CUỘC ĐỜI CỤ PHAN BỘI CHÂU (Hải Lê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhiều người thần tượng Nguyễn Sinh Cung, tôi thì không. Nó đã bán tất cả các vị chí sĩ cho Pháp để lấy tiền. Bài viết dưới đây tôi viết khi còn ở Việt Nam, biên khảo về cuộc đời Phan Bội Châu và có điểm qua “thương vụ” của Cung bán (theo nghĩa đen) cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp. Sự yêu ghét là tuỳ mỗi người, tôi cũng có lòng yêu ghét như anh em, và tôi coi thằng Cung là cỏ rác, vì nó là kẻ bán bạn cầu vinh rất đáng chê.(H.L)

May be an image of 1 person

Nguyễn Sinh Cung lúc lấy nickname là Tống Văn Sơ

May be an image of 1 person

Cụ Phan Bội Châu chụp hình kỷ niệm ở Huế

Phan Bội Châu đáng giá bao nhiêu tiền?
1. Tuổi thơ dữ dội
Phan Bội Châu, sinh năm 1867, sau khi Pháp tấn công Đà Nẵng gần mười năm, lớn hơn Phan Châu Trinh vài tuổi, lớn hơn cố tổng thống Ngô Đình Diệm ba mươi bốn tuổi. Quê Nghệ An, đồng hương với Nguyễn Sinh Sắc. Gia đình bình thường, không có gì nổi bật.
Tuy vậy, Phan Bội Châu là một thần đồng có trí nhớ phi thường, có thể nhìn qua là nhớ, nghe một lần là thuộc lòng. Ưu điểm này cực kỳ thích hợp với kiểu học tầm chương trích cú của Nho giáo. Cho nên từ nhỏ tài học của Phan Bội Châu đã vang danh khắp nơi, đến mức người ta còn truyền miệng rằng Phan Bội Châu là thánh nhân đản sinh ra cứu dân cứu nước.
Năm 1879, mười ba tuổi, có lẽ chưa dậy thì, mà bạn Châu đã lều chõng đi thi học sinh giỏi toàn huyện và đậu giải nhứt. Phan Bội Châu có thiên hướng chính trị từ nhỏ, thích nghe người lớn nói tin tức thời sự, đôi lúc cũng luận bàn.
Năm mười bảy tuổi, biết tin ngoài Bắc người ta làm quốc sự là nổi dậy đánh Pháp (khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám), Phan Bội Châu cũng thấy rừng rực trong người, muốn ra tay kinh bang tế thế, liền viết một bài hịch kêu gọi khởi nghĩa lén dán ở cây đa đầu làng. Tất nhiên người lớn sợ hãi xé bỏ, không ai theo lời hịch đó mà khởi nghĩa sất. Tuy thất vọng nhưng chưa bỏ cuộc, còn mưu đồ lớn lắm.
Năm mười chín tuổi, tự mình kêu gọi được hơn sáu chục thanh thiếu niên, chủ yếu là mấy học trò choai choai. Phan Bội Châu lấy câu phò vua giúp nước, đánh đuổi ngoại xâm, truôi rèn cho cả bọn một lý tưởng lớn lao, đứa nào đứa nấy đều hùng tâm dũng chí, muốn diệt sạch giặc thù. Sau đó, cả bọn tự gọi nhóm mình là Thí Sinh quân, là Sĩ tử Cần Vương, tự trang bị thô sơ bằng gậy gộc và nông cụ, định khởi nghĩa vũ trang. Nhà cầm quyền Pháp biết được nên tới trấn áp, nhìn thấy mấy thiếu niên nhỏ tuổi thì cho là chuyện con nít, chỉ bợp tai đá đít rồi giải tán cho về, bắt gia đình cam kết quản lý chặt chẽ. Cuộc cách mạng thứ nhất của Phan Bội Châu ngắn ngủi thế đó.
Bình: Cuộc khởi nghĩa của bọn trẻ, có khi làm cho người lớn cười chê rằng đó là trò ấu trĩ. Tuy nhiên, đã có mấy ai đã làm được như Phan Bội Châu? Trong lịch sử nước ta, tuy không thiếu anh hùng hào kiệt, nhưng tuổi trẻ chí lớn như Phan Bội Châu chắc chỉ có Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mười sáu tuổi phấp phới lá cờ vàng thêu sáu chữ, hay Triệu Thị Trinh mười chín tuổi vào núi Nưa dựng cờ đuổi Hán, mới đáng kể mà thôi. Thực là chí lớn chẳn lọ dài râu!
