VỀ MIỀN KÝ ỨC _Đỗ Trường (Phần 3)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một chiều cuối năm 1981, mẹ tôi vào Chùa Trung Tự, tôi buộc phải trông, và bán hàng cho cụ. Đang đông khách, chợt có chiếc xe gắn máy dừng ở trước cửa, tiếng nổ phành phành, khét lẹt rồi rít lên như vỡ ống bô vậy. Tôi vừa ngẩng lên, làn khói đen kịt, khét lẹt ấy như quất vào mặt. Mấy gã khách nhăn mặt, chửi vọng ra: Cái thằng điên kia, không tắt máy, bố ra đập nát xe bây giờ. Gã xe máy trùm áo mưa kín mít như đàn bà đẻ, có lẽ nghe thấy tiếng chửi, nên tụt vội xuống. Thấy hắn loay hoay, tôi đi ra hơi lên giọng hỏi: Sao không tắt khóa điện. Hắn hơi bị cà cuống: Khóa cũng bị kẹt cứng rồi. Lúc sau, hắn cũng kéo bật được chiếc lò so, và tắt được máy xe. Hắn quay lại. Một khuôn mặt nhem nhuốc bụi đường, chỉ còn lộ ra hai con mắt, và cái miệng cười cười như thể thanh minh vậy: Bị kẹt dây ga.
Tôi định quay vào, hắn gọi giật lại: Trường, không nhận ra tao sao? Tôi giật mình, đứng sững lại. Hắn lấy khủy tay chùi chùi vào mặt: Dũng, Trần Tiến Dũng lớp D đây! Chà chà, lúc này mới rõ khuôn mặt của hắn: Thằng quỷ, từ đâu về, ăn mặc, và bụi bặm thế này, nhận thế chó nào được. Hắn không trả lời. Tôi kéo tay: Để xe đó, vào nhà đi. Hắn lưỡng lự, rồi bảo: Để tháo cái này đã. Lúc này, tôi mới nhìn lại, sau xe hắn còn có một bao xác rắn to vật vã, căng phồng chằng nịt rất chắc chắn, cẩn thận.
Vào nhà, nhìn trước ngó sau, Dũng bảo: Ông xem giấu giúp tôi cái này lên gác, hay đâu đó cho chắc ăn. Thấy lạ tôi hỏi: Cái quái gì mà nhiều thế này. Hắn ghé tai: Trà móc Thái Nguyên đấy! Tôi giật mình: Ông móc đâu ra nhiều thế này. Nó bắt được, ông vào rọ đấy. Hắn cười: Bị bắt, và tịch thu vặt nhiều rồi. Lần này, chở tềnh hênh cả một bao tải thì lại thoát…Tôi không còn nhớ Dũng học trường nào, và làm nghề gì ở cái vùng chè Thái Nguyên, hay Phú Thọ đó. Nhưng chắc chắn không cùng Trường hóa chất với Phạm Văn Thoan (lớp D). Nếu tôi nhớ không lầm, quê quán gốc gác của Dũng cũng là vùng núi trung du này. Có lẽ, ngày đi học Dũng hiền lành, chu chỉnh nhất trong nhóm hiền lành của lớp. Hiền lành, nhút nhát như vậy, chẳng hiểu sao hắn lại được bầu làm lớp trưởng ngay sau khi Phạm Văn Võ đi lính. Lên đến lớp mười, Dũng xin nghỉ. Chẳng thằng nào muốn làm lớp trưởng thay hắn. Lớp họp hành liên tục, cuối cùng buộc chỉ định Vinh Trần một đoàn viên ưu tú, (chuyên nghịch ngầm, ném đá giấu tay) phải gánh trách nhiệm. Bởi, làm lớp trưởng lớp D khó khăn lắm, chứ chẳng đùa. Loạng quạng là nghe réo chửi của mấy gã chày bửa như tôi, Thuấn, Vinh Nguyễn… ngay. Do vậy, gặp lại một Trần Tiến Dũng sành sỏi, quái quái, khác lạ làm tôi hơi ngạc nhiên…
Ngay tối hôm ấy, mẹ tôi san ra từng ký một, đem rải bán hết cho tất cả các hàng quán quen dọc Đê La Thành. Mua tận gốc, bán tận ngọn, vậy là được món tiền kha khá, Dũng khoái lắm. Đêm ấy, hắn tỉ tê rủ tôi cùng về quê mấy ngày cho vui. Thời gian này, tôi vừa bỏ việc, nên buồn buồn, nghe hắn rủ tôi đồng ý ngay. Tuy nhiên, tôi yêu cầu Dũng để cái xe S51 bét nhè này ở nhà tôi, cùng nhau đi xe khách. Hắn vỗ vai tôi: Trông nó thế thôi, nhưng còn tốt lắm đấy. Hôm qua chỉ bị kẹt dây ga chút thôi, sáng mai kiếm cái long đen đệm vào là ăn ngay. Thôi đi xe máy cho chủ động thời gian. Thấy hắn quyết tâm cao như vậy, tôi đành phải gật đầu.
