TRẬN ĐÁNH THÁNG 3/75 QUÂN KHU I (Mũ Xanh Phạm Vũ Bằng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sau mấy tháng làm Địa Phương Quân “trấn thủ lưu đồn” tại xã Triệu Phong, Đông-Bắc tỉnh Quảng Trị, TĐ9/TQLC di chuyển tới làng Gia Đẳng-Quảng Trị để dưỡng quân. Gia Đẳng là một làng đánh cá ven biển vì vậy khí hậu ấm áp khô ráo khiến chúng tôi thoải mái hơn là tại Triệu Phong, tuy nhiên một tuần lễ sau, khoảng đầu tháng 3/1975 tôi nhận lệnh thuyên chuyển về Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC và bàn giao chức Trung Đội Trưởng QY TĐ9/TQLC cho một bác sĩ mới ra trường.

Vì không thích về Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn TQLC và hơn nữa vì cảm nhận được tình hình chiến trận đã đến lúc căng thẳng, tôi tình nguyện về Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258/TQLC và tôi được tạm thời bổ nhiệm làm y sĩ điều trị tại Lữ Đoàn này vào ngày 08/3/1975 mà không ngờ tôi sắp bước vào một cuộc gió tanh mưa máu đang ập đến toàn thể Quân Đoàn I.

Ngày 8/3/1975 tôi trình diện Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258/TQLC, đại đội này đóng chung với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258/TQLC tại làng Mỹ Thủy- Quảng Trị. Làng Mỹ Thủy tọa lạc tại phía Nam Gia Đẳng mấy cây số, cũng giống như tất cả các làng đánh cá ven biển tỉnh Quảng Trị, làng này có những hàng dương liễu yểu điệu trong gió, cát trắng, biển xanh hiền hòa, nước trong nhìn tận đáy, nếu không có chiến tranh thì nơi đây sẽ là một điểm du lịch nên thơ, chỉ huy Đại Đội Quân Y là Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Lê Minh, dưới quyền ông là BS Nhi và BS Duy. Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258/TQLC là Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ Đoàn Phó Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng TĐ9/TQLC của tôi.

Phòng thủ tỉnh Quảng Trị lúc đó thì:

-Phía Bắc có Lữ Đoàn 369/TQLC.

– Phía Tây có Lữ Đoàn 147/TQLC.

– Phía Đông là Lữ Đoàn 258/TQLC.

Ngày 8/3/1975 Trung Đoàn Bình Trị Thiên Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tấn công một vị trí của của Tiểu Đoàn 4 TQLC- Đồi 51 phía Tây Bắc Sông Bồ, đồng thời một lực lượng Việt Cộng (VC) khác uy hiếp ấp Hiền Lương khoảng 2 cây số Tây Bắc Mỹ Chánh, sáng hôm sau, ngày9/3/1975, Tiểu Đoàn 4 TQLC và Thiết Kỵ phản công, chỉ trong một buổi sáng, hai lực lượng CSBV bị đẩy lụi,chạy trốn về phía núi để lại hơn 100 xác chết cùng vũ khí, phe ta có 10 TQLC hy sinh. Chúng tôi đứng tại cổng Lữ Đoàn 258/TQLC xem Thiết Kỵ xuất quân buổi sáng, cứ tưởng sẽ có một trận đánh gây cấn không ngờ buổi trưa đã thấy họ đi về.

Ngày 13/3/1975, được tin Ban Mê Thuột thất thủ, tôi buồn bực đi lên BCH/LĐ thì gặp Trung Tá Lượm, ông mời tôi ăn trưa và tâm sự:

-“Cái” chiến lược đem 2 Sư Đoàn Tổng Trừ Bị ra Quân Khu I để giữ đất không khá được, VC gom quân để đánh chỗ này chỗ khác mà Tổng Trừ Bị lại bị giam tại Quân Khu Icho nên ta mất Phước Long và Ban Mê Thuột, đất QK I có mất một phần mà quân còn thì mình chiếm lại được, quân mất thì làm sao giữ đất!

