“VIÊN NGỌC CỦA TRỜI” MANG LẠI MỘT THẬP KỶ ĐỘC LẬP TRONG THỜI KỲ NGHÌN NĂM BẮC THUỘC (Trần Hưng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đền thờ Mai Hắc Đế ngày nay tại miền Bắc

Theo dòng sinh mệnh lịch sử đất nước, vào thời điểm mà dân tộc chìm đắm vào đêm dài Bắc thuộc, một cuộc khởi nghĩa đã nổ ra mang đến gần 10 năm độc lập ngắn ngủi. Nhưng trên hết cuộc khởi nghĩa này đã mang tới niềm tin để thế hệ sau giành lại được giang sơn, giành lại nền thái bình cho dân tộc. Đó là cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế.

Viên ngọc của Trời

“Việt sử” kể rằng Mai Thúc Loan là người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường, nay là thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo giai thoại dân gian thì cha ông là Mai Sinh, mẹ là Vương Thị, đều là người hiền đức, suốt đời chăm lo làm ăn, làm nhiều việc thiện.

Lúc Mai Thúc Loan sắp được sinh ra, bà Mai Thị nằm mộng thấy một thiếu phụ vận quần áo đỏ tự xưng là Xích Y sứ giả đến trao cho bà một viên ngọc lớn. Bà nhìn thì thấy đó là viên ngọc bích 5 màu sắc lung linh, hình dạng như quả trứng gà nhưng to hơn một chút. Bà cảm động đưa tay đón lấy viên ngọc, nhưng chẳng may đỡ hụt, viên ngọc rơi xuống đất vỡ tan, bà liền tỉnh mộng.

Cha Mai Thúc Loan là Mai Sinh, mẹ là Vương Thị, đều là người hiền đức, suốt đời chăm lo làm ăn, làm nhiều việc thiện. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Đến khi sinh con, nhìn thấy trên đùi trái đứa bé có vết xanh đen, hình giống như đồng tiền, bà liền đem giấc mộng khi trước kể lại với chồng. Ông Mai Sinh lấy làm lạ, suy nghĩ rồi đoán rằng: Ngọc tựa quả trứng gà lại có 5 sắc sáng lung linh, đấy là điềm của loài linh điểu mang 5 đức vận tốt vào, đứa trẻ này sẽ có tài năng, chí khí hơn người. Còn ngọc rơi xuống phát ra tiếng vang thì đứa trẻ này sẽ làm vẻ vang cho nòi giống, tiếng tăm còn lưu mãi.

Ông Mai Sinh mời mọi người đến ăn mừng, đồng thời đặt tên con là Phượng, tự là Thúc Loan (chim loan là một loài chim thần, giống như chim phượng), lấy ngay từ các tích trong mộng.

Năm Mai Thúc Loan được 10 tuổi thì mẹ lên rừng đốn củi bị hổ vồ, người bố buồn rầu sinh bệnh, chẳng bao lâu cũng mất.

Một người bạn của ông Mai Sinh tên là Đinh Thế vốn là người giàu có lại trọng nghĩa đã đưa Mai Thúc Loan về nhà nuôi, xem như con đẻ. Khi Mai Thúc Loan lớn dần lên thì cậu có tướng quý cùng tài năng. Theo dân gian mô tả thì Mai Thúc Loan có tướng đầu hổ, mình rồng, tay vượn bắp thịt nổi cuồn cuộn; dáng đi hùng dũng hiên ngang, tiếng nói sang sảng như sấm.

Lớn lên cùng bố nuôi là người giàu có, Mai Thúc Loan được học võ thuật, côn quyền, giáo mác, cung kiếm đều giỏi cả, không chỉ thế mà còn biết cả cách bày binh bố trận.

Bạn bè của Mai Thúc Loan khi ấy cũng toàn những trang tuấn kiệt, sau này đều cùng ông khởi nghĩa và trở thành những tướng trụ cột của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân.

Thấy Mai Thúc Loan đã trưởng thành, bố nuôi liền gả người con gái xinh đẹp nết na của mình là Ngọc Tô cho Mai Thúc Loan. Đồng thời chia cho ông tài sản, ruộng nương để lập nghiệp. Hai vợ chồng cũng quán xuyến việc làm ăn nên tài sản trong nhà ngày một tăng lên.

Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Lúc này dân tộc đang bị đô hộ bởi nhà Đường, Mai Thúc Loan muốn dựng cờ khởi nghĩa liền cùng bạn bè chuẩn bị, nhiều người tuấn kiệt trong nước tìm về cùng chuẩn bị gây dựng cơ sở cho cuộc khởi nghĩa.

Dựng cờ nghĩa, đất nước lại được thái bình

Vị trí Hoan Châu

Đầu năm 713, sau khi chuẩn bị kỹ càng, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa, chiêu binh mãi mã, dựng thành đắp lũy, người người quy tụ rất đông, chẳng bao lâu nghĩa quân đã có trên 10 vạn người.

Mai Thúc Loan chia quân tiến đánh thành Hoan Châu, quan quân nhà Đường chống cự yếu ớt rồi hoảng sợ bỏ chạy.