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường sớm. Xe cứ chạy được vài chục cây số là tự nhiên rồ lên, làm cho Dũng loạng choạng. Sau đó, chiếc xe ằng ặc như bị chọc tiết, rồi xỉu dần. Phát đầu làm tôi giật mình, tý tuột khỏi xe. Mấy lần sau, tuy lấy lại bình tĩnh, nhưng cũng không khỏi toát mồ hôi. Mỗi lần như vậy, buộc Dũng phải thông ống dẫn xăng và rửa bộ chế hòa khí, chỉnh đốn lại dây ga. Có lẽ, do xăng nhớt đểu, hoặc khi pha nhớt vào xăng xóc không đều chăng?. Qủa thật, quá nguy hiểm, và liều lĩnh….. Và bây giờ, khi ngồi viết lại những dòng chữ này, tôi cảm thấy như có một điềm báo trước chăng? Bởi, cũng vào dịp mùa đông của mấy năm sau, có lẽ vẫn với chiếc xe bét nhè này, Dũng đã bị tử nạn. Cái chết thương tâm của người bạn mới thoảng qua trên cõi tạm (vừa) tròn 2 con giáp, làm cho tôi ngẩn ngơ, và xúc động mạnh…
Lật khật gần trưa tôi, và Dũng cũng tới Nam Định. Hai thằng vừa ngồi vào quán phở gần bến xe, thấy Thạch Trấn (Nguyễn Văn Thạch lớp E) quân phục đồng bộ ngất ngưởng đi vào. Mấy năm không gặp, tay bắt mặt mừng, cười nói có vẻ râm ran lắm. Đồ ăn chưa kịp mang lên, Thạch đã ực liền tù tì mấy cốc rượu trắng, rồi hỏi:
-Hai thằng mày đi đâu thế này?
Nhìn cái kiểu uống bụi bụi của Thạch, tôi rất ngạc nhiên. Bởi, khoảng tháng 9 năm 1978, tôi và hắn cùng Thông (lớp C) Năng (lớp E) uống ở nhà Hoàng Thế Hoan (lớp A). Chỉ uống được một, hai ly nhỏ Thạch đã say đứ đừ. Lẽ nào, quân đội tôi luyện cho hắn cả cái khoản uống rượu này:
– Mày uống kiểu chó gì mà cấp tập thế này! Chúng tao về quê. Tôi hỏi, và trả lời hắn như vậy.
Thạch cười cười thay cho câu trả lời… Rồi với điếu cày, vê vê những sợi thuốc tròn như hòn bi cho vào nõ, kéo một hơi, ngửa mặt lên trời hắn bảo:
-Tao cũng về quê bây giờ. Chúng mày đã có vé xe chưa?
Dũng quay người lại chỉ ra xe:
-Con cóc ghẻ của tao đấy. Mày có muốn kẹp ba cùng về không?
Thạch mừng lắm: Thế thì còn gì bằng. Xếp hàng mấy tiếng đồng hồ mới mua được cái vé ở quầy. Chúng mày chờ chút. Tao cho luộc lại cái vé này, rồi quay lại ngay. Xe cũng sắp đến giờ chạy rồi.