2. Chừng nào thánh đế ân soi thấu?
Sau đận khởi nghĩa bất thành, Phan Bội Châu bị gia đình quản lý nghiêm ngặt. Sau đó còn bắt cưới vợ sinh con, như thể dùng vợ con làm chão thừng ràng buộc ông vậy. Bất đắc chí, ông chẳng còn hứng thú chuyện học hành thi cử, cứ dở dở ương ương một thời gian rất lâu. Thời gian này ông có đàn đúm tới nhà nhậu nhẹt ít nhiều với Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó, gia cảnh suy sụp, Phan Bội Châu phản tỉnh, chăm lo việc nhà, đi dạy học để kiếm thêm tiền sinh hoạt cho vợ con. Rồi ông dùi mài lại kinh sử để đi thi, bề ngoài tạm gác chuyện nước non qua một bên. Lận đận như vậy suốt mười bốn mười lăm năm, Phan Bội Châu thi đậu giải nguyên năm 1900.
Tuy nhiên, gia đình vợ con ông cũng chẳng được nhờ. Cái chí vá trời lấp biển bị chôn dấu, khác nào đem chim đại bàng mà nhốt vào cái lồng nan nho nhỏ, sớm muộn gì cũng phải thoát ra. Sau mười lăm năm ẩn mình, Phan Bội Châu lại có dịp gặp được các trí thức tiến bộ như Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Đặng Tử Kính… ngọn lửa phò vua giúp nước trong ông lại bùng lên dữ dội. Ông không ra làm công chức, mà lại dấn thân đi khắp cả ba kỳ để kết giao bằng hữu, tìm người chung chí hướng để làm cuộc cách mạng cho dân tộc. Phan Bội Châu đi khắp nơi ròng rã năm năm, gặt hái được nhiều thành quả về quan hệ và tư tưởng. Phan Bội Châu vẫn chủ trương phải dùng lực lượng vũ trang để đánh đuổi người Pháp, khôi phục tự chủ. Ông cùng các bạn lập một hội quốc sự, gọi là Duy Tân hội. Lưu ý, hội Duy Tân này khác phong trào cải cách Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng sau này.
Cũng cần phải nhắc đến phương châm “giao kết giáo đồ” của Phan Bội Châu, vận động nhân sĩ trí thức Công giáo ủng hộ và tham gia phong trào. Chính lực lượng này ủng hộ khá đắc lực về nhân sự và tiền bạc cho phong trào Đông Du sau này.
Ngoài ra, noi theo các mô hình khởi nghĩa trong sử sách, là cần có một vị minh quân thuộc dòng dõi hoàng thất làm người lãnh đạo, hiệu triệu dân nước, nên Phan Bội Châu cùng các bạn tìm tới cháu trực hệ bốn đời của hoàng tử Cảnh, để tôn lên làm hội chủ. Tuy nhiên ông này viện lý do đã lớn tuổi nên không tham gia, mà cho con trai mình là Cường Để đi theo Phan Bội Châu. Cường Để tuy hưởng tập ấm là hầu tước, nhưng gia cảnh cũng không khá giả mấy, dù vậy vẫn có cốt cách quý tộc. Cường Để chính thức là hội chủ trên danh nghĩa của Duy Tân hội từ lúc này, tức năm 1905.
Phan Bội Châu khi này đã ba mươi chín tuổi, sự nghiệp chính trị mới bắt đầu nhen nhóm lại sau hai mươi năm gián đoạn. Nghe biết về thời đại Minh Trị ở Nhật Bản, nên ông cùng các bạn đi Nhật để tham quan và tìm đường áp dụng cho nước mình. Tại Nhật, các ông gặp Lương Khải Siêu, trao đổi bằng bút đàm (chữ Nho). Sau đó Phan Bội Châu còn gặp được nguyên thủ tướng Nhật là Inukai Tsuyoshi và được khuyên nhiều điều bổ ích.