Trầm ngâm rồi Tr/Tá Lượm giải thích thêm: 

-Hai SĐ Dù và TQLC có hậu cứ tại Saigon và Thủ Đức nơi gần phi trường và hải cảng, nếu VC tập trung quân đánh ở bất cứ nơi nào tại Miền Nam thì chỉ vài ngày đến 1 tuần là cả 2 SĐ có thể tăng viện cho vùng đó. Từ sau năm 1972 cả 2 Sư Đoàn Dù và TQLC bị giam tại Quân Khu I vì vậy khi VC đánh Phước Long tháng 12/74 và Ban Mê Thuộc 3/10/75 mình không có quân Tổng Trừ Bị tiếp viện cho nên mất 2 nơi này.

Ông tiếp:

-Sử dụng Tổng Trừ Bị như Địa Phương Quân làm tinh thần chiến đấu binh sĩ sa sút, hơn nữa Tổng Trừ Bị đang ở thế chủ động trên chiến trường trở thành thế bị động trên những cứ điểm mà địch biết rõ, và khi một đạo quân đã căng ra để giữ đất muốn rút đi tiếp viện một chỗ khác thì rất khó vì địch sẽ truy kích, cản đường nhiều khi không rút được, mình đã bị trúng kế “diệu hổ ly sơn” rồi!.

Trung Tá Lượm còn nói về nhiều vấn đề khác nhưng không liên quan đến bài viết này, riêng câu “mình bị trúng kế điệu hổ ly sơn rồi” làm tôi suy nghĩ suốt 40 năm qua, không biết ai là kẻ tung kế này!?

Trong những năm 1966, 1967,1968 CSBV mỗi năm đều tung quân ra quấy phá Quân Khu I, chúng đã bị các đơn vị Tổng Trừ Bị Dù và TQLC từ hậu cứ tại Saigon và Thủ Đức tới Quân Khu I trong thế chủ động đánh đuổi chúng vào rừng núi, sau chiến thắng Tổng Trừ Bị rút về hậu cứ để nghỉ-bổ xung quân số và sẵn sàng cho những trận chiến khác.

Năm 1968 (Mậu Thân)chúng đánh lớn và thua lớn, thiệt hại nặng nề. Theo wikia.org thì trong năm 1968 có 181.149 tên VC và CSBV bị giết, khiến chúng phải dưỡng quân 3 năm đến năm 1972 CSBV  gom góp đám thanh niên mới lớn tại Miền Bắc rồi nướng trên 100.000 quân trong trận 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa tại Miền Nam.

Tóm lại từ 1966 đến 1972 với chiến pháp Tổng Trừ Bị sẵn sàng tại hậu cứ chờ quân CSBV xuất đầu lộ diện bất cứ nơi nào tại Miền Nam VN thì ta mang quân Tổng Trừ Bị khỏe mạnh, trong thế chủ động đến tiêu diệt quân CSBV đang mệt mỏi, đã lộ diện và ở thế bị động, chiến pháp này đã thành công, VNCH đã chiến thắng CSBV tại khắp mặt trận. Vì vậy muốn chiếm Miền Nam thì phải bó tay hai Sư Đoàn Dù và TQLC, điều này người “bạn đồng minh” Mỹ biết rất rõ.

Năm 1971, tên Kissinger bí mật đến Tầu, dọn đường cho năm 1972, Kissinger và Nixon qua thăm Trung Cộng chính thức, không biết chúng ăn bả gì của Tầu mà sau đó ngoài mặt Mỹ vẫn là đồng minh của VNCH nhưng sau lưng họ đã bí mật liên kết với Tầu Cộng và tay sai là CSBV để triệt hạ Miền Nam VN, sự phản bội này đã dần dần được giải mã.Theo Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong chương “Mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Saigon” của cuốn sách“Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” thì từ năm 1971, sau khi qua Trung Cộng tên Kissinger đã xui Nixon bán đứng VNCH cho Trung Cộng và tay sai là CSBV, khi Nixon sợ mất mặt nước Mỹ, tên Kissinger đã hiến kế: “Cứ đổ cho VNCH là bất lực và yếu kém (incompetence)”, từ đó chúng đã thực hiện dần dần kế hoạch làm suy yếu VNCH!.