Thạch đi rồi, tôi cằn nhằn Dũng: Xe của ông chạy cứ như đưa võng, chở hai thằng đã làm xiếc ở trên xe rồi. Kẹp ba thì nguy hiểm lắm đó. Dũng cười hềnh hệch: Không sao đâu. Có vấn đề gì, thì cùng nhau dắt bộ. Mấy khi có những kỷ niệm đẹp như thế này. Thấy Dũng nói có vẻ văn chương lãng mạn, tôi đành im lặng.
Tôi và Dũng lùa gần xong bát phở, thấy Thạch quay lại, tay cầm mấy chiếc bánh mì, xem chừng vui vẻ lắm:
-Chúng mày ăn xong, đi luôn nhé.
-Mày không ăn thật sao?
-Tao vừa gặm một chiếc bánh mì rồi. Để bụng, về quê làm ngay phát thịt chó cho máu…
Đường từ Nam Định về quê sóc, xe nhảy cẫng lên cứ như lên đồng, hầu bóng vậy. Ấy vậy, không hiểu sao xe cứ phi phăng phăng, chẳng tắc xăng, kẹt dây ga gì cả. Đến Liễu Đề, Dũng định dừng uống chén trà. Thạch thúc vào đít: Chạy luôn, về nhà uống một thể.
Về đến quê, trời đã về chiều. Cái nắng chiều đông dường như có mùi ngai ngái của hương đồng vừa lật ải. Đường làng vắng lặng, chợt có cơn gió xoáy cuốn tròn những chiếc lá vàng quét trên mặt đường. Qua chiếc cống cao vào làng Qũy Nhất, Thạch bảo Dũng chạy thật chậm. Đến đúng hàng Tùng Thịt Chó xe dừng lại. Thạch bảo, vào đi, hôm nay tao chiêu đãi hai thằng mày. Nhìn vào cái balo lộn ngược lép kẹp của hắn, tôi hỏi: Mày làm gì mà có nhiều tiền vậy?. Hắn rỉ tai: Tao có mấy bộ quần áo mùa đông mới cứng, vừa cho đi ở, trong Chợ Rồng rồi. Vô tư đi, mấy khi chúng ta gặp được nhau… có khi… đời lính biết thế chó nào được. Câu nói gở này của Thạch, không ngờ đó là sự thật, đã vận vào hắn. Đây là lần cuối cùng, và để rồi không bao giờ chúng tôi còn trông thấy nhau nữa. Cách nay mấy năm, trong cuộc điện đàm, hỏi thăm đến Thạch, Trần Trọng Cương (lớp E) cho biết Thạch mất đã lâu lắm rồi ở bệnh biện 103. Tôi hơi bị mất thăng bằng, không đủ can đảm hỏi thêm tại sao lại như vậy. Tôi không phải là kẻ mê tín, hay có những suy nghĩ tiêu cực, nhưng không hiểu sao quen với hai người bạn trung học tên Thạch đều qua đời rất sớm. Đó là Thạch Trấn (lớp E) này, và Thạch giáo sư (lớp D) người cùng làng với các ông Phạm Bằng, Trần Cường, Tài ceiling. Thạch ăn mặc chỉnh tề nghiêm nghị, ăn nói từ tốn, khúc chiết dù trong hoàn cảnh nào. Do vậy, tôi gán nghiến cho hắn cái Spitzname Thạch giáo sư. Hắn có vẻ khoái chí với cái biệt danh này lắm. Hắn học khóa trên tụt xuống cùng chúng tôi từ năm lớp 9. Sau này, nghe nói theo nghề tài chính, ngân hàng gì đó cùng, hay cạnh cơ quan Lan Trần. Ngồi viết những dòng chữ này, như thắp nén tâm nhang gửi đến hai bạn Thạch, Dũng và các bạn cùng khóa đã sớm phải ra đi vậy…
