Bắn nữa đi mấy anh ơi . . . “
Bỗng tôi nghe một tiếng la thật lớn ở phía ngã tư Hàng Sanh:
“Xung Phong!”
Tức thì, một loạt những tiếng hô tiếp theo:
“Biệt Động Sát . . . Sát . . . “
Ba người lính BĐQ nữa ào lên, miệng hô “SÁT . . SÁT” vừa bắn vể phía bọn V+ ở cửa sổ trên lầu vừa chạy tới thật nhanh.
Ba chiếc nón sắt nữa vọt chạy tiếp theo. Bọn V+ vội chuyển hướng bắn về phía đám lính đang xung phong. Hai người lính đầu tiên được ra ngoài vòng tác xạ, vội vàng đứng dậy thật nhanh mà phóng về phía trước, mỗi người núp vào một cái cột đèn tiếp tục bắn che cho đồng đội.
Từ phía đám những người lính xung phong, có tiếng nổ nhỏ
”Phụp”. Tiếp theo một tiếng nổ lớn : “ Bùng . . . “
Những người chung quanh tôi reo mừng hớn hở:
“BĐQ bắn M79 đó . . . Trúng rồi . . . Trúng căn nhà lầu rồi. Đám V+ chết hết ráo cả đám rồi . . . Hay quá . . . BĐQ đánh hay quá ! “
BĐQ từ phía Thị Nghè ào ạt tấn công về phía Cầu Sơn, tiếng súng lớn nhỏ vang lên tứ phía, chỗ nấp của tôi không còn an toàn nữa. Có tiếng của một người lính vang lên:
“Đồng bào về nhà hết đi, nguy hiểm lắm. Lính mình bắt đầu tấn công rồi. Tụi V+ bắn trả dữ lắm đó, đồng bào nên đi về đi, coi chừng bị trúng đạn V+ đó . . . Về đi.“
Tôi không dám ở lại nữa, lấy xe đạp chạy về, trong lòng rất vui vì đã được nhìn thấy tận mắt những người lính BĐQ đánh trận, và họ đánh thật oai hùng, dũng mãnh, hay hơn cả những trận đánh trong phim Thế Chiến Thứ Hai của Mỹ mà tôi đã được xem trước đây. Vừa đạp xe tôi vừa thầm nghĩ:
“Mai mốt đi lính, mình cũng đăng BĐQ, đánh V+ cho thật oai hùng, giống như những người lính đánh trận ở Hàng Sanh vậy”
Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi nhập trường Thủ Đức để học khóa 1/72. Khi chọn đơn vị, tôi đã đăng BĐQ thật!
BĐQ vào năm 72, dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Đỗ Kế Giai. Tướng Giai gốc lính Nhẩy Dù, nên đã áp dụng chiến thuật huấn luyện Sĩ Quan mà lính Mũ Đỏ đã và đang áp dụng: Sĩ Quan mới ra trường phải được gởi đi thực tập chỉ huy tại chiến trường, với những đơn vị đang hành quân, trước khi chính thức nhận đơn vị.
Đơn vị đầu tiên mà tôi được gởi tới thực tập là Tiểu đoàn 42 BĐQ “Cọp Ba Đầu Rằn”, lúc đó đang hành quân tại vùng Tà keo, Cambodge. Đây là một trong những Tiểu đoàn nổi tiếng cuả binh chủng BĐQ vùng IV.
Vì Tiểu đoàn đang di chuyển, nên khi vừa được trực thăng đổ xuống điểm hẹn là đám tân binh chúng tôi được đưa ngay tới những trung đội đã định sẵn để tiếp tục cuộc hành quân.
Nhiệm vụ chính cuả tôi chỉ là đi theo người Trung đội trưởng thực sự, nghe anh liên lạc truyền tin với cấp trên và cách thức anh điều động lính khi di chuyển, khi giao tranh với địch và quan trọng nhất là đợi khi nào anh ta rảnh, sẽ nhờ anh truyền cho một vài ngón nghề Biệt Động.
Học hành quân trên lý thuyết thì đã học xong rồi, nhưng khi ra trận tuyến thì mọi việc sẽ khác hẳn: Thực tế sẽ khác xa với lý thuyết nhiều lắm, và thực tế này chỉ học được ở ngay trên chiến trận mà thôi. Nhờ cách thức thực tập này mà người Sĩ Quan sau này khi nhận đơn vị, ra trận lần đàu tiên sẽ không có cảm giác bỡ ngỡ hoặc nói thẳng ra là sợ sệt.
Thiếu úy Nam, người Trung đội trưởng mà tôi được hân hạnh thực tập, có dáng người cao ráo, tướng thư sinh, chứ không dữ dằn như những ông BĐQ mà tôi đã gặp. Nam nói ngắn gọn, cho tôi biết quân số của trung đội, điểm đứng hiện tại và nhiệm vụ cuả trung đội.
Trong khi nói, anh ta luôn luôn di chuyển chứ không đứng một chỗ quá lâu (sau đó, anh bật mí cho tôi biết: Đứng lâu một chỗ, địch sẽ nhắm bắn sẻ, chết lãnh nhách). Người lính mang máy truyền tin lúc nào ở bên cạnh Nam nhưng lúc thì khuất mình sau một cây cao, lúc thì ngồi sau một bờ bụi để che dấu cái cần ăng ten cuả máy truyền tin.
Sau bữa cơm, trời sụp tối rất mau. Ai lo phận nấy làm hầm hố, lớp ngủ lớp canh gác. Tôi xin được gác đêm để hoà mình với anh em.
Hai giờ sáng mới tới phiên gác, tôi cuốn poncho trằn trọc nằm lăn qua lăn lại không ngủ được. Phần vì đường xa mới tới, phần vì đây là lần đàu tiên ra trận, nên bị căng thẳng thần kinh, không biết tình hình ra sao? Lỡ ngủ quên, anh em di chuyển đi nơi khác, không nhớ tới mình, thì biết đường đâu mà về với mẹ?
Vừa chợp mắt được một lúc đã có ai bấm mạnh vào đùi tôi mà kêu dậy đi gác, tôi vùng ngồi dậy, một tay quơ cái nón sắt đội lên đầu, tay kia xách khẩu M16 lặng lẽ theo người trưởng ca gác đi ra chòi canh.
Chòi gác vòng ngoài thì ở trên cao, nhưng chòi gác vòng trong thì sát mặt đất để nghe tiếng động chung quanh và dễ quan sát. Trên đường đi, người trưởng ca gác ra dấu bằng đèn pin mầu đỏ (cho ban đêm) mỗi khi đi ngang qua một trạm gác mà tôi nhìn kỹ cũng chẳng thấy người lính gác đứng ở chỗ nào?
Đi một khúc nữa, tôi đã được đưa đến nơi gác, đó là một cái hố mới đào, gần cây chà là (chỗ nào cũng có). Người lính gác từ dưới hố nhẩy lên thật gọn gàng, dúi vào tay tôi cái đèn pin rồi cùng với người trưởng ca gác biến vào bóng đêm thật lẹ làng. Tôi một mình chới với dưới hố sâu qua khỏi đầu gối, ráng cúi thấp người, chăm chú nhìn chung quanh, tập trung tinh thần, để vừa nghe, vừa nhìn vào bất cứ những thứ gì có vẻ khả nghi.
Nhưng với thế ngồi không ra ngồi, đứng không ra đứng thật là mỏi mệt, lại không được cử động, nên cơn buồn ngủ kéo đến thật mau. Tôi cố sức quay người qua lại để tránh cơn buồn ngủ và cũng để quan sát tứ phía.
Trời Cambodge tối om tối thít, lâu lâu lại có những tiếng động kỳ dị, nhất là tiếng chim ăn đêm chợt bay qua kêu lên eng éc như tiếng người gọi nhau, teo lắm!
Đang chăm chú quan sát, bỗng nhiên Tôi nghe một cái “SẠT!” ở ngay phía bên trái. Tim tôi coi như nhẩy ra khỏi lồng ngực chạy đi đâu mất tiêu! Tôi ráng dằn cơn lạng quạng, đứng thẳng người lên, quay súng về hướng phát ra tiếng động sưả soạn bắn. Nhưng chưa kịp bắn thì tôi đã bị húc văng ra khỏi hố, nằm bò càng trên mặt đất. Hồn vía tôi thật sự bay lên mây rồi. Tôi thoáng thấy một bóng đen phóng nhanh vào bụi rậm kế bên, tôi kê súng bắn một phát về phía bóng đen rồi lồm cồm ngồi dậy lấy đèn pin chớp ba cái thật nhanh để báo động, rồi thủ thế tính bắn tiếp. Ngay lúc đó có nhiều tiếng chân chạy huỳnh huỵch và một tiếng la thật nhỏ:
“Bắt được rồi, bắt được rồi, đừng bắn nữa”.