Bước đầu tiên là “giam” 2 Sư Đoàn Dù và TQLC tại Quân Khu I, Tổng Trừ Bị VNCH đang ở thế chủ động biến thành bị động giữ đất trong các cứ điểm đã lộ rõ. Thật vậy, sau chiến thắng của VNCH trong Mùa Hè Đỏ Lửa, CSBV bị kiệt quệ, chúng đã phải ký Hiệp Định Paris 1973, Quân Khu I yên tĩnh, cớ sao lại phải giữ 2 Sư Đoàn Tổng Trừ Bị tại đây? Tổng Thống Thiệu, người có thẩm quyền điều động Tổng Trừ Bị và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (Tư Lệnh Quân Khu I) người nhận và có thể cũng là người đã yêu cầu giữ Tổng Trừ Bị tại Quân Khu I, là 2 người có liên quan, không biết trong bóng tối Người Mỹ có dính dáng gì đến quyết định nàykhông?

Sau khi mất Phước Long và Ban Mê Thuột, Tổng ThốngNguyễn Văn Thiệu họp với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Khu I ngày 13/3 và 19/3/191975 tại Saigon để tái phối trí lực lượng.Không ai biết rõ nội dung hai buổi họp này! Đã có nhiều bài viết về các buổi họp, nhưng không sát với thực tế, nên tôi đã lấy tin tức từ Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải là người gần với Tướng Trưởng nhất và Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Thiệu, cả hai đều viết giống nhau, và theo hai nhân chứng này thì Quân Khu I (QKI) đã được tái phối trí như sau:

1.QKI trả Sư Đoàn Nhẩy Dù lại cho Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH.

2.QKI giữ lại Sư Đoàn TQLC để cùng với 3 Sư Đoàn Bộ Binh cơ hữu 1,2,3 và Biệt Động Quân- Thiết Kỵ co cụm tử thủ 3 cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, nếu vì lý do gì không giữ được cả 3 cứ điểm trên thì bằng mọi giá phải giữ Đà Nẵng.

Hồi ký của Đại Tướng Cao Văn Viên TTMT/QL/VNCH viết về phiên họp ngày 19/3/1975 giữa Tổng Thống Thiệu và Trung Tướng Trưởng như sau:

         Tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp:

Kế hoạch thứ nhất:

 Nếu Quốc lộ 1 (QL1) còn sử dụng được, quân ông sẽ rút từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng.

Kế hoạch thứ hai:

Nếu QL1 bị cắt, các lực lượng sẽ rút vào ba cứ điểm là Chu Lai, Huế, và Đà Nẵng, nhưng Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân để cuối cùng thì rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chính do bốn Sư Đoàn Bộ Binh và bốn Liên Đoàn BĐQ đảm nhận.

 

Trong tinh thần trên, Sư Đoàn Nhẩy Dù rời Quân Khu I vào hạ tuần tháng 3/1975.

Ngày 16/3/1975 LĐ369/TQLC rời Quảng Trị đến Thượng Đức Quảng Nam để thay thế Nhẩy Dù.

Ngày 18/3/1975 LĐ258/TQLC (trong đó có tôi) rời Mỹ Thủy-Quảng Trị đến Nam Thừa Thiên để bảo vệ Quốc Lộ 1 Huế-Đà Nẵng.

PHÒNG THỦ CỨ ĐIỂM THỪA THIÊN- HUẾ:

Để viết phần này, tôi dựa vào tài liệu từ phỏng vấn và hồi ký của:

-Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí-Lư Lệnh Lực Lượng Tây Bắc Huế.

-Wipekida Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH.

– Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Ngọc Đỉnh Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh.

– Và phỏng vấn những người liên quan khác.

 Lưu ý: Tôi chỉ kể quân chính quy của 2 bên, không nói đến các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát của VNCH, các lực lượng Du Kích, Đặc Công của CSBV.

          Lực Lượng VNCH Tại Thừa Thiên-Huế:

1-Tây Bắc: LĐ147/TQLC, LĐT là Đại Tá Nguyễn Thế Lương, gồm 4 Tiểu Đoàn 3, 4, 5, 7/TQLC, 1 Đại Đội Viễn Thám, TĐ 2 Pháo Binh TQLC, Liên Đoàn 14BĐQ gồm 3 tiểu đoàn và 1 Đại Đội Viễn Thám.