Có lẽ thời đi học, ai cũng nghĩ, Nguyễn Văn Thạch nhút nhát, ít thân thiết đồng cảm với mọi người. Song không phải vậy, để ý quan sát một chút sẽ thấy Thạch lì và can đảm ra phết. Nhớ đầu năm học lớp 8, cả khối phải đào ao lấy đất làm sân trường. Khu đất ấy, dường như trước đây là khu nghĩa địa đã được dời đi, nên nước có lẽ rất bẩn. Do vậy, nhiều thằng hết đợt lao động bị dính bệnh hắc lào ngoài da, nhất là vùng kín hai bên đùi. Không biết có nữ sinh nào bị không, bởi nhiều bạn cũng lội xuống cùng tham gia. Một căn bệnh khó nói và rất khó chịu. Nhất là lúc đó có rất ít thuốc đặc trị. Tôi, Vũ Thanh Hải, Vũ Văn Thông đều dính, song rất may bị nhẹ, xoa cồn 90 ở nhà Hải, và tắm rửa vệ sinh nước sạch là khỏi. Còn Thạch, có lẽ bị nặng hơn, cái da dày như da trâu của hắn bôi cồn 90 mãi chẳng chịu khỏi. Mỗi lần lên cơn ngứa, chỗ đông người hắn thọc tay vào túi quần gãi cứ sồn sột. Ai nhìn thấy ngượng chết đi được. Hắn thường càm ràm với tôi như vậy. Rồi, không biết nghe ai, hắn hơ nóng đỏ que sắt (cái dùng để gạt tro, trấu khi nấu cơm) dí thẳng vào chỗ da hắc lào. Thịt da cháy xèo xèo, khét lẹt. Can mãi không được, tôi chỉ dám he hé mắt nhìn. Còn mắt hắn trừng trừng, không hề có một chút nhăn mặt. Hắn quyết tâm làm đi làm lại mấy lần như vậy, cho đến tuyệt khuẩn mới thôi. Vừa rát, vừa bị hạch kéo lên háng, mỗi lần như vậy hắn đi cà thọt mấy ngày liền. Nhìn hắn cũng tội, nhưng cũng không nhịn được cười.
Thấy tôi và Dũng còn lưỡng lự, Thạch đẩy vai chúng tôi vào. Thực tình, tôi là người nghịch ngợm, sau này hay la cà rượu chè, quán xá, nhưng không khoái cái khoản thịt chó này cho lắm. Một món bắt buộc phải ăn thôi dù bụng rất đói. Quán Tùng Thịt Chó sơ sài chỉ có hai, ba món dồi, luộc và nhựa mận. Thời điểm đó ở miền quê kiểng, có thể nói, đã sang trọng vào bậc “Đế Vương“ rồi. Ngồi vào bàn một chút, rồi tôi đứng dậy, bảo Thạch và Dũng sẽ quay lại ngay. Thạch lừ mắt: Quay lại ngay đấy nhé! Đồ ăn làm nóng lại nhanh thôi.
Không hiểu sao, lúc đó tôi chỉ muốn một mình, lặng lẽ xuôi về hướng chợ Qũy Nhất… Và dường như, trở lại, con đường quen thuộc mấy năm mưa nắng đi về, vẫn cho tôi cảm giác gần gũi như ngày nào. Tôi vẫn thấy cái dáng lù đù cười nhiều hơn nói của Đoàn Xuân Tiên chung đường đến lớp- (Tiên Báu- lớp E hiện là giáo sư, Phó tổng kiểm toán nhà nước). Anh em gã này lành lắm, nhưng lại có cái số phát lộc. Nghe nói thằng cu em của Đoàn Xuân Tiên cũng đang làm chủ tịch, bí thư tỉnh Nam Định thì phải.