Trong đầu óc tôi nghĩ ngay rằng, chắc đã có một tên tiền đạo nào đó cuả V+ đi dò đường, nhưng xui xẻo cho nó là nhằm ngay ổ kiến lửa mà mò tới nên đã bị tôi bắn và bị bắt ngay tại chỗ.
Liền ngay sau đó, Nam cùng mấy người lính đã chạy lại chỗ tôi gác, hỏi chuyện gì đã xấy ra? Tôi chỉ về hướng có tiếng động, giải thích:
“Tôi đang gác, đã bị húc văng ra khỏi hố và thấy có bóng nguời hay cái gì đó chạy vọt vào hướng đó, nên đã báo hiệu và bắn theo.”
Vừa lúc mấy người lính đã chạy tới, trình diện tên “Dọ thám”.
Hóa ra đó là một chú heo rừng với 4 chân bị trói ké và mõm cũng bị cột chặt lại. Một người lính giải thích với Nam:
“Trình Thiếu úy, hổng có thằng V+ nào đi thám sát gì hết á, chỉ có con heo này thôi hà. Hồi chiều, khi dừng quân, tụi tui thấy nó chạy về phía này, nhưng nó lủi còn hơn V+ nữa, tụi tui kiếm hổng ra. Tới lúc nó từ trong bụi phóng ra, đụng ông Thiếu úy này té nhào, bị ổng để cho một viên ngay giò té bò càng, nên tụi tui mới bắt được nó đó. Ngày mai mình có màn lai rai rồi đó, Thiếu úy ơi! ”
Nam thở phào nhìn tôi cười rồi ra lệnh cho mấy người lính trở về chỗ cũ, để tôi tiếp tục gác. Tôi hồn viá lên mây, thiếu điều xón ra quần.
PHẦN 2
Hết phiên gác, Tôi trở về hầm lộ thiên nhưng thao thức không ngủ được. Vừa chợp mắt là Nam đã đánh thức dậy để sưả soạn cho màn tấn công rạng đông. Anh chia với tôi một ít cơm gạo sấy đã nấu bữa qua cùng một con khô nướng. Vừa ăn anh vừa cho biết:
“Trung đội mình sẽ đi đầu, ra đến tuyến xuất phát thì cả Đại đội sẽ dàn hàng ngang tiến tới. Đích là một ngôi chùa Miên mà theo tin cuả Thám báo thì tụi nó có cả súng cối nữa, đang cố thủ ở trong đó”.
Ngay lúc đó, từ máy truyền tin tôi nghe rõ:
“Tâm Đan, Tâm Đan, đây Hiền Hòa gọi, nghe rõ trả lời?”
Người lính truyền tin đưa ống nghe cho Nam, anh trả lời ngay:
“Tâm Đan nghe rõ 4 trên 5, đã sửa soạn xong, chờ lệnh”
Lắng nghe một lúc, Nam đưa ống nghe lại cho người lính và nói với tôi:
“Đại úy ĐĐT ra lệnh xuất phát”.
Tôi sửa lại bao đạn, bình nước, bước theo Nam.
Cambodge là xứ đồng bằng, lại thêm đoàn quân đang ở khu ruộng lúa nên tầm nhìn không bị giới hạn gì cả. Trời tuy chưa rạng đông nhưng cũng cho thấy mờ mờ bóng những người lính chạy lúp xúp. Lính di chuyển từng nhóm 3 người theo thế chân vạc: Một người chạy trước, hai người còn lại chĩa súng ra hai bên canh chừng. Người số 1 chạy đến chỗ an toàn thì ngồi xuống canh chừng để người thứ hai chạy tới phía trước, làm y hệt như người thứ nhất và cuối cùng là ngườI thứ 3.
Cả Trung đội cứ như thế mà tiến tới rất nhanh. Tới tuyến xuất phát là bờ của một cái đầm sen, tôi thấy có 3 con cua nước (Thiết vận xa M113) đã đậu sẵn.
Lần đầu tiên xung trận, miệng tôi khô rang, hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Một tín hiệu nào đó trong máy truyền tin cho Tâm Đan, thế là tất cả Đại đội dàn hàng ngang tiến tới mục tiêu là một ngôi chùa ở giữa đầm sen.
Mấy con cua nước rú ga chạy trước, tiếng máy nổ rất lớn để lên tinh thần lính nhà và áp đảo tinh thần lính nón cối. Nước ngập tới bụng lạnh thấu xương, Tôi lết hai chân trên lớp bùn lầy, hai tay đưa cao khẩu súng khỏi mặt nước, mắt nhìn tứ phía.
Những người lính di chuyển nhanh quá, tôi thiếu điều muốn chạy mà vẫn không đi kịp, đầu óc tôi đặc kẹo, không suy nghĩ được bất cứ điều gì. Khoảng cách từ bờ hồ tới chùa khoảng chừng 500m thôi, thế mà đi mãi vẫn chưa được một phần đường.
Bất chợt có tiếng súng từ trong chùa bắn ra, Th/úy Nam phất tay ra hiệu cho con cái tiến nhanh hơn nữa. Tiếng súng từ trong chùa bắt đầu ròn rã, bắn xuống mặt nước vang lên những tiếng “Chéo . . . Chéo . . . Bụp . . . Bụp” thật là dễ sợ.
Nhưng những người lính BĐQ vẫn lầm lì tiến tơí mà không bắn trả gì cả. Gần tới chùa, ba chiếc Thiết vận xa trước mặt đồng loạt khai hỏa những khẩu đại liên M60. Người Trung đội trưởng đi cạnh tôi lầm lì rút khẩu súng Colt vung lên cao, đưa mắt nhìn toàn thể trung đội đễ gây sự chú ý. Khi tất cả đã sẵn sàng, anh vùng chạy lên trước, mịêng hô lớn:
“Xung Phong!”
Tất cả cùng đáp lời:
“Xung Phong . . . Biệt Động Quân Sát . . . Sát”
Vừa chạy tới phía trước vừa bắn xối xả vào ngôi chùa.
Có tiếng gío rít lên rồi “BÙM”
Một viên đạn cối 82ly của địch bắn ra, cách chiếc Thiết vận xa khoảng chừng ba sải tay. Sức công phá cuả đầu đạn làm cho con cua nước chao đảo muốn lật và những người lính chung quanh té chúm chụm vào nhau, có người không đứng lên được, người bên cạnh kéo anh ta theo.
Chiếc thiết vận xa lấy lại thăng bằng, mở nắp ra dùng M60 bắn ngay vào vị trí của khẩu súng 80ly vừa nhận diện.
Tiếng súng trong chùa bắn ra thưa dần, BĐQ đã làm chủ tình hình, tràn vào ngôi chùa lục soát. Trung đội của Nam được lệnh tiếp tục tiến về phía trước. Đây chỉ là một cái chốt của bọn V+ mà thôi, còn rất nhiều chốt khác phải nhổ.
Đi qua những cánh đồng lúa chín vàng không có người gặt, mùi lúa chín quyện theo gió thật là thơm. Phải chi đừng có chiến tranh, những hạt lúa này nuôi sống biết bao nhiêu người.
Tới vùng đất hoang, hoa cỏ vàng rực cả một cánh đồng, đẹp thật là đẹp. Nhìn những cánh hoa nở giữa mùa chinh chiến, tâm hồn người lính BĐQ cũng chùng xuống mà quên cảnh chiến tranh để ngắm những cụm hoa vàng rực rỡ. Tôi cầm ngang khẩu súng đứng yên lặng ngắm hoa, chạnh nhớ tới một bài hát:
“Ngày xưa, có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng ngủ yên . . .” Gã nào từ quan mà tìm lên động hoa vàng này, thì . . . được ngủ yên là cái chắc.
Một ngày nào thanh bình, tôi sẽ trở lại đây để ngắm cái Động Hoa Vàng này cho đã mắt.