Tất cả các lực lượng trên được chỉ huy bởi Đại Tá TQLC Nguyễn Thành Trí.

2-Tây Nam: SĐ1BB gồm 4 trung đoàn và 1 Đại Đội Hắc Báo, 1 Đại Đội Trinh Sát, các thành phần yểm trợ như 3 tiểu đoàn pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn pháo binh 155 ly, Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh.

3-Yểm Trợ:Yểm trợ cho toàn mặt trận Thừa Thiên-Huế là Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh gồm Thiết Đoàn 20 Chiến Xa có 51 chiến xa M48 mới tinh, (nên nhớ chiến xa M48 là khắc tinh của chiến xa CSBV T54), Thiết Đoàn 17 Kỵ Binh gồm khoảng 100 chiếc M113 và M41, các Tiểu Đoàn Pháo Binh 155 Ly.

Các lực lượng kể trên được gọi là Quân Đoàn I Tiền Phương và được chỉ huy bởi Trung Tướng Lâm Quang Thi, ông cũng là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I. Đây là 1 đạo quân thiện chiến hàng đầu của Quân Lực VNCH, đạo quân này sẽ đánh bại bất cứ lực lượng CSBV nào.

 

4-Nam Thừa Thiên và Quốc Lộ 1:

-Liên Đoàn 15BĐQ gồm các Tiểu Đoàn 60, 61, 94 BĐQ. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 15 BĐQ đóng tại Phú Bài. Liên đoàn này trải quân sâu về phía Tây cách Quốc Lộ 1 khoảng 5 cây số.

-Lữ Đoàn 258/TQLC gồm TĐ1 và TĐ8 ém quân ven QL1 từ Bắc Cầu Truồi đến Cầu Đá Bạc- Phú Lộc. BCH LĐ258 đóng tại phía Bắc Sông Truồi cùng với Đại Đội B Viễn Thám, Tiểu Đoàn trừ 1 Pháo Binh 105 Ly.

          Lực Lượng CSBV Tại Thừa Thiên-Huế:

Lưu ý: Tôi chỉ kể quân chính quy, không kể du kích địa phương, đặc công.

Theo tài liệu Wikipedia CSBV thì lực lượng Chính Quy CSBV tấn công vùng Huế-Thừa Thiên gồm:

-Sư Đoàn 324 với 3 trung đoàn, Sư Đoàn 325 với 2 trung đoàn, 1 trung đoàn đã tăng phái cho mặt trận Ban Mê Thuột và yểm trợ cho cả 3 mũi tấn công Huế,Đà Nẵng, Quảng Nam có Lữ Đoàn Xe Tăng 203, Lữ Đoàn Pháo 164, Sư Đoàn Phòng Không 673.

TƯƠNG QUAN QUÂN SỐ CỦA HAI BÊN TẠI CHIẾN TRƯỜNG

HUẾ THỪA THIÊN:

Tôi chỉ kể những tiểu đoàn chính quy tác chiến. Nên nhớ 1 tiểu đoàn Bộ Binh quân số khoảng 500-600 binh sĩ. Tiểu Đoàn TQLC có quân số khoảng 700. 1 tiểu đoàn CSBV quân số khoảng 300-400 binh sĩ.

          -VNCH:Tổng cộng 24 tiểu đoàn tác chiến gồm:.

LĐ147/TQLC (4 tiểu đoàn).

Liên Đoàn 14BĐQ 3 tiểu đoàn.

SĐ1BB gồm 4 trung đoàn mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn như vậy là 12 tiểu đoàn.

LĐ258/TQLC có 2 tiểu đoàn.

Liên Đoàn 15BĐQ 3 tiểu đoàn.

          -CSBV:Tổng cộng 15 tiểu đoàn gồm Sư Đoàn 324 có 3 trung đoàn mỗi trung đoàn 3 tiểu đoàn, Sư Đoàn 325 có 2 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn.

TRẬN ĐÁNH TRÊN QUỐC LỘ 1 HUẾ-ĐÀ NẴNG NAM THỪA THIÊN.