Nếu tôi không nhầm, vào những năm 1956-1959, nhà văn Nguyễn Khải đã mượn mảnh đất, con người vùng Qũy Nhất này, để viết nên Xung Đột. Một tác phẩm về cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt ở nông thôn ngay sau 1954. Mâu thuẫn giữa đức tin Tôn giáo và niềm tin mới về lý tưởng cách mạng đã được Nguyễn Khải khác thác một cách triệt để. Thực chất Nguyễn Khải đã vẽ ra cuộc đấu tranh giữa cán bộ, bộ đội và bần cố nông với bọn phản động đội lốt tôn giáo chống chính quyền ở xóm đạo có vẻ quyết liệt lắm. Nó nhằm xoa dịu, tiến hành sửa sai trong cải cách ruộng đất, và khuấy động phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Từ đó, Nguyễn Khải cũng vẽ ra ánh sáng và chân lý cách mạng. Ngày còn cắp sách đến trường, đọc những trang sách này của Nguyễn Khải, tôi thấy khoái, phục ông lắm. Tuy nhiên, bây giờ đọc lại, thấy nhạt nhẽo, thiếu tính chân thực, chất tuyên truyền giả dối làm người đọc phải nhíu mày, đỏ mặt. Chẳng vậy, đến cuối đời bác Đại tá nhà văn Nguyễn Khải phải: Đi tìm cái tôi đã mất. Vâng, nếu kiếp sau có trở lại làm văn nhân, xin bác Nguyễn Khải có viết lại xung đột, xung đẹo ở Qũy Nhất quê em nên trung thực chút chút. Chứ cứ coi người đọc suốt đời là một đứa trẻ, ngượng chết đi được. Dẫu biết rằng, phải có tiểu thuyết hóa trong văn chương. Nhưng tiểu thuyết hóa thế nào, người đọc phải chấp nhận được, nhất là những tác phẩm có tính thời sự xã hội.
Mải suy nghĩ, và lẩm bẩm, tôi đứng ngay đầu ngõ nhà cụ Mộc, ba của ông bạn Đặng Minh Tiên (lớp A) và cũng là cha vợ của thày Hiệu trưởng thời trung học Vũ Huy Dương, lúc nào cũng chẳng hay. Cụ Mộc thấp đậm, da dẻ đỏ au, trông dáng an nhàn của con nhà võ, hay cánh thợ thuyền đã hưu trí. Nhìn cụ tôi cứ liên tưởng đến cụ Tài Thông lái tàu thủy, về hưu làm thêm nghề sửa chữa xe đạp cạnh nhà ông bạn Trần Văn Tớp (PGS-Tiến Sĩ, Phó hiệu trưởng Đại học bách khoa HN hiện nay). Dáng vóc cụ Mộc như vậy, chẳng biết có được (hay bị) nhà văn Nguyễn Khải cho nhập vào một nhân vật nào trong Xung Đột của mình hay không?. Tôi thân với Đặng Minh Tiên ngay từ ngày đầu nhập học. Hắn thấp bé hơn tôi cả cái đầu, nhưng tính tình có vẻ rất cứng cỏi. Tiên được chị Thanh yêu quí, chiều chuộng lắm. Hắn lớn vậy rồi, đôi khi hắn làm nũng với chị Thanh như đứa trẻ vậy. Có điều đặc biệt, mấy lần tôi đến nhà Tiên, nhưng chưa bao giờ gặp mẹ hắn. Từ yêu quí Tiên, nên chị Thanh quí mến tôi, cũng như bạn bè hắn. Chị Thanh rất đẹp. Có thể nói, đẹp về cả người cũng như tâm hồn mẫu mực của một nhà giáo. Tôi không theo đạo, và không biết chị có đạo hay không, nhưng thuở ấy, mỗi lần bắt gặp cái nhìn của chị, cứ ngỡ đó là ánh mắt của Đức Mẹ vậy. Chẳng vậy, thằng Bảy có bố làm thợ may dưới gốc đa, chân cầu Lâm Hòa, đối diện với Đền thờ cụ Tam Đăng Phạm Văn Nghị kể: Chính ánh mắt của cô giáo Thanh đã cứu hắn thoát khỏi những trần đòn oan nghiệt của ông bố có vợ lẽ. Và cũng chính ánh mắt ấy của cô đã giúp Bảy đủ nghị lực để tiếp tục đến trường. Tôi không rõ quen Bảy từ khi nào, nhưng gia cảnh thật đáng thương, không biết cuộc sống hiện tại ra sao.