Tíếng thiết vận xa rú lên, xích sắt chạy cán lên những đóa hoa vàng đưa tôi trở về thực tại. Tôi và những người lính cùng nhẩy lên nóc chiếc thiết xa để di chuyển cho nhanh.
Đêm tối, cả bọn lại đóng quân giữa một vùng đất bao la. Ăn uống xong, lại một màn gác đêm nữa.
Nửa đêm, chợt có những tiếng chim rời tổ kêu lên thật thảm thiết, ghê rợn. Nam nhìn tôi, nói nhỏ:
“Chim ban đêm thường là ngủ, chắc là có ai đó tới làm rộn, tụi nó mới bỏ tổ mà bay như vậy.”
Nam ra dấu cho tôi cùng chạy lại vị trí của tiểu đội gác tuyến đầu. Người Tiểu đội trưởng chỉ tay về phía trước báo cáo:
“Có gì lạ phía Tây, gần cây chà là đó, em cho người tới coi, đuợc không Thiếu úy?”
Nam chưa kịp trả lời thì có một giọng nói chợt phát ra kế bên:
“Em xung phong đi thám thính, Thiếu úy.”
Trong bóng đêm, tôi chỉ nhì thấy một người lính thám sát với ánh mắt sáng ngời và cử chỉ thật lanh lẹn, đang nhỏen miệng cười, khoe hàm răng trắng bóc.
Tôi cũng nổi máu giang hồ, nói với Nam:
“Cho tôi đi thám sát với.”
Nam trợn mắt nhìn tôi, kê miệng vào tai tôi nói thật nhỏ cho một mình tôi nghe:
“Ông theo tôi học cách chỉ huy, chứ đâu có học thám sát đâu. Lỡ ông . . . tiêu táng thoòng, tôi làm sao ăn nói với Tiểu đoàn? Bỏ đi Tám!”
Tôi cũng kê vào tai anh, nói nhỏ:
“Nếu số tôi chết, ở chỗ nào cũng chết. Tôi làm được mà.”
Nam nhìn người Tiểu đội trưởng, nhìn người lính thám sát, rồi quay lại nhìn tôi:
“Muốn đi coi cho biết, thì cứ thử thời vận đi. Nhớ rửa cẳng cho sạch trước khi đi. Lỡ có . . . lên bàn thờ, tôi không cần tắm lại cho ông. Tụi nó có hai đứa, ông là ba đó, đi đi.”
Tôi nhìn quanh, chỉ có tôi và người lính thám sát, đâu có ai nữa mà Nam nói là “ba” ???
Người lính chạy trước, tìm điểm núp, quỳ gối nhắm về phía cây chà là. Tôi lom khom chạy qua mặt anh ta, dừng lại, cũng tìm vị trí để nhắm về phía trước. nhưng không thấy người lính chạy lên. Tôi ngạc nhiên, chưa kịp quay về phía sau tìm hiểu thì chợt thấy một bóng đen ngay sau lưng tôi tự bao giờ mà tôi không hề biết, phóng tới phía trước thật gọn gàng. Bóng đen này nhỏ nhắn, không cầm súng, chỉ chạy tới mà thôi. Người lính từ phía sau tôi phóng tới cùng một lượt với bóng đen tôi vừa thấy, rồi cùng nhau nằm rạt xuống đất, chong súng về phỉa trước, giữ an toàn cho tôi phóng lên. Thì ra chúng tôi có ba người thật.
Theo lệnh của Trung đội trưởng, chúng tôi sẽ di chuyển trong im lặng tới nơi bị nghi ngờ (cây chà là giữa cánh đồng lúa) là có dọ thám của V+. Tới nơi, chúng tôi sẽ chia ra làm 3 ngã để tấn công. Nếu chúng chỉ có 1 hoặc 2 đứa, chúng tôi sẽ cùng nhào lên thật bất ngờ để cố gắng bắt sống chúng nó. Nếu có hai tên trở lên, chúng tôi sẽ đứng xa thẩy lựu đạn lên thanh toán chúng.
Tới gần gốc cây chà là, chúng tôi chia ra làm ba ngã, tôi móc ống nhòm ra quan sát. Tối quá, chẳng thấy gì cả và cũng chẳng nghe động tĩnh gì hết. Tôi cất ống dòm, đưa tay lên miệng giả tiếng chim kêu một tiếng thật ngắn, ra dấu hiệu cùng bò lên gần hơn nữa, rồi cầm súng vừa trườn vừa bò về phía cây thốt nốt. Bò kiểu này, nếu tên dọ thám mà thấy, nó để cho tôi một viên là trúng phóc, vì gần quá rồi, và tôi lại không đội nón sắt (đi dọ thám không đội nón sắt, vì tiếng động của những khoen sắt sẽ làm lộ hình tích).
Khi đang di chuyễn, tôi cũng phần nào … lạnh cẳng, nhưng khi đến gần mục tiêu, tinh thần quá căng thẳng, tôi không còn suy nghĩ được nữa, chỉ chú trọng vừa bò vừa quan sát thật kỹ vào bóng đen để sẵn sàng nổ súng mà thôi.
Chỉ còn một khoảng cách ngắn nữa là tới gốc cây, tôi dừng lại hồi hộp mở căng cặp mắt ra chăm chú quan sát.
Tứ bề vắng tanh vắng ngắt, không có một tên V+ dọ thám nào hết!
Như vậy, tiếng chim kêu eng éc ghê sợ hồi nẫy chỉ là do đám chim đậu ở trên cây này kêu lên tìm đàn mà thôi, chứ không phải tại có người tới làm phiền chúng. Và đàn chim này chắc là đã tìm được bạn bè rồi, bay đi hết rồi, nên chẳng còn con nào ở lại cái cây chà là chết tiệt này để mà nghe thấy, nhìn thấy chúng tôi tới để báo động lên um xùm nữa.
Một chút thất vọng, vì chúng tôi đã mạo hiểm tối đa như vậy mà chẳng có thằng dọ thám nào mà bắt cả. Nhưng cũng vui mừng vì chỗ đóng quân của chúng tôi vẫn còn được giữ kín.
Hai cái đầu ở hai hướng trước mắt tôi cũng đã ló lên, tôi chĩa súng giữ an toàn và vẫy tay ra hiệu cho họ tiến lên. Gặp nhau tại gốc cây chà là, người lính thám sát thì thào:
“Hổng có gì hết, Thiếu úy! Địa điểm đóng quân của mình không có bị lộ đâu.”
Tôi gật đầu đồng ý, cùng hai người lính ngồi xuống đất quan sát chung quanh một hồi, rồi mới an toàn mở bi đông ra tự thưởng cho mình một ngụm nước mát lạnh. Xong xuôi, nhìn kỹ một lần nữa, tôi mới chong súng bắn hai phát lên trời để báo hiệu: “Đã đến nơi, không có địch”. Rồi lại theo hướng cũ, cũng cách thức di chuyển cũ mà về chỗ đóng quân.
Sáng sớm, trung đội của Nam được lệnh tấn công một địa điểm có V+ đang trú đóng. Địch thủ đây đúng nghĩa là địch thủ, vì gồm toàn những lính Bắc Vỉệt được trang bị đầy đủ, sẵn sàng ứng chiến.
Hai bên quần thảo nhau tơi bời, trực thăng, A37 và đại bác bắn phá và dội bom thật gần địa đỉểm giao tranh. Tiếng súng thưa dần, rồi tạm ngưng.
Gần chiều tối, trung đội được lệnh tạm dừng quân để lục soát và uống trước khi trời tối. Lính cọp đen đánh trận đã nhanh nhưng nấu ăn có lẽ còn nhanh hơn nữa, vừa được lệnh bỏ ba lô xuống là 30 giây sau đã thấy có khói bốc lên rồi (30 giây là tiếng cuả con nhà lính, ý nói rất nhanh chứ không thật sự không có cái gì có thể làm xong trong vòng 30 giây cả.)
Tôi đi theo Nam kiểm điểm quân số mình và số tù binh VC vưà bị bắt đồng thời lo cho anh em bị thương. Một người lính chạy tới mời hai “Ông Thầy” ghé ăn thịt heo.