(Từ phần này đến những đoạn sau, tôi viết dựa theo kinh nghiệm của chính tôi, phỏng vấn những quân nhân tham dự trận chiến thuộc Lữ Đoàn 258 TQLC và Liên Đoàn 15 BĐQ, riêng với Thiếu Tá Đỗ Thanh Quang-Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 61BĐQ và Đại Tá TQLC Nguyễn Năng Bảo-LĐT/LĐ258/TQLC lúc đó. Tôi đã phỏng vấn họ 10 năm trước,khi tôi viết bài “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi”.

Phía CSBV tôi dựa theo hồi ký của tên Thiếu Tướng NguyễnĐức Huy lúc đó là Phó Tư Lệnh-Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 325 CSBV, điều cần phải nêu ra là hồi ký của tất cả bọn cán binh CSBV đều được viết theo đơn đặt hàng của Ban Chính Huấn CSVN, nên có nhiều khoác lác bịa đặt, tôi chỉ lấy ra những phần hợp lý)

Ngày 18/3/1975, LĐ258/TQLC rời Mỹ Thủy- Quảng Trị, đoàn xe dài đưa chúng tôi ra QL1, khi qua cầu Mỹ Chánh thì “được” CSBV chào đón bằng mấy trái cối 82 ly, nhưng không có thiệt hại. Chúng tôi qua Huế mà lòng bồi hồi thương tiếc vì linh cảm rằng đây là lần cuối cùng.

Địa điểm đóng quân mới của LĐ258 tại phía Nam Tỉnh Thừa Thiên, từ phía Bắc Cầu Truồi đến Phú Lộc.

Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm-Lữ Đoàn Phó cho biết Lữ Doàn có nhiệm vụ:

-Bảo vệ giao thông và tiếp tế trên Quốc Lộ 1 phía Nam Thừa Thiên.

-Làm thành phần cản hậu nếu Quân Đoàn I Tiền Phương rút về Đà Nẵng.

Cùng nhiệm vụ với LĐ258/TQLC có Liên Đoàn 15BĐQ, bộ chỉ huy đóng tại Phú Bài các tiểu đoàn đóng sâu trong núi phía Tây còn, TQLC thì ém quân ven Quốc Lộ 1, tuyến phòng thủ từ Bắc Sông Truồi đến Phú Lộc.

Tuyến phòng thủ của Lữ Đoàn 258/TQLC

Quân rút thì dân cũng chạy theo, người dân Quảng Trị-Huế đã có quá nhiều kỷ niệm đau thương với CSBV, năm Mậu Thân 1968 CSBV đã chôn sống trên 5.000 người dân Huế bao gồm cả đàn bà và học sinh. Năm 1972 CSBV đã xả súng tàn sát mấy ngàn dân Quảng Trị gồm thường dân, đàn bà trẻ em khi họ bỏ trốn khỏi vùng giao tranh trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, chiến pháp của CSBV là “Tam Dân”- dùng dân lành làm bia đỡ đạn, dùng dân để lấy lương thực,dùng dân để lấy tin tình báo, vì vậy khi dân chạy trốn thì bị chúng khủng bố và tàn sát dã man.

Từ ngày 18/3/1975 đến ngày 21/3/1975 người dân Quảng Trị-Huế đã bỏ nhà cửa ruộng vườn,theoQuốc Lộ 1 chạy về Đà Nẵng, họ dùng tất cả phương tiện xe hơi, xe gắn máy, xe đạp và đi bộ để chạy giặc đầy trên Quốc Lộ 1, bất kể ngày đêm. CSBV không bỏ lỡ cơ hội này nên các dàn đại pháo 130ly của chúng đã xả đạn không thương tiếc vào đoàn người, nhiều người trúng đạn ngã gục nhưng những người phía sau vẫn hoảng loạn đạp lên những người xấu số để đi, chính quyền địa phương Quân Đoàn I hầu như bỏ rơi họ, tôi không thấy các toán y tế săn sóc sức khỏe cho dân, tôi cũng không thấy các toán an ninh cảnh sát thanh lọc lũ đặc công CSBV đang trà trộn trong dânđể lọt vào Đà Nẵng, Lữ Đoàn 258TQLC đã tự động làm công tác “dân sự vụ”, các toán Quân Y săn sóc sức khỏe, cứu thương, cung cấp lương thực cho dân, các binh sĩ thì mai tang những người xấu số.

MX Phạm Vũ Bằng