Sau khi Phan Bội Châu cùng các bạn về nước, Duy Tân hội vạch ra các việc cần làm trước mắt:
– Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hội chủ Cường Để
– Tìm nguồn kinh phí hoạt động
– Tạo nguồn nhân lực chất lượng
Chỉ khi đáp ứng được ba việc trên, thì mới mong gầy dựng được một hội lớn mạnh, và có thể tạo ra một lực lượng có khả năng khởi nghĩa vũ trang ở một tương lai xa. Chương trình hành động của Duy Tân hội lần lượt để thực thi các việc trên: đưa hội chủ ra nước ngoài, lập ra các nghiệp đoàn và hội đoàn về nông nghiệp – thương nghiệp – thợ thuyền, đưa thanh niên sang Nhật du học…
Bình: kể cả Phan Châu Trinh cũng cho rằng việc Phan Bội Châu lập Cường Để là thủ cựu và bảo hoàng. Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ khác, ta chỉ có thể nói Phan Bội Châu có chút hoài cổ, vì đối tượng mà nhà chí sĩ hướng đến chính là những người dân còn tinh thần trung quân ái quốc. Nếu Phan Bội Châu bảo hoàng, là bảo hoàng trên danh nghĩa mà thôi. Kỳ thực, Cường Để cũng như một hình nộm để người dân trông vào ngưỡng vọng. Trong giai đoạn lịch sử liên quan tới Cường Để, chỉ có một mình Thượng thư Ngô Đình Diệm là thực tâm muốn tôn ông hoàng thân này lên làm vua, cho hợp đạo chính danh Nho giáo. Về chuyến đi Nhật này, sử cộng sản cho rằng cụ Châu đi xin viện trợ quân sự, để minh hoạ cho lời ông Minh chê bôi sau này (“Đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau!”). Nhưng một người tuổi đã trưởng thành như chí sĩ Phan Bội Châu, nằm gai nếm mật hai mươi năm, thì dù cho nhiệt tâm khởi nghĩa đến đâu cũng không thể có suy nghĩ giản đơn như vậy. Bởi lúc đó, Duy Tân hội vừa thành lập, chỉ có hơn hai mươi thành viên, gần như là một hội kín, chưa có uy tín gì với quốc dân, chưa có thanh thế hay phương hướng hoạt động gì rõ nét. Việc chí sĩ Phan Bội Châu cùng các bạn đi China rồi đi Nhật, là một hình thức “tìm đường cứu nước”, kết giao nhân sĩ, tìm tư tưởng và tìm nguồn trợ lực. Cụ Châu có tiến bộ hơn cụ Phan Châu Trinh một điểm, là không dấn thân vào quan trường, và đã đi ra nước ngoài trước cụ Trinh.
3. Đông Du, đưa nhân tài đi du học Phù Tang
Phan Bội Châu qua lại Nhật Bản và Việt Nam như con thoi, vận động cho việc đưa thanh niên sang Nhật học hành. Tiêu chuẩn chọn người của phong trào Đông Du đại khái là chọn thanh niên hiếu học, có chí cứu nước, chịu được gian khổ. Trong một thời gian ngắn, đã có hơn hai trăm thanh niên được sang Nhật du học các ngành khoa kỹ và binh bị. Họ sống chung trong đoàn thể, chịu uốn nắn bởi kỷ luật nghiêm khắc và ý thức cứu nước cao độ.
Phong trào Đông Du được quốc dân ủng hộ, cả ba kỳ đều có người du học và mạnh thường quân hiến tặng tiền bạc. Đặc biệt tư tưởng canh tân này được dân Nam kỳ hoan nghênh nhiều nhất, bởi dân Bắc và Trung kỳ vẫn còn nhiều người thủ cựu ưa thích nền giáo dục khoa cử của Nho giáo. Tiền học và sinh hoạt phí của du sinh cũng được dân trong nước quan tâm đặc biệt. Có lúc Phan Bội Châu nhận được số tiền quyên góp tới 100 000 đồng Đông Dương (Piastre). Nên nhớ, lúc đó triều Nguyễn có dự trữ cao ngút, tiền Đông Dương có tỉ giá cực cao, một đồng piastre ăn khoảng năm franc Pháp (thay đổi theo năm do chính phủ Pháp điều khiển, nhưng năm 1926 vào khoảng 1 piastre ăn 4.5 franc). Lương giáo viên tiểu học khi đó khoảng 60 đồng piastre/tháng. Bạn nào liên tưởng tốt có thể hình dung giá trị của sự ủng hộ của quốc dân khi đó dành cho phong trào Đông Du là lớn tới mức nào.