Kiểm soát mọi thứ đã xong, gài mìn Claymore phòng thủ cũng hoàn tất, tôi theo Nam tới Tiểu đội 1 ăn cơm theo lời mời. Tiểu đội trưởng là Trung sĩ Há, ông này không mặc quân phục rằn ri mà lại mặc nguyên bộ đồ bà ba đen, mang giầy vải mầu đen, lưỡi lê, lựu đạn gắn tùm lum trên giây ba chạc.
Bữa ăn thật là thịnh soạn vì Tiểu đội được chia một phần thịt từ con heo mới bắt được tối qua (người lính phụ trách nấu ăn cho biết, ngay tối đó, con heo đã được “hóa kiếp” để chia đều cho ba Tiểu đội ướp mắm muối gói lá chuối bỏ vào ba lô cho khỏi bị hư, đợi tới khi nào dừng quân sẽ đem ra nấu ăn chung). Trên tấm poncho trải dưới đất, chưa có thịt heo, nhưng đã có một ít me chua, muối ớt, sả và một loại rau gì đó mới được hái. Mùi thịt nướng tỏa ra thơm phức.
Trận mạc từ sáng tới giờ chưa có một hột cơm nào vào bụng, bây giờ lại được ngửi mùi thịt nướng ướp sả ớt, lại có me chua, có miếng sả nữa. Chỉ có nhiêu đó thôi, nhưng tôi cảm thấy đời lính sao mà hạnh phúc thế! Chưa ăn, chỉ mới ngửi mùi thôi mà đã cảm thấy ngon rồi.
Người lính bưng ra dĩa thịt heo để trên lớp lá chuối, nhưng không thấy ai đụng chén dĩa gì cả. Tôi thấy Trung sĩ Há đưa tay ra sau lưng lấy bi đông, gỡ cái ca rót nước vào, nhưng thay vì đưa lên miệng uống, ông lại . . . đổ xuống đất với một thái độ không bình thường chút nào cả. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì ông đã trịnh trọng mở lời:
“Chén trước cho thằng Tư Thân, chén sau cho thằng Mười Đáp.
Từ hồi tui bay chết tới nay, tụi tao hổng có quởn mà cúng tụi bay. Bữa nay được dừng quân, sẵn có miếng thịt heo, anh em rót cho tụi bay mỗi đứa một chén đó. Dzìa mà uống, ăn miếng thịt heo với tụi tao, rồi đi đầu thai phức cho rồi đi.
Cầu cho tụi bay được tới xứ nào hổng có chiến tranh đặng sống cho an lành.”
Cả Tiểu đội đứng im lặng để tưởng niệm hai người lính đã ra đi.
Tình lính thắm thiết như vậy đó. Không cần nhang, không cần đèn, chỉ một cử chỉ, một lời nói giản dị, nhưng tôi nghĩ rằng quá đầy đủ để làm ấm lòng người quá cố.
Sau thủ tục cúng cho đồng đội đã ra đi, Trung sĩ Há mới rót nước mời Nam và tôi. Khi đưa cái ca nhôm cho tôi, ông vui vẻ giới thiệu thêm:
“Nước này . . . nhà làm, đã lắm, Thiếu úy!”
Tôi hơi ngạc nhiên, nước mà lại phải nhà làm hay sao?
Đưa lên mũi ngửi, thì hóa ra là . . . ĐẾ.
Trời đất ơi! Đang hành quân, đâu có được uống rượu! Nhất là mình còn đang đi tập sự, chưa được chính thức làm lính.
Tôi ngửi một hơi dài, khen ngon rồi trả lại cho nguời Trung sĩ.
Lúc này, người lính đầu bếp mới mời mọi người:
“ Mời hai Thiếu úy, mời . . . Dượng Há, mời mấy anh . . . ăn đi.”
Giọng người lính là giọng . . . đàn bà!
Biệt Động Quân tuyển lính . . . con gái từ hồi nào vậy?
Tôi ngạc nhiên, bật lên tiếng kêu: “Hả!”
Người lính ngước lên nhìn tôi cười thật dễ thương, từ trong cái nón sắt rớt ra một chùm tóc dài đen mun.
Cô lính lấy cái cà mèn gắp cho tôi mấy miếng thịt heo, vừa đưa cho tôi vừa nói:
“Thiếu úy chì quá! Tối qua đi trinh sát, tưởng chỉ có mình ơn anh Bôn dzới em thôi, ai dè có Thiếu úy đi nữa . . . dzui quá trời!
Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác:
Biệt Động Quân có . . . lính con gái. Lính con gái này không những đi hành quân, mà cón dám đi trinh sát nữa?
Tôi đi trinh sát, teo thấy mụ nội, đổ mồ hôi hột, còn bị Thiếu úy Nam hù . . . rửa cẳng lên bàn thờ ngồi. Còn cô, cô nói tỉnh bơ . . . Đi trinh sát . . . “Dzui quá trời” nữa?
Trung sĩ Há chỉ một người lính đứng kế bên cô gái, giới thiệu:
“Con nhỏ này tên Lan, cháu kêu tui bằng dượng, dzợ của thằng Bôn trời đánh này đó, Thiếu úy.”
Như để giái đáp thắc mắc cho tôi, Bôn chào tôi rồi tươi cười nói tiếp:
“Dzợ em đó, Thiếu úy! Tụi em mới cưới, chưa báo đơn vị, nên chưa được nghỉ phép. Tụi em chưa có chỗ ở, nên em xin với Thiếu úy Nam cho em dẫn nó đi theo hành quân dzới em luôn, đợi chừng nào em có phép làm đám cưới thì làm luôn tại đơn vị rồi xin nhà ở hậu cứ cho nó ở.”
Bôn chính là người lính đã cùng với tôi đi thám sát đêm qua. Trong đêm tối, tôi chỉ nhận ra Bôn đội cái nón bo với cử chỉ nhanh nhẹn và hàm răng trắng tươi. Bây giờ nhìn rõ lại, trông anh ta to con và có nước da trắng, đôi tròng mắt hơi có mầu xanh lá cây, và cái đầu hớt trọc lóc. Đặc biệt trên giây TAB, anh có đeo một cái búa đốn cây nhỏ.
Bôn vừa dứt lời thì một người lính khác tên Thìn, đã xía vô:
“Con nhỏ Lan này, ở khít vách với em đó, Thiếu úy. Nó chịu thằng Bôn, hai đứa nó cưới nhau mình ơn đó.”
Tôi hiểu được chút ít, nhưng lại rơi vào một ngạc nhiên khác:
Trung sĩ Há là dượng của Lan, người lính kia . . . ở khít vách với Lan? Không lẽ Tiểu đội này là . . . bà con chòm xóm với nhau hết hay sao?
Đứng đó mà thắc mắc hoài thì đói. Tôi để thắc mắc qua một bên mà làm sạch cái ca nhôm cơm gạo sấy. Thịt heo thì tôi có ăn qua rồi, nhưng chưa bao giờ ăn cơm với me chua chấm muối ớt cả.
Nam vừa ăn cơm vừa cắn sả lốp cốp coi ngon lành lắm, rồi anh móc túi áo treillis mời tôi một trái ớt hiểm. Ăn cơm xong, Nam lại móc túi tặng cho tôi . . . trái ổi đào nữa. Hóa ra, cái áo treillis của ông sĩ quan này, ngoài việc chống lạnh, còn được dùng để chứa đồ ăn nữa, đã thật. Mai mốt ra đơn vị, thế nào tôi cũng tậu một cái áo giống như của Thiếu úy Nam này mới được.
Vừa ăn ổi, Nam vừa dẫn tôi đi vòng vòng để làm một màn huấn luyện tân binh cho tôi:
“Sả và ớt chống sốt rét, tiêu chẩy. Mấy thứ này ở đâu cũng có, nhưng phải đế ý môt chút mới thấy. Thấy thì phải hái bỏ túi liền. Một khi không có nó, mình sẽ bị chết vì sốt rét, vì tiêu chẩy trước khi trúng đạn V+ . Ăn cơm xong, uống một ly nước nóng bỏ sả vô, thơm lắm !
Còn cái vụ vợ lính đi theo chồng, mỗi lần hành quân lâu ngày, thế nào cũng có một hai vụ, mình kiểm soát không nổi, mà cản cũng không xong. Anh nghĩ coi, lính tráng đi hành quân cả tháng trời, ít có khi nào được về phép lắm, cho nên mỗi khi có xe tiếp tế lên, thế nào cũng có vài bà trốn trong xe tới thăm chồng. Xe tiếp tế về rồi mới thấy họ ló đầu ra, mình làm gì bây giờ ?!!