Binh lính tung hô tôn Mai Thúc Loan làm Đế. Cũng năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi, theo “Việt điện u linh” vì ông có mạng thủy tượng trưng bởi màu đen, nên xưng là Hắc Đế, thành lập triều đình mới, lập kinh đô Vạn An (thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn ngày nay).

Kinh đô Vạn An. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Thời điểm này Lâm Ấp và Chân Lạp cũng bị nhà Đường đô hộ và cai trị. Để có thêm sức mạnh, Mai Hắc Đế cử sứ giả đến hai vùng đất này nhằm liên kết chống lại nhà Đường, người dân ở đó đều hưởng ứng. Vua Lâm Ấp là Phạm Hề Dĩnh sai tướng Chu Hương An đem 10 vạn quân, vua Chân Lạp Hồ A Khiêm sai tướng Tham Ninh đưa 10 vạn quân cùng đến Hương Lãm (Nghệ An ngày nay) hội kiến.

Sách An Nam chí lược mô tả rằng:

“Sơ niên hiệu Khai Nguyên (713-714), của Huyền Tông, Soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm Ấp và Chân Lạp, tập họp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An Nam”.

Bản đồ nước An Nam. (Tranh của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Uy danh triều đình của Mai Hắc Đế càng lừng lẫy, ông cho quân Bắc tiến đánh Quế Sơn, thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Quân nhà Đường phải chạy về nước. Từ đó đất nước lại có những năm tháng thái bình, các bộ tộc xung quanh cũng đều thần phục Mai Hắc Đế.

Cuộc chiến bảo vệ giang sơn

Năm 715, vua Đường dẹp xong nội loạn trong nước liền sai 30 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ cùng tiến đánh vào thành Tống Bình. Mai Hắc Đế bố trí quân quanh khu vực sông Hồng.

Vua Đường sai quân tiến đánh Tống Bình. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”

Trận chiến diễn ra rất ác liệt, tuy nhiên do An Nam chỉ mới giành được độc lập nên quân sĩ chưa được huấn luyện nhiều, chủ yếu là lính mới, không có kinh nghiệm, nay phải chống lại đội quân chính quy của nhà Đướng có quân số đông hơn, vì thế quân An Nam thất bại tại các tuyến phòng thủ, thành Tống Bình cũng không giữ được.

Tuy lực lượng chênh lệch nhưng tinh thần quả cảm của quân sĩ An Nam khiến quân nhà Đường bị thiệt hại nặng nề. Vì thế khi chiếm được thành Tống Bình, quân nhà Đường không thể tấn công tiếp mà phải cũng cố lực lượng đến mấy năm sau mới lại tiến đánh.

Mai Hắc Đế rút quân về Hương Lãm tổ chức thế trận phòng thủ. Mấy năm sau quân Đường tấn công Hương Lãm, bao vây kinh thành Vạn An, dù thành bị vây chặt, nhưng Mai Hắc Đế vẫn thủ vững chắc.

Nhưng trong thành lương thực cạn dần theo thời gian khiến sức quân sĩ không đủ, phía bên ngoài quân Đường vẫn không ngừng công phá. Cuối cùng, quân Đường phá vỡ được thành. Mai Hắc đế cùng các binh sĩ còn lại phải rút chạy vào rừng, sau đó ông bị ốm mà mất, cũng có sử liệu cho rằng ông bị rắn độc cắn.

Mai Hắc Đế mất, quân sĩ tôn con trai ông là Mai Thúc Huy lên ngôi và tiếp tục cuộc chiến với quân Đường. Đến năm 723 quân nhà Đường bắt và giết được Mai Thúc Huy.

Người em của Mai Thúc Huy là Mai Kỳ Sơn được tôn lên ngôi tiếp tục cuộc chiến, nhưng quân An Nam không thể có được thời gian và điều kiện củng cố lực lượng vì bị quân Đường truy tìm và đánh ráo riết.

Đến cuối năm 723, Mai Kỳ Sơn trong một trận chiến bị trúng tên độc mà mất, nhưng cũng có sử liệu ghi chép rằng Mai Kỳ Sơn cùng chị mình là Mai Thị Cầu đã gieo mình xuống sông để bảo toàn khí tiết khi bị quân Đường đuổi bắt. Cuộc chiến của quân An Nam chống lại quân nhà Đường đến đây chấm dứt.

Tưởng nhớ

Từ khi Mai Hắc Đế giành được độc lập cho giang sơn và lên ngôi năm 713 cho đến khi kinh đô Vân An bị thất thủ năm 722 là gần 10 năm. Để tưởng nhớ công đức Mai Hắc Đế, sau này người dân đã xây dựng đền thờ ngay nơi từng là cung điện của ông.

Các vị vua của những triều đại sau này sắc phong cho ông là “Anh vũ thần dũng hoàng đế”“vĩ tích uy liệt hoàng đế”“minh mẫn thần vũ minh đức hoàng đế”.

Miếu Mai Hắc Đế (Ảnh từ Panoramio)

Tại khu di tích tưởng niệm Mai Hắc Đế ở huyện Nam Đàn còn lưu lại bài thơ chữ Hán như sau:

Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
Vạn An thành lũy khói hương xông,
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công.
Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn,
Hùng Sơn gió lặng, khói lang không.
Đường đi cống vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung.

Trần Hưng