Lúc này, tư tưởng và mục tiêu kháng Pháp của các du sinh Đông Du rất rõ nét. Hoàng thân Cường Để cũng học trong trường Chấn Võ, là trường Lục quân Tokyo. Trong nước, các hiệp hội nông – công – thương nghiệp được thành lập khắp nơi. Duy Tân hội như một hội nửa kín nửa hở, thanh thế rất lớn ở cả ba kỳ, danh tiếng và phạm vi hoạt động lan sang tận Lưỡng Quảng và Nhật Bản. Uy tín của Phan Bội Châu cực cao, quốc dân đều ngả lòng theo, cụ còn giao kết với những nhân vật thời danh lúc đó như Tôn Trung Sơn, Hoàng Khắc Cường… Mật thám Pháp cũng đánh hơi được mùi thuốc súng từ tổ chức Duy Tân hội, theo dõi gắt gao, nhưng không bắt thóp được điều gì, bởi bề ngoài, Duy Tân hội là một phong trào tiến bộ giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, được dân ủng hộ nồng nhiệt. Chính vì thế, Duy Tân hội và phong trào Đông Du gây nên nhiều áp lực cho Pháp.
Cơ trời vần vũ, dân Việt đành gặp cảnh tai ương thêm nữa, khi mà lứa trái ngọt đầu tiên của phong trào Đông Du chưa kịp thu hoạch, thì Nhật và Pháp đạt được với nhau một số thoả thuận, trong đó có việc đuổi học hơn bốn trăm du sinh Annam và trục xuất tất cả ra khỏi nước Nhật. Công trình tim óc suốt mấy năm trời của Phan Bội Châu bỗng chốc tan tác, vào cuối năm 1908 và đầu năm 1909. Bao nhiêu kỳ vọng và tiền bạc của đồng bào trong nước trở thành gió thoảng mây bay. Còn đau đớn uất hận nào hơn?
Bình: Cách đây một trăm năm lẻ, mà Phan Châu Trinh thì đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, Phan Bội Châu thì “thay máu” cho dân tộc bằng cách đưa người đi mở mang trí óc ở nước ngoài. Chỉ một lời kêu gọi mà trăm vạn người hưởng ứng, cho thấy đất nước ta có đủ nguyên khí để trở nên độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Ấy vậy mà sự tự chủ chỉ vừa mới kết tinh lại nơi Đệ nhất Cộng Hoà, như đứa trẻ mới sinh còn chưa ráo máu, mà những người trong nước vì theo chủ nghĩa cộng sản ngoại lai đã phá bĩnh tan hoang, đến nỗi cả hai miền đều trở thành con cờ cho ngoại bang thao túng, để rồi khi bàn cờ của các cường quốc đánh xong một ván, áp dụng chủ nghĩa cộng sản làm cho đất nước điêu tàn, kinh tế trì trệ, dân trí kém cỏi tới tận ngày nay, hầu hết quốc dân vẫn là những kẻ ngu khu đen, không biết gì về dân chủ và nhân quyền, sống cuộc đời tăm tối mong manh mà tưởng đang ở thiên đường xã nghĩa.
4. Lưu vong sang Thái lập căn cứ, Việt Nam Quang Phục hội, chính phủ lâm thời Cộng Hoà Dân quốc Kiến lập Việt Nam
Phong trào Đông Du bị chấm dứt, các du sinh tan đàn sẻ nghé, lớp thì thối chí về nước, lớp thì tiếp tục tự lực con đường học bằng cách sang nước khác, lớp thì tìm cách trốn lại Nhật, còn một số lớn thì đi theo Phan Bội Châu tiếp tục con đường làm quốc sự.
Phan Bội Châu từ lúc này thấy việc trông cậy vào người Nhật dựa trên cơ sở “đồng văn đồng chủng” thật quá viễn vông, nên nhà chí sĩ bỏ ý tưởng nhờ vả nước Nhật, quay trở lại tinh thần tự lực tự cường. Một mặt, ông vẫn kiên trung con đường cách mạng vũ trang, mặt khác, ông bắt đầu thấm nhập các tư tưởng dân chủ của phương Tây, không còn hướng việc cứu nước đi theo con đường quân chủ nữa.