Muốn đưa họ về cũng phải chờ tới chuyến kế chứ đâu còn cách nào nữa! Mấy nguời vợ này cũng không làm gì phiền phức cho mình, cho đơn vị, cũng không làm vướng chân người lính, có khi còn phụ với chồng đánh trận nữa, giống như đêm qua, cô Lan đi thám sát theo Bôn đó, họ cũng được việc lắm. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng cũng biết vậy, nhưng chỉ có thể làm giảm con số vợ theo chồng mà thôi, chứ không làm sao ngăn cản hết được. Mai mốt đây ra đơn vị, thế nào anh cũng gặp những trường hợp này, thôi kệ, bỏ qua cho họ. Tình người mà! Vợ chồng ai mà chẳng nhớ nhau, tìm nhau! Mình sẽ chỉ bị phiền phức nếu lỡ họ bị trúng đạn chết, lúc đó thế nào cũng bị “Thẩm Quyền” dũa thê thảm, lúc đó ráng đưa nón sắt ra mà đỡ. Anh có vợ con, bồ bịch gì chưa?”
Thật là những kinh nghiệm quý báu mà chẳng có quân trường nào dạy cho tôi cả.
CHUYỆN ĐỜI LÍNH BIỆT ĐỘNG QUÂN
PHẦN CUỐI
Tiểu đoàn đụng trận liên miên, làm cho tôi quên hết cả ngày giờ, thấm thoát đã hết một tuần lễ thực tập với Tiểu đoàn 42 BĐQ rồi.
Một buổi sáng, sau trận đánh đêm, Trung đội trong khi đang di chuyển, tôi nghe tiếng trực thăng thật gần, và Nam lúc bấy giờ mới cho tôi hay, tôi có 30 giây để chạy ra bãi đáp trực thăng ở phía trước để đuợc đưa về hậu cứ, qua Tiểu đoàn khác thực tập tiếp.
Không kịp từ giả bất cứ ai, tôi đưa tay chào Nam rồi phóng đi thật nhanh. Ra tới bãi đáp, tôi thấy 2 thằng Đạm và Châu đã có mặt trước đó rồi, đang ngồi chống súng chờ đợi.
Một chiếc trực thăng, rồi hai chiếc đáp xuống, lính bổ xung nhào xuống trước, rồi tới đồ tiếp tế được bốc ra. Trực thăng vừa được dọn trống thì các băng ca chở thương binh đã ào ra ưu tiên lên trước, còn chỗ mới tới phiên ba đứa tụi tôi. Tôi lên một chiếc, Đạm và Châu theo chiếc kế tiếp bay vù lên cao thật là mau lẹ.
Trực thăng bay ào ào, đảo qua đảo lại làm cho tôi xính vính chẳng biết đâu là trời đâu là đất nữa. Tôi ráng tìm chỗ vịn, nhưng cả thành tầu chẳng có chỗ nào mà bám vào nữa, những người lính phải tự bám vào nhau ngồi xếp bằng xuống sàn máy bay để khỏi bị rớt ra ngoài.
Tôi vừa mới tạm quen với chiếc trực thăng, đã có tiếng ai gọi tôi: “Thiếu úy cũng được về phép hả?” Giọng nói phát ra thật yếu ớt, chắc là từ những chiếc băng ca, tôi quay người lại nhìn, một cái đầu trọc lóc ngóc lên:
“Em Bôn đây Thiếu úy!”
Tôi ráng lết vào phía trong một chút để hỏi chuyện, Bôn bị thương ngay ngực, máu ra ướt hết cả cuộn băng cá nhân. Lan ngồi kế bên vừa khóc vừa kể lại:
“Mới hồi sớm đây, cả Tiểu đội xung phong chiếm mục tiêu, anh Bôn nhào lên mô đất cao thẩy lựu đạn vô ổ thượng liên của tụi V+, ổ súng bị tiêu diệt nhưng còn một thằng trước khi chết, ráng anh đâm anh Bôn một nhát ngay ngực, em kéo ảnh xuống khóc quá trời, kêu cứu thương.
Y tá chạy lại băng cho ảnh rồi đưa ra sau, chờ chừng chèo qua khỏi một khúc sông thì trực thăng tới đó, mừnq quá đi! (dân quê đo thời gian bằng chiều dài chèo đò của một khúc sông). “ Nói tói đây, Lan cầm tay Bôn khóc rấm rứt.
Sáng sớm, tôi có nghe báo cáo theo tiếng lóng truyền tin, Tiểu đội 1 có “Một Bộ Trưởng” tức là một bị thương, tôi không biết là ai, dè đâu lại là Bôn. Tôi an ủi cả hai: “Có trực thăng là mừng lắm rồi, ráng chịu chút nữa sẽ tới bệnh viện, bác sĩ sẽ lau vết thương rồi băng lại cho chắc, nghỉ chừng tuần lễ là mạnh lại liền hà.”
Lan mếu máo nói với Bôn:
“Anh ráng sống nha anh. Em bỏ ba má đi theo anh, có một mình anh thôi đó.”
Tuần lễ cuối cùng, chúng tôi thực tập tại Tiểu đoàn 44 Biệt Động Quân, đang hành quân ở khu Rừng Tràm, Kiến Phong. Lội nước biển có một tuần mà da dẻ chúng tôi mốc thít, đen mun, quần áo trận bạc mầu sương gió. Những buổi dừng quân, chúng tôi leo lên những cây tràm cởi giầy lột vớ ra vắt cho ráo nước rồi lại mang trở lại, nhìn nguời lính Biệt Động Quân nấu cơm trên cây, tôi thán phục họ hết mức.
Chấm dứt hai tuần lễ thực tập, bọn lính mới chúng tôi đã có thêm những kinh nghiệm chiến trường thật là quý báu, sẵn sàng sử dụng nó khi ra tiền tuyến.
Trực thăng đổ chúng tôi về hậu cứ Liên đoàn, chờ sáng mai về Cần Thơ. Chúng tôi sẽ trình diện Bộ Tư Lệnh BĐQ ở Trại Đào Bá Phước, chờ lệnh bổ xung đi đơn vị mới.
Tắm rửa xong, ba thằng tôi ngồi xe lôi ra chợ ăn uống cho bõ những ngày hành quân. Từ phía trước, một cặp trai gái đang rảo bước, người con trai mặc đồ BĐQ, da trắng (lính BĐQ thường là đen thui, ít có ai da trắng), dáng bự con, còn cô em gái hậu phương bận áo bà ba trắng. Tới gần, cả hai nhận ra tôi, kêu lớn:
“Thiếu úy.”
Thì ra hai vợ chồng Bôn và Lan. Tôi mừng cho họ:
“Bôn, em đã bình phục rồi hả? Xuất viện chưa?”
“Dạ, em xuất viện bữa qua, được nghỉ phép một ngày rồi lên đơn vị. Bữa nay tụi em đi sắm đồ cưới, đặng lát nữa Lan dẫn em tới nhà ba má cổ ra mắt đó.”
“Ra mắt? Bộ em chưa gặp ba má Lan lần nào hay sao?”
Bôn và Lan nhìn nhau cười, mời tôi vào quán sinh tố kế bên kể câu chuyện hai người quen nhau cho tôi nghe.
Mới có một tuần lễ mà tóc của Bôn đã mọc ra tua tủa, nhưng lại có mầu . . . vàng xậm. Vùng IV đất sình mầu đen, không thể nói lội sình đất dính lên đầu, mà dù có sình dính lên, cũng không thể là mầu vàng này được. Lại thêm tròng mắt của Bôn không có mầu đen hoặc nâu như đa số người Việt, nó lại có mầu … xanh lá cây.
Bôn thấy tôi nhìn mình ra vẻ ngạc nhiên, anh nhìn Lan rồi quay lại tôi, cười cười nói với tôi:
“Em có máu lai, Thiếu úy. Có điều em không biết ba má em là ai? Từ khi sanh em ra, má em bỏ em cho bà ngoại nuôi, nên em không bết ba em là người xứ nào và má em ra sao nữa? Da trắng thì không sao, nhưng tóc em vàng quá chừng đi, em phải hớt trọc cho hỗng có ai thấy. Bà ngoại nuôi em tới lớn, em đi làm mướn nuôi lại bà ngoại. Tới khi bà ngọai chết, em hổng còn bà con gì hết, sẵn bạn bè đăng BĐQ hết trơn, em cũng đăng lính cho có bạn với tụi nó.”