Dạo đó tuy cứng cỏi, nhưng có một chút gì đó kiêu kỳ, do vậy Tiên không có nhiều bạn. Tiên không nhiều lời, nhưng chuyện thường dí dỏm, với những lý lẽ riêng, đôi khi biết rõ là vô lý, vậy mà vẫn không cãi lại hắn. Ngay từ ngày còn cắp sách đến trường, cho đến nay cũng vậy, tôi thường la cà gắn bó với nhiều kiểu bạn bè. Với tôi, người bạn nào cũng có thể cho mình một niềm vui, và học được từ họ một cái gì đó mà mình còn thiếu hụt. Có những người chỉ nói chuyện, hoặc làm bạn với nhau khi có tôi ở đó. Chẳng vậy, khi tôi thân với Tiên thì Vũ Thanh Hải (lớp D) cũng la cà cùng nhau. Khi biết, Tiên là em thày hiệu trưởng Vũ Huy Dương, tôi ít đến với Tiên hơn, và Hải cũng vậy. Thật ra, tôi và Tiên xa nhau dần không hẳn vì cái tâm lý của người học trò ngại gặp thày, mà có lẽ do khoảng cách địa lý lớp A và D khá xa nhau. Tốt nghiệp trung học, Tiên theo nghề hàng hải, và giảng viên đại học ở Hải Phòng, do vậy, tôi và hắn không hề gặp lại, dù có đôi lúc nào đó vẫn nghĩ về nhau. Hè năm 2018, tôi đang câu cua, và nhặt hào ở bãi biển Hà Lan thì nhận được điện thoại của Tiên. Mừng quá, vậy là 40 năm tròn mới được nghe lại giọng nói của bạn. Xúc động, khi nghe bạn nói chị Thanh đã mất rồi, dù đây đã là lần thứ hai nhận được tin này. Bởi lần đầu, tôi vô tình nghe được, khi thày Vũ Huy Dương lên sân khấu đọc thơ, và nhắc đến cái chết của chị Thanh (vợ thày) trong ngày 40 năm hội khóa, từ Videoclips. Cả hai lần nhận tin đều cho tôi cảm xúc giống nhau, và cứ bâng khuâng hỏi: Chúa thực sự có công bằng chăng? Bởi, người tốt luôn phải chịu khổ đau và ra đi rất sớm như vậy. Không nói về cuộc sống hiện tại, nhưng tôi biết cuộc sống đầy khó khăn của Tiên và gia đình, dường như từ một nhà thơ, và là giảng viên cùng khoa ở Trường Đại học hàng hải với hắn. Tôi biết nhà thơ hàng hải này, khi anh có thơ in trong tập thơ Nối Hai Đầu Thế Kỷ cùng nhà thơ Ngô Thanh Hoàn (lớp E) do Châu Hồng Thủy Chủ tịch hội văn nghệ Việt ở Nga biên tập, mà tôi đã hứa sẽ viết lời bình. Song lần lữa mãi tôi chưa viết được.
Chuyện trò, Tiên cho biết thày Vũ Huy Dương khi thì ở Bảo Lộc, lúc thì về Nam Định, sức khỏe không được tốt lắm. Tuy trên FB đã nhận ra thày, song sợ phiền, hơn nữa, tôi nghĩ, chắc chắn thày không thể nhận ra mình. Bởi, ngày đi học, tôi học hành ba lăng nhăng, nghịch vào loại nhất nhì trường. Nên tôi im lặng. Một hôm thày viết thư hỏi: Đỗ Trường có phải là học trò cũ của thày không. Tôi rất xúc động, không ngờ thày còn nhớ thằng cu học trò này. Lúc sau hỏi, sao thày nhận ra em. Thày bảo, nhớ bởi ngày xưa em nghịch, và lười học quá đấy mà. Rồi thày bảo, đùa vậy thôi, đọc em nhiều, nhất là những bút ký về đồng quê tự nhiên thấy quen, và liên tưởng đến thôi. Không ngờ, tuổi đã cao, thày vẫn còn nghiên cứu, và rất quan tâm đến sự biến động của văn học nước nhà. Mỗi đoạn thư viết của thày Vũ Huy Dương như đã kéo tôi về cái cảm giác của người học trò nhỏ nhận được lời khen của thày vậy: “Thời gian trôi nhanh quá chú Đỗ Trường nhỉ? Mới đó mà Tiên nhà tôi và chú đã sáu mươi tuổi rồi. Viết nhanh viết khỏe vào. Chú đang viết lên tay đấy. Gửi lời hỏi thăm vợ con nhé.“. Thành thật mà nói, tôi đã nhận được khá nhiều giải thưởng, và lời khen về văn chương của mình, nhưng lời nhắn nhủ của thày cho tôi cảm xúc đặc biệt nhất…
Không biết từ bao lâu, tôi tần ngần trước nhà Đặng Minh Tiên như vậy. Khi mặt trời đã vụt tắt sau ngọn núi Cánh Diều bên kia bờ sông Đáy, tôi giật mình quay lại quán Tùng Thịt Chó. Dưới anh đèn dầu vàng đục khuôn mặt hai gã Trần Tiến Dũng và Nguyễn Văn Thạch đã biến dạng. Không cho giải thích, hai gã cùng chửi tôi té tát, bởi can tội bỏ đi lâu. Chửi chán, Thạch chỉ vào đĩa nhựa mận, phần mày đấy, không uống thì lấy bún ăn cùng… Thạch tạm biệt tôi và Dũng khi hắn đã ngấm say, nhưng vẫn còn nhận ra đường về. Và tôi cũng không ngờ, đó là lần vĩnh biệt.