Chí sĩ Phan Bội Châu từ Nhật trở lại Quảng Đông, rồi lần lữa tới cuối năm 1910 đi sang Xiêm La, dắt khoảng năm mươi du sinh theo cùng. Lúc này, Xiêm là đất trung lập, nằm ngoài phạm vi thao túng của Pháp. Chính phủ Xiêm cấp cho đoàn lưu vong của Phan Bội Châu khoảng ba mươi mẫu đất rừng núi ở miền trung nước Xiêm để họ cư ngụ, nơi đó gọi là Bạn Thầm, ngày nay thuộc tỉnh Phichit, Thái Lan.
Hoạt động của các chiến sĩ trong căn cứ, chủ yếu là rèn khí giới, luyện võ nghệ, tìm hiểu về súng ống và tạc đạn, học tập về binh pháp… Tất nhiên, để sinh tồn, họ phải lao động quần quật, cày cấy chăn nuôi, kiếm củi hái trà, đủ mọi việc gian lao tân khổ. Tiếp tục như vậy gần một năm, thì cách mạng Tân Hợi thành công ở China (1911), Tôn Trung Sơn ngỏ ý với những bạn bè của Phan Bội Châu đề nghị cụ Châu quay lại Quảng Đông hoạt động. Lúc này, tình hình căn cứ khó khăn, chỉ có ba mươi đồng đủ mua hai vé tàu thuỷ từ Băng Cốc tới Hương Cảng, Phan Bội Châu cùng với Đặng Tử Mẫn phải đi bộ từ Bạn Thầm tới Băng Cốc, quãng đường xấp xỉ 400 cây số. Trên đường, họ phải ăn mày để có thể đi tới Băng Cốc (ăn mày theo nghĩa đen). Thời điểm này, Phan Châu Trinh bị cho lưu vong sang Pháp, Nguyễn Sinh Sắc lang bạt kỳ hồ ở miền Nam, Nguyễn Sinh Coong cũng lót tót tìm đường qua Pháp nương nhờ Phan Châu Trinh.
Sau khi ở Quảng Đông một năm, tìm hiểu kỹ về tư tưởng và phương thức hoạt động của Tôn Trung Sơn và đảng Quốc Dân, Phan Bội Châu cùng các bạn đổi đường lối hoạt động của Duy Tân hội thành một tổ chức hoạt động vũ trang, gọi là Việt Nam Quang Phục hội, phạm vi hoạt động tại Lưỡng Quảng, hỗ trợ cho phong trào trong nước tiền bạc, vũ khí và tuyên truyền. Hội mới này từ bỏ con đường quân chủ, hướng đến mục tiêu dân chủ, lập nhà nước cộng hoà, gọi là Cộng hoà Dân quốc Kiến lập Việt Nam, có cả chính phủ lâm thời do hoàng thân Cường Để đứng đầu.
5. Cực đoan hoá, vào tù ra khám
Lúc này, một số nhân vật nòng cốt của phong trào trong nước bị Pháp bắt, nhiều chương trình bị bóp nghẹt, sách vở báo chí tuyên truyền bị tịch thu, các hội đoàn bị giải tán. Tình hình cách mạng trong nước khó khăn trăm bề. Nhận thấy phải tăng cường hoạt động theo hình thức bạo động, Phan Bội Châu cùng các bạn chuẩn bị võ khí đạn dược và cử các chiến sĩ về nước để ám sát viên chức Pháp và đánh tạc đạn các trụ sở của Pháp trong nước. Các vụ việc đều nhắm vào người Pháp, không để ảnh hưởng tới dân lành, gây được tiếng vang lớn trong quốc dân. Pháp đã quy tội chủ mưu khủng bố và kết án tử hình khiếm diện Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần và Cường Để năm 1913.
Tiếp theo động thái trên, chính phủ bảo hộ Pháp cử người sang Quảng Đông thương thuyết với tổng đốc Lưỡng Quảng là Long Tế Quang, yêu cầu giao nộp các yếu nhân của chính phủ lâm thời Cộng hoà Dân quốc Kiến lập Việt Nam cho Pháp. Tất nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng, vì uy tín của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội và giao tình của Phan Bội Châu với nhiều yếu nhân của China lúc đó. Tuy vậy, để không tỏ ra trực tiếp đối kháng với Pháp, Long Tế Quang vẫn bắt Phan Bội Châu nhốt vào nhà ngục ở Quảng Đông những ngày cuối năm 1913. Trong tù, cụ Châu vẫn được viết lách, dùng văn thơ cổ động cho phong trào yêu nước. Đây là thời điểm cụ làm bài thơ này:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu.