Thì ra Bôn là con lai, tính tuổi ra thì không phải lai Mỹ, chắc là cha anh gốc Âu châu gì đó.
Tới phiên Lan, cô đã tươi cười kể lại câu chuyện hai người quen nhau:
” Em đâu có quen anh Bôn đâu! Ảnh đâu phải người xứ Bac Liêu này đâu, ảnh ở Cân Thơ lận. Mà khi em lấy chồng, làm đám cưới, em lấy . . . người khác, chứ hổng phải ảnh.
Chồng sắp cưới của em tên Tốt, ảnh với anh Thìn ở cùng xóm với em. Lớn lên, ảnh thương em, đòi ba má ảnh qua nhà em xin cưới. Em thấy ảnh tảnh tình hổng có hạp với em, nên không chịu, nhưng ba má ảnh cứ đeo theo em nói riết hà, anh Tốt cũng theo em hoài, luôn hai ba năm trời như vậy đó, làm cho em cũng thấy tội nghiệp ảnh. Cuối cùng, em suy nghĩ, thấy mặc dù hổng hạp, nhưng ảnh cũng có thành tâm, nên em chịu lấy ảnh.”
Bữa làm đám nói, em có rao trước với ảnh rằng:
“Anh quen tui từ nhỏ, anh biết tánh tui rồi, tui nói gì thì tui làm cái nấy. Anh nói thương tui, bảo bọc được đời của tui, thì tui chiụ. Nhưng hễ tui thấy anh làm hổng đúng như vậy, tui . . . bỏ anh liền đó.”
Anh Tốt thề sống thề chết là sẽ yêu thưong lo lắng cho em suốt đời, ba má ảnh cũng chịu làm chứng, nên em chịu làm đám cưới với ảnh.
Nhà em ở bên sông, nhà ảnh ở bên chợ, nên bữa đám cưới, nhà ảnh rước dâu bằng ghe. Ảnh với em và đám bạn bè ngồi chung một chiếc ghe chèo đi trước, phía nhà trai một chiếc, nhà gái một chiếc đi theo sau Bạn bè em ai cũng chúc mừng em lấy được chồng xứng đôi, biết thương mình.
Đoàn ghe cưới chèo đi ngon lành, sắp tới nhà trai rồi, hai bên bờ bà con lối xóm đứng tụ dài dài coi đám cưới, vui lắm. Tài công sửa soạn tấp ghe vô, anh Tài lo đốt pháo mừng, tụi bạn bè em phần vui vẻ, phần sợ pháo rơi trúng cháy quần áo, nên chộn rộn đứng lên đứng xuống. Ngay lúc đó, có một chiếc ghe máy chạy ngang, chiếc ghe lớn mà lại chạy mau nữa, nên làm sóng lớn đánh ào lên ghe cưới, nước lọt vô tùm lum, chiếc ghe muốn lật. Tụi em la hoảng quá chừng, kiếm đồ múc nước ra, nhưng ghe đám cưới đâu có đồ múc nước, lính quýnh một hồi, chiếc ghe bị lật luôn.
Tụi em đều là dân quê, đứa nào cũng biết lội, nhưng mấy đứa con gái tụi em bữa đó hổng làm sao mà lội hết mình được, vì đứa nào cũng bận áo dài, gài bông, đeo nữ trang tùm lum hết. Phần em còn nhiều hơn nữa, có đôi khoen tai má em mới cho, lại chiếc cà rá đám nói rộng rinh muốn xúc, nên em hổng dám đụng mạnh, chỉ ráng thả nổi chờ có ai cứu. Em nghe trên bờ người ta đứng coi la lối chỉ chỏ um xùm:
“Cô dâu bị chỉm, cô dâu bị chìm, cứu cô dâu cho mau . . .”
Em thấy anh Tốt đang lội ở đằng trước, em la lên: “Anh Tốt, cứu em . . .”
Ãnh dòm lại thấy em đang chới dzới, mà ảnh làm như hổng thấy em, hổng nghe tiếng em kêu, ảnh cứ lội riết vô bờ.
Đám con gái tụi em ráng đập tay đập chân, đứa nào cũng la cầu cứu om sòm. Em đưa tay lên ngoắc anh Tốt một lần nữa, la thiệt lớn:
“Anh Tốt . . . Cứu em . . . Em lội hổng nổi, bị chìm rồi nè . . .“
Em há miệng lớn quá, bị nước vô miệng hụt hơi chìm luôn, thôi chết cho rồi.
Bất ngờ, em thấy có bàn tay của ai đó kéo em lên, rồi ôm lấy em mà lội vô bờ. Lên tới bờ, em muốn xỉu, nhưng cũng ráng dòm coi anh Tốt ở đâu? Coi ảnh có bị gì hông? Em thấy anh đang đứng trên bờ, lo cởi giầy cởi áo, lau người thì cũng đỡ lo. Bà con lối xóm đi coi thấy em được cứu, người ta mừng quính, la lên:
” Cô dâu được cứu rồi . . . Cô dâu xỉu rồi, mau đem vô nhà đám cứu tỉnh . . .”
Lúc đó ghe hai bên nhà trai nhà gái cũng cặp bến được rồi, ông bà giả ảnh cũng nhào lên, đỡ em vô nhà đám. Ba má em lo đi lấy khăn quấn cho em, kiếm quần áo khác cho em thay, hỏi em có sao hông? Bà con chòm xóm cũng bụ lại hỏi thăm em. Em chờ hoài mà hổng thấy anh Tốt đâu hết trơn, làm em tủi thân, em khóc quá chừng. Chuyện chèo ghe chìm xuồng ở xứ này, bữa nào cũng có, nhưng em thấy rõ ràng anh Tốt không có lo cho em, ảnh chỉ lo cho mình ên ảnh thôi. Chính cái miệng ảnh nói sẽ lo cho em suốt đời, vậy mà thấy em bị chìm xuồng, bỏ luôn hồng thèm cứu, đã vậy, em lên tới bờ cũng hổng thèm chạy lại hỏi thăm, coi em có bị gì hông? Người gì mà ác nhơn ác đức quá trời đi. hỏi sao em không buồn cho được.
Một hồi sau, cả hai gia đình tụ tập lại hết rồi, anh Tốt cũng đã thay đồ mới rồi, lúc đó ảnh mới tới hỏi thăm em. Em có hỏi ảnh:
” Anh có thấy tui bị chìm hông? Anh có nghe tui kêu anh cứu tui hông?
Ảnh trả lời tỉnh như không:
” Anh thấy, nhưng nghĩ rằng em biết lội, tự lội vô bờ được, đâu cần anh lo đâu! Mà hồi sau cũng đã có mấy người nhẩy xuống cứu em đưa lên bời rồi, nên anh mới lo đi thay đồ đặng lát nữa làm đám cưới tiếp. Sao em không đi thay đồ đi mà còn ngồi đó, để trễ giờ rồi.”
Em giận quá chừng là giận, nói với ảnh:
” Anh lo cho tui cái kỉểu đó đó hả? Anh đã hổng cứu tui, giờ còn bắt lỗi tui sao hổng đi thay đồ hả? Nếu không có người ta cứu tui, tui chết chìm rồi, lấy ai cho anh làm đám cưới. “
Em vô trong nhà thay đồ, lấy bộ đồ thường ra bân, chứ hổng chịu bận đồ mới. Tới khi ba má ảnh đứng lên chào bà con rồi kêu em ra lạy bàn thờ ông Tổ, em một mình đứng lên nói với ba má ảnh và ba má em, nói với chòm xóm:
“Thưa ba má, các bác, các dì, bữa nay là đám cưới của con với anh Tốt. Hồi làm đám nói, con có thưa với ba má và anh Tốt, ảnh phải bảo bọc được đời con thì con mới ưng ảnh. Bữa nay, con bị chìm xuồng, con kêu ảnh cứu con, ảnh hổng thèm cứu con, lo lội lên bờ mình ên. Tới khi con được cứu lên bờ rồi, ảnh cũng hổng thèm tới thăm, dòm ngó coi con còn sống hay chết.