Có lẽ, là ngày chợ phiên Quỹ Nhất, nên tiếng chân người, tiếng gọi nhau nhí nhéo làm tôi và Dũng tỉnh giấc. Thấy chúng tôi rục rịch dậy, mẹ Dũng từ ngoài sân nói vọng vào: Mẹ đã nấu cháo đậu xanh, hai anh em ăn rồi, đi đâu thì đi.
Khi chúng tôi ăn uống xong, thì mặt trời đã treo ngang ngọn đa trước đền cụ Nghị. Tuy vậy tia nắng yếu ớt của mùa đông chưa thể xiên ngang những tàu lá chuối xanh trong vườn nhà. Lúc này, chợt nhớ đến Năng (Nguyễn Đức Năng) tôi rủ Dũng lên nhà hắn. Dù còn mệt, bởi trận rượu tối qua, song chiều bạn Dũng sốt sắng mặc áo, và định đẩy xe máy đi ngay. Tôi bảo, đi xe đạp thôi, ôn lại kỷ niệm học trò chút. Nghe có lý, Dũng đi tìm bơm, và chỉnh đốn lại chiếc xe cà tàng, có lẽ lâu ngày không sử dụng. Vừa dắt xe qua cầu Lâm Hòa, chúng tôi đang định lên xe, nhưng có hai người thuế vụ đang kiểm tra người vào chợ, dường như nhìn thấy chiếc balo treo ở trên xe của tôi, nên chạy lại chặn đầu: Hai ông mở balo cho kiểm tra hàng hóa.
Thực ra, balo chỉ có mấy bộ quần áo, và một số truyện, sách cũ tôi mang về cho Năng đọc mà thôi. Do vậy, tôi định mở ra cho hai người thuế vụ kiểm tra, nhưng Dũng lý luận, dứt khoát không chịu. Cãi và lý luận một hồi có vẻ thua Dũng, hai người thuế vụ cáu giận kéo chúng tôi bằng được vào gặp sếp… Nơi sếp làm việc là chiếc bàn kê ngay trước cửa hàng bách hóa Quỹ Nhất. Khi chúng tôi đến có người phụ nữ đang cắm cúi ngồi viết gì đó. Phải chờ, mặt Dũng đỏ phừng phừng nói như xỉa vào mặt hai người thuế vụ. Lúc sau, người phụ nữ mới ngẩng lên, tôi giật mình lấy tay bịt chặt miệng cho khỏi kêu thành tiếng: Hương Chuẩn (Lê Thanh Hương lớp E). Hương cũng bối rối, ngơ ngác, hai người thuế vụ vội chỉ vào chiếc balo và bảo: Hai ông này không chịu cho kiểm tra hàng hóa.
Lúc này, Hương cũng bịt miệng cười, hai ông về bao giờ thế này, làm cho hai người thuế vụ ngớ cả người, rồi lảng đi chỗ khác. Chuyện trò một lúc, tôi và Dũng tạm biệt Hương… Lên xe rồi, tôi còn nghe thấy tiếng của hai người thuế vụ: Hai ông bạn học của chị nhìn mặt gian lắm…(hết chương 3, còn tiếp)
Leipzig 16. 8. 2020
Đỗ Trường