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Tới đầu năm 1917 thì được thả ra, sau khi tình hình tạm lắng dịu.
Cuối 1917, Lenin cướp chính quyền thắng lợi ở Nga với chủ nghĩa cộng sản, thanh thế vang khắp nơi. Phan Bội Châu khen Lenin có tài chiến lược, muốn gởi nhân sự sang Liên Xô để được huấn luyện, và tìm sự hỗ trợ của người Nga cho công nghiệp cứu quốc. Tới năm 1920, có một đoàn công tác của người Nga tới China, chí sĩ Phan Bội Châu nhân cơ hội đó đi tới Bắc Kinh gặp họ, người phiên dịch là ông Hoàng Đình Tuân. Phan Bội Châu đề nghị ông trưởng đoàn công tác là Iurine Voitinski, chỉ vẽ cho đường lối để du học sinh Việt Nam được đến Nga học tập. Được hồi đáp rằng, du sinh Việt Nam chỉ cần biện cỡ hai trăm đồng để đi từ Việt Nam tới Bắc Kinh, khi tới gặp đại sứ Nga tại Bắc Kinh sẽ được cấp chứng thư và sở phí để đi tới Moscow, việc học hành và sinh hoạt phí sẽ do chính phủ Liên Xô tài trợ hoàn toàn, kể cả tiền xe đò khi về nước. Tất cả ưu đãi trên kèm theo điều kiện: du sinh phải tôn thờ chủ nghĩa cộng sản và cam kết khi về nước phải hoạt động theo đường lối cộng sản và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Phan Bội Châu nghe xong, chào từ biệt người Nga ra về.
Từ đó, Phan Bội Châu không còn tìm gặp người Nga nữa, mà quay về củng cố lại Việt Nam Quang Phục hội, liên hệ với các ông Tưởng Giới Thạch, Lý Tế Thâm để đưa du học sinh vào học trong trường quân sự Hoàng Phố (Học viện Sĩ quan Lục quân Trung Hoa Dân Quốc). Trong quãng thời gian này, danh tiếng Phan Bội Châu vang dội khắp nơi, cụ trở thành một hình ảnh biểu tượng cho phong trào kháng Pháp của người Việt. Khắp đường lớn ngõ nhỏ đều vang tiếng thơ văn yêu nước của cụ, những bài ái quốc ái chủng ca được người già con trẻ thuộc nằm lòng như cháo, mọi giới từ sĩ nông công thương đều biết tiếng và kính yêu cụ như một nhà lãnh đạo tinh thần duy nhất.
Từ năm 1922-1924, Phan Bội Châu bàn soạn với các bạn, cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc Dân đảng. Các tài liệu quan trọng, luận cương của đảng, chương trình hoạt động, tổ chức nhân sự… đều đã soạn thảo xong, nhờ Hồ Tùng Mậu đưa về nước để các nhà hoạt động trong nước góp ý. Lúc này, Lý Thuỵ, một người Đông Á, là một phần tử của Quốc Tế III hoạt động nằm vùng tại China, đang dẫn dụ được tám người trong tổ chức của Phan Bội Châu đi theo chủ nghĩa cộng sản, và xưng là tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Lý Thuỵ hoạt động với danh-nghĩa-chính, là bí danh của Nguyễn Ái Quốc (chắc độc giả chưa quên câu chuyện về bút danh Nguyễn Ái Quốc của nhóm Phan Chu Trinh bên Pháp), và nhận mình là Nguyễn Tất Thành con trai Nguyễn Sinh Sắc. Phan Bội Châu nghe về danh tiếng của Nguyễn Ái Quốc (bút danh tập thể bí mật) bên Pháp, bây giờ có một “Nguyễn Ái Quốc” con của ông Sắc, bí danh Lý Thuỵ, đang hoạt động chung một địa bàn, nghĩ là cố nhân ngày nào nên có viết thơ thăm hỏi và trao đổi chính sự. Chính Lý Thuỵ cũng nhiều lần viết thơ cho cụ Châu góp ý về luận cương Việt Nam Quốc Dân đảng, đề nghị đổi thành đảng cộng sản, nhưng lẽ dĩ nhiên không được cụ Châu đồng tình, thậm chí xung đột khá mạnh.