Hên là con được người ta cứu, chứ nếu không, con chết mất rồi, đâu còn đứng đây mà làm đám cưới. Cũng hên là con thấy cái bản mặt của ảnh ra sao trước khi làm đám cưới. Nguời như ảnh, làm sao lo cho con, bảo bọc được đời con?
Con xin ba má hai bên, bỏ qua cái đám cưới này đi. “
Em day qua anh Tốt, nói với ảnh:
” Anh Tốt, bữa đám nói, anh hứa lo cho tui, bảo bọc đời tui. Vậy mà bữa nay, tui bị chìm xuồng, anh lo mình ên anh, hổng thèm cứu tui, cũng hổng thèm dòm coi tui sống chết ra sao. Tui . . . hổng lấy anh nữa đâu. Nè, cà rá của anh nè, tui trả lại cho anh đó.”
Em nói một hơi, anh Tốt đứng xụi lơ, ba má ảnh cứng họng hổng ngồi một đống, hổng nói được một tiếng. Tới khi thấy em trả lại cái cà rá, ổng bả hoảng quá, chạy lại ôm em, khóc:
Con ơi, con thưong ba má đi, ai đời đám cưới mà nói gì tùm lum vậy. Vợ chồng có gì mai mốt đóng cửa chỉ biểu nhau, làm gì mà con làm dữ vậy con.
Thôi con bớt giận đi, làm đám cưới cho rồi đi?”
Ba má em thấy em đứng xững, hổng thèm trả lời ba má anh, ổng bả hổng hiểu cho em, còn nổi giận, la em:
” Mày dám từ hôn bữa nay hả? Thằng Tốt nó thấy mày được cứu rồi, thì nó lo đi thay đồ chứ còn gì nửa mà bắt lỗi nó. Mày mà hổng chịu làm đám cưới bữa nay, tao . . . từ mày luôn đó.”
Em hổng nói gì thêm, xá ba má ảnh, ba má em rồi bỏ đi về.
Bà con lối xóm bu theo em, người thì nói em có lý, chồng cỡ đó bỏ đi là phải, người thì nói em xui xẻo quá . . . tùm lum hết. Em cứ lặng thinh bỏ đi một nước. Đang đi, chợt em thấy mặt thằng Thìn, em mới hỏi nó:
“Mày có thấy hồi nầy. . . ai cứu tao hông?”
Thằng Thìn chỉ người con trai đứng kế bên, đang cởi cái áo lính vắt nước cho khô:
“Thằng này nè.”
Em nhìn người con trai, xụp xuống lạy ảnh một lạy:
“Tui thiếu anh một mạng đó.”
Rồi đứng lên đi ra bờ sông kiếm ghe về nhà.”
. . . . . .
Kể tới đó, Lan nắm tay Bôn, cười như mắc cỡ.
Bôn tiếp lời vợ:
“Thiếu úy biết hông, bữa đó, Tiểu đoàn được về hậu cứ nghỉ, cho đi phép 24 tiếng. Em về Cần Thơ hổng kịp, nên đi theo thằng Thìn về nhà nó chơi.
Về tới nhà, ba má thằng Thìn cho hay, bửa nay con Lan kế bên làm đám cưới. Thằng Thìn nói với em:
“Vậy là trúng mối rồi, tao với mày đi . . . ăn ké cho vui.”
Nó dẫn em ra bờ sông, dòm nhà trai nhà gái rước râu bằng ghe, cũng ngồ ngộ. Đang coi thì thấy có chiếc ghe máy chạy ngang, làm sóng lớn lật chìm luôn chiếc ghe cô dâu. Em thấy người ta bị té dồn cục dưới nước, lội lủm chủm, có người lội không nổi, muốn chìm, em kêu thằng Thìn:
“Mau cứu người ta, cởi giầy ra lẹ lên . . .”
Em và thằng Thìn nhào xuống sông lội một hơi, thấy một cô coi bộ muốn chìm lỉm, em lội tới đỡ đưa cô vào bờ rồi lội trở ra phụ thằng Thìn cứu thêm người khác. Tới khi tất cả đã được cứu rồi, tụi em mới lên bờ, cởi áo cới vớ lau mặt lau người chờ khô. Đang đứng xớ rớ, tự nhiên có một ai đó tới kế bên xụp xuống lạy em một lạy, làm em hoảng quá, nhẩy nai, hổng hiểu chuyện gì hết?
Khi cô đó đi rồi, thằng Thìn mới cho em hay:
“Mày hổng nhớ hả? Con nhỏ đó là . . . Cô dâu hồi sáng đó. Nó bị chìm xuồng, chính mày cứu nó đưa vô bờ đó. Thằng rể cũng bị chìm xuồng cùng với cô dâu, nhưng lo lội vô bờ mình ên, hổng lo cho nó, nó tức quá, lên tới bờ, nó . . . từ hôn, hổng thèm lấy thằng đó nữa.
Nó mới đi ngang, hỏi tao ai cứu nó? Tao chỉ mày, nên mới xụp lạy mày cám ơn cứu mạng đó.”
Quần áo khô đỡ rồi, tụi em thả bộ ra chợ ăn uống đầy một bụng, tính đi về nhà thằng Thìn ngủ một giấc, ngày mai đi trình diện Tiểu đoàn.
Về ngang qua chòm cây gần bờ sông, thằng Thìn chợt thấy có bóng người đang ngồi chu hu dựa gốc cây. Nó thọc cùi chỏ em:
Giờ này mà còn ai ngồi bờ sông coi bộ buồn hiu dzậy! Tới coi coi . . .
Tới gần, thằng Thìn dòm cô gái một hồi, cái mặt nó cũng buồn hiu, nói nhỏ với em:
“Con nhỏ Lan chớ ai, con nhỏ cô dâu hồi sáng đó. Chắc nó đang buồn vì đám cưới của nó hổng xong, nên mới ra đây ngồi đó. Mình tới nói với nó vài tiếng cho nó đỡ buồn đi, chứ để nó buồn, nó dám . . . nhẩy sông chết, uổng công mày cứu nó hồi sáng.
Tụi em tới nơi nói chuyện, Lan dòm thằng Thìn một cái rồi dòm tiếp ra mé sông, hổng muốn nghe mà cũng hổng trả vốn trả lời gì hết. Một hồi sau Lan mới nói tâm sự của mình ra, buồn vì tưởng lấy được người chồng xứng đáng, bảo bọc được cuộc đời của mình, ai dè đụng chuyện mới biết anh ta chết nhát, chỉ biết lo cho thân mình. Lan buồn vì tình duyên, mắc cở với chòm xóm, lại bị cha mẹ từ, cô muốn bỏ xứ mà đi cho rồi, nhưng lại sợ ba má buồn, nên hổng biết làm sao.
Em mới khuyên Lan:
“Cô đừng có buồn ba má. Tại ba má cô thương cô, lo cho tưong lại của cô vậy thôi. Ai cũng có số mạng, biết đâu sau này anh Tốt suy nghĩ lại, sẽ biết thương, biết lo cho cô.”
Lúc đó Lan mới ngó qua em, hỏi em:
“Anh là . . . ai, mà bữa nay đi ngang đây dzậy? Anh hổng quen hổng bíêt gì tui, khi không nhẩy xuống cứu tui . . . chi dzậy? Anh coi bộ . . . gan cùng mình đó. Hồi nẫy, tôi có . . . xá cám ơn anh rồi đó, anh nhớ hông?”
Em trả lời Lan:
“Thấy ai bị nạn thì mình cứu, đâu có cần quen biết gì đâu. Đánh trận với Việt cộng, sống chết mỗi ngày mà tui còn hổng ngáng, thì nhằm nhò chi mấy cái lẻ tẻ cứu người đó mà cô phải cám ơn tui . . .”
Kế đó, em mới nói cho Lan biết, em tên gì? Ở đâu?
Em nói một hồi, hổng biết nói gì thêm, ngồi lặng thinh. Lan nghe tới hết, cũng ngồi làm thinh. Thằng Thìn chạy đi đâu mất tiêu, chỉ còn em với Lan ngồi đó. Lan ngồi một hồi, ngó lên nhìn em, vui vẻ cười nói:
“Ngộ há! Anh dám nhầy xuông sông cứu tui, lại nói . . . Nhằm nhò chi. Tui . . . phục anh thiệc đó. Bộ anh hổng có biết ba má anh là ai hết hả? Buồn quá dzậy! Sao hổng . . . lấy dzợ đi, có người lo cho anh?