Bình: Chính sử cộng sản thường nói Lý Thuỵ thuyết phục được cụ Châu theo chủ nghĩa cộng sản, và cụ Châu chuẩn bị đồng ý thì bị Pháp bắt. Điều này có tin được không? Nếu cụ Châu thiên tả, thì từ năm 1920 hẳn cụ đã chẳng đưa bốn trăm thanh niên ưu tú sang Nga du học với những ưu đãi lớn hay sao, mà phải đợi tới một anh cộng sản mới tinh vô danh tiểu tốt tuyên truyền mới đi nghe theo?
6. Bị bán, bị quản thúc và trở thành “Ông già bến Ngự”
Đến giữa năm 1925, lúc này chí sĩ Phan Bội Châu năm mươi tám tuổi, trong giai đoạn chín mùi về tư tưởng và uy tín, đang ráo riết chuẩn bị cho việc thành lập Việt Nam Quốc Dân đảng. Thì đùng một cái, bị người Pháp dàn cảnh bắt cóc giữa ban ngày tại Thượng Hải, rồi dùng tàu nhà binh chở thẳng một mạch về Việt Nam.
Tin cụ Châu bị Pháp bắt là một tin chấn động toàn cõi Annam và cả nước Pháp. Từ học sinh, thợ thuyền, nông dân, thương nhân, công chức, trí thức, học giả thân Pháp… hầu như tất cả mọi giới trong xá hội đều rần rộ đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Các nhà hoạt động Việt Nam và nhiều trí thức tiến bộ, đại diện các nghiệp đoàn… vận động tưng bừng khắp nơi, gởi điều trần – thư thỉnh nguyện – đơn kháng cáo liên tục lên quốc hội Pháp, chính phủ Pháp, toà án quốc tế La Haye. Thậm chí, khi toàn quyền Varenne đi thị sát phố Hàng Đường ở Hà Nội, có hàng trăm bà già tiểu thương đã quỳ dọc hai bên đường dâng thơ thỉnh nguyện xin ân xá cho Phan Bội Châu. Khắp nơi tuần hành, diễn thuyết ngày đêm, không khí sôi sục cho tới tháng mười một khi phiên toà diễn ra. Chưa bao giờ chính phủ bảo hộ đứng trước một áp lực to lớn như vậy. Trong phiên toà xử công khai, tiếng la ó phản đối át cả tiếng luận tội, thậm chí có người nộp đơn xin chết thay cho cụ Phan Bội Châu. Cuối cùng, Pháp phải nhượng bộ, không xử tử xử tù hay xử lưu vong, mà chỉ có thể đem cụ Châu về giam lỏng tại Huế. Tuy vậy, cụ vẫn được gặp gỡ người khác và được viết bài đăng báo.
Trong thời gian này, cụ viết Phan Bội Châu niên biểu, là một cuốn hồi ký thuật lại người và việc đã qua. Về chuyện cụ bị bắt, cụ viết lại nghe nói là một người tên Nguyễn Thượng Huyền bán thông tin đi đứng của cụ cho Pháp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thượng Huyền năm 1965 về nước có lên tiếng về điều này. Thông tin của cụ Châu chỉ là nghe nói và tính xác thực quá thấp, người bị nghi ngờ cũng đã sống cuộc đời thanh bạch và lên tiếng phủ nhận.
Kỳ thực, chính là Lý Thuỵ và Lâm Đức Thụ đã bán thông tin đi đứng của cụ Châu cho Pháp, lấy 150000 đồng Đông Dương. Bọn này tổ chức lễ tưởng niệm Phạm Hồng Thái, rồi viết thơ cho Phan Bội Châu mời đúng ngày giờ và theo đúng lộ trình, tới nơi tham dự. Trong thơ còn gởi tiền để cụ Châu đi theo lộ trình đã vạch sẵn và vào tròng của Pháp. Lý Thuỵ khi này là một nhân vật theo chủ nghĩa cộng sản, tiêu diệt các thủ lĩnh theo chủ nghĩa Quốc gia Dân tộc khác để ngoi lên, không ngẫu nhiên mà có hàng trăm chí sĩ hoạt động cách mạng bị Pháp bắt trong năm này. Cụ Châu không bị chết hoặc bị khổ sai, cũng là ngoài ý muốn của bọn chúng. Riêng Lâm Đức Thụ, khi thấy sau khi cụ Châu bị bắt thì phong trào đấu tranh lên cao cực điểm, còn tự hào khoe đó là nhờ công của y. Lúc này, Lâm Đức Thụ là tay em chịu sự điều động của Lý Thuỵ.
Về con số tiền bán cụ Phan Bội Châu, có nơi viết là 100000 đồng Đông Dương, có nơi viết 150000 đồng, vì sao vậy? Khi để ý, sẽ thấy con số 100000 đồng là lấy từ nguồn những người trong nhóm Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, còn con số 150000 đồng là từ nguồn bên ngoài hội. Vậy thì cũng đủ hiểu, có 50000 đồng đã vào túi riêng của Lý Thuỵ chứ không đi đâu khác.
Cũng cần phải nói rõ, chuyện ‘yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội’, ‘yêu nước là yêu đảng cộng sản’ chính là phát xuất sau thời kỳ này, đó là một trong những chiêu bài mị dân của cộng sản vậy. Cho tới ngày nay, nhiều bạn trẻ nghe về chủ nghĩa Dân tộc, chủ nghĩa Quốc gia, Quốc Dân đảng… vẫn còn có cảm giác đó là cái gì tội ác và phản quốc hay đại loại vậy. Kỳ thực, cộng sản mới là thứ tư tưởng phủ nhận và phản lại giá trị Quốc gia và Dân tộc.
7. Bình luận thêm của người viết
Phan Bội Châu là người tài xuất chúng, cả đời vì dân vì nước, tinh thần tự tôn dân tộc, khiêm cung với người, thực là biểu tượng tinh thần xứng đáng của người Việt Nam. Nếu nước ta có danh hiệu “cha già dân tộc” hay “quốc phụ”, chỉ có hai người xứng đáng, đó là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Về chuyện cụ Phan Bội Châu tự nhận “ỉ lại sự hỗ trợ của nước ngoài”, đúng là điều kẻ hậu thế nên nghiêm túc tự soi mình. Ý định nhờ cậy binh lực của Nhật chỉ thoáng qua, chưa hề thực hiện được, mà cụ còn trăn trở sám hối cả đời, mặc dù cụ đã tìm cách tự chủ cho người Việt, để các thanh niên trẻ đi học nghề binh nhung ở các nước tiến bộ. Ngày nay, chúng ta cứ ao ước được nước này nước kia giúp sức, trong khi nhìn đi nhìn lại, đã có mấy người đủ uy tín với quốc dân như cụ Trinh cụ Châu đâu, có khi chỉ là thay một cái độc tài này bằng một cái độc tài khác, lạm quyền và cuồng điên hơn cộng sản nhiều lần. Không thiếu kẻ kêu gào thay đổi, nhưng hoàn toàn không có kẻ chỉ ra được đường lối. Không thiếu kẻ viết văn thơ châm biếm chửi rủa, nhưng chẳng áng văn nào cảm động được quốc dân. Vậy rốt cuộc, lớp trẻ có thể trông cậy gì đây, hay tất cả sẽ trở thành những con thiêu thân lao đầu vào lửa?
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có hai con đường khác nhau, tiếc rằng hai cụ hoạt động riêng rẽ, nếu hai người phối hợp, có lẽ lịch sử Việt Nam đã được viết khác hẳn, ít đi rất nhiều máu xương và thù hận. Tất nhiên, sử thì không thể “nếu”, nhưng còn hiện tại thì sao?
Tham khảo:
– GS Phan Khoang, Việt Nam Pháp Thuộc Sử (VNPTS), nxb Đại Nam, Sài Gòn, 1961
– Mạc Định Hoàng Văn Chí, Từ Thực Dân Đến Cộng sản, nxb Chân Trời Mới, Sài Gòn, 1964
– Vĩnh Sính, Mối liên hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc,
– Sophie Quinn-Judge, Nguyen Ai Quoc, The Comintern and the Vietnamese Communist Movement (1919-1941), trong HO CHI MINH The missing years, The University of California Press, California, 2002.
– Phan Bội Châu, Tự Phán
– Cuộc đời Cách Mạng – Cường Để, Saigon 1968, tr. 12