Em cũng cười lớn, nói với Lan:
“Tui như cục đá từ trên trời rớt xuống, hổng có bà con, hổng có cha mẹ gì ráo . . . Cái mạng cùi của tui, tui còn lo hổng xong, nói chi tới lấy dzợ. Tui bây giờ là . . . Tứ Hải Giai Huynh Đệ, đâu cũng là nhà, có mấy thằng bạn lính là dzui rồi, hổng cần gì khác hết.”
Hai đứa cùng cười thiệt là vui. Lan lại ngồi bó gối suy nghĩ một hồi nữa, chợt nói với em:
“Anh Bôn, tui . . . thiếu anh một mạng, mà tôi cũng . . . phục anh lắm. Anh mới là người có thể bảo bọc cho đời tui . . . Tui . . . Chịu anh đó . . . Anh . . . chịu . . . anh chịu . . . tui hông?”
Em nghe cổ nói, mới dòm kỹ lại cổ. Lan coi bộ trắng trẻo, dễ thương . . . Mà cổ coi bộ cũng là . . . thứ thiệt, dám nói dám làm. Hổng ưa ai ai thì dám nói hổng ưa, mà thương ai thì cũng dám nói là thương. Em chịu thứ con gái như vậy, chứ hổng thích cái thứ nhỏng nhẽo làm bảnh.
Em dòm Lan, nắm tay Lan, từ từ nói:
“Tui có mình ên, không bà con chòm xóm, cuộc đời chưa biết đi về đâu, Lan dám . . . chịu tui hả?”
Lan cũng nắm lấy tay em, nói:
“Em phục ai thì lấy người đó. Anh là người hổng nói nhưng mà dám làm. Em chịu anh là như vậy đó.”
Em vẫn còn ngại ngùng, nói với Lan:
“Anh hổng có ba má đứng làm đám cưới, ba má em . . . có chịu hông?”
Lan nhìn em, trả lời liền:
“Hễ mình thương nhau là có ông Trời chứng giám, mấy cái chuỵện nhỏ đó, để em lo cho.”
Vậy là tụi em hứa với nhau. Lan dẫn em về ra mắt ông bà già:
“Thưa ba má, đây là anh Bôn, người cứu sống con hồi sáng. Tụi con gặp nhau, nói chuyện với nhau hạp lắm, rồi tụi con . . . thương nhau. Con muốn . . . lấy ảnh.”
Ba má Lan cùng với bà con đã mời dự đám cưới hồi sáng đã tụ tập về nhà đông đủ, chưng hửng nhìn tụi em. Một hồi sao, ba má Lan mới nói:
“Mới hồi sáng đây, mày từ hôn với thằng Tốt, giờ đem đứa khác về đây đòi cưới? Bộ tụi bay quen biết với nhau trước, rồi . . . dàn cảnh chọc tức ba má hay sao đây?”
Hai đứa em ngồi xuống nói chuyện với ba má suốt buổi chiều. Anh Bôn thưa ngày mai sẽ về Tiểu đoàn làm đơn xin cưới vợ. Chừng nào được phép, sẽ tổ chức đám cưới, mời ba má bà con lối xóm. Ba má em hổng biết làm sao, nhưng thấy anh Bôn hiền lành dễ thương, có gan cứu tử em, thì ba má em cũng đành chấp nhận.
Sẵn đồ ăn tiếp nhà trai còn dư hồi sáng, ba má em dọn ra, mời bà con . . . ăn cưới luôn, vui hết sức vậy đó.
Sẵn ba má em đang vui, em cũng xin ông bả cho em theo anh Bôn về đơn vị xin chổ ở, mai mốt được cấp nhà ở, sẽ làm đám cưới luôn.
Bôn tiếp lời :
” Em đưa Lan về nhà Dượng Há, dượng của Lan, và cũng là Tiểu đội trưởng của tụi em, đặng nhờ ổng giúp đỡ. “
Vừa mới bước vô, Dượng Há nắm cứng lấy hai người lính, giọng nói lạnh tanh:
“Tụi mày đi đâu mà tao kiếm quá trời hổng ra. Tiểu đoàn phải đi hành quân gấp, đang cho Quân cảnh đi kiếm hết tụi bay về đó, vô trại với tao liền đi. Còn con Lan, sao mày lại đi chung với hai cái thằng trời đánh này?
Lan nghe ông duợng la lối om xòm, hoảng quá, vội vàng chỉ em nói với dượng:
” Dượng à, anh Bôn . . . là chồng mới của con đó. Con . . . ưng ảnh, ba má con cũng chịu rồi, tụi con tới gặp dượng đặng nhờ dượng làm đơn xin phép cho ảnh làm đám cưới với con đó.”
Dượng Há đứng chết trân dòm hai đứa tụi em. Dì Há nghe la lối, cũng ở phía sau chạy lên. Khi nghe Lan nói, dì Há cững đứng chắp tai sau đít dòm hai đứa tụi em, rồi cười nói:
“Hai đứa tụi bay như dzầy mới xứng. Chứ máy lấy cái thằng Tốt gà chớt đó mà coi sao cho đặng ! ”
Dượng Há lúc giờ mới chêm vô:
“Thấy ghe bay bi chìm, tao cũng có nhẫy xuống cứu bay, lên tới bờ, nghe mày từ hôn thằng Tốt, tao . . . chịu lắm. Thằng chồng gì mà thấy con vợ bị chìm, sợ chết hổng dám cứu, lên tới bờ cũng hổng thèm dòm. Thứ chết nhát đó, đem bỏ trôi sông cho rồi chớ lấy làm chồng sao được. Khi thấy mày đi dzìa, tao thấy cái đám cưới coi như là hổng có nữa, nên tao cũng dắc dì mày đi dzìa luôn.
Thằng Bôn trọc này thì được lắm, nhưng mà nó đâu có bao giờ đi cua gái đâu, mà cũng hổng phải dân Bạc Liêu mình, sao mà mày . . . dzớt được nó hay dzậy?
Mà thôi, trễ giờ rồi, xe GMC sắp lại đây rồi đó, tụi mày vô trại hết đi, mai mốt gặp ông Thiếu úy Nam, muốn nói gì thì nói dzới ổng.”.
Em nghe ổng hối, không biết tính làm sao:
“Nhưng mà còn con dzợ của con đây, con đâu biết để nó ở đâu bây giờ?”
Dượng Há cũng hổng biết làm sao, gấp quá rồi:
“Thì . . . đi hết vô trại đi, rồi tính sau.”
Em kiếm trong ba lô bộ đồ rằn ri đưa cho Lan bận vô, lấy đôi giầy và cái nón sắt cũ của dượng Há mang vô, coi cũng . . . ngầu lắm. Lan khoái chí đi tới đi lui ngắm mình trong gương. Vừa xong là xe nhà binh chạy lại gôm hết tụi em vô trong trại. Lan di theo tụi em hành quân từ bữa đó, tới mấy bữa sau mới lên trình diện Thiếu úy Nam, ổng la tụi em quá trời, nói phải trả Lan về hậu cứ trong chuyến tiếp tế tới . . .
Nghe xong câu chuyện tình của Bôn và Lan, tôi mỉm cười nhìn cả hai:
“Câu chuyện tình thật đẹp. Hai người thật xứng đôi vừa lứa, anh chúc cho hai em thương nhau trọn đời, sống với nhau suốt đời suốt kíếp. Anh chỉ ghé đây có bữa nay, mai lại đi nữa rồi, có thể không có dịp gặp lại hai em nữa đâu. Hai em có muốn anh giúp chuyện gì không? Anh sẽ ráng làm trong khả năng của anh.”
Bôn và Lan nhìn nhau, một lúc sau, Bôn ấp úng nói:
“Thiếu úy, tụi em mới gặp Thiếu úy, tự dưng . . . có cảm tình với Thiếu uý nhiều lắm. Sẵn Thiếu úy hỏi, tụi em hổng dám, nhưng ngày mai tụi em làm đám cưới, nhỏ nhỏ thôi, Thiếu úy có thể . . . làm anh lớn của em, đai diên bên nhà trai, đặng tụi em làm đám cưới, được không Thiếu úy?”
“ Được quá đi chứ! “ Tôi trả lời